11.1.24

Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là tăng lợi nhuận của mình

MỘT HỌC THUYẾT CỦA FRIEDMAN

TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI CỦA DOANH NGHIỆP LÀ TĂNG LỢI NHUẬN CỦA MÌNH

Milton Friedman

Ngày 13 tháng 9 năm 1970

Nguồn ảnh: Kho lưu trữ của tờ New York Times

Xem bài báo trên trang nguyên thủy ngày 13 tháng 9 năm 1970 trong kho lưu trữ của NYT, Mục SM, Trang 17. Mua bản in lại

Giới thiệu về Kho lưu trữ [của New York Times]

Đây là phiên bản số hóa của một bài báo từ kho lưu trữ bản in của The Times, trước khi bắt đầu xuất bản trực tuyến vào năm 1996. Để giữ nguyên những bài báo này như ban đầu, The Times không thay đổi, chỉnh sửa hoặc cập nhật chúng.

Đôi khi, quá trình số hóa đưa ra các lỗi sao chép hoặc các vấn đề khác; chúng tôi đang tiếp tục làm việc để cải thiện các phiên bản lưu trữ này.

KHI nghe các nhà doanh nghiệp nói một cách hùng hồn về “các trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong một hệ thống kinh doanh-tự do (free-enterprise)”, tôi nhớ tới câu nói tuyệt vời của một người Pháp ở tuổi 70, người đã nhận ra rằng bản thân anh ta suốt đời đã nói bằng văn xuôi. Các nhà doanh nghiệp tin rằng họ đang bảo vệ quyền tự do kinh doanh khi họ tuyên bố rằng doanh nghiệp không “chỉ quan tâm” tới lợi nhuận mà còn tới việc thúc đẩy các mục tiêu “xã hội” mong muốn; doanh nghiệp đó có “lương tâm xã hội” và thực hiện nghiêm túc các trách nhiệm của mình trong việc cung cấp công ăn việc làm, xóa bỏ phân biệt đối xử, tránh ô nhiễm và bất kỳ điều gì khác có thể là khẩu hiệu của hàng loạt nhà cải cách đương thời. Trên thực tế, họ – hoặc sẽ như vậy nếu họ hoặc bất kỳ ai khác coi trọng họ – đang rao giảng chủ nghĩa xã hội thuần khiết và không pha trộn gì cả. Những nhà doanh nghiệp nói theo cách này vô tình là những con rối của các lực lượng trí thức đang phá hoại cơ sở của một xã hội tự do trong những thập kỷ qua.

Các cuộc thảo luận về “các trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp” là đáng chú ý vì sự phân tích lỏng lẻo và thiếu chặt chẽ của chúng. Việc nói rằng “doanh nghiệp” có trách nhiệm có nghĩa lý gì? Chỉ có con người mới có thể có trách nhiệm. Một công ty là một con người giả tạo, và theo nghĩa này có thể có các trách nhiệm giả tạo, nhưng không thể nói “doanh nghiệp” nói chung là phải có trách nhiệm, ngay cả theo nghĩa mơ hồ này. Bước đầu tiên hướng tới sự rõ ràng trong việc suy xét học thuyết trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là đặt câu hỏi chính xác nó ám chỉ điều gì đối với ai.

Có lẽ, những cá nhân phải chịu trách nhiệm là các nhà doanh nghiệp, có nghĩa là những chủ sở hữu cá nhân hoặc các nhà điều hành công ty. Hầu hết các cuộc thảo luận về trách nhiệm xã hội đều nhắm vào các công ty, vì vậy trong phần tiếp theo, tôi chủ yếu sẽ bỏ qua chủ sở hữu cá nhân và nói về các nhà điều hành công ty.

Trong một hệ thống kinh doanh-tự do, sở hữu tư nhân, một nhà điều hành công ty chỉ là một người làm thuê của những chủ sở hữu doanh nghiệp. Người này có trách nhiệm trực tiếp với những người sử dụng lao động của mình. Trách nhiệm đó là tiến hành kinh doanh theo mong muốn của họ, nói chung là kiếm được càng nhiều tiền càng tốt trong khi vẫn tuân thủ các quy tắc cơ bản của xã hội, cả những quy tắc hiện thân trong luật pháp và trong phong tục đạo đức. Dĩ nhiên, trong một số trường hợp, những người sử dụng lao động có thể có một mục tiêu khác. Một nhóm người có thể thành lập một công ty vì một mục đích từ thiện (eleemosynary) – chẳng hạn như: bệnh viện hoặc trường học. Nhà quản lý của một công ty như vậy sẽ không lấy tiền lãi làm mục tiêu của mình mà là cung cấp một số dịch vụ nhất định.

Trong cả hai trường hợp, điểm mấu chốt là, với tư cách là một nhà điều hành công ty, nhà quản lý là đại diện của những cá nhân sở hữu công ty hoặc của những cá nhân thành lập tổ chức từ thiện, và nhà quản lý chỉ chịu trách nhiệm chủ yếu trước họ.

Không cần phải nói, điều này không có nghĩa là dễ dàng xét đoán nhà điều hành thực hiện nhiệm vụ của mình tốt như thế nào. Nhưng ít nhất thì tiêu chí thành tựu cũng rõ ràng và những người có thỏa thuận hợp đồng tự nguyện được xác định rõ ràng.

Tất nhiên, nhà điều hành công ty cũng là một người quyền riêng của mình. Là một con người, nhà điều hành công ty có thể có nhiều trách nhiệm khác mà y thừa nhận hoặc tự nguyện đảm nhận – đối với gia đình, lương tâm, những tình cảm bác ái, nhà thờ, câu lạc bộ, thành phố, đất nước của mình. Nhà điều hành công ty có thể cảm thấy bị thôi thúc bởi các trách nhiệm này để cống hiến một phần thu nhập của mình cho những mục đích mà y coi là xứng đáng, y từ chối làm việc cho các công ty cụ thể, thậm chí từ bỏ công việc của mình, chẳng hạn như để gia nhập lực lượng vũ trang của đất nước mình. Nếu muốn, chúng ta có thể gọi một vài trách nhiệm này là “các trách nhiệm xã hội”. Nhưng ở những khía cạnh này, nhà điều hành công ty đang hành động với tư cách là người ủy quyền chứ không phải người đại diện (Xem thuyết người ủy quyền – người đại diện - ND); y đang sử dụng tiền bạc, thời gian hay năng lượng của chính mình, chứ không phải tiền của những người sử dụng lao động của mình hay thời gian hay năng lượng mà mình đã ký hợp đồng để cống hiến cho những mục đích của họ. Nếu đây là “các trách nhiệm xã hội” thì đó là các trách nhiệm xã hội của các cá nhân, chứ không phải của doanh nghiệp.

Việc nói rằng nhà điều hành công ty có “trách nhiệm xã hội” với tư cách là nhà doanh nghiệp có nghĩa là gì? Nếu không phải là lời ngụy biện thuần túy, thì tuyên bố này phải có nghĩa là nhà điều hành công ty sẽ hành động theo một cách nào đó không vì lợi ích của những người sử dụng lao động của mình. Ví dụ, nhà điều hành công ty phải kiềm chế tăng giá sản phẩm để đóng góp vào mục tiêu xã hội là ngăn chặn lạm phát, mặc dù việc tăng giá sẽ mang lại lợi ích tốt nhất cho công ty. Hoặc nhà điều hành công ty phải chi tiêu cho việc giảm ô nhiễm vượt quá số tiền có lợi nhất cho công ty hoặc vượt quá yêu cầu của pháp luật để đóng góp vào mục tiêu xã hội là cải thiện môi trường. Hoặc, với cái giá phải trả là lợi nhuận của công ty, nhà điều hành công ty phải thuê những người thất nghiệpkinh niên thay vì những người lao động có trình độ tốt hơn sẵn có để đóng góp cho mục tiêu xã hội là xóa đói giảm nghèo.

Trong mỗi trường hợp này, nhà điều hành công ty sẽ sử dụng tiền của ai khác vì một lợi ích chung của xã hội. Trong chừng mực mà hành động của anh ta phù hợp với “trách nhiệm xã hội” của bản thân làm giảm lợi nhuận của các cổ đông, nhà điều hành công ty đang sử dụng tiền của các cổ đông. Trong chừng mực hành động của bản thân tăng giá đối với khách hàng, nhà điều hành công ty đang sử dụng tiền của khách hàng. Trong chừng mực hành động của bản thân làm giảm tiền lương của một số người lao động, nhà điều hành công ty đang sử dụng tiền của những người lao động ấy.

Các cổ đông hoặc khách hàng hoặc những người lao động có thể chi tiền riêng cho một hành động cụ thể nếu họ muốn làm như vậy. Nhà điều hành đang thực hiện một “trách nhiệm xã hội” rõ ràng, thay vì đóng vai trò là người đại diện cho các cổ đông, cho khách hàng hoặc cho những người lao động, chỉ khi y sử dụng tiền theo cách khác với cái cách mà những người đó đã dự kiến sử dụng.

Nhưng nếu nhà điều hành công ty làm điều này, thì một mặt là trên thực tế, y đang thực sự đánh thuế [những người đó], còn mặt khác y quyết định số tiền thu được từ thuế sẽ được sử dụng như thế nào.

Quá trình này đặt ra những câu hỏi chính trị trên hai cấp độ: nguyên tắc và các hệ quả. Ở cấp độ nguyên tắc chính trị, việc đánh thuế và sử dụng tiền thu được từ thuế là các chức năng cai quản (governmental functions). Chúng ta đã thiết lập các điều khoản cụ thể trong hiến pháp, quốc hội và tư pháp để kiểm soát các chức năng này, nhằm đảm bảo rằng các loại thuế được áp đặt trong chừng mực có thể theo những sở thích và mong muốn của công chúng – xét cho cùng, “đánh thuế nhưng không có đại biểu trong nghị viện” (taxation without representation) là một trong những tiếng kêu trong trận chiến của cuộc Cách mạng Mỹ. Chúng ta có một hệ thống kiểm soát và cân bằng để tách biệt chức năng lập pháp trong việc áp đặt thuế và thông qua các khoản chi tiêu khỏi chức năng hành pháp là thu thuế và quản lý các chương trình chi tiêu cũng như khỏi chức năng tư pháp là hòa giải các tranh chấp và diễn giải về luật.

Ở đây, nhà doanh nghiệp – do các cổ đông tự tuyển chọn hoặc bổ nhiệm trực tiếp hoặc gián tiếp – phải đồng thời là nhà lập pháp, nhà điều hành và luật gia. Nhà doanh nghiệp phải quyết định đánh thuế ai và cho mục đích gì, và y sẽ chi tiêu số tiền thu được – tất cả những điều này chỉ được hướng dẫn bởi những lời hô hào chung từ trên cao để kiềm chế lạm phát, cải thiện môi trường, chống đói nghèo, v.v..

Toàn bộ lý do biện minh cho việc cho phép các cổ đông tuyển chọn nhà điều hành công ty rằng nhà điều hành là một người đại diện phục vụ cho các lợi ích của những người ủy quyền cho mình. Sự biện minh này biến mất khi nhà điều hành công ty áp đặt thuế và chi số tiền thu được cho các mục đích “xã hội”. Trên thực tế, nhà điều hành công ty trở thành một viên chức, một công chức, mặc dù trên danh nghĩa y vẫn là người lao động của một doanh nghiệp tư nhân. Trên những cơ sở của nguyên tắc chính trị, không thể chấp nhận được việc tuyển chọn những công chức như vậy – trong chừng mực mà các hành động của họ nhân danh trách nhiệm xã hội là có thật chứ không phải chỉ để đánh bóng – như hiện nay. Nếu là công chức, thì họ phải được tuyển chọn thông qua một quá trình chính trị. Nếu muốn đánh thuế và sử dụng tiền để thúc đẩy các mục tiêu “xã hội”, thì bộ máy chính trị phải được thiết lập để hướng dẫn việc đánh giá những khoản thuế và xác định thông qua một quy trình chính trị các mục tiêu cần đạt được.

Đây là lý do cơ bản tại sao học thuyết về “trách nhiệm xã hội” kéo theo việc chấp nhận quan điểm xã hội chủ nghĩa rằng các cơ chế chính trị, chứ không phải cơ chế thị trường, là cách thích hợp để xác định việc phân bổ những nguồn lực khan hiếm cho các mục đích sử dụng khác nhau.

Trên những cơ sở của các hệ quả, trong thực tế, liệu nhà điều hành công ty có thể hoàn thành “các trách nhiệm xã hội” đáng ngờ của mình không? Một mặt, giả sử nhà điều hành công ty có thể không bị trừng phạt vì sử dụng tiền của các cổ đông, khách hàng hoặc người lao động cho mình. Làm sao nhà điều hành công ty biết được cách để sử dụng nó? Nhà điều hành công ty được cho biết rằng y phải góp phần chống lạm phát. Làm sao nhà điều hành công ty biết được hành động nào của mình sẽ góp phần vào mục đích đó? Nhà điều hành công ty có lẽ là một chuyên gia trong việc điều hành công ty của mình – trong việc sản xuất, bán sản phẩm hoặc cấp vốn cho công ty. Nhưng chẳng có gì trong quá trình được tuyển dụng khiến nhà điều hành công ty trở thành một chuyên gia về [kiềm chế] lạm phát. Liệu việc nhà điều hành công ty giữ giá sản phẩm của mình có giảm sức ép lên tình trạng lạm phát hay không? Hoặc, bằng cách để lại nhiều sức mua hơn cho khách hàng của mình, lại chuyển hướng chi tiêu của khách sang lĩnh vực khác? Hoặc, bằng cách buộc nhà điều hành công ty sản xuất ít hơn vì giá bán thấp hơn, thì liệu có góp phần làm khan hiếm hàng hoá? Ngay cả khi có thể trả lời những câu hỏi này, thì nhà điều hành công ty phải trả bao nhiêu chi phí khi áp đặt lên các cổ đông, khách hàng và người lao động của mình vì mục đích xã hội này? Phần đóng góp thích hợp của nhà điều hành công ty là bao nhiêu, còn phần đóng góp thích hợp của những người khác là bao nhiêu?

Và, dù muốn hay không, liệu nhà điều hành công ty có thể không bị trừng phạt vì sử dụng tiền của các cổ đông, khách hàng hoặc người lao động cho mình không? Liệu các cổ đông sẽ không sa thải y chứ? (Hoặc liệu những người hiện tại hoặc những người nắm lại quyền kiểm soát công ty cũng sẽ không sa thải nhà điều hành công ty chứ khi hành động của y nhân danh trách nhiệm xã hội đã làm giảm lợi nhuận của công ty và giá cổ phiếu của công ty.) Các khách hàng và người lao động của nhà điều hành công ty có thể rời bỏ y để tới với những nhà sản xuất và người sử dụng lao động khác ít để tâm hơn đến việc thực hiện các trách nhiệm xã hội của họ.

Khía cạnh này của học thuyết “trách nhiệm xã hội” trở nên rõ ràng hơn khi học thuyết này được sử dụng để biện minh cho việc các nghiệp đoàn hạn chế tiền lương. Xung đột lợi ích là trần trụi và rõ ràng khi các quan chức nghiệp đoàn được yêu cầu đặt lợi ích của các thành viên của họ dưới mục đích chung hơn nào đó của xã hội. Nếu các quan chức nghiệp đoàn cố gắng thực thi việc hạn chế tiền lương, thì các hệ quả có thể là nổ ra các cuộc đình công tự phát, xảy ra các cuộc nổi dậy của cấp dưới và xuất hiện các đối thủ cạnh tranh hùng mạnh để giành lấy công ăn việc làm của họ. Vì thế, chúng ta có một hiện tượng trớ trêu là các nhà lãnh đạo nghiệp đoàn – ít nhất là ở Hoa Kỳ – đã phản đối sự can thiệp của Chính phủ vào thị trường một cách kiên định và can đảm hơn nhiều so với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp.

Dĩ nhiên, khó khăn trong việc thực hiện “trách nhiệm xã hội” minh họa ưu điểm tuyệt vời của doanh nghiệp cạnh tranh tư nhân – nó buộc mọi người phải chịu trách nhiệm về hành động của chính họ và khiến họ khó “bóc lột” người khác vì các mục đích vị kỷ hay không vị kỷ. Họ có thể làm điều thiện – song chỉ bằng tiền của riêng họ.

Nhiều độc giả đã theo dõi luận cứ này tới tận đây có thể mong muốn phản đối rằng thật tốt khi nói chính phủ phải có trách nhiệm đánh thuế và xác định các khoản chi tiêu cho các mục đích “xã hội” như kiểm soát ô nhiễm hoặc đào tạo những người thất nghiệp kinh niên, nhưng các vấn đề quá cấp bách không thể chờ đợi diễn tiến chậm chạp của các quá trình chính trị, nên việc các doanh nhân thực hiện trách nhiệm xã hội là cách nhanh hơn và chắc chắn hơn để giải quyết các vấn đề cấp bách hiện tại.

Bên cạnh vấn đề thực tế – tôi chia sẻ cái nhìn hoài nghi của Adam Smith về những lợi ích có thể được mong đợi từ “những người tác động lên hoạt động giao thương vì lợi ích chung” – luận cứ này phải bị bác bỏ trên những cơ sở của nguyên tắc [chính trị]. Nội dung của nó là sự khẳng định rằng những ai ủng hộ thuế và việc sử dụng thuế đang được đề cập đã thất bại trong việc thuyết phục đa số đồng bào của họ có cùng quan điểm với mình và đang tìm cách đạt được bằng các thủ tục phi dân chủ những gì họ không thể đạt được bằng các thủ tục dân chủ. Trong một xã hội tự do, những người “thiện” khó làm “điều thiện”, song đó là cái giá nhỏ phải trả cho việc khiến những người “ác” khó làm “điều ác”, đặc biệt vì điều thiện đối với người này lại là điều ác đối với người kia.

ĐỂ ĐƠN GIẢN, tôi đã tập trung vào trường hợp đặc biệt của nhà điều hành công ty, ngoại trừ phần lạc đề ngắn về các nghiệp đoàn. Song chính luận cứ tương tự cũng áp dụng cho hiện tượng mới hơn là kêu gọi các cổ đông yêu cầu các công ty thực hiện trách nhiệm xã hội (chẳng hạn như chiến dịch kêu gọi hãng General Motor có trách nhiệm gần đây). Trong hầu hết các trường hợp này, điều có tác động liên quan là một số cổ đông đang cố gắng thuyết phục những cổ đông khác (hoặc các khách hàng hoặc người lao động) đóng góp trái với ý muốn của họ cho các mục đích “xã hội” được những nhà hoạt động xã hội ủng hộ. Trong chừng mực thành công, họ lại đánh thuế và sử dụng số tiền thu được.

Tình hình của chủ sở hữu cá nhân là hơi khác. Nếu hành động để giảm lợi nhuận của doanh nghiệp của mình để thực hiện “trách nhiệm xã hội”, thì chủ sở hữu cá nhân đang sử dụng tiền của chính mình chứ không phải của người khác. Nếu muốn sử dụng tiền của mình vào những mục đích như vậy, thì chủ sở hữu cá nhân có quyền làm như vậy, và tôi không thể thấy rằng có bất kỳ sự phản đối nào đối với việc y làm như vậy. Trong quá trình này, chủ sở hữu cá nhân cũng có thể áp đặt chi phí cho những người lao động và khách hàng. Tuy nhiên, vì chủ sở hữu cá nhân có quyền lực độc quyền bán ít hơn nhiều so với một công ty lớn (large corporation) hoặc nghiệp đoàn, nên bất kỳ tác dụng phụ nào như vậy sẽ có xu hướng nhỏ.

Tất nhiên, trên thực tế, học thuyết trách nhiệm xã hội thường là vỏ bọc cho những hành động được biện minh trên những cơ sở khác chứ không phải là một lý do cho những hành động đó.

Để minh họa, có thể vì lợi ích lâu dài của một công ty một người sử dụng lao động lớn trong một cộng đồng nhỏ dành những nguồn lực để cung cấp những tiện ích cho cộng đồng đó hoặc để cải thiện chính quyền của cộng đồng đó. Điều đó có thể khiến cho một công ty dễ dàng hơn trong việc thu hút những người lao động mong muốn, công ty này có thể làm giảm số tiền lương phải chi hoặc giảm bớt thiệt hại do ăn cắp vặt và phá hoại hoặc có những tác động đáng giá khác. Hoặc có thể là, dựa trên luật về khấu trừ những khoản đóng góp từ thiện của công ty, các cổ đông có thể đóng góp nhiều hơn cho các tổ chức từ thiện mà họ ủng hộ bằng cách để công ty tặng quà thay vì tự họ làm, vì theo cách đó họ có thể đóng góp một số tiền mà nếu không sẽ được trả dưới dạng thuế doanh nghiệp.

Trong mỗi trường hợp này – và nhiều trường hợp tương tự –, có một sự cám dỗ mạnh mẽ để hợp lý hóa những hành động này như một sự thực hiện “trách nhiệm xã hội”. Trong bối cảnh dư luận hiện nay, với nỗi ác cảm lan rộng dành cho “chủ nghĩa tư bản”, “những khoản lợi nhuận”, “công ty vô tâm”, v.v., đây là một cách để một công ty sinh ra thiện ý như một phụ phẩm của các khoản chi tiêu hoàn toàn hợp lý vì tính tư lợi của riêng nó.

Tôi sẽ không nhất quán nếu kêu gọi các nhà điều hành công ty không sử dụng mánh lới đạo đức giả này vì điều này gây hại cho những nền tảng của một xã hội tự do. Đây sẽ là lời kêu gọi họ thực hiện “trách nhiệm xã hội”! Nếu các tổ chức của chúng ta, và thái độ của công chúng khiến họ che đậy những hành động của mình theo cách này vì sự tư lợi, thì chúng ta chẳng thể kêu gọi nhiều sự phẫn nộ để tố cáo họ. Đồng thời, chúng ta có thể bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với những chủ sở hữu cá nhân hoặc những chủ sở hữu của các công ty mà cổ phần chỉ nằm trong tay một số người (closely held corporations) hoặc các cổ đông của các công ty đại chúng hơn (more broadly held corporations), những công ty coi thường các chiến thuật tiếp cận bằng cách gian lận kiểu thế này.

Dù đáng lên án hay không, việc sử dụng vỏ bọc trách nhiệm xã hội, và những phát biểu vô nghĩa nhân danh trách nhiệm này của các nhà doanh nghiệp có sức ảnh hưởng và uy tín lớn, rõ ràng gây tổn hại cho những nền tảng của một xã hội tự do. Hết lần này tới lần khác, tôi đã bị ấn tượng bởi tính chất tâm thần phân liệt của nhiều nhà doanh nghiệp. Họ có khả năng nhìn xa trông rộng và sáng suốt trong các vấn đề thuộc về công việc kinh doanh của họ. Họ cực kỳ thiển cận và đầu óc mơ hồ trong những vấn đề nằm ngoài hoạt động kinh doanh của họ song có ảnh hưởng tới khả năng sinh tồn của doanh nghiệp nói chung. Sự thiển cận này được minh họa rõ nét trong lời kêu gọi của nhiều nhà doanh nghiệp về việc hướng dẫn hay kiểm soát lương và giá cả hoặc về chính sách thu nhập. Chẳng có gì có thể thực hiện được nhiều việc hơn trong một quãng thời gian ngắn để phá hủy một hệ thống thị trường và thay thế nó bằng một hệ thống được kiểm soát tập trung hơn là việc chính phủ thật sự kiểm soát đối với giá cả và tiền lương.

Sự thiển cận cũng được thể hiện trong các phát ngôn của các nhà doanh nghiệp về trách nhiệm xã hội. Điều này có thể mang lại cho họ danh tiếng trong thời gian ngắn. Nhưng nó giúp củng cố quan điểm vốn quá phổ biến rằng việc trục lợi là xấu xa, vô luân và phải bị kiềm chế và kiểm soát bởi các thế lực bên ngoài. Một khi quan điểm này được chấp nhận, các lực lượng bên ngoài kiềm chế thị trường sẽ không phải là lương tâm xã hội, dù phát triển tới đâu, của các nhà điều hành giáo chủ (pontificating executives); nó sẽ là quả đấm thép của các quan chức Chính phủ. Ở đây, giống như với việc kiểm soát giá cả và tiền lương, đối với tôi, các nhà doanh nghiệp dường như bộc lộ xu hướng tự sát.

Nguyên tắc chính trị bên dưới cơ chế thị trường là sự nhất trí (unanimity). Trong một thị trường tự do lý tưởng dựa trên quyền tư hữu, chẳng cá nhân nào có thể ép buộc bất kỳ cá nhân nào khác, mọi sự hợp tác là tự nguyện, tất cả các bên tham gia hợp tác đều có lợi hoặc họ không cần phải tham gia. Chẳng có giá trị “xã hội”, chẳng có trách nhiệm “xã hội” theo bất kỳ ý nghĩa nào khác ngoài các giá trị và trách nhiệm chung của các cá nhân. Xã hội là một tập hợp các cá nhân và các nhóm khác nhau mà họ tự nguyện hợp thành.

Nguyên tắc chính trị nằm dưới cơ chế chính trị là sự tuân thủ. Cá nhân phải phục vụ lợi ích chung hơn của xã hội – cho dù điều đó được xác định bởi giáo hội hay bởi một nhà độc tài hay bởi một đa số. Cá nhân có thể có quyền biểu quyết và có tiếng nói về những việc phải làm, song nếu bị bác bỏ, người đó phải tuân thủ. Việc một số người yêu cầu những người khác đóng góp cho một mục đích chung của xã hội cho dù họ có muốn hay không là thích đáng.

Thật chẳng may, sự nhất trí không phải lúc nào cũng khả thi. Có một số khía cạnh mà sự tuân thủ dường như không thể tránh khỏi, vì vậy tôi không thấy làm sao người ta có thể tránh hoàn toàn việc sử dụng Cơ chế chính trị.

Nhưng học thuyết về “trách nhiệm xã hội” được thực hiện nghiêm túc sẽ mở rộng phạm vi của cơ chế chính trị đến mọi hoạt động của con người. Nó không khác biệt về mặt triết học với học thuyết chủ nghĩa tập thể rõ ràng nhất. Nó chỉ khác ở chỗ việc tuyên bố tin rằng các mục tiêu của chủ nghĩa tập thể có thể đạt được mà không cần các phương tiện của chủ nghĩa tập thể. Đó là lý do tại sao, trong cuốn “Chủ nghĩa tư bản và Tự do” (Capitalism and Freedom), tôi đã gọi đó là “học thuyết lật đổ nền tảng” (fundamentally subversive doctrine) trong một xã hội tự do, và đã nói rằng trong một xã hội như vậy, “có một và chỉ một trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp – là sử dụng những nguồn lực của mình và tham gia vào các hoạt động được thiết kế để tăng lợi nhuận của mình miễn là nó tuân thủ các quy tắc của trò chơi, nghĩa là tham gia vào cuộc cạnh tranh cởi mở và tự do mà không dối lừa hay gian lận.”

Thông tin tác giả

Milton Friedman (1912-2006)

Milton Friedman là một kinh tế gia người Mỹ nhận giải Nobel 1976. Là người ủng hộ chủ nghĩa tư bản tự do, ông có những đóng góp quan trọng trong các lĩnh vực kinh tế học vĩ mô, kinh tế học vi mô, lịch sử kinh tế và thống kê.

Nguyễn Việt Anh dịch

Nguồn: The Social Responsibility Of Business Is to Increase Its Profits, Nytimes, Sep 13, 1970. Print Friendly and PDF