THỜI ĐẠI KHAI SÁNG – BÀI HỌC NÀO CÓ ÍCH CHO CHÚNG TA?
Tác giả: Tôn Thất Thông
Thế giới cần được cai trị bởi lý trí và phẩm hạnh để con người có thể sống tự do và hạnh phúc. Giấc mơ này không có gì mới, nhưng hình thái mà trào lưu khai sáng tự diễn đạt và phong thái dấn thân mà nó xuất hiện đã làm cho thời đại khai sáng vượt hẳn lên trên mọi kỷ nguyên khác. Thuật ngữ “khai sáng” tự nó đã là thước đo của tính hiện đại.[1]
Werner Schneiders, giáo sư triết đại học Münster
* * *
Bên cạnh khái niệm khá phổ biến là thời đại khai sáng, còn có nhiều tên gọi khác để chỉ giai đoạn đặc thù của hai thế kỷ 17 và 18. Có thể gọi đó là thế kỷ ánh sáng, là thời đại khai minh, thời đại lý tính, thời đại giác ngộ hoặc thời đại phê phán. Có nhiều lý do sinh ra sự thiếu thống nhất về một khái niệm chung. Nhiều người xem tư tưởng của thời đại đó là lời giải vạn năng để phát triển mọi xã hội, trong mọi thời kỳ. Người khác, nhất là các triết gia thuộc trường phái phê phán của thế kỷ 20, tìm thấy trong tư tưởng khai sáng những hệ lụy chưa có lời giải cho xã hội hiện đại.
Thậm chí người khai sinh chủ nghĩa bảo thủ đương thời, Edmund Burke (1729-1797) cũng là người chống cách mạng Pháp, gọi một số nhà khai sáng là những người duy lý chưa chín chắn, thiếu nguyên tắc mà những lời khách sáo mơ hồ và thiếu trách nhiệm về tự do, ý chí cộng đồng và quyền công dân không có mục đích nào khác là lật đổ chế độ cũ, để chỉ thay thế bằng tình trạng vô chính phủ và một chế độ chuyên chế[2].
Tất cả đều không sai, tùy cách nhìn từ thế đứng nào. Nhưng dù nhận định có khác nhau, cũng không ai phủ nhận rằng, thế giới hiện đại phương Tây được khởi đầu bằng thời đại khai sáng ở châu Âu, thời đại phát triển rực rỡ nhất của lịch sử văn minh phương Tây. Dù trào lưu này đã để lại nhiều hệ lụy khó giải quyết cho đến ngày nay, nhưng những thành quả về kinh tế, văn hóa, giáo dục, thể chế chính trị của hàng chục quốc gia phát triển hiện nay không tách rời khỏi các luồng tư tưởng chủ đạo của trào lưu khai sáng.
Giáo sư Georg Seiderer của đại học München có một tóm tắt thật cô đọng: Trào lưu khai sáng không chỉ là, cũng không chủ yếu là phong trào phát triển khoa học, mà là một cuộc chuyển hóa toàn bộ đời sống văn hóa châu Âu trong tất cả mọi lĩnh vực hoạt động của con người, làm tác động đến quá trình chuyển hóa nền tảng chính trị, khoa học và xã hội[3].
Điều đó được khởi động từ cuộc đấu tranh không khoan nhượng của tầng lớp học giả đương thời chống lại trật tự có sẵn trong Giáo hội, trong nhà nước, trong khoa học, văn chương và triết học. Cuộc đấu tranh đó đã tác động một cách sâu sắc lên hầu hết các lĩnh vực trong quá trình phát triển văn minh châu Âu, chủ yếu là tiến bộ nhưng cũng để lại không ít vấn đề nan giải cho những thế kỷ về sau.
Thật vậy, thời đại khai sáng đã tạo điều kiện để những cuộc cách mạng vĩ đại trong nhiều lĩnh vực khác nhau có cơ hội bùng nổ mà thành quả của chúng đã làm thay đổi hẳn bộ mặt thế giới trong các thế kỷ về sau. Chúng ta thử lướt qua các cuộc cách mạng trong vài lĩnh vực quan trọng được thành hình từ hai thế kỷ khai sáng và đã chi phối quá trình phát triển văn minh nhân loại như thế nào.
Về triết học và tư tưởng, trào lưu khai sáng đã sản sinh nhiều triết gia với các triết thuyết mới mẻ làm nền tảng cho nền triết học hiện đại ngày nay. Những lâu đài triết học mọc lên một cách nhộn nhịp, liều lĩnh, kiêu kỳ và mang bản sắc nhập thế, trong đó nổi bật hai triết thuyết đã trở thành phương pháp luận cho các nhà nghiên cứu khoa học tự nhiên, đó là thuyết duy lý làm cơ sở lý luận của phương pháp diễn dịch (deductive), và thuyết duy nghiệm đặt nền tảng cho phương pháp quy nạp (inductive). Cả hai đều là cột trụ của các công trình nghiên cứu khoa học sau này.
Montesquieu (1689-1775) |
John Locke (1632-1704) |
Trào lưu khai sáng cũng là chiếc nôi sinh thành của các lý thuyết nhà nước hiện đại mà tinh thần của chúng được thể hiện sống động qua các thể chế chính trị của các quốc gia dân chủ hiện nay. John Locke với chủ nghĩa tự do đã phác hoạ chân dung đầu tiên về thể chế chính trị dân chủ cho tương lai, Baron de Montesquieu đưa ra thuyết phân quyền làm nền tảng hoạt động vững chắc cho hầu hết các nước dân chủ ngày nay. Và tất nhiên không thể không nhắc đến Thomas Hobbes, triết gia người Anh đã đặt những nguyên lý đầu tiên cho lý thuyết nhà nước, cũng như Jean-Jacques Rousseau, triết gia người Pháp đầu tiên có sáng kiến về khế ước xã hội dựa trên tiêu chuẩn đạo đức.
Pierre de Fermat (1601-1665) |
Pierre-Simon Laplace (1749-1827) |
Về khoa học, các bộ môn quan trọng trong học trình đại học khoa học hôm nay đều được định hình từ hai thế kỷ khai sáng. Những gương mặt lớn như René Descartes, Pierre Fermat, gia tộc Bernouilli, Pierre Laplace, Leonhard Euler đã định hình các ngành hình học giải tích, đạo hàm, tích phân, vi tích phân, xác xuất v.v.. Isaac Newton với lý thuyết về sức ly tâm, nguyên lý chuyển động của vật chất đã đặt nền móng cho ngành cơ học hiện đại. Antoine Lavoisier, Robert Boyle ghi lại dấu ấn cho việc tìm kiếm nguyên tố hoá học, xây dựng các ngành hoá vô cơ, hoá hữu cơ, hoá phân tích, hoá tổng hợp. Gottfried Leibniz đặt những bước đi đầu tiên cho ngành khoa học máy tính với lý thuyết nhị phân và lý thuyết mã hoá. Đấy là chúng ta chưa kể đến các ngành khác như vật lý, y khoa, nhiệt học, khí động học, điện năng, v.v. vốn đang chi phối mạnh mẽ đời sống chúng ta hôm nay.
François Quesnay (1694-1774) |
James Watt (1736-1819) |
Ngoài ra, có những khám phá vĩ đại trong hai thế kỷ khai sáng làm chúng ta choáng ngợp và phải đặt câu hỏi là, thế giới hôm nay sẽ có diện mạo thế nào nếu không có những khám phá đó. Thí dụ như François Quesnay khám phá quy luật tuần hoàn kinh tế và khai tử học thuyết trọng thương vốn tồn tại từ vài thế kỷ trước, hoặc Adam Smith đã khai sinh lý thuyết kinh tế thị trường làm bệ phóng cho chủ nghĩa tư bản, hay James Watt phát minh máy hơi nước để mở đầu cuộc cách mạnh công nghiệp lần thứ nhất. Và còn nhiều phát minh tương tự.
Triết gia sáng lập Trường phái Frankfurt, giáo sư Max Horkheimer mặc dù thường phê phán kịch liệt sự thiển cận của một vài luồng triết học khai sáng, nhưng cũng “không có chút nghi ngờ rằng, tự do tạo được trong xã hội hiện nay không tách rời khỏi lối tư duy của những con người khai sáng[4]”. Nhà cải cách nông nghiệp Arthur Young (1741-1820) viết vào năm 1789 rằng, trào lưu khai sáng “mang những con người mới, sáng kiến mới, nỗ lực mới, hoạt động mới mẻ đến cho tất cả mọi lĩnh vực của nền công nghiệp” và quả thật đối với ông, cái gì cũng mới: “lòng hăng hái nhiệt tình, sinh lực mới, cảm hứng về xa hoa, lòng khao khát tiêu thụ, và phát triển công nghiệp”[5].
Từ bức tranh muôn màu đó, chúng ta cũng thấy rằng, nếu khảo sát trào lưu khai sáng với mong muốn tìm thấy những phương thuốc thần diệu khả dĩ áp dụng được ở mọi nơi trong mọi thời kỳ, thì chắc hẳn chúng ta sẽ thất vọng. Nhưng sẽ vô cùng ích lợi, nếu chúng ta khảo sát mối tương quan giữa các biến cố lịch sử, các vấn nạn xảy ra trong từng thời kỳ, sau đó xem xét các phê phán cũng như sáng kiến mà học giả đương thời đưa ra. Từ kết quả của quá trình phân tích và tổng hợp ấy, con người của thế kỷ 21 vẫn có thể rút ra được những bài học bổ ích để áp dụng có chọn lọc và sáng tạo vào hoàn cảnh hiện tại. Đặc biệt với kinh nghiệm lịch sử đã được kiểm chứng qua trào lưu khai sáng, chúng ta có thể rút tỉa được những vấn đề có tính nguyên lý để giải quyết các vấn nạn của thời đại chúng ta đang sống.
Baron de Montesquieu (1689-1755) chẳng hạn, ông không hề đề nghị một chế độ Tổng thống với lưỡng viện lưỡng đảng như thể chế chính trị Hoa Kỳ, cũng chưa từng đề cập đến một chế độ dân chủ đại nghị liên bang đứng đầu bởi Thủ tướng như mô hình Đức hiện nay, nhưng nguyên tắc tam quyền phân lập mà ông lý giải trong tác phẩm kinh điển “Về tinh thần luật pháp” xuất bản năm 1748 là nguyên lý có sức mạnh vô biên trong thể chế chính trị của các nước nói trên, cho dù mỗi nơi có cách áp dụng khác nhau với những định chế chính trị tương đối khác nhau.
Cũng chính lý thuyết phân quyền của Montesquieu là cơ sở triết học để cho Tây Đức định hướng việc xây dựng hệ thống nhà nước sau Thế chiến II, cũng nhờ thế mà trong vòng một thời gian ngắn, họ đã nhanh chóng phá vỡ các định chế độc tài toàn trị do Quốc Xã để lại.
Về lý thuyết quyền lực, Montesquieu đã thấy trước cách đây 250 năm rằng “khi con người có quyền lực trong tay, họ luôn luôn bị thôi thúc đến việc lạm dụng quyền lực”, cho nên ông có sáng kiến phân quyền để đạt mục đích quan trọng là giới hạn sự lạm dụng quyền lực. Đó là nguyên lý có giá trị như một phương thuốc thần diệu trong suốt hơn 200 năm qua và chắc hẳn vẫn còn giá trị trong thời gian tới ở những nước theo thể chế dân chủ.
Ở các nước đó, nguyên tắc phân quyền được sử dụng như là phương tiện hữu hiệu để hạn chế sự lạm quyền, nạn tham nhũng và những bất cập khác liên quan đến quyền lực của chính trị gia và cơ quan nhà nước. Quốc gia nào mà toàn bộ quyền lực tập trung trong một định chế, hoặc trong tay một đảng chính trị, thì những cố gắng về hạn chế lạm quyền, diệt trừ tham nhũng sẽ khó lòng có kết quả vững bền.
Bài học lớn trong lịch sử mà chúng ta quan sát được là, nếu biết học kinh nghiệm lịch sử của các nước đã có những thành công tốt đẹp để mang về áp dụng một cách chọn lọc và sáng tạo, các nước đi sau có thể rút ngắn thời gian gấp nhiều lần, và họ sẽ có cơ hội đạt đến phồn vinh, xã hội bình đẳng hài hòa, người dân hạnh phúc sau một thời gian ngắn.
Nhìn lại quá khứ, chúng ta thấy văn minh phương Tây phát triển rực rỡ nhờ những sáng kiến trong thời đại khai sáng, mặc dù lúc đó, việc quảng bá tư tưởng cũng gặp muôn vàn khó khăn vì nhiều tác phẩm quan trọng bị đưa vào “Chỉ mục sách cấm phổ biến”[6] của Giáo hội Công Giáo. Từ những sáng kiến đó, các nước châu Âu cần 200 năm để biến chúng trở thành hiện thực và thụ hưởng phồn vinh tiến bộ cho đến bây giờ. Tuy nhiên, những nước đi sau không nhất thiết phải cần một thời gian dài như thế. Với kinh nghiệm đi trước của phương Tây, nước nào biết sử dụng các sáng kiến đó một cách chọn lọc và sáng tạo về lề lối tư duy và phương pháp hành động, về thể chế chính trị và chính sách kinh tế, nước đó cũng có thể thành công trong vòng vài thế hệ.
Ở châu Á chẳng hạn, nước Nhật từ một quốc gia phong kiến lạc hậu đã thành công rực rỡ sau đợt canh tân 30 năm kể từ thập niên 1870 dưới triều đại Minh Trị Thiên Hoàng (Meiji Tennō). Quá trình phát triển của Nhật không tách rời khỏi triết lý khai sáng trong sự nghiệp chính trị của Fukuzawa Yukichi và những học giả khác trong hội trí thức Meirokusha. Lý Quang Diệu (Lee Kwan Yew) trong vòng vài thập niên đã đưa Singapore từ một thành phố nhỏ bé tầm thường năm 1965 trở thành quốc gia phát triển giàu có không kém các cường quốc phương Tây. Hàn Quốc đi sau Singapore 10 năm cũng đã thành công ngoạn mục sau chưa đầy 30 năm xây dựng từ đổ nát sau chiến tranh Nam-Bắc Triều Tiên.
Cả ba nước châu Á nói trên ít nhiều đã sử dụng các nguyên lý cốt lõi của thời đại khai sáng về chính trị, kinh tế, khoa học cũng như về lý luận, tư tưởng trong tinh thần sáng tạo và phê phán để phù hợp với văn hóa bản địa, vừa tiếp thu văn minh phương Tây một cách có chọn lọc, vừa bảo tồn bản sắc châu Á.
Mặc dù trong giai đoạn đầu, họ còn duy trì chế độ chính trị hà khắc và đất nước của họ không được cai trị bằng những giá trị hoàn mỹ, nhưng tinh thần khai sáng trong lĩnh vực kinh tế, khoa học, triết học đã đưa đất nước họ tiến lên, và nhờ thế, tinh thần khai sáng dần dần thâm nhập vào tư duy của tầng lớp thanh niên trí thức, tạo sức ép dẫn đến việc thay đổi các định chế chính trị dân chủ để đạt được sự phát triển ngày càng toàn diện hơn.
Vả lại, cũng chính lớp thanh niên trí thức này, sau chưa đầy một thế hệ đã trở thành những người tham gia vào bộ máy lãnh đạo nhà nước. Tri thức của họ về phương pháp phát triển xã hội mà họ học được từ trào lưu khai sáng chắc hẳn đã góp phần đáng kể vào việc xây dựng chính sách phát triển quốc gia.
Dù lời giải cuối cùng trong mỗi nước mỗi khác, nhưng cả ba nước châu Á nói trên đều có cách làm giống nhau: Họ nghiên cứu cách phát triển xã hội phương Tây, về thành quả cũng như bất cập, thông qua sách vở, tài liệu, dịch vụ cố vấn, du học sinh, nghiên cứu thực địa ngắn và dài ngày, từ đó chắt lọc ra những điều phù hợp với đất nước của họ, loại bỏ những rủi ro có thể xảy ra, bổ sung thêm sáng kiến riêng để đưa ra phương cách thực hiện.
Nước Nhật bắt đầu quá trình “tìm hiểu phương Tây[7]” từ thế kỷ 18, lúc triều đình nhà Nguyễn nước ta còn bế quan tỏa cảng. Singapore, Hàn Quốc đã làm như thế từ thập niên 70 của hậu bán thế kỷ 20, lúc Việt Nam đã thống nhất nhưng chưa mở cửa, chưa đổi mới, về mặt tư tưởng còn đóng khung trong chủ nghĩa Marxist và chưa cho phép việc nghiên cứu và giảng dạy các luồng tư tưởng phương Tây trong đại học. Cho đến 1990, “thời đại khai sáng” là một khái niệm xa lạ đối với sinh viên Việt Nam và cũng có lẽ hiếm có giảng viên ngành nhân văn thuở đó quan tâm đến tiến trình lịch sử trong giai đoạn đặc thù này của cách mạng tư sản. Trong suốt gần nửa thế kỷ, trong lúc các nước châu Á nói trên gởi người đi du học đủ mọi ngành khoa học, kỹ thuật, triết học, lịch sử, nhân văn, thì tiếc thay, nhiều lớp thanh niên sinh viên Việt Nam thiếu nguồn tài liệu để tiếp cận giai đoạn lịch sử quan trọng nhất trong quá trình phát triển văn minh nhân loại.
Trong các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và kinh tế chúng ta còn thấy nhiều thí dụ điển hình và có lẽ dễ giúp chúng ta thấy rõ mối liên hệ giữa các tiến bộ trong thế kỷ 21 với thời đại khai sáng trong hai thế kỷ 17 và 18.
Một thí dụ: Hầu hết chúng ta đang sống trong hệ thống kinh tế thị trường, nhưng không phải ai cũng biết vị tổ phụ Adam Smith (1723-1790) là người đầu tiên khám phá cơ chế hoạt động của kinh tế thị trường, là người khái quát hóa lý thuyết về sự tương tác tự do giữa cung và cầu, là người tổng quát hóa phương pháp phân công lao động để áp dụng trong nền sản xuất hàng loạt, là người đầu tiên đòi hỏi tự do thương mại toàn cầu để nâng cao phồn vinh cho mọi quốc gia, kể cả những nước mà trước đó người dân chưa hề được dự phần vào phồn vinh thế giới. Cũng không có gì ngạc nhiên khi tác phẩm kinh điển “Phồn vinh các quốc gia” của ông đã trở thành sách gối đầu giường của kinh tế gia suốt nhiều thế kỷ.
Thí dụ thứ hai: Thế hệ trẻ mỗi ngày đều vài lần lướt mạng Facebook & Co. Ai cũng biết rằng nó chỉ hoạt động với phương tiện máy tính vạn năng. Nhưng dường như ít người biết rằng, chiếc máy tính họ đang dùng là phiên bản cải tiến kỹ thuật có nguồn gốc từ chiếc máy tính đầu tiên của Gottfried W. Leibniz (1646-1716). Cũng chính Leibniz là người đầu tiên khám phá nguyên lý về hệ thống nhị phân (binary system) làm nền tảng lý thuyết cho các nghiên cứu sau này về tin học. Chúng ta có thể hình dung được chăng, có ai nghiên cứu phần mềm máy tính mà lại thiếu căn bản về mã hóa số nhị phân (binary number coding), điều cũng do chính Leibniz khám phá đầu tiên vào cuối thế kỷ 17.
Và nhiều thí dụ khác trong các lĩnh vực hóa học, y khoa, vật lý, v.v. cũng cho ta một cái nhìn về thành quả của trào lưu khai sáng còn để lại ảnh hưởng đến hôm nay.
Chiếc máy tính
đầu tiên do Leibniz sáng chế khoảng 1690.
Nguồn: Sưu tập của thành phố Dresden, bản quyền CC-BY-SA-3.0
Từ góc nhìn đó, chúng ta không ngạc nhiên là, bắt đầu từ cuối thập niên 1960, trong thị trường sách biên khảo trên thế giới về thời đại khai sáng xuất hiện rất nhiều tác phẩm nghiên cứu, chưa kể hầu hết tác phẩm kinh điển của các học giả thời đại khai sáng đều được dịch ra nhiều thứ tiếng và xuất bản rộng rãi khắp các nước, chưa kể hàng vạn bài khảo cứu có giá trị trên những tạp chí chuyên ngành lịch sử và triết học. Giáo trình khoa nhân văn trong các đại học không hề thiếu chất liệu về thời đại đó. Thậm chí học sinh năm cuối ở trung học cũng không xa lạ gì với các khái niệm về thời đại khai sáng.
Nhưng quan trọng hơn nữa là những công trình nghiên cứu sáng giá của các nhà sử học và triết gia thuộc tầm vóc quốc tế như Theodor W. Adorno, Crane Brinton, François Châtelet, Peter Gay, Paul Hazard, Eric J. Hobsbawm, Max Horkheimer, Roy Porter, v.v.. Họ là những nhân chứng của nền văn minh hiện đại phương Tây trong hậu bán thế kỷ 20. Với trí tuệ uyên bác, tầm nhìn khách quan và tinh thần phê phán để một mặt có thể tổng kết các nguyên lý và thành tựu của trào lưu khai sáng, mặt khác từ góc nhìn phê phán, họ đã gởi ra những tín hiệu cảnh báo về các bất cập có thể xảy ra trong quá trình phát triển xã hội khi sử dụng các phát kiến của thời đại khai sáng.
Nguồn sách vở tài liệu đồ sộ đó đã phục vụ cho đủ loại người thuộc mọi giới: người nghiên cứu triết học và lịch sử; giới hoạch định chính sách trong các ngành kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục; tầng lớp giảng dạy đại học và sinh viên các ngành nhân văn. Nhờ thế, sau vài thập niên, các khái niệm quan trọng trong công cuộc phát triển xã hội phương Tây nói chung đã trở thành hiển nhiên đối với mọi người, kể cả giới học sinh trung học cấp ba, thí dụ: Tự do cá nhân là yếu tố không thể thiếu được trong việc phát triển nhân cách; tam quyền phân lập trong thể chế chính trị là nguyên lý cốt lõi để ngăn ngừa sự lạm dụng quyền lực khả dĩ dẫn đến sự tha hóa của giới chính trị gia, v.v..
Nguồn tư liệu đó đã đáp ứng nhu cầu độc giả rất lớn trong tình hình chính trị thế giới sau chiến tranh, lúc nhiều nước thuộc địa vừa mới giành lại độc lập khỏi tay Pháp và Anh. Họ có nhu cầu tìm hiểu chính sách xây dựng của các nước đã phát triển và đang mò mẫm tìm một con đường phù hợp để tái thiết đất nước. Các nguyên lý cốt lõi xuất phát từ thời đại khai sáng về tự do cá nhân, thể chế chính trị, kinh tế thị trường, kết hợp với những phê phán của các học giả làm chứng nhân trong thế kỷ 20, chắc hẳn đã vạch đường cho một số nước châu Á và Nam Mỹ nhanh chóng vươn lên, khi họ có tư duy cởi mở và tư tưởng chưa gắn chặt vào một ý thức hệ nhất định. Tại những nước đó, cuộc đấu tranh tư tưởng giữa một bên là luồng triết học khai sáng và bên kia là ý thức hệ Marxist đã ngã ngũ sau vài thập niên giằng co.
Nhưng trào lưu khai sáng không chỉ cống hiến cho chúng ta sáng kiến mới để phát triển xã hội trong nhiều lĩnh vực, mà quan trọng hơn nhiều là nó đánh thức một ý thức mới trong lương tâm chúng ta, làm sống dậy sức mạnh mới để tham gia việc xây dựng một nền văn hóa có năng lực đề kháng chống lại các khung gò bó của quyền lực. Viện sĩ hàn lâm Pháp, Paul Hazard tổng kết gãy gọn về con người khai sáng rằng, “thay vì một nền văn hóa đặt nền tảng trên sự vâng lời theo nghĩa vụ đối với Thượng Đế và đối với các lãnh chúa Vương triều, thì các triết gia thời đại mới muốn xây dựng một nền văn hóa đặt trên nền tảng của các sáng kiến về lẽ phải và các quyền cơ bản: quyền xây dựng lương tâm cá nhân, quyền được phê phán, quyền tuân theo lẽ phải, quyền con người và quyền công dân[8]”.
Đấy là những giá trị tinh thần vô cùng cần thiết cho thanh niên và trí thức trong mọi quốc gia, Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ. Khi thanh niên trí thức thờ ơ vô cảm với các diễn biến xảy ra hàng ngày, khi họ không cảm thấy hân hoan với những thành quả mà xã hội đang hưởng, khi họ không đau lòng vì những bất cập lâu ngày không xóa bỏ được, khi họ hèn yếu không dám lên tiếng bênh vực lẽ phải, khi ấy quốc gia đã mất năng lực tự điều chỉnh vốn dĩ rất cần thiết để không ngừng cải cách đưa xã hội đến tiến bộ. Trong trường hợp đó, khi một sai lầm lớn xảy ra hoặc khi bị tấn công từ bên ngoài, thì quốc gia sẽ suy vong. (Có guồng máy chính trị nào mà không một lần sai lầm? Và có lân bang nào không uy hiếp chúng ta khi họ có điều kiện?).
Mọi chính sách được thiết kế để mang tiến bộ cho xã hội đều hàm chứa những thoái bộ tiềm ẩn khó lòng thấy trước. Cho nên, vấn đề là xem cơ chế nào có thể phát hiện kịp thời những thoái bộ để điều chỉnh, tích hợp chúng vào lời giải sau cùng và làm cho xã hội tốt hơn. Về mặt đó, các sáng kiến trong thời đại khai sáng về việc tổ chức xã hội thật vô cùng có ích.
Trước hết, cơ quan chủ quản của nhà nước cần có bộ phận thường xuyên kiểm tra để phát hiện. Cơ chế này thường phản ứng chậm vì tính bảo lưu, chủ quan, thiên vị và bộ máy rườm rà. Thứ hai, xã hội cần những cơ quan tư vấn và kiểm tra độc lập, dù dân sự hay thuộc nhà nước, không chịu sự chi phối của các cơ quan chủ quản nói trên. Cơ chế này phản ứng nhanh và khách quan, nhưng lại không có quyền lực ảnh hưởng đến chính sách, nếu không có những phương tiện khác đi kèm hỗ trợ. Thứ ba, và quan trọng nhất, là hệ thống truyền thông đại chúng, tư nhân cũng như nhà nước. Thông thường, các thoái bộ sẽ được phát hiện sớm nhất bởi chính nạn nhân của những bất cập trong xã hội; và hệ thống truyền thông đại chúng phải làm tròn chức năng của họ là lên tiếng báo động để các phản ứng về các bất cập đó trở thành sức ép của dư luận công cộng. Tất nhiên, cơ chế quan trọng hàng đầu này chỉ hoạt động hữu hiệu trong một quốc gia dân chủ có bầu cử và ứng cử tự do, vì nói cho cùng, lá phiếu cử tri là phương tiện hữu hiệu nhất để đòi hỏi nhà nước phải giải quyết các bất cập trong xã hội, khi các phương tiện đó đã trở thành sức ép của dư luận.
Từ góc nhìn đó, chúng ta thấy rằng, vai trò của thanh niên trí thức đóng vai trò rất quan trọng bằng chức năng phản hồi trong chu trình điều chỉnh, cũng như trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào quá trình thúc đẩy việc xóa bỏ các bất cập trong xã hội. Bằng không, cho dù có trở thành bác học, họ cũng chỉ là những người lao động trí óc, chứ không thực sự là trí thức. Trong trách nhiệm xã hội đó, hoạt động dân sự với phương tiện truyền thông đại chúng không thể thiếu được đối với người trí thức chân chính. Ở khía cạnh đó, trào lưu khai sáng cho chúng ta bài học gì?
Nếu các triết lý chính trị của thời đại khai sáng cung cấp cho những nhà hoạch định chính sách các sáng kiến để tìm hướng đi hòng xây dựng xã hội, thì các triết gia đạo đức cung cấp cho thanh niên trí thức những ý tưởng vô cùng sống động để hành xử trong những xã hội còn bị thống trị bởi quyền lực. Những ý tưởng đó rất cần thiết để tham gia vào các bước phát triển xã hội, chí ít cũng giúp cho thanh niên trí thức định được hướng đi trên con đường tự rèn luyện nhân cách: Tính tự chủ, độc lập suy nghĩ, yêu tự do, bình đẳng xã hội và, cũng không phải điều cuối cùng là lòng dũng cảm sẵn sàng lên tiếng và hành động để bênh vực lẽ phải. Trong tinh thần đó, trào lưu khai sáng đã sản sinh hàng loạt con người có tri thức và ý thức đối với xã hội: triết gia, văn thi sĩ, ký giả, kinh tế gia, khoa học gia, sử gia, nhà phê phán, v.v.. Họ không phải là những người có ăn học để chỉ biết lao động trí óc trong lĩnh vực chuyên môn, mà còn có ý thức sử dụng truyền thông đại chúng và các phương tiện đang có trong tay để góp phần mình vào công cuộc chuyển hóa xã hội.
Đối với các nước mới phát triển sau này, việc tìm hiểu thời đại khai sáng càng có tầm quan trọng đặc biệt, khi chúng ta phân tích thấu đáo bối cảnh lịch sử châu Âu trong hai thế kỷ 17 và 18. Đó là thời kỳ của nhiều cuộc cách mạng vĩ đại, nhưng cũng là thời kỳ có đầy rẫy mâu thuẫn xung khắc. Một mặt, tư tưởng và ý thức con người đang trên bước đường thay đổi tận gốc rễ – có thể xem là một sự biến đổi hệ hình[9] trong lĩnh vực tư tưởng. Hơn thế nữa, sáng kiến của học giả và chuyên gia đã bắt đầu thâm nhập vào mọi giới, tạo nên một ý thức chính trị xã hội rất sống động. Mặt khác, các định chế chính trị và tôn giáo đã trở nên lỗi thời, vẫn còn mang sức trì trệ, có tác động cản trở tiến bộ. Trên bình diện xã hội, đó là mâu thuẫn giữa một bên là lòng khao khát tự do, tính tự chủ và yêu công lý của người dân, bên kia là quyền lực vô biên đòi đám đông vâng lời và thuần phục. Mâu thuẫn gay gắt ấy tưởng chừng không có lối thoát. Thế mà họ vẫn giải quyết được để đưa cả lục địa vươn lên. Lời giải của họ chắc hẳn là có ích cho các quốc gia khác.
Hiện nay, trên thế giới có 40 nước giàu nhất với thu nhập đầu người (GDP per capita, nominal) trên 25.000 US$ mỗi năm, trong đó có 16 nước ở ngoài châu Âu. Ngoại trừ bốn nước Macau, Qatar, Kuwait và Bahrain là khó xếp vào thể chế chính trị cụ thể nào, còn lại tất cả các nước khác đều có thể chế chính trị dân chủ đại nghị, tam quyền phân lập, dựa vào tinh thần của thời đại khai sáng mà tư tưởng đại diện là John Locke và Montesquieu. Điều này có thể cho phép ta kết luận rằng, những sáng kiến về tự do, dân chủ, định chế chính trị, công bằng xã hội xuất phát từ triết lý chính trị trong thời đại khai sáng là những yếu tố quyết định làm cho các nước nói trên phát triển con người và trên cơ sở đó, phát triển xã hội về mọi mặt.
Thêm một vấn đề rất lý thú cho thanh niên trí thức: Khi tìm hiểu bối cảnh lịch sử của thời đại khai sáng, chắc hẳn các bạn sẽ đặt một câu hỏi, từ đâu họ có đủ trí tuệ và ý chí vượt qua mọi khó khăn của hai thế kỷ 17/18 để đưa cả lục địa vươn lên hàng đầu thế giới? Có phải đất nước của họ đã là dân chủ tự do? Không! Đến gần cuối thế kỷ 18, tất cả các quốc gia trên lục địa đều duy trì chế độ phong kiến áp bức, nhưng học giả vẫn tự thành lập những diễn đàn tư nhân để bàn luận về tự do và biến những giấc mơ dân chủ thành hiện thực trong vòng một thế kỷ sau đó; Có phải họ đã có những quyền tự do căn bản, chẳng hạn như tự do ngôn luận? Không! Cho đến đầu thế kỷ 19, sách vở nào không phù hợp với Vương triều hoặc Giáo hội đều bị cấm phổ biến, chẳng hạn các tác phẩm của Descartes, Galilei, Bacon, Kant… Tuy thế, sách vở khai sáng vẫn bằng nhiều cách được lan truyền. Ý thức hành động và lòng dũng cảm của họ đã làm cho hơn 3/4 nhân loại hôm nay hưởng được các quyền tự do căn bản của con người; Có phải châu Âu đã giàu có từ hai thế kỷ 17 và 18? Không! Ở đầu thế kỷ 17, họ còn rất nghèo, chỉ mới ở giai đoạn ăn đủ no, mặc vừa đủ ấm, y phục chưa đẹp nhưng lòng khao khát tri thức thì vô biên và tri thức khoa học của họ chính là nền tảng tạo nên phồn vinh mà chúng ta có hôm nay.
Nhà sử học Hobsbawm diễn tả xã hội chậm tiến cuối thế kỷ 18, ngay trước buổi bình minh của cách mạng Pháp như sau: “…Ở Nga, Bắc Âu, và Balkans, tuyệt đại đa số dân chúng, từ 92% đến 97%, làm nghề nông. Ngay cả những vùng thương mãi trù phú cũng chỉ khá hơn chút ít: 85% dân chúng vùng Lombardy là nông dân, ở Venice là trên 72% […] Ngay tại nước Anh, quốc gia công nghiệp tiên phong của châu Âu, tỉ lệ nông dân vẫn còn cao và mãi đến 1851, dân số ở thành thị mới bắt đầu vượt quá số lượng nông dân[10]”.
Những điều kể trên cho phép chúng ta yên tâm rằng, dù nghèo và lạc hậu đến đâu, quốc gia nào cũng có thể vươn lên, nếu có tri thức, có ý chí và giới trí thức biết nắm vững quy luật phát triển của thời đại, đồng thời có điều kiện, có năng lực và lòng dũng cảm để tác động đến quá trình lịch sử.
Những điều chúng ta học được từ thời đại khai sáng không chỉ là các cuộc cách mạng mà là, nhân tố nào khơi mào cho cách mạng, con đường nào dẫn đến sự bùng nổ cách mạng, và chính con người là nhân tố quan trọng để đưa các cuộc cách mạng đến thành công.
Những điều phương Tây đã mất vài thế kỷ để đạt được, thì các nước đi sau đôi lúc chỉ cần vài thập niên – như ba nước Nhật, Singapore và Nam Hàn – nếu họ biết cách áp dụng kinh nghiệm lịch sử một cách sáng tạo để phù hợp với bản sắc dân tộc và tình hình thực tế của quốc gia.
Nhưng điều gì đã làm cho con người quan trọng đến thế? Chính là tư duy tự do và ý chí hành động của lớp trí thức mới mà chúng ta chưa bao giờ tìm thấy trong lịch sử châu Âu suốt 2.000 năm trước đó. Từ thái độ thuần phục giáo điều ý thức hệ và cường quyền, bỗng trở thành những con người tự chủ, làm động lực cho trào lưu khai sáng phát triển rực rỡ. Đây mới chính là điều mà thanh niên trí thức ngày nay cần trau dồi để hoàn thành sứ mệnh quang vinh của mình đối với xã hội.
Lịch sử không bao giờ chấm dứt, mà là sự tiếp nối không ngừng và luôn luôn đi kèm với sự đổi mới để đạt đến tiến bộ. Những điều xảy ra hôm nay – về kinh tế, về khoa học, về chính trị và cả tư tưởng con người – không hề giống những biến cố trong thời đại khai sáng, nhưng nền tảng của mọi tiến bộ thì giống nhau, đó là ý thức tự chủ trong tư tưởng, và từ đó phát sinh tinh thần tự do trong kinh tế, khoa học, chính trị và học thuật. Đó là một di sản quan trọng mà Thời đại Khai sáng đã để lại cho chúng ta.
Tôn Thất Thông, đầu năm 2024
Xem bài viết này trên video Youtube:
Tài liệu tham khảo
1. Brinton, Crane; Christopher, John B. và Wolff, Robert Lee: A history of civilization – 1715 to the present. ISBN 0-13-389593-9. (Lịch sử văn minh – 1715 đến hôm nay).
2. Bùi Văn Nam Sơn (1): Trò chuyện triết học. Nhà xuất bản Tri Thức, 2012.
3. Châtelet, François chủ biên và nhiều tác giả: Geschichte der Philosophie Band IV – Die Aufklärung (Lịch sử triết học tập IV – Khai sáng). ISBN 3-548-03063-7. (Eva Brückner-Pfaffenberger và Donald Watts Tuckwiller dịch từ gốc tiếng Pháp: Les Lumières).
4. Durant, Will và Ariel: Das Zeitalter Voltaires (Thời đại Voltaire). Kulturgeschichte der Menschheit – Band 14. ISBN 3-548-36114-5. (Elinor Lipper dịch từ tiếng Anh: The Story of Civilization, Vol. IX).
5. Gay, Peter: The enlightenment: An Interpretation. The science of freedom (Dẫn luận về khai sáng – Khoa học của tự do). ISBN 0-393-00875-4.
6. Guizot, François: The History of Civilization in Europe (Lịch sử Văn minh châu Âu – William Hazlitt dịch từ tiếng Pháp: Histoire Générale de la Civilisation en Europe). Penguin Books 1997.
7. Hampson, Norman: The Enlightenment – An evaluation of its assumptions, attitudes and values (Khai sáng – Đánh giá những giả thuyết, quan điểm và giá trị). ISBN 0-14-013745-9.
8. Hazard, Paul (1): Die Krise des Europäischen Geistes 1680-1715 (Khủng hoảng lương tâm ở châu Âu 1680-1715). NXB Hoffmann und Campe Hamburg 1939 (Harriet Wegener dịch từ tiếng Pháp: La Crise de la Conscience Européenne 1680-1715).
9. Hazard, Paul (2): European Thought in the Eighteenth Century (Tư tưởng châu Âu thế kỷ 18). Pelican Book 1965 (J. Lewis May dịch từ tiếng Pháp: La Pensée européenne au XVIIIè siècle: de Montesquieu à Lessing).
10. Hirschberger, Johannes: Geschichte der Philosophie – Band II: Neuzeit und Gegenwart (Lịch sử triết học – Tập II: Thời cận và hiện đại). ISBN 3-933366-00-3). Có thể tham khảo thêm trọn bộ tác phẩm này đã được dịch sang tiếng Việt: Lịch sử triết học Tập I & II – Bùi Văn Nam Sơn và tập thể dịch giả – NxB Tri Thức.
11. Hobsbawm, Eric J. (2): The Age of Revolution. ISBN 978-0-349-10484-3. (Thời đại cách mạng)
12. Hogen, Hildegard và Ban biên tập DIE ZEIT: Welt- und Kulturgeschichte Band 10 – Zeitalter der Revolution (Lịch sử văn hóa và thế giới, Bộ 10 – Thời đại Cách mạng). ISBN 3-411-17600-8.
13. Horkheimer, Max và Adorno, Theodor W.: Dialektik der Aufklärung (Biện chứng pháp của khai sáng). ISBN 3-10-031829-3.
14. Im Hof, Ulrich: Das Europa der Aufklärung (Châu Âu trong thời đại khai sáng). ISBN 3-406-37091-8.
15. Mann, Golo và Nitschke, August: Weltgeschichte Band VII – Von der Reformation zur Revolution (Lịch sử thế giới bộ VII – Từ cải cách tôn giáo tới cách mạng). ISBN 3-549-05017-8.
16. Martus, Steffen: Aufklärung – Das deutsche 18. Jahrhundert (Khai sáng – Nước Đức trong thế kỷ 18). ISBN 978-3-499-62767-5.
17. Montesquieu: Vom Geist der Gesetze (Về tinh thần luật pháp). ISBN 3-15-008953-0. Kurt Weigand chuyển ngữ từ tiếng Pháp “L’esprit des lois”, tuyển chọn bởi Roger Caillois.
18. Pleticha, Heinrich (1) chủ biên và nhiều tác giả: Aufklärung und Revolution – Europa in 17. und 18. Jahrhundert (Khai sáng và Cách mạng – Châu Âu trong thế kỷ 17 và 18). ISBN 3-577-15008-4 (Bertelsmanns Weltgeschichte – Band 8).
19. Porter, Roy (1): Enlightenment – Britain and the creation of the modern world (Khai sáng – Anh quốc và sự thành lập thế giới hiện đại). ISBN 0-14-025028-X.
20. Schneiders, Werner (1) chủ biên và nhiều tác giả: Lexikon der Aufklärung (Từ điển tường giải về khai sáng). ISBN 3-406-39920-7.
21. Schneiders, Werner (2): Zeitalter der Aufklärung (Thời đại khai sáng). ISBN 3-406-44796-1.
22. Störig, Hans Joachim: Weltgeschichte der Wissenschaft (Lịch sử khoa học thế giới). ISBN 3-89350-519-9.
23. Wendel, Günter chủ biên và nhiều tác giả: Naturwissenschaftliche Revolution im 17. Jahrhundert (Cách mạng khoa học tự nhiên trong thế kỷ 17). ISBN 3-326-00386-2.
Nguồn: Thời đại Khai Sáng – Bài học nào có ích cho chúng ta?, DienDanKhaiPhong.Org, 08.03.2024
Chú
thích: [1] Xem W.
Schneiders (1) trang 10. [2] Xem R.
Porter (2), trang 36. [3] Xem H.
Hogen (Band 10) trang 128 – Georg Seiderer. [4] Xem M.
Horkheimer & T. Adorno trang 3. [5] Xem P.
Gay trang 11. [6] Index
Librorum Prohibitorum. [7] Tiếng
Nhật là Rangaku, nghĩa
là Dutch Studies (Hà
Lan học), sau này người Nhật lý giải rộng hơn là Studies of Western Knowledge. [8] Xem P.
Hazard (1) trang 24. [9] Thuật
ngữ của Thomas S. Kuhn – Die Struktur wissenschaftlicher Revolution. [10] Xem
Hobsbawm (2), trang 23.