2.4.22

Tại sao nên thực hành triết học với trẻ em?

TẠI SAO NÊN THỰC HÀNH TRIẾT HỌC VỚI TRẺ EM?

Tác giả: Edwige Chirouter[*]

Những cách thực hành này giúp nhận ra, đằng sau người học trò, ngay cả người gặp khó khăn nhất, là một chủ thể đáng được lắng nghe. Shutterstock

Thực hành triết học với trẻ em đang phát triển khắp nơi trên thế giới từ hơn 50 năm nay. Những thách thức có nhiều và vượt xa sự cần thiết phải dân chủ hóa việc dạy triết học trước năm cuối bậc trung học (Classe Terminale – tương đương lớp 12 - ND -). Đó là phát triển từ tuổi rất nhỏ óc phê phán, vun đắp tư duy phức hợp và ý nghĩa của tính dễ bị tổn thương của nó trước những vấn đề lớn muôn thuở và có tính phổ quát.

Cách thực hành này nâng cao giá trị của đối thoại và ý nghĩa rõ ràng của những khác biệt, vốn đòi hỏi một hoạt động trí thức chặt chẽ. Trong ý nghĩa này, nó tham gia cao độ vào những sứ mệnh chính trị của trường học và có thể góp phần đào tạo những nam, nữ công dân hiểu biết sáng suốt.

Một lý tưởng dân chủ

John Dewey (1859-1952)
Matthew Lipman (1923-2010)

Người mở đường cho những nghiên cứu về triết học với trẻ em, Matthew Lipman, là một môn đệ của John Dewey, một trong những nhà sáng lập “chủ nghĩa thực dụng”, bênh vực cho một nền triết học giải phóng, phục vụ cho dân chủ và bám sâu vào thực tại, dựa trên kiểu mẫu điều tra và phương pháp tiến hành khoa học.

John Dewey không thừa nhận cách nhìn nặng tính kỹ thuật về dân chủ (như là chỉ có cơ chế hình thức) và thiên về xem dân chủ là một lối sống: nghĩa là như một tổng thể năng động những năng lực và thói quen hành xử, nói và thảo luận với nhau. Từ đó, Matthew Lipman có ý tưởng tạo ra trong các lớp với những học sinh rất nhỏ tuổi cái mà ông gọi là “Những cộng đồng nghiên cứu triết học” (Communautés de Recherche Philosophique -C.R.P.-), chúng sẽ thực hiện khái niệm dân chủ này.

Đọc thêm: Những câu hỏi lớn mà trẻ em đặt ra cho chúng ta (và trả lời như thế nào) - Ces grandes questions que nous posent les enfants (et comment y répondre)

Trong các buổi thảo luận này, cũng như bên trong của một phòng thí nghiệm, trẻ em thường ngồi thành vòng tròn, đối mặt nhau, sẽ phát biểu những câu hỏi và đánh giá những ý tưởng được nêu ra. Từ một vấn đề (ví dụ “thế nào là một đạo luật chính đáng?”) trẻ em được đề nghị lập ra các giả thuyết, suy ra những giả định trước và những hậu quả, biện hộ cho những ý kiến của mình, cả tập thể đánh giá sự hợp thức hóa hợp lý và đạo đức của những đề nghị khác nhau. Chúng khai triển một cách kiên trì – nhờ sự hỗ trợ chặt chẽ của nam hoặc nữ giáo viên - một tư duy được xem là vừa phê phán, vừa cẩn trọng và sáng tạo.

Trong các nhóm thảo luận này, trẻ em sẽ trình bày các câu hỏi và đánh giá những ý tưởng được đưa ra. Chuyên ngành Thực hành triết học với trẻ em, do tác giả cung cấp

Như thế, ngay trong nền tảng của triết học với trẻ em, ta đã nhắm đến phát triển những năng lực của tư duy và những phẩm chất của con người vốn là trung tâm của dự án mang tính nhân bản và dân chủ: đào tạo những chủ thể tự do và tự chủ, có khả năng thực hành tinh thần phê phán, phát triển một tư duy dựa trên lý tính, mang tính đạo đức và phức hợp, nhận ra những sai lầm có thể có của mình khi đối diện với những câu hỏi lớn vốn không thể tìm thấy câu trả lời duy nhất và vĩnh viễn, nhưng cũng tạo thuận lợi cho một dạng đạo đức nào đó về quan hệ giữa mình và tha nhân. Trong ý nghĩa đó, triết học giúp đấu tranh chống lại hai chệch hướng trí thức của thời hậu hiện đại: chủ nghĩa tương đối của các quan điểm và chủ nghĩa giáo điều của các niềm tin.

Jacques Derrida (1930-2004)

Tại Pháp, trong những năm 1970, Jacques Derrida và GREPH (Groupe de Recherche en Épistémologie Politique et Historique - Nhóm nghiên cứu về khoa học luận chính trị và lịch sử -) đã kêu gọi “làm triết học bên ngoài những bức tường (“philosopher hors les murs”), sáng tạo một cách thực hành triết học trước năm cuối trung học, và cả ở bên ngoài nhà trường. Nhưng chỉ mới từ khoảng 30 năm nay người ta mới thấy có một mối quan tâm rộng rãi đến những cách thực hành này trong thế giới Pháp ngữ: nhân rộng những thực nghiệm trong lớp, thiết lập các mạng lưới của giới giảng dạy và nghiên cứu, hội thảo tập hợp nhiều tác nhân của mạng lưới này, công bố những bài báo trên các báo và tạp chí, thành công của những bộ sách cho thiếu nhi (“Les goûters philo” - Trà chiều triết học - do nhà xuất bản Milan, hay bộ sách “Les Petits Platon” - Các Platon tí hon -), các lớp đào tạo giáo viên, tiu luận và luận án về chủ đề này và từ tháng sáu năm 2016 là việc thành lập một chức danh giáo sư thực thụ Unesco đầu tiên chuyên về “Thực hành triết học với trẻ em, một nền tảng giáo dục vì đối thoại liên văn hóa và biến đổi xã hội” tại Đại học Nantes.

Việc đưa vào chương trình các trường tiểu học Pháp k từ năm 2002 những “cuộc thảo luận” hay “những cuộc thảo luận có hướng dẫn” (discussion réglées) và một chương trình văn học đầy tham vọng đã cho phép hợp pháp hóa về mặt thể chế những cách thực hành này trong lớp học.

Những thách thức khác nhau về đạo đức và chính trị

Jacques Lévine (1923-2008)

Chúng ta phân biệt ba mục đích chính của triết học với trẻ em và tương ứng với chúng là ba trường phái lớn có thể thu hút những cách thực hành này:

  • Một thách thức đầu tiên về đạo đức, vì những cách thực hành này giúp nhận ra đằng sau người học trò (ngay cả người gặp khó khăn nhất hay trong tình trạng bị khiếm khuyết) một chủ thể đáng được lắng nghe, tôn trọng, về lời nói và suy nghĩ, một “người đối thoại có giá trị”, theo cách diễn đạt được Jacques Lévine tìm ra một cách chính xác.
  • Một thách thức thứ hai về dân chủ và chính trị, vì những cách thực hành này, chủ yếu được xây dựng dựa trên sự thảo luận dân chủ và hợp tác, là một dịp để tập lắng nghe những ý kiến bất đồng, tập nhận xét phê phán và thảo luận.
  • Cuối cùng là một thách thức sư phạm, vì ở đây liên quan đến dân chủ hóa việc tiếp cận một ngành học nổi tiếng là khép kín và dành cho giới tinh hoa và hơn nữa là thực sự dành cho một vài người, nam cũng như nữ.

Ba thách thức này tất nhiên là bổ sung cho nhau: thực hành triết học với trẻ em cần cùng với trẻ thiết lập những cơ sở cho một mối quan hệ đạo đức, đồng thời cũng tin chắc vào vào tính khẩn cấp về mặt chính trị phải đào tạo các nam, nữ công dân hiểu biết sáng suốt và cuối cùng là mong ước tiến trình dân chủ hóa ngành học này được thực hiện.

Thực hành triết học với trẻ em giúp đào tạo nên những công dân hiểu biết sáng suốt. Chuyên ngành Thực hành triết học với trẻ em, do tác giả cung cấp

Như vậy, không phải vì việc thực hành triết học chẳng qua là dễ dàng nên ta có thể thực hành với trẻ em, mà ngược lại chính vì nó khó nên phải bắt đầu sớm. Nếu chúng ta muốn thực sự dân chủ hóa việc giảng dạy triết học, thì phải có khả năng cung cấp cho tất cả học sinh, và càng sớm càng tốt, những công cụ ngôn ngữ và văn hóa để có thể giúp chúng đáp ứng những yêu cầu đặc thù của sự dân chủ hóa việc dạy triết học.

Không né tránh những nguyên nhân chính trị và xã hội của những khó khăn học đường, không mị dân cũng không theo chủ nghĩa tinh hoa, chỉ duy nhất sự làm quen và học hỏi sớm tính chặt chẽ của tư duy mới có thể giúp thắng được cuộc thách đố này.

Văn học (tuổi trẻ), một môi trường để suy nghĩ

Văn học là một lĩnh vực trung gian tốt nhất để học tập triết học. Thực vậy, đứa trẻ trong bước đầu sơ khai của suy nghĩ phản tư, trẻ không biết và không thể thoát khỏi tính chủ quan, và kinh nghiệm về thế giới của trẻ tất nhiên là còn hạn chế. Vì thế phải cung cấp cho trẻ các phương tiện trau dồi lập luận của mình và giải phóng trẻ khỏi quan điểm duy nhất của trẻ.

Không thể chối cãi là văn học tạo thuận lợi cho quá trình rời bỏ sự tập trung vào tư duy duy kỷ (décentration). Bởi vì hư cấu văn học - hoàn toàn không phản lại hay bóp méo thực tại – hiển lộ nó một cách sâu sắc nhất. Hư cấu thiết lập một cầu nối giữa một kinh nghiệm riêng của cá nhân – do tính chất quá riêng tư và đầy xúc động của nó, kinh nghiệm này cản trở việc lấy một bước lùi và sự phân tích – và khái niệm – do tính chất lạnh lùng của nó, khái niệm này có thể làm hại đến sự tham gia của cá nhân. Những truyện hư cấu đặt vấn đề triết học vào “khoảng cách thích hợp”: giữa sự quá gần gũi của kinh nghiệm cá nhân và tính trừu tượng của khái niệm. Suy nghĩ từ những nhân vật của hư cấu (chứ không phải từ trải nghiệm của chính bản thân) giúp lấy khoảng cách về cảm xúc vốn cần thiết cho thực hành triết học.

Paul Ricœur (1913-2005)

Trong nửa sau thế kỷ XX, Paul Ricœur đã suy nghĩ lại về khái niệm văn học và những mối liên hệ chặt chẽ của nó với triết học. Văn học hư cấu – vì nó tượng trưng cho khả năng được tăng cường với những kinh nghiệm nổi bật và có ý nghĩa về một hay nhiều sự thật của thế giới – cho phép chúng ta suy nghĩ về thân phận con người trong tất cả sự phức hợp của nó. Thoát ra khỏi những ràng buộc của cái thực dựa vào kinh nghiệm, những quy luật vật lý, và cả những quy tắc đạo đức, hư cấu giúp tôi được ủy quyền để sống với điều mà thực tại tự nó không bao giờ cho phép tôi sống như vậy: với tư cách là nhà văn hay độc giả, tôi có thể phạm một tội giết người, và như trong tiểu thuyết Crime et Châtiment (Tội ác và Trừng phạt), tôi có thể trải nghiệm trong nội tâm những ray rứt của lòng hối hận. Tôi có thể trở thành vô hình như người chăn cừu Gygès trong huyn thoại của Platon, và trải nghiệm khả năng vô tận của sự vi phạm luật lệ và các quy tắc của Thiện và Ác. 

Hư cấu là một chỗ dựa để hiểu người khác cảm nhận gì. Chuyên ngành Thực hành triết học với trẻ em, do tác giả cung cấp

Như vậy, văn học cho chúng ta thấy một dạng nào đó của sự thật của thực tại. Khi mà chúng ta muốn thoát khỏi thế giới bằng cách đắm mình trong một tiểu thuyết, thì chính hư cấu này đem chúng ta trở lại với chính thực tại của chúng ta bằng cách cho ta thấy nó dưới một góc cạnh khác. Thoát thân vào một thế giới tưởng tượng đưa chúng ta trở lại với thực tại, một thực tại được nhìn lại dưới ánh sáng của hư cấu này, nó đã làm đảo lộn thực trạng của những điều ta tin chắc: Những thí nghiệm về tư duy mà chúng ta tiến hành trong phòng thí nghiệm lớn của tưởng tượng cũng là những thăm dò được thực hiện trong vương quốc của thiện và ác”, Ricœur đã viết như vậy trong Soi-même comme un autre (Chính mình như một người khác).

Tomi Ungerer (1931-2019)
Claude Ponti (1948-)

Đọc thêm: Đọc sách thiếu nhi: lớn lên không ngừng với Tomi Ungerer - Lecture d’enfance: grandir sans fin avec Tomi Ungerer

Văn học giới trẻ đương đại ngày nay rất phong phú về văn chương và triết học và nó cũng thách đố trí thông minh của những độc giả rất trẻ. Do đó, quan tâm đến những câu hỏi mang tính siêu hình của trẻ em dường như là một xu hướng lớn của văn học giới trẻ đương đại. Nhiều tác giả như Tomi Ungerer, Claude Ponti, Kitty Crowther cung cấp cho các độc giả của họ những câu chuyện tinh tế, nên thơ và thông minh, gợi cho họ những suy nghĩ.

Hannah Arendt (1906-1975)
Hartmut Rosa (1965-)

Việc thiết lập những giờ của Cộng đồng nghiên cứu triết học (Communauté de Recherche Philosophique) trong trường học và ngoài xã hội (chẳng hạn như trong các thư viện) cụ thể hóa điều mà Hannah Arendt gọi là “những ốc đảo tư duy”, nghĩa là tạo ra những khoảng thời gian và không gian tách rời khỏi những nhộn nhịp của thế giới, ở đó những người tham gia có thể lấy khoảng cách để bình tâm suy nghĩ về toàn bộ những thách thức của sự hiện hữu và của đời sống xã hội. Trong ý nghĩa đó, những “ốc đảo” này có thể hỗ trợ tiến trình giải phóng, nhận biết và “cộng hưởng” cho bản thân, cho những người khác và cho thế giới, như quan niệm của triết gia Đức Hartmut Rosa. Do đó, thách thức của triết học với trẻ em không chỉ liên quan đến giảng dạy hay sư phạm, mà còn hoàn toàn có tính chính trị trong nghĩa cao quý nhất của thuật ngữ này.

Edwige Chirouter (1970-)

Vài nét về tác giả

Bà Edwige Chirouter là giáo sư đại học về triết học và các khoa học giáo dục tại Đại học Nantes, từ năm 2016 bà giữ chức danh giáo sư thực thụ, Unesco “Thực hành triết học với trẻ em, một nền tảng giáo dục vì đối thoại liên văn hóa và biến đổi xã hội”, có mục tiêu giúp phát triển những cách thực hành mang tính công dân này thông qua nghiên cứu, đào tạo, phổ biến các công cụ sư phạm trong trường học và trong công đồng, đối thoại giữa các tác nhân và trẻ em trên toàn thế giới.

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:Pourquoi faire de la philosophie avec des enfants”, The Conversation, 18.3.2022.




Chú thích:

[*] Giáo sư Đại học (Đại học Nantes). Triết học và các khoa học giáo dục. Chức danh Giáo sư thực thụ UNESCO/Đại học Nantes, lĩnh vực: “Pratiques de la philosophie avec les enfants, UNESCO” (Thực hành triết học với trẻ em).

Print Friendly and PDF