18.6.16

Hiệp định thương mại tự do giữa Hàn Quốc và Việt Nam



Hiệp định thương mại tự do giữa Hàn Quốc và Việt Nam
Công nhân làm việc trên một công trường xây dựng cảng tại Khu công nghiệp Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi. Công trường này thuộc một chi nhánh công ty Hàn Quốc Doossan Heavy Industries tại Việt Nam (Ảnh: HOANG DINH NAM / AFP)
Hai mươi năm sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, Hàn Quốc là nước cung cấp hàng hóa đứng thứ hai, là nhà đầu tư nước ngoài đứng thứ nhất, là nước viện trợ đứng thứ hai của Việt Nam. Hai nước vừa phê chuẩn một hiệp định thương mại tự do đã được đàm phán ba năm trước đây. Chắc chắn, người Hàn Quốc làm mọi thứ rất nhanh – "Pali Pali". Tuy nhiên, bước đột phá này làm bất ngờ mọi người nếu nhớ lại những hoàn cảnh bi đát của cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa các bên... cách đây năm mươi năm.
Hàn Quốc và cuộc chiến tranh Việt Nam
Syngman Rhee (1875-1965)
Một vài tháng trước sự thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ vào tháng 5 năm 1954, Tổng thống Hàn Quốc Lý Thừa Vãn (Syngman Rhee) đã có một thông báo gây ngạc nhiên. Mặc dù đất nước ông vừa thoát khỏi một cuộc chiến huynh đệ tương tàn, và không hề có mối quan hệ nào với Đông Dương, nhưng ông đề nghị gửi một lực lượng vũ trang sang Lào. Vì cớ gì mà Tổng thống Hàn Quốc hành động như vậy? Chủ nghĩa cơ hội.
Phản ứng trước một gợi ý của Mỹ nhằm huy động các đồng minh chống lại Việt Minh, Lý Thừa Vãn đề nghị gửi quân sang Việt Nam phục vụ, và đổi lại sự tham gia của Hàn Quốc vào cuộc xung đột này, ông yêu cầu Hoa Kỳ tăng gấp đôi số lượng binh lính Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc. Nếu đề nghị trên không gây được tiếng vang, thì nó cũng tạo ra được một tiền lệ.
Park Chung-hee (1917-1979)
Lyndon B. Johnson (1908-1973)
Mười hai năm sau, đáp lại mong muốn của Tổng thống Lyndon B. Johnson nhằm quốc tế hóa cuộc xung đột Việt Nam, Tổng thống Park Chung-hee đề nghị gửi quân tới Việt Nam. Được cho là sự đền đáp một món nợ danh dự đối với những đất nước đã từng tham gia bên cạnh Hàn Quốc trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, trên thực tế lời đề nghị này có những động cơ sát mặt đất hơn: "Trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, chúng tôi đã chiến đấu và người Nhật đã làm ra tiền, bây giờ là đến lượt chúng tôi", một người Hàn Quốc đã tuyên bố như trên với tờ Business Week vào ngày 07 tháng 2 năm 1966. Một khi lời đề nghị của họ được Nhà trắng chấp nhận, người Hàn Quốc đã quyết liệt đàm phán các đối phần với chính quyền Mỹ.
Bên cạnh tiền lương hào phóng trả cho những binh lính được gửi đến Việt Nam, họ còn nhận được các khoản viện trợ cho quân đội, xây dựng một viện nghiên cứu và lời hứa ưu đãi các doanh nghiệp Hàn Quốc đối với các dự án được tài trợ bằng sự viện trợ của Mỹ. Khi thỏa thuận đã được ký kết, những người Hàn Quốc đầu tiên – hai mươi huấn luyện viên Taekwondo – đã đổ bộ xuống Sài Gòn vào năm 1964, tiếp theo sau là hàng ngàn binh lính: quân số đạt 50.000 người và tổng cộng có 300.000 binh lính Hàn Quốc phục vụ tại Việt Nam. Những binh lính này, thường đồn trú ở các vị trí tiền tiêu, đã phạm nhiều tội ác chiến tranh. Cùng với lực lượng quân sự còn có 100.000 nhân viên dân sự đến làm việc tại Việt Nam.
Vị trí của Việt Nam trong thương mại nước ngoài của Hàn Quốc. (Nguồn: số liệu của IMF, Bộ phận Điều hành Thương mại)
Người Mỹ tôn trọng các cam kết ban đầu của họ và chiến tranh mở rộng thị trường Việt Nam đối với Hàn Quốc, vào đúng lúc đất nước vừa tiến hành một chiến lược xúc tiến xuất khẩu. Vào thời đó, các doanh nghiệp Hàn Quốc thực hiện những bước đi đầu tiên ra nước ngoài; họ xuất khẩu các mặt hàng dệt may, vật liệu xây dựng và trang thiết bị nhỏ và đôi khi sử dụng Việt Nam như một nơi để thử nghiệm: năm 1967, Hadongwha – sau này là Ssangyong – bán hai mươi chiếc minibus tại Việt Nam. Từng là con số không vào năm 1960, thị phần của Việt Nam trong kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc đạt 9% vào năm 1965.
Chun Doo-hwan (1931-)
Lee Myung-bak (1941-)
Cuộc chiến cũng mở cửa thị trường cho các nhà xuất khẩu dịch vụ Hàn Quốc. Được thành lập vào những năm 1950, Hanjin – công ty đã mua lại hãng Korean Air – đã vận chuyển hàng hóa cho quân đội Mỹ ở Hàn Quốc và tiếp tục vận chuyển trang thiết bị và binh lính sang Việt Nam, nơi họ quản lý cảng Qui Nhơn (ở miền Trung Việt Nam). Hyundai International đạt được những hợp đồng đầu tiên tại Việt Nam như là một nhà thầu phụ cho việc xây dựng các cơ sở vật chất của căn cứ Cam Ranh (nằm giữa các thị trấn ven biển Phan Rang và Nha Trang) và sau đó xây dựng con đường Pattani ở Thái Lan, một công trường được điều hành bởi Lee Myung-bak, người mà bốn mươi năm sau sẽ trở thành Tổng thống của Hàn Quốc. Trước ông, các tổng thống Chun Doo-hwan và Roh Tae-woo cũng đã từng phục vụ tại Việt Nam.
Sự thất bại của Mỹ đặt dấu chấm hết cho những trao đổi này, điều sẽ được lập lại hai mươi năm sau.
Hai mươi năm sau
Roh Tae-woo (1932-)
Năm 1992, việc bình thường hóa các quan hệ giữa Seoul và Hà Nội gây nên một "cơn sốt Việt Nam" ở Hàn Quốc, lúc bấy giờ đang bước vào thời kì từ bỏ "3D": người Hàn Quốc từ chối làm những công việc "khó khăn, dơ bẩn và nguy hiểm" ("difficult, dirty and dangerous") và các doanh nghiệp bắt đầu di dời nhà máy ra nước ngoài. Các cuộc di dời này đôi khi bị các chủ tập đoàn đầu tư áp đặt: ví dụ Nike đã làm áp lực các nhà thầu phụ Hàn Quốc để xây dựng nhà máy ở Indonesia rồi ở Việt Nam. Sau khi đã đầu tư vào ngành may mặc và thiết bị điện tử, Daewoo, vào năm 1996, là doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam. Bị gián đoạn bởi cuộc khủng hoảng châu Á, phong trào này khởi động lại sau khi Việt Nam ký kết Hiệp định Thương mại Song phương với Hoa Kỳ vào năm 1999, mở cửa thị trường Mỹ cho các sản phẩm "Made in Việt Nam"; và tăng tốc kể từ năm 2005, khi đối mặt với việc tăng lương, các chi nhánh doanh nghiệp Hàn Quốc đã rời khỏi đồng bằng sông Châu Giang.
Năm 2015, Hàn Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam: 3.000 doanh nghiệp và một số tiền đầu tư lũy tích bằng 38 tỷ US$ (trên thực tế, có lẽ còn lớn hơn, bởi vì Samsung Electronics đầu tư dưới danh nghĩa của Singapore). Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMI, Small and Medium-sized Industries) đã đầu tư vào ngành công nghiệp nhẹ; các tập đoàn kinh tế lớn (chaebol) trong ngành đóng tàu (Hyundai và Samsung), bột giấy, kéo sợi, dệt may, luyện gang thép với Posco và thiết bị điện tử. Đến nay, Samsung Electronics là doanh nghiệp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Tọa lạc tại tỉnh Bắc Ninh gần sân bay Hà Nội, nhà máy của họ lắp ráp và xuất khẩu 40% trên 100 triệu điện thoại Galaxy được bán trên thế giới, và sự xuất hiện của hàng trăm nhà thầu phụ Hàn Quốc đã làm tăng tỷ lệ nội địa hóa lên 40%. Vào năm 2014, tập đoàn này đảm bảo một phần năm kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam: một vị trí nói lên một rủi ro đối với Việt Nam.
Trong quá trình xây dựng nhà máy Samsung mới ở tỉnh Thái Nguyên vào tháng Giêng năm 2014, một sự cố đã châm ngòi cho một cuộc nổi loạn và ấu đả giữa người lao động và cảnh sát. Nói chung, cách quản lý theo "kiểu Hàn Quốc" đã gây ra nhiều cuộc va chạm văn hóa và đụng độ nói ngắn gọn: người Việt Nam nổi loạn chống lại cường độ lao động theo kiểu Hàn Quốc. Đã có 800 cuộc đình công diễn ra tại các chi nhánh doanh nghiệp Hàn Quốc, chiếm một phần tư các cuộc đình công ở Việt Nam từ năm 2011 đến năm 2014, theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Nếu đất nước hoạt động như là một bàn đạp để các doanh nghiệp Hàn Quốc xuất khẩu hàng hóa của họ sang Hoa Kỳ hay châu Âu, thì Việt Nam cũng trở thành một tiêu trường với sự xâm nhập của các nhà phân phối (Lotte Mart và Shinsegae International).
Việt Nam cũng thu hút người du lịch Hàn Quốc: đã có 330.000 người đến du lịch tại đất nước này trong quý I năm 2015 – đứng thứ hai sau Trung Quốc (390.000) – trên tổng số 2 triệu du khách. Theo số lượng thống kê, có gần 90.000 người Hàn Quốc sống tại Việt Nam, một trong những cộng đồng người nước ngoài lớn nhất.
Cũng có nhiều người Việt Nam ở Hàn Quốc. Trong những năm 1990, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã mời những "người tập sự" châu Á – một uyển ngữ để chỉ những người lao động nhập cư – con số này đã tăng lên rất nhanh: trong số những người có visa E9, người Việt Nam đông nhất tại Hàn Quốc với 40.000 người, đông hơn cả người Philippines. Cũng có rất đông phụ nữ Việt Nam (40.000 người vào năm 2013) kết hôn với các nông dân Hàn Quốc, đông nhất là ở tỉnh Cholla, một tỉnh đang gặp khó khăn trong việc thu hút phụ nữ Hàn Quốc về nông thôn. Trước những vấn đề phát sinh từ các cuộc hôn nhân được sắp đặt này, từ nay chính phủ đã áp đặt một mức sàn thu nhập (14.000 USD mỗi năm) đối với những người Hàn Quốc nào muốn kết hôn với người nước ngoài.
Hiệp định thương mại tự do
Một mặt, trước mối lo nới lỏng sự siết chặt của Trung Quốc, Việt Nam đã nhân rộng các hiệp định thương mại tự do: đã có mười sáu hiệp định đã được ký kết hoặc đang được đàm phán. Mặt khác, từ năm 2000, Hàn Quốc đã tiến hành một chính sách ngoại giao thương mại tích cực và đã nhân rộng các hiệp định thương mại tự do ở Nam Mỹ, Trung Đông và châu Á. Ví dụ, họ là quốc gia duy nhất trên thế giới đã ký kết một hiệp định như vậy với Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và Trung Quốc.
Nhìn từ Seoul, Việt Nam là một vấn đề được thua quan trọng: Việt Nam là đối tác mậu dịch đứng thứ năm, điểm đến đứng thứ 4 của các nhà đầu tư Hàn Quốc (theo thông lượng) và là nước ưu tiên nhận viện trợ của KOICA (Korean International Cooperation Agency – Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc).
Kim ngạch mậu dịch song phương đã tăng gấp đôi từ năm 2010 đến năm 2014, đạt 30 tỷ US$ và hiệp định dự kiến sẽ đạt được 70 tỷ US$ vào năm 2020. Các giao dịch này cũng song hành với sự gia tăng các dự án đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam: các linh kiện điện tử đảm bảo cung cấp gần một phần ba kim ngạch xuất khẩu từ Hàn Quốc đến nước này, sau đó nhập khẩu các sản phẩm khoáng sản và các sản phẩm nông nghiệp, dệt may và các mặt hàng khác minh họa sự xâm nhập của Việt Nam vào các chuỗi giá trị của các tập đoàn Hàn Quốc (ví dụ, tỷ lệ các phụ tùng ô tô trong những chiếc xe ô tô Hàn Quốc được xuất khẩu sang Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ...).
Hiệp định cũng dự kiến xóa bỏ thuế quan đối với 90% các mặt hàng, và ngay cả khi loại trừ mặt hàng gạo, Việt Nam hy vọng làm giảm thâm hụt đáng kể với Hàn Quốc. Nhưng người Hàn Quốc, đã củng cố vị thế rất chắc, sẽ nhanh chóng nắm bắt những cơ hội được Hiệp định mở ra.
Giới thiệu tác giả
Jean-Raphaël Chaponnière

Jean-Raphaël Chaponnière là chủ tịch của Trung tâm châu Á và là cộng sự nghiên cứu tại Asie21 (Futuribles). Ông là nhà kinh tế tại Cơ quan Phát triển của Pháp, Cố vấn kinh tế của Đại sứ quán Pháp tại Hàn Quốc và tại Thổ Nhĩ Kỳ, và là kỹ sư nghiên cứu tại CNRS trong 25 năm. Tác phẩm mới nhất của ông, đồng tác giả với M. Lautier: Les économies émergentes d’Asie, entre Etat et marché – Các nền kinh tế mới nổi của châu Á, giữa Nhà nước và thị trường (Armand Colin, 270 trang, năm 2014).
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF