11.7.25

Tại sao đồng đô la Mỹ sẽ tiếp tục thống trị thế giới: địa chính trị của đồng tiền mã hóa ổn định

TẠI SAO ĐỒNG ĐÔ LA MỸ SẼ TIẾP TỤC THỐNG TRỊ THẾ GIỚI: ĐỊA CHÍNH TRỊ CỦA CÁC ĐỒNG TIỀN MÃ HOÁ ỔN ĐỊNH

Tác giả: Hubert de Vauplane[*]

Đồng tiền mã hoá không còn là một tài sản đầu tư nữa – đó là một phương tiện chi trả và thanh toán với khối lượng giao dịch từ nay vượt xa Visa và Mastercard.

Nhưng khi thực hiện những việc chuyển tiền, khi mua một ống kem đánh răng bằng tiền mã hoá ổn định, cộng đồng di dân Argentina và người nhân viên Việt Nam đang tài trợ cho nợ công của Mỹ. 

Ở châu Âu, chúng ta phải dự tính trước: để bảo vệ chủ quyền và khả năng cạnh tranh của chúng ta, về mặt chiến lược có lẽ cần nghĩ đến việc tạo ra một thị trường đồng tiền mã hoá ổn định bằng euro.

Hans Haacke, “Condensation Cube”, 1963-1967 © Adagp, Paris

_____________________________

Thế giới của các tài sản tiền mã hoá đang thay đổi quy mô. Từ khi Donald Trump trở lại nắm quyền, đồng tiền mã hoá trở thành một thị trường với nhiều chiều kích địa chiến lược. Giai đoạn giới mê công nghệ hoặc những kẻ lừa đảo sử dụng Bitcoin đang nhường chỗ cho một giai đoạn mới với tầng lớp mới những người năng động nhưng cũng là – và nhất là – một giai đoạn của sự biến đổi quyết liệt trong các cách sử dụng việc thanh toán. Thế nhưng bản chất kép này của những tài sản tiền mã hoá – như là tài sản như là phương thức thanh toán – làm đảo lộn những sơ đồ phân tích truyền thống. Đặc biệt đó là trường hợp khi ta nhìn diễn biến này dưới góc độ chiến lược vĩ mô – nghĩa là góc độ sự thống trị của đồng đô la trong nền kinh tế thế giới – bất chấp tác động của các mức thuế quan.

Đồng tiền mã hoá ổn định đang trở thành một phương tiện thanh toán

Chúng tôi đã trình bày trong những dòng này vai trò của đồng tiền mã hoá ổn định. Ta biết rằng các đồng tiền mã hoá ổn định là một loại tài sản mã hoá có đặc điểm riêng vì chúng đại diện cho tiền tệ hợp pháp, mặc dù không được hưởng lợi từ quy chế này – vì được phát hành bởi các tác nhân tư nhân. Nguyên tắc thật đơn giản: một công ty phát hành một khoản nợ, được thể hiện dưới dạng một tài sản bằng tiền mã hoá mà giá trị hoàn toàn dựa vào một đồng tiền hợp pháp – trong thực tế là đồng đô la Mỹ – vì lý do đối với mỗi khoản nợ được phát hành, chủ thể phát hành đầu tư hầu hết số tiền nhận được vào các trái phiếu chính phủ Mỹ. Như vậy, một chủ thể phát hành đồng tiền mã hoá ổn định bằng đô la Mỹ sẽ đầu tư các dự trữ của mình vào các trái phiếu chính phủ Mỹ.

Mặc dù trong những năm đầu mới xuất hiện, đồng tiền mã hóa ổn định chủ yếu được dùng để thực hiện sự kết nối giữa các đồng tiền hợp pháp và các tài sản mã hoá, để đầu tư bằng tài sản mã hoá thông qua các sàn giao dịch, vai trò của đồng tiền mã hoá ổn định đã được tăng cường mạnh mẽ, đặc biệt là kể từ cuộc khủng hoảng Covid-19. Từ một công cụ đơn giản là chuyển đổi giữa một đồng tiền hợp pháp và một tài sản mã hoá, đồng tiền mã hoá ổn định đã trở thành một đối chọn càng ngày càng đáng tin cậy đối với những thanh toán truyền thống – dù đó là thanh toán trực tiếp cho những người buôn bán hay là thanh toán trên các sàn giao dịch tài sản mã hoá.

Những lợi ích của đồng tiền mã hoá ổn định đã được biết rất rõ:

  • Nhanh chóng: các giao dịch được thực hiện trong vòng vài giây, so với nhiều ngày trong hệ thống ngân hàng truyền thống.
  • Phí tổn: những chi phí giao dịch với đồng tiền mã hoá ổn định là rất nhỏ, và người ta ước tính rằng việc dùng đồng tiền mã hoá ổn định giúp giảm ít nhất là 80% các chi phí so với các giao dịch chuyển tiền theo cách truyền thống. Một nghiên cứu của Ngân hàng thế giới nêu rõ rằng ở châu Phi phí chuyển 200 đô la thông qua các mạng lưới chuyển tiền truyền thống lên đến 8,3% số tiền cần chuyển, trong khi cùng số tiền ấy nếu chuyển thông qua đồng tiền mã hoá ổn định chỉ tốn phí 0,1% - nghĩa là một sự khác biệt lên đến 98%[1].
  • Minh bạch: Đồng tiền mã hoá ổn định sử dụng những phương tiện được xây dựng trên blockchain (chuỗi khối), điều này cho phép, trái ngược với tiền mặt, ghi chép rõ ràng và có thể kiểm chứng các giao dịch.
  • Tiếp cận dễ dàng: tiền mã hoá ổn định chỉ cần kết nối với Internet để hoạt động – và không cần một tài khoản ngân hàng.

Đồng tiền mã hoá ổn định có một chức năng kép: chức năng một tài sản thanh toán và chức năng một phương thức thanh toán, điều này làm phức tạp thêm các so sánh và phân tích.

Từ một công cụ đơn giản là chuyển đổi giữa một đồng tiền hợp pháp và một tài sản mã hoá, đồng tiền mã hoá ổn định đã trở thành một đối chọn càng ngày càng đáng tin cậy đối với những thanh toán truyền thống.

HUBERT DE VAUPLANE

Năm 2024, khối lượng các giao dịch bằng đồng tiền mã hoá ổn định đã lên đến gần 33.000 tỷ đô la trong một năm, hoặc gần 100 tỷ đô la mỗi ngày, nghĩa là cao hơn nhiều so với giá trị các giao dịch được thực hiện bởi các hệ thống thanh toán như Visa (khoảng 40 tỷ đô la giao dịch hàng ngày) và Mastercard (khoảng 25 tỷ đô la). So sánh với khối lượng hàng ngày trên thị trường hối đoái nơi khối lượng tiền tệ được xử lý là 7.500 tỷ đô la, là không thích đáng lắm vì thị trường này được sử dụng với tư cách là thương mại quốc tế.

Khó khăn nằm ở việc phân định giữa những giao dịch gắn với một phương thức thanh toán bán lẻ và những giao dịch gắn với một tài sản thanh toán trên các sàn giao dịch.

Thật vậy, khối lượng các giao dịch đồng tiền mã hoá ổn định vẫn còn bị thống trị rất nhiều bởi việc sử dụng đồng tiền mã hoá ổn định như một tài sản thanh toán trên các sàn giao dịch các tài sản tiền mã hoá. Một nghiên cứu gần đây do Visa tiến hành chỉ ra rằng trong tổng số 100 tỷ đô la về giao dịch đồng tiền mã hoá ổn định hàng ngày, đại bộ phận xuất phát từ các giao dịch tự động (robot trading) và các hoạt động giao dịch trên các nền tảng tài sản tiền mã hoá[2]. Theo một nghiên cứu khác, khoảng 70% tổng khối lượng liên quan đến những giao dịch trên các sàn giao dịch với tư cách là những tài sản thanh toán[3]. Do đó, dù chỉ tính riêng khối lượng các giao dịch bên ngoài các sàn giao dịch tài sản tiền mã hoá, ta sẽ tính được từ 10 đến 20 tỷ đô la được giao dịch hàng ngày dưới danh nghĩa phương thức thanh toán – nghĩa là từ một phần năm đến một phần tư khối lượng giao dịch của Visa và MasterCard. Tuy nhiên vẫn rất khó để ước tính phần của khối lượng liên quan đến các hoạt động thanh toán và các hoạt động chi trả[4].

Như vậy, các đồng tiền mã hoá ổn định không phải – hoặc không còn là – là những tài sản đầu tư – trái ngược với Bitcoin chẳng hạn – mà là những phương thức thanh toán hay những tài sản thanh toán. Do đó, không nên thêm các nợ chưa đáo hạn của đồng tiền mã hoá ổn định vào vốn hoá thị trường của những tài sản mã hoá khác - 2.500 tỷ[5] - mà nên so sánh chúng với đồng tiền hợp pháp đang lưu hành. Để chỉ đề cập đến riêng tiền giấy và tiền xu (fiduciaire-tiền tín dụng-), vào ngày 1 tháng tư năm 2025, tổng số các loại tiền giấy và tiền xu bằng đô la Mỹ là 2.300 tỷ[6] - đồng tiền mã hoá ổn định đã chiếm 10% số kết kế toàn bằng đồng đô la đang lưu hành. Số kết kế toan này bằng đồng tiền tín dụng Mỹ là ổn định từ năm 2022, nhưng nó đã gia tăng mạnh từ năm 2020 là thời điểm nó mới lên đến 1.800 tỷ. 

Ở đây cũng vậy, những so sánh là khá tế nhị vì tiền tín dụng không được sử dụng như tài sản thanh toán mà chỉ duy nhất như là phương thức thanh toán. Dù sao, sự tăng trưởng của vốn hoá thị trường đồng tiền mã hoá ổn định lại còn mạnh hơn nữa.Ta cũng có thể xem là việc chấp nhận một khuôn khổ thanh toán rõ ràng ở Mỹ sẽ khiến nhiều ngân hàng Mỹ phát hành đồng tiền mã hoá ổn định của riêng họ, cũng như nạp tiền điện tử – là các khoản tiền gửi ngân hàng được thể hiện bởi một token (jeton) trên blockchain, cho phép nhiều cách sử dụng khác nhau các khoản tiền gửi này. Những lý do khác nhau này giải thích tại sao các đồng tiền mã hoá ổn định đang thay đổi thực trạng này. 

Năm 2024, khối lượng các giao dịch bằng tiền mã hoá ổn định đã lên đến gần 100 tỷ đô la mỗi ngày, nghĩa là cao hơn nhiều so với giá trị các giao dịch được thực hiện bởi các hệ thống thanh toán như Visa (khoảng 40 tỷ đô la giao dịch hàng ngày) và Mastercard (khoảng 25 tỷ đô la).

HUBERT DE VAUPLANE

Đồng tiền mã hoá ổn định có thể trợ giúp tài trợ cho nợ công của Mỹ như thế nào?

Đồng tiền mã hoá ổn định sẽ đóng một vai trò rất quan trọng trên một phương diện khác: tài trợ cho thâm hụt ngân sách của Mỹ.

Đặc biệt điều này giúp giải thích một số quyết định chính trị của Mỹ. Vào tháng 1 ngăm 2025, tổng thống Trump đã ký một sắc lệnh mang tên “tăng cường sự lãnh đạo của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ tài chính kỹ thuật số”[7], chính thức ủng hộ đồng tiền mã hoá ổn định dựa vào đô la, đồng thời bác bỏ các đồng tiền mã hoá do chính phủ phát hành (CBDC/MNBC - Central Bank Digital Currency/). Chính quyền Mỹ đã chọn một quan điểm rõ ràng: các CBDC/MNBC không được phát triển hoặc chấp nhận ở Mỹ, và ngược lại đồng tiền mã hoá ổn định phải được phát huy. Từ sắc lệnh này diễn ra các dự luật hiện đang được thảo luận tại Thượng Viện Mỹ, đáng chú ý là dự luật GENIUS.

Những con số chóng mặt của thâm hụt ngân sách và nợ công của Mỹ đã được mọi người biết đến. Thâm hụt ngân sách lên tới 1.833 tỷ đô la năm 2024 – nghĩa là 6,4% GDP. Còn nợ công lên đến 36.000 tỷ đô la – nghĩa là khoảng 100% GDP. Cho đến hiện nay, nước Mỹ không có khó khăn trong việc tài trơ những số tiền như vậy, nhờ điều mà mà ta gọi là sự tài trợ cho “ cán cân cơ bản ”, nghĩa là cán cân vào-ra các ngoại tệ vẫn là dương ở Mỹ (trái ngược với châu Âu). Những chủ nợ công của Mỹ là Nhật Bản (1.079 tỷ), Trung Quốc trừ Hong- Kong (760 tỷ), Anh Quốc (740 tỷ), Luxembourg (409 tỷ), Quần đảo Cayman (404 tỷ) – nước Pháp ở vị trí thứ tám (335 tỷ)[8].

Tuy nhiên, ta nhận thấy rằng những dữ liệu này đã trải qua một biến chuyển mạnh. Không những phần của Trung Quốc đã giảm trong vòng mười năm gần đây – thực vậy, cách đây chừng mười năm, Trung Quốc còn chiếm đến một phần tư số chủ nợ - nhưng ta cũng thấy xuất hiện những chủ nợ mới. 

Nếu ta không còn tập trung vào chủ những món nợ có thể chuyển nhượng được mà nhắm vào những người mua trong những tháng gần đây, vào năm 2024 chủ thể phát hành đồng tiền mã hoá ổn định là Tether đã trở thành đơn vị mua tín phiếu kho bạc ngắn hạn (Treasury Bills) đứng hàng thứ bảy trong một năm[9] - hai tổ chức mua lớn nhất là Quần đảo Cayman và Luxembourg, nơi có nhiều quỹ đầu tư. Vào ngày 31 tháng ba năm 2025, số 250 tỷ đô la tiền mã hoá ổn định đang lưu hành – trong đó 97% là bằng đô la Mỹ - đã phải đầu tư chừng 70% dự trữ bằng tín phiếu kho bạc ngắn hạn (Treasury Bills) – chủ yếu là nhằm để tránh rủi ro bị chuyển đổi – hoặc bằng trái phiếu kho bạc dài hạn (Treasury Bonds), tức là 175 tỷ đô la.

Đây vẫn còn là một số tiền nhỏ so với 2.500 tỷ đô la Mỹ được phát hành mỗi tháng, và so với tổng cộng nợ có thể chuyển nhượng được là 28.000 tỷ đô la. Tuy nhiên, nếu ta dự đoán một quá trình dân chủ hoá đồng tiền mã hoá ổn định – đặc biệt là việc hình thành một môi trường được điều tiết nhiều hơn với luật GENIUS sắp tới của Mỹ hiện đang được thảo luận tại Thượng Viện Mỹ - một số người dự báo cho năm 2030 một khối lượng đồng tiền mã hoá ổn định được lưu hành là từ 750 đến 1.500 đô la Mỹ. Trong một kịch bản như vậy, vai trò của những chủ thể phát hành đồng tiền mã hoá ổn định với tư cách là những chủ thể mua trái phiếu chính phủ Mỹ lúc đó sẽ hoàn toàn khác, bởi vì những chủ thể phát hành chính của đồng tiền mã hoá ổn định cũng sẽ là những người mua chính yếu tín phiếu kho bạc ngắn hạntrái phiếu kho bạc dài hạn.

Do đó, ta hiểu rằng Mỹ đặc biệt quan tâm tạo thuận lợi cho sự phát triển của đồng tiền mã hoá ổn định như là một công cụ bổ sung về tài trợ cho nợ công thông qua các thực thể tư nhân Mỹ - và như vậy là dưới một sự kiểm soát nhất định của chính quyền Mỹ vì những thực thể này được điều tiết như những tổ chức tài chính. Lại càng đúng hơn trong trường hợp ngày nay khi những chủ sở hữu đồng tiền mã hoá ổn định, khoảng hơn ba phần tư, là những thể nhân không phải là người Mỹ.

Một số người dự báo cho năm 2030 một khối lượng đồng tiền mã hoá ổn định được lưu hành sẽ là từ 750 đến 1.500 đô la Mỹ.

HUBERT DE VAUPLANE

Nói cách khác, hình thức tài trợ thâm hụt ngân sách công này của Mỹ sẽ được thực hiện một phần, không phải do quỹ trợ cấp lính cứu hoả ở Arkansas, nha sĩ Bỉ hay các ngân hàng trung ương đang nắm giữ đồng đô la – thông qua một quỹ trợ cấp, một sản phẩm bảo hiểm nhân thọ hoặc tương đương, hay một tài khoản dự trữ tiền tệ của ngân hàng trung ương – nhưng do người bán hàng tạp hoá ngoài chợ ở Istanbul, thậm chí là do một goá phụ ở Bangkok hay ở Rio de Janeiro.

So với mẫu hình truyền thống về tài trợ thâm hụt ngân sách công dựa trên những tổ chức đầu tư phát hành các chứng chỉ tiền gửi tiết kiệm dài hạn, sự mới lạ nằm ở chỗ là chính những thể nhân, hay những thương gia nhỏ trực tiếp chịu rủi ro của nợ công của Mỹ. Họ không thông qua các tổ chức đầu tư, và hơn nữa, ngay cả động lực của họ cũng không phải là đầu tư – trái ngược với các sản phẩm tiết kiệm do các định chế đầu tư phát hành – mà là thanh toán. 

Thực vậy, một đồng tiền mã hoá ổn định trước hết là một phương thức thanh toán trước khi trở thành một sản phẩm đầu tư. Do đó, khi chuyển tiền hoặc khi mua một ống kem đánh rằng bằng tiền mã hoá ổn định, cộng đồng di dân Argentina và người nhân viên Việt Nam đang tài trợ cho nợ công của Mỹ.

Tiết kiệm ngắn hạn có sẵn, thay vì được tích trữ bằng tiền mặt của quốc gia, lại được đổi sang đồng tiền mã hoá ổn định – nghĩa là đổi sang đồng đô la.

Một cuộc cách mạng trong hoạt động chuyển tiền

Các luồng giao dịch xuyên biên giới trong các cộng đồng nhập cư khác nhau có thể ngã về đồng tiền mã hoá ổn định, khiến những tác nhân như Moneygram hay Western Union phải đặt lại vấn đề về mô hình kinh doanh của họ. 

Ở một mức độ nhẹ hơn, những tổ chức tác nghiệp chính của các mạng lưới thanh toán như Visa, MasterCard, kể cả PayPal, cũng lo lắng về sự vươn lên mạnh mẽ của việc thanh toán dưới hình thức tiền mã hoá ổn định. Một khi hiện tượng này lan rộng, các doanh nghiệp có thể hướng đến việc lựa chọn tiền mã hoá cho những giao dịch chuyển tiền quốc tế, điều này phải gợi cho Swift, và nói chung là hoạt động ngân hàng đại lý (correspondant banking) của các ngân hàng phải suy nghĩ.

Những dự phóng về khối lượng lại càng hấp dẫn hơn nữa.

Theo những ước lượng chuyên nghiệp về thanh toán[10], thị trường thế giới về những thanh toán xuyên quốc gia có thể lên đến khoảng 320.000 tỷ đô la Mỹ từ đây đến năm 2032. Thị trường thanh toán lẻ xuyên quốc gia, ước khoảng 40.000 tỷ đô la Mỹ năm 2025, sẽ tăng trưởng 62% để đạt đến 65.000 tỷ từ đây đến năm 2032. 

Những giao dịch xuyên biên giới thông qua các tác nhân truyền thống làm phát sinh thêm phí từ 1,5% đến 6% số tiền giao dịch. Thế nhưng, như đã nói ở trên, người ta ước tính rằng giao dịch thông qua tiền mã hoá ổn định giúp tiết kiệm ít nhất là 80% phí giao dịch[11]. Cũng cần xem xét sự giảm thiểu số tiền bị giữ lại trong các tài khoản này (gọi là các tài khoản Nostro hay Vostro): chuyển 1% của 10.000 tỷ đô la bị giữ lại trong các tài khoản sẽ giải phóng 100 tỷ đô la có tính thanh khoản cao (có khả năng chi trả)[12]. Ở đây có một thách thức cho các nghề ngân hàng và đặc biệt là ngân hàng đại lý.

Khi chuyển tiền hoặc khi mua một ống kem đánh rằng bằng tiền mã hoá ổn định, cộng đồng di dân Argentina và người nhân viên Việt Nam đang tài trợ cho nợ công của Mỹ.

HUBERT DE VAUPLANE

Chuyển tiền xuyên biên giới thông qua đồng tiền mã hoá ổn định đang có bước tăng trưởng chưa từng thấy, đặc biệt là ở những nước bị lạm phát rất cao hoặc có những rủi ro chính trị cao[13].

Thực vậy, đồng tiền mã hoá ổn định là một cách để chủ sở hữu bảo vệ tính thanh khoản và tiền tiết kiệm của mình, nhằm tránh những tác động của sự phá giá đồng tiền địa phương hay những rủi ro chính trị. Thế thì ta có thể hình dung được những hệ quả xảy ra cho việc chuyển chỉ một phần trong số 117.000 tỷ tiền gửi ngân hàng bằng đồng tiền mã hoá ổn định bằng đô la[14].

Một công cụ thuận lợi cho các ngân hàng Mỹ?

Một khi dự trữ bằng tiền mã hoá ổn định phải được lưu giữ trong các tài khoản ngân hàng, thì một cách tiên nghiệm chính các ngân hàng Mỹ sẽ quản lý các tài khoản dự trữ này. 

Dần dần với sự phát triển của thị trường đồng tiền mã hoá ổn định, những ngân hàng lớn nhất của Mỹ sẽ có khả năng đề nghị với các chủ thể phát hành tiền mã hoá ổn định những dịch vụ khác, như tiếp cận repo market (giao dịch mua lại), tiếp cận thị trường tiền tệ và các công cụ phòng ngừa rủi ro và các dịch vụ bảo quản các loại chứng chỉ. 

Tiềm năng thể chế hoá đồng tiền mã hóa ổn định cần thiết lập một sự điều tiết rõ ràng, vì nếu không có sự điều tiết này ngân hàng cũng như doanh nghiệp sẽ không đầu tư mạnh vào phương thức chuyển tiền và thanh toán mới này. 

Đó là điều mà nước Mỹ đang thực hiện. 

Việc chuyển tiền ồ ạt từ những ngân hàng ngoài Mỹ đến ngân hàng Mỹ nơi phát hành đồng tiền mã hoá ổn định bằng đô la Mỹ sẽ đem lại nguồn tiền có tính thanh khoản cao với giá rẻ, tăng cường năng lực tài chính và đầu tư của các cơ sở này. 

Thực vậy, về phương diện mô hình kinh doanh, hoạt động phát hành đồng tiền mã hoá ổn định đem lại nguồn lợi lớn với rủi ro vừa phải – rủi ro phải đối mặt với những yêu cầu hoàn trả. Các khoản tiền thu được từ việc phát hành các token tiền tệ thường không sinh lợi, hoặc rất ít, trong khi cùng những khoản tiền đó lại được đầu tư vào các quỹ dự trữ, phần lớn là vào các công cụ sinh lợi như tín phiếu kho bạc ngắn hạn, trái phiếu kho bạc dài hạn hay các quỹ tiền tệ. Do đó, cơ sở nhận được những khoản tiền gửi không hoặc ít sinh lợi, và giữ những thu nhập do khoản tiền gửi này tạo ra. Tình trạng này có thể so sánh được với một quỹ tiền tệ không phân phối bất kỳ thu nhập nào của quỹ cho các nhà đầu tư. 

Điều này giải thích tại sao đơn vị phát hành tiền mã hoá ổn định quan trọng nhất – 145 tỷ đô la – sinh lợi hơn 13 tỷ mỗi năm chỉ với khoảng 100 nhân viên[15] - nghĩa là bằng mức thu nhập của BNP Paribas vào năm 2024… với 190.000 nhân viên. 

Vấn đề thu lợi dưới dạng tiền lãi của các đồng tiền mã hoá ổn định là một yếu tố then chốt của mô hình kinh doanh và quản lý rủi ro. 

Do đó, quy định của châu Âu Markets in Crypto-Assets (MiCA) cấm các chủ thể phát hành đồng tiền mã hoá ổn định tạo lợi nhuận cho các token tiền điện tử - điều này có phần giải thích tại sao Tether không muốn bị điều tiết ở châu Âu. Tương tự như vậy, dự luật GENIUS của Mỹ đã được nói đến ở trên, cũng phải cấm mọi hình thức trả tiền lãi. 

Đó cũng là quan điểm của U.S. Securities and Exchange Commission (SEC) ngày 4 tháng tư năm 2025 trong tuyên bố của uỷ ban này liên quan đến khả năng của đồng tiền mã hoá ổn định, nhằm mục đích gạt bỏ mọi khả năng của đồng tiền này như là chứng khoán (“securities”)[16].

Nhờ cách mạng kỹ thuật số của tiền tệ, không phải là “phi đô la hoá” như đôi khi được nêu ra, trong vài năm tới ta có thể chứng kiến một sự tăng cường vai trò của đồng đô la trong nền kinh tế thế giới.

HUBERT DE VAUPLANE

Như vậy, luật pháp sung công tiền lãi của các chủ thể gánh chịu rủi ro, nghĩa là các chủ thể sở hữu đồng tiền mã hoá ổn định. Mặc dù quan điểm này là có lợi cho các ngân hàng, nó vẫn khó có thể chấp nhận được khi mà các tài khoản tiền gửi ở ngân hàng đều có thể có tiền lãi. Tất nhiên, tiền tệ không tự nó làm ra lợi nhuận, nhưng đồng tiền mã hoá ổn định lại không phải là đồng tiền hợp pháp. 

Các chủ ngân hàng Mỹ đã hiểu rất rõ những lợi ích họ có thể rút ra từ việc phát hành đồng tiền mã hoá ổn định. Hãy nêu ví dụ phát biểu của Brian Moyniham, chủ tịch của Bank of America:

“Nên nghĩ về vấn đề này trên ba chiều kích: vấn đề blockchain (chuỗi khối); vấn đề loại đồng tiền mã hoá ổn định; Bitcoin – và những loại khác. Khá rõ là sẽ không có một đồng tiền mã hoá ổn định nào hoàn toàn dựa vào đồng đô la, điều này không khác gì một quỹ của thị trường tiền tệ (…) Không thực sự khác một tài khoản ngân hàng (…) Nếu việc này được hợp pháp hóa, chúng tôi sẽ tham gia vào hoạt động này. Vậy là bạn sẽ có một token của Bank of America và một tài khoản tiền gửi bằng đô la Mỹ tại Bank of America, và chúng tôi có thể chuyển token và đô la theo cả hai chiều.”

Một cuộc cách mạng của thị trường có thể gặp các cơn khủng hoảng

Cũng như trong mọi sự gián đoạn, diễn biến này của thị trường thanh toán sẽ diễn ra với những va chạm và khủng hoảng.

Như vậy, rủi ro đầu tiên là rủi ro của một “bank run” (“rút tiền hàng loạt”) hướng đến các chủ thể phát hành đồng tiền mã hoá ổn định trong trường hợp mất lòng tin, hoặc khủng hoảng tài chính như trường hợp đã xảy ra do thiếu sót của Terra Luna vào tháng năm 2022[17]. Một rủi ro khác là rủi ro của những hệ quả của sự phá sản các ngân hàng đang bảo quản các dự trữ của các chủ thể phát hành đồng tiền mã hoá ổn định, cho dù các dự trữ được bảo vệ về mặt pháp lý. Đó là điều mà ta đã nhận thấy vào tháng ba năm 2023 từ sự phá sản của Silicon Valley Bank[18]. Cuối cùng, rõ ràng là có rủi ro lây lan đến lĩnh vực tài chính truyền thống khi các hoạt động của các chủ thể phát hành đồng tiền mã hoá ổn định trở nên có tính hệ thống, đặc biệt là khi chính các chủ thể phát hành này lại là các ngân hàng.

Tuy nhiên, bất chấp những biến động mạnh có thể xảy ra, ta vẫn đang tiến đến một thế giới khác về vấn đề thanh toán. Không phải là tiến đến một “ quá trình phi đô la hoá nền kinh tế thế giới” – bất chấp những cố gắng của nhóm BRICS với dự án đồng tiền chung, hay của Trung Quốc với đồng tiền kỹ thuật số riêng mà những viễn cảnh sử dụng đại trà chậm được cụ thể hoá – ngược lại, ta có thể chứng kiến một sự tăng cường việc sử dụng đồng đô la trong nền kinh tế thế giới nhờ cuộc cách mạng kỹ thuật số của tiền tệ. Điều này sẽ được thực hiện với lợi ích to lớn của sự tài trợ cho nợ công của Mỹ, và giúp cho các ngân hàng của Mỹ tăng cường uy lực.

Và đồng euro kỹ thuật số?

Trong thời gian đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu làm gì? Ngân hàng trung ương châu Âu tiếp tục chuẩn bị tung ra đồng euro kỹ thuật số bán lẻ dành cho công chúng, nhân danh chủ quyền tiền tệ của đồng euro

Tất nhiên, Ngân hàng trung ương châu Âu cũng thúc đẩy phát triển đồng euro kỹ thuật số như là tài sản thanh toán – nghĩa là đồng tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương, cho những nhu cầu giao dịch trên các thị trường tài chính giữa các ngân hàng tham gia vào các hệ thống thanh toán bù trừ (clearing) của châu Âu với tư cách là một tài sản thanh toán. Từ quan điểm này, sáng kiến của Ngân hàng Trung ương cần được đón chào một cách tích cực. 

Nhưng dự án đồng euro kỹ thuật số được cho là cùng tồn tại với một mặt là tiền giấy và mặt khác là các phương tiện thanh toán được thiết lập bởi các ngân hàng, không đáp ứng các thách thức địa chiến lược được nêu ra trong nghiên cứu này. 

Ngoài việc tiếp nhận một đồng euro bán lẻ kỹ thuật số chỉ được rất ít người hào hứng đón nhận trong dân chúng và trong chính các tác nhân tài chính, sự tiếp nhận này tập trung năng lượng và các phương tiện cho một mục tiêu không có tính chiến lược. 

Quả thực, trái với diễn ngôn phổ biến của ngân hàng trung ương châu Âu, chủ quyền tiền tệ trong việc dùng đồng euro hàng ngày tuyệt đối không bị đe doạ, ví lý do khả năng thích nghi của các hệ thống thanh toán ở châu Âu. 

Vấn đề thực sự của chủ quyền là vấn đề được đặt ra bởi sự thống trị của Visa và MasterCard như là hệ thống thanh toán ở châu Âu – đồng euro như đang được thiết kế không thể trả lời câu hỏi này. 

Trong những điều kiện này, có lẽ tốt hơn là Hội đồng châu Âu và Quốc hội châu Âu nên hoãn dự án đồng euro kỹ thuật số. Ngoài ra, Ngân hàng trung ương châu Âu phải nghiên cứu một cách kỹ lưỡng những hệ quả của sự phát triển đồng tiền mã hoá ổn định bằng đô la Mỹ đối với khả năng cạnh tranh của các ngân hàng châu Âu, và suy nghĩ về việc điều chỉnh quy tắc MiCA để xây dựng một thị trường đồng tiền mã hoá ổn định bằng euro.

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:Pourquoi le dollar américain va continuer à dominer le monde : géopolitique des stasblecoins”, Le grand continent, 7.4.2025.

----

Bài có liên quan: Chủ nghĩa trọng thương thời đại tiền mã hóa: học thuyết kinh tế của Donald Trump




Chú thích:

[*] Hubert de Vauplane giảng dạy luật ngân hàng và luật tài chính quốc tế tại IEP Paris (Institut d'études politiques Paris). Ngoài ra, ông là chuyên gia của AMF (Autorité des Marchés Financiers - cơ quan quản lý thị trường tài chính của Pháp -), của Uỷ ban châu Âu và Ngân hàng trung ương châu Âu. Ông cũng là thành viên của nhiều nhóm chuyên gia tư vấn hàng đầu của thị trường tài chính như Financial Market Law Committee, Paris Europlace, P.R.I.M.E. (Panel of Recognized International Market Experts in Finance) và le Haut Comité Juridique de la Place Financière de Paris

[1] Remittance Prices Worldwide, Banque mondiale, septembre 2024.

[3] Stablecoin Landscape: What 2024 Reveals About 2025?”, Illya Otychenko, CEX.IO, 31 janvier 2025.

[4] Stablecoin — statistics & facts, Raynor de Best, Statista, 21 mars 2025.

[5] Aperçu du marché des cryptos, CoinMarketCap, 2025.

[9] Paolo Ardoino sur X, 20 mars 2025.

[11] Austin Adams et al. , “On-Chain Foreign Exchange and Cross-Border Payments”, SSRN, 18 janvier 2023.

[13] Stablecoins 101: Behind crypto’s most popular asset”, Chainalysis, 11 décembre 2024.

[14] Attaining escape velocity”, Global Banking Annual Review 2024, McKinsey & Company, 17 octobre 2024.

[16] U.S. Securities and Exchange Commission, Statement on Stablecoins, 4 avril 2025.

[17] J. Liu et al. , “Anatomy of a Run: The Terra Luna Crash”, Université Bocconi, avril 2023.

[18] Luca Galati et Francesco Capalbo, “Silicon Valley Bank Bankruptcy and Stablecoins Stability”, SSRN, mai 2023.

Print Friendly and PDF