17.11.24

Về một số định chế được đề cập trong bài Pierre Bourdieu là ai?

PTKT: Đầu năm 2022, chúng tôi đã bước đầu giới thiệu cuốn Dictionnaire international Bourdieu tại đường dẫn này. PTKT sẽ dần dần đăng tiếp bản dịch nội dung công trình quan trọng này.

VỀ MỘT SỐ ĐỊNH CHẾ ĐƯỢC ĐỀ CẬP TRONG BÀI PIERRE BOURDIEU LÀ AI?

AGRÉGATION [Chức danh thạc sĩ]

Từ agrégation (grex trong tiếng Latin có nghĩa là một tập hợp) biểu thị một tập hợp những yếu tố hay con người, nhưng kể từ thế kỉ XVIII cũng biểu thị những cuộc thi tuyển giảng viên. Pierre Bourdieu đỗ thạc sĩ triết học năm 1954 (chủ tịch ban giám khảo là Georges Davy), nhưng nhà xã hội học cũng lấy định chế này làm đối tượng nghiên cứu.

Trong hệ thống học đường Pháp, vốn dành một vị trí quan trọng cho các cuộc thi tuyển và cho mục tiêu tồn tại lâu dài của giới giáo chức [La Reproduction: 181-184], chức danh thạc sĩ có xu hướng tượng trưng cho “học vị cao quý”. Những “bài tập huấn luyện chức danh” dựa trên việc thao tác một số ít kĩ thuật phát biểu được triển khai trong mọi dịp là hình thức của sự xuất sắc trong học đường, như trong các lớp chuẩn bị thi tuyển, và qui chiếu về vị trí từng được Durkheim [1938] hay Renan ghi nhận, vị trí của chủ nghĩa hình thức và của việc học ngôn ngữ và văn chương Hi lạp và Latin ở Pháp [PB 1967c].

Cùng với học vị tiến sĩ và chức danh sinh viên Trường sư phạm cao cấp (ENS), chức danh thạc sĩ xác định “homo academicus” (gallicus) lí tưởng [LR: 183]. Thật vậy, ở cấp đại học, chức danh thạc sĩ là cần thiết để trở thành giáo sư luật học, y học, kinh tế học hay khoa học chính trị, góp phần vào hiệu ứng đoàn thể trong các bộ môn hướng về quyền lực thế tục này. Trong các bộ môn khác (sử học, triết học, văn học, v.v.), tùy trường hợp, chức danh thạc sĩ (ở cấp trung học) biểu hiện giới hạn dưới hay trên của giới giảng viên [Homo academicus]. Bourdieu cũng quan tâm đến cách mà các đoàn thể thạc sĩ tự bảo vệ bằng cách bảo vệ chức danh học vị xác định đoàn thể của mình [LR: 183; HA]. 

Đôi lúc, nhà xã hội học sử dụng thuật ngữ agrégation theo nghĩa đầu. Ví dụ, bài viết “Agrégation et ségrégation” [PB 1987b] (“Thạc sĩ và sự phân biệt”) nhấn mạnh là khi trúng tuyển một Trường Lớn một cá nhân hội nhập (s’agrège) vào một đoàn thể và thừa hưởng vốn biểu tượng tập thể. Bourdieu cũng đề cập đến những thao tác thống kê tổng gộp (agrègent) những đặc điểm cá nhân hay thủ tục bỏ phiếu mà thay vì thiết lập một ý chí chung lại tổng gộp những lá phiếu cá nhân [PB 2001b]. 

Julien Duval

Giám đốc nghiên cứu CNRS (CESSP)

DURKHEIM É., 1938, L’Évolution pédagogique en France, Paris, Felix Alcan.

CAPITAL SYMBOLIQUE, CORPS (EFFET DE), DURKHEIM, ENSEIGNEMENT, GRANDES ÉCOLES, HOMO ACADEMICUS, PROFESSEURS, REPRODUCTION (LA), STATISTIQUES, TITRE(S)

Thư mục

1970 [La Reproduction: 181-184] La Reproduction. Éléments pour une théorie du système d’enseignement (avec J.-C. Passeron), Paris, Minuit.

1984 [HA] Homo academicus, Paris, Minuit, nouvelle éd. augmentée d’une postface, 1992.

[PB 1967c] “Systèmes d’enseignement et systèmes de pensée”, Revue internationale des sciences sociales, vol. 19, no 3, p. 367-388.

[LR: 183] Pierre Bourdieu: sociologia, trad. P. Montero et A. Auzmendi, São Paulo, Atica (en portugais).

1984 [Homo academicus] Homo academicus, Paris, Minuit, nouvelle éd. augmentée d’une postface, 1992.

[PB 1987b] “Agrégation et ségrégation. Le champ des grandes écoles et le champ du pouvoir” (avec M. de Saint-Martin), ARSS, no 69, p. 2-50.

[PB 2001b] “Le mystère du ministère – des volontés particulières à la volonté générale”, ARSS, no 140, p. 7-11.

* * *

KHÂGNE(S) [Lớp khâgne (phát âm: “ca-nhơ”)]

Pierre Bourdieu đã công bố một số phân tích về lớp khâgne mà lợi ích là bộc lộ mối quan hệ hai mặt đối với một chế độ học tập vừa có tính tinh hoa vừa có tính thứ bậc xã hội của cá nhân: các lớp chuẩn bị thi tuyển khoa văn. Ngay từ tác phẩm Les Héritiers, Bourdieu và Jean-Claude Passeron (từng theo học khâgne tại hai trường, theo thứ tự là, Louis-le-Grand và Henri-IV) khách quan hóa quan hệ của họ với định chế đã giúp họ được công nhận và nỗ lực đoạn tuyệt với cái nhìn mê hoặc về thời gian kì diệu theo học Trường sư phạm cao cấp (ENS). Họ nhấn mạnh việc giữ khoảng cách của bản thân được họ tự giác chấp nhận đối với “tinh thần” của các lớp dự bị khiến cho các “cựu học sinh” suốt cuộc đời được thừa nhận và tự nhận ra nhau” mà sức mạnh hội nhập dựa trên “một tập những truyền thống truyền miệng hay thành văn, những tập tục khai tâm và chuyển bước, một hệ quy tắc về các quan hệ với người khác vốn giả định thứ bậc của sự thâm niên”. 

Được mô tả trong Les Héritiers như trường hợp cực đoan cúa văn hóa văn học, lớp khâgne dần dần tự lột xác, trong tâm trí của Bourdieu, từ chức năng đáng sợ của một “định chế toàn diện” [Esquisse pour une auto-analyse: 119], theo nghĩa của Erving Goffman, để trở thành động cơ của một tầm nhìn phê phán về thế giới tri thức. Mặc dù định hướng vào sự “xuất sắc” này đòi hỏi một cường độ tập trung năng lượng tâm lý cực cao, với thời gian, lớp khâgne trong những năm 1945-1968 nay có thể hiện ra dưới mắt một Bourdieu từng ở “tỉnh lẻ” như là nơi đã diễn ra sự tăng tốc của một cuộc trải nghiệm xã hội đặc biệt mãnh liệt trên hành trình tri thức cho phép ông chuyển hướng từ triết học sang xã hội học. Diễn tiến kép này, một mặt là việc nghiên cứu chức năng của lớp khâgne sản sinh ra giới tinh hoa (mà sợi chỉ đỏ đi từ cuốn Héritiers đến cuốn La Noblesse d’État), và mặt khác là việc phân tích bản thân về những quan hệ giữa giới trí thức và quyền lực, đã dẫn Bourdieu hình dung xã hội học giáo dục như là nơi thai nghén một xã hội học nhận thức và một xã hội học về các nhà trí thức, rồi một xã hội học về Nhà nước [: 13]. 

Khảo sát toàn bộ trình tự các ban ngành trong giáo dục đại học, khởi đầu vào cuối những năm 1960 tại Trung tâm xã hội học châu Âu (CSE), dành cho lớp khâgne một tầm quan trọng trung tâm trong khuôn khổ của một phân tích có logic hệ thống các Trường lớn và hệ thống các phân khoa đại học. Lợi thế của khảo sát này là kết hợp nhiều cách tiếp cận khách quan hóa: dữ liệu thống kê, phỏng vấn, tiểu sử cựu sinh viên và giảng viên, tư liệu văn học và tự thuật, ký ức cá nhân [PB: 1981c]. Bourdieu nhấn mạnh những giới hạn của một sự sàng lọc của xã hội và nhà trường mà nguyên tắc loại trừ đã nằm ngay từ đầu trong cấp giáo dục trung học, ở đầu nguồn của các lớp chuẩn bị thi tuyển: Trường sư phạm cao cấp phố Ulm cho đến năm 1985 không tuyển sinh viên nữ, và nhất là loại trừ con em công nhân và nông dân (mà một vài đại diện ở lớp khâgne có những đặc tính xã hội và văn hóa, thông qua lịch sử gia đình, gần với các giai tầng trung lưu hơn là với công nhân trong công nghiệp). Trong thời kì trước khi có sự mở rộng nền giáo dục, thị trường các lớp khâgne trong thực tế gạt sang một bên tất cả học sinh không vào được lớp sáu (đệ thất) thuộc thang bậc cổ điển các trường trung học “ở trung tâm thành phố”. Cuốn La Noblesse d’État đề cập trở lại và phát triển các phân tích này. Đối với các cư sĩ, việc được tuyển vào các lớp dự bị là “kết quả của một loạt những gián đoạn cực nhỏ […], để cuối cùng tạo nên những chuyển hướng lớn của hành trình xã hội” [: 147]. 

Trải nghiệm này của Bourdieu về sự di động xã hội thông qua nhà trường là đối tượng của một suy ngẫm mang tính phản tư mà ta có thể theo dõi sự tiến triển cho tới tác phẩm Esquisse pour une auto-analyse hay, dưới một dạng tỉnh lược hơn, trong bài giảng về Manet; một đóng góp vào một lịch sử sử xã hội của vũ trụ hàn lâm dựa trên sự giống nhau giữa kinh nghiệm của ông về lớp khâgne với cách thức đào tạo hiện hành trong xưởng vẽ của các họa sĩ, “tạo nên một nỗi lo lắng kì lạ, như mọi dự án chịu phải những ràng buộc cạnh tranh thường trực. Đây là một kiểu sáng tạo liên tục nỗi lo ngại không ngừng được củng cố bằng chính việc thỏa mãn sự sáng tạo này” [Manet: 196].

Trong cuốn Homo academicus, “Confessions impersonnelles”/Lời bộc bạch khách quan (bổ sung cuối chương đầu cuốn Méditations pascaliennes) và nhất là trong cuốn Esquisse pour une auto-analyse, Bourdieu vạch lại những giai đoạn chính của của việc ông chuyển đổi từ triết học, bộ môn “thượng đẳng” đối với những thành viên lớp khâgne trong những năm 1945-1968, sang nhân học và xã hội học. Lớp được mô tả như nơi chốn của “một quan hệ không rõ ràng và mâu thuẫn với bản thân: như thể là điều chắc chắn về bản thân gắn với việc cảm nhận được công nhận bị xói mòn, ngay chính về mặt nguyên tắc, bởi sự bất trắc triệt để nhất về tổ chức ra quyết định công nhận này” [EAU: 127]. Thật vậy, trải nghiệm của sự thống trị, trong môi trường tinh hoa này, nằm ở cội nguồn của một tầm nhìn phê phán mô hình về sự xuất sắc theo kiểu Pháp. Có thể nghĩ là sự tăng tốc đặc biệt của trải nghiệm về thế giới xã hội mà việc đối mặt với các giới tinh hoa tri thức ở thủ đô Paris hay thuộc về giới tư sản thượng lưu tạo nên, có thể góp phần vào sự hình thành các khuynh hướng tiềm tàng của sự tự phân tích: “Trải nghiệm hai mặt này chỉ có thể góp phần vào hiệu ứng lâu bền của một khoảng cách rất lớn giữa việc công nhận một học thức cao và một nguồn gốc xã hội thấp kém, tức là một tập tính tách biệt, với những căng thẳng và mâu thuẫn. Nhưng chắc chắn tập tính tách biệt này […] không bao giờ thể hiện rõ ràng hơn như trong văn phong nghiên cứu của riêng tôi, trong loại đối tượng mà tôi quan tâm, trong cách tôi tiếp cận chúng. Tôi nghĩ đến việc dành những tham vọng lớn về mặt lí thuyết cho những đối tượng thực nghiệm thường khi thoạt nhìn qua vẻ bên ngoài là tầm thường” [EAU: 130-131].

Jean-Pierre Faguer

Nhà nghiên cứu CNRS (CESSP)

ANTHROPOLOGIE, BOURGEOISIE(S), CENTRE DE SOCIOLOGIE EUROPÉENNE, CLASSE(S) MOYENNE(S), CONSÉCRATION, DISPOSITION(S), DOMINATION, ÉCOLE NORMALE SUPÉRIEURE, ENSEIGNEMENT, ENTRETIEN(S), ESQUISSE POUR UNE AUTO-ANALYSE, GOFFMAN, GRANDES ÉCOLES, HABITUS CLIVÉ, HÉRITIERS (LES), HISTOIRE SOCIALE, HOMO ACADEMICUS, INSTITUTION(S), INTELLECTUEL(S), LOUIS-LE-GRAND, MANET, MÉDITATIONS PASCALIENNES, MOBILITÉ SOCIALE, NOBLESSE D’ÉTAT (LA), OBJECTIVATION, OBLAT(S), PASSERON, PHILOSOPHIE, RECONVERSION, SOCIOANALYSE, SOCIOLOGIE, STATISTIQUES, TRAJECTOIRE(S)

Chú thích:

1964 [H: 51-52] Les Héritiers. Les étudiants et la culture (avec J.-C. Passeron), Paris, Minuit.

1989 [: 13] La Noblesse d’État. Grandes Écoles et esprit de corps, Paris, Minuit.

2013 [MRS: 196] Manet. Une révolution symbolique. Cours au Collège de France, 1998-2000, suivis d’un manuscrit inachevé de Pierre et Marie-Claire Bourdieu, éd. établie par P. Casanova, P. Champagne, C. Charle, F. Poupeau et M.-C. Rivière, Paris, Raisons d’agir/Seuil.

1997 [MP] Méditations pascaliennes, Paris, Seuil, rééd. “Points”, 2003.

2004 [EAU: 127] Esquisse pour une auto-analyse, Paris, Raisons d’agir.

[PB: 1981c] “Épreuve scolaire et consécration sociale. Les classes préparatoires aux Grandes Écoles”, ARSS, no 39, p. 3-70.

* * *

LOUIS-LE-GRAND (LYCÉE) [Trường (trung học) LOUIS-LE-GRAND]

Vào học lớp khâgne là một thời điểm then chốt trong sự đào tạo của Pierre Bourdieu. Sau khi học bậc trung học tại trường trung học Pau, ông vào học năm thứ nhất và năm thứ hai của lớp khâgne tại trường Louis-Le-Grand từ năm 1948 đến năm 1951, năm ông đỗ vào Trường Sư phạm cao cấp (ENS). Trước cuộc Cách mạng (Pháp – ND) trường trung học Louis-Le-Grand do các linh mục Dòng tên thành lập vào thế kỉ XIV đã là điểm mấu chốt của một hệ thống tập trung chọn lọc nhân tài mở cửa cho các học sinh được học bổng ở các tỉnh. Theo lời Durkheim (ông cũng đã trải qua trường này vào đầu nền Đệ tam Cộng hòa): “Các linh mục Dòng tên cung cấp với cường độ cực cao một nền văn hóa có tính bắt buộc. Ta có cảm giác là có một nỗ lực lớn để ép buộc gần như là mạnh bạo tư duy phải phát triển sớm và một cách giả tạo” [Durkheim 1969: 295]. 

Thật vậy, ta không thể hiểu cường độ đầu tư công sức đòi hỏi ở những học sinh khi được học bổng vào học trong các lớp khâgne nổi tiếng ở Paris nếu không tính đến vai trò mà các lớp này đã từng giữ trong những năm từ 1880 đến 1960 như một khuôn tuyển dụng giới tinh hoa ở đại học [Homo academicus]. Cho đến năm 1968, các lớp khâgne của các trường Louis-le-Grand và Henri IV và, ở một mức độ thấp hơn, của trường Parc, ở Lyon, đã đào tạo phần lớn nhân sự nắm những vị trí quyền lực trong thế giới đại học. Là nơi tái sản sinh trường tri thức, nhưng đồng thời cũng là nơi tập huấn để có một tập tính chung, các lớp khâgne đã giúp nhiều thế hệ triết gia chuyển hướng sang các khoa học xã hội vào thời kì các khoa học này mới nổi lên và chưa có chương trình giảng dạy và nghiên cứu riêng: Durkheim và Hubert (trường Louis-le-Grand), Halbwachs và Simiand (cả hai đều là học trò của Bergson tại trường Henri-IV) hay Aron và Lévi-Strauss (trường Condorcet) đều đi trước Bourdieu trên con đường này. 

Từng tồn tại một sự thông đồng ngầm giữa những thành viên (nhất là thành viên nội trú) các lớp khâgne, thông đồng này có lẽ mạnh hơn thông đồng giữa những thành viên của Trường sư phạm cao cấp (ENS). Trong trường Louis-le-Grand, Bourdieu gắn bó với các nhà ngôn ngữ học, sử học, nhân học và triết học tương lai có hành trình xã hội gần với hành trình xã hội của ông như Jacques Derrida et Jean-Claude Pariente (đều đến từ Algérie) hay như Lucien Bianco, Louis Marin, Jacques Thuillier (đến từ các tỉnh) mà với thời gian sẽ gặp lại ông trong sự nghiệp chuyên môn tại École des hautes études en sciences sociales (EHESS) hay tại Collège de France. Trong danh sách thí sinh vào ENS thuộc nhiều niên khóa khác nhau từ những năm 1950 đến đầu những năm 1960 có tên hầu hết những cộng tác viên của Bourdieu tại Trung tâm xã hội học châu Âu (CSE), đặc biệt có hai đồng tác giả với ông cuốn Métier de sociologue là Chamboredon et Passeron.

Thật vậy, còn hơn cả Trường Sư phạm, lớp khâgne hiện lên như một định chế tích lũy một vốn tri thức xuyên qua những đường biên của các chuyên ngành. Điều này có thể giải thích trải nghiệm nước đôi về sự di động xã hội của những nhà trí thức “đa năng” tập sự này được đào tạo một cách truyền thống nhất (cổ ngữ Latin, Hy Lạp, ưu tiên cho thao tác văn bản, v.v.) đã có thể là một trong những nhân tố quyết định nhất đến sự chuyển đổi của các trí thức này sang những chuyên ngành mới, trong đó có xã hội học.

Jean-Pierre Faguer

Nhà nghiên cứu CNRS (CESSP)

image DURKHEIM E., 1969, L’Évolution pédagogique en France, Paris, PUF (1938).

ARON, CAPITAL, CENTRE DE SOCIOLOGIE EUROPÉENNE, CHAMBOREDON, CHAMP INTELLECTUEL, COLLÈGE DE FRANCE, DERRIDA, DURKHEIM, ÉCOLE DES HAUTES ÉTUDES EN SCIENCES SOCIALES, ÉCOLE NORMALE SUPÉRIEURE, GÉNÉRATION, HABITUS, HALBWACHS, INSTITUTION(S), INTELLECTUEL(S), KHÂGNE(S), LÉVI-STRAUSS, MÉTIER DE SOCIOLOGUE (LE), MOBILITÉ SOCIALE, PASSERON, SIMIAND, SOCIOLOGIE, TRAJECTOIRE(S)

* * *

GRANDES ÉCOLES [Trường Lớn]

Trong tác phẩm La Noblesse d’État, Pierre Bourdieu trình bày một tổng hợp những nghiên cứu tập thể do ông lãnh đạo từ cuối những năm 1960 tại Trung tâm xã hội học giáo dục và văn hóa, đặc biệt cùng với Monique de Saint-Martin. 

Đây là một khảo sát bằng bảng câu hỏi, được tiến hành năm 1966 tại Trường sư phạm cao cấp (ENS) dưới sự thúc đẩy của của những nhà hoạt động trong Hội liên hiệp sinh viên Pháp (UNEF) khởi đầu cho một loạt những khảo sát tương tự trong những “Trường Lớn” chính ở Pháp, dù cho đó là những trường kĩ sư hay các trường ứng dụng của Nhà nước như Trường quốc gia hành chính (ENA). Những phân tích thống kê trong những năm 1980 sẽ bổ sung cho cuộc khảo sát này. 

Ngày nay ý niệm “Trường Lớn” được hình thức hóa bằng việc là thành viên của “conférence des Grandes Écoles/hội đồng các Trường Lớn”. Trong chừng mực là, nói một cách chính xác, không có những Trường “nhỏ”, tên gọi này nhắm trước hết đảm bảo tính khác biệt và có sàng lọc những trường đào tạo giữ một vị thế thống trị trong nền giáo dục Pháp. Nếu học một “Trường Lớn” phân biệt” người xuất thân từ đó, theo một mô hình gần với sự phân biệt đẳng cấp tách biệt các “bản chất” con người được thứ bậc hóa bằng một phép thuật xã hội thì chức năng biểu tượng này đi cùng với nhiều chức năng xã hội và kinh tế có liên quan khác: học qua một Trường Lớn tạo điều kiện tích lũy nhiều kiểu vốn có giá trị trong trường quyền lực, như những dạng thức vốn văn hóa và vốn xã hội, một hỗn hợp những nhóm liên lạc, kỹ năng, ứng xử khiến cho việc tiếp cận sau này những vị trí lãnh đạo (ít nhiều) trong một xã hội mà việc tái sản sinh xã hội kể từ nay được xác định chủ yếu thông qua Nhà trường. 

Trong tác phẩm La Noblesse d’État, Pierre Bourdieu quan sát sự lớn mạnh của Trường quốc gia hành chính (ENA) và một suy giảm tương đối có tính biểu tượng của Trường sư phạm cao cấp (ENS), đặc biệt dễ thấy qua những bước chuyển hướng thi tuyển vào trường sau sang thi tuyển vào trường đầu, đồng thời nhấn mạnh sự lớn mạnh đều đặn của các business schools. Các trường thương mại này, đứng đầu là Trường thương mại cao đẳng (HEC), luôn tự định vị theo một logic cạnh tranh quốc tế, với hậu cảnh là thị trường các văn bằng Masters in Business Administration (MBA), khiến cho việc tiếp cận những vị trí và sự nghiệp lãnh đạo các công ty đa quốc gia trở thành khả thi. Kể từ những năm 1990, sự lớn mạnh của các trường thương mại và của các trường tư nhân được xác nhận.

Như thế, động thái của trường của các Trường Lớn được nối kết, theo vòng tròn, với động thái của trường quyền lực: “cực tri thức” mất ảnh hưởng nhường chỗ cho “cực quyền lực kinh tế” trong một quan hệ biện chứng cùng một lúc trong cả hai trường. Tuy nhiên quan hệ này là không chắc chắn vì các trường thương mại tìm kiếm bằng mọi cách những tín hiệu của uy tín và sự xuất sắc, buộc phải đầu tư vào nghiên cứu như nó từ nay được xác định dựa trên mô hình hàn lâm đang thống trị, mô hình của các Ph. D Anh-Mỹ. Điều tương tự cũng xảy ra trong những năm 1990 cho đại học khoa học chính trị Paris (Sciences Po Paris), được Richard Descoings thúc đẩy, khi giữa những cải cách triệt để khác nhau đã đầu tư vào nghiên cứu đỉnh cao. Vậy là ý chí biến các đại học Pháp có tính cạnh tranh hơn cũng dẫn đến việc đặt thành vấn đề tiềm ẩn và còn vô cùng ấp úng, vào cuối những năm 2000, sự tách biệt giữa các Trường Lớn và các đại học vốn là một thành tố của nhị nguyên luận của hệ thống giáo dục Pháp ở bậc cao cấp.

Khi những chuẩn của một mô hình quốc tế về đào tạo các giới tinh hoa ngày càng lan rộng thì tính đặc thù Pháp này hiện ra, trên nhiều mặt, như một định chế lỗi thời của phương thức tái sản sinh giới tinh hoa Pháp. Nhưng các logic xã hội kết nối cách đào tạo các giới tinh hoa với những sự nghiệp và vị trí lãnh đạo trong trường quyền lực, tuy tất nhiên không theo mô hình Pháp, nhưng không vì thế mà trên bình diện thế giới không thể là không so sách được các nước với nhau. 

Frédéric Lebaron

Giáo sư xã hội học Trường sư phạm ở Cachan (ENS Cachan)

ACCUMULATION, CAPITAL, CAPITAL CULTUREL, CAPITAL SOCIAL, CENTRE DE SOCIOLOGIE EUROPÉENNE, CHAMP ACADÉMIQUE, CHAMP DU POUVOIR, DISTINCTION, ÉCOLE NORMALE SUPÉRIEURE, ENSEIGNEMENT, NOBLESSE D’ÉTAT (LA), POSITION(S), QUESTIONNAIRE, REPRODUCTION, STATISTIQUES, UNIVERSITÉS

* * *

ÉCOLE NORMALE SUPÉRIEURE (ENS) [Trường Sư phạm Cao cấp (ENS)]

Pierre Bourdieu là sinh viên Trường sư phạm cao cấp (ENS) từ năm 1951 đến năm 1954 và đã giảng dạy trong ngôi trường này, ngôi trường mà ông đã nghiên cứu trong tác phẩm La Noblesse d’État

Định chế

Vào đầu những năm 1950, Trường sư phạm cao cấp (ENS) vẫn còn ở trên đỉnh cao tiếng tăm trong khối các Trường Lớn của Pháp. Ban ngôn ngữ và văn chương Hi lạp và Latin của Trường là một mô hình chuẩn trong lúc ban khoa học chịu sự canh tranh của Trường Bách Khoa vốn cũng tuyển chọn sinh viên từ các lớp dự bị thi tuyển vào các ngành khoa học tự nhiên. Đây là một định chế ở quy mô con người vì sĩ số của mỗi khóa văn học tối đa có ba mươi sinh viên được tuyển chọn sau một cuộc thi (viết và vấn đáp) chỉ có hai tùy chọn (Latin/Hy lạp và Latin/ngôn ngữ). Do đó có rất nhiều các môn thi viết chung (Pháp văn, dịch Pháp văn-Latin, dịch Latin-Pháp văn, sử học, triết học, sinh ngữ hay dịch Hy Lạp-Pháp văn) và nhắm vào những học sinh đã đỗ tú tài có thứ hạng cao và thường được giải thưởng hay có thứ hạng ở cuộc thi đặc biệt toàn quốc, như trường hợp của Bourdieu, thủ khoa tiếng Tây Ban Nha. Mỗi năm có khoảng 350 thí sinh. Do đó sau cuộc thi viết và thi vấn đáp không đến một thí sinh trên mười có cơ may trúng tuyển. Có rất ít trường trung học có những lớp dự bị thi tuyển văn học với hiệu quả rất khác nhau về sĩ số học sinh của lớp được trúng tuyển. Các trường trung học lớn ở Paris (ở hàng đầu là các trường Louis-le-Grand, Henri-IV, Lakanal và Condorcet) chiếm thế thượng phong đối đầu với vài trường hiếm hoi tại các thành phố lớn khác (Le Parc ở Lyon, Fermat ở Toulouse, Thiers ở Marseille). Sau hai năm (năm đầu là hypokhâgne và năm sau là khâgne), thường là ba, đôi lúc bốn năm học tập dự bị thi tuyển với cường độ cao, thể theo một luật được thông qua ngày 26 tháng 8 năm 1948 các thí sinh trúng tuyển được học bổng của Đại học Paris trong hai năm đầu và trở thành công chức tập sự từ năm thứ ba ở Trường và cam kết phục vụ Nhà nước [Sirinelli 1986: 579]. Sinh viên cũng tiếp cận tự do một thư viện rất tốt và được hưởng sự theo dõi gần của những “thạc sĩ trợ giảng” và của những giáo sư bên ngoài có dạy ở Trường. Trong thời gian Bourdieu học tập tại Trường, hiệu trưởng là nhà hóa học Georges Dupont và phó hiệu trưởng là triết gia Jean Hyppolite, người sẽ trở thành hiệu trưởng vào năm 1954. Lúc bấy giờ điều kiện sống nội trú còn rất thô sơ vì chỉ có tòa nhà cũ ở số 45 phố Ulm (xây dựng trong những năm 1840) và những cơ sở mở rộng được xây trong những năm 1930 trên phố Érasme và Rataud. Nhiều sinh viên ngủ chung một phòng và có những “phòng trong ngày” tập thể (“thurne de jour”) để học chung. Hầu hết các buổi lên lớp được tổ chức ở Sorbonne, École pratique des hautes études, Collège de France. Khác với các Trường lớn khoa học tự nhiên, vẫn còn có những nghi thức nhập môn (trò bắt nạt ma mới) nhưng đang tàn lụi tàn dần. Theo một số chứng từ, Pierre Bourdieu rất chống đối các nghi thức (bizutage) này. Cuộc sống tập thể được tổ chức xoay quanh vấn đề chính trị, với một thiểu số cộng sản tích cực, vài sinh viên xã hội chủ nghĩa hay theo De Gaulle, tôn giáo (với những người mộ đạo), hay nghiệp đoàn để bảo vệ những lợi ích cục bộ với tư cách là những công chức tương lai hơn là vì lợi ích của sinh viên.

Sinh viên Pierre Bourdieu ở ENS

Bourdieu học lớp dự bi ba năm (1948-1951) tại trường Louis-le-Grand trước khi trúng tuyển vào Trường sư phạm cao cấp phố Ulm. Lần đầu dự thi năm 1950, ông không qua được các môn thi cuối cùng nhưng trúng tuyển năm sau với thứ hạng 17 trên 28 thí sinh. Hành trình này là khá thông thường vì đa số thí sinh trúng tuyển là ở lần thi thứ hai, theo những nghiên cứu hiện có về những sinh viên Trường sư phạm thời kì này [Akmut 2011: 28]. Trong số những đồng môn của ông ở Louis-le-Grand và trúng tuyển năm 1950 có Jean-Claude Pariente (người sẽ viết tiểu sử ông trong cáo phó trên Annuaire de l’ENS) và Louis Marin; và năm 1952 ông gặp lại những đồng môn khác cùng học tại trường Louis-le-Grand, trong số đó có triết gia Jacques Derrida. 

Bourdieu cảm nhận thành công này như một sự giải phóng so với những năm buồn tẻ ông đã phải chịu đựng từ lớp 6 ở Pau rồi ở Paris, được ông phát triển nhiều trong cuốn Esquisse pour une auto-analyse [EAU: 118-120]. Bây giờ ông gần như được bảo đảm có được một tương lai ổn định miễn là tiếp tục nỗ lực. Theo chứng từ của các bạn đồng môn, ông là một sinh viên nghiêm túc, cần cù và đỗ cử nhân triết học ở thứ hạng tốt (1952), rồi thạc sĩ (1953) (hạng ưu) và, chức danh thạc sĩ (1954) ngay từ lần đầu thi tuyển, một cuộc thi mà do tính sàng lọc là cao nhất có tỉ lệ thất bại cao ngay cả đối với những sinh viên của ENS [Akmut 2011: 355-373].

Những ràng buộc xã hội và kỉ luật trong Trường sư phạm cao cấp (ENS) ít hơn nhiều so với ở trường trung học và đây là thời gian để đọc nhiều sách triết cũng như về các lĩnh vực khác. Theo lời Bourdieu, ông có vô số hoạt động: quan tâm đến toán học và sinh học, nhập môn thực hành âm nhạc (hòa âm, đối âm) với ý định có thể làm nhạc trưởng, thực tập tiếng Đức để đọc Ernst Cassirer et Edmund Husserl lúc bấy giờ chưa được dịch sang tiếng Pháp, luyện cổ ngữ latin để dịch và chú giải Animadversiones [những nhận xét về văn bản của một tác giả - ND] của Leibniz, chủ đề luận văn thạc sĩ của ông. Ngoài bóng bầu dục, Bourdieu còn chơi một môn thể thao mới là tennis tại sân trên tầng cuối của phòng thí nghiệm ở phố Lhomond, khám phá nghệ thuật và các viện bảo tàng trong thời gian rảnh rỗi cuối tuần vì chàng trai tỉnh lẻ buộc phải ở lại Paris do chỉ về quê làng vào các dịp nghỉ dài ngày. Đây cũng là thời gian đối mặt với những hình thức dấn thân chính trị dưới dạng một sự từ chối, từ chối chủ nghĩa Staline vốn được khoảng 15% thành viên thuộc các niên khóa (của ban văn khoa và ban khoa học) chấp nhận vào cuối những năm 1940 [Sirinelli 1986: 574]. Bourdieu và vài người bạn (Lucien Bianco, Bernard Comte, Louis Marin, Jacques Derrida) cố gắng kháng cự mặc dù những áp lực tri thức và đe dọa khá quá khích đang thắng thế lúc bấy giờ bằng cách thành lập năm 1952 một nhánh của Ủy ban hành động bảo vệ các quyền tự do [Choses dites: 13]. Cần nhắc lại rằng thời đó bản thân Louis Althusser, thạc sĩ triết học trợ giảng của ENS cũng là đảng viên đảng cộng sản Pháp từ năm 1948, và một trong những người trách nhiệm chi bộ của đảng cộng sản trong Trường là Emmanuel Le Roy Ladurie, đồng nghiệp tương lai của Bourdieu ở Collège de France, người mà diễn tiến ý thức hệ sau này sẽ khác xa thời trai trẻ.

Trong cuộc thi tuyển Bourdieu đạt điểm tốt nhất trong các môn văn (Pháp văn và cổ ngữ Hy lạp) và sử [Akmut 2011: 344] và việc chọn triết học được đương sự giải thích vi triết học là môn có uy tín, tham vọng và tinh hoa nhất [EAU: 15], nhưng cũng do không khí tri thức chung: đây là “những năm Sartre”, hiện thân của “nhà trí thức toàn diện”; cũng phải tính đến cung hàn lâm do đại học Sorbonne thời bấy giờ cung cấp: cả khoa sử lẫn khoa văn không có những giáo sư nhiệt tình, ngoại trừ Ernest Labrousse. Suốt đời mình Bourdieu sẽ ghi nhận món nợ đối với vài triết gia của Sorbonne được chọn vì sự đòi hỏi tính khắt khe và chặt chẽ của họ: Ernest Labrousse. về hưu năm 1955, Henri Gouhier, người hướng dẫn luận văn ông, Éric Weil và Alexandre Koyré với các buổi xêmina ở EPHE mà ông theo học. Người thứ nhất (Éric Weil – ND) mở cho ông cánh cửa trực tiếp vào văn hóa triết học Đức và người thứ hai (là Alexandre Koyré – ND) vào triết học các khoa học. Bourdieu cũng dẫn tên của Maurice Merleau-Ponty, Martial Gueroult ở Collège de France và nhất là Georges Canguilhem như những người gợi cảm hứng [PB 1989h]. Bourdieu chọn người tiếp nối Bachelard này (là Canguilhem - ND) ở Sorbonne làm thầy hướng dẫn cho luận án ông dự định làm sau khi tốt nghiệp ENS và vẫn giữ quan hệ chặt chẽ với thầy dù đã bỏ không làm luận án và chuyển hướng sang xã hội học [EAU: 41-44]. Trái với những đồng môn triết gia, ông không bị những triết gia theo thuyết hiện sinh như Martin Heidegger, Jean-Paul Sartre hay Jean Beaufret vốn đang trên đỉnh của sự nổi tiếng ở Pháp mê hoặc, một lựa chọn triết học mà ông suốt đời chống lại như được minh chứng trong bài viết [PB 1975j] rồi trong cuốn sách L’Ontologie politique de Martin Heidegger của ông. 

Pierre Bourdieu giảng dạy tại ENS

Quan hệ của Bourdieu với ENS không giới hạn ở thời kì ông được đào tạo ở Trường. Ngay từ năm 1968, theo lời mời của Jean-Claude Chamboredon, giảng viên mới về xã hội học, ông mở một xêmina thường xuyên cho sinh viên của Trường rồi cho ngày càng nhiều nhà nghiên cứu hay tập sự nghiên cứu ở bên ngoài Trường. Các giả thuyết của cuộc điều tra về tính tự trị của trường văn học trong thế kỷ XIX (như báo trước rất xa cuốn Les Règles de l’art) được trình bày ở xêmina ngay từ đầu những năm 1972 và công bố trên tạp chí ngắn tuổi đời Scolies của ENS [PB 1971a]. Ông mời sinh viên trình bày trong xêmina những công trình họ đang tiến hành, cũng như các thành viên thuộc Trung tâm xã hội học về giáo dục và văn hóa, bổ sung cho xêmina của tiểu ban thứ VI của EPHE (sau này là EHESS). Do cử tọa rõ ràng là ít hơn nhiều nên, đối với những người mới đến dự thính, các cuộc thảo luận không bị gò bó bởi những kiểm duyệt hàn lâm hay của việc kính nể uy tín của các bậc trưởng thượng. Những đồng nghiệp Pháp hoặc nước ngoài có mặt ở Paris cũng tham gia: François Furet (trình bày sách sắp ra Lire et écrire được xuất bản năm 1977 trong tủ sách “Le sens commun”), Jean Bollack (lịch sử xã hội của ngữ văn học), Charles Tilly (xã hội học về các cuộc vận động tập thể), hay Edward P. Thompson (các phương thức thống trị ở Pháp và ở Anh) mà bài trình bày là điểm xuất phát của các bản dịch tiếng Pháp những bài viết của tác giả này trên tạp chí Actes de la recherche en sciences sociales. Thật vậy kể từ 1975, nhiều buổi xêmina sẽ là nơi kiểm định những bài viết hay đánh số chuyên đề do tạp chí Actes de la recherche en sciences sociales công bố. Đôi lúc một số người dự thính, là sinh viên sư phạm hay không, sẽ tiếp tục làm luận án với Pierre Bourdieu và như thế sẽ tự định hướng, hoàn toàn hay một phần, sang xã hội học chẳng hạn như Rémy Ponton (niên khóa 1968), Jean-Louis Fabiani (niên khóa 1972), Louis Pinto, Rémi Lenoir hay Christophe Charle (niên khóa 1970), vẫn là nhà sử học nhưng có định hướng mạnh về lịch sử xã hội.

Tuy nhiên bộ môn xã hội học vẫn nằm ngoài lề của ENS cho đến lúc hình thành xong chương trình thạc sĩ các khoa học xã hội (1977), và việc thiết lập tùy chọn B/L của cuộc thi tuyển đầu vào (1983) và cuối cùng là sự thành lập thật sự một ban các khoa xã hội và mở rộng số giảng viên (Fabiani thành thạc sĩ trợ giảng kể từ 1979). Như vậy, bằng cách hiện diện và sớm có xêmina ở phố Ulm, Bourdieu đã góp phần mở ra những chân trời mới cho một ngôi Trường cho đến lúc bấy giờ bị các khoa nhân văn, đặc biệt là văn học cổ điển (ngôn ngữ và văn chương Hi lạp và Latin - ND) thống trị.

Christophe Charle

Giáo sư danh dự lịch sử đương đại tại Đại học Paris 1 Panthéon-Sorbonne

ASSOCIATION AMICALE DE SECOURS DES ANCIENS ÉLÈVES DE L’ÉCOLE NORMALE SUPÉRIEURE, 2005, Supplément historique, Paris. – BIANCO L., 2003, “On n’avait jamais vu Le Monde”, Awal, no 27-28, Paris, Éd. MSH, p. 267-277. – DUCOURTIEUX C., P. HUMMEL et A. MELLERIO, 2002, “Pour une histoire de l’École normale supérieure. Éléments de bibliographie (1794-1996)”, Bulletin de la Société des Amis de l’École normale supérieure, Paris, Société des Amis de l’École normale supérieure.PARIENTE J.-C., 2003, “Pierre Bourdieu”, Annuaire ENS, p. 109-111. – SIRINELLI J.-F., 1986, “Les normaliens de la rue d’Ulm après 1945: une génération communiste?”, Revue d’histoire moderne et contemporaine, no 32, p. 569-588.

ACTES DE LA RECHERCHE EN SCIENCES SOCIALES, AGRÉGATION, ALTHUSSER, BACHELARD, BOLLACK, CANGUILHEM, CASSIRER, CENTRE DE SOCIOLOGIE EUROPÉENNE, CHAMBOREDON, COLLÈGE DE FRANCE, COMMUNISME, DERRIDA, ÉCOLE DES HAUTES ÉTUDES EN SCIENCES SOCIALES, ESQUISSE POUR UNE AUTO-ANALYSE, GRANDES ÉCOLES, GUEROULT, HEIDEGGER, HUSSERL, KHÂGNE(S), LEIBNIZ, LITTÉRATURE, LOUIS-LE-GRAND, MERLEAU-PONTY, NOBLESSE D’ÉTAT (LA), ONTOLOGIE POLITIQUE DE MARTIN HEIDEGGER (L’), PHILOSOPHIE, RÈGLES DE L’ART (LES), RUGBY, SARTRE, “SENS COMMUN (LE)”, SOCIOLOGIE, THOMPSON

Thư mục

AKMUT A., 2011, Apprentis philosophes des années 1940-1960. Entre beaux-arts et les sciences, mémoire de master, Paris, EHESS/ENS

2004 [EAU] Esquisse pour une auto-analyse, Paris, Raisons d’agir.

1987 [CD] Choses dites, Paris, Minuit.

1988 [OPMH] L’Ontologie politique de Martin Heidegger.

[PB 1971a] “Champ du pouvoir, champ intellectuel et habitus de classe”, Scolies. Cahiers de recherches de l’École normale supérieure, no 1, p. 7-26.

[PB 1975j] “L’ontologie politique de Martin Heidegger”, ARSS, no 5-6, p. 109-156.

[PB 1989h] “Aspirant philosophe. Un point de vue sur le champ universitaire des années 50”, in Les Enjeux philosophiques des années 50, Paris, Éd. du Centre Pompidou, p. 15-24.

* * *

COLLÈGE DE FRANCE

Định chế này liên quan đến Pierre Bourdieu trên hai phương diện: là nơi ông giảng dạy và làm việc từ 1982 đến 2001, tức là mười chín năm, và là đối tượng những phân tích của ông trong khuôn khổ tổng quát hơn của nghiên cứu về trường đại học tại Paris trong tác phẩm Homo academicus

Chức vị xã hội học của Collège de France

Chức vị xã hội học mà Bourdieu đảm nhiệm trong gần hai mươi năm là sự thành lập lại từ ngân quỹ còn lại của chức vị này do sự qua đời lúc đương chức của Pierre Courcelle ngày 25 tháng bảy 1980, người đảm nhận chức vị văn học latin. Sự hồi sinh của xã hội học ở Collège de France, nối lại với một truyền thống gần trăm năm, nhưng lúc tỏ lúc mờ. Thật vậy chức vị “triết học xã hội” đầu tiên có từ 1897 và rơi vào Jean Izoulet (1854-1929). Lựa chọn đáng kinh ngạc một nhà sử học về tư tưởng, không mấy xã hội học, vào chức vị này là một lựa chọn võ đoán của chính quyền (trong trường hợp này là của Alfred Rambaud, bộ trưởng bộ giáo dục, người có quyền bổ nhiệm trực tiếp không cần ý kiến của các giáo sư trong trường hợp lập một chức vị mới), gây thiệt thòi cho Durkheim, người đã xếp hàng chờ nhưng không có những chỗ dựa chính trị của người mới được bổ nhiệm vốn là cựu thư kí của Paul Bert và gần với một số dân biểu cộng hoà ôn hòa. Người kế tục Izoulet năm 1929 là Marcel Mauss, cháu của Durkheim và là nhà sáng lập dân tộc học khoa học, cho phép xã hội học của Durkheim có chân đứng ở Collège de France. Tuy nhiên Mauss, nạn nhân của các luật bài Do thái của chính quyền Vichy, bị buộc về hưu non vào tháng mười 1940, cho dù có một nghị định tháng mười một 1944 sửa chữa sự bất công này. Tính liên tục của tư tưởng của Durkheim được đảm bảo một cách gián tiếp bằng việc tháng năm 1944 Maurice Halbwachs được bầu vào chức vị “tâm lý học tập thể”. Nhưng sự bầu cử này chỉ có tính hình thức vì Halbwachs bị Đức bắt và đày vào trại tập trung tháng bảy 1944 mà chưa kịp giảng dạy và ông qua đời vì kiệt sức và bệnh tật ở Buchenwald ngày 16 tháng ba 1945. Bourdieu có viết một bài về số phận bi thảm dành cho người tiền nhiệm [PB 1987d]. Sau thảm kịch này, xã hội học biến mất khỏi danh mục các chức vị cho đến năm 1969, thời điểm thành lập một chức vị xã hội học về nền văn minh hiện đại do Raymond Aron đảm nhiệm cho đến lúc về hưu năm 1978. Sự phục hưng xã hội học còn phải đợi 4 năm do quá trình bầu cử để tìm ra một người mới đảm đương chức vị này trải dài từ ngày 22 tháng hai 1981, thời điểm có quyết định biến đổi chức vị của Pierre Courcelle, đến ngày 1 tháng hai 1982, ngày công bố nghị định bổ nhiệm Pierre Bourdieu vào chức vị kể từ ngày 10 tháng 10 1981. Thời gian dài này không chỉ là do quá trình bầu cử phức tạp ở Collège de France. Ngay cả sau cuộc bầu ủng hộ rất rõ Bourdieu tại đại hội mùa xuân 1981, với hai mươi hai phiếu so với mười cho Alain Touraine, bà bộ trưởng phụ trách các đại học, Alice Saunier-Séité, kéo dài việc bổ nhiệm cho đến ngày bầu cử tổng thống 10 tháng năm 1981 cũng là ngày đánh dấu sự kết thúc nhiệm kì bộ trưởng của bà. Bà được đông đảo người biết là chống đối việt chọn một nhà xã hội học được bà đồng nhất với những cuộc “nổi loạn năm 1968” và, hơn nữa, để không tiến hành bổ nhiệm còn viện đến cuộc bỏ phiếu trái chiều của Viện hàn lâm các khoa học đạo đức và chính trị mà ý kiến được yêu cầu song chỉ có tính tham khảo. Điều này giải thích việc công bố muộn màng nghị định có hiệu lực hồi tố và Bourdieu chỉ có thể giảng buổi đầu tiên vào ngày 23 tháng tư 1982 trước hai khán phòng đông nghịt, một phòng trong đó ông có mặt và một phòng có chiếu màn hình cho công chúng. 

Pierre Bourdieu, giáo sư tại Collège de France

Đối với ai đã đọc bài viết hay dự thính như tác giả buổi khai giảng này, điều gây ấn tượng là nỗi lo lắng xuyên suốt thao tác tu từ học rất điển hình cho các truyền thống Pháp về đời sống đại học mà Bourdieu đã lường trước và tố cáo những xảo thuật và cạm bẫy trong những công trình của ông về nền giáo dục Pháp. Ông lặp lại phân tích trong suốt Leçon sur la leçon, tựa đặt cho phiên bản trên giấy của Leçon inaugurale này. Người từng phê phán tất cả sự tùy tiện trong uy tín sư phạm của bài giảng trong khán phòng và sự đóng góp của kiểu giảng dạy này vào việc tái sản sinh những khoảng cách văn hóa, người đã luôn nỗ lực, trong các xêmina của mình tại École pratique des hautes études hay trong các bài giảng đại học ở Lille, từ bỏ các công thức truyền thống nay phải đóng vai trò mà việc được bầu làm giáo sư Collège de France đòi hỏi và chứng minh cho các đồng nghiệp và công chúng rằng mình làm chủ tất cả những ngón nghề khéo léo của kiểu trình diễn này mà vẫn không ngây thơ vì xã hội học, như được ông quan niệm, “cho phép bứt ra khỏi trạng thái ngây thơ cho phép hoàn thành trong hạnh phúc những chờ đợi của định chế” [LL: 5]. Giống như trong tác phẩm Esquisse pour une auto-analyse của ông, theo nhiều nhân chứng ông cảm nhận một cách sâu sắc sự khó chịu đến độ có lúc muốn dừng nói trong khi đang triển khai tu từ học trong thính phòng với những phát biểu ấn tượng nối tiếp nhau và trúng mục tiêu, đôi lúc để khuyên nhủ hay trách cứ, những bậc tiền bối, và không quên những lời khen ngợi, đôi lúc là những nhận xét hài hước về những người đương đại, những đồng nghiệp xưa hay trong tương lai: làm thế nào nhà xã hội học có thể phân thân để không có rủi ro rơi vào hubris (sự cường điệu hóa – ND), một từ ưa thích của ông, để vẫn trung thành với chức năng phê phán của khoa học xã hội, đồng thời tôn trọng nghi thức của định chế cho phép trao cho xã hội học vị thế mới không thể tranh cãi mà khoa học này từng bị tước đi do việc công nhận luôn bấp bênh trong định chế được thừa nhận này?

Trong khi chờ đợi toàn bộ những bài giảng và xêmina thu thanh được gỡ băng và xuất bản, hiện chỉ có thể có một cái nhìn sơ lược về nội dung giảng dạy của Bourdieu suốt gần hai thập niên này. Trung thành với nhiệm vụ nghiên cứu của định chế, tác giả của Sens Pratique xen kẽ những bài rất lí thuyết và có tính tổng quát (năm 1982, “Nommer et classer”, năm 1983, “Habitus et champ”, năm 1984, “Champ et formes de capital”) lấy lại và làm rõ những ý niệm cơ bản được triển khai trong các tác phẩm quan trọng và mới nhất của ông bằng cách áp dụng chúng vào những ví dụ còn chưa công bố rút ra từ những cuộc khảo sát đang tiến hành hay từ những bài viết vừa mới xuất bản. Bourdieu luôn cảnh báo công chúng bất kì sự sử dụng máy móc hay đơn giản hóa những khái niệm ông đề xuất để tránh những sự hiểu lầm khó tránh khỏi trước một công chúng đa dạng và không đồng nhất như công chúng của các xêmina. Để tránh mọi nguy cơ giáo điều, vấn đề là trình bày các “ý niệm then chốt” trong sự “hoạt động có tính khái niệm và chức năng kỹ thuật của các ý niệm then chốt này trong nghiên cứu” [Sociologie générale 1: 11-12]. Bài khai giảng này và những bài giảng tiếp sau dẫn đến việc phân tích sâu các trường hợp cho phép phát triển những khái niệm và sơ đồ lí thuyết đã được thiết kế trong các tác phẩm hay bài viết trước khi ông được bầu vào Collège de France hay đang được thảo như Ce que parler veut dire hay Homo academicus: về không gian các bộ môn và vị trí của xã hội học, về trường văn học, kinh tế học những sản phẩm biểu tượng (1993) [Raisons pratiques: 175-211], các chiến lược tái sản sinh (1994), sự thống trị (1997). Tính độc đáo thứ hai của khóa giảng này là ngày càng đối mặt với những bộ môn như nhân học, kinh tế học (bài giảng năm 1992 về những nền tảng xã hội của hành động kinh tế sau này sẽ cho ra đời tác phẩm Les Structures sociales de l’économie, 2000), triết học, sử học và triết học các khoa học (Science de la science et réflexivité, bài giảng niên khóa 2000-2001), lịch sử và lí thuyết nghệ thuật (bài giảng về họa sĩ Manet, 1998 và 1999; Manet), khoa học chính trị và luật học (Sur l’État, bài giảng niên khóa 1989-1991). Việc mở ra những không gian mới cũng cho phép tính đến những trào lưu ở nước ngoài của xã hội học và của các khoa học xã hội (thông qua việc mời các giáo sư ngoại quốc theo sáng kiến của Bourdieu) hay kiểm định những phân tích rút ra từ trường hợp của Pháp trên những bối cảnh lịch sử và địa lí khác nhau như Mỹ, Đức và Nhật. Vả lại kể từ những năm 1990, một phần sự giảng dạy diễn ra bên ngoài nước Pháp (Mỹ, Đức, Nhật, Thụy Điển, Anh) và ở các tịnh (Nantes, Lyon, Strasbourg, Poitiers) thể theo một quy định mới mở ra cho các giáo sư Collège de France. Tính bên ngoài lãnh thổ này cho phép thoát ra khỏi khuôn khổ địa bàn Paris và chính thức nhưng cũng là thoát khỏi công chúng không đồng nhất của những bài giảng rất được các “ngôi sao” của định chế theo dõi. Như vậy Bourdieu đối mặt với những công chúng đa dạng hơn và sự đối sánh nảy sinh một cách tự nhiên từ khuôn khổ giảng dạy bên ngoài thủ đô. Nhiều bài giảng hay hội thảo này ở nước ngoài hay ở các tỉnh nhanh chóng được công bố dưới dạng sách hay đưa vào những tuyển tập ở Pháp hay được dịch (ví dụ, xem “Un acte désintéressé est-il possible?/Có chăng một hành động vô vị lợi?” [in RP: 149-167; PB 1989m] hay bài giảng ở Lyon tại đại học Lumière ngày 14 tháng mười một “Champ politique, champ des sciences sociales, champ journalistique/Trường chính trị, trường các khoa học xã hội, trường báo chí” [PB 1995; 1996j]).

Sự hòa nhập của Pierre Bourdieu vào định chế không chỉ giới hạn ở việc giảng dạy long trọng (ex cathedra) hay ở các xêmina bổ sung cho cách giảng dạy này. Khi tổng thống nước cộng hòa Pháp François Mitterrand, ngày 13 tháng hai 1984, mời các giáo sư của Collège de France suy nghĩ về những nguyên lí giáo dục tương lai, chính Bourdieu, cùng với nhà sinh học François Gros, được ủy nhiệm tổng hợp những suy nghĩ này trong một báo cáo trao cho tổng thống ngày 27 tháng ba 1985. Mặc dù Mitterrand có dến thăm để cảm ơn Collège de France ngày 14 tháng năm nhưng sau đó báo cáo này không mang lại kết quả cụ thể nào, đặc biệt do phe hữu thắng lợi trong cuộc bầu quốc hội năm 1986 cũng như do những căng thẳng trong nội bộ phe tả về chính sách giáo dục sau thất bại của bộ trưởng Savary trước sự vận động quần chúng rộng lớn của những người bảo vệ trường tư trong mùa xuân 1984. Trong nhiệm kì thứ hai của Mitterrand, Bourdieu lãnh đạo một ủy ban thứ hai để suy nghĩ về các chương trình giáo dục, nhưng những đề xuất của ông một lần nữa vấp phải sự kháng cự trong một số môn học ở cấp trung học, đặc biệt là triết học.

Sự can dự lần thứ ba của nhà xã hội học vào đời sống tập thể của Collège de France liên quan đến một vài đề xuất thành lập những chuyên ngành trong những lĩnh vực thuộc thẩm quyền, theo nghĩa rộng, của ông. Với quyết tâm ủng hộ những trào lưu đổi mới, Bourdieu nhiều lần chạm trán với các bộ môn văn học vốn có tính truyền thống và chống đối các khoa học xã hội, trong khi các giáo sư các chuyên ngành tự nhiên, lúc ban đầu đồng tình với những ý tưởng của Bourdieu (như số phiếu bầu cho ông đã chứng tỏ), dần dần không quan tâm đến những lựa chọn của ông nữa, do không phải bao giờ cũng hiểu những xung đột nội bộ trong các khoa học nhân văn và xã hội. Trong một định chế mà những người không phải là chuyên gia góp tiếng nói quyết định để phân định giữa những chuyên gia gần với chuyên ngành cần được thành lập, điều này có thể gây ra những hiệu ứng tai hại, nhất vào thời buổi mà sự nổi tiếng trên truyền thông ngày càng lấn át danh tiếng xuất phát chỉ từ sự đánh giá của các đồng nghiệp. Như vậy nếu Bourdieu đã góp phần bầu Maurice Agulhon (1986), Daniel Roche (1999) vào ghế sử học, Jacques Bouveresse (1994) vào ghế triết học thì ông đã thất bại trong các trường hợp Jacques Derrida (triết học), Oswald Ducrot (ngôn ngữ học), bất chấp danh tiếng quốc tế của hai vị này.

Ông cũng nỗ lực mở rộng mô hình trong các khoa học nhân văn về người giáo sư chuyên ngành, khá cô độc sang mô hình về người dẫn dắt ê-kíp, gần với các khoa học khác hơn, bằng cách lập lại Trung tâm xã hội học châu Âu được kết hợp với tạp chí Actes de la recherche en sciences sociales và phụ trang quốc tế của tạp chí này là Liber.

Pierre Bourdieu, nhà xã hội học về Collège de France

Bourdieu kết thúc bài giảng khai trương tại Collège de France bằng sự ca tụng một định chế mà từ thời Ernest Renan, người ta lặp đi lặp lại rằng nó có sứ mệnh, theo nguyên tắc từ khi được thành lập, tự do nghiên cứu và khai phá những lĩnh vực mới: “sự tự do này đối với định chế chắc chắn là sự tôn vinh duy nhất xứng đánh với một thể chế tự do bao giờ cũng gắn bó, như định chế này, với việc bảo vệ tự do đối với các thể chế, vốn là điều kiện của mọi khoa học, và trước tiên, của một khoa học về các thể chế” [LL: 35]. Các định hướng này chỉ có thể đi cùng chiều với phê phán của ông đối với đại học truyền thống, một phê phán được phát triển từ Les Héritiers đến Homo academicus, tác phẩm được xuất bản hai năm sau khi ông được bầu vào định chế trên. Phân tích của ông về trường đại học được làm rõ trong tác phẩm này từ một lát cắt đồng đại ngay trước biến cố Tháng Năm 68 đặt Collège de France và các giáo sư của định chế này vào một vị thế riêng biệt, tập hợp vừa những nhà “thông thái lỗi lạc” lẫn những nhà “dị giáo được thừa nhận” đối mặt với những “giáo sư bình thường”, chủ yếu hiện diện ở Sorbonne và đảm nhiệm việc tái sản sinh đoàn thể. Những công trình được tiến hành song song hay sau phân tích này chỉ xác nhận một phần tầm nhìn hơi có tính mê hoặc trên về Collège de France [Charle 1986; 1987; 1988]. Cần ghi nhận là ngay từ khởi đầu, do Bourdieu ưu tiên chọn trường các khoa học nhân văn và xã hội, ông đã không tính đến các chuyên ngành khoa học khác, tức là một nửa con số các giáo sư, khiến cho phân tích bị lệch. Thứ hai, khi tiến hành một phân tích lịch đại, ông trộn lẫn những cá nhân là sản phẩm của những trạng thái khác nhau của trường đại học vì Collège de France là một định chế vinh danh mà, tùy theo chuyên ngành, người ta có thể được bầu vào lúc rất trẻ (trường hợp của toán học và vật lí học) hoặc muộn hơn (trường hợp của những chuyên ngành xưa hơn như văn học, sử học hay triết học). Cuối cùng, Collège de France do tính đa dạng của các bộ môn, thường trải qua những chu kì trái chiều có tính đổi mới hay tái sinh nguyên trạng. Năm 1967 tương ứng với một thời kỉ đổi mới, cũng như thời điểm mà bản thân Bourdieu được bầu, kết quả của một thời kì phát triển, chinh phục và mở cửa cho những bộ môn mới của trường đại học, như được minh chứng qua sự hiện diện của những nhân vật xuất sắc như Raymond Aron, Roland Barthes, Georges Duby, Michel Foucault, Claude Lévi-Strauss, André Leroi-Gourhan, Jean-Pierre Vernant, để chỉ kể những tên tuổi nổi bật nhất. Một lát cắt ở một thời điểm khác có thể đưa đến một sự tương phản ít đậm nét hơn với các đại học truyền thống, ví dụ ở giữa hai cuộc thế chiến, như lịch sử giảng dạy xã hội học nhắc đến ở trên và việc là sau khi Bourdieu qua đời, chuyên ngành này đã không có người tức thì đảm nhận. do thiếu sự đồng thuận về một người kế tục chính đáng có cùng tầm cỡ, và cũng là sự phản ảnh gián tiếp của một cuộc khủng hoảng nhất định trong các khoa học nhân văn và xã hội trong những năm 2000.

Christophe Charle

Giáo sư danh dự lịch sử đương đại tại Đại học Paris 1 Panthéon-Sorbonne

image Annuaire du Collège de France, 1981-1982 à 2001-2002. – CHARLE C., 1986, “Le Collège de France”, in P. NORA (dir.), Les Lieux de mémoire, II. La Nation, vol. 3, Paris, Gallimard, p. 389-424. – CHARLE C., 2008, Les Élites de la République (1880-1900), Paris, Fayard (1987). – CHARLE C. et E. TELKES, 1988, Les Professeurs au Collège de France, dictionnaire biographique, 1901-1939, Paris, CNRS Éd.-INRP.

ACTES DE LA RECHERCHE EN SCIENCES SOCIALES, ALLEMAGNE, ANGLETERRE, ARON, BARTHES, BIENS SYMBOLIQUES, BOUVERESSE, CAPITAL, CHAMP, CHAMP ACADÉMIQUE, CENTRE DE SOCIOLOGIE EUROPÉENNE, DÉCÈS, DERRIDA, DÉSINTÉRESSEMENT, DOMINATION, DUBY, DURKHEIM, ENSEIGNEMENT, ESQUISSE POUR UNE AUTO-ANALYSE, ÉTATS-UNIS, FOUCAULT, HABITUS, HALBWACHS, HÉRITIERS (LES), HOMO ACADEMICUS, INSTITUTION(S), JAPON, LEÇON SUR LA LEÇON, LÉVI-STRAUSS, LIBER, LITTÉRATURE, MANET, MAUSS, PROFESSEURS, SCIENCE DE LA SCIENCE ET RÉFLEXIVITÉ, SCIENCES HUMAINES ET SOCIALES, SENS PRATIQUE (LE), SOCIOLOGIE, SOCIOLOGIE GÉNÉRALE, STRATÉGIE(S), STRUCTURES SOCIALES DE L’ÉCONOMIE (LES), SUÈDE, SUR L’ÉTAT, UNIVERSITÉS

Thư mục

1964 Les Héritiers. Les étudiants et la culture (avec J.-C. Passeron), Paris, Minuit.

1980 [SP] Le Sens pratique, Paris, Minuit, rééd. 1989.

1982 [LL: 5] Leçon sur la leçon, Paris, Minuit. 

1982 [CQPVD] Ce que parler veut dire. L’économie des échanges linguistiques, Paris, Fayard.

1984 [HA] Homo academicus, Paris, Minuit, nouvelle éd. augmentée d’une postface, 1992.

1994 [RP: 149-167] Raisons pratiques. Sur la théorie de l’action, Paris, Seuil, rééd. “Points”, 1996.

2000 [SSÉ] Les Structures sociales de l’économie, Paris, Seuil, rééd. “Points”, 2014

2001 [SSR] Science de la science et réflexivité. Cours du Collège de France 2000-2001, Paris, Raisons d’agir.

2004 [EAU] Esquisse pour une auto-analyse, Paris, Raisons d’agir.

2012 [] Sur l’État. Cours au Collège de France, 1989-1992, Paris, Raisons d’agir/Seuil.

2013 [MRS] Manet. Une révolution symbolique. Cours au Collège de France, 1998-2000, suivis d’un manuscrit inachevé de Pierre et Marie-Claire Bourdieu, éd. établie par P. Casanova, P. Champagne, C. Charle, F. Poupeau et M.-C. Rivière, Paris, Raisons d’agir/Seuil.

2015 [SG 1] Sociologie générale, vol. 1, éd. établie par P. Champagne, J. Duval, F. Poupeau et al., Paris, Raisons d’agir/Seuil, rééd. “Points”, 2019.

2015 [SG 2] Sociologie générale, vol. 2, éd. établie par P. Champagne, J. Duval, avec la collaboration de F. Poupeau et M.-C. Rivière, Paris, Raisons d’agir/Seuil, rééd. “Points”, 2019.

[PB 1989m] “Intérêt et désintéressement”, Cours du Collège de France à la faculté d’anthropologie et de sociologie de Lyon les 1er et 6 décembre 1988, Cahiers de recherche du GRS, Institut de recherche et d’études sociologiques et ethnologiques, sept., p. 31-64.

[PB 1987d] “L’assassinat de Maurice Halbwachs”, La Liberté de l’esprit, no 16, p. 161-168.

[PB 1996j] “Champ politique, champ des sciences sociales, champ journalistique”, Cahier de recherche, no 15, GRS, Lyon.

* * *

ÉCOLE DES HAUTES ÉTUDES EN SCIENCES SOCIALES (EHESS)/ÉCOLE PRATIQUE DES HAUTES ÉTUDES (EPHE)

Pierre Bourdieu gắn bó trong suốt sự nghiệp của mình với tiểu ban thứ VI của École pratique des hautes études (EPHE) sau này trở thành tự trị vào năm 1975 khi biến thành École des hautes études en sciences sociales (EHESS). Năm 1961 Raymond Aron tuyển ông vào tiểu ban để làm tổng thư kí của Centre de sociologie européenne (CSE). Tại đây ông được bầu làm giám đốc nghiên cứu năm 1964 và lãnh đạo Centre de sociologie de l’éducation et de la culture (CSEC-CSE), nhóm nghiên cứu của riêng ông sau khi chia tay với Aron năm 1969. Ông tiếp tục gắn bó với École des hautes études en sciences sociales (EHESS) sau khi được bầu vào Collège de France năm 1981. 

EPHE giữ một vị trí đặc biệt trong trường hàn lâm. Được thành lập bên lề của đại học năm 1868 để đối phó với sự ưu việt của các đại học Đức, sứ mệnh của EPHE là nghiên cứu và giảng dạy công tác nghiên cứu. Các bài giảng trong thính phòng được thay thế bằng mô hình các “xêmina” Đức. Lúc ban đầu EPHE có những tiểu ban cho các lĩnh vực lớn (toán học, vật lí học và hóa học, các khoa học về sự sống, các khoa học lịch sử, các khoa học tôn giáo) và chỉ sau năm 1945 dự án một tiểu ban cho các khoa học xã hội mới thành hình: các sử gia thuộc trường phái Annales (Febvre, Morazé, Braudel) thành lập năm 1947 tiểu ban ”các khoa học kinh tế và xã hội”, đặc biệt nhờ một khoản trợ cấp của Quỹ Rockefeller [Mazon 1988; Tournès 2011]. 

Sử học chiếm một vị trí trung tâm trong tiểu ban mới này, định chế do các sử gia và Trung tâm nghiên cứu lịch sử (1949) lãnh đạo là phòng thí nghiệm đầu tiên được thành lập (và ngày nay là tiểu bang đứng đầu về quy mô). Nhưng trong tinh thần tạp chí Annales của Marc Bloch và Lucien Febvre, sử học ít được quan niệm như một bộ môn tự trí hơn là như giao điểm của tất cả các khoa học xã hội. Ngoài bốn bộ môn cơ bản (sử học, kinh tế học, xã hội học, dân tộc học), EPHE bổ sung một chương trình các “khu vực văn hóa” (châu Phi, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Hồi giáo) do Clemens Heller lãnh đạo, một ông bầu quốc tế và cánh tay phải của Braudel, người đã vận động được sự tài trợ của Qũy Ford [Bruhns et al. 2018]. Việc mở rộng ra quốc tế được thể hiện qua sự tài trợ cũng như tuyển dụng các giảng viên, việc chọn những đối tượng nghiên cứu hay tổ chức các dự án là một trong những nguyên tắc qua đó tiểu ban thứ VI chứng tỏ sự khác biệt với các định chế đại học đã được xác lập.

Do Fernand Braudel làm chủ tịch từ năm 1956 đến 1972, Trường (École) đặc biệt phát triển mạnh trong thời gian này. Nhân sự giảng dạy (bao gồm mọi quy chế) tăng từ 30 người năm 1950 lên 86 người năm 1960 và hơn 250 người trong những năm 1970 và ổn định xấp xỉ ở mức này [Heilbron 2020: 237]. Thành tựu lớn khác của Braudel, gắn với tiểu ban thứ VI, là Maison des sciences de l’homme (MSH). Định chế có tính liên đoàn này, được khởi xướng năm 1967 và do Braudel rồi Heller lãnh đạo, bao gồm một thư viện lớn. Trụ sở của nó ở đại lộ Raspail, cũng là trụ sở của Trường kể từ năm 1970. 

“Tất cả những gì có vẻ mới trong trường của các khoa học xã hội lúc bấy giờ được tập hợp tại EPHE, do Fernand Braudel phụ trách, người tuy phê phán các công trình đầu tiên của tôi về Algérie vì theo ông là dành quá ít chỗ cho lịch sử, bao giờ cũng dành cho tôi một sự hỗ trợ rất thân tình và tin cậy, trong việc nghiên cứu của tôi cũng như việc quản lí Trung tâm xã hội học châu Âu” [Esquisse pour une auto-analyse: 47] 

Tính độc đáo và vai trò sáng tạo của tiểu ban thứ VI trong các khoa học xã hội không chỉ là do chính sách liên ngành và định hướng quốc tế của tiểu ban này mà còn do hai nhân tố: Trường tự trang bị những công cụ làm việc tập thể (trung tâm lưu trữ tài liệu, phòng bản đồ học, trung tâm tính toán, v.v.) mà các đại học không có và theo đuổi một chính sách tuyển dụng độc đáo cung cấp vị trí làm việc cho những nhà nghiên cứu trực thuộc những định chế khác (với tư cách “người kiêm nhiệm”) và cho những ai, nam hay nữ, đã không theo học cursus honorum (chương trình danh giá - ND), tức là Trường sư phạm cao cấp (ENS) và có chức danh thạc sĩ.

Phân tích vị thế ngoại vi của Trường trong trường hàn lâm, Bourdieu giải thích là những nhà sáng lập Trường, đặc biệt là Braudel, đã không tránh được bị đè bẹp bởi những lực trái ngược nhau, mà lúc ban đầu họ đã trung lập hóa được bằng cách đối lập chúng với nhau. Họ đã tận dụng danh tiếng và uy tín tích lũy được qua sự hòa nhập lâu dài ở trung tâm của thể chế đại học để “kháng cự một cách có phương pháp quyết tâm có tính khoa học luận-ý thức hệ áp đặt một khoa học xã hội theo định hướng “kiểm soát xã hội” […]. Ngược lại họ đã dựa trên tài trợ nước ngoài, vốn giải phóng khỏi những ràng buộc của bộ máy quan liêu đại học, để tạo ra sự thách thức thật sự này đối với những nguyên tắc về tầm nhìn và về sự phân chia đại học…” [PB 1988c: II]. 

Bourdieu nói thêm là đường lối khoa học này có những rủi ro lớn. Cần phải “vượt qua thái độ được ăn cả, ngã về không, thái độ phục tùng hay từ chối, và đương đầu với những hình thức đa dạng của áp lực làm theo đa số hay sự bảo thủ tri thức” [PB 1988c: III]. Trong thời kì chiến tranh lạnh, sự đối đầu chính trị diễn ra với những nhà trí thức gần với Đảng cộng sản (Pháp – ND), đồng thời với những nhà trí thức hữu khuynh, gần với tạp chí Preuves và với Congrès de la liberté de la culture[*]. Trên phương diện hàn lâm, Braudel đã phải đối mặt với sự chống đối kép của các nhà đại diện cho, một mặt, các phân khoa văn học và luật học và, mặt khác, Fondation des sciences politiques [PB 1988c; Mazon 1988]. 

Với thời gian những lực cố kết và kháng cự các lực trái ngược nhau yếu dần. Từ nay sự thừa nhận định chế được đảm bảo, “sức cám dỗ đại học và sự tái hội nhập vào đoàn thể hàn lâm càng tác động mạnh hơn” trong khi, mặt khác, vốn biểu tượng mà định chế đã tích lũy tạo điều kiện dễ dàng cho những trao đổi với các trường khác, đặc biệt là với thế giới báo chí và xuất bản. Tính nhập nhằng của định chế cho phép hiểu được sự biểu hiện của những xu hướng trái nghịch nhau. Đối với những ai có các học vị chuẩn mực, Trường cung cấp các lợi thế của tính bên lề mà không làm mất đi những đặc quyền truyền thống của họ, trong khi đối với những giảng viên ít vững vàng hơn EHESS cung cấp khả năng có được sự nổi tiếng thứ yếu của những sản phẩm thuộc chu kì ngắn (tiểu luận, bài báo trên truyền thông). Như vậy trở thành “điểm yếu của sự kháng cự của trường đại học trước sự đột nhập của những tiêu chí và giá trị báo chí”; EHESS trong những năm 1970 và 1980 hoạt động như giao điểm của những trao đổi giữa trường của đại học và trường của báo chí” [Homo academicus: 148; Romano 2015].

Bourdieu nhận xét là khi định chế già đi, khoảng cách giữa mức độ khát vọng và mức độ hoàn thành không ngừng gia tăng. Định chế rời xa dự án ban đầu của nó nhưng những sự tán dương nhất thời và những nhân nhượng bù đắp là triệu chứng của một sự bất trắc sâu sắc của định hương khoa học của định chế [PB 1988c: IV]. Bằng cách thay thế tiểu tựa của tạp chí Annales, “Économies, sociétés, civilisations/Các nền kinh tế, xã hội, nền văn minh”, bằng “Histoire, sciences sociales/Sử học, các khoa học xã hội” vào năm 1994, các sử gia đang chiếm ưu thế tại EHESS thể hiện là họ giữ khoảng cách với các khoa học xã hội, tự tra vấn về sự đối mặt giữa sử học và các khoa học xã hội, hay tìm cách tự xác định “trước các khoa học xã hội” [PB 1995i]. Sự không rõ ràng đối với khoa học xã hội, và đặc biệt là đối với xã hội học, đi cùng với sự quay về triết học, đặc biệt là triết học chính trị và về lại với các dự án đặt trọng tâm của Trường vào “thời sự” [Romano 2015]. Nếu ngày càng có thể cảm nhận trọng lượng của thị trường và của sự thành công phù phiếm thông qua áp lực của các nhà xuất bản và đài truyền hình bằng cách củng cố xu hướng cho tính dị trị, Bourdieu cho rằng ý thức về những thực tế và sự khách quan hóa diễn tiến của những mâu thuẫn của định chế có thể “góp phần tiêu diệt điều gì trong định chế góp phần hủy diệt nó” [PB 1988c: V].

Johan Heilbron

Giám đốc nghiên cứu danh dự CNRS (CESSP), giáo sư thỉnh giảng Đại học Uppsala

BRUHNS H., J. NETTELBECK et M. AYMARD (dir.), 2018, Clemens Heller, imprésario des sciences de l’homme, Paris, Éd. MSH. – HEILBRON J., 2020, La Sociologie française. Sociogenèse d’une tradition nationale, Paris, CNRS Éd.. – MAZON B., 1988, Aux origines de l’EHESS. Le rôle du mécénat américain (1920-1960), Paris, Éditions du Cerf. – ROMANO J., 2015, “Des sciences sociales pour gouverner? François Furet, de la présidence de l’EHESS à la Fondation Saint-Simon (1977-1982)”, Genèses, no 99, p. 113-130. – REVEL J. et N. WACHTEL (dir.), 1996, Une école pour les sciences sociales, Paris, Éditions du Cerf/Éditions de l’EHESS. – TOURNÈS L., 2011, Sciences de l’homme et politique. Les fondations philanthropiques américaines en France au XXe siècle, Paris, Garnier.

AGRÉGATION, ARON, BRAUDEL, CAPITAL SYMBOLIQUE, CENTRE DE SOCIOLOGIE EUROPÉENNE, CHAMP ACADÉMIQUE, CHAMP JOURNALISTIQUE, COLLÈGE DE FRANCE, ÉCOLE NORMALE SUPÉRIEURE, ÉDITION, ESQUISSE POUR UNE AUTO-ANALYSE, HÉTÉRONOMIE, HISTOIRE, HOMO ACADEMICUS, INSTITUTION(S), INTELLECTUEL(S), MAISON DES SCIENCES DE L’HOMME, OBJECTIVATION, RECONNAISSANCE, SÉMINAIRE, SOCIOLOGIE, SCIENCES HUMAINES ET SOCIALES

Thư mục

1984 [HA] Homo academicus, Paris, Minuit, nouvelle éd. augmentée d’une postface, 1992.

2004 [EAU] Esquisse pour une auto-analyse, Paris, Raisons d’agir.

[PB 1988c: II] Préface à Brigitte Mazon, Aux origines de l’École des Hautes Études en Sciences Sociales. Le rôle du mécénat américain (1920-1960), Paris, Le Cerf, p. I-V.

[PB 1995i] “Sur les rapports entre la sociologie et l’histoire en Allemagne et en France” (avec L. Raphael), ARSS, no 106-107, p. 108-122.

* * *

CENTRE DE SOCIOLOGIE EUROPÉENNE (CSE)/ CENTRE DE SOCIOLOGIE DE L’ÉDUCATION ET DE LA CULTURE (CSEC) [Trung tâm xã hội học châu Âu (CSE)/Trung tâm xã hội học giáo dục và văn hóa (SCEC)]

Dự án ban đầu của Trung tâm xã hội học châu Âu (CSE) mà Raymond Aron thành lập ở tiểu ban thứ VI thuộc École pratique des hautes études (EPHE) vào năm 1959 gồm có việc xuất bản một tạp chí bằng ba ngôn ngữ, Archives européennes de sociologie (1960), và một chương trình châu Âu về những nghiên cứu so sánh. Chương trình này vấp phải những khó khăn không thể vượt qua [Joly 2015: 33-38], Trung tâm chỉ thật sự khởi động năm 1961 khi Pierre Bourdieu trở thành tổng thư kí Trung tâm. Sự bất đồng ngày càng lớn giữa Aron và Bourdieu nổ ra năm 1968 và dẫn đến việc hai người chia tay nhau và sự thành lập của hai đơn vị khác nhau: Aron thành lập Centre européen de sociologie historique/Trung tâm châu Âu về xã hội học lịch sử (CESH, 1969) và Bourdieu thành lập Centre de sociologie de l’éducation et de la culture/Trung tâm xã hội học giáo dục và văn hóa (CSEC, 1969). Năm 1985 ông thành lập lại tại Collège de France Trung tâm xã hội học châu Âu (CSE). Năm 1998 Trung tâm này hợp nhất với CSEC thành một thể chế duy nhất lấy lại tên CSE. 

Trong một bối cảnh kinh tế và chính trị thuận lợi cho nghiên cứu, CSE nhanh chóng phát triển. Lúc khởi đầu CSE gồm có ba nhóm. Nhóm đầu tiên do Michel Crozier lãnh đạo trở thành tự trị từ năm 1966. Nhà dân tộc học Jean Cuisenier chịu trách nhiệm một “chương trình Địa trung hải” nhưng rời khỏi trung tâm năm 1968. Nhóm thứ ba là nhóm của Bourdieu là nhóm rộng và đa dạng nhất. Nối dài những trải nghiệm của Bourdieu ở Algérie, nhóm được hình thành từ vô số cuộc khảo sát tập thể [Duval et al. sẽ xuất bản; Saint-Martin 2005; Heilbron 2018; 2020; sẽ xuất bản] huy động, ngoài Bourdieu và Jean-Claude Passeron, nhiều nhà nghiên cứu mới vào nghề và sinh viên mà một số lớn sẽ tạo nên sự nghiệp trong xã hội học (như Christian Baudelot, Luc Boltanski, Jean-Claude Chamboredon, Yvette Delsaut, Claude Grignon, Victor Karady, Francine Muel-Dreyfus, Monique de Saint-Martin, Abdelmalek Sayad, Dominique Schnapper).

Trong số nhiều đối tượng nghiên cứu, giáo dục và những thực tiễn văn hóa được đặc biệt quan tâm [Les Héritiers, La Reproduction, Un art moyen, L’Amour de l’art]. Bất luận là thực địa nào, tác phong lao động nhắm tới sự hợp nhất phương pháp thực nghiệm và việc lí thuyết hóa các khái niệm, nối khớp các phương pháp nghiên cứu khác nhau, đặc biệt là phương pháp dân tộc học và phương pháp thống kê, và tham chiếu những tác giả lúc bấy giờ được cho là không tương thích (Max Weber, Émile Durkheim và những tác giả thuộc trường phái của ông, cũng như những nhà xã hội học Mỹ như Erving Goffman).

Đặt nền tảng trên một phương pháp khảo sát, chương trình chung là quan sát và phân tích có phương pháp những đối tượng đa dạng, chứ không phải là một lí thuyết xã hội học đặc biệt hay một cách tiếp cận chung kiểu cấu trúc luận hay marxist. Quan niệm chung này, mượn từ khoa học luận của Gaston Bachelard et Georges Canguilhem, được thiết kế và trình bày trong cuốn Métier de sociologue [1968] với Bourdieu, Chamboredon và Passeron là đồng tác giả. Đinh hướng vừa chặt chẽ vừa cởi mở đi cùng với một phê phán không khoan nhượng với chủ nghĩa kinh nghiệm hẹp hòi, những trừu tượng hóa của duy lí thuyết luận và những dễ dãi của duy tiểu luận vốn thiếu tính chính xác thực nghiệm và sự chặt chẽ trong phân tích. Một khía cạnh đặc biệt của định hướng này là tính phản tư. Do khoa học (xã hội) cũng là đối tượng của khoa học xã hội, cần nghiêm túc tính đến ý tưởng về một khoa học về khoa học và về một xã hội học về xã hội học (một xã hội học mà đối tượng là xã hội học – ND). Xã hội học của xã hội học có thể góp phần giải thoát sản phẩm khoa học khỏi những điều kiện xã hội của việc tạo sinh này, nhất là khi các điều kiện ấy bị phớt lờ và bị phủ nhận, và như vậy biểu trưng cho một “công cụ đặc biệt có hiệu quả của sự kiểm tra khoa học luận” [MS: 102].

Chính trong và thông qua cách thực hành khảo sát này mà tập thể nghiên cứu được thành lập và phát triển. Các mức độ và phương thức gia nhập biến đổi, nhưng nhóm nghiên cứu tương ứng với trường hợp mà sự hoạt động vượt ra ngoài một logic thuần túy chể chế. Tất cả các chứng từ đều nhấn mạnh cường độ trí tuệ và một động thái đặc biệt [Mauger 2005]. Đối lập với sự tôn thờ tính độc đáo và tính đặc thù vốn thắng thế trong hệ thống học đường và truyền thống văn học, Bourdieu thử nghiệm những hình thức tổ chức tập thể, ông xây dựng một thứ bậc các trách nhiệm, những phương thức trao đổi và phối hợp cũng như là những chiến lược công bố. Là hiện thân của tinh thần và phương pháp xác định nhóm, ông so sánh vai trò của mình như là vai trò của một nhạc trưởng, một đạo diễn hay của một huấn luyện viên thể thao [Esquisse pour une auto-analyse: 32-34, 91; PB 2002c].

Qua chính sách nghiên cứu này mà kết quả là nhiều công trình, CSE nhanh chóng tự khẳng định như là một trong những phòng thử nghiệm khoa học xã hội tốt nhất ở Pháp; sự tiếp nhận quốc tế những công trình của CSE, vốn tùy thuộc vào các bản dịch, đến muộn hơn.

Sau năm 1968, đã có nhiều thay đổi. Sau các biến cố tháng năm và tháng sáu, huyền thoại cách mạng khiến cho Aron có một “sự ghê tởm gần như thể chất” trong lúc Bourdieu phát động một lời kêu gọi được cả trăm giảng viên và nhà nghiên cứu kí tên để tổ chức các đại hội đồng về giáo dục và nghiên cứu. Đối với Bourdieu, sự tham gia của các giảng viên và nhà nghiên cứu vào phong trào tháng năm phải đặt cơ sở không phải trên những thiện cảm chính đáng đối với sinh viên, nhưng phải trên “một phân tích khách quan Đại học và các chức năng của nó, chức năng kĩ thuật lẫn xã hội” [Interventions: 63-68]. Nhằm góp phần vào một chương trình yêu sách được thông tin đúng, các thành viên của nhóm Bourdieu soan thảo và phân phối hàng chục “Hồ sơ” quay ronéo tổng hợp những vấn đề giáo dục.

Trong khi Bourdieu, được Luc Boltanski và Monique de Saint-Martin phụ tá, lãnh đạo phòng thí nghiệm của riêng ông kể từ năm 1969, một số thành viên trong nhóm đầu tư nhiều hơn vào những vị trí mà họ vừa đạt được: Passeron và Robert Castel ở khoa xã hội học mới mở ở đại học Vincennes, Chamboredon vào Trường sư phạm cao cấp (ENS). Sau việc nhân bội các cuộc khảo sát và tích lũy dữ liệu, công việc có xu hướng chuyển sang giảng dạy, bảo vệ và hướng dẫn các luận án và các công bố. Như thế Bourdieu công bố tác phẩm Esquisse d’une théorie de la pratique (1972) và các bài viết về lí thuyết các trường, trong số đó có các bài về trường quyền lực và gia cấp thống trị, rồi cuốn La Distinction (1979) và Le Sens pratique (1980).

Nếu việc thành lập tạp chí Actes de la recherche en sciences sociales (1975) đưa vào một động thái hoàn toàn mới trong phòng thí nghiệm, gánh nặng của việc xuất bản một tạp chí định kì và thành công của nó vượt ra ngoài môi trường nghiên cứu cũng gây nên những căng thẳng nội bộ. Vào cuối những năm 1970, sau Passeron là Chamboredon và Grignon rời xa CSE; vào cuối những năm 1980, Luc Boltanski tạo nên nhóm của riêng ông. Song song đó, một thế hệ mới đến CSE để làm luận án hay tham gia vào những dự án nghiên cứu, để thường rồi cuối cùng trở thành thành viên hay nhà nghiên cứu có kết nối với CSE (Gabrielle Balazs, Patrick Champagne, Christophe Charle, Jean-Claude Combessie, Alain Desrosières, Jean-Pierre Faguer, Remi Lenoir, Dominique Merllié, Louis Pinto, Michel Pialoux, Michael Pollak, Charles Suaud).

Giảng dạy tại Collège de France kể từ năm 1982, việc ông ngày càng được biết đến trên trường quốc tế khiến cho những cuộc trao đổi và hợp tác quốc tế ngày càng nhiều hơn, Bourdieu vẫn tiếp tục xêmina của ông ở EHESS, hướng dẫn các luận án và đồng lãnh đạo nhóm ở CSE. Sau đó sự lãnh đạo nhóm được chuyển cho Combessie và Saint-Martin (1985-1995) rồi cho Lenoir (1995-2009). Các vấn đề nghiên cứu tiếp tục diễn tiến, những chủ đề mới xuất hiện (các phương tiện truyền thông đại chúng, thể thao, nền kinh tế, các nhà tư vấn, các vấn đề quốc tế) và các công trình có xu hướng ít hướng về việc nghiên cứu các trường (nghiên cứu vì chính chúng và cho chúng), và nhiều hơn đến việc phân tích những tái cấu hình các quan hệ giữa các trường với nhau. Tính dị trị ngày càng quan trọng của các trường hiện ra như hiệu ứng đồng thời của quyền lực ngày càng tăng của trường kinh tế [PB 1997c; 2003b; Les Structures sociales de l’économie] và của sự phát triển nhanh chóng của các trao đổi quốc tế [PB 1990h; 1991f; 1992e; 1998d; 2002e].

Trong số các khảo sát có quy mô lớn, khảo sát có tính thực nghiệm nhất chắc chắn là cuộc khảo sát dẫn đến cuốn La Misère du monde [1993]; tác phẩm vừa được biết đến nhất và gặt hái thành công nhất trong công chúng vừa bị thế giới hàn lâm phản đối nhất. Khảo sát này là một bộ phận của một loạt sáng kiến huy động nhiều người mới đến, những nhà nghiên cứu trẻ lẫn những nhà nghiên cứu đã được thừa nhận (Pascale Casanova, François Denord, Yves Dezalay, Julien Duval, Sandrine Garcia, Bertrand Geay, Odile Henry, Frédéric Lebaron, Dominique Marchetti, Gérard Mauger, Franck Poupeau, Charles Soulié, Gisèle Sapiro, Loïc Wacquant, Anne-Catherine Wagner). Nhiều dự án quốc tế được khởi động. Những công trình và hội thảo, với sự tham gia của những nhà nghiên cứu của khoảng hai mươi quốc gia, xử lí những vấn đề nghiên cứu so sánh, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo các giới tinh hoa. Các dự án này liên quan đặc biệt đến những quá trình quốc tế hóa các không gian xã hội khác nhau. Tạp chí Liber (1989-1999) là một tạp chí châu Âu các cuốn sách, được xuất bản bằng nhiều ngôn ngữ và nhằm hợp thành một quyền lực đối trọng của các nhà trí thức chống lại quốc tế tân tự do. Sự ủng hộ của Bourdieu đối với phong trào xã hội tháng mười một-mười hai năm 1995 làm dấy lên một phản ứng vô cùng mạnh mẽ [Duval et al. 1998], nhưng củng cố sự dấn thân của ông và nhóm của ông đưa đến việc thành lập những tập thể như Raisons d’agir và nhà xuất bản mang cùng tên.

Vẫn còn tồn tại sau khi Bourdieu qua đời năm 2002, CSE hợp nhất vào năm 2010 với Centre de recherches politiques de la Sorbonne/Trung tâm nghiên cứu chính trị của đại học Sorbonne (CRPS) để trở thành Centre européen de sociologie et de science politique (CESSP).

Johan Heilbron

Giám đốc nghiên cứu danh dự CNRS (CESSP), giáo sư thỉnh giảng Đại học Uppsala

image HEILBRON J., à paraître, “Au Centre de sociologie européenne”, in J. DUVAL, J. HEILBRON et P. ISSENHUTH (dir.), Pierre Bourdieu et l’art de l’invention scientifique. – SAINT-MARTIN M. (de), 2005, “Le sens du terrain et la pratique de la recherche”, in G. MAUGER (dir.), Rencontres avec Pierre Bourdieu, Broissieux, Le Croquant, p. 69-80.

ACTES DE LA RECHERCHE EN SCIENCES SOCIALES, AMOUR DE L’ART (L’), ARON, BACHELARD, BOLTANSKI, CANGUILHEM, CHAMBOREDON, CHAMP, CHAMP DU POUVOIR, CHAMP ÉCONOMIQUE, CLASSE(S) DOMINANTE(S), COLLÈGE DE FRANCE, CROZIER, CULTURE, DISTINCTION (LA), DURKHEIM, ÉCOLE DES HAUTES ÉTUDES EN SCIENCES SOCIALES, ÉDUCATION, ENQUÊTE(S), ESQUISSE D’UNE THÉORIE DE LA PRATIQUE, ESQUISSE POUR UNE AUTO-ANALYSE, GOFFMAN, GRÈVES DE 1995, HÉRITIERS (LES), HÉTÉRONOMIE, INTERNATIONALISATION, LIBER, MAISON DES SCIENCES DE L’HOMME, MÉTHODE, MÉTIER DE SOCIOLOGIE (LE), MISÈRE DU MONDE (LA), NÉOLIBÉRALISME, PASSERON, RAISONS D’AGIR (ASSOCIATION), RAISONS D’AGIR (ÉDITIONS), RÉFLEXIVITÉ, REPRODUCTION (LA), SAYAD, SCIENCES HUMAINES ET SOCIALES, SENS PRATIQUE (LE), SOCIOLOGIE, UN ART MOYEN, WEBER

Thư mục

1964 [H] Les Héritiers. Les étudiants et la culture (avec J.-C. Passeron), Paris, Minuit.

1965 [AM] Un art moyen. Essai sur les usages sociaux de la photographie (avec L. Boltanski, R. Castel et J.-C. Chamboredon), Paris, Minuit.

1969 [AA] L’Amour de l’art. Les musées d’art européens et leur public (avec A. Darbel), Paris, Minuit.

1970 [LR] La Reproduction. Éléments pour une théorie du système d’enseignement (avec J.-C. Passeron), Paris, Minuit.

1979 [Di] La Distinction. Critique sociale du jugement, Paris, Minuit, nouvelle éd. augmentée d’une introduction, 1982.

1980 [SP] Le Sens pratique, Paris, Minuit, rééd. 1989.

1993 [MM] La Misère du monde (et al.), Paris, Seuil, rééd. “Points”, 1998.

2000 [SSÉ] Les Structures sociales de l’économie, Paris, Seuil, rééd. “Points”, 2014. [Les Structures sociales de l’économie

[PB 1990h] “Aspirant philosophe. Un point de vue sur le champ universitaire des années 50”, in Les Enjeux philosophiques des années 50, Paris, Éd. du Centre Pompidou, p. 15-24.

[1991f] “Epilogue: on the possibility of a field of world sociology”, in P. BOURDIEU et J. COLEMAN (éd.), Social Theory for a changing society, Boulder, Westview Press & Russell Sage Foundation, p. 373-387.

[1992e] “Pour une internationale des intellectuels”, Politis, no 1, p. 9-15.

[PB 1997c] “Le champ économique”, ARSS, no 119, p. 48-66.

[1998d] “Sur les ruses de la raison impérialiste” (avec L. Wacquant), ARSS, no 121-122, p. 109-118.

[PB 2002e] “Les conditions sociales de la circulation internationale des idées”, ARSS, no 145, p. 3-8. 

[PB 2002c] “Sur l’esprit de la recherche”, entretien avec Y. Delsaut, in Y. DELSAUT et M.-C. RIVIÈRE, Bibliographie des travaux de Pierre Bourdieu, Paris, Le Temps des Cerises, p. 175-240.

[PB 2003b] “La fabrique de l’habitus économique”, ARSS, no 150, p. 79-90.

* * *

MAISON DES SCIENCES DE L’HOMME (MSH) [Ngôi nhà các khoa học con người]

Fernande Braudel ngay từ giữa những năm 1950 và với sự cộng tác của cánh tay phải của mình là Clement Heller, của vài đồng nghiệp ở École pratique des hautes études (EPHE), ở Đại học Paris và của các thành viên của bộ máy hành chính công đã đề xuất dự án khởi thủy nhằm thành lập Maison des sciences de l’homme. Để thực hiện mục đích này ông nhận được sự hỗ trợ tài chính vừa từ các bộ của chính quyền Pháp vừa từ Qũy Ford. Hiệp hội Maison des sciences de l’homme được thành lập năm 1957 và năm 1963 trở thành một tổ chức được công nhận có lợi ích công cộng là Fondation la Maison des sciences de l’homme/Qũy Ngôi nhà các khoa học con người (FMSH). Mục đích của tổ chức này là “khuyến khích việc nghiên cứu các xã hội của con người được phân tích chủ yếu trong các thực tế ngày nay và từ các thực tế này”. Có tính liên ngành, quốc tế và mở rộng với sự đa dạng của các nền văn hóa theo quan điểm của điều được gọi ở Hoa Kỳ là các “khu vực văn hóa” định chế mới này không phải là một cơ sở giáo dục. Là nơi tiếp đón các trung tâm nghiên cứu, trong số đó nhiều trung tâm của tiểu ban thứ VI thuộc EPHE hay thuộc CNRS, Ngôi nhà hoạt động như một tổ chức “tạo điều kiện dễ dàng” cho sự thành lập những nhóm nghiên cứu mới và cho sự hình thành những mạng lưới các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước [Mazon 1988]. Để làm điều này, Ngôi nhà tự trang bị một thư viện, một dịch vụ trao đổi thông tin khoa học (SEIF), một trung tâm tính toán rồi một hệ thống phổ biến xuất bản sẽ trở thành Trung tâm phổ biến liên đại học (CID) vào năm 1982. Mô hình MSH được sự quan tâm rộng rãi ở các tỉnh và kéo theo, với sự hỗ trợ tài chính của FMSH, việc thành lập thêm những Ngôi nhà khác – tổng cộng là 23 –, trong số đó ngôi đầu tiên là ở Bordeaux (1967).

FMSH sẽ giữ vai trò trung tâm trong sự phát triển của các khoa học xã hội và trong sự tỏa sáng của chúng ra quốc tế, bằng cách để cho các nhà nghiên cứu sử dụng các công cụ tập thể này, cũng như bằng cách hỗ trợ xuất bản và triển khai việc đồng xuất bản giữa bộ phận xuất bản của MSH và các nhà xuất bản đối tác nước ngoài, đặc biệt là Suhrkamp và Cambridge University Press [Fridenson 2020: 80] – điều mà ấn bản song ngữ Anh-Pháp tác phẩm Algérie 60 năm 1977 của Pierre Bourdieu được thụ hưởng. Trên vấn đề này, nhà xuất bản Publications de la MSH, do Heller thành lập mười năm trước và từ đó do người vợ thứ hai của ông là Marie-Louise Dufour lãnh đạo – cũng là người sau này sẽ giám sát nhà xuất bản của EHESS –, tiếp nối hợp đồng mà ông đã thương lượng năm 1964 với nhà xuất bản Mouton ở Hòa Lan cho các ấn phẩm được tiểu ban thứ VI của EPHE công bố, trong số này có thể kể hai cuốn Travail et travailleurs en Algérie (1963) et Le Métier de sociologue (1968). 

Cho dù Bourdieu không có sự tương đồng đặc biệt nào về mặt trí thức hay sự hợp tác về mặt chính trí nào với Braudel nhưng sự nghiệp của ông được nhiều sự hỗ trợ của FMSH. Trước tiên ông liên kết với MSH qua sự trung gian của Raymond Aron. Ngay từ năm 1956 Aron đã tham gia các buổi thảo luận đầu tiên tập hợp khoảng hai mươi nhà nghiên cứu các khoa học xã hội (trong đó có Georges Balandier, Georges Friedmann, Georges Gurvitch, Gabriel Le Bras, Claude Lévi-Strauss, François Perroux). Trung tâm xã hội học châu Âu (CSE) do Aron thành lập năm 1959 và Bourdieu làm tổng thư kí ngay từ năm 1961 rồi phó giám đốc năm 1963 nằm trong danh sách đầu các trung tâm nghiên cứu sẽ được đón tiếp trong trụ sở tương lai của MSH. Khi Bourdieu được bầu làm giám đốc nghiên cứu tiểu ban thứ VI của EPHE năm 1964, quan hệ của ông với MSH càng trở nên chặt chẽ hơn cùng với sự phát triển của những quan hệ tôn trọng lẫn nhau, thậm chí là tình bạn, với Heller. 

Thật vậy, còn hơn cả Braudel, chính Heller, “người khuấy động khoa học không thể so sánh được” [Esquisse pour une auto-analyse: 47], mới là người đối thoại của Bourdieu trong những quan hệ của ông với MSH [Bruhns et al. 2018]. Hai người cùng chia sẻ một số ý tưởng, như lập trường ủng hộ phong trào tháng Năm 68, với nguy cơ là đối lập với người đỡ đầu cho họ (là Braudel với Heller [Fridenson 2020] và Aron với Bourdieu), và sự dấn thân của họ trong việc phát huy giá trị các khoa học xã hội. Heller cũng thể hiện sự đồng tình với ý niệm nhà trí thức tập thể do Bourdieu thiết kế. Vả lại ông nhìn thấy sự hiện thân của ý niệm này trong tạp chí Actes de la recherche en sciences sociales, mà sự táo bạo về đồ họa cũng như tính chặt chẽ và chất lượng khoa học được ông ưa thích. Tất cả khiến ta nghĩ rằng chính nhờ Heller, người từng công bố nhiều văn bản của Bourdieu trong tạp chí song ngữ Social Science Information/Informations sur les sciences sociales của ông ấy, mà tạp chí của nhà xã hội học với số đầu tiên ra mắt vào tháng giêng 1975 được nhà xuất bản Publications de la MSH phát hành – lúc bấy giờ CID chưa có. Một hình thức hỗ trợ khác, bộ phân thư kí của ban biên tập tạp chí do Rosine Christin ăn lương của Quỹ FMSS đảm nhiệm. Suốt hai năm đầu của tạp chí (trước khi chuyển qua nhà xuất bản Minuit) gánh nặng phát hành và cả phần quản lí mua báo dài hạn (các chuyển khoản đề tên MSH) và sự hỗ trợ kĩ thuật của MSH là quý báu cho các thành viên của trung tâm vốn đảm nhận một mình, và trong những điều kiện vô cùng thủ công, thậm chí có tính thử nghiệm, phần chính yếu của việc biên tập, xuất bản, minh họa và lên makét. Về phần ông, Bourdieu hỗ trợ một trong những tạp chí do Quỹ xuất bản là Awal mà ông là người đỡ đầu ngay từ khi nó được quảng bá năm 1985 [PB 1985f].

Ngoài sư hỗ trợ MSH cho việc quảng bá tạp chí của Bourdieu, các thành viên của CSE còn sử dụng rộng rãi những dịch vụ khác, đặc biệt là thư viện-thông tin của MSH với những bộ sưu tập rất phong phú, thư mục và sách báo định kì với những tác phẩm phong phú mà phần lớn là bằng tiếng Anh, không thể tìm thấy được trong các thư viện khác vào thời bấy giờ. Giống như những nhà nghiên cứu của Centre de recherches historiques/Trung tâm nghiên cứu sử học (CRH) từng thực hiện ở đây các nghiên cứu định lượng đầu tiên của họ, các thành viên của trung tâm của Bourdieu, và đặc biệt là Salah Bouhedjah cũng dùng đến máy tính lơn – được Centre interrégional de calcul électronique/Trung tâm liên vùng tính toán điện tử (Circé) ở Orsay cho phép tiếp cận – của Laboratoire informatique pour les sciences de l’homme/Phòng tin học vì các khoa học con người (LISH), đặt trong tầng hầm của MSH từ 1971 đến 1997 [đàm thoại với Maurice Aymard năm 2019 và 2020]. Vả lại, cần nhắc lại là hầu hết các hợp đồng nghiên cứu hay khảo sát của CSE đều do FMSH tiếp nhận và đảm bảo việc theo dõi vè mặt tài chính và hậu cần. Đó là trường hợp của sự tài trợ, khoảng 750 000 quan của Nhà nước mà nhiều cuộc khảo sát về bộ máy hành chính cao cấp và về các Trường lớn do các nhà nghiên cứu đa dạng như Michel Crozier, Alain Darbel và Bourdieu lãnh đạo đã được hưởng [Noblesse d’État].

Cuối cùng, Bourdieu và ê-kíp của ông có thể trông cậy vào MSH để mời các nhà nghiên cứu nước ngoài và để tổ chức các hội thảo, ví dụ hội thảo quốc tế năm 1974 về “Khoa học về các tác phẩm: ngôn ngữ và các định chế” tập hợp chung quanh Pierre Bourdieu et Jean Bollack những nhà nghiên cứu như Louis Dumont, Carl Schorske, Albert Hirschman, Louis Marin, Randall Collins, Reinhart Koselleck.

Sự “bay lên tầng cao” của FMSH dựa rất nhiều vào tính năng động của các trung tâm mà nó tiếp nhận và các định chế liên kết với nó, đặc biệt là tiểu ban thứ VI của EPHE. Định chế này, tương đối ở bên lề cho tới cuối những năm 1960 cũng có đặc trưng là cởi mở ra nước ngoài và năng lực sáng tạo, với sự quan tâm là làm những gì các nơi khác không làm và tiếp đón những bộ môn không được biết đến và bị lãng quên và săn lùng những nhà nghiên cứu tương lai [Homo academicus: 146 n. 45; PB 1988c]. Có một sự phối hợp hành động khong thể phủ nhận giữa tiểu ban thứ VI của EPHE sau sẽ trỏ thành EHESS và FMSH. Có sự phối hợp này cũng còn là do sự hiện diện của những nhân vật then chốt đứng đầu Qũy FMSH, đặc biệt là Heller trong hơn bốn mươi năm và người phụ tá của ông là Maurice Aymard (kể từ cuối 1975), sẽ là người kế nhiệm ông ở cương vị nhà quản lí Qũy. Vả lại Aymard sẽ được bổ nhiệm làm giám đốc tạp chí Actes de la recherche en sciences sociales ít lâu sau khi nhà xã hội học qua đời, vào tháng sáu năm 2002, một quyết định thể chế thể hiện các mỗi liên hệ giữa di sản trí thức của Bourdieu và MSH, mà các nhà quản lí đều tỏ ra là những đồng minh thật sự trong các dự án của nhà xã hội học và các học trò của ông.

Trong số những sáng kiến được nhân bội của MSH trong những năm 1980-1990 có những chương trình lớn hợp tác đa phương, không chỉ với các nước châu Âu mà còn cả với các nước như Ấn Độ, Liên Xô, Brazil – vả lại Nhóm suy nghĩ về Brazil đương đại có quan hệ với CSE thông qua người phối hợp của CSE là Afrânio Garcia –, và việc mở cửa năm 1990 trong trung tâm khu phố Latin Maison Suger/Ngôi nhà Suger để đón tiếp những nhà nghiên cứu từ khắp thế giới. 

Marcel Fournier, giáo sư xã hội học Đại học Montréal và 

Hélène Seiler, tiến sĩ xã hội học EHESS và biên tập viên LabEx TEPSIS

image BRUHNS H., J. NETTELBECK et M. AYMARD (dir.), Clemens Heller, imprésario des sciences de l’homme, Paris, Éd. MSH, 2018. – FRIDENSON P, 2020, “Clemens Heller et les échanges transatlantiques dans le domaine des sciences sociales et des institutions de la recherche”, Relations internationales, no 181, p. 65-85. – MAZON B., 1988, Aux origines de l’EHESS. Le rôle du mécénat américain (1920-1960), Paris, Le Cerf.

ACTES DE LA RECHERCHE EN SCIENCES SOCIALES, ARON, BRAUDEL, BRÉSIL, CENTRE DE SOCIOLOGIE EUROPÉENNE, CHAMP SCIENTIFIQUE, ÉCOLE DES HAUTES ÉTUDES EN SCIENCES SOCIALES, ÉDITION, INSTITUTION(S), MAI 68, MÉTIER DE SOCIOLOGUE (LE), MINUIT, TRAVAIL ET TRAVAILLEURS EN ALGÉRIE

Thư mục

1963 [TTA] Travail et travailleurs en Algérie (avec A. Darbel, J.-P. Rivet et C. Seibel), Paris, La Haye, Mouton.

1968 [H] Le Métier de sociologue. Préalables épistémologiques (avec J.-C. Chamboredon et J.-C. Passeron), Paris, La Haye, Mouton, éd. corrigée, 1973.

2004 [EAU] Esquisse pour une auto-analyse, Paris, Raisons d’agir.

[PB 1985f] “Du bon usage de l’ethnologie” (avec M. Mammeri), Awal. Cahiers d’études berbères, no 1, p. 7-29.

* * *

ÉCOLE NATIONALE DE LA STATISTIQUE ET DE L’ADMINISTRATION ÉCONOMIQUE (ENSAE) [Trường quốc gia thống kê và quản lí kinh tế (ENSAE)] 

Năm 1960, Trường quốc gia thống kê và quản lí kinh tế (ENSAE) kế tiếp Trường ứng dụng của Viện quốc gia thống kê và nghiên cứu kinh tế (INSEE) vốn được thành lập từ năm 1946 với mục tiêu đào tạo chuyên gia cho INSEE. Kể từ những năm 1970, đầu ra của Trường được đa dạng hóa sang các lĩnh vực công nghiệp và thương mại, rồi trong những năm 1980-1990 sang lĩnh vực tài chính [Desrosières 1995]. Từ một trường thống kê Nhà nước, ENSAE trở thành một business school thật sự và chuyên môn hóa một phần vào ngành bảo hiểm và tài chính [Lebaron 2000]. Lúc ban đầu chủ yếu tuyển chọn từ những ai tốt nghiệp Trường Bách khoa Paris, trong những năm 1960 Trường mở rộng cửa tuyển chọn cho những ai tốt nghiệp lớp dự bị các cuộc thi tuyển khoa học tự nhiên và cho những sinh viên được đào tạo về kinh tế học, rồi trong những năm 1980 cho những học sinh các lớp dự bị thi tuyển ban văn.

Vào đầu những năm 1960, xã hội học vắng bóng trong chương trình học, do Trường hướng đến việc đào tạo về toán và kinh tế. Năm 1964, thể theo những tư vấn của Alain Darbel, Edmond Malinvaud, nhà kinh tế học và hiệu trưởng ENSAE lúc bấy giờ, mời Pierre Bourdieu đến dạy xã hội học tại Trường [Desrosières 2003]. Trong các khóa giảng của ông mà sườn bài sẽ dẫn đến việc xuất bản cuốn Le Métier de sociologue, ông kết hợp việc làm quen với những tác giả kinh điển với những suy nghĩ có tính phê phán đối với việc sử dụng dữ liệu thống kê trong xã hội học. “Khi ông giảng dạy xã hội học ở ENSAE […] giảng viên trẻ tuổi Bourdieu, mới trở về từ những cuộc khảo sát trên thực địa ở Algérie tất nhiên khuyên các nhà thống kê-kinh tế đang học việc đọc Bachelard, Durkheim, Marx và Weber […], nhưng chương trình giảng dạy của ông, đặc biệt hơn là có thể tóm tắt được bằng hai khẩu hiệu: 1) đừng bao giờ quên nguồn gốc xã hội-nghề nghiệp của người cha; 2) đừng bao giờ xem các danh mục đơn giản như những bộ lọc trong suốt” [Desrosières 2003]. Năm 1985, nhân kỉ niệm hai mươi lăm năm thành lập Trường, di sản của Bourdieu tại ENSAE được công nhận khi (cùng với Malinvaud) là hai “nhân vật được mời” để trình bày quan điểm của mình về ngôi trường nầy [Baudelot et Mairesse 1988].. Sau đó việc dạy xã hội học vẫn được các nhà xã hội học khác như Christian Baudelot, Jacques Lautman, François Héran hay Nicolas Herpin đảm nhiệm. Tuy nhiên kể từ những năm 1990, vị trí của các khoa xã hội học trong việc đào tạo bị giảm bớt và tập trung lại vào xã hội học định lượng, xã hội học các doanh nghiệp và các cách tiếp cận cá thể.

Nhận thấy là ENSAE giữ một “vị trí chiến lược trong trường các khoa học xã hội” do sự gần gũi với INSEE, Bourdieu cũng chọn Trường làm đối tượng nghiên cứu trong La Noblesse d’État. Ông chỉ ra là ENSAE, cũng giống như Trường Bách khoa Paris, nằm giữa Trường quốc gia hành chính (ENA), vốn thuộc về hướng cực dị trị trong không gian các Trường lớn, và Trường sư phạm cao cấp (ENS), nằm về hướng cực tự trị hơn.

Étienne Penissat

PENISSAT Etienne – nhà nghiên cứu CNRS (CERAPS)

BAUDELOT C. et J. MAIRESSE, 1988, “Entretien avec Pierre Bourdieu”, in ENSAE, L’ENSAE 25 ans après: que devient l’école et que deviennent les élèves?, Malakoff, ENSAE. – DESROSIÈREA., 1995, “D’une école de statistique et d’économie à l’ENSAE et l’ENSAI”, Courrier des statistiques, INSEE, no 75-76, p. 47-53. – LEBARON F., 2000, La Croyance économique. Les économistes entre science et politique, Paris, Seuil.

BACHELARD, DARBEL, DURKHEIM, ÉCOLE NORMALE SUPÉRIEURE, ÉCONOMIE, GRANDES ÉCOLES, INSTITUT NATIONAL DE LA STATISTIQUE ET DES ÉTUDES ÉCONOMIQUES, MARXISME, MÉTIER DE SOCIOLOGUE (LE), NOBLESSE D’ÉTAT (LA), SOCIOLOGIE, STATISTIQUES, WEBER

Thư mục

DESROSIÈRES A., 2003, “Une rencontre improbable et ses deux héritages”, in P. ENCREVÉ et R.-M. LAGRAVE (dir.), Travailler avec Bourdieu, Paris, Flammarion, p. 209-218.

* * *

INSTITUT NATIONAL DE LA STATISTIQUE ET DES ÉTUDES ÉCONOMIQUES (INSEE) [Viện quốc gia thống kê và nghiên cứu kinh tế (INSEE)]

Được thành lập năm 1946, sứ mệnh chính của Viện quốc gia thống kê và nghiên cứu kinh tế (INSEE) là thu thập, cung cấp, phân tích và phổ biến những thông tin thống kê về xã hội và nền kinh tế Pháp. Đặc biệt, INSEE cũng phụ trách tổng điều tra dân số.

Sự gặp gỡ giữa Piere Bourdieu và INSEE trước tiên, và nhất là sự gặp gỡ vói các chuyên gia thống kê Nhà nước, hơn là với chính định chế này. Cuộc gặp gỡ diễn ra ngay trong chiến tranh Algérie, qua đó ông tiếp xúc với những sinh viên trẻ Trường Bạc Khoa Paris, cũng bị “dằng xé” trong giai đoạn cuối của quá trình giải thuộc địa: Alain Darbel, Claude Seibel rồi Jean-Paul Rivet, đang công tác tại Cục thống kê tổng quát của Algérie. Năm 1959, họ chịu trách nhiệm cuộc tổng điều tra dân số, họ tiến hành nhiều cuộc điều tra thống kê, đặc biệt là cho ARDES, một hiệp hội được tạo ra để nghiên cứu những biến đổi của xã hội Algérie. Bourdieu, lúc bấy giờ ở đại học Alger, cộng tác vào phần dân tộc học của các cuộc điều tra này [Seibel 2004]. Các chuyên gia của INSEE ít có thói quen làm việc với các nhà nghiên cứu và đã có những xung đột giữa các bộ môn. Tuy nhiên hiệp hội này đã cho phép Bourdieu và Abdelmalek Sayad, được tuyển dụng như nhân viên điều tra, nhận được sự ủng hộ của INSEE và quân đội (Pháp – ND) để tiến hành nhiều chuyên khảo, đặc biệt là trong các trung tâm tập hợp dân chúng [Pérez 2015]. Nhanh chóng sự hợp tác này thúc đẩy một động thái nghiên cứu và dẫn đến việc soạn thảo hai tác phẩm quan trọng về Algérie: Travail et travailleurs en Algérie Le Déracinement.

Cách Bourdieu sử dụng các cuộc điều tra ở Algérie cấu thành một mô hình cho sự nghiệp của ông sau này. Các cuộc điều tra này được dùng để mô tả vào chi tiết các cấu trúc xã hội Algérie, đặt sự tương quan giữa những thực tiến và vị thế xã hội và nhận diện những biến thể trong các thực tiến và ý kiến của người Algérie. Tuy nhiên, ông chú ý giữ khoảng cách với sự “bái vật hóa của thống kê” [TTA: 9], tra vấn những phân loại chính thức của việc mô tả xã hội Algérie.

Khi quay trở về chính quốc, ông vẫn giữ liên hệ chặt chẽ và tình bạn với các nhà thống kê trên, đặc biệt là với Darbel, người tạo điều kiện cho ông giảng dạy ở ENSAE năm 1964 và cùng ông tổ chức cuộc hội thảo ở Arras làm nơi gặp gỡ giữa các nhà xã hội học và các nhà kinh tế học của INSEE về một cách tiếp cận tăng trưởng kinh tế quan tâm đến sự phát triển của những bất bình đẳng xã hội [Darras 1966]. Sự hợp tác này sẽ dẫn đến việc thành lập một tủ sách Données sociales/Dứ liệu xã hội của INSEE [Spenlehauer 1998: 70-83, 124-137]. Bằng những mối liên hệ này, Bourdieu có thể huy động năng lực của các nhà thống kê cho những cuốc điều tra và xử lí thống kê độc đáo mà ta có thể tìm thấy trong các cuốn Les Héritiers hay L’Amour de l’art. Ông cũng sử dụng rất nhiều thống kê Nhà nước: về thành tựu ở học đường của học sinh [H; La Reproduction], về hình thái xã hội của các đoàn thể giảng viên đại học [Homo academicus], về những thực tiến văn hóa và ẩm thực [La Distinction] hay về những thực tiễn bất động sản [PB: 1990b; 1990d].

Như vậy, trong những năm 1960-1970 các công trình của ông đã thừa hưởng sự phát triển của bộ máy thống kê và của các cơ quan nghiên cứu Nhà nước trong khuôn khổ của các chính sách “kế hoạch hóa các chính sách xã hội” [Pollak 1976]. Trong chiều ngược lại Bourdieu đã ảnh hưởng đến sự phổ biến xã hội học ở INSEE. Những sinh viên đầu tiên của ông ở ENSAE, Michel Volle et Alain Desrosières, lấy cảm hứng từ những lời khuyên của ông về tính phản tư đối với các phân loại chính thức mô tả thế giới xã hội để thúc đẩy các công trịnh về lịch sử xã hội các danh mục công nghiệp và các phân loại xã hội–nghề nghiệp [Desrosières 2003]. Một cách rộng hơn, quan hệ có tính phê phán của ông đối với các phân loại chính thức nuôi dưỡng tinh thần phê phán của các các chuyên gia trẻ mới được tuyển dụng đối với chính định chế trong sự sôi sục của những năm sau 1968. Những sự hợp tác được ông duy trì với các nhà thống kê và nghiên cứu của INSEE (Laurent Thévenot, Michel Gollac, François Héran, Francis Kramarz, v.v.) cũng tạo điều kiện cho việc trích dẫn các công trình của ông trong Économie et Statistique, tạp chí khoa học của INSEE: ngay từ những năm 1970 trong các công trình về sự tái sản sinh xã hội và những bất bình đẳng học đường; và kể từ những năm 1980 trong các công trình về các thị hiếu, thực tiễn tiêu dùng văn hóa hay các điều kiện lao động, với sự xuất hiện của các khái niệm tập tính, vốn văn hóa hay vốn xã hội. Cuối cùng Bourdieu đã góp phần chính đáng hóa và phổ biến ở INSEE phân tích hình học dữ liệu. Việc sử dụng phương pháp này đã dẫn đến việc hệ thống hóa một bản đồ học về xã hội Pháp thông qua việc phân biệt hai chiều kích kết hợp khối lượng và cấu trúc vốn của các tác nhân [Gollac 2005; Desrosières 2008]. Vả lại, chính dựa trên việc xây dựng không gian xã hội của Pháp [Di] mà danh mục mới PCS (professions et catégories socioprofessionnelles) được tôi luyện [Amosse 2013].

Kể từ giữa những năm 1980, trọng lượng ngày càng lớn của kinh trắc học và của chủ nghĩa tự do kinh tế khiến Bourdieu phát triển một phê phán INSEE có hệ thống hơn. Hơn nữa thời diểm này tương ứng với sự chuyển dịch những nghiên cứu của ông sang xã hội học về trường quan liêu. Sự mô tả “nhà thống kê Nhà nước thành người giám sát” và INSEE thành người sản xuất “phạm trù trật tự và cách thức duy trì trật tự” được khẳng định [Sur l’État: 226] trong các công trình của ông về La Noblesse d’État. Diễn tiến này minh họa quan hệ hai mặt của ông với định chế: “Tôi phải nhắc đến một chiến lược khoa học khác, hoàn toàn có tính bổ sung, mà trong bối cảnh của thời bấy giờ, khi mọi sự liên kết với thống kê Nhà nước bị nghi ngờ là một sự hòa giải có tính bảo thủ, cúng bị hiểu sai, là chiến lược cộng tác với các nhà thống kê thuộc INSEE để thử – điều mà có lúc tôi nghĩ là đã thành công, đặc biệt khi cơ quan Nhà nước này dùng lại các phân loại trong La Distinction – đưa khoa học Nhà nước vào trường khoa học, hay một cách khiêm tốn hơn là thử đưa vào đầu óc của các nhà bác học của Nhà nước những quan tâm và xu hướng riêng của nghiên cứu khoa học tiên tiến nhất, như tính phản tư đối với những tiền giả định mặc nhiên của những cách đặt vấn đề và những hệ thống phân loại thông dụng được thể chế triển khai” [Esquisse pour une auto-analyse: 96].

Étienne Penissat

PENISSAT Etienne – nhà nghiên cứu CNRS (CERAPS)

AMOSSÉ T., 2013, “La nomenclature socioprofessionnelle: une histoire revisitée”, Annales. Histoire, Sciences Sociales, vol. 68, no 4, p. 1039-1075. – DESROSIÈRES A., 2008, “Analyse des données et sciences humaines: comment cartographier le monde social?”, Journal électronique d’histoire des probabilités et de la statistique, vol. 4, no 2. – POLLAK M., 1976, “La planification des sciences sociales”, ARSS, no 2-3, p. 105-121. – SPENLEHAUER V., 1998, L’Évaluation des politiques publiques, avatar de la planification, Thèse de doctorat de science politique, Grenoble, Université Pierre-Mendès-France.

ALGÉRIE, AMOUR DE L’ART (L’), ANALYSE DES CORRESPONDANCES, CAPITAL, CAPITAL CULTUREL, CAPITAL SOCIAL, CATÉGORIE(S), CHAMP BUREAUCRATIQUE, CHAMP SCIENTIFIQUE, CLASSE(S), DARBEL, DÉRACINEMENT (LE), DISTINCTION (LA), ÉCOLE NATIONALE DE LA STATISTIQUE ET DE L’ADMINISTRATION ÉCONOMIQUE, ENQUÊTE(S), ESPACE SOCIAL, ÉTAT, ÉTUDIANTS, GOÛT, GUERRE D’ALGÉRIE, HABITUS, HÉRITIERS (LES), HOMO ACADEMICUS, HUMEUR ANTI-INSTITUTIONNELLE, INSTITUTION(S), LIBÉRALISME, MAI 68, MÉTHODE, NOBLESSE D’ÉTAT (LA), OPINION(S), ORDRE SOCIAL, POSITION(S), PRATIQUE, RÉFLEXIVITÉ, REPRODUCTION (LA), SAYAD, STATISTIQUES, STRUCTURE(S), TRAVAIL, TRAVAIL ET TRAVAILLEURS EN ALGÉRIE, UNIVERSITÉS

Thư mục

DESROSIÈRES A., 2003, “Une rencontre improbable et ses deux héritages”, in P. ENCREVÉ et R.-M. LAGRAVE (dir.), Travailler avec Bourdieu, Paris, Flammarion, p. 209-218.

1963 [TTA: 9] Travail et travailleurs en Algérie (avec A. Darbel, J.-P. Rivet et C. Seibel), Paris, La Haye, Mouton.

1964 [H] Les Héritiers. Les étudiants et la culture (avec J.-C. Passeron), Paris, Minuit.

1970 [LR] La Reproduction. Éléments pour une théorie du système d’enseignement (avec J.-C. Passeron), Paris, Minuit.

1972 [Esquisse pour une auto-analyse: 96], Esquisse d’une théorie de la pratique. Précédée de trois études d’ethnologie kabyle, Genève, Droz, rééd. Paris, Seuil, “Points”, 2000.

1979 [Di] La Distinction. Critique sociale du jugement, Paris, Minuit, nouvelle éd. augmentée d’une introduction, 1982.

1984 [HA] Homo academicus, Paris, Minuit, nouvelle éd. augmentée d’une postface, 1992.

2012 [], Sur l’État. Cours au Collège de France, 1989-1992, Paris, Raisons d’agir/Seuil.

[PB: 1990b] “Un placement de père de famille. La maison individuelle: spécificité du produit et logique du champ de production” (avec S. Bouhedja, R. Christin et C. Givry), ARSS, no 81-82, p. 6-33.

[PB: 1990d] “Le sens de la propriété. La genèse sociale des systèmes de préférences” (avec M. de Saint-Martin), ARSS, no 81-82, p. 52-64.

PÉREZ A., 2015, Rendre le social plus politique. Guerre coloniale, immigration et pratiques sociologiques d’Abelmalek Sayad et de Pierre Bourdieu, thèse de doctorat de sociologie, Paris, EHESS.

* * *

DÉCÈS [Qua đời]

Pierre Bourdieu mất ngày 23 tháng giêng 2002 tại Paris. Tin ông qua đời được khoảng bốn mươi nước loan đi và được điện Élysée thông báo: “Pierre Bourdieu sống với xã hội học như một khoa học không thể tách rời với sự dấn thân. Cuộc chiến đấu của ông bên cạnh những ai là nạn nhân của sự khốn cùng của thế giới vẫn sẽ là minh chứng nổi bật nhất”. Ông được an táng trong vòng thân thiết tại nghĩa trang Père-Lachaise. Buổi tưởng niệm ông được tổ chức ngày 2 tháng hai tại Théâtre de la Colline với sự có mặt của những nhà trí trí thức, nghệ sĩ, thành viên các nghiệp đoàn, nhà nghiên cứu, giảng viên các khoa học kinh tế và xã hội cũng như những người vô danh. Duy chỉ co báo Humanité tường thuật lại buổi này. Thật vậy, “đêm canh thức” này [Gayon 2003; 2004] mang một sắc thái đặc biệt do những cuộc tranh luận, đặc biệt từ tháng mười hai 1995, xoay quanh những quan điểm của nhà xã hội học [Rimbert 2012] và đi ngược với tinh thần nhất trí thông thường chung quanh một nghi lễ. Phơi bày sự nghiệp và tác giả, sự qua đời của ông mở một không gian đấu tranh cho việc định nghĩa trí thức, xã hội học và chiều kích công cộng. Trong không gian này sự công kích “kịch liệt” nhà trí thức của các phương tiện truyền thông đại chúng vẫn tiếp diễn [Gayon 2012], mà nhãn hiệu “phê phán” được gán mà không ngại một sự lặp thừa, và chống lại một số giả thuyết của nhà xã hội học về trường báo chí, đặc biệt là trong những quan hệ của trường này với trường của các khoa học xã hội.

Như vậy cái chết của Bourdieu được lên trang nhất hai nhật báo Le Monde (“Pierre Bourdieu est mort”) và Libération (“Bourdieu, les champs du partisan”). Nhưng độ phủ của báo chí có cường độ thấp hơn và tập trung nhiều vào cực trí thức của trường báo chí nếu so với cường độ này khi Sartre chết năm 1980 hay với cái chết vài tháng sau của nhà báo Françoise Giroud hay của doanh nhân Jean-Luc Lagardère. Các nhật báo “thiên tả” và “trung tả” (L’Humanité, Libération, Le Monde) phát hành trên toàn quốc trung bình dành chỗ cho thông tin về cái chết này bốn lần lớn hơn so với chỗ của các nhật báo “trung hữu” hay “thiên hữu” có cùng diện phát hành, còn các báo kinh doanh (Les Echos, La Tribune) đẩy biến cố này ra ngoài lề. Trên các phương tiện nghe nhìn, các đài có tính thương mại nhất dành cho tin ông qua đời một thời lượng giới hạn. Duy chỉ các đài phát thanh hay các kênh ở cực văn hóa (France Culture, Paris Première) mới lên những chương trình đặc biệt. Những ngày sau, các tuần báo, rồi các báo tháng có tính phổ thông đưa tin về cái chết của nhà xã hội học, ở cực văn hóa, trên trang nhất với các chuyên mục đặc biệt và bài xã luận.

Nhìn chung tất cả các phương tiện truyền thông khai thác bốn “góc cạnh” tiểu sử người chết: nhà trí thức, nhà xã hội học, con người Bourdieu, sự phê phán các phương tiện truyền thông. Các phóng sự truyền hình hầu như không bao giờ đề cập đến sự nghiệp của ông. Các phóng sự này chỉ nói đến “một trong những trí thức có ảnh hưởng nhất”, “một nhà xã hội học lớn”, “một con người vĩ đại”. Sử dụng những hình ảnh từ các cuộc biểu tình năm 1995 hay năm 1997 và của chương trình Arrêt sur images năm 1996, chúng cho thấy nhà xã hội học giữa các đoàn biểu tình hay trên phim trường truyền hình. Các phóng sự này nhắc một cách có hệ thống phê phán của Bourdieu đối với truyền hình bằng cách quy giản về một công thức (“sự độc tài của chỉ số theo dõi truyền hình”) hay về chuyện sở thích cá nhân (“Bourdieu không thích truyền hình”). Khung tiểu sử cá nhân hóa lí thuyết và thực hành nghiên cứu của người chết. Trên báo viết, sự dấn thân công khai của Bourdieu chỉ được quy về những năm 1990: ví dụ, vấn đề Algérie hay sự hỗ trợ công đoàn Solidarność không được đề cập. Trong khi Jean-Paul Sartre gợi lên nỗi hoài niệm đầy kính trọng thì những cách gọi có hàm nghĩa xấu thường được dùng đối với Bourdieu dưới nhãn hiệu “giáo chủ tông phái”, “thầy tinh thần”. Gióng như khi tác phẩm Sur la télévision được xuất bản, những cuộc tấn công cay độc nhất xuất phát từ những người viết xã luận trong các mục văn hóa nhằm vào việc ông phê phán các phương tiện truyền thông: ví dụ Françoise Giroud trên tờ Le Nouvel Observateur gay gắt mắng “Bourdieu khinh bỉ các nhà báo, chửi mắng họ, xua bầy lâu la của ông tấn công họ”. Hơn nữa, tạp chí này, dù không được phép, còn trích đăng những đoạn chưa từng công bố trong cuốn Esquisse pour une auto-analyse. Bị những người thụ hưởng bản quyền kiện, tòa phúc thẩm Paris vào tháng mười năm 2002 kết án tuần báo tội vi phạm quyền phổ biến của tác giả và hành vi ngụy tạo.

Gần một nửa những bài báo được công bố trong những ngày tiếp sau cái chết của Bourdieu là do những giảng viên đại học đứng tên mà đa số là những thành viên của École des hautes études en sciences sociales (EHESS), thêm vào số bài đó còn có bài của vài đại diện nghiệp đoàn. Một phần lớn những trí thức được các nhà báo mời “đánh giá sự nghiệp” (Le Figaro) là các triết gia, hay các nhà xã hội học từng cạnh tranh với Bourdieu (Alain Touraine), xa rời ông (Luc Boltanski) hay tiếp nối sự phê phán (Bernard Lahire). Những đồng nghiệp gần với ông, ở Trung tâm xã hội học Châu Âu (CSE) hay ở Collège de France, chỉ can dự vào hồi hai, thường là để chỉ trích “sự phản kính trọng của truyền thông” và nhắm vào những ai, theo họ, trong những tình huống này, đã có thể thiếu mọi sự cao thượng. Vài trang Internet từ vài năm nay, cũng đã thể hiện tình cảm đối với nhà xã hội học và những sự dấn thân của ông: Acrimed và L’Homme moderne thu thập có phê phán những bài viết về ông hay khởi xướng một danh sách các bài này để phổ biến (Champ). Trong những tháng sau đó, đã có thêm những bài chưa từng được công bố hay xuất bản lại và ít nhất bảy cuộc hội thảo trải dài trong thời gian trên để tôn phong trường hàn lâm. Năm 2012, kỉ niệm mười năm ngày mất của Bourdieu trùng khớp với việc xuất bản tác phẩm Sur l’État, sẽ là dịp của những sự kiện và tưởng nhớ của giới hàn lâm và báo chí. 

Vincent Gayon

Phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Paris Dauphine

image GAYON V., 2003, Médiatiser la mort d’un intellectuel. Étude pour le cas de Pierre Bourdieu, Mémoire de maîtrise, Université Paris X Nanterre. – GAYON V., 2004, “Veillées funèbres autour de Sartre, Aron et Foucault. De la dynamique des médias dans la redéfinition de l’intellectuel au début des années 1980”, Mémoire de DEA, Université Paris I Panthéon-Sorbonne. – GAYON V., 2012, “Jeu critique: la “fin des intellectuels” (1975-1985)”, Le Mouvement social, no 239, p. 25-44. – RIMBERT P., 2012, “À cent contre un”, Le Monde diplomatique, no 695, p. 17.

BOLTANSKI, CENTRE DE SOCIOLOGIE EUROPÉENNE, CHAMP JOURNALISTIQUE, COLLÈGE DE FRANCE, ÉCOLE DES HAUTES ÉTUDES EN SCIENCES SOCIALES, ESQUISSE POUR UNE AUTO-ANALYSE, GRÈVES DE 1995, INTELLECTUEL(S), LIBÉRATION, MÉDIAS, MONDE (LE), NOUVEL OBSERVATEUR (LE), SARTRE, SUR L’ÉTAT, SUR LA TÉLÉVISION

Thư mục

2012 [], Sur l’État. Cours au Collège de France, 1989-1992, Paris, Raisons d’agir/Seuil.

* * *

LÉVI-STRAUSS, CLAUDE (1908-2009)

Claude Lévi-Strauss là gương mặt thống trị trong nhân học Pháp khi Pierre Bourdieu, sau khi học triết, chuyển sang bộ môn này. Ông cũng là nhân vật sáng lập phong trào tư duy cấu trúc luận mà Bourdieu đã cùng đồng hành, và sau này chống lại để xây dựng lý thuyết của mình về thực tiễn.

Sinh ở Bruxelles trong một gia đình nghệ sĩ, Lévi-Strauss lớn lên ở Paris và học triết học ở Sorbonne. Trúng tuyển thạc sĩ năm 1931, rồi giảng viên trung học, năm 1935 ông nhận chức vụ giáo sư xã hội học tại Đại học São Paulo, còn vợ ông là Dina Dreyfus cũng trở thành giáo sư dân tộc học ở đại học này. Từ 1936 đến 1939, ông theo vợ trong một loạt cuộc thám hiểm nhân chủng học trong số các xã hội bản địa rừng Amaxone và bang Mato Grosso mà hai mươi năm sau Lévi-Strauss sẽ thuật lại trong Tristes Tropiques (Nhiệt đới buồn) [Loyer 2015].

Chính trong một thời gian khác ở nước ngoài mà dân tộc học của Lévi-Strauss thành hình. Trở về Pháp năm 1939, bị động viên một thời gian ngắn, rồi quay lại dạy trung học, ông bị cấm dạy sau khi chế độ Vichy ban bố quy chế người Do thái, và rời Pháp để sang New York. Được New School for Social Research đón nhận, ở đây ông quen Roman Jakobson, người dẫn dắt ông vào ngôn ngữ học cấu trúc. Tại New York, ông cũng gặp Franz Boas, người làm cho Đại học Columbia trở thành trung tâm của nhân học Mĩ thời kì đó [Éribon et Lévi-Strauss 2001]. Chính dưới sự ảnh hưởng kép này ông soạn thảo cuốn Les Structures élémentaires de la parenté, mà việc xuất bản đánh dấu những bước đầu của cấu trúc luận trong nhân học.

Lévi-Strauss công bố những công trình chính của ông trong những năm đào tạo của Bourdieu. Tiếp sau Les Structures élémentaires de la parenté, bài “Introduction à l’œuvre de Marcel Mauss” (1950), các cuốn Anthropologie structurale (1958), rồi La Pensée sauvage (1962) thích ứng các công cụ của ngôn ngữ học của Saussure vào việc nghiên cứu các hành vi xã hội. Khi phân tích những quy tắc của quan hệ thân tộc, các phân loại totem, hay các huyền thoại theo mô hình của ngôn ngữ học, nghĩa là như những hệ thống biểu tượng tập thể, vô danh và không có ý thức, vượt lên những khả năng biến dạng của chúng, có những đặc điểm chung về mặt hình thức mà nhà nhân học có nhiệm vụ làm nổi lên, ông tạo ra một trong những phê phán có ảnh hưởng nhất đến niềm tin về chủ thể tự chủ và hoàn toàn ý thức về bản thân. Như vậy, sự nghiệp của ông cung cấp một trong những đối chọn lý thuyết chính cho hiện tượng học và chủ nghĩa hiện sinh đang thống trị triết học Pháp thời hậu chiến.

Theo lời của Bourdieu, uy tín mà Lévi-Strauss mang lại cho nhân học giải thích sức thu hút của bộ môn này đối với các sinh viên sư phạm triết thuộc thế hệ ông [Choses dites: 16-17]. Nhưng tầm quan trọng của sự nghiệp của Lévi-Strauss có tính chính trị không kém gì tầm quan trọng về mặt tri thức. Trong thời đại của các cuộc chiến tranh giải thực, những thách thức đối với thuyết vị chủng tộc là rất lớn lớn. La Pensée sauvage triển khai sự phê phán này chống Sartre, người đã mô tả những xã hội được nhân học nghiên cứu như một “nhân loại học còi cọc và dị dạng” còn chưa đạt tới ngưỡng cửa lịch sử [Lévi-Strauss 2008: 825-826]. Cho dù Sartre et Lévi-Strauss, mỗi người theo một cách khác nhau, đều ủng hộ những nạn nhân của bạo lực thuộc địa, Bourdieu tự nhận thấy mình trong “chủ nghĩa nhân đạo khoa học” của Lévi-Strauss [Sens pratique: 9] hơn là trong sự dấn thân của nhà “trí thức toàn diện” kiểu Sartre. Do đó, tiếp nối theo Lévi-Strauss, ông tìm kiếm trong “phương thức tư duy dựa trên quan hệ” vốn rút ra ra ý nghĩa của các thực tiễn từ vị trí của chúng trong không gian của các mối quan hệ khách quan, liều thuốc giải độc cho chủ nghĩa vị chủng triết học [Lentacker 2010].

Tuy nhiên nhân học của Bourdieu tự xác định chống lại nhân học của Lévi-Strauss không kém gì chống lại nhân học của Sartre. Trong sự đối đầu giữa Sartre et Lévi-Strauss, Bourdieu nhìn thấy biểu tượng của sự đối lập giữa chủ nghĩa chủ quan và chủ nghĩa khách quan mà một lý thuyết thực tiễn đích thực phải vượt qua. Trách cứ cơ bản của ông đối với nhân học của Lévi-Strauss là hình dung thế giới xã hội chỉ theo quan điểm của “những cấu trúc được cấu trúc hóa (structures structurées)”, nghĩa là những sản phẩm khách quan, tập thể và không có bản sắc (ngôn ngữ, huyền thoại, hệ thống quan hệ thân tộc, v.v.) của đời sống trong xã hội. Nhưng, theo Bourdieu, các cấu trúc này bao giờ cũng có mặt đồng thời dưới dạng những thiên hướng đã được sáp nhập, những “sơ đồ hành động và nhận thức” được ông mô tả như những “cấu trúc có khả năng cấu trúc hóa (structures structurantes)” [e.g. SP: 87-88]. Không chú ý điểm này, thuyết cấu trúc có xu hướng vật hóa những nhân tố quy định thực tiễn, do đó biểu trưng thực tiễn như là được quyết định một cách cơ học bởi những cấu trúc nằm bên ngoài nó, trong lúc nguyên lý của thực tiễn, theo Bourdieu, nằm trong quan hệ giữa một thực thể xã hội hóa (tập tính) và thế giới xã hội (trường) trong đó thực thể xã hội vận hành.

Có vô số hệ quả của sự thay đổi này về mặt quan điểm. Bourdieu trình bày trước tiên những hệ quả này trong nghiên cứu về quan hệ thân tộc, chủ đề này cũng là đối tượng qua đó Lévi-Strauss lần đầu tiên trình bày các nguyên tắc nhân học của ông. Chẳng hạn, “La parenté comme volonté et comme représentation” (“quan hệ thân tộc như là ý chí và biểu trưng”), một nghiên cứu (mà ngay tựa đề đã thông báo sự đối đầu với thuyết cấu trúc của Lévi-Strauss) về hôn nhân của những người con chú bác hay của những người con dì ở Kabylie khẳng định sự cần thiết phải phân biệt quan hệ thân tộc thực tiễn với quan hệ thân tộc chính thức (hay quan hệ thân tộc biểu tượng) mà nhà dân tộc học ghi chép dưới dạng phả hệ, vốn vừa che giấu vừa bộc lộ không kém những quan hệ thực sự giữa những thành viên của nhóm. Trong khi ngôn ngữ của quy tắc thống trị phân tích cấu trúc rất phù hợp với quan hệ thân tộc chính thức, nhưng về nhiều mặt là những quan hệ ảo, ngôn ngữ của chiến lược là ngôn ngữ, được Bourdieu xem là cần thiết để phân tích những lợi ích vật chất và biểu tượng can dự vào những trao đổi hôn nhân thực tế.

Bước chuyển từ từ vựng của quy tắc sang từ vựng của chiến lược kéo theo bước chuyển từ mô hình của ngôn ngữ học sang mô hình của kinh tế học, được minh họa qua lý thuyết quà tặng. Trong khi với bài giới thiệu sự nghiệp của Marcel Mauss, Lévi-Strauss phân tích quà tặng và quà đáp trả (cũng như những trao đổi trong hôn nhân vốn là một trường hợp đặc biệt) như những thời điểm của sự trao đổi có qua có lại, Bourdieu mô tả chúng như những pha nối tiếp nhau trong một cuộc đấu vì uy tín và vì sự thừa nhận, nói cách khác những “đầu tư” hướng đến việc tích lũy vốn biểu tượng.

Lấy cảm hứng từ ngôn ngữ học, Lévi-Strauss thấy ở truyền thông đối tượng của nhân học. Chuyển từ mô hình ngôn ngữ sang mô hình kinh tế Bourdieu coi sự bất bình đẳng là vấn đề cơ bản của khoa học xã hội. Bằng cách chọn các hệ thống biểu tượng, vốn làm nhóm tồn tại như là nhóm, làm đối tượng, nhân học cấu trúc, theo Bourdieu, quên đặt vấn đề quan hệ bất bình đẳng của các thành viên của nhóm với các hệ thống này [PB 1968c: 705]. Thế mà ngôn ngữ, nghệ thuật, các nghi thức và huyền thoại không chỉ được dùng như những phương tiện truyền thông, mà còn như nguồn lực mà sự phân chia không đồng đều làm cơ sở cho sự thống trị của vài thành viên của nhóm trên những thành viên khác. Đó là lí do vì sao các khái niệm của nhân học cấu trúc áp dụng tốt hơn vào những xã hội đơn giản và tương đối bình đẳng mà nhân học cổ điển quan tâm đến; và vì thế Bourdieu nỗ lực phát triển một lý thuyết thực tiễn có thể tính đến các xã hội “lạnh” này như Lévi-Strauss gọi [1983: 1218] và cả những xã hội phức tạp và bất bình đẳng hiện là lĩnh vực được xã hội học ưu tiên.

Một lý thuyết thực tiễn được mỏ rộng như vậy cho phép đưa vào trong phân tích xã hội học chủ thể của phân tích, nghĩa là bản thân nhà xã hội học hay nhà nhân học mà thường những văn bản của Lévi-Strauss thường không đề cập đến. Vì thế Esquisse d’une théorie de la pratique lấy lại dưới dạng một xã hội học phản tư những phê phán mà các công trình về các vùng Kabylie và Béarn đã thác phảo. Là người “lạ”, nhà nhân học buộc chỉ thấy ở nhóm mình đang nghiên cứu gương mặt chính thức mà những đại diện được nhóm này ủy nhiệm muốn trưng bày ra, và nhà nhân học ghi chép dưới dạng những quy tắc, phả hệ, bản đồ hay mã khiến cho những thực tiễn quan sát được có tính cố kết và hệ thống hơn là thực tế. Như vậy thiên hướng duy lí trí và “phiếm luận” đặc trưng cho nhân học của Lévi-Strauss có nguồn gốc từ khoảng cách xã hội không được phân tích giữa nhà nhân học và đối tượng nghiên cứu của mình.

Trong cuốn Esquisse d’une théorie de la pratique, phân tích liên quan đến những điều kiện xã hội của lao động nhân học nói chung; trong cuốn Esquisse pour une auto-analyse, được viết ba mươi năm sau, phê phán có tính cá nhân hơn. Sự chuyển hướng này diễn ra sau sự công nhận sự nghiệp của Lévi-Strauss và diễn tiến chính trị của tác giả này. Thời trẻ ông hoạt động trong SFIO (Section francaise để l’Internationale ouvrière/Chi bộ Pháp của Quốc tế công nhân - ND), ông chống đối một cách bàng quan các phong trào sinh viên năm 1968 trước khi đắc cử vào Viện hàn lâm Pháp năm 1973. Diễn tiến chính trị của Bourdieu diễn ra theo chiều ngược lại; và khi ngày càng tham gia công khai hơn vào các cuốc đấu tranh chính trị, ông thường có nhiều ám chỉ đến các nguồn gốc tư sản và nghệ sĩ của Lévi-Strauss mà kết quả theo ông là một thái độ “thẩm mĩ” chỉ nhìn thấy trong thực tiễn của các xã hội bản địa những “văn bản” hay tác phẩm cần giải mã. Bourdieu ghi nhận là tương tự như vậy, khó tránh khỏi là những ai giữ những vị trí thống trị trong thế giới xã hội thường có tầm nhìn cho rằng xã hội dựa trên nền tảng của sự đồng thuận nhiều hơn là trên sự xung đột [EAU: 59-63]. Như vậy khoảng cách chính trị ngày càng xa giữa hai tác giả, vào chính lúc mà vị trí của họ trong không gian hàn lâm gần nhau hơn giải thích là Bourdieu nhấn mạnh hơn những gì đối lập ông với Lévi-Strauss hơn là món nợ của ông đối với sự nghiệp có tính biến đổi của Lévi-Strauss.

Antoine Lentacker

Phó giáo sư thirng giảng về a lịch sử Đại học California-Riverside

 ÉRIBON D. et C. LÉVI-STRAUSS, 2001, De près et de loin, Paris, Odile Jacob (1988). – LÉVI-STRAUSS C., 2017, Les Structures élémentaires de la parenté, Paris/Berlin, Éd. EHESS/De Gruyter (1949). – LÉVI-STRAUSS C., 2008, Œuvres, Paris, Gallimard. – LÉVI-STRAUSS C., 2012, Introduction à l’œuvre de Marcel Mauss, Paris, PUF. – LOYER E., 2015, Claude Lévi-Strauss, Paris, Flammarion.

 ANTHROPOLOGIE, CAPITAL SYMBOLIQUE, CHAMP, COMMUNICATION, CRITIQUE, CROYANCE, DISPOSITION(S), DOMINATION, DON, ÉCONOMIE, ESQUISSE D’UNE THÉORIE DE LA PRATIQUE, ESQUISSE POUR UNE AUTO-ANALYSE, ETHNOCENTRISME, EXISTENTIALISME, GROUPE(S), HABITUS, HUMANISME, INCORPORATION, INTELLECTUEL(S), INTÉRÊT, INVESTISSEMENT, KABYLIE, LANGUE, LINGUISTIQUE, LUTTE(S), MAI 68, MAUSS, MODÈLE, OBJECTIVISME, PERCEPTION, PHÉNOMÉNOLOGIE, PHILOSOPHIE, POSITION(S), PRATIQUE, RÉFLEXIVITÉ, RÈGLE, RÉIFICATION, RELATION(S) OBJECTIVE(S), RELATIONNELLE (APPROCHE), REPRÉSENTATION(S), SARTRE, SAUSSURE, SCHÈME(S), SOCIÉTÉ(S), SOCIOLOGIE, STRATÉGIE(S), STRUCTURALISME, SUBJECTIVISME, SYSTÈME

Thư mục

1972[ETP] Esquisse d’une théorie de la pratique. Précédée de trois études d’ethnologie kabyle, Genève, Droz, rééd. Paris, Seuil, “Points”, 2000.

1980 [e.g. SP] Le Sens pratique, Paris, Minuit, rééd. 1989.

[PB 1968c: 705] ”Structuralism and theory of sociological knowledge” (trad. A. Zanotti-Karp), Social research, vol. 35, no 4, p. 681-706. 

1987[CD] Choses dites, Paris, Minuit.

2004 [EAU: 59-63] Esquisse pour une auto-analyse, Paris, Raisons d’agir.

LENTACKER A., 2010, La Science des institutions impures: Bourdieu critique de Lévi-Strauss, Ivry-sur-Seine, Raisons d’agir.

BRAUDEL, FERNAND (1902-1985)

Năm 1947, với tác phẩm Méditerranée et le monde méditerranéen à l’époque de Philippe II/Địa trung hải và thế giới địa trung hải dưới thời của Philippe II, một cuốn sách được viết đi viết lại sau mười lăm năm nghiên cứu các kho sử liệu và trong các thư viện, trong vòng năm năm bị cầm tù ở Đức (1940-1945), nhà sử học Ferrnand Braudel được thừa nhận. Cùng với Lucien Febvre ông đồng sáng lập năm 1947 tiểu ban thứ VI của École pratique des hautes études (đến năm 1975 trở thành École des hautes études en sciences sociales), ông kế nhiệm Lucien Febvre tại Collège de France (1950) rồi, sau khi Lucien Febvre mất vào tháng chín 1956, lãnh đạo tạp chí Annales E.S.C. và tiểu ban trên cho đến khi về hưu năm 1972. Ưu tiên của ông được công bố trong bài “Histoire et Sciences sociales: La Longue durée” (1958) là: phát triển nghiên cứu trong các khoa học xã hội và nhân văn, trang bị cho các khoa học này những nguồn lực con người và vật chất, những cơ sở hạ tầng và điều kiện làm việc chung còn thiếu, củng cố các trao đổi và các sự hội tụ giữa các bộ môn. Ông thích lặp đi lặp lại là “tất cả các khoa học nhân văn nói cùng một ngôn ngữ, hay ít ra có thể nói được ngôn ngữ này”. Theo sáng kiến của ông Fondation Maison des sciences de l’homme (FMSH) được thành lập trong những năm 1960 biểu trưng cho tham vọng này.

Chính trong khuôn khổ này (“Nhà Trường” và “Ngôi nhà”) mà Pierre Bourdieu, tổng thư kí (1961) rồi phó giám đốc (1965) của Centre de sociologie européenne do Raymond Aron thành lập, khởi đầu sự nghiệp khoa học của mình, kể từ khi được bàu vào tiểu ban thứ VI năm 1964, trong một sự độc lập hoàn toàn, với “sự hỗ trợ vô cùng thân tình và tin cậy của Braudel và được Clemens Heller “phụ tá về mọi mặt” [Esquisse pour une auto-analyse: 47]: thực hiện và công bố các cuộc điều tra tập thể, thành lập Centre de sociologie de l’éducation et de la culture/Trung tâm xã hội học giáo dục và văn hóa (CSEC, 1969), các tác phẩm cá nhân, các tủ sách của nhà xuất bản Éditions de Minuit (“Le sens commun”) rồi của nhà xuất bản Seuil (“Liber”), chủ xướng tạp chí Actes de la recherche en sciences sociales năm 1975, v.v., cho đến sự đắc cử của ông vào Collège de France năm 1981 et cả sau đó nữa.

Chia sẻ cùng một tham vọng, hai người không vì thế mà nói “cùng một ngôn ngữ”. Về phía Braudel thách thức này được duy trì đến cùng đối với một một người và một sự nghiệp đang hình thành mà ông cảm nhận tầm quan trọng nhưng có văn phong một phần xa lạ với ông. Về phía Bourdieu là một sự kính trọng đối với một vị thần hộ mệnh, mà sự nghiệp và hành trình không theo những thời kì và quy tắc của một Homo academicus, đồng thời Bourdieu cũng giữ một khoảng cách đối với sử học, “một bộ môn “‘ít lí thuyết hóa’”, mà ‘lí thuyết bản địa duy nhất’, lí thuyết ‘thời gian dài’ của Braudel là “một lí thuyết, trong thực tế, có tính tiêu cực” [Sociologie générale 1: 464]. Và Braudel bao giờ cũng thích dùng “ẩn dụ” hơn là “khái niệm” vốn được nhà xã hội học ưu tiên. Một thực tiễn biện minh cho chính quyết tâm của nhà xã hội học để lịch sử hóa các chuyên ngành như dân tộc học, ngôn ngữ học, lịch sử nghệ thuật hay khoa học luận. Nhưng điều này cũng giải thích cách mà Braudel chiếm hữu lại, bằng “phép ẩn dụ”, khi thích dùng động từ thay vì một thuật ngữ quá trừu tượng với ông, một khái niệm duy nhất của Bourdieu có điểm chung với tư duy của ông, khái niệm tái sản sinh. Vào khoảng năm 1980, ông thổ lộ với tác giả của ghi chú này: “Trong thực tế, điều khiến Bourdieu và tôi gần nhau là vì cả hai chúng tôi nghĩ rằng mọi xã hội đều dành 85 hay 90% năng lượng để tự tái sản sinh”.

Maurice Aymard

Giám đốc nghiên cứu EHESS (CRH)

ANTHROPOLOGIE, ACTES DE LA RECHERCHE EN SCIENCES SOCIALES, ARON, CENTRE DE SOCIOLOGIE EUROPÉENNE, COLLÈGE DE FRANCE, ÉCOLE DES HAUTES ÉTUDES EN SCIENCES SOCIALES, ÉPISTÉMOLOGIE, HISTOIRE, HISTOIRE DE L’ART, HISTORICISATION, “LIBER”, LINGUISTIQUE, MAISON DES SCIENCES DE L’HOMME, MINUIT, SCIENCES HUMAINES ET SOCIALES, “SENS COMMUN (LE)”, SEUIL

Thư mục

2004 [EAU: 59-63] Esquisse pour une auto-analyse, Paris, Raisons d’agir.

1984 [HA] Homo academicus, Paris, Minuit, nouvelle éd. augmentée d’une postface, 1992.

2015 [Sociologie générale 1: 464] Sociologie générale, vol. 1, éd. établie par P. Champagne, J. Duval, F. Poupeau et al., Paris, Raisons d’agir/Seuil, rééd. “Points”, 2019.

Nguyễn Đôn Phước dịch

Nguồn: Dictionnaire international Bourdieu, Paris, CNRS Éditions, 2000.

----

Bài có liên quan: Pierre Bourdieu là ai?




Chú thích:

[*] Để hiểu thêm bối cảnh lịch sử mời tham khảo bài Congrès pour la liberté de la culture trên wikipedia - ND).

Print Friendly and PDF