BA LÝ DO ĐỂ ĐỪNG TRỞ THÀNH MỘT NGƯỜI THEO PHÁI KHẮC KỶ (MÀ THAY VÀO ĐÓ HÃY THỬ TRỞ THÀNH MỘT NGƯỜI THEO NIETZSCHE)
Đối với một nền triết học cổ đại, chủ nghĩa Khắc kỷ đang đơm bông kết trái vào năm 2023. Những trích dẫn từ triết gia phái Khắc kỷ và hoàng đế La Mã Marcus Aurelius xuất hiện các thông tin trên mạng xã hội Instagram của tôi; bạn có thể tìm thấy lời khuyên chuyên sâu từ các nhà tư tưởng Khắc kỷ hiện đại về thuật lãnh đạo, các mối quan hệ và, gần như, về bất kỳ điều gì.
Thật khó để tưởng tượng về Zeno, triết gia thành Athens, [một trong những - ND] tổ sư khai sinh phái Khắc kỷ, hoặc những đồng nghiệp Khắc kỷ người La Mã nhưng khác thời là Seneca, Marcus Aurelius và Epictetus lại tồn tại ở thế giới ngày nay. Tuy nhiên, họ vẫn ở đây, được trích dẫn và được tranh luận ở mọi ngóc ngách [trong đời sống xã hội].
Điều này một phần là vì các tác giả quốc tế như Ryan Holiday, Massimo Pigliucci và Brigid Delaney ở Úc. Mỗi tác giả này đều có cách tiếp cận của riêng họ về chủ nghĩa Khắc kỷ. Holiday, cựu giám đốc tiếp thị của hãng American Apparel, tập trung vào 4 phẩm hạnh của Khắc kỷ: can đảm, tiết chế (hay tiết độ), công chính và khôn tuệ. Pigliucci, một học giả ở New York, quan tâm tới những cách thực hành của phái Khắc kỷ. Ký giả Delaney, tác giả cuốn Các lý do để đừng lo lắng: làm sao trở thành người theo phái Khắc kỷ trong những thời hỗn độn |Reasons not to worry: how to be stoic in chaotic times|, đang tìm kiếm một khuôn khổ để điều hướng cuộc sống.
Holiday có lẽ là người có ảnh hưởng lớn nhất trong việc đưa chủ nghĩa Khắc kỷ đến với đông đảo công chúng. Cuốn sách mới của ông Kỷ luật làm nên Số phận: sức mạnh của sự kiểm soát bản thân |Discipline is Destiny: the power of self control| là cuốn sách nằm trong danh mục sách bán chạy nhất trên tờ New York Times. Ông quản lý một trang Instagram rất thành công có tên là dailystoic và đã mở một tiệm sách ở bang Texas, quê hương ông.
Đọc thêm: Chủ nghĩa Khắc kỷ 5.0: Sự khởi động lại không ngờ tới của một nền triết học cổ đại ở thế kỷ 21
Thật chẳng thể tin được khi thấy công chúng lại quan tâm tới triết học cổ đại như vậy. Bản thân tôi là một triết gia, và điều này khiến tôi tràn đầy cảm hứng. Có rất nhiều triết gia hàn lâm đang cố gắng đột phá để tiếp cận với công chúng. Chúng tôi muốn chứng minh sự hữu ích của triết học đối với đời sống thường nhật. Hầu hết các triết gia và nền triết học không làm được điều này. Tuy nhiên, nếu như xét tới thành công của những tác giả này, thì có hàng vạn hàng triệu người đang quan tâm đến lối sống Khắc kỷ.
Nhưng có những vấn đề với chủ nghĩa Khắc kỷ, dưới những hình thức cả xưa lẫn nay. Tôi không phải là người hâm mộ chủ nghĩa Khắc kỷ. Đây là 3 lý do mà tôi chống chủ nghĩa Khắc kỷ, và cũng là một cách tiếp cận khác trước một vài vấn đề tương tự mà nó đề cập đến, đây là cách tiếp cận mà tôi đã vay mượn từ đại triết gia Đức ở thế kỷ 19 Friedrich Nietzsche.
Tính thụ động
Holiday, Pigliucci và Delaney đều cùng đồng ý rằng: một trong những khía cạnh quan trọng và hữu ích nhất của chủ nghĩa Khắc kỷ là điều được gọi là “sự lưỡng phân quyền kiểm soát”. Điều này liên quan tới việc hiểu rằng có những thứ bạn có thể kiểm soát và có những thứ bạn không thể kiểm soát. Hạnh phúc có thể đạt được bằng cách chỉ tập trung (đúng là – chỉ) vào những thứ bạn có thể kiểm soát và buông mọi thứ khác.
Tượng bán thân của Zeno. Nguồn ảnh: Wikimedia Commons |
Với tư cách là một người theo phái Khắc kỷ, hóa ra bạn có thể kiểm soát rất ít thứ. Trên thực tế, chủ nghĩa Khắc kỷ đề xuất rằng thứ duy nhất thực sự nằm trong tầm kiểm soát của bạn là phản ứng của bạn với thế giới, chứ không phải với bất kỳ thứ gì trong chính thế giới đó. Delaney tóm lược như sau: “ta chỉ có thể kiểm soát được 3 thứ: 1. tính cách của ta, 2. những phản ứng của ta […] 3. và cách ta đối xử với người khác”. Việc dồn nỗ lực vào bất kỳ thứ gì khác đều được xem như một sự phí phạm thời gian và năng lượng.
Tôi không đồng ý điều này. Đầu tiên, có rất nhiều thứ trong thế giới thực mà tôi có thể kiểm soát. Tôi có thể kiểm soát chiếc xe ô tô của mình khi lái xe tới cửa hàng. Hoặc, khi ngồi ngoài hiên sau nhà vào tối Chủ Nhật, tôi có thể kiểm soát ngọn lửa dưới hố. Tôi cũng có thể kiểm soát người khác ở một chừng mực nào đó. Tôi cũng có thể nói với vợ rằng anh cảm thấy mệt mỏi và đang phát cáu. Với tư cách là một người theo phái Khắc kỷ thiện hảo, tôi có thể cố gắng cảm thấy hài lòng về điều đó, hoặc tôi có thể đứng dậy khỏi phòng khách và mang cho vợ một ly rượu vang cùng một ít bánh quy giòn với Taramasalata.
Một trong những vấn đề ở đây là chủ nghĩa Khắc kỷ nhấn mạnh vào sự lưỡng phân giữa những thứ bạn kiểm soát được và những thứ bạn không kiểm soát được. Pigliucci nhận ra vấn đề này, suy xét ngắn gọn một loại sự vật thứ ba nằm một phần dưới quyền kiểm soát của ta, nhưng rồi lại bác bỏ nó.
Ông viết: “Người ta thường nghĩ rằng sự lưỡng phân là quá nghiêm ngặt […]”. Ông tiếp tục mô tả cách mà một người theo phái Khắc kỷ hiện đại, William Irvine, đã đề xuất một “bộ ba” khả năng bao gồm sự kiểm soát, sự ảnh hưởng và sự không kiểm soát. Nhưng “đề xuất này,” Pigliucci viết, “là một sai lầm.”
Điều này dẫn ta đến vấn đề tính thụ động. Nếu ta chỉ tập trung vào tính cách, những phản ứng và các hành động của mình, như phái Khắc kỷ đề xuất, và không nỗ lực tập trung vào những thứ ngoài tầm kiểm soát trực tiếp của mình, thì đối với tôi, có vẻ như một người thực hành chủ nghĩa Khắc kỷ sẽ vẫn thụ động trước những vấn đề lớn như sự biến đổi khí hậu hay tình trạng bất bình đẳng xã hội.
Pigliucci, Holiday và Delaney, tất cả họ đều nhận ra vấn đề này. Không cần đơn giản hóa quá mức cách các tác giả trên phản ứng với vấn đề phức tạp này, nhưng có một chủ đề chung ở 3 cuốn sách này. Dù ở điểm này hay điểm khác, mỗi cuốn đều chỉ ra rằng, bất chấp vấn đề tính thụ động, việc thực hành theo phái Khắc kỷ có thể có tính cấp tiến và dấn thân.
Đúng là một vài người theo phái Khắc kỷ là (một kiểu người) có tính cấp tiến, hoặc thậm chí dấn thân, trong lập trường của họ. Nền giáo dục Khắc kỷ mở cửa cho nữ giới, không giống như hầu hết các trường phái triết học vào thời điểm đó. Epictetus, một người theo phái Khắc kỷ hậu kỳ, từ thân phận nô lệ trở thành nhà hiền triết, một kiểu di động xã hội |social mobility| hầu như chưa từng có trong thế giới cổ đại.
Nhưng tôi lại cho rằng bất kỳ lập trường cấp tiến nào mà một cá nhân theo phái Khắc kỷ có thể ủng hộ hay không ủng hộ, thì “sự lưỡng phân quyền kiểm soát” là một khẳng định quan trọng chống lại chủ nghĩa dấn thân, vốn chủ trương chấp nhận mọi sự ngoài tầm kiểm soát trực tiếp của ta.
Nietzsche cung cấp cho chúng ta một cách tiếp cận hoàn toàn khác. Để hiểu những gì ông mang lại, chúng ta phải hiểu rằng ông coi mọi sự như một cuộc thi thố. Mỗi con người (và mỗi sự vật) đều luôn thể hiện quyền tự quyết của chúng trên thế giới (“ý chí đạt quyền lực” |will to power| của chúng). Khi hai con người tiếp xúc với một người khác, hoặc với một con vật, một loài thực vật hay với một tình huống, thì thiên hướng tự nhiên của họ đối với con người (sự vật, tình huống) đó đều là thể hiện bản thân họ, để tác động, để kiểm soát (hay cố gắng thực hiện những điều ấy).
Friedrich Nietzsche, ảnh chụp vào khoảng năm 1875. Nguồn ảnh: Wikimedia Commons |
Đối với ông, cuộc thi thố này là điều gì đó đáng được đón nhận bất kể kết cục ra sao. Có thể là bạn đạt thành công, ít nhất ở một mức độ nào đó, và điều này mang lại cảm giác thỏa mãn khi thể hiện bản thân. Hay bạn có thể thất bại, và cảm thấy thất vọng, tức giận hay chán nản. Đối với ông, tất cả những điều này đều ổn. Việc trải nghiệm cả thành công lẫn thất bại, cảm thấy tốt và cảm thấy tệ đều là điều tự nhiên. Trên thực tế, tất cả những điều này đều là một phần thiết yếu của quá trình thành nhân của bạn, ngay cả khi bạn sẽ bị “tan vỡ bất tận” |wrecked against infinity| trong nỗ lực đó.
Với tôi, đây có vẻ là một cách tốt hơn nhiều, đặc biệt là nếu bạn muốn tận dụng tối đa cuộc sống và tiềm năng của bạn với tư cách là một hữu thể người |human being|. Không ai có thể đạt được bất kỳ điều gì đáng kinh ngạc, hoặc vượt qua các hạn chế và những ranh giới của chính họ, nếu họ chỉ đơn giản chấp nhận rằng điều duy nhất họ có thể “thực sự” kiểm soát là chính họ. Ngay cả khi (gần như) chắc chắn sẽ thất bại, bạn vẫn nên mở rộng chính mình và thể hiện bản thân mình trước (hay thậm chí chống lại) thế giới.
Chắc chắn là ta không thể kiểm soát được kết cục. Ắt hẳn, ta sẽ gặp thất bại và, hệ quả là, ta cảm thấy đau khổ. Phản ứng của Nietzsche trước điều này đơn giản là: rồi thì sao? Tôi sẽ trực tiếp trích lời Nietzsche từ tác phẩm Minh triết Vui vẻ |The Gay Science| của ông:
Có phải cuộc sống của ta thực sự đớn đau và nặng trĩu tới mức ta có thể đánh đổi nó để lấy một lối sống Khắc kỷ đã hóa thạch? Mọi sự không đủ tệ với ta đến mức chúng phải tệ với ta theo lối Khắc kỷ!
Đọc thêm: Bài viết giải thích: Nietzsche, chủ nghĩa hư vô và những lý do để vui vẻ
Sự bình lặng |equanimity|
Điều này đưa ta đến vấn đề thứ hai mà tôi thấy ở chủ nghĩa Khắc kỷ: nỗi sợ mang tính bệnh hoạn của nó đối với những cảm xúc mãnh liệt, nhất là với những cảm xúc tiêu cực.
Những người theo phái Khắc kỷ cho rằng lý do ta nên chấp nhận rằng ta không thể kiểm soát bất kỳ thứ gì ngoài kia trên thế giới là vì nếu không kiểm soát được cái mình muốn, thì ta có thể sẽ cảm thấy tệ đối với việc [không kiểm soát được] đó. Đây là điểm về những cái bên ngoài so với những cái bên trong ở lý thuyết Khắc kỷ: ta không thể kiểm soát những cái bên ngoài, vì vậy đừng theo đuổi chúng nữa, nếu không thì ta có thể sẽ cảm thấy thất vọng, tức giận hay cay đắng. Epictetus viết:
Nếu luôn ghi nhớ cái gì là của mình (tức là cái bên trong ta kiểm soát) và cái gì là của người khác (tức là cái bên ngoài nằm ngoài tầm kiểm soát của ta), thì ta sẽ chẳng bao giờ bị quấy rầy.
Tự điều tiết cảm xúc và phấn đấu để có được sự bình lặng nội tâm vĩnh cửu là hai điều rất khác nhau. Ở điều trước, ta hướng tới việc trải nghiệm đầy đủ các trạng thái cảm xúc của mình nhưng vẫn cư xử có đạo đức với những người khác. Ở điều sau, ta hướng đến việc không trải nghiệm đầy đủ các cung bậc cảm xúc của con người và thay vào đó, trôi lững lờ trong một biển trời yên bình của sự hư vô dễ chịu.
Về mặt cá nhân, tôi không thể tưởng tượng được bất kỳ điều gì tồi tệ hơn sự bình lặng. Nó giống như một kiểu chết chóc, một ham muốn lấy đi khỏi ta một trong những trải nghiệm cốt tủy nhất của con người: đó là các cảm xúc của ta.
Liệu việc cảm nhận những cảm xúc tiêu cực, mãnh liệt (dường như lạ lùng) có chắc chắn là một trong những trải nghiệm tuyệt vời trong đời hay không? Tại sao ta lại say mê những bộ phim kinh dị, các bài hát đượm buồn, vở bi kịch, tác phẩm nghệ thuật gây sốc và khó chịu? Há chả phải là vì nó chính xác gợi lên những cảm xúc này – hận thù, khinh miệt, ghê tởm, sợ hãi, tức giận hay sao? Đối với tôi, chủ nghĩa Khắc kỷ dường như lấy đi của ta điều gì đó mà ta say mê trải nghiệm, mặc dù theo một cách hơi quanh co.
Một lần nữa, Nietzsche đưa ra một viễn tượng khác. Đối với ông, nếu cuộc sống là cuộc thi thố bất tận và mục tiêu của cuộc sống là điều dẫn hướng điều này theo một cách có đạo đức, thì ta sẽ có một viễn tượng khác về những đời sống cảm xúc của mình. Khi nói tới những cảm xúc tiêu cực, ta không hỏi liệu những cảm xúc này có khiến ta cảm thấy hạnh phúc hay không – rõ ràng là không, nếu chiếu theo định nghĩa. Mà thay vào đó, ta sẽ hỏi liệu chúng có giúp ta tham gia vào việc thi thố của cuộc sống, [cũng như] trong việc thể hiện bản thân hay không.
Từ viễn tượng này, những cảm xúc như yêu thương (và cả cảm thông lẫn trắc ẩn) có thể là tốt, song chúng cũng có thể gây hại. Những cảm xúc như thất vọng, khinh miệt hay tức giận có thể là xấu nhưng cũng có thể hữu ích. Trong cả hai trường hợp, mấu chốt là bạn phải đủ mạnh mẽ để cho phép bản thân mình thực sự cảm nhận được những cảm xúc này, rồi sau đó chuyển hóa chúng thành hành động có đạo đức.
Để trích lời Nietzsche, câu hỏi không phải là liệu những cảm xúc này vốn dĩ là tốt hay xấu cho việc cảm nhận, mà là liệu chúng phát xuất từ sự thiếu thốn cá nhân hay từ sự phong phú của nội tâm:
Ngày nay, tôi tận dụng sự khác biệt cơ bản này liên quan tới tất cả các giá trị thẩm mỹ: trong mỗi trường hợp, tôi đều tự hỏi, ‘ở đây, sự đói khát hay thừa mứa đã tạo nên tính sáng tạo?’
Nếu đến từ cái trước [tức sự thiếu thốn cá nhân], chúng sẽ khiến bạn yếu ớt hơn và kết quả là bạn sẽ cư xử tệ. Nếu đến từ cái sau [tức sự phong phú của nội tâm], chúng sẽ khiến bạn trở nên mạnh mẽ hơn và kết quả là bạn sẽ cư xử tốt. Ưu điểm lớn nhất của cách tiếp cận của Nietzsche so với chủ nghĩa Khắc kỷ là nó cho phép bạn trải nghiệm đầy đủ con người của bạn.
Mâu thuẫn về sự thương tổn
Vấn đề cuối cùng với chủ nghĩa Khắc kỷ là sự thương tổn. Có hai phần trong vấn đề này. Đầu tiên là ý tưởng cho rằng bạn chỉ bị thương nếu bạn nghĩ rằng mình bị thương. Pigliucci tóm lược lý thuyết như sau: “bạn không bị làm phiền bởi bản thân sự vật, mà bởi sự xét đoán của bạn về sự vật.”
Ví dụ, nếu ai đó cướp đồ của bạn, vấn đề là bạn xét đoán rằng thứ đó đã từng là của bạn. Ông ấy giải thích như sau:
Đừng bao giờ coi bất kỳ thứ gì là của bạn, mà hãy coi đó là khoản vay từ vũ trụ … Có ai lấy đi tài sản của bạn hay không? Ngay từ đầu, nó đã không phải của bạn.
Nhưng, cũng theo Pigliucci, chủ nghĩa Khắc kỷ về cơ bản là nhằm mục đích giúp đỡ người khác. Bạn nên hành động theo cách mà bạn khiến cho cuộc sống của những người khác trở nên tốt đẹp hơn: “mục đích (là) trở thành những hữu thể người thiện hảo hơn, nghĩa là trở nên ân cần hơn và hữu ích hơn cho xã hội nói chung.” Nói cách khác, một người theo phái Khắc kỷ thiện hảo sẽ chỉ hành động để cải thiện đời sống của những người khác.
Nhưng tôi phản đối luận cứ rằng nếu ai đó cảm thấy bị tổn thương bởi điều gì đó tôi đã làm hoặc đã nói, thì vấn đề thực sự nằm ở trong đầu họ chứ không phải ở những hành động của tôi. Nếu tôi đảo ngược các viễn tượng - tôi không thể chỉ nói rằng tôi được thỏa sức làm bất kỳ điều gì tôi muốn và nếu mọi người cảm thấy bị tổn thương, thì chẳng lẽ đó lại là lỗi của họ sao? Vậy theo nghĩa nào thì tôi có nghĩa vụ phải cư xử tốt với những người khác?
Một trong những lý do khiến chủ nghĩa Khắc kỷ thu hút nhiều người là vì những người theo phái Khắc kỷ nổi tiếng về thái độ siêu thực tế, không vô nghĩa đối với cuộc sống. Mọi sự sẽ trở nên tồi tệ. Bạn sẽ chết. Những người mà bạn yêu thương sẽ bỏ rơi bạn. Chủ nghĩa Khắc kỷ đối mặt với tất cả những thực tại này và nói rằng [bạn] “hãy chấp nhận”.
Nhưng khi nói tới những cảm giác thương tổn cá nhân của bạn, chủ nghĩa Khắc kỷ nói rằng: “hãy khước từ.” Hãy khước từ cảm giác mất mát. Hãy bỏ qua hậu quả tài chính. Bất kể ta nghĩ thương tổn này đã khiến ta phải trả giá như thế nào – thì trên thực tế, nó không như vậy.
Đối với tôi, điều này có vẻ phi thực tế, phản nhân loại và gần như vô đạo đức. Chẳng phải sẽ tốt hơn khi tôi cho phép mình được tức giận nếu chiếc xe đạp đường trường trị giá 20.000 đô la của tôi bị đánh cắp? Cho phép mình cảm nhận được sự bất công của việc này? Cho phép mình phê phán thế giới? Thực tại phũ phàng là tôi đã bị thương. Không phải tất cả chỉ là trong đầu tôi. Giả vờ khác đi thì cũng, gần như, là giả vờ mà thôi.
Bên cạnh đó, đây là chỗ tôi thấy cách tiếp cận của Nietzsche thật hữu ích. Ông cũng chủ trương một phiên bản chấp nhận – nhưng là một phiên bản triệt để hơn nhiều. Đó là vấn đề chấp nhận mọi sự – kể cả việc chấp nhận bản thân mình.
Bạn là người hay cáu bẳn với những thứ vụn nhặt nhất, những thứ ngoài tầm kiểm soát của bạn như một kẻ đang rộp rạp nhai khoai tây chiên trong rạp phim. Hãy chấp nhận mọi sự về tình huống này, bao gồm cả những phản ứng của riêng bạn. Bao gồm bản năng trẻ con đang trỗi dậy trong bạn trước kẻ gây ra tiếng ồn. Bao gồm cả nỗi bất lực tột cùng của bạn khi phải tiếp tục xem và thưởng thức bộ phim.
Tôi thấy điều này hấp dẫn, thực tế và khẳng định hơn nhiều so với tiêu chuẩn kép của phái Khắc kỷ, nơi bạn chấp nhận mọi sự về thế giới “ngoài kia” nhưng lại lý tưởng hóa thế giới “ở đây”. Cuối cùng, bạn sẽ tự đặt mình vào những tiêu chuẩn không thể đạt được nếu bạn chỉ trích những gì đang diễn ra với bạn và bỏ qua mọi sự đang diễn ra với những người khác.
Nếu không đi theo chủ nghĩa Khắc kỷ thì ta nên đi theo chủ nghĩa gì …?
Vậy – từ đây ta sẽ đi tới đâu? Nếu sự khôn tuệ của chủ nghĩa Khắc kỷ giúp bạn sống theo cách bạn muốn, thì bạn hãy cứ làm theo đi. Nhưng nếu, giống như tôi, bạn gặp vấn đề với cách tiếp cận thụ động của nó, với cách nó quy giản đời sống cảm xúc của bạn theo hướng bình lặng, với cách thức đầy mâu thuẫn của nó khi nói về các tiêu chuẩn cho bản thân mình so với các tiêu chuẩn cho những người khác, thì tôi khuyến khích bạn nên tìm một thứ chủ nghĩa khác.
Đối với tôi, triết học của Nietzsche cung cấp [cho chúng ta] một con đường tiến về phía trước một cách thực tế hơn và thú vị hơn nhiều.
THÔNG TIN VỀ TÁC GIẢ
Neil Durrant là tác giả cuốn Cuộc canh tân Đạo đức học Cổ đại của Nietzsche: Tình bạn như một cuộc thi thố |Nietzsche’s Renewal of Ancient Ethics: Friendship as Contest|, và quản lý một tài khoản cộng đồng trên trang Instagram chuyên đăng các nội dung triết học.
Nguyễn Việt Anh dịch
Nguồn: 3 reasons not to be a Stoic (but try Nietzsche instead), The Conversation, Feb 6, 2023.