4.8.21

Trường phái Annales

TRƯỜNG PHÁI ANNALES

Năm 1929 một ngọn gió từ hướng tây, đến từ giới đại học Strasbourg thổi một luồng cảm hứng lịch sử. Thời điểm này, Lucien Febvre và Marc Bloch thành lập một tạp chí mới sẽ trở thành một trường phái: Annales d’histoire économique et sociale (Biên niên sử kinh tế và xã hội). Trường phái này đã chiếm lĩnh một vị thế bá quyền đến độ một mình trở thành hiện thân của sản xuất sử học của Pháp. Có thể phân biệt ba giai đoạn trong cuộc chinh phục cho phép các Annales–hoạt động tích cực trở thành trong những năm 1970 các Annales–chiến thắng trước khi trả giá cho sự thành công: một sự khủng hoảng bản sắc và một sự chuyển đổi những định hướng tạo lập.

Marc Bloch (1886-1944)
Lucien Febvre (1878-1956)

Vào đầu thế kỉ XX, trường phái lịch sử, gọi là có phương pháp, vẫn thống trị ở Pháp làm cho sự uyên bác và phê phán các nguồn được sử dụng đạt tiến bộ, nhưng với mục tiêu một lịch sử thuần tuý quốc gia để chiếm lại vùng Alsace-Lorraine. Như vậy, mục đích hoàn toàn là cổ động lòng yêu nước và cuốn sử cho học sinh của Lavisse có nhiệm vụ đào tạo những công dân trẻ nghĩa vụ nhiệt tình bảo vệ tổ quốc của người lính tương lai. Do đó lịch sử có tính dân tộc chủ nghĩa hẹp hòi, giới hạn ở khía cạnh chính trị và ngoại giao. Đó là thời điểm của lịch sử-những cuộc chiến. Nhưng có những khoa học xã hội mới xuất hiện, không nhận thấy mình trong diễn ngôn thần phục Nhà nước-quốc gia. Trong số khoa học này có xã hội học, bằng sự năng động và gần gũi với bộ môn lịch sử, là khoa học cạnh tranh nguy hiểm nhất. Khoa học xã hội non trẻ của Durkheim có tham vọng thực hiện sự hợp nhất, dưới sự lãnh đạo của nó, các khoa học nhân văn. Kể từ năm 1897 nó có tạp chí L’Année sociologique để nêu bật những luận điểm của mình. Hơn nữa xã hội học không phải là bộ môn duy nhất nhắm đến một vị trí trung tâm và tổ chức tập hợp, đó cũng là trường hợp của địa dư học đang toả sáng của Paul Vidal de la Blache tập hợp trong tạp chí Annales de géographie (1891). Mặt khác, vào năm 1900 sự canh tân và hợp nhất có vẻ như đã được Henri Ber và tạp chí Revue de synthèse historique của ông thực hiện. Cũng chính từ tạp chí này mà nhà xã hội học trẻ tuổi theo trường phái Durkheim là François Simiand năm 1903 thách thức các nhà sử học. Ông tấn công vào tác phẩm vừa được xuất bản là La méthode historique appliquée aux sciences sociales (Phương pháp sử học ứng dụng vào các khoa học xã hội) của Charles Seignobos, một trong những đại diện lỗi lạc của trường phái thực chứng. Ông kêu gọi các nhà sử học hãy bật dậy, từ bỏ những hào nhoáng lỗi thời che đậy thực tế để tham gia vào sự đổi mới đang diễn ra, một điều đòi hỏi các sử gia từ bỏ ba thần tượng của họ: thần tượng chính trị, thần tượng cá nhân và thần tượng trình tự thời gian. Các nhà sử học được mời chuyển từ cái cá biệt sang những quan hệ ổn định, những hiện tượng đều đặn để từ đó nêu lên những quy luật, những hệ thống nhân quả. Theo cách nhìn này, xã hội học tự nhận là có tính hợp nhất, và cung cấp được những mô hình. Thách thức này có tầm quan trọng lớn nhất vì tạp chí Annales sẽ lấy lại phần chủ yếu trong chương trình của François Simiand, nhưng khi Marc Bloch và Lucien Febvre thực hiện chương trình này năm 1929 chính lịch sử mới sẽ hưởng lợi và trở thành bộ môn hợp nhất tính hiện đại trong các khoa học xã hội. Như vậy trường phái Annales đề xuất mở rộng phạm vi của sử học, rời bỏ lĩnh vực chính trị, dịch chuyển mối quan tâm của sử gia sang những chân trời khác: tự nhiên, phong cảnh, dân số, trao đổi kinh tế, phong tục...

François Simiand (1873-1935)

Do đó trường phái Annales đổi mới triệt để diễn ngôn lịch sử khi đặt kinh tế thành lĩnh vực điều tra ưu tiên của mình, như chính tên tạp chí của nó. Thay đổi này giả định là phải có trước đó một quan niệm khác về nghề sử gia, một nghề từ nay không còn tự bằng lòng với những văn bản viết. Các chuỗi thống kê, bản vẽ các mảnh đất, các luồng tiền tệ, những xu hướng lớn của dân số trở thành bấy nhiêu đối tượng mới của cái lịch sử này mở ra những cánh cửa và cửa sổ để tiếp cận các cội nguồn của Lịch sử. Trường phái Annales cũng đáp ứng những yêu cầu của xã hội đương đại bằng một cách viết lịch sử xác lập lại sự kết nối quá khứ và hiện tại. Lucien Febvre và Marc Bloch mời gọi sử gia lấy cảm hứng từ những vấn đề mà thời hiện tại trong đó họ sống đặt ra. Chính như thế mà Marc Bloch lí thuyết hoá một phương pháp lặp đi lặp lại đưa ông đến việc nghiên cứu chế độ ruộng đất thời Trung cổ xuất phát từ việc mô tả các phong cảnh nông thôn đương đại. Thời gian này trường phái Annales nhân bội những công trình soi sáng các vấn đề thời sự, với những bài viết về cuộc khủng hoảng thế giới, công cuộc tập thể hoá xô viết, chính sách kinh tế của Roosevelt...

Không thể phủ nhận là lãnh địa của nhà sử học trở nên phong phú hơn, nhưng việc bác bỏ triệt để lịch sử chính trị và lịch sử các sự kiện đi xa đến độ là có một sự mù loà nhất định trước những hiện tượng vô cùng thiết yếu như bản chất của Liên Xô, chủ nghĩa phát xít, chủ nghĩa nazi, vốn là những hiện tượng không được hiểu rõ trong những năm 1930 do chỉ tính đến một cách tiếp cận thuần tuý duy kinh tế.

Thời khắc Braudel

Fernand Braudel (1902-1985)

Sau thế chiến thứ hai là khởi đầu của “giai đoạn Braudel, giai đoạn chuyển đổi. Đặc điểm đầu tiên của giai đoạn này là việc xoá bỏ lịch sử các tâm tính (histoire des mentalités) từng được Marc Bloch và Lucien Febvre chủ trương để nhường chỗ duy nhất cho một kinh tế lịch sử. Thời đại Braudel cũng còn là sự tiến hoá đến một lịch sử ngày càng bất động, chia tay với quan niệm của thế hệ đầu về lịch sử-khoa học của sự thay đổi. Khi kế thừa thầy mình là Lucien Febvre, trong thông báo chương trình của ông ở Collège de France, Braudel muốn quảng bá một “lịch sử gần như bất động”. Có thể thấy đằng sau sự chỉnh hướng này sự đối phó trước thách thức mà sự phát triển ngoạn mục của các khoa học xã hội đặt ra. Tri thức thời hậu chiến cần đến hiểu biết về các chỉ báo do các cơ quan mới thành lập có nhiều nguồn lực cung cấp. Viện quốc gia thống kê và nghiên cứu kinh tế (INSEE) được thành lập năm 1946, Viện quốc gia nghiên cứu dân số (INED) được thành lập năm 1945, trực thuộc Bộ Y tế và có tạp chí riêng là Population do Alfred Sauvy lãnh đạo. Xã hội học cũng tự tổ chức và tiến triển nhờ việc Trung tâm nghiên cứu quốc gia (CNRS) thành lập vào năm 1946 Trung tâm nghiên cứu xã hội học do Georges Gurvitch làm chủ tịch, người sẽ cho ra mắt cùng năm đó tạp chí Cahiers internationaux de sociologie. Với sự ra đời của nền Cộng hoà thứ V vào năm 1958, có thể nói đến một chính sách thật sự về các khoa học xã hội dẫn đến việc định chế hoá các khoa học này. Sự phát triển này là một thách thức mới cho các nhà sử học buộc họ phải phản ứng trên phương diện định chế, nơi diễn ra một cuộc cạnh tranh gay gắt lẫn trên phương diện lí thuyết để chứng tỏ sự thích nghi của cách viết lịch sử.

C. Levi-Strauss (1908-2009)

Trên phương diện các định chế, trường phái Annales nắm lấy quyền lãnh đạo Ban thứ VI của École pratique des Hautes Études (EPHE) được thành lập vào năm 1946 dưới sự chủ trì của Lucien Febvre và Fernand Braudel là thư kí chịu trách nhiệm trung tâm nghiên cứu sử học. Do đó công cụ hiện đại của công trình tập thể trở thành độc quyền của trường phái Annales khi trường phái thừa hưởng di sản của cuộc đối thoại phong phú được tiến hành từ năm 1929 với các khoa học anh em của sử học. Trên phương diện lí thuyết, thách thức quyết liệt nhất đối với các sử gia được Claude Lévi-Strauss gióng lên ngay từ năm 1949 trong bài viết “Histoire et sciences sociales” (Lịch sử và các khoa học xã hội), một bài viết sẽ có tiếng vang thật sự sau này khi được đăng lại năm 1958, giữa cao trào cấu trúc luận, trong tác phẩm Anthropologie structurale (Nhân học cấu trúc). Claude Lévi-Strauss trao cho nhân học xã hội một thiên hướng bá quyền, theo cách làm của François Simiand năm 1903 đối với xã hội học theo kiểu Durkheim. Đối với ông, sử gia không thoát khỏi được chủ nghĩa kinh nghiệm, sự quan sát, không mô hình hoá được, do đó không có khả năng tiếp cận những cấu trúc sâu thẳm của xã hội. Ngược lại nhân học nằm bên phía của khái niệm và từ vật liệu dân tộc học tiếp cận được vào những biểu hiện vô thức của đời sống xã hội, trong lúc sử học chỉ giới hạn ở việc quan sát những biểu hiện có ý thức của đời sống này. Bởi vậy qua đó nhân học có tiến bộ từ cái cá biệt sang cái tổng quát, từ cái ngẫu nhiên sang cái tất yếu, từ cái biểu trưng sang cái phổ quát. Chính Fernand Braudel sẽ đáp trả thách thức đặc biệt triệt để này bằng một bài viết có tính cương lĩnh trong tạp chí Annales cuối năm 1958: “Histoire et sciences sociales: la longue durée” (Lịch sử và các khoa học xã hội: độ dài thời gian). Ông đối lập di sản của Marc Bloch và Lucien Febvre, những người thầy của ông, với Claude Lévi-Strauss, nhưng không chỉ có thế vì ông còn đổi mới khi uốn nắn lại những định hướng ban đầu trong những năm 1930 để chặn đứng sự tiến công của cấu trúc luận. Ông tiến hành cùng một chiến lược thu hút của những người đi trước và thành công. Đối với nhân học mà đối tượng là các xã hội lạnh lùng với thời gian bất động, Fernand Braudel đối lập độ dài thời gian của lịch sử như là ngôn ngữ chung cho tất cả các khoa học xã hội, nhưng xoay quanh nhân vật bảo trợ là nhà sử học. Độ dài thời gian là cấu trúc, cho dù cấu trúc này, ngược lại với cấu trúc của Claude Lévi-Strauss, là quan sát được. Fernand Braudel còn đối lập một kiến tạo thời gian, được ông đa dạng hoá, như ông đã từng làm trong luận án của mình, La Méditerranée et le monde méditerranéen à l’époque de Philippe II, một thời gian tính có ba tầng. Thời gian được định tính hoá và mỗi sơ đồ của kiến trúc của Braudel đều có một địa chỉ đặc thù. Ở trên gác thượng làm nhà kho là lịch sử thuần tuý sự kiện của cá nhân, của chính trị. Ở tầng một, ta có lịch sử của thời vận, chu kì, mỗi mười năm của kinh tế và cuối cùng, ở tầng trệt, là độ dài của thời gian địa lí. Hiển nhiên chính tầng trệt có một cương vị ưu tiên, nó là nền tảng, phần chủ yếu bên cạnh các sự kiện vốn chỉ là phần nổi bọt. Sự chống đỡ kép của Fernand Braudel trước thách thức cấu trúc luận đã thành công trong mức độ là lịch sử vẫn là phần chủ đạo trong diện trường của các khoa học xã hội, nhưng với cái giá phải trả là một sự biến hoá kéo theo một thay đổi triệt để. Như thế ta có thể tự hỏi là liệu có phải trong thực tế nhân học đã chiếm lĩnh lịch sử từ bên trong. Con ngựa thành Troie là tác phẩm L’homme nu của Claude Lévi-Strauss đã lột trần truồng Clio (vị thần lịch sử trong thần thoại Hi Lạp – ND)

Giải kiến tạo

Một thách thức nữa được đặt ra cho các nhà sử học vào cuối những năm 1960, lần thứ ba này đến từ các nhà triết học của sự giải kiến tạo, đặc biệt là Michel Foucault, một tác giả sẽ ảnh hưởng nhiều hơn nữa đến những định hướng sử liệu khi, bằng những công trình của mình, ông tự đặt mình vào chính ngay lãnh địa của nhà sử học. Trong cuốn L’archéologie du savoir (Khảo cổ học tri thức), Michel Foucault ủng hộ cuộc chuyển đổi khoa học luận mà trường phái Annales đã hoàn thành và chủ trương đi xa hơn nữa. Chuyến này cần giải kiến tạo tính thống nhất của thời gian vốn còn kết nối các tầng của kiến trúc của Braudel. Như vậy vấn đề là mô tả một “không gian phân tán”, từ bỏ mọi tổng hợp toàn diện và Michel Foucault đối lập những mảnh của kiến thức, vô số những thực hành tản mạn được nắm bắt như những thực thể biệt lập. Một hệ luận của sự lật đổ tính liên tục và tính tổng thể lịch sử là việc không lấy chủ thể làm trung tâm. Ý thức về bản thân được hoà tan trong diễn ngôn-đối tượng, trong số bội của những lịch sử không đồng nhất. Tính thống nhất thời gian chỉ còn xuất hiện như một trò chơi trí tuệ giả tạo, hư ảo. Đi tìm một hệ thống nhân quả, Michel Foucault đối lập một sự đa dạng nhân quả và dẫn nhập của ông vào L’archéologie du savoir thật sự là một định nghĩa của lịch sử chuỗi (histoire sérielle) mà thế hệ thứ ba của trường phái Annales sẽ thực hành. Một lịch sử phân mảnh là cần thiết nơi các lịch sử thay thế cho Lịch sử. Như vậy sử gia không còn tìm toàn bộ thực tế nhưng cái toàn thể của lịch sử thông qua đối tượng nghiên cứu của mình. Thời gian độc nhất bung thành cả vạn thời gian tính không đồng nhất. Lịch sử chỉ còn là lịch sử vùng và lịch sử phải tự giới hạn mình vào việc mô tả chuỗi mà mình nghiên cứu. Năm 1969 cũng là năm xuất bản cuốn L’archéologie du savoir, Fernand Braudel rút khỏi tạp chí Annales nhường quyền lại cho một tập thể lãnh đạo mới gồm có André Burguière, Marc Ferro, Hacques Le Goff, Emmanuel Le Roy Ladurie và Jacques Revel. Kết quả là diễn ngôn của Braudel bị đưa ra ngoài lề và sự tăng tốc của chuyển động nở rộ của lịch sử. Điều nghịch lí là chiến thắng của những luận đề của trường phái Annales diễn ra trong những năm 1970 khi mà diễn ngôn sử học ngày càng vắng sử tính. Khó nhận thấy là ta đang chuyển từ lịch sử gần như bất động sang “lịch sử bất động” (tựa của bài khai giảng của Emmanuel Le Roy Ladurie ở Collège de France), một lịch sử phủ nhận những đoạn tuyệt và biến đổi để chỉ còn cuối cùng là một cân bằng điều chỉnh bảo đảm cho sức mạnh của những bất biến. Từng chấn động một lịch sử được thăm hỏi lại và bứng đi tất cả những gì là đổi mới mà các chấn động này mang lại: từ các phong trào nhân dân thời Chế độ cũ đến những cuộc cách mạng trong thế kỉ XIX, và tất nhiên xuyên qua cả Cách mạng Pháp. Còn trong lịch sử này, con người bị đẩy ra khỏi trung tâm đến độ biến mất khỏi chân trời giống như một khuôn mặt trên bãi cát ở bờ rìa bãi biển...

Bước ngoặt quyết định

François Furet (1927-1997)
Pierre Nora (1931-)

Bối cảnh của cuộc khủng hoảng và tan vỡ của trào lưu lịch sử mới của trường phái Annales bắt nguồn từ đầu những năm 1980. Từ năm 1980, Pierre Nora giữ vài khoảng cách với trào lưu trên khi khởi xướng tạp chí Le Débat (Tranh luận), và đưa vào lại trong diễn ngôn lịch sử một viễn cảnh chính trị. Pierre Chaunu, cùng thời điểm ấy, đề cập đến thời của những hiệu suất giảm dần. Về phần François Furet, năm 1985 ông tự nguyện rời chức lãnh đạo Trường nghiên cứu cao cấp khoa học xã hội (EHESS) để chủ trì một mạng lưới khác những nhà sử học và triết học trong khuôn khổ của Viện Raymond Aron, và chủ trương một lịch sử lí thuyết hơn, tách rời khỏi cái nền kinh tế và xã hội của nó. Còn nhà sử học Georges Duby, năm 1987 tuyên bố: “Chúng ta đang ở cuối một điều gì đó (...) Tôi có cảm giác bị hụt hơi”.

Sau khi cẩn thận tránh mọi sự đặt lại vấn đề, tạp chí Annales gây ngạc nhiên khi tính đến thời vận mới bằng cách bi kịch hoá xã luận của mình trong số 4-5 năm 1988 với dòng tựa in chữ đỏ: “Histoire et sciences sociales. Un tournant critique” (Lịch sử và khoa học xã hội. Một bước ngoặt quyết định), nêu lên sự cần thiết của một vận hội mới, của những liên minh mới và kêu gọi những đóng góp để xác định lại tính đặc thù của cách tiếp cận của sử học: “Ngày nay thời của những điều không chắc chắn đã đến... (...) Những hệ ý thống trị mà người ta đi tìm trong các chủ nghĩa Marx hay các chủ nghĩa cấu trúc cũng như trong các thực hành tự tin vào sự lượng hoá đã đánh mất năng lực cấu trúc hoá của chúng”. Lời kêu gọi này dẫn đến việc xuất bản số đặc biệt tháng 11-12 năm 1989 về bước ngoặt quyết định. Tất cả những chủ đề được phát triển trong xã luận này xác định một loại chương trình mới định hướng cho nghiên cứu lịch sử và báo hiệu một bước ngoặt toàn diện và một phê phán những quan điểm trước đây. Trước tiên, xã luận ghi nhận là đối thoại liên ngành như đã được tiến hành có nguy cơ làm nhà sử học mất đi điều làm nên tính đặc thù của bộ môn mình. Thứ hai, điều được nhấn mạnh là sự nguy hiểm của ưu thế dành cho độ dài thời gian vốn có xu hướng xoá bỏ những sự đoạn tuyệt, những thay đổi lịch sử và ưu tiên cho những tính thường xuyên. Mặt khác xã luận của tạp chí Annales còn thừa nhận là đã nhượng bộ một duy khoa luận nhất định và ruồng bỏ chiều kích diễn giải của lịch sử: “Như vậy, một khối tư liệu khổng lồ đã được tập hợp và phân tích. Nhưng chính trong sự phát triển của nghiên cứu, việc tích luỹ dữ liệu đã lấn át tham vọng và ngay chính sự quan tâm đến việc diễn giải. Chủ nghĩa tân thực chứng chiều kích con người của lịch sử, năng lực tự chủ của cá nhân đối với tất cả những gì chi phối nó và cho phép nó nhận thức và tự đặt mình trong thực tại từ những thực hành cá biệt: “Xã hội không phải là một đồ vật. Không phải là điều vô thưởng vô phạt khi đều đồng thời tự tách mình ra khỏi hai mô hình lớn là mô hình chức năng và mô hình cấu trúc để hướng đến những phân tích bằng khái niệm chiến lược”. Cuối cùng xã luận đề cập đến nguy cơ tan rã của bộ môn lịch sử.

Bernard Lepetit (1948-1996)
Le Roy Ladurie (1929-)

Kể từ năm 1988-1989, tạp chí Annales đi vào một hướng khác hoàn toàn với giai đoạn trước đó. Sử gia Bernard Lepetit, lúc bấy giờ là thư kí ban biên tập, có vai trò chính trong việc xác định những định hướng mới này và trong việc quan niệm một liên minh mới. Một hệ ý mới được kết tinh lại và thực hiện một chuyển đổi mới có tính thực dụng và thông diễn học, đoạn tuyệt tuyệt đối với giai đoạn trước vốn ưu tiên độc nhất cho những hiện tượng độ dài thời gian của Braudel hay cho một lịch sử bất động của Le Roy Ladurie. Sự thay đổi định hướng này tác động đến phần lớn các khoa học nhân văn đang tham gia vào một quá trình nhân văn hoá. Một cách đầy ý nghĩa, tạp chí thay tiểu tựa của mình là “Économies, sociétés, civilisation” (Các nền kinh tế, xã hội, văn minh) được sử dụng từ năm 1946 thành “Histoire, sciences sociales” (Lịch sử, các khoa học xã hội).

Thời khắc phản tư mà bộ môn lịch sử trải qua đòi hỏi một cái nhìn kiến giải không chỉ đối với các đối tượng của nghề sử gia mà còn cả đối với những tiến hoá của việc viết sử. Vượt xa hơn thời vận kí ức hiện nay, biểu hiện của cuộc khủng hoảng của một trong hai phạm trù siêu lịch sử - chân trời chờ đợi, sự thiếu vắng một dự phóng của xã hội hiện đại của chúng ta -, bộ môn lịch sử tự nhắc nhở mình một chức năng gắn với hành động, với món nợ đạo đức đối với quá khứ. Tất nhiên, chế độ sử tính, luôn rộng mở với tương lai, không còn là sự phóng chiếu một dự án được tư duy đầy đủ, khép kín trên chính nó. Chính logic của hành động duy trì việc để ngỏ trường của những khả thể, trong sự mở lại những tiềm năng của hiện tại được những khả thể của quá khứ chưa hoàn thành nuôi dưỡng. Do đó chức năng của lịch sử vẫn sống động và việc chịu tang những tầm nhìn cứu cánh có thể trở thành một cơ may để tư duy lại thế giới ngày mai.

François Dosse

Nhà sử học, giáo sư đại học, giảng dạy tại IUFM Créteil và Sciences-Po Paris

Nguyễn Đôn Phước dịch

BLOCH M., Apologie pour l’histoire (1941), Paris, A. Colin 2005. – BRAUDEL P., Écrits sur l’histoire (1969), Paris, Flammarion “Champs”, 1993. – CERTAU M. DE., L’ Écriture de l’histoire (1975), Paris, Gallimard “Folio”, 2002. – DELACROIX C., DOSSE F. & GARCIA P., L’ historiques en France, XIXè-XXè siècle (1999), Paris, A. Colin 2005. –DOSSE F., L’ histoire en miettes, des Annales à la nouvelle histoire (1987), Paris, La Découverte, 2005. – FEBVRE L., Combats pour l’histoire (1953), Paris, A. Collin, 1997. – LE GOF J. & NORA P., Faire de l’histoire (1975), Paris, Gallimard “Folio”, 2002. – NOVICOW J., La critique du darwinisme social, Paris, Alcan, 1910. – PEARSON K., The LE GOF J., La nouvelle histoire (1978), Bruxelles, Complexe, 1999. – VEINE P., Comment on écrit l’histoire (1969), Paris, Seuil “Points”, 1996.

® Bloc M.; Braudel F.; Cấu trúc luận và các khoa học nhân văn; Chaunu P.; Chế độ sử tính; Duby G.; Foucault; Furet F.; Le Goff J.; Le Roy Ladurie E.; Nora P.; Revel J.; Simiand F.; Sự kiện; Sử tính; Xã hội-lịch sử.

Nguồn: “Ecole des Annales”, Le dictionnaire des sciences humaines do Sylvie Mesure và Patrick Savidan chủ biên, Paris, PUF, 2006.

Print Friendly and PDF