23.6.16

Sự đột biến của Việt Nam


Sự đột biến của Việt Nam
Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng nhiệm Việt Nam chủ tịch Trần Đại Quang (T) sau một cuộc họp báo tại Hà Nội vào ngày 23 tháng 5 năm 2016. (Ảnh: LUONG THAI LINH / POOL / pool / AFP)
Ngay trước quyết định của Mỹ về việc dỡ bỏ cấm vận xuất khẩu vũ khí, chuyến viếng thăm của tổng thống Obama tại Hà Nội minh họa cho sự xích lại gần nhau của Hoa Kỳ với kẻ thù cũ của mình. Sự biến đổi các mối quan hệ chính trị này đi kèm với một sự điều chỉnh đáng ngạc nhiên không kém các mối quan hệ kinh tế phản ánh sự đột biến của Việt Nam.
Việt Nam, nước xuất khẩu lớn nhất thuộc khối ASEAN sang Hoa Kỳ
Năm 2000, Việt Nam vừa mới xuất hiện trên radar của các cơ quan hải quan Mỹ. Việt Nam đứng vị trí thứ 71 trong số các nước cung cấp hàng hóa cho Hoa Kỳ, giữa Ukraine và Campuchia. Đến quý I năm 2016, Việt Nam đã leo lên vị trí thứ 12, giữa Ireland và Đài Loan, và đã đạt vị trí thứ nhất trong số các nước ASEAN. Với tỷ lệ đạt được là 1,9% thị trường của Mỹ trước Malaysia và Thái Lan, Việt Nam là nước đang vượt xa Indonesia và Philippines.
Các nước thuộc khối ASEAN trên thị trường Mỹ (dữ liệu hàng quý theo năm).
Sự điều chỉnh các mối quan hệ kinh tế giữa Washington và Hà Nội đã bắt đầu bằng việc ký kết một thỏa thuận song phương (BTA, Bilateral Trade Agreement – hiệp định thương mại song phương) vào năm 2000. Hoa Kỳ đã cấp cho Việt Nam quy chế tối huệ quốc, và Hiệp định BTA đã mở đường cho các cuộc đàm phán để Việt Nam gia nhập tổ chức WTO vào năm 2007. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ, từng tăng trưởng với một nhịp độ ổn định cho đến thời điểm đó, đã trải qua một giai đoạn trống rỗng trong cuộc khủng hoảng toàn cầu, để lấy lại một nhịp độ nhanh cho đến năm 2015 và quý I năm 2016. Việt Nam là quốc gia châu Á duy nhất mà kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ tiếp tục tăng lên trong quý I năm 2016.
Đối với Việt Nam ngày nay, cũng như đối với Hàn Quốc và Đài Loan ngày xưa, người Mỹ xử lí bằng một thái độ "hờ hững một cách ôn hòa" (“begnin neglect” tiếng Anh, hay “douce négligence” tiếng Pháp) hố sâu thâm hụt song phương của họ (8 tỷ US$ vào năm 2015) đi cùng với sự tăng cường các cuộc trao đổi. Tuy nhiên, dù có gia nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP, Trans-Pacific Partnership), một thỏa thuận thương mại tự do của Hoa Kỳ tại Châu Á-Thái Bình Dương, Việt Nam vẫn chưa bao giờ được Washington coi là một nền kinh tế thị trường. Như vậy trong các vụ án cáo buộc bán phá giá, Hoa Kỳ có thể thẩm cứu vụ án bằng cách so sánh mức giá của Mỹ không phải với mức giá của Việt Nam (không được coi là có liên quan), mà với mức giá các sản phẩm tương tự tại các nước thứ ba có quy chế kinh tế thị trường. Điều này có thể dẫn đến việc áp dụng các mức thuế chống bán phá giá cao hơn.
Phương pháp này bị cấm bởi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO, World Trade Organization) nhưng khi Việt Nam (và Trung Quốc) gia nhập WTO thì họ đồng ý việc áp dụng các mức thuế nói trên trong vòng 15 năm, nghĩa là cho đến năm 2016 đối với trường hợp của Trung Quốc và cho đến năm 2022 đối với Việt Nam. Ngày nay, người Việt Nam mong muốn kéo thời hạn đó xuống đến năm 2019. Đối với người Mỹ đừng hòng thương thảo điều này vì họ đánh giá là cạnh tranh trên thị trường Việt Nam bị méo mó do vị thế thống trị của các doanh nghiệp nhà nước. Mặc dù số lượng các doanh nghiệp nhà nước đã giảm nhiều (1.309 vào năm 2015 so với 12.000 vào năm 1995) và cho dù sự đóng góp của chúng vào tổng sản lượng đã giảm xuống còn 16%, nhưng các doanh nghiệp nhà nước vẫn thống trị bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất trong cả nước. Đứng đầu là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam, Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam và Tập đoàn Than và Công nghiệp Khoáng sản Việt Nam.
Việt Nam bàn đạp của Hàn Quốc và Nhật Bản
Năm 2000, Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ những sản phẩm nông nghiệp và thủy sản. Mười năm sau, những sản phẩm may mặc và giày dép bằng một nửa kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm trên. Trong quý I năm 2016, kim ngạch đó đã được các sản phẩm thiết bị điện tử và điện thoại bắt kịp. Sự chuyển đổi này gợi nhớ đến các nhà xuất khẩu ở Đông Á, và được giải thích bởi luồng vốn đầu tư của các nước thuộc khu vực này.
Sự đột biến này cũng là hệ quả của các làn sóng đầu tư nước ngoài đã làm chuyển đổi Việt Nam. Ngay từ cuối những năm 1980, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME, Small and medium size enterprises) của Đài Loan đã đầu tư vào ngành may mặc và giày dép. Việc bình thường hóa các quan hệ giữa Seoul và Hà Nội đã gây nên một "cơn sốt Việt Nam" vào năm 1992 đối với những doanh nghiệp bắt đầu di dời nhà máy của họ ra nước ngoài. Khi đầu tư vào ngành may mặc và thiết bị điện tử, vào năm 1996, Daewoo là doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam. Bị gián đoạn bởi cuộc khủng hoảng châu Á, phong trào này đã lấy lại nhịp trở đà phát triển sau khi Việt Nam ký kết Hiệp định BTA với Mỹ. Hoạt động đầu tư khi đó đã tăng lên với một tốc độ đáng kể với sự xuất hiện của Samsung, mà kim ngạch xuất khẩu chiếm một phần năm kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào năm 2015, với một tỷ lệ nội địa hóa bằng 36% được đảm bảo một phần bởi các nhà thầu phụ Hàn Quốc. Trong khi đó, khi Intel chọn Việt Nam hơn là Philippines để xây dựng nhà máy lắp ráp lớn nhất của mình, họ đã đưa Việt Nam vào "bộ mạch tích hợp" châu Á.
Để đối phó với các cuộc bạo động chống Nhật tại Trung Quốc vào năm 2005, các doanh nghiệp Nhật Bản đã thông qua một chiến lược được Nomura gọi là "Trung Quốc cộng một". Để không bỏ trứng vào chung một giỏ, họ thấy tốt hơn hết là nên đầu tư vào Trung Quốc ASEAN. Kể từ khi mối quan hệ Trung-Nhật xấu đi, Việt Nam là nước hưởng thụ đầu tiên của chiến lược này đã phát triển từ "Trung Quốc cộng một" thành "Không có Trung Quốc". Theo điều tra của Mizuho (tháng 3 năm 2016) về ý định đầu tư của các doanh nghiệp ra nước ngoài, Việt Nam là điểm đến được yêu thích trong số các nước gia nhập TPP và là nước đứng thứ hai trong khối ASEAN sau Thái Lan, nơi mà người Nhật đã có một sự hiện diện lũy tích quan trọng hơn rất nhiều.
Còn Trung Quốc? Là nước cung cấp hàng hóa hàng đầu của Việt Nam, nhưng họ là một nhà đầu tư khiêm tốn đứng sau Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Đài Loan và Hoa Kỳ. Các dự án của họ đôi khi gây nên những cuộc tranh luận dữ dội – thỏa thuận được ký kết về một hoạt động đầu tư trong một mỏ đồng ở miền trung đất nước (nguyên tác "une mine de cuivre au centre du pays", có lẽ tác giả nhầm với dự án bô-xít ở Tây Nguyên - ND) đã bị Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ trích trong một bức thư ngỏ. Ngoài ra, sau một sự cố ở quần đảo Trường Sa, những cuộc biểu tình kịch liệt chống Trung Quốc vào năm 2015 đã không cải thiện được môi trường đầu tư từ Trung Quốc.
Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của Mỹ từ Việt Nam.
Nhờ người Hàn Quốc và người Nhật Bản, lần đầu tiên, thâm hụt thương mại của Việt Nam với Trung Quốc đã giảm xuống. Theo những con số thống kê của Bắc Kinh, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc giảm 12% và nhập khẩu của Việt Nam tăng lên. Kết quả, thặng dư của Trung Quốc đã giảm 30% trong 4 tháng đầu năm 2016.
Đâu là những nhà xuất khẩu Việt Nam?
Việt Nam là một bàn đạp cho các nhà đầu tư nước ngoài xuất khẩu sản phẩm sang Hoa Kỳ và Châu Âu. Tỷ lệ xuất khẩu của các chi nhánh doanh nghiệp nước ngoài trong tổng kim ngạch xuất khẩu đã tăng từ 27% vào năm 1995 lên 47% vào năm 2000 và 63% vào năm 2012, năm cuối cùng có được con số của Tổng cục Thống kê (GSO, General Statistics Office). Nếu không kể đến dầu hỏa, tỷ lệ này bây giờ vượt 70% với sự gia tăng xuất khẩu của các chi nhánh doanh nghiệp Hàn Quốc. Sự vắng mặt tương đối của các nhà xuất khẩu Việt Nam từ năm 2000 đến năm 2015 không thể làm chúng ta quên rằng trong khoảng thời gian đó tổng kim ngạch xuất khẩu đã tăng gấp mười lần (từ 14 tỷ lên 180 tỷ US$), kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam đã tăng từ 7 tỷ lên 54 tỷ US$. Tuy nhiên cũng phải nói rằng sự kết nối cộng đồng doanh nghiệp địa phương với các chi nhánh doanh nghiệp nước ngoài diễn ra không hề dễ dàng, và nó càng khó hơn bởi sự đột biến sang các sản phẩm điện tử.
Giới thiệu tác giả
Jean-Raphaël Chaponnière

Jean-Raphaël Chaponnière là chủ tịch của Trung tâm châu Á và là cộng sự nghiên cứu tại Asie21 (Futuribles). Ông là nhà kinh tế tại Cơ quan Phát triển của Pháp, Cố vấn kinh tế của Đại sứ quán Pháp tại Hàn Quốc và tại Thổ Nhĩ Kỳ, và là kỹ sư nghiên cứu tại CNRS trong 25 năm. Tác phẩm mới nhất của ông, đồng tác giả với M. Lautier: Les économies émergentes d’Asie, entre Etat et marché – Các nền kinh tế mới nổi của châu Á, giữa Nhà nước và thị trường (Armand Colin, 270 trang, năm 2014).
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: La mutation du Vietnam, Asialyst, 9 Juin 2016
Print Friendly and PDF