“MẶT TRÁI CỦA CÁC TỪ NGỮ”: SURCYCLAGE[*]
Tác giả: Marion Négrier
Nghiên cứu sinh tiến sĩ về hóa học vật liệu, Trường Mines - Paris
Hoạt động tái chế bình thường chỉ nhắm đến việc chế biến một
vật dụng đã qua sử dụng trở lại nguyên trạng của nó. Shutterstock
Hoạt động tái chế bình thường chỉ nhắm đến việc chế biến một vật dụng đã qua sử dụng trở lại nguyên trạng của nó và vậy là nó sẽ giữ lại công dụng và tính thẩm mỹ như cũ. Đó là điều đã diễn ra đối với các chai nhựa. Còn tái chế tốt (surcyclage) giúp nâng cao giá trị một vật dụng thành một vật thể mới có chất lượng tốt hơn – các vật liệu phế thải của ngành dệt được chế biến thành những sản phẩm thời trang. Ngược lại, chế biến kém (sous-cyclage – tiếng Anh là downcycling – ND) thiên về chế biến thành một vật dụng mới có giá trị thấp hơn, ví dụ trường hợp các sách cũ được chế biến thành các thùng các tông.
Theo tự điển Larousse, thuật ngữ surcyclage rất ít được dùng trong tiếng Pháp, mà thiên về dùng từ dịch tiếng Anh “upcycling” hay chính xác là “tái chế cao hơn” (recyclage par le haut) cũng được gọi là “suprarecyclage” trong tiếng Pháp vùng Québec. Upcycling là một dạng tái chế với mục tiêu mang đến một đời sống thứ hai cho những vật liệu hay hay vật dụng phế thải bằng cách biến đổi chúng thành những sản phẩm có giá trị tăng thêm, mang tính thẩm mỹ và/hay có ích, thường là khác với mục đích sử dụng ban đầu của chúng.
Quan niệm nâng cao giá trị vật liệu đã luôn luôn hiện hữu và những trường hợp đầu tiên được ghi nhận là vào thế kỷ XVII, đặc biệt là trong lĩnh vực thời trang. Thật vậy, nhằm mục đích đi theo các xu thế, những y phục cũ được sử dụng lại để tạo ra những y phục mới hay làm thành túi xách và giày dép.
Vào đầu thế kỷ XX, các nghệ sĩ sử dụng các vật dụng khác nhau đã qua sử dụng trong những sáng tác của họ, ta có thể kể trường hợp của Marcel Duchamp ngay từ năm 1915 hay Pablo Picasso trong những năm 1940. Sau đó, trong Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, vải vóc bị khan hiếm do khối lượng sản xuất khổng lồ quân phục ở Anh Quốc, phong trào “Make Do and Mend” (Tận dụng và sửa chữa) đã được khởi xướng, khuyến khích sửa chữa và tái chế y phục.
Sau này, trong những năm 1950, Robert Rauschenberg lấy cảm hứng từ những những công trình của những năm 1920 và sáng tạo ra “junk art” hay nghệ thuật đồ phế thải, bao gồm việc sử dụng những vật liệu phế thải thu nhặt được để tạo ra nhũng tác phẩm nghệ thuật, đó là một ví dụ tốt đẹp về tái chế tốt. Cuộc suy thoái vào đầu những năm 1980 thúc đẩy dân chúng, đặc biệt là các thế hệ trẻ sử dụng và tạo thành cá tính riêng cho y phục cũ đã qua sử dụng của họ.
Cuối cùng, chính vào năm 1994 các thuật ngữ upcycling và down-cycling được Reiner Pilz tạo ra, ông là một kiến trúc sư thiết kế nội thất người Đức đã tuyên bố nhân đề cập đến hướng chỉ thị sắp tới của Liên minh châu Âu về chất thải và tái chế:
“Tái chế, tôi gọi đó là tái chế kém (sous-cyclage), họ phá hủy các viên gạch, họ phá hủy tất cả. Cái mà chúng ta cần là tái chế tốt (surcyclage). Ở đó mới có giá trị tăng thêm cho các sản phẩm cũ chứ không phải mất đi.”
Sau đó, Gunter Pauli xuất bản quyển sách đầu tiên dành cho upcycling có nhan đề cùng tên vào năm 1998, được tiếp nối vào năm 2002 với quyển sách bán chạy nhất Cradle to Cradle: Créer et recycler à l’infini (tựa tiếng Anh: Cradle to Cradle: Remaking the Way We Make Things) của William McDonough và Michael Braungart, khiến cho sự ưa chuộng thuật ngữ upcycling gia tăng mạnh mẽ. Những tác phẩm này tránh sự lãng phí nguyên liệu bằng cách ủng hộ việc sử dụng lại nguyên liệu và tạo ra những sản phẩm mới.
Đọc thêm: Công nghiệp thời trang: những hiệu ứng (rất) hạn chế của tái chế vải vóc
Mười năm gần đây, tái chế tốt đã phát triển rất mạnh song song với việc thực hiện các hoạt động và luật lệ hướng đến phát huy kinh tế tuần hoàn. Ngoài việc sử dụng lại, tái chế tốt các vật dụng và vật liệu hạn chế rất nhiều tác động của chúng đến môi trường, và còn tham gia tạo việc làm trong nhiều lĩnh vực, từ thu hồi các vật dụng, qua chế biến hoặc sửa chữa cho đến việc dùng lại chúng.
Ngành công nghiệp thời trang là một trong những ngành tiên phong trong tái chế tốt, và vẫn tham gia tích cực vào sự phát triển các quy trình tăng giá trị cho vải vóc, để chế biến một lần nữa hàng triệu tấn chất thải của ngành dệt phát sinh hàng năm trên thế giới, kể cả hàng chưa bán được và hạn chế tác động môi trường và xã hội của chúng. Tái chế tốt quần áo đã trở nên cần thiết và các nhãn hàng lớn càng ngày càng càng chuyên môn hóa trong lĩnh vực này như nhãn hàng Readymade ở Nhật Bản, nhưng còn có cả Maison Margiela và Marine Serre ở Pháp, và những nhãn hàng Paris nhỏ hơn như Paris RE Made và Mout-Mout.
Các lĩnh vực trang trí, nghệ thuật và thiết kế cũng rất gắn bó với tái chế tốt các vật liệu của mình. Ví dụ, nghệ sĩ tạo hình người Bồ Đào Nha Bordalo II điêu khắc những con thú khổng lồ từ rác thải trên các đường phố Lisbonne.
Như vậy, tái chế tốt (surcyclage hay upcycling) được định nghĩa như là một phương tiện tăng giá trị của vật liệu vốn có một lợi ích lớn về kinh tế, môi trường và văn hóa.
Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư
Nguồn: “«L’envers des mots» : surcyclage”, The Conversation, 3.12.2023.
Chú thích: [*] surcyclage tiếng Anh là upcycling là
tái chế vật liệu phế thải thành những sản phẩm có chất lượng tốt hơn hay đem lại
giá trị tốt hơn cho môi trường. Bài dịch tạm dùng cụm từ “tái chế tốt” để dịch
từ surcyclage và upcycling, với nghĩa như đã nêu ở đây, và “tái chế kém” cho từ
sous-cyclage (tiếng Pháp) và downcycling (tiếng Anh) – ND.