10.8.16

Kinh tế học vĩ mô



Kinh tế học vĩ mô

Macroeconomics
® Giải Nobel: FRIEDMAN, 1976 KLEIN, 1980 LEWIS, 1979 LUCAS, 1995 MEADE, 1977 MODIGLIANI, 1985 MUNDELL, 1999 OHLIN, 1977 SCHULTZ, 1979 SOLOW, 1987 TOBIN, 1981
Định nghĩa phân tích vĩ mô trong vài trang là một thách thức do trường của phân tích này vô cùng rộng lớn. Quyết định võ đoán được chọn trong bài này là xuất phát từ việc mô tả một mô hình kinh tế vĩ mô cơ bản, những giả thiết của mô hình ấy, những cách sử dụng có thể của mô hình và những vấn đề về mặt khái niệm mà mô hình đặt ra. Có thể sử dụng mô hình này một cách rõ ràng, hoặc thường mô hình là điểm qui chiếu ngầm của tư duy kinh tế vĩ mô. Sau khi mô tả mô hình và những giới hạn của nó, chúng tôi sẽ mô tả những phát triển và cải tiến được đưa vào mô hình: những cơ sở kinh tế vi mô của mô hình, những hiệu ứng tồn kho chứ không chỉ những hiệu ứng luồng, những hiệu ứng động, những bổ sung gắn liền với một mô tả chi tiết các cơ chế tài chính. 

Những nguyên lí cơ bản của phân tích và mô hình hoá kinh tế vĩ mô

Phân tích kinh tế vĩ mô điển hình giả định là có một số tác nhân tiêu biểu: một nhà sản xuất, một người tiêu dùng, một ngân hàng Tiêu biểu có nghĩa là các tác nhân này được giả định có hành vi của toàn thể những tác nhân kinh tế vi mô (giá cả làm cân bằng cung và cầu): thị trường tài chính, thị trường ngoại hối. Đối với những thị trường khác, giả thiết biến đổi tuỳ thị trường.
Trong mô hình keynesian sơ đẳng, giá của sản phẩm và lương danh nghĩa được giả định là cố định; do đó có sự hạn mức: sản xuất do cầu sản phẩm xác định và những người cung bị hạn mức; việc làm do cầu lao động xác định, và những người cung (người làm công ăn lương) bị hạn mức (có thất nghiệp). Trong mô hình được gọi là tổng hợp tân cổ điển của mô hình keynesian, lương danh nghĩa được giả định là luôn cố định nhưng giá làm cân bằng thị trường sản phẩm. Một gia tăng của cầu sản phẩm do đó dẫn đến một gia tăng của giá làm giảm lương thực tế và kích thích cung sản phẩm. Cuối cùng trong mô hình cổ điển, tất cả các thị trường đều ở thế cân bằng cạnh tranh. Thất nghiệp bao giờ cũng bằng với thất nghiệp tự nhiên và sản xuất bằng với sản xuất tự nhiên. Nếu cầu sản phẩm chỉ phụ thuộc vào lương thực tế thì có sự phân đôi: một gia tăng của cung tiền tệ kéo theo một gia tăng đúng như thế của giá cả, không có tác động đến những biến thực tế; cân bằng của thị trường sản phẩm xác định lãi suất. Đặc tính này không còn đúng nếu cầu sản phẩm cũng phụ thuộc vào những hiệu ứng của cải: một gia tăng của giá cả làm giảm của cải thực tế và cầu sản phẩm, và do đó có sự tương tác giữa thị trường sản phẩm và thị trường tiền tệ.      
Kiểu mô hình hoá này dùng vào việc gì? Nó cho phép phân tích tác động của những thay đổi trong các chính sách kinh tế (chính sách tiền tệ, tài khoá, tỉ giá hối đoái); trong những kiểu tài trợ khác nhau (bằng chứng khoán, bằng tạo sinh tiền tệ, ) các thâm hụt công cộng. Một phân tích nổi tiếng là phân tích bằng phiên bản Mundell Fleming của mô hình kinh tế vĩ mô tổng quát này. Đây là một mô hình với giá và lương cố định, cho phép phân tích, trong bối cảnh này, tác động của những chính sách kinh tế khác nhau trong những chế độ ngoại hối khác nhau và tuỳ theo tính cơ động quốc tế của vốn. Chẳng hạn, một chính sách mở rộng ngân sách làm tăng lãi suất để thu hút vốn dẫn đến một gia tăng của tỉ giá hối đoái và làm cho tình hình ngoại thương xấu đi.
Những giới hạn của mô hình hoá kinh tế vĩ mô truyền thống
Những mô hình kinh tế vĩ mô truyền thống mà chúng tôi vừa nêu một cách ngắn gọn có nhiều giả thiết đơn giản hoá khiến cho không thể sử dụng những mô hình này để nghiên cứu một số vấn đề. Trước hết, điều hiển nhiên là có vấn đề gộp các hành vi. Như chúng ta biết, tác nhân kinh tế tiêu biểu thường phải có một hành vi khác với hành vi của những tác nhân kinh tế vi mô sơ đẳng mà tác nhân tiêu biểu được xem là người đại diện. Do đó, về lí thuyết, ta không thể vận dụng hiểu biết của chúng ta về hành vi của các tác nhân kinh tế cơ bản để đong đo hành vi của tác nhân tiêu biểu.
Có thể nhận diện nhiều khó khăn. Trong mô hình kinh tế vĩ mô sơ đẳng, những hành vi thường không có cơ sở kinh tế vi mô (tối đa hoá hàm lợi ích của người tiêu dùng, tối đa hoá lợi nhuận ). Đặc biệt điều này không cho phép nghiên cứu những hiệu ứng về phúc lợi của các chính sách kinh tế. Thường không có phân tích liên thời gian (hiệu ứng của những thu nhập tương lai trên tiêu dùng, những thay thế liên thời gian); điều này loại khỏi trường của phân tích tất cả những hiệu ứng gắn liền với các dự kiến, với những ràng buộc khả năng thanh toán, với việc làm trơn theo thời gian của tiêu dùng. Ví dụ: trong mô hình keynesian thông thường, việc tài trợ chi tiêu công cộng bằng nợ dẫn đến một gia tăng của sản xuất lớn hơn gia tăng phái sinh từ việc tài trợ bằng thuế; đó là do những gia tăng thuế trong tương lai, cần thiết để đảm bảo khả năng thanh toán nếu chi tiêu công được tài trợ bằng nợ, không có vai trò nào cả trong kiểu mô hình này. Cuối cùng mô hình kinh tế vĩ mô thông dụng thường được chỉ định bằng những khái niệm luồng, thiếu những hiệu ứng tồn kho (quĩ nợ, quĩ vốn, quĩ tín dụng ). Một lần nữa, điều này khiến cho mô hình không có khả năng xem xét những cơ chế gắn với các hiệu ứng của cải, đến yêu cầu về khả năng thanh toán, rủi ro phá sản   
Tất nhiên, nhận định trên về sự tồn tại của những thiếu sót này đưa đến việc mở rộng mô hình cơ bản. Sau đây là một vài ví dụ của việc mở rộng này: đưa vào mô hình cơ bản những cơ sở kinh tế vi mô; những cơ chế động; mô hình hoá những cơ chế tài chính.
Đưa vào những cơ sở kinh tế vi mô
Ví dụ, vấn đề là suy ra một cách rõ ràng những hành vi tối đa hoá những mục tiêu liên thời gian của các tác nhân kinh tế (tiêu dùng, đầu tư, lựa chọn tài chính ). Điều này cho phép giải thích tất cả những hiệu ứng liên thời gian (ví dụ phân bổ trong thời gian của tiêu dùng và của cung lao động), những tác động về mặt phúc lợi, tác động của những cú sốc được dự kiến hay không Chính bằng kiểu mô hình hoá này mà ta có thể xem xét những hệ quả của những lựa chọn cách tài trợ những thâm hụt công cộng, những méo mó của các giá tương đối
Vài ví dụ khác: nhiều nỗ lực đã được bỏ ra để biện minh sự có mặt của những hiệu ứng keynesian (hiệu ứng bành trướng của một gia tăng của chi tiêu công cộng trên sản xuất) trong những mô hình mà tính cứng nhắc của giá không được đưa vào một cách ad hoc.
Trong nhiều năm, lí thuyết những cân bằng với giá cố định (với hạn mức) đã được phát triển; những kiểu cân bằng khác nhau (keynesian, cổ điển, lạm phát bị kềm chế) xuất hiện tuỳ theo vị thế của giá và lương đối với mức cân bằng cạnh tranh của những biến này. Tuy nhiên tính cố định của giá được giả định, hay được biện minh bằng một cách không có sức thuyết phục (thời hạn phản ứng, chi phí thực đơn kéo theo rằng thu hoạch của việc thay giá liên tục là thấp hơn nếu giá trước đó là giá cân bằng). Làm thế nào biện minh được, nếu giá là giá cân bằng và nếu lương thực tế làm cân bằng thị trường lao động, sự xuất hiện của những hiệu ứng keynesian? Một khả năng là thông qua hành vi cung lao động: gia tăng của thuế tương lai gắn với những chi tiêu công cộng có thể khiến các hộ gia đình tăng cung lao động, do đó kéo theo một gia tăng của sản xuất. Người ta cũng phải mô hình hoá một cách chính xác những quan hệ giữa các doanh nghiệp, ví dụ trong một bối cảnh cạnh tranh độc quyền.  
Một phát triển quan trọng khác: việc đưa vào các mô hình kinh tế vĩ mô một mô tả chi tiết hoạt động của thị trường lao động, điều này cho phép biện minh là lương cân bằng không phải là lương cân bằng cạnh tranh (việc này tước đi nội dung của ý cho rằng, trong mô hình cân bằng với giá cố định, trong dài hạn ta quay về thế cân bằng cạnh tranh). Ví dụ, người ta đã đề nghị biểu trưng các nghiệp đoàn như những nhà độc quyền tối đa hoá phúc lợi của họ do biết được hành vi của cầu lao động của các doanh nghiệp; điều này dẫn đến một lương cân bằng cao hơn lương cạnh tranh; điều tương tự cũng xảy ra nếu duy chỉ những người trong cuộc (những người làm công ăn lương đã được tuyển dụng vào doanh nghiệp) có quyền thương thảo lương, hay nếu người sử dụng lao động có thông tin không đầy đủ về tài năng hay nỗ lực lao động của người làm công ăn lương, và như thế những ràng buộc động viên cũng đẩy lương lên cao.
Cuối cùng, phải kể đến việc tính đến những hiệu ứng tồn kho trong lúc, như đã thấy trên đây, mô hình hoá kinh tế vĩ mô cổ điển được tiến hành bằng những khái niệm luồng. Tiến hoá này cũng cung cấp những cơ sở lí thuyết rõ ràng hơn, ví dụ cho việc lựa chọn danh mục cơ cấu đầu tư và cho cân bằng của những thị trường tài chính. Trong một viễn tượng liên thời gian, tiến hoá này cho phép nghiên cứu động thái của việc tích luỹ những tài sản tài chính và động thái của khả năng thanh toán của các tác nhân kinh tế. Sau đây là hai ví dụ: khả năng chi trả của ngân sách kéo theo là giá trị hiện tại hoá của quĩ nợ công cộng tương lai tiến đến 0 khi chân trời tiến đến vô tận; khả năng chi trả cho nước ngoài cũng được đảm bảo trong cùng một điều kiện như thế đối với quĩ nợ nước ngoài. Để có tính ổn định động của những khoản nợ này, thì mức nợ phải tác động đến những hành vi hiện hành của các tác nhân tài chính: một mức nợ công cộng cao phải đưa đến việc giảm chi tiêu công cộng; một nợ nước ngoài cao phải dẫn đến việc làm tăng tỉ suất tiết kiệm của đất nước.
Đưa vào những cơ chế động
Những mô hình kinh tế vĩ mô xưa nhất chủ yếu là những mô hình tĩnh; việc đưa vào những cơ sở kinh tế vi mô (tối đa hoá lợi ích liên thời gian của người tiêu dùng) tất yếu đưa vào một phân tích động. Phân tích này có thể có nhiều dạng: sự có mặt của những dự kiến duy lí, việc mô tả các chu kì, mô tả sự đan chéo nhau giữa các thế hệ hay những cơ chế tích luỹ vốn.
Các tác nhân kinh tế phải dự kiến nhiều biến để ra quyết định: tỉ giá hối đoái, lãi suất, thu nhập tương lai. Động thái của các mô hình với những dự kiến duy lí là lí thú và phức tạp. Những biến đối tượng của những dự kiến duy lí không được xác định trước (những biến này không tuỳ thuộc vào những giá trị gần đây của chúng); cùng với sự hội tụ, và với những dự kiến duy lí, chúng phải nhảy tức thì lên mức kế toán hướng đến mức phải đạt đến trong dài hạn.
Rudi Dornbusch (1942-2002)
Lấy ví dụ của mô hình nổi tiếng xác định tỉ giá hối đoái của Dornbusch: mở rộng tiền tệ không được dự kiến làm tỉ giá hối đoái mất giá tức thì, tiếp đó tăng giá dần (được dự kiến một cách duy lí) và tương thích với sụt giảm của lãi suất tiếp sau gia tăng của cung tiền. Bây giờ chuyển sang những mô hình biến động chu kì. Có rất nhiều mô hình loại này. Những mô hình xưa nhất (mô hình chu kì kinh doanh) dựa trên một thời hạn phản ứng của tiêu dùng đối với thu nhập lẫn trên một thời hạn phản ứng của đầu tư đối với sản xuất; do đó một cách then chốt chúng là kết quả của tính không duy lí của các dự kiến. Kinh văn gần đây phát triển những mô hình chu kì với những dự kiến duy lí. Những mô hình chu kì thực tế gắn với những hành vi thay thế liên thời gian của tiêu dùng để đáp trả các cú sốc, trong đó những cú sốc xác đáng nhất là những cú sốc nhắm vào tổng năng suất các nhân tố (TFP); những mô hình chu kì giới hạn gắn với những tính phi tuyến tự nhiên của hàm cầu tiền tệ trong một mô hình tuyến tính với những thế hệ đan chéo.
Ta tiếp tục với một kiểu động thái mới: động thái của những chuyển nhượng liên thế hệ trong những mô hình thế hệ đan chéo. Những mô hình này thường đưa vào hai thế hệ: người trẻ (người làm công ăn lương đang hoạt động) và người lớn tuổi (người về hưu). Người trẻ tiết kiệm và sử dụng tiết kiệm này để mua những tài sản tài chính trước đấy được người lớn tuổi tích luỹ; việc bán những tài sản tài chính cho phép người về hưu tiêu dùng. Một tài sản tài chính đặc biệt là tài sản tượng trưng cho vốn của các doanh nghiệp (cổ phiếu); vốn sản xuất, được tích luỹ nhờ việc phát hành cổ phiếu, do đó phụ thuộc một cách cơ bản vào khả năng tiết kiệm của người trẻ đang hoạt động. Nếu nền kinh tế thiếu vốn thì tất cả những biện pháp làm tăng tiết kiệm (chuyển việc đánh thuế sang người hưu trí, những biện pháp động viên thuế, ) đều tạo điều kiện thuận lợi cho việc tích luỹ vốn.
Ta kết thúc với những mô hình tăng trưởng. Mô hình truyền thống nhất là mô hình tăng trưởng tân cổ điển, có hiệu suất theo qui mô giảm dần đối với tư bản. Điều này kéo theo là năng suất cận biên của tư bản giảm với lượng tư bản. Do đó tích luỹ ngưng lại khi phần sản xuất không được tiêu dùng trang trải vừa đủ sự hao mòn của tư bản. Đặc tính này là khá khó chịu vì các nền kinh tế tăng trưởng không ngừng; do đó, từ mười năm nay người ta đưa vào những mô hình tăng trưởng nội sinh trong đó việc tích luỹ một yếu tố tăng trưởng khác với tư bản sản xuất của mỗi doanh nghiệp (tổng vốn, vốn con người, số sản phẩm, ) dẫn đến những lợi tức không đổi do đó có khả năng một tăng trưởng vĩnh viễn.
Mô tả chi tiết hơn những cơ chế tài chính
Trong mô hình kinh tế vĩ mô cơ bản, những cơ chế tài chính được đơn giản hoá cực kì: không có hiệu ứng của cải (trên đây chúng tôi đã phân tích điều này), không có ngân hàng (hay một cách tổng quát hơn không có trung gian tài chính); việc tạo sinh tiền tệ do đó chỉ là kết quả của việc tích luỹ dự trữ ngoại hối hay từ việc tài trợ tiền tệ một phần của thâm hụt công cộng. Việc đưa vào một mô tả chi tiết hành vi của các ngân hàng là quan trọng, vì điều này làm cho cơ chế tạo sinh tiền tệ phù hợp với thực tế của những nền kinh tế hiện đại. Như thế phải tra vấn hành vi cung tín dụng của các ngân hàng, và mối quan hệ giữa cung này và việc ngân hàng trung ương bơm thanh khoản vào (số nhân tiền tệ); vai trò của những qui tắc cẩn trọng, đặc biệt là những tỉ số vốn hoá; phản ứng của các ngân hàng trước rủi ro phá sản của người đi vay; khả năng hạn mức tín dụng, đặc biệt là nếu lợi tức tín dụng đối với ngân hàng cho vay không phải là một hàm tiền tệ tăng với lãi suất của tín dụng. Trường hợp này có thể xảy ra do rủi ro phá sản, hay cũng do những cơ chế lựa chọn nghịch loại bỏ những người đi vay tốt khi lãi suất tăng.
Việc hạn mức tín dụng tăng trong những thời kì có tình thế xấu, ví dụ do rủi ro phá sản tăng hay khi giá trị của những đảm bảo thế chấp giảm. Điều này là cơ sở của mô hình chu kì tín dụng: gia tăng của hạn mức khi nền kinh tế chuyển hướng làm tăng biên độ của chu kì.
BLANCHARD O. & FISCHER S., Lectures on Macroeconomics, Cambridge, MIT Press, 1989. MALINVAUD E., The Theory of Unemployment Reconsidered, Oxford, Basil Blackwell, 1997. MUET P. A., Théories et modèles de la macroéconomie, Paris, Economica, 1984. SARGENT Th., Macroeconomics,    Cambridge, MIT Press, 1990. Coll.: Essays in Honour of E. Malinvaud, t. 2, 1990.
Patrick ARTUS
Giám đốc nghiên cứu của CDC, Giáo sư đại học Panthéon-Sorbonne (Paris 1)
Nguyễn Đôn Phước dịch
® Chính sách kinh tế; Chính sách tài khoá; Đẳng thức đối lại đồng nhất thức; Hệ thống tài khoản quốc gia; Keynes (học thuyết); Lãi suất; Mô hình hoá; Tổng sản phẩm trong nước (GDP).
Nguồn: Dictionnaire des sciences économiques, sous la direction de Claude Jessua, Christian Labrousse, Daniel Vitry, PUF, Paris, 2001
Print Friendly and PDF