4.8.23

“Xã hội giám sát made in Trung Quốc” của Zhang Zhulin

“XÃ HỘI GIÁM SÁT MADE IN TRUNG QUỐC” CỦA ZHANG ZHULIN

Pierre-Antoine Donnet[*]

(Nguồn: Medium)
Zhang Zhulin

Thế giới của Orwell trong cuốn 1984 như thể bạn đang ở đó. Cuốn Xã hội giám sát made in Trung Quốc của Zhang Zhulin càng đáng tin và càng có sức mạnh hơn khi ta biết nó được viết bởi một nhà báo gốc Trung Quốc. Điều được ghi nhận vừa đơn giản vừa khủng khiếp: người dân Trung Quốc phải chịu sự giám sát liên tục, điều này khiến họ trở thành bản sao chính xác của cuốn sách mang tính tiên tri của George Orwell. 74 năm sau khi xuất bản, cuốn tiểu thuyết này đã trở thành hiện thực!

“Trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng 1984 của mình, George Orwell viết: “Ai kiểm soát quá khứ sẽ kiểm soát được tương lai. Ai kiểm soát hiện tại sẽ kiểm soát được quá khứ,” Zhang Zhulin nhắc lại trong cuốn sách do NXB Aube xuất bản. Thế mà đây chính là điều mà hệ thống giám sát tàn nhẫn của Trung Quốc được Chủ tịch Tập Cận Bình cẩn thận triển khai kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2012, đã đạt được. Mười một năm sau, hầu như không ai ở Trung Quốc có thể hy vọng lọt qua kẽ hở của cái lưới.

George Orwell (1903-1950)

“Sắp tới sẽ có hai camera cho mỗi người Trung Quốc, tức là hai tỷ bảy trăm sáu mươi triệu camera trong cả nước, theo một số ước tính. Với sự phát triển của Dữ liệu lớn, các mạng lưới giám sát ghê gớm đang được dệt nên, bao trùm không chỉ các thành phố mà còn cả các vùng nông thôn”. Zhang Zhulin, một nhà báo của tuần báo Courrier International, quả quyết: nhân dân Trung Quốc ngày nay đang “quỳ gối” trước sự kiểm soát toàn diện do Đảng Cộng sản và chủ nhân của nó là Tập Cận Bình áp đặt.

Zhang Zhulin, người đã sống ở Pháp từ mười bốn năm nay, là người gốc tỉnh Phúc Kiến, phía đông nam Trung Quốc, tỉnh đối diện với Đài Loan, Formosa cũ trước đây. Ông lớn lên ở Trung Quốc và do đó biết tất cả các khía cạnh của nó, bao gồm cả những chứng tật của một xã hội thường gây tuyệt vọng.

KHÔNG CÒN PHẢN KHÁNG NỮA

Sự thật là một nỗi buồn vô hạn, Zhang viết: “Vâng, để thoát khỏi nỗi sợ hãi, tốt hơn là nên làm quen với nó. Bên cạnh đó, không còn nghi ngờ gì nữa, khái niệm “an ninh” được người Trung Quốc ưa thích. Đa số họ tỏ ra thờ ơ với đôi mắt nhân tạo đang chăm lo cho cuộc sống hàng ngày của họ, nhiều người cho rằng đó là sự bảo đảm cho sự an bình của họ”. Vì vậy mà ngày nay, “không thể chối cãi, Bắc Kinh làm chủ sự thật”.

Bởi vì, nhà báo viết, “đúng là, trái ngược với tư thế cảnh giác của người phương Tây khi đối mặt với đôi mắt kiểu Orwell, phần lớn người dân Trung Quốc lại nhiệt tình tán thành chúng”. Đối với những người khác muốn chống lại sự theo dõi này, thì có sự sợ hãi này. Một nỗi sợ hãi lớn đến nỗi rất ít người còn dám đứng ra ngoài đám đông. Họ biết rằng nếu họ dám mạo hiểm, chắc chắn họ sẽ bị nhận dạng rất nhanh và nếu họ không chịu khuất phục, hình phạt sẽ đến.

Để đạt được mục đích của mình, Đảng hành động trên mọi mặt trận: tinh thần dân tộc chủ nghĩa, thông tin sai lệch, tuyên truyền ý thức hệ, sùng bái cá nhân xung quanh nhà lãnh đạo vĩ đại, người mang lại hạnh phúc cho 1,4 tỷ người Trung Quốc. Nếu mục tiêu đầu tiên là sự phục tùng, thì mục tiêu cuối cùng quan trọng hơn nhiều: kiểm soát não bộ. Bao gồm cả những đứa bé trẻ nhất được chăm sóc ngay từ trường tiểu học.

Mục tiêu là ép buộc người Trung Quốc trở nên ngoan ngoãn tuyệt đối. Chắc chắn, đây đó, một vài cơn giận dữ bùng phát từ các cộng đồng không còn chịu đựng được nữa những bất công phải gánh chịu, sự cưỡng đoạt của các tập đoàn bất động sản, sự ô nhiễm nguồn nước và không khí khiến cuộc sống hàng ngày không thể chịu đựng được nữa. Nhưng các cơ quan an ninh sẽ nhanh chóng bịt miệng họ.

Từ đó đảng cộng sản và bè lũ tay sai có thể yên tâm: tất nhiên là không còn phản kháng nữa. Cũng không còn bất cứ sự cáo giác nào cả, vì người dân sẽ bị thuyết phục là có được hạnh phúc và thịnh vượng vật chất này mà “hệ thống an toàn nhất thế giới” đã mang lại cho họ, như tác giả của cuốn sách này viết. Hơn một tỷ bốn trăm triệu người Trung Quốc có thể truy cập Internet. Chỉ riêng mạng WeChat của gã khổng lồ Tencent đã có 1,29 tỷ người dùng và mạng kia, Weibo, có 463 triệu người dùng. Tuy nhiên, tất cả các cuộc trao đổi đều bị xem xét kỹ lưỡng để loại bỏ bất kỳ biểu hiện không chính thống nào chỉ trong vài phút. Đã có hệ thống kiểm duyệt để mắt đến.

LÀN SÓNG CHỬI RỦA

Vào năm 2021, “văn phòng thông tin internet trung ương tự hào thông báo […] một tỷ ba trăm bốn mươi triệu tài khoản đã bị kiểm duyệt. Trên đất nước này gồm một tỷ bốn trăm triệu dân, việc giám sát đã được bộ máy tuyên truyền hùng mạnh của Nhà nước thúc đẩy như một nhân tố tích cực, như một vũ khí thần diệu để tóm bắt cái ác,” Zhang Zhulin nhấn mạnh.

Ngoài ra, ngoài sự kiểm duyệt cổ điển, nếu một người dùng Internet mạo hiểm chỉ trích chế độ trên các mạng xã hội, anh ta sẽ phải hứng chịu một loạt những lời lăng mạ từ mọi phía. Chẳng hạn như trường hợp của Huang Jin, một sinh viên Trung Quốc sống ở Pháp, đang học tại Đại học Paris I.

Trở về Trung Quốc và đối mặt với vô số thủ tục được áp đặt theo chính sách “Zero-Covid” có hiệu lực khi đó, cô ấy đã đăng một tin nhắn ngắn trên tài khoản Weibo của mình, trong đó cô ấy phàn nàn về sự chậm chạp đến mệt mỏi của một rừng các thủ tục. Cô hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ của cư dân mạng. Phần tiếp theo thật là bất ngờ.

Rất nhanh chóng, cô bị chìm ngập trong vô số lời lăng mạ, một số người trong số họ cho rằng cô đáng bị bỏ tù. Là nạn nhân của một vụ hành quyết công khai thực sự sau khi đã cố gắng giải thích hoàn cảnh của mình một cách vô ích, cô ấy chỉ có một lựa chọn duy nhất: xóa tất cả nội dung trong tài khoản của mình. Nhưng đã quá muộn, vì chỉ trong vài ngày, danh tính của cô đã bị tố cáo công khai nhờ một ứng dụng cho phép tìm kiếm mọi thông tin của người dùng Internet. “Kể từ khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi “nói tốt cho Trung Quốc” vào năm 2013, một kỷ nguyên tuyên truyền mới đã bắt đầu. Những lời chỉ trích trở nên không thể, không thể tha thứ được, chúng là chống Trung Quốc,” nhà báo nói thêm.

Lu Shaye (1964-)

Zhang Zhulin cho rằng, được củng cố bởi vị thế là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc ngày càng thờ ơ với các tranh cãi quốc tế. “Trong một cuộc phỏng vấn gần đây trên BFM TV, [Đại sứ Trung Quốc tại Paris] Lư Sa Dã (Lu Shaye) không ngần ngại sử dụng thuật ngữ “cải tạo” đối với người dân Đài Loan, sau khi Đài Loan được thống nhất với Trung Quốc”, biết rõ rằng đó “là một thuật ngữ cực kỳ nhạy cảm trong những năm gần đây trong cộng đồng quốc tế, gợi nhớ lại “các trại cải tạo” ở Tân Cương” hay cuộc Cách mạng Văn hóa nham hiểm, tác giả hiện là công dân Pháp giải thích.

TÁC DỤNG TÂM LÝ CỦA GIÁO DỤC

Zhang Zhulin nhớ mình đã bị cuốn vào sự hỗn loạn của các chiến dịch tư tưởng, hết chiến dịch này đến chiến dịch khác, phát minh ra các “ma trận được tiền chế tạo” tạo ra các khẩu hiệu như “Tôi yêu gia đình tôi, nhưng tôi yêu tổ quốc vĩ đại hơn nữa” hay “Tại sao bông đỏ lại đỏ như vậy? Người ông trìu mến trả lời tôi: vì nó được nhuộm bởi máu của những anh hùng Cách mạng”. “Tất cả những câu này đã đi cùng với tôi suốt thời thơ ấu và tuổi trẻ của tôi ở Trung Quốc rõ ràng đã chịu ảnh hưởng sâu sắc. Đặc biệt là vì chúng thường xuyên được phát sóng bởi vô số chương trình phát thanh và phát hình, các bản tin truyền hình”.

Do đó, ngay cả người Trung Quốc cũng bị chúng tác động và giữ lại trong đầu một phản xạ sợ hãi. “Tác động tâm lý xói mòn của giáo dục nằm ở đó, vô hình như không khí, nhưng lại quá hiện hữu”! Giống như nỗi sợ hãi, mặc dù Bắc Kinh cách xa 10.000 km, vẫn ám ảnh và theo đuổi người Trung Quốc ở Pháp và các nơi khác. Nỗi sợ hãi này biến thành sự tự kiểm duyệt, thầm lặng, trong sự xa cách xã hội, sự cảnh giác cao độ, như là một hoang tưởng tập thể, sự phục tùng, sự tuân thủ, sự chạy trốn”, Zhang viết.

Kể từ năm 2019, ngay cả trẻ mẫu giáo cũng trở thành mục tiêu tuyên truyền của Đảng. Sau bài phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình vào ngày 18 tháng 3 năm 2019 về chủ đề này, vào ngày 12 tháng 11 cùng năm, Ủy ban Trung ương ĐCSTQ và Quốc vụ viện đã công bố “Kế hoạch triển khai chủ nghĩa yêu nước trong thời đại mới” trong đó nhấn mạnh sự cần thiết “nắm lấy bàn tay [của trẻ em] từ thuở ấu thơ”.

Đối với tổng biên tập của một phương tiện truyền thông Trung Quốc được nhận diện dưới tên là Kouzi, “giáo dục đỏ” ở các trường tiểu học có những điểm tương đồng với chế độ Triều Tiên của triều đại Kim. Bà nói, người Trung Quốc không biết về những thay đổi đang diễn ra trong giáo dục, đánh dấu sự trở lại thời kỳ của Mao Trạch Đông. “Trường học không đào tạo trẻ em về quyền công dân, trường học chỉ muốn có những học sinh nô lệ được đào tạo bằng một chính sách ngu dân!” bà ấy nói.

Sự rập khuôn về mặt tư tưởng đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây. Sun Peidong, giáo sư tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, hiện là nhà nghiên cứu khách mời tại Science Po Paris, giải thích: “Hãy quỳ xuống, bất kể tầng lớp xã hội. Xuyên suốt lịch sử, khắc sâu trong ký ức của người Trung Quốc, nếu bạn không có “phả hệ đỏ”, bạn phải quỳ xuống”, câu được Zhang trích. Bà giáo sư bác bỏ ý kiến quy toàn bộ trách nhiệm cho Nho giáo, vốn đề cao sự thành kính trong gia đình và tính đạo đức của sự phục tùng. “Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc đều chịu ảnh hưởng của Nho giáo, tại sao họ không có vấn đề này?”, bà lập luận.

Tại sao phải gọi Tập Cận Bình là “Bác Tập”? Đây thực sự là “một cách tìm kiếm mối quan hệ họ hàng. Tại sao điều này lại là thời thượng? Bởi vì một số lớn người Trung Quốc đang quỳ gối”, bà nói. Tuy nhiên, câu đầu tiên của quốc ca là “Hãy đứng lên! Chúng ta không còn muốn làm nô lệ nữa”, học giả này giải thích.

Trong một chương có tựa đề “Truyền thông, nỗi đau khổ lớn của quốc gia an toàn nhất thế giới”, Zhang Zhulin giải thích tại sao trong lĩnh vực này, gông cùm ý thức hệ đã trở nên nặng nề hơn, các nhà báo làm việc dưới sự giám sát liên tục và phải nhân bội tài sáng tạo lên để lách sự kiểm duyệt. Điều này cũng được áp dụng trong thế giới nghệ thuật hoặc văn học. “Nếu bạn là nhà văn, nhà báo, nhà làm phim, hay một nghề nào khác liên quan đến tư tưởng, bạn sẽ phải chịu nhiều sự đàn áp. Bộ phim bị kiểm duyệt, bài báo bị cấm v.v.. Trong bầu không khí này, cảm giác bất an rất mạnh mẽ, đó là cảm giác bất lực,” Huang Bo (bút danh, không phải tên thật) nhấn mạnh. “Hơn nữa, sự đàn áp nhắm vào “xã hội dân sự” là rất nặng nề. Có nhiều người thường xuyên biến mất. Tôi không đếm được số người tôi quen biết đã biến mất khỏi màn hình radar,” bà nói.

HÀNH VI BỊ TÁC ĐỘNG

Nỗi ám ảnh về lòng trung thành tuyệt đối này càng được Tập Cận Bình củng cố. Zhang chỉ rõ: Trong bài phát biểu khai mạc Đại hội Đảng lần thứ 19 vào ngày 18 tháng 10 năm 2017, Tập Cận Bình đã nêu lại giáo điều của Mao Trạch Đông: “Đảng cai trị mọi thứ”. Kể từ đó, “không nên để bất cứ điều gì xảy ra một cách ngẫu nhiên, mọi thứ phải được sắp xếp một cách rõ ràng, không thể có sự lệch lạc ồn ào” “trong một xã hội hoạt động dựa trên các mối quan hệ, trên sự che giấu và sự dối trá được thể chế hóa”, “tất cả các phương tiện truyền thông do Đảng điều hành phải hoạt động để trở thành tiếng nói của ý chí, của các đề xuất của Đảng, cũng như để bảo vệ chính quyền và sự thống nhất của Đảng”.

Như George Orwell đã viết trong cuốn 1984: “Quá khứ bị gạch xóa, nét gạch xóa bị lãng quên, và lời nói dối trở thành sự thật”, Zhang Zhulin viết thêm. Kết quả là cuộc chiến đấu của các nhà báo Trung Quốc đã thất bại. Đến mức công tác tuyên truyền khuyến khích người dân đăng ký mua báo hàng ngày, những tờ báo “trực tiếp truyền đạt lý tưởng, niềm tin, ý chí và quan điểm của Đảng”. Zhang nói: “Đặt mua báo của Đảng là một nghĩa vụ chính trị nghiêm túc”. Giờ đây, “mười nghìn một trăm ba mươi chín tạp chí, một nghìn tám trăm tờ báo này, cho thấy một Trung Quốc tích cực, và do đó chứng minh rằng Trung Quốc là quốc gia an toàn nhất trên thế giới. Đó là điều cốt yếu”. Như vậy vòng tròn đã khép kín. “Ở đất nước một tỷ bốn trăm triệu dân này, nếu có một sự đồng thuận duy nhất, thì đó chắc chắn không phải là vì sự cai trị của một Đảng duy nhất, mà là để ngưỡng mộ công việc hoàn hảo của cơ quan kiểm duyệt,” Ông hài hước giải thích.

Môn thể thao quốc gia của những người dùng Internet muốn trốn tránh sự kiểm duyệt và vượt qua bức tường “vạn lý trường thành” của Internet bị kiểm soát là tưởng tượng ra những từ đồng âm. Sau đó, cần phải thể hiện tính sáng tạo để trích dẫn các tên, thuật ngữ hoặc cách diễn đạt bị cấm. Nhưng điều này không kéo dài lâu vì có vô số những người kiểm duyệt và được đào tạo để xác định những từ đồng âm này.

Đối với những người có đủ khả năng chi trả, gần 100 nhân dân tệ mỗi tháng, VPN (Mạng ảo riêng) cung cấp khả năng ẩn danh trong một thời gian và truy cập thông tin của các phương tiện truyền thông nước ngoài. Nhưng thông thường, cơ quan kiểm duyệt phát hiện người dùng vốn cũng phải đối mặt với các khoản tiền phạt hoặc hình phạt nặng hơn. Kết quả là thế hệ người dùng Internet mới ở Trung Quốc, “những người lớn lên trong bức tường, tin vào lời hứa của Chủ tịch Tập Cận Bình về sự cần thiết phải kiểm soát Internet để đảm bảo chủ quyền không gian mạng của đất nước”.

Số lượng các nhà hoạt động bất đồng chính kiến ​​vẫn còn rất ít và đã trở nên cực kỳ thận trọng vì họ biết rằng họ đang bị theo dõi chặt chẽ. Zhang Zhulin đã trải nghiệm điều này trong một chuyến lưu lại Trung Quốc.

Được một nhà làm phim nghệ sĩ giới thiệu, tôi đến thăm Ji Feng, một nhà thơ gốc Quý Châu, một trong những người sống sót của phong trào ủng hộ dân chủ năm 1989. Cùng với người đàn ông có chòm râu cằm và mang kính này, tôi đã uống trà như mỗi lần đến thăm một người bạn Trung Quốc, chúng tôi đã nói về tất cả mọi thứ trên đời. Chính khi tôi từ bịệt anh ấy, tôi lại có một cảm giác kỳ lạ, khiến tôi rùng mình. Nhà anh ấy nhìn ra một con ngõ cụt ngắn, tôi đã để ý ở cuối bên trái của con ngõ cụt này, trên một cây cột điện, có gắn một chiếc camera nhô ra nhắm thẳng vào lối ra vào của ngôi nhà. Khi tôi quay đầu sang phải, tôi lại nhìn thấy một camera khác có tầm nhìn tréo với chiếc camera đầu tiên, cách đó chưa đầy hai mươi mét, “Zhang viết. Do đó kết luận của Zhang Zhulin, Trung Quốc đã trở thành “một xã hội dẫn đến sự thờ ơ”. Hệ thống tín nhiệm xã hội thưởng cho những người tuân theo các quy tắc và trừng phạt những người khác đã hoàn thành việc tác động đến hành vi.

TÍN NHIỆM XÃ HỘI: “ĐA SỐ NGƯỜI TRUNG QUỐC NHIỆT TÌNH TÁN THÀNH NÓ”

Hệ thống tín nhiệm xã hội, được triển khai vào năm 2015, đã trở nên tinh vi đến mức khi bị camera phát hiện, một kẻ phạm tội hoặc phạm pháp tiềm năng của Trung Quốc sẽ ngay lập tức được xác định với tất cả các chi tiết: tên, họ, chủ, địa chỉ của anh ta. Nếu hành vi phạm tội được coi là nghiêm trọng, anh ta sẽ bị đưa vào danh sách đen, khiến anh ta không được tiếp cận các phương tiện di chuyển bằng TGV (tàu hoả cao tốc – ND) hoặc bằng máy bay cũng như đến các khách sạn sang trọng. Tuy nhiên, nếu một số người Trung Quốc coi hệ thống này là sự tồn tại của thời đại phong kiến, thì “trái ngược với tư thế cảnh giác của người phương Tây khi đối mặt với những con mắt kiểu Orwell này, phần lớn người Trung Quốc nhiệt tình tán thành nó”.

Cuối cùng, đối với những người chỉ trích chế độ, đã có ngay: sự phân loại như là một thành phần “chống Trung Quốc”. Các mục tiêu ưa thích là giới trí thức và báo chí, những giới mà nỗi sợ hãi đang gia tăng. Các mục tiêu của chế độ cũng bao gồm những nhà phê bình nước ngoài mạnh bạo nhất bị phơi bày cho sự trừng phạt của công chúng. Do đó, tác giả kết luận, “do sống quá lâu trong một xã hội không có sự bàn tính với nhau, nơi những ý tưởng cá nhân không rập khuôn bị chính quyền kìm nén, biệt ngữ của ĐCSTQ đã trở thành học thuyết toàn năng đối với người dân”.

Trước nhận xét đen tối này, Zhang Zhulin ngạc nhiên về sự ngây thơ hoặc dễ dãi hài lòng mà một số người phương Tây vẫn thể hiện. Tuy nhiên, ông nói thêm: “Nếu ngày nay các nước châu Âu hối tiếc về sự “ngây thơ” của họ khi tin rằng sự phát triển kinh tế của Đế chế Trung tâm chắc chắn sẽ được kèm theo với cải cách chính trị, thì lần lượt các thế hệ lãnh đạo nối tiếp nhau của Trung Quốc chứng minh rằng mong muốn của người phương Tây chỉ là một ước vọng mơ tưởng và rằng kiểu thay đổi này thực sự không phải là điều được các nhà lãnh đạo Trung Quốc quan tâm”.

Nếu cần thêm một bằng chứng nữa về sự bí mật tột độ của chế độ Trung Quốc: Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương, một con gà nòi của Tập Cận Bình được bổ nhiệm vào tháng 12 năm ngoái, đã bị cách chức vào thứ Tư ngày 27 tháng 7 mà không có bất kỳ lời giải thích nào sau hơn một tháng biến mất vào tháng 12 vừa rồi cũng không được giải thích.

Fu Xiaotian (1983-)
Tần Cương (1966-)

Trong số những lý do có thể dẫn đến sự vấp ngã đột ngột của Tần Cương, một trong những “chiến lang” nhiệt tình của chính sách ngoại giao hiếu chiến của Trung Quốc do chủ nhân của Trung Quốc thiết lập, được cho là đã ngoại tình với Fu Xiaotian, một phái viên của đài truyền hình Hồng Kông Phoenix TV, người thực sự có thể là đặc vụ làm việc cho tình báo phương Tây.

Chắc chắn là sự biến mất của các nhà lãnh đạo chính trị, kinh tế hoặc nghệ thuật, những người đã bị thất sủng hoặc những người có thể là một thách thức đối với chế độ là thông lệ ở Trung Quốc cộng sản. Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, ngay cả khi mối liên hệ này được chứng minh, thì đó có lẽ chỉ là cái cớ cho sự vấp ngã đột ngột của Tần Cương.

Pierre-Antoine Donnet (1953-)

Vụ Tần Cương không tốt cho hình ảnh ở nước ngoài và ngay cả trong Đảng Cộng sản Trung Quốc,” nhà Hán học Jean-Pierre Cabestan, được BBC trích dẫn hôm thứ Năm. “Điều này làm nổi bật một mức độ bất ổn nhất định trong giới lãnh đạo [Trung Quốc] và thậm chí có thể là những bất đồng.”

Đối với những ai muốn hiểu Trung Quốc đã trở thành một thế giớ kiểu Orwell như thế nào, thì việc đọc cuốn sách này là điều cần thiết.

Pierre-Antoine Donnet

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn: “La societé de surveillance made in China” de Zhang Zulin, Asialyst, 30.7.2023.

----

Các bài có liên quan:




Chú thích:

[*] Pierre-Antoine Donnet là một nhà báo Pháp. Ông là tổng biên tập của thông tấn xã AFP đến năm 2018. Từ năm 2020 ông cộng tác với trang mạng Asialyst. Ông là chuyên gia về Trung Quốc và Tây Tạng, là tác giả của cuốn sách Tây Tạng, sống hay chết/Tibet mort ou vif, và Khi Trung Quốc mua chuộc tờ Le Monde/Quand la Chine achète le Monde.

Print Friendly and PDF