13.1.24

Norbert Elias, nhà nghiên cứu không thể xếp loại được

NORBERT ELIAS, NHÀ NGHIÊN CỨU KHÔNG THỂ XẾP LOẠI ĐƯỢC

Nathalie Heinich[*]

Ngày nay, Norbert Elias, nhà xã hội học về nền văn minh của các phong tục đã truyền cảm hứng cho toàn bộ các ngành khoa học nhân văn. Sự nghiệp của ông bao gồm nhiều chủ đề, từ cơ thể đến Nhà nước, vượt ra ngoài ranh giới của các ngành.

Sự tiếp nhận chậm chạp đối với sự nghiệp của Norbert Elias đã trở thành huyền thoại trong lịch sử của các khoa học về con người và xã hội. Luận án của ông về xã hội cung đìnhcuốn sách lớn đầu tiên của ông về “quá trình văn minh” chỉ xuất hiện trong các hiệu sách hơn ba mươi năm sau khi chúng được soạn thảo; và ông chỉ được công nhận là một trong những nhà xã hội học vĩ đại nhất sau khi đã về hưu, kết thúc một sự nghiệp hàn lâm thất thường.

Chủ đề đa dạng, thuộc nhiều ngành

Max Weber (1864-1920)

Phải nói rằng vị trí của Elias trong lịch sử trí tuệ không dễ gì bị khoanh lại. Lý do đầu tiên là tuổi thọ của ông: sinh ra ở Đức năm 1897, mất ở Hà Lan năm 1990, ông đã vượt qua nhiều thời kỳ của tư tưởng hiện đại. Sau khi học y khoa và triết học, ông được đào tạo về xã hội học Đức, bị chi phối bởi ảnh hưởng của Max Weber, sau đó, sau khi chạy trốn Đức Quốc xã, ông chỉ được dạy xã hội học ở Anh khi đã gần 60 tuổi. Và nếu ông xuất bản chủ yếu bằng tiếng Đức, ông cũng đã phải học viết bằng tiếng Anh.

Ngoài ra, các tác phẩm của ông cũng khó có thể được phân loại ngay lập tức: trước hết, do tính độc đáo và tính đa dạng của các chủ đề (từ phong cách trên bàn ăn đến bóng đá, từ kiến ​​trúc đến lịch sử kinh tế, từ thể chế chính trị đến các nghề hải quân, từ quan hệ giữa các giới tính đến âm nhạc, từ cảm xúc đến cái chết); và do số nhiều của các ngành liên quan, vượt ra khỏi ranh giới của xã hội học để bao gồm sử học, tâm lý học và thậm chí cả phân tâm học, nhân học, khoa học chính trị.

Nếu xã hội học là ngành chuyên môn chính của ông, thì đó là một ngành xã hội học ăn sâu vào truyền thống uyên bác của thế kỷ 19, có trước sự phát minh ra các phương pháp thống kê và thăm dò dư luận, cũng như các máy ghi âm cho phép phát triển các phương pháp định tính dựa trên các cuộc phỏng vấn. Giống như M. Weber thuộc một thế hệ trước ông, Elias chủ yếu sử dụng các thư viện tuy nhiên, với sự tự do trí tuệ vượt trội, đã mở ra con đường cho phép ông sử dụng những tài liệu tầm thường này, do đó bị truyền thống uyên bác coi thường, chẳng hạn như các bộ sưu tập về phép lịch sự và các sách về các nghi thức. Tuy nhiên, trái ngược với xu hướng trong xã hội học vẫn còn rất phổ biến ở Đức, Elias không bao giờ nhắm đến những công trình lý thuyết lớn có tham vọng thuật lại “xã hội” nói chung: ông luôn gắn bó, kể cả trong các suy luận của mình, tổng quát hoặc trừu tượng nhất, với các đối tượng được định vị chính xác trong không gian và thời gian, ví dụ như xã hội Pháp của Chế Độ Cũ giữa cuối thời Trung cổ và Cách mạng Pháp – một xã hội nhất định, chứ không phải “xã hội chung chung”. Sự kết hợp giữa hai cấp độ suy tưởng, thực nghiệm và lý thuyết, là một trong những ưu thế mạnh nhất trong tư tưởng của Elias.

Những chủ đề liên quan đến tất cả các ngành khoa học xã hội

Song song với xã hội học, sử học cũng được triệu tập: từ chối “sự rút lui của các nhà xã hội học vào hiện tại”, tiêu đề của một trong những bài báo tuyên ngôn của ông, ông đã không bao giờ ngần ngại quay ngược lại rất xa trong quá khứ của xã hội phương Tây. Điều này có thể khiến ông xa cách với các nhà xã hội học đồng nghiệp, không quen với những sự đột nhập táo bạo này trong cái “dài hạn”, trong khi nó khiến ông nhận được sự quan tâm ưu tiên của các nhà sử học - ít nhất là những người thừa kế của trường phái Annales, vốn đã không giới hạn ngành của họ trong thuật biên soạn lịch sử các sự kiện. Nhưng đó cũng là nguồn gốc của nhiều hiểu lầm trong việc tiếp nhận sự nghiệp của ông, đôi khi bị đánh đồng là một sử học “để giải trí”, tức là mang tính báo chí.

Khoa học chính trị cũng liên quan đến một số khía cạnh của các nghiên cứu của ông, về những thay đổi trong cấu trúc quyền lực và đặc biệt là vai trò của Nhà nước khi đối mặt với các hình thức bạo lực khác nhau. Các nhà nhân học cũng đã tìm thấy các chủ đề mà ngành của họ quan tâm, thông qua sự tiến hóa của các xã hội và khả năng phổ cập của các nét đặc thù của xã hội phương Tây. Các nhà tâm lý học và các nhà phân tâm học cũng có thể lấy cảm hứng từ lý thuyết của ông về sự kiểm soát các xúc động ngày càng tăng và về tác động của chúng đối với những phong tục và tâm lý cá nhân. Đối với các triết gia, họ có thể nhận ra một số chủ đề triết học chính trong tư tưởng này về các quá trình chứ không phải là về các trạng thái ổn định, các chuyển dịch hơn là các phạm trù, các quan hệ hơn là các quy chế, những điều đã cho phép Elias có một cái nhìn hoàn toàn được đổi mới về các chủ đề được chú trọng về mặt triết học như vai trò của tiến trình biểu tượng hóa trong tiến trình nhân hóa (thuyết về các biểu tượng).

Elias đã dành luận án của mình cho một chủ đề có vẻ tầm thường: nghi thức cung đình trong Chế Độ Cũ của Pháp. Xã hội cung đình/La Société de Cour (xuất bản năm 1969) nghiên cứu hệ quả của sự chuyển đổi chính trị, quân sự và kinh tế của một xã hội phong kiến ​​thành một chế độ quân chủ chuyên chế: Nhà nước độc quyền về thuế và về sự sử dụng vũ khí là nguồn gốc của sự hình thành của một xã hội cung đình, thiết lập sự độc lập của nhà vua đối với giới quý tộc và, tương liên, là sự phụ thuộc ngày càng tăng của tầng lớp này. Vị quân chủ chuyên chế, trị vì triều đình của mình, nổi bật so với nhà lãnh đạo có ma lực thực hiện một sự biến động hoặc sự tái tập hợp xã hội: nhà vua dựa vào những sự căng thẳng giữa các phe phái bao quanh mình để duy trì sự cân bằng, mà các nghi thức cung đình đã đóng góp đáng kể. Nhưng bản thân nhà vua cũng là tù nhân của những quy tắc này: sự tự kiềm chế và sự phụ thuộc lẫn nhau cũng liên quan đến ông.

Trong Nền văn minh của các phong tục/La Civilisation des mœurs, Elias một lần nữa sẽ nghiêm túc xem xét, như là một đối tượng của cuộc điều tra xã hội học, một chủ đề khác dường như phù phiếm: không còn là nghi thức cung đình mà là những cách quản lý các chức năng của cơ thể - cách cư xử trên bàn ăn, xì mũi, khạc nhổ, tiểu tiện và đại tiện, tắm rửa, giao cấu. Sách giáo khoa về lề lối xã giao thời Phục hưng đã cung cấp cho ông một khối tài liệu phong phú, minh họa không chỉ trạng thái của những “phong tục” này ở một thời điểm nhất định, mà còn cả sự tiến hóa của chúng. Sự tiến hóa này được đẩy mạnh nhanh chóng trong suốt thế kỷ 17, theo hướng kìm nén tất cả những gì có thể đưa con người trở lại “bản chất động vật” của họ: sự khoả thân ít được phô bày hơn, mùi cơ thể bị che giấu, các chức năng tự nhiên có xu hướng được thực hiện ở những nơi đặc thù và vắng vẻ, người ta không còn khạc nhổ xuống đất mà trong ống nhổ, không còn xì mũi trong ống tay áo nữa mà trên khăn tay, không còn ăn bằng tay mà bằng nĩa.

Quá trình văn minh

Làm thế nào để giải thích một sự tiến hóa như vậy? Elias triệu tập ở đây sự động năng của các mối quan hệ xã hội giữa cấp dưới và cấp trên. Về mặt lịch sử, các cách cư xử mới, “văn minh” hơn được xây dựng đầu tiên bởi tầng lớp quý tộc trong triều đình, sau đó được truyền sang các giai cấp xã hội khác, và trước hết là các tầng lớp tư sản ngày càng tiếp xúc nhiều hơn với tầng lớp quý tộc, thậm chí còn cạnh tranh với họ. Đây được gọi là chủ nghĩa khuếch tán từ trên xuống. Còn sự gia tăng tính nhạy cảm trong tầng lớp quý tộc, thì được giải thích bởi các điều kiện lịch sử: sự thành lập vào thời Trung cổ của một quyền lực của nhà vua mạnh mẽ, sự biến mất của một thành phần hiệp sĩ vô chính phủ và bạo lực, sự “cung đình hóa/curialisation” (tức là sự xích gần lại với cung đình) của tầng lớp quý tộc.

Trong Sự động năng của Phương Tây/La Dynamique de l’Occident, Elias khôi phục lại, từ điều mà ông gọi là “sự phát sinh xã hội của Nhà nước”, lịch sử của “quá trình văn minh” này ở châu Âu, từ chế độ các lãnh chúa phong kiến ​​của thế kỷ 11 đến vương quốc của thời Phục hưng, cho đến khi đạt đến đỉnh cao trong Thời đại Khai sáng. Nhà nước dần dần được cấu thành, nhờ vào sự áp đặt một sự độc quyền kép của nhà vua: độc quyền về thuế, độc quyền này tiền tệ hóa các mối quan hệ giữa nhà vua và các lãnh chúa, và độc quyền bạo lực hợp pháp đặt trong bàn tay duy nhất của nhà vua quyền lực quân sự và điều kiện cho bất kỳ cuộc bình định nào. Với sự nhấn mạnh vào độc quyền của Nhà nước đối với bạo lực, Elias đã vượt ra ngoài lý thuyết của chủ nghĩa Mác, vốn xem lĩnh vực kinh tế là nguyên nhân duy nhất hoặc có tính quyết định nhất, để đặt mình vào xu hướng lý thuyết của Weber; và ông còn thêm vào một suy nghĩ độc đáo về các tác động của sự độc quyền, trong lĩnh vực của những mối quan hệ với những xúc động và sự kiểm soát không chỉ những phong tục mà còn cả những cảm xúc.

Đô thị hóa, tiền tệ hóa, thương mại hóa, cung đình hóa giới quý tộc: những hiện tượng này là nguồn gốc của sự biến đổi xảy ra trong xã hội cung đình và sau đó mở rộng ra toàn xã hội. Chúng cũng có những hậu quả đối với cấu trúc của ý thức con người, được bộc lộ thông qua câu hỏi về những xúc động được xem xét trong dài hạn. Phân tích này, được hoàn thành khi Elias chưa được 40 tuổi, chứa đựng tất cả những bước phát triển sau này trong các nghiên cứu của ông, và đặc biệt là ba vấn đề điển hình của Elias, trước hết là vấn đề của khả năng tự kiểm soát cảm xúc; thứ hai, sự chuyển đổi từ bạo lực sang sự kiểm soát các căng thẳng, và tác dụng của nó trong việc làm giảm các khoảng cách thứ bậc; thứ ba, sự chuyển dịch từ sự thể hiện ra bên ngoài sang sự nội tâm hóa các xúc động.

Trong Cam kết và Khoảng cách. Đóng góp cho xã hội học kiến thức/Engagement et distanciation. Contributions à la sociologie de la connaissance, Elias khảo sát những cách mà khả năng tự kiểm soát cảm xúc của mình cho phép một cá nhân kiểm soát (tương đối) thế giới bên ngoài, trong khi việc tăng cường sự kiểm soát này làm giảm tải gánh nặng cảm xúc bằng cách tạo ra một khoảng cách đối với gánh nặng ấy. Đây là cái mà Elias gọi là “mối liên kết kép về tâm sinh lý và tâm lý xã hội”: hiện tượng không chỉ được quan sát ở cấp độ trải nghiệm của cá nhân mà còn ở cấp độ của sự tiến hóa của xã hội. Mô hình này cũng làm sáng tỏ lịch sử các khoa học, đặc biệt bằng cách tính đến sự khác biệt giữa các khoa học tự nhiên và các khoa học nhân văn, các khoa học tự nhiên đã phát triển nhờ một khoảng cách dần dần lớn lên so với đối tượng của chúng mà khoa học về con người còn lâu mới đạt được.

Sự hình thành của nền thể thao hiện đại

Eric Dunning (1936-2019)

Việc chuyển từ bạo lực sang sự kiểm soát các căng thẳng tìm thấy nơi Elias một điểm ứng dụng đặc biệt trong suy nghĩ của ông về thể thao, được xây dựng với Eric Dunning trong Thể thao và văn minh. Bạo lực được kiểm soát/Sport et civilisation. La violence maîtrisée. Quan tâm đến “sự tìm kiếm niềm vui” trong thời gian giải trí, họ nhấn mạnh đến việc tìm kiếm sự căng thẳng như là yếu tố trung tâm của niềm vui được trải nghiệm đứng trước cuộc biểu diễn thể thao. Sau đó, trong viễn cảnh lịch sử dài hạn mà Elias ưa thích, họ mô tả các giai đoạn khác nhau dẫn từ các hình thức cổ xưa đến sự cấu thành của nền thể thao hiện đại, thông qua một quá trình “thể thao hóa” bao gồm một số đặc điểm: hủy bỏ sự khác biệt xã hội có lợi cho sự bình đẳng các cơ hội chỉ được xét trên kỹ năng thể thao; thiết lập các không gian dành riêng cho thể thao (sân vận động, nhà thi đấu, trường đua xe đạp, v.v.) và các thời gian đặc thù (trận đấu, giải vô địch, cúp thế giới, v.v.); tiêu chuẩn hóa các quy tắc được thống nhất trong một bộ quy định duy nhất; cuối cùng là giảm thiểu bạo lực và áp đặt một đạo đức về sự trung thực, khiến sự tìm kiếm chiến thắng phụ thuộc vào sự tôn trọng các quy tắc và niềm vui của trò chơi. Do đó, thể thao dường như là nơi lý tưởng của tiến trình “văn minh hóa”, vốn chuyển đổi những ràng buộc bên ngoài thành sự tự kiểm soát nhằm mục đích ngăn chặn bạo lực, trong một “nền kinh tế cảm xúc” chuyển dịch vào nội tâm cá nhân sự điều tiết các căng thẳng, sự kiểm duyệt các cảm xúc và các xung năng hung hăng, và góp phần vào một sự bình định nhất định của thế giới xã hội.

Sự cô đơn của một thiên tài

Ví dụ về thể thao là một minh hoạ tốt cho cách suy nghĩ của Elias, hoạt động không phải bởi sự đối lập của các phạm trù loại trừ lẫn nhau, mà bởi các đối cực: đối cực giữa tình cảm dựa trên sự đồng nhất và sự thù địch với đối thủ, giữa sự co giãn và sự cố định của các quy tắc, giữa niềm vui thích gây hấn và hành động trấn áp của mô hình chơi, giữa sự kiểm soát bên ngoài và sự kiểm soát bản thân. Do đó, chúng ta không còn có thể suy luận với những mâu thuẫn lôgic (giữa bạo lực và kiểm duyệt, gắn bó và thù địch, điều tiết và tự do), mà trong phạm vi của các quá trình tiến hóa, thừa nhận những khoảnh khắc tăng tốc và thoái lui, tiến bộ và thụt lùi, thậm chí là sự chồng chất lên nhau của các trạng thái khác nhau.

Bước chuyển dịch từ sự biểu hiện ra bên ngoài đến sự nội tâm hóa các xúc động cũng có thể được đọc trong mối quan hệ với cái chết, mà Elias sẽ thảo luận trong một cuốn sách nhỏ sau này, Niềm cô đơn của người hấp hối/La Solitude des mourants. Thật vậy, giống như mối quan hệ với cơ thể, cái chết cũng là đối tượng của một quá trình nội tâm hóa, thông qua sự che giấu chính cái chết và sự kìm nén của những cảm xúc gắn liền với việc che giấu này. Nhưng, lần đầu tiên trong sự nghiệp của ông, quan sát này mang màu sắc của sự lo lắng mà ông nhận thức được về một hiện tượng có ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế cảm xúc: thật vậy, một “sự đột khởi của nền văn minh” như vậy không còn chỉ ngụ ý sự kiểm soát những xúc động mà còn đến sự kìm nén chúng, với tất cả những sự bất lợi mà điều này kéo theo - và đặc biệt là sự cô đơn.

Chủ đề về sự cô đơn này sẽ được tìm thấy trong phần phân tích trường hợp Mozart, chủ đề cho tác phẩm chưa hoàn thành cuối cùng của ông: Mozart. Xã hội học về một thiên tài/Mozart. Sociologie d’un génie. Elias khảo sát xã hội học về các xúc động trong chiều kích phát triển cá thể, ở cấp độ của một cá nhân - và của một cá nhân rất đặc biệt vì đây là một người mà chúng ta gọi là “thiên tài”. Ông cho thấy Mozart đã phải chịu đựng một sự chênh lệch kép như thế nào: một mặt, giữa tập tính tư sản và cuộc sống cung đình, mặt khác, giữa một hoàng thân quyền lực nhưng thực sự không có khả năng thưởng thức nghệ thuật của người công bộc của mình, và một người công bộc có tài xuất chúng nhưng với một vị trí hạ cấp. Khi đó, nghệ sĩ khó có thể áp đặt những sáng tạo, trong một vũ trụ chưa tích hợp hình mẫu của nghệ sĩ sáng tạo, độc đáo và làm chủ việc xác định sự xuất sắc của chính bản thân. Do đó, một cuộc xung đột không chỉ về các phong tục (tư sản và quý tộc) và công lao (chính trị và nghệ thuật), mà còn là về thị hiếu và thực tiễn âm nhạc, xác lập nên một sự căng thẳng thường xuyên giữa nội tâm cao cả của một nghệ sĩ có tài năng xuất chúng, và sự nhỏ bé bên ngoài của ông trong một vũ trụ vốn không thừa nhận tính ưu việt của các giá trị nghệ thuật cũng như sự độc lập, vật chất cũng như thẩm mỹ của người sáng tạo.

Do đó, Elias cho thấy khả năng làm việc về các định dạng rất khác nhau, từ “vi mô” nhất đến “vĩ mô” nhất - và điều này cũng minh chứng cho tính hiện đại của ông. Ta có thể nhận thấy điều này trong một cuộc khảo sát chuyên đề được thực hiện với John Scotson, Logic của sự loại trừ/Logiques de l’exclusion. Trong nghiên cứu này, trên quy mô của tầng lớp công nhân ở một thị trấn nhỏ ở Anh, nghiên cứu chi tiết đã được tiến hành về các cơ chế phân biệt, loại trừ hay đơn giản là bất bình đẳng, mà rõ ràng nhất là hiện tượng phân biệt chủng tộc. Elias chỉ ra rằng sự phân biệt đối xử dựa trên sự khác biệt về nguồn lực kinh tế chỉ là một trường hợp đặc biệt của những quá trình kỳ thị này, vốn, trong giới những người công nhân, cũng có thể lấy sự thâm niên làm cớ. Do đó, ý tưởng của Mác về mối quan hệ nhân quả dựa trên tính ưu việt của kinh tế đã bị phá vỡ: đấu tranh giai cấp, ở đây, không phải là một khái niệm thích đáng để hiểu mối quan hệ thống trị này giữa các nhóm.

“Không thể có ‘tôi’ mà không có ‘mày’ (‘anh/chị’)”

Hơn là vào sự thống trị, Elias không bao giờ ngừng nhấn mạnh, trong suốt sự nghiệp của mình, vào sự phụ thuộc lẫn nhau: “không thể có “tôi” mà không “mày, không thể có “anh” hoặc “chị” mà không có “chúng ta”, “chúng bay”, “các anh” hoặc “các chị”, ông nói trong Xã hội học là gì/Qu’est-ce que la sociologie? Ông sẽ quay lại vấn đề này một cách dài dòng trong tuyên ngôn nhận thức luận quan trọng của mình, cuốn Xã hội các cá nhân/La Société des individus: một tuyên ngôn duy danh luận chứ không phải cá nhân luận, như người ta đôi khi tin, bởi vì ông đã phá vỡ sự đối lập giữa “cá nhân” và “xã hội”. Những khái niệm này không nên được coi là gắn với các đối tượng hoặc các bản chất tồn tại một cách biệt lập, mà nên được xem là gắn với các mức độ khác nhau của sự trải nghiệm của con người. Đây là “cuộc cách mạng Copernic” của ông: suy nghĩ về sự hình thành hỗ tương của cái mà chúng ta quen gọi là “cá nhân” và “xã hội” như một quá trình, vừa mang tính quan hệ (do đó bị giải thực thể) và vừa mang tính tiến hóa (do đó được đặt trong một bối cảnh, một lịch sử). Thay cho khái niệm “xã hội”, ông thích khái niệm “cấu hình” hơn, được hiểu như là hệ thống tương tác được nhận thức ở góc độ của cá nhân: nói cách khác là một tình huống, với một chiều không-thời gian khả biến, khiến cho những gì xảy ra ở đó tác động đến tất cả những người có liên quan đến tình huống đó, những người này cũng đóng góp vào sự biến đổi của chính ngay bối cảnh thông qua hành động của họ. Do đó, tư duy về mặt cấu hình có nghĩa là không còn suy luận về các cá thể liên kết với nhau mà là về các mối quan hệ, tất nhiên là thay đổi, giữa các cương vị được xác định bởi hệ thống các mối quan hệ này.

Một nhà xã hội học lạc điệu

“Cuộc cách mạng Copernic” này, về cơ bản đối lập với mọi siêu hình học, mở ra con đường dẫn đến một lý thuyết thực sự về tính tương đối được áp dụng cho thân phận con người: đó là cách Elias sẽ đề xuất một lý thuyết phi thực thể và tiến hóa về thời gian (Về thời gian/Du temps). Theo ông, nên nghĩ về các hiện tượng được kiến tạo này về mặt xã hội bằng chính các công cụ đo lường chúng, chứ không phải bằng những phạm trù về thực thể mà bằng các quá trình và chức năng - trong trường hợp này, các chức năng điều phối và hội nhập xã hội, trung tâm trong mối quan hệ với thời gian.

Sự táo bạo của tư tưởng của ông cũng nằm ở ý muốn xây dựng một phương pháp tiếp cận trải nghiệm của con người, kết hợp hai chiều kích có vẽ như là đối lập, phân tâm học và nhân học, tính nội tâm của tâm lý cá nhân và tính ngoại hướng của các chuẩn mực tập thể ở mức độ tổng quát nhất, trong một viễn cảnh vừa lịch sử vừa năng động. Do đó, chúng ta không còn sử dụng các phạm trù phi thời gian, có cơ sở tự nhiên, mà là với các quá trình tiến hóa, sinh ra từ các cuộc tranh giành quyền lực giữa các nhóm chuyển tải những tài nguyên và khát vọng không đồng nhất. Như vậy, ông thực hiện một sự phê phán chéo về hai hệ thống lý thuyết lớn trong thời đại của mình: một mặt là lịch sử của các ý tưởng, thiếu vắng việc tính đến các hiện tượng vô thức mà phân tâm học Freud đã làm nổi bật; và mặt khác, phân tâm học, quá khép kín với tính lịch sử của các cấu trúc tâm lý, và do đó có xu hướng biến đổi các cấu trúc này thành các quá trình sinh học hoặc các phạm trù siêu hình. Như vậy, ông nhắm tới sự thiết kế một “tâm lý học lịch sử”, tích hợp cả chiều kích của vô thức và chiều kích của lịch sử.

Cuối cùng, tư tưởng của Elias bị thúc đẩy bởi mối quan tâm thường xuyên để phân tích, giải thích và thông hiểu, thay vì phán xét. Sự từ chối tính chuẩn tắc của diễn ngôn xã hội học, ý muốn tạo ra không phải là quan điểm, mang tính tình huống, mà là tri thức, khách quan và bền vững, khiến ngày nay ông trở thành một nhà xã hội học lạc điệu, trái ngược với thói trí thức thời thượng quan niệm sự phê bình vừa là nền tảng vừa là mục tiêu của nhà nghiên cứu trong các khoa học xã hội và nhân văn. Ta có thể đoan chắc rằng đó cũng là điều tạo nên “sự lâu dài” của sự nghiệp của ông.

Một sự nổi danh muộn màng

Sau một thời gian dài băng qua sa mạc (chỉ khi ở tuổi 80, Norbert Elias mới thấy cuốn sách đầu tiên của mình được dịch sang tiếng Anh, sau nhiều lần bị từ chối), sự nghiệp của ông mới được công nhận trên nhiều lục địa và trong một số lĩnh vực, ngoài xã hội học. Ngày nay, ông là bậc thầy tư tưởng của một nhóm đệ tử rải rác khắp Hà Lan, Anh Quốc, Đức, Pháp, Úc, những người thường họp mặt nhân dịp các hội nghị chuyên đề. Một quỹ Norbert-Elias thậm chí đã được thành lập ở Amsterdam điều hành một trang web và xuất bản một bản tin. Đúng là sự đa dạng của các lĩnh vực liên quan đến cách tiếp cận của ông, tạo điều kiện thuận lợi cho sự hội tụ của nhiều loại nghiên cứu xung quanh các nghiên cứu của ông.

Nathalie Heinich (1955-)

Ở Pháp, ngay từ những năm 1970 và nhờ các nhà sử học, sự nghiệp của Elias đã được tiếp nhận sớm và một cách tích cực hơn những nơi khác, nhưng ngay từ đầu dựa trên một cách tiếp cận quy giản đối với lý thuyết về “quá trình văn minh hoá”, bị quy thành những giai thoại về việc sử dụng nĩa hoặc về nhà vệ sinh. Kể từ những năm 1990, liên tiếp có những cuốn sách và tập san dành cho tư tưởng của ông, trong khi các nhà xã hội học, khoa học chính trị và nhân học đã đưa nó vào thư mục của họ. Nhưng sự thừa nhận khá rộng rãi này (ngay cả khi nhiều nhà khoa học xã hội vẫn tiếp tục không biết đến tư tưởng của ông) thường đi kèm với nhiều sự hiểu lầm và, do đó, đôi khi với những tranh cãi.

Tiểu sử Norbert Elias

1897: Sinh ra ở Breslau (Đức) trong một gia đình Do Thái.

1915: Động viên trong quân đội Đức, trên mặt trận phía Tây.

1918: Học Y khoa và Triết ở Breslau.

1924: Luận án triết.

1925: Học xã hội học ở Heidelberg.

1930: Định cư ở Frankfurt.

1933: Trình luận án, lưu vong sang Thụy Sĩ rồi sau đó ở Pháp.

1935: Định cư ở Anh nơi ông sẽ giảng dạy.

1954: Giáo sư xã hội học ở Đại học Leicester.

1962-1964: Giáo sư xã hội học ở Đại học của Ghana.

1964-1984: Giáo sư được mời ở Hà Lan và ở Đức.

1977: Giải Adorno cho toàn bộ sự nghiệp của ông.

1984: Định cư ở Amsterdam.

1990: Qua đời ở Amsterdam.

Thư mục

- La Société de cour, 1969, rééd. Flammarion, coll. “Champs”, 2008.

- La Civilisation des mœurs, 1973, rééd. Pocket, coll. “Agora”, 2006.

- La Dynamique de l’Occident, 1975, rééd. Pocket, coll. “Agora”, 2003.

- Théorie des symboles, 1991, trad. fr. Seuil, 2015.

- Engagement et distanciation, Contributions à la sociologie de la connaissance, 1983, trad. fr. Fayard, 1993.

- Sport et civilisation, La violence maîtrisée, avec Eric Dunning, 1986, Fayard, trad. fr. 1994.

-La solitude des mourants, 1987, rééd. Christian Bourgois, 2002.

- Mozart, Sociologie d’un genie,1991, rééd. Seuil, coll. “Points”, 2015.

- Logiques de l’exclusion, avec John Scotson, Fayard, 1997.

- Qu’est-ce que la sociologie?, 1981, rééd. Pocket, coll. “Agora”, 2003.

- La Société des individus, 1991, rééd. Pocket, coll. “Agora”, 2008.

- Du temps, 1997, rééd. Hachette, 2014.

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn: “Norbert Elias, l’inclassable, Sciences Humaines, tháng 12 2015.




Chú thích:

[*] Nathalie Heinich, nhà xã hội học, Giám đốc nghiên cứu ở CNRS. Bà chuyên nghiên cứu về xã hội học nghệ thuật và là tác giả của La Gloire de Van Gogh (Minuit, 1991), Du peintre à l’artiste (Minuit, 1993), États de femme (Gallimard, 1996), La Sociologie de Norbert Elias (La Découverte, 1997; nouvelle édition 2002), Le Triple jeu de l’art contemporain (Minuit, 1998), Ce que l’art fait à la sociologie (Minuit, 1998), L’épreuve de la grandeur (La Découverte, 1999), Être écrivain (La Découverte, 2000). Bà mới cho xuất bản cuốn Dans la pensée de Norbert Elias, CNRS, 2015.

Print Friendly and PDF