6.12.15

Những vấn đề lớn bị COP21 bỏ quên



Những vấn đề lớn bị COP21 bỏ quên
Mặc cho kết quả ra sao, hội nghị Paris có thể bỏ lại những được mất lớn, những vấn đề quyết định tương lai của hành tinh. Thế nhưng, nhân loại, cũng như toàn thể sự sống, phụ thuộc vào những vấn đề ấy.
ĐẠI DƯƠNG
Cho đến nay, đó là một trong vấn đề lớn còn thiếu trong các cuộc đàm phán về khí hậu, nhưng chủ đề sẽ được thảo luận vào ngày 2 tháng 12, trong khung "nghị trình các giải pháp", một quá trình đã được Liên Hiệp Quốc thiết lập tại Lima (Peru) vào năm 2014 để chia sẻ những kinh nghiệm thực hành tốt với xã hội dân sự.
Ségolène Royal (1953-)
Bộ trưởng Bộ Sinh thái, bà Ségolène Royal, cho biết "Đây là lần đầu tiên trong hai mươi mốt năm vấn đề này sẽ được đề cập đến". Vào ngày hôm đó, vấn đề về nước ngọt, cũng thiếu vắng trong quá trình tiên quyết tại hội nghị COP21, cũng sẽ được thảo luận trong nửa ngày.
Thách thức là rất quan trọng: môi trường biển, bao phủ hơn hai phần ba diện tích địa cầu, tạo ra hơn 50% lượng không khí mà chúng ta hít thở. Môi trường điều tiết khí hậu lớn này hấp thụ khoảng 30% CO2, và cần đến các hệ sinh thái lành mạnh. Vì vậy, điều khẩn cấp là ngăn chặn hiện tượng axit hóa đại dương, một vấn đề đe dọa trực tiếp đến các loài và sẽ ảnh hưởng đến chuỗi thực phẩm biển.
Pháp có ý định yêu cầu các nước thành viên của hội nghị COP đặt hàng cho Nhóm các chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC, Intergovernmental Panel on Climate Change) một báo cáo đặc biệt về đại dương. Khi đưa ra thông báo này vào ngày 12 tháng 11, bà Ségolène Royal đã khôi phục một trong các yêu sách của cương lĩnh đại dương và khí hậu, một liên minh của các nhà khoa học, các trung tâm nghiên cứu, các trường đại học, các tổ chức NGO, của Ủy ban Hải dương học của Unesco, hoạt động kể từ năm 2014 để có một sự xem xét tốt hơn về đại dương trong thỏa thuận tương lai tại Paris. Sự huy động của xã hội dân sự là không phải là điều vô ích. Vấn đề đại dương sẽ được thảo luận song song tại Le Bourget vào các ngày 3 và 4 tháng 12, tại khu vực Generations khí hậu. Tại Paris, nhiều sự kiện giải trí và thể thao sẽ giúp gợi lại vai trò cơ bản của đại dương trong bộ máy khí hậu, trước khi các vụ tấn công khủng bố ngày 13 tháng 11 làm đặt lại vấn đề tổ chức các sự kiện lễ hội.
ĐA DẠNG SINH HỌC
Theo Liên minh Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên một phần tư các loài sinh vật, lớn và nhỏ, có thể sẽ biến mất từ nay đến năm 2050. Hiện tại, phần lớn các loài động vật có vú, chim, cá, bò sát và lưỡng cư, những loài bị ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu, đã cho thấy là kích thước của chúng đang nhỏ lại, theo báo cáo của WWF (World Wide Fund For Nature), Quỹ thế giới bảo vệ thiên nhiên. Không chỉ có những rối loạn về nhịp độ sinh học của chúng mới liên can. Các mối đe dọa chủ yếu phát sinh từ sự khô hạn ngày càng nhanh của các vùng sông nước – một phần gắn với khí hậu nóng lên–, từ sự phá rừng, từ tính khốc liệt của các cơn bão và từ mọi thứ góp phần hủy hoại môi trường sống tự nhiên.
Đa dạng sinh học không được trực tiếp ghi vào nghị trình của hội nghị COP21. Tuy nhiên, nó giữ một vai trò then chốt bởi vì các hệ sinh thái thu thập và lưu trữ carbon nhờ vào sự quang hợp. Điều này đúng đối với các loài sống trên cạn cũng như các loài sống dưới biển. Hiệp hội đánh bắt cá của Pháp, tập hợp các chuyên gia nghiên cứu Pháp về ngành đánh bắt cá, vừa phát động một lời kêu gọi ủng hộ một thỏa thuận về khí hậu. Nếu không, những "hậu quả nghiêm trọng" của sự phân phối mới các quần thể cá có thể gây nguy hiểm cho an ninh lương thực tại một số vùng của thế giới.
NHỮNG DI DÂN VÌ LÝ DO MÔI TRƯỜNG
Hạn hán, lũ lụt, bão táp, động đất, xói lở bờ biển: theo Trung tâm Giám sát di dân nội bộ (IDMC, Internal Displacement Monitoring Centre), từ năm 2008 đến năm 2014, thiên tai đã làm cho 166 triệu người mất nhà cửa, có nghĩa là bình quân 27,5 triệu mỗi năm.
Vấn đề di cư bắt buộc cũng không nằm trong nghị trình các cuộc đàm phán về khí hậu. Tuy nhiên, để lấy một ví dụ, Bangladesh phải quản lý từ nay đến năm 2050 từ 13 triệu đến 40 triệu người di dân vì lý do khí hậu, bị buộc rời khỏi vùng ven biển do xói lở bờ biển làm mất 17% lãnh thổ của họ. Xã hội dân sự hối thúc các Nhà nước xem xét vấn đề người di dân khi thảo luận các biện pháp hỗ trợ các nước đang phát triển để thích ứng với sự biến đổi khí hậu.
Rối loạn khí hậu là một nhân tố gây bất ổn chính, điều mà bản báo cáo thứ năm của IPCC nhấn mạnh, được công bố vào tháng 10 năm 2014. Những dân cư chịu ảnh hưởng nhiều nhất của những hậu quả của các sự kiện khí tượng cực đoan thuộc về các nước có thu nhập thấp. Các tổ chức NGO ghi nhận rằng "Phương Bắc lo ngại sự nhập cư của dòng người khổng lồ lánh nạn khỏi vùng miền của họ. Nhưng đa số các cuộc di cư vì lý do môi trường đều diễn ra giữa các nước ở phương Nam. Chính các nước này là những nước trả giá cao nhất".
AN NINH LƯƠNG THỰC
Cho đến giờ bị gạt ra ngoài các cuộc đàm phán về khí hậu, vấn đề lương thực của người dân xuất hiện tại phiên họp trù bị đầu tiên của COP21 tại Geneva vào tháng Hai. Nhưng nó là chủ đề của những cuộc mặc cả căng thẳng. Ban đầu nó được ghi trong bản dự thảo thỏa thuận đầu tiên, chủ đề đã bị gỡ bỏ khỏi bản tổng hợp dày hai mươi trang được hai đồng chủ tọa các cuộc thảo luận trình bày vào ngày 06 tháng 10, và sau đó lại được đưa vào dưới áp lực của các nước đang phát triển, tại Bonn vào cuối tháng 10, trong lời nói đầu của bản dự thảo thỏa thuận.
Bởi tình hình đã trở nên đáng lo ngại. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng lúa mì thế giới trong mười lăm năm qua đã không có khả năng đáp ứng được nhu cầu. Và việc khí hậu nóng lên có thể làm giảm 30% sản lượng tại nhiều vùng miền từ nay đến năm 2050.
Không có gì đảm bảo vấn đề an ninh lương thực sẽ được đề cập rõ ràng trong văn bản cuối cùng. Thậm chí còn không thể biết liệu nó có được đưa vào Điều 2 không, điều khoản quy định các mục tiêu mà các nước có nghĩa vụ cam kết. Một số nước phương Bắc đang dự tính đưa khái niệm này ra khỏi thỏa thuận Paris để tránh cho khu vực nông nghiệp của họ bị áp đặt những ràng buộc mới, nhân danh các quyền của con người.
Họ bảo vệ ý tưởng cho rằng an toàn lương thực thuộc phạm vi viện trợ phát triển và cuộc chiến chống đói nghèo. Trái lại, đối với nhiều quốc gia phương Nam, nó cho thấy đó là một vấn đề không thể tách khỏi vấn đề biến đổi khí hậu. Thực vậy, sự nóng lên của hành tinh đặt ra nhiều điều bất trắc đối với lãnh vực nông nghiệp của họ, và ngay cả đối với sinh kế của người dân của họ.
Trong một báo cáo được công bố vào ngày 8 tháng 11, Ngân hàng Thế giới đã nhắc nhở các Nhà nước rằng "sự biến đổi khí hậu và nghèo đói gắn với nhau một cách rối rắm, khó tách biệt". Ngân hàng kêu gọi tiến hành đồng thời một cuộc chiến chống lại khí thải nhà kính và xây dựng các chính sách phát triển, đặc biệt trong lãnh vực nông nghiệp. Thực vậy, chỉ có chiến lược liên kết này mới có thể giảm thiểu tính dễ bị tổn thương trước các rối loạn của khí hậu.
Laetitia Văn Eeckhout, nhà báo của báo Monde
Martine Valo, nhà báo của báo Planet
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch 
Nguồn: Les grandes questions oubliées de la COP21, Le Monde, 27/11/2015.
------
Bài có liên quan trên PTKT:

Print Friendly and PDF