5.12.15

Các cuộc đàm phán quốc tế về khí hậu theo 10 cột mốc thời gian



Các cuộc đàm phán quốc tế về khí hậu theo 10 cột mốc thời gian

Trình tự các cuộc đàm phán về khí hậu theo 10 cột mốc thời gian
Hội nghị Thế giới về Khí hậu (COP21), sẽ được tổ chức từ ngày 30 tháng 11 đến ngày 11 tháng 12 tại Paris-Le Bourget, là điểm hẹn cuối cùng của lịch sử các cuộc đàm phán quốc tế về biến đổi khí hậu vốn đã bắt đầu từ hơn ba mươi năm qua. Ba thập niên mà trong đó các nhà khoa học, các chính trị gia và công dân các nước đã nỗ lực để hiểu rõ hơn diễn biến của khí hậu, để xác lập trách nhiệm của con người trong những biến loạn của khí hậu và ảnh hưởng của chúng đối với xã hội, để đồng thuận về việc giảm thiểu và thích ứng với một hiện tượng đã khởi động. Chúng ta hãy quay trở lại quá trình lâu dài này theo mười cột mốc thời gian.
Từ ngày 12 đến ngày 23 tháng 2, năm 1979: Hội nghị thế giới đầu tiên về khí hậu
Được  Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO, World Meteorological Organization) và Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP, United Nations Environment Programme) tổ chức tại Genève, Hội nghị thế giới đầu tiên về khí hậu phản ánh sự quan tâm ngày càng tăng của cộng đồng khoa học về những tác động lâu dài của khí thải CO2. Hội nghị sơ kết những hiểu biết về khí hậu và về tác động của sự biến đổi và diễn biến của khí hậu đối với xã hội loài người.
Những người tham gia Hội nghị đưa ra một tuyên bố kêu gọi các chính phủ "dự báo và ngăn chặn những biến đổi khí hậu do con người gây ra có thể ảnh hưởng đến phúc lợi của nhân loại". Hội nghị triển khai "Chương trình khí hậu toàn cầu" của WMO, một chương trình khoa học của quốc tế nhắm đến việc hiểu rõ hơn hệ thống khí hậu, và tạo điều kiện thích ứng với những thay đổi của nó.
1988: Sự ra đời của nhóm IPCC
Nhóm các chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC, Intergovernmental Panel on Climate Change), được hai định chế của Liên Hợp Quốc – Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) và Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) thành lập –, là cơ quan chịu trách nhiệm trình bày hiện trạng các hiểu biết khoa học, kỹ thuật và kinh tế-xã hội về biến đổi khí hậu, những nguyên nhân, tác động của nó và những chiến lược để giảm thiểu nó. Nhóm công tác có 195 nước thành viên, và hàng ngàn nhà khoa học trên toàn thế giới đóng góp vào các công trình của nhóm trên cơ sở tự nguyện.
Báo cáo đầu tiên của nhóm, được công bố vào năm 1990, hai năm sau ngày thành lập, khẳng định rằng lượng khí thải từ các hoạt động của con người làm tăng nồng độ khí nhà kính trong khí quyển, và nồng độ này làm cho hành tinh nóng lên. Nhóm dự báo một sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu trung bình 4°C vào cuối thế kỷ so với thời kỳ tiền công nghiệp, nếu lượng khí thải tiếp tục không suy giảm. Tuy nhiên, vào thời điểm này, bản báo cáo nhấn mạnh đến "nhiều điều mơ hồ" về nhịp độ, mức độ và sự phân bố của các thay đổi khí hậu này. Văn bản này là cơ sở cho các Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC, United Nations Framework Convention on Climate Change), được thông qua vào năm 1992. Kể từ đó, nhóm IPCC, dưới sự chủ trì của chuyên gia người Hàn Quốc Hoesung Lee, đã phát triển bốn báo cáo lớn khác vào các năm 1995, 2001, 2007 và 2014.
1992: Hội nghị Thượng đỉnh về Trái đất tại Rio
Sau các Hội nghị Thượng đỉnh tại Stockholm năm 1972 và tại Nairobi năm 1982, Hội nghị Thượng đỉnh thứ ba về Trái đất chứng kiến ​​sự ra đời, tại Rio de Janeiro (Brazil), của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), sẽ có hiệu lực hai năm sau đó. Công ước chính thức thừa nhận tầm quan trọng của biến đổi khí hậu, và các nguyên nhân do con người gây ra liên quan đến lượng khí thải nhà kính (GHG, Greenhouse gas). Công ước nhắm đến việc bình ổn nồng độ khí nhà kính trong khí quyển ở mức có thể ngăn chặn sự biến loạn nguy hiểm của khí hậu.
Công ước xem xét trách nhiệm có phân biệt của các nước công nghiệp và các nước đang phát triển, chủ trương "một hành động quốc tế, hiệu quả và phù hợp, theo những trách nhiệm chung nhưng có phân biệt, khả năng tương ứng và tình hình kinh tế xã hội của các nước". Vì vậy, Công ước khuyến khích các chính phủ xây dựng các chiến lược nhằm giảm bớt lượng khí thải và thích ứng với sự biến đổi khí hậu, cùng với một sự hỗ trợ tài chính và công nghệ của các nước giàu cho các nước nghèo và mới nổi. Công ước UNFCCC ngày nay có tính phổ quát, được 195 Nhà nước và Liên minh châu Âu phê chuẩn. Hàng năm, Công ước họp Hội nghị các bên tham gia (COP, Conference of the parties), sẽ tổ chức phiên họp thứ 21 tại Paris-Le Bourget từ ngày 30 tháng 11 đến ngày 11 tháng 12.
1997: Nghị định thư Kyoto
Được thông qua tại hội nghị COP3, Nghị định thư Kyoto là thỏa thuận quốc tế đầu tiên mang tính ràng buộc với các cam kết định lượng để giảm bớt lượng khí thải nhà kính. Nghị định thư có hiệu lực vào năm 2005, vào lúc mà 55 nước, với tổng cộng 55% lượng khí thải CO2 toàn cầu vào năm 1990, đã phê chuẩn nó. Tham vọng: giảm 5% lượng khí thải toàn cầu so với mức của năm 1990, trong khoảng thời gian từ năm 2008 đến năm 2012. Đối với từng nước phát triển, các mục tiêu bắt buộc này dao động từ – 8% đến + 10% lượng khí thải, và chỉ áp dụng đối với các nước phát triển – những nước đang phát triển chỉ có những nghĩa vụ đơn giản hơn về kiểm kê lượng khí thải. Vì vậy, Nghị định thư không bắt buộc đối với Trung Quốc, Ấn Độ hay Brazil, hoặc Mỹ hay Úc, những nước đã từ chối phê chuẩn nó... cũng không bắt buộc đối với Canada và Nga, những nước đã rút ra khỏi Nghị định thư.
Nghị định thư Kyoto dự kiến những "cơ chế linh hoạt" cho phép các nước thực hiện nghĩa vụ của họ không chỉ bằng cách hạn chế lượng khí thải trên lãnh thổ của mình, mà còn bằng cách tài trợ cho những hoạt động cắt giảm khí thải ở nước ngoài. Ví dụ, bằng cách mua và bán các hạn ngạch khí thải CO2 – mở ra cánh cửa cho các thị trường carbon –, hoặc bằng cách đầu tư vào các dự án làm giảm khí thải ở các nước đang phát triển – đó là Cơ chế phát triển sạch. Các biện pháp trên giờ đây đã lỗi thời, Nghị định thư Kyoto hết hiệu lực vào năm 2020 và sẽ được thay thế bởi một thỏa thuận mới mang tính phổ quát và ràng buộc: đó chính là chủ đề của hội nghị COP21.
2007: IPCC và Al Gore, giải Nobel Hòa bình
Rajendra Pachauri (1940-)
Al Gore (1948-)
Vào năm này, giải Nobel Hòa bình là một giải kép dành cho Nhóm các chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC), lúc ấy do chuyên gia người Ấn Độ Rajendra Pachauri lãnh đạo, và cho Al Gore, cựu phó tổng thống Mỹ, người đã thuyết minh một phim tài liệu để đánh động dư luận về vấn đề khí hậu nóng lên toàn cầu. Một sự thật gây lúng túng và phiền phức. Ủy ban Nobel vinh danh "những nỗ lực thu thập và truyền bá kiến ​​thức về biến đổi khí hậu của họ", bằng con đường khoa học của tổ chức đầu, và bằng hành động dấn thân và chính trị của khôi nguyên thứ hai.
Cùng năm ấy, nhóm IPCC công bố bản báo cáo thứ tư của họ, đánh giá là "rõ ràng" từ nay khí hậu nóng lên toàn cầu, và "rất có thể" con người có trách nhiệm trong hiện tượng này (nghĩa là với một tỷ lệ xác thực đến 90%).
2008: EU thông qua "gói năng lượng khí hậu"
Hội đồng châu Âu thông qua một kế hoạch chống lại sự nóng lên của khí hậu trong giai đoạn 2013-2020 với mục tiêu được gọi là "3 lần 20": giảm 20% lượng khí thải nhà kính so với mức năm 1990, đạt 20% phần năng lượng tái tạo trong hỗn hợp năng lượng châu Âu, và tăng 20% hiệu quả sử dụng năng lượng. Chỉ có hai biện pháp đầu tiên mang tính bắt buộc. Thỏa thuận này, nền tảng của sự cam kết về khí hậu của Liên minh châu Âu, đã gần như đạt được mục tiêu. Vì vậy, các mục tiêu ấy đã được điều chỉnh tăng lên vào năm 2014: từ nay đến năm 2030, Liên minh châu Âu sẽ giảm ít nhất 40% lượng khí thải nhà kính so với mức năm 1990, đạt 27% phần năng lượng tái tạo, và tiết kiệm từ 27% đến 30% năng lượng.
2009: Hội nghị Copenhagen
Hội nghị COP15, tại Copenhagen, không ngang tầm những mong đợi mà nó đã dấy lên. Được tin tưởng là sẽ dẫn đến một thỏa thuận toàn cầu mới để kìm hãm sự biến đổi khí hậu, hội nghị kết thúc một cách rất chật vật, và vào tận phút chót, bằng một văn bản thỏa hiệp không mang tính ràng buộc, không định lượng được bất kỳ cam kết cắt giảm khí thải nhà kính nào. Sự bất đồng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, trở thành những nước đứng hàng đầu trong việc thải khí CO2 trên thế giới vào năm 2006, góp phần làm bế tắc các cuộc đàm phán, có sự tham dự của 130 nguyên thủ quốc gia. Với một sự đồng thuận quốc tế ở mức tối thiểu.
Tuy nhiên, văn bản của hội nghị Copenhagen cũng quyết định một ngưỡng 2°C khí hậu nóng lên không được vượt qua so với thời kỳ tiền công nghiệp. Nó cũng dự kiến các nước phát triển huy động 100 tỷ đô-la (93 tỷ euro theo tỷ giá hiện tại) mỗi năm, từ nay đến năm 2020, để giúp các nước đang phát triển đối phó với tác động của sự nóng lên của khí hậu toàn cầu. Văn bản cũng khuyến khích các Nhà nước, mỗi hai năm, thông báo cho nhau những hành động giảm bớt khí thải của họ – bước đầu tiên của các nước mới nổi hướng tới sự tham gia vào việc giảm bớt khí thải toàn cầu, trên cơ sở tự nguyện.
2010: Thành lập Quỹ Khí hậu Xanh
Thỏa thuận đạt được tại hội nghị COP16 tại Cancun, Mexico, tạo ra một loạt các cơ chế tài chính, không mang tính ràng buộc, để chống lại sự biến đổi khí hậu và thích ứng với các tác động của nó. Đặc biệt thỏa thuận nêu vấn đề thành lập Quỹ Khí hậu Xanh, một trong các cơ chế tài chính được trù liệu để hỗ trợ những chính sách khí hậu của các nước đang phát triển, song không giải quyết vấn đề nguồn tài trợ. Đổi lại, các nước mới nổi – đặc biệt là Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil – cho thấy các dấu hiệu mở cửa, đặc biệt bằng cách đồng ý có các biện pháp chống lại sự tăng lên lượng khí thải cùng với một thủ tục "kiểm soát và kiểm tra". Vào tháng 11 năm 2015, Quỹ Khí hậu Xanh có được dưới 6 tỷ đô-la một chút, trên tổng số 10 tỷ đô-la được hứa hẹn ban đầu, cho giai đoạn 2015-2018.
2014: Bản báo cáo thứ năm của nhóm IPCC
Bản báo cáo thứ năm của nhóm IPCC, bản mới nhất, dự kiến nhiệt độ sẽ tăng lên đến 4,8°C trong giai đoạn 2081-2100, so với nhiệt độ trung bình của giai đoạn 1986-2005, nếu không có biện pháp nào được thực hiện để chống lại xu hướng này. Theo kịch bản này, mực nước biển cũng sẽ tăng gần một mét. Từ tỷ lệ xác thực 90%, mức độ chắc chắn cho rằng "hoạt động của con người là nguyên nhân chính của sự nóng lên quan sát được" tăng lên 95%, và từ nay được mô tả là "rất có thể xảy ra". Các nhà khoa học ước tính cần phải giảm 70% lượng khí thải nhà kính toàn cầu vào năm 2050 so với mức của năm 2010, để có thể duy trì dưới ngưỡng 2°C khí hậu nóng lên. Một mục tiêu cực kì khó đạt đến.
2015: Hội nghị COP21 tại Paris
Con đường đàm phán quốc tế chậm chạp và quanh co về khí hậu tiếp tục tại Paris, tại hội nghị COP21, sẽ được tổ chức từ ngày 30 tháng 11 đến ngày 11 tháng 12 tại Le Bourget. Dự kiến sẽ có 40.000 người tham gia ​​nhân sự kiện này, một cuộc họp ngoại giao lớn nhất mà nước Pháp chưa từng tổ chức. Hy vọng thì rất lớn: đạt được một thỏa thuận mang tính phổ quát và ràng buộc, sẽ có hiệu lực từ năm 2020 đối với tất cả các nước trong việc giảm bớt khí thải nhà kính, để hạn chế 2°C khí hậu nóng lên so với mức vào thời kỳ tiền công nghiệp. Ngưỡng này sẽ giúp tránh cho sự rối loạn khí hậu trở nên quá tai hại đối với các hệ sinh thái và xã hội loài người. Các điểm then chốt khác của thỏa thuận: tài trợ cho việc thích ứng với sự biến đổi khí hậu, và sự phân phối công bằng các nỗ lực giữa các nước nghèo, các nước mới nổi và các nước công nghiệp hóa, các nước sau này, về mặt lịch sử, được coi là phải chịu trách nhiệm đối với việc khí hậu nóng lên toàn cầu.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Les négociations climatiques internationales en 10 dates, Le Monde, 30/11/2015. 
------
Bài có liên quan trên PTKT: 
    Print Friendly and PDF