MÁY TÍNH THEO DÕI
CHÚNG TA, MỘT THỨ ‘GÔNG CỔ ĐIỆN TỬ’: TÁI BÚT NĂM 1990 CỦA GILLES DELEUZE VỀ CÁC
XÃ HỘI KIỂM SOÁT MANG TÍNH TIÊN TRI KÌ LẠ
![]() |
Jacques Julien/Getty |
Chuỗi bài viết về những dấu ấn
văn hóa của chúng tôi nhìn lại các tác phẩm có sức ảnh hưởng.
Gilles Deleuze là một trong những nhà tư tưởng giàu trí tưởng tượng và
độc đáo nhất của nước Pháp thời hậu chiến. Là nhà giáo trọn đời, ông đã dành phần
lớn sự nghiệp của mình tại Đại học Paris VIII, ông có ảnh hưởng lớn đến nhiều thế
hệ sinh viên nhưng lại tránh xa danh xưng trí thức đại chúng.
Những cuốn sách phức tạp và sáng tạo của ông pha trộn
giữa triết học, văn chương, điện ảnh và chính trị – không nhằm đưa ra câu trả lời
rõ ràng, mà là để khơi dậy những lối tư duy mới.
Tái
bút về Xã hội kiểm soát, xuất bản cách đây 35 năm trên tạp chí phản văn
hóa [countercultural] L’Autre Journal là tác phẩm thể hiện một Deleuze dễ tiếp cận
và đậm tính tiên tri nhất.
Được viết vào thời điểm Chiến tranh Lạnh đang đi đến hồi kết, máy tính trở nên phổ biến hơn và Internet bắt đầu kết nối các tổ chức, bài luận mô tả sự xuất hiện của một loại xã hội mới – một xã hội không bị cai trị bởi một giọng nói nghiêm khắc duy nhất mà bằng tiếng ro ro nhẹ nhàng của các mạng lưới.
Các xã hội vận hành như thế
nào
Tái bút này được viết như một bản
cập nhật cho công trình của Michel Foucault, người cùng thế hệ với
Deleuze, đã qua đời năm 1984. Deleuze gọi đây là “tái bút” không chỉ vì tính ngắn
gọn của nó (chỉ khoảng 2.300 từ khi dịch sang tiếng Anh) mà còn để nhấn mạnh rằng
ông không bác bỏ Foucault, mà chỉ phát triển dựa trên công trình của ông ấy.
![]() |
Gilles Deleuze. Tintinade /Wikimedia Commons, CC BY-NC-SA |
Từ thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20,
Foucault đã lập luận rằng, xã hội phương Tây là “xã hội kỷ luật”. Trường học,
nhà máy, nhà tù và bệnh viện – những thể chế với tường vây, thời gian biểu, nề
nếp và kỳ vọng rõ ràng – đã nhào nặn hành vi. Mọi người được đào tạo,
quan sát, kiểm tra và sửa sai khi họ chuyển từ thể chế này sang thể chế khác.
Đọc thêm: ‘Một kiệt tác đen tối’ của Foucault ở tuổi 50: Kỷ
luật và Trừng phạt
Nhưng vào cuối thế kỷ 20, Deleuze
thấy có gì đó đang dịch chuyển. Ông cho rằng các thể chế kỷ luật cũ kỹ, cứng nhắc
đang “rơi vào một cuộc khủng hoảng chung” do những tiến bộ công nghệ và một
hình thức chủ nghĩa tư bản mới đòi hỏi người lao
động và người tiêu dùng phải linh hoạt hơn.
Các hệ thống quản lý và công nghệ
mới bắt đầu tái định hình con người mà không cần đưa họ qua các thể chế truyền
thống. Ví dụ, Deleuze đã viết như thể thấy trước tương lai rằng “đào tạo liên tục
có xu hướng thay thế trường học, và sự kiểm soát liên tục thay thế cho các kỳ
thi”.
Trong kinh doanh, ông thấy ý tưởng
“lương theo năng lực” đang ngày càng lớn mạnh, biến công việc thành “các thách
thức, các cuộc thi đua và những buổi họp nhóm cực kỳ buồn cười” – một điều gì
đó trái ngược hẳn với mô hình cũ về mức lương chuẩn và dây chuyền lắp ráp. Các thể chế chính phủ
truyền thống như bệnh viện và nhà máy cổ điển lúc đó đang áp dụng mô hình tập
đoàn, luôn bị thúc đẩy bởi động cơ lợi nhuận và nhu cầu về các công cụ tốt hơn
cho con người.
Theo Deleuze, tất cả những điều
này có nghĩa là mọi người đang trở nên “trôi nổi tự do” hơn – họ vẫn có thể giữ
những vai trò có ích cho xã hội chỉ khác là giờ đây họ được nhẹ nhàng dẫn dắt để
chọn các vai trò đó. Tuy nhiên, sự tự do lớn hơn này đòi hỏi một hệ thống mới để
giữ mọi người trong khuôn khổ. Ông gọi đây là sự “điều biến” [modulation] để nhấn
mạnh bản chất năng động, bao trùm của nó.
Tựa như cú hích, nhưng ở khắp
mọi nơi
Deleuze mô tả sự điều biến là “một
cái khuôn tự biến dạng và liên tục thay đổi từng giây phút”. Ông có ý nói rằng mọi
người đang bắt đầu sống trong một môi trường mà mọi thứ sẽ thay hình đổi dạng để
khuyến khích hoặc gây nản lòng nhằm lái chúng ta theo hướng phù hợp mà không cần
dựng những rào cản rõ ràng.
Một ví dụ điển hình cho thấy sự
điều biến đã trở thành chuyện thường chính là cú hích – sử dụng các kỹ thuật tâm lý, thường tinh vi và dựa
trên dữ liệu, để định hình hành vi của mọi người.
Phương pháp cú hích không thực sự tồn tại vào năm
1990, nhưng các chính phủ và công ty công nghệ hiện
nay sử dụng các cú hích mọi lúc. Chúng ta được khuyến khích ăn uống lành mạnh
hơn, mua sắm, tiết kiệm, tái chế, quyên góp. Các trang web sử dụng “các mô hình tối” – các mánh lới thiết kế nhằm
định hướng (hoặc đẩy nhẹ) chúng ta đến những lựa chọn nhất định. Bảng tin mạng
xã hội sử dụng thuật toán để hạn chế tài khoản (ngăn chặn hoặc hạn chế một người
dùng hoặc nội dung của họ được hiển thị, tương tác hoặc tiếp cận trên mạng xã hội
– ND) nếu chúng ta nói gì đó sai. Thực tế, có hàng loạt các nhóm nhà khoa học
hành vi vận hành trong hậu trường để thao túng đủ mọi khía cạnh đời sống chúng
ta.
Các cú hích có thể tốt và giúp
chúng ta tránh những lựa chọn tồi, nhưng việc phát hiện chúng vừa mới được chấp
nhận về mặt đạo đức (đôi khi được gọi là chủ nghĩa gia trưởng tự do) chính là manh
mối rõ ràng cho thấy xã hội kiểm soát của Deleuze đã đến.
Sự kiểm soát nằm trong túi của
bạn
Deleuze, mất năm 1995, đã viết Tái
bút từ trước khi điện thoại thông minh ra đời, nhưng ông đã thấy trước rằng một
thứ “gông cổ điện tử” sẽ giữ vai trò trung tâm trong xã hội. Ông hình dung ra một
“máy tính theo dõi vị trí của mỗi người – hợp pháp hoặc bất hợp pháp – và đem lại
sự điều biến phổ quát”.
Điện thoại thông minh còn giống hơn cả
mong đợi. Hiểu theo phương pháp kỷ luật cũ, chiếc điện thoại theo dõi chúng ta
đi đâu, tìm kiếm gì, mua sắm ra sao, bước bao nhiêu bước chân, thậm chí cả chất
lượng giấc ngủ. Nhưng nếu áp dụng ý tưởng của Deleuze vào những thiết bị này,
giám sát cặn kẽ không còn là chức năng quan trọng nhất của chúng nữa. Điện thoại
của chúng ta hiển thị và tuyển chọn các lựa chọn.
Kết quả là, chúng định hình cách
chúng ta nhìn thế giới. Ví dụ, khi bạn lướt tin tức hoặc mạng xã hội, bạn đang
đọc về một phiên bản thế giới được xây dựng riêng cho bạn, được thiết kế để giữ
bạn tiếp tục xem, nhấp chuột, phản ứng – và khiến bạn ngày càng nhạy bén trong
việc nhận diện hành vi chấp nhận được hay nguy hiểm.
Theo thuật ngữ của Deleuze, đây
là sự điều biến thuần túy: không phải một chữ “Không” cứng rắn mà là câu nói nhẹ
nhàng “Còn cái này thì sao?”. Điện thoại không khóa bạn lại – nó kéo bạn vào.
Nó định hình những gì bạn nhìn thấy, khen thưởng sự hợp tác của bạn, phớt lờ sự
im lặng của bạn và không ngừng ghi nhớ. Và nó làm thế 24/7. Bạn có thể mở khóa điện
thoại hàng trăm lần một ngày. Và cứ mỗi lần như
vậy là nó được cập nhật để dẫn đường cho động thái tiếp theo của bạn một cách chính
xác hơn.
Đồng thời, điện thoại âm thầm biến
chúng ta thành một bộ thông tin xác thực hữu ích để quản lý quyền truy cập vật
lý vào nơi làm việc, tài khoản ngân hàng, thông tin: Trong xã hội kiểm soát,
Deleuze viết, “điều quan trọng không còn là chữ ký hay con số, mà là mã: mã này
chính là mật khẩu”.
Điểm dữ liệu chứ không phải
con người?
Deleuze đã cảnh báo rằng, trong một
xã hội kiểm soát: “Các cá thể đã trở thành các ‘phân thể’ [dividuals], và quần chúng đã trở
thành mẫu, dữ liệu, thị trường hoặc ‘ngân hàng’.” Đối với Deleuze, một phân thể
là một người bị chuyển đổi thành một tập hợp các điểm dữ liệu và các chỉ số đo
lường.
Bạn là xếp hạng tín dụng, lịch sử tìm kiếm, lượt thích và lượt nhấp của mình – mỗi thể chế là một bộ dữ liệu khác nhau. Những mảnh ghép như vậy được sử dụng để đưa ra quyết định về bạn cho đến khi chúng thực sự thay thế bạn. Trên thực tế, đối với Deleuze, một phân thể đã nội tại hóa cách đối xử này, tự coi mình là giá trị tài sản ròng, quy mô khoản vay thế chấp, giá trị xe hơi – những mỏ neo tâm lý cho sự kiểm soát.
![]() |
Các cá thể có đang trở thành ‘phân thể’ không? gremlin/Getty images |
Ông minh họa quan điểm này bằng
lĩnh vực chăm sóc sức khỏe khi dự đoán một
loại thuốc
mới ‘không cần bác sĩ hay bệnh nhân’ chỉ tập trung vào những người có khả năng
mắc bệnh và những đối tượng có nguy cơ, điều này không hề chứng minh được sự cá
thể hóa.
Ngày nay có bao nhiêu quyết định
về sức khỏe được đưa ra cho chúng ta một cách tập thể trước cả khi ta gặp bác sĩ? Chúng ta nên
biết ơn những tiến bộ trong y tế công cộng và dịch tễ học, nhưng điều này chắc
chắn đã tác động đến tính cá thể của chúng ta và cách chúng ta được điều trị.
Khó phát hiện
Phần đáng lo ngại trong quan điểm
của Deleuze là kiểm soát thường không giống như kiểm soát. Nó thường được tô vẽ
thành sự tiện lợi, hiệu quả hoặc tiến bộ. Bạn cài camera video có kết nối
internet vì khi đó bạn có thể làm việc tại nhà. Bạn đồng ý với các điều khoản
và điều kiện dài dòng vì nếu không, ứng dụng ngân hàng của bạn sẽ không hoạt động.
Một vấn đề là không còn những rào
cản rõ ràng để chúng ta có thể phản kháng. Như Deleuze đã nói:
Trong xã hội kỷ luật, người ta
luôn phải bắt đầu lại (từ trường học đến doanh trại, từ doanh trại đến nhà
máy), trong khi trong xã hội kiểm soát, người ta không bao giờ hoàn thành bất cứ
việc gì.
Kiểm soát không phải lúc nào cũng
nghiền nát – nó có thể tạo điều kiện thuận lợi. Mạng lưới kỹ thuật số mang lại
sự tự do thực sự, khả năng kinh tế, thậm chí là niềm vui. Chúng ta di chuyển dễ
dàng hơn – cả về mặt tinh thần và địa lý – hơn bao giờ hết. Nhưng dù có di chuyển,
chúng ta vẫn luôn loanh quanh trong một loại bản đồ do chủ nghĩa tư bản vạch ra.
Đây không phải là âm mưu vì không
ai có toàn bộ bản đồ. Vì vậy, rất khó để xác định chính xác hành động nào cần
thực hiện, nếu có. Như Deleuze kết luận: “Những vòng cuộn của một con rắn thậm
chí còn phức tạp hơn cả đường hầm tổ chuột chũi.”
Vậy chúng ta có thể làm gì?
Phần phụ lục không đưa ra một
chương trình chính trị nào ngoài lời bình luận mỉa mai rằng:
Nhiều người
trẻ kỳ lạ khoe khoang rằng mình ‘có động lực’ […] Việc của họ là phải tự khám
phá ra xem họ đang bị bắt phải phục vụ cho cái gì.
Có nhiều cách để chống lại sự kiểm
soát. Một số người đòi hỏi nhiều quyền riêng tư hoặc quyền kỹ thuật số hơn. Những
người khác chọn cách không tham gia một cách có chọn lọc – đăng xuất, tắt máy,
từ chối bị huých. Một số người tìm đến nghệ thuật như là cách chống lại sự kìm
kẹp trơn tru của nó. Những hành động này – dù nhỏ bé – có thể mang lại điều mà
Deleuze và cộng sự của ông, bác sĩ tâm thần và triết gia người Pháp Félix Guattari, gọi là những đường vượt thoát: những nước đi sáng
tạo không chỉ chống lại sự kiểm soát mà còn vượt ra ngoài nó.
Tuy nhiên, thông điệp thực sự của
bài Tái bút là lời mời xem xét một góc nhìn không bao giờ cũ. Bất kỳ xã hội nào
cũng phải có cách khiến con người trở nên hữu ích. Vậy, chúng ta muốn một xã hội
như thế nào? Chúng ta sẵn sàng sống dưới những hạn chế nào? Và, điều cốt yếu
cho thời đại hiện nay, sự kiểm soát nên rõ ràng đến mức nào?
Tác giả
![]() |
Cameron Shackell |
Học thuật theo kỳ, Khoa Hệ thống
thông tin, Đại học Công nghệ Queensland
Tuyên bố công khai
Cameron Shackell không làm việc,
tư vấn, sở hữu cổ phần hoặc nhận tài trợ từ bất kỳ công ty hoặc tổ chức nào được
hưởng lợi từ bài viết này và không tiết lộ bất kỳ mối liên kết có liên quan nào
ngoài việc bổ nhiệm làm giáo sư.
Huỳnh Thị Thanh Trúc
dịch
Nguồn: Computers tracking us, an ‘electronic collar’: Gilles Deleuze’s 1990 Postcript on the Societies of Control was eerily prescient, The Conversation, June 17, 2025.