29.11.16

Milton Friedman đã sai lầm: Các nhà sinh học tiêu diệt con người kinh tế



MILTON FRIEDMAN ĐÃ SAI LẦM: CÁC NHÀ SINH HỌC TIÊU DIỆT CON NGƯỜI KINH TẾ
Con người kinh tế so với sự thích nghi sinh học
David Sloan Wilson
Trong lĩnh vực kinh tế học, một trong những bài viết có ảnh hưởng lớn nhất là bài “The Methodology of Positive Economics” (Phương pháp luận của kinh tế học thực chứng) (1953) của Milton Friedman. Trong bài viết này, ông lập luận rằng mọi người đều hành xử như thể những giả định của lý thuyết kinh tế tân cổ điển là đúng, ngay cả khi chúng không phải như vậy. Còn trong lĩnh vực tiến hóa, một trong những bài viết có ảnh hưởng lớn nhất là bài “The Spandrels of San Marcos and the Panglossian Paradigm” (1979) của Stephen Jay Gould và Richard Lewontin với lập luận chống lại việc dựa quá đáng vào khái niệm về sự thích nghi.
S. J. Gould (1941-2002)
Richard Lewontin (1929-)
Chuyên ngành khác nhau và cách nhau nhiều thập niên cho nên chẳng có gì là ngạc nhiên khi hai bài viết kinh điển này không có mối quan hệ gì với nhau. Tuy nhiên, chúng ta sẽ hiểu ra được rất nhiều điều khi kết nối chúng lại, để cho bài viết này bộc lộ những điểm yếu trong bài viết kia, mà điều này là hết sức thích đáng đối với tư tưởng kinh tế và tiến hóa hiện nay.
Lý do chúng có thể liên quan với nhau là bởi vì Friedman đã dựa vào một lập luận tiến hóa với điều “như thể” là biện minh của ông cho kinh tế học tân cổ điển. Tôi không thể tạo ra cấu trúc nào tốt hơn so với cấu trúc riêng của ông về vấn đề này:
Các vấn đề về phương pháp luận trừu tượng mà chúng ta đã và đang thảo luận có ảnh hưởng trực tiếp lên lời phê bình dai dẳng đối với lý thuyết kinh tế “chính thống” là nó “không thực tế”, cũng như lên các nỗ lực tái cấu trúc lý thuyết để đáp trả tố cáo trên. Kinh tế học là một khoa học “buồn thảm” bởi vì nó giả định rằng con người thì ích kỷ và tham lam, “một con người cân đo đong đếm niềm vui và nỗi buồn nhanh như tia chớp, dao động giống như một hạt đồng nhất của sự đam mê hạnh phúc dưới sự thúc đẩy của kích thích dịch chuyển người đó về khu vực này, nhưng vẫn giữ anh ta nguyên vẹn”; nó dựa trên tâm lý lỗi thời và phải được tái tạo phù hợp với mỗi bước phát triển mới trong tâm lý học; nó giả định rằng con người, hay ít nhất là con người kinh doanh (doanh nhân), ở “trong một trạng thái ‘cảnh báo’ liên tục, sẵn sàng thay đổi giá và/hoặc các quy tắc định giá bất cứ khi nào trực giác nhạy cảm của họ... phát hiện một thay đổi nào đó trong điều kiện cung và cầu”; nó giả định thị trường là hoàn hảo, cạnh tranh thuần túy, và hàng hóa, lao động và vốn là đồng nhất.
Friedman thừa nhận các giả định của lý thuyết chính thống về sở thích và khả năng của con người, thường được gán cho cái nhãn là Con người kinh tế (Homo economicus) như thể chúng là bản mô tả về một loài sinh vật, rõ ràng là không thực tế. Tuy nhiên, ông cho rằng chúng vẫn còn có thể tiên đoán được hành vi kinh tế của con người thông qua ba điểm tương đồng. Thứ nhất, cây phân bổ các chiếc lá như thể là nó đang tối đa hóa sự tiếp xúc với ánh nắng, nhưng chẳng ai giả vờ cho là cái cây đang thực hiện các phương trình tối ưu hóa. Tương tự như vậy, một cơ thủ chuyên nghiệp chơi bida như thể anh ta đang tính toán các phép tính phức tạp khi thực hiện các đường cơ của mình, trong khi trên thực tế, hành vi của anh ta đã được định hình từ vô số giờ luyện tập. Cuối cùng, một công ty vận hành như thể nó đang tối đa hóa lợi nhuận, trong khi trên thực tế, sự tiếp tục tồn tại của nó là kết quả của quá trình chọn lọc thông qua đó các công ty không tối ưu hóa sẽ bị xóa sổ.
Điểm tương đồng đầu tiên là ví dụ về tiến hóa di truyền, điểm thứ hai là ví dụ về quá trình học tập của cá nhân, và điểm thứ ba là ví dụ về tiến hóa văn hóa. Trong tất cả các trường hợp, quá trình chọn lọc sẽ mang đến kết quả cho các tổ chức nào vận hành một cách thích nghi, như thể chúng đang giải các phương trình tối ưu hóa phức tạp, trong khi theo thuyết cơ giới thì chúng chẳng phân loại gì cả.
Các nhà sinh vật tiến hóa sẽ nhìn nhận quan điểm của Friedman như là điểm phân biệt giữa nguyên nhân sâu xa (ultimate causation) và nguyên nhân gần (proximate causation). Nguyên nhân sâu xa lý giải vì sao một tính trạng (trait) tồn tại, so với nhiều tính trạng khác có thể tồn tại, dựa trên kết quả của quá trình chọn lọc. Nguyên nhân gần lý giải cách thức mà tính trạng tồn tại theo nghĩa vật lý. Hoa hướng dương hướng về phía mặt trời bởi sự chọn lọc đã ưu tiên cho tính hướng quang (lời giải thích theo nguyên nhân sâu xa); nhưng ở bên trong mỗi cây hướng dương là một cơ chế sinh lý khiến cho cây phải hướng về phía mặt trời. Lời giải thích theo nguyên nhân gần không cần phải giống với lời giải thích theo nguyên nhân sâu xa, mà cần đưa ra lý giải đâu là nguyên nhân đáng tin cậy khiến cho hành vi thích nghi tồn tại.
Milton Friedman (1912-2006)
Cho đến nay, Friedman đang đứng trên nền tảng vững chắc về tiến hóa với lập luận “như thể” của mình. Các nhà tiến hóa thường lý luận về các thuộc tính của loài “như thể” chúng đang tối đa hóa sự thích ứng của chúng mà không cần lo lắng về các cơ chế gần đúng. Chẳng hạn với ví dụ đơn giản như sau, chúng ta có thể tự tin dự đoán rằng nhiều động vật sinh sống tại sa mạc có màu của cát để cho kẻ săn mồi và con mồi của chúng không phát hiện được. Lời dự đoán này đúng với nhiều loài động vật sa mạc khác nhau, chẳng hạn như côn trùng, ốc, bò sát, chim và các loài hữu nhũ, mặc dù các cơ chế gần đúng ở những động vật này khiến cho màu cát phát triển là khác nhau. Khả năng dự đoán các thuộc tính của sinh vật theo các mục chức năng, mà không cần tham chiếu đến nguyên nhân gần, là một trong những tính năng mạnh mẽ nhất của lý thuyết tiến hóa.
Tuy nhiên, suy luận trên cơ sở sự thích nghi sẽ đưa ra câu trả lời đúng chỉ khi tính trạng đang tìm hiểu là một sản phẩm của chọn lọc và chỉ khi chúng ta xác định đúng những áp lực chọn lọc. Nếu tính trạng không thích nghi theo bất kỳ ý nghĩa nào thì chúng ta sẽ sai. Nếu chúng ta giả định rằng tính trạng là lời giải cho một vấn đề thích nghi (chẳng hạn như động vật cần tìm kiếm thức ăn sao cho tối đa hóa năng lượng từ thức ăn trong mỗi đơn vị thời gian), trong khi nó lại là lời giải cho một vấn đề thích nghi khác (chẳng hạn như động vật cần tìm kiếm thức ăn sao cho có thể quản lý được sự đánh đổi giữa năng lượng hấp thụ và nguy cơ bị ăn thịt), thì chúng ta cũng sẽ sai.
Đó là điểm xuất phát của bài viết “Spandrels” của Gould và Lewontin. Họ chỉ trích mạnh mẽ một số đồng nghiệp trong lĩnh vực tiến hóa vì đã giả định rằng mỗi tính trạng phải có một lý giải về sự thích nghi và vì đã chấp nhận các ngụy biện ad hoc về thích nghi (adaptive “just-so” stories) mà thiếu bằng chứng phù hợp. Họ vạch ra một cách tiếp cận toàn diện hơn trong đó đòi hỏi bằng chứng mạnh mẽ cho bất kỳ cách lý giải nào về thích nghi và phản ánh cả các cách thức mà những tính trạng không thích nghi có thể tồn tại trong một quần thể. Nhà tiến hóa hoàn hảo có thể bắt đầu với một giả thuyết về thích nghi để lý giải một tính trạng nào đó, nhưng sau đó kiểm tra lại giả thuyết và điều chỉnh nó như được biện minh, giữ cả giả thuyết thích nghi lẫn không thích nghi trong tâm trí như các đối chọn sống động. Các nhà tiến hóa hoàn hảo cũng nghiên cứu các cơ chế gần đúng, sự phát triển, và phát sinh loài kết hợp với việc đặt trọng tâm vào chọn lọc tự nhiên.
Một số nhà tiến hóa phàn nàn rằng Gould và Lewontin đã tạo ra một luận chứng không thực chất với bài phê phán của họ, nhưng bức chân dung về “trường phái thích nghi ngây thơ” của họ đã mô tả chính xác việc Friedman đã bảo vệ kinh tế học tân cổ điển như thế nào. Ông cho rằng một hay các quá trình chọn lọc (di truyền, học tập, hay văn hóa) đã dẫn đến kết quả là con người sẽ giống Con người kinh tế ở chừng mực mà nguyên nhân sâu xa có liên quan. Ông đã không cân nhắc các giả thuyết khác về thích nghi và không thích nghi. Ông đã không chỉ ra rằng các cơ chế gần đúng, sự phát triển, và phát sinh loài cần được xem xét cùng với nguyên nhân sâu xa. Bằng chứng duy nhất mà ông trưng ra để hỗ trợ cho giả thuyết của mình là cho rằng chính sách kinh tế dựa trên lý thuyết chính thống đã thành công. Điều “như thể” là lập luận của ông có tính tiến hóa, nhưng tiến hóa chưa đủ.
Điểm yếu của bài viết của Friedman, khi liên hệ với bài viết của Gould và Lewontin, đã tiết lộ một vấn đề phổ biến trong các ngành khoa học xã hội nhân văn cơ bản và ứng dụng. Tất cả các hành vi xã hội của con người không phải là sự cố gắng sáng tạo để phù hợp—nhất quán với các nhánh kiến thức khác. Một chính sách kinh tế hoặc xã hội không lưu tâm tới việc chúng ta cũng là một loài (sinh vật) và sự hợp tác tiến hóa như thế nào trong tất cả các loài sẽ không có khả năng thành công cũng giống như một thiết kế kiến ​​trúc không lưu tâm đến các quy luật vật lý vậy. Tuy nhiên, vì những lý do phức tạp, người ta đã tránh xem lý thuyết tiến hóa như là khung lý giải cho hầu hết các nhánh khoa học xã hội trước khi hầu hết các chuyên gia hiện tại ra đời. Khi các lý thuyết và chính sách bắt nguồn từ các ngành khoa học xã hội có liên quan đến khoa học tiến hóa hiện đại, chúng thường thất bại trong việc thử nghiệm sự phù hợp một cách thảm hại như Friedman đã thực hiện năm 1953.
David Sloan Wilson (1949-)

Các nhà khoa học xã hội và các nhà hoạch định chính sách cần phải trở thành các nhà tiến hóa hoàn hảo, ít nhất là không tệ hơn các nhà sinh học. Tin xấu là cần phải thực hiện rất nhiều công việc để các lý thuyết và chính sách hiện hành của chúng ta vượt qua việc kiểm định sự hội tụ của những chứng cứ do nhiều ngành cung cấp. Còn tin tốt là khi chúng ta bắt đầu đạt được mức điểm đậu, các chính sách kinh tế và xã hội của chúng ta sẽ bắt đầu hiệu quả hơn so với chúng bây giờ.
Bài gốc được đăng ở đây.
David S. Wilson là giáo sư sinh học và nhân học tại Đại học SUNY/Binghamton và từng nghiên cứu tại Đại học Oslo (Arne Næss Chair in Global Justice and the Environment). Liệu chủ nghĩa vị tha có tồn tại? là quyển sách gần đây nhất của ông. Twitter: @David_S_Wilson
Nguyễn Hoàng Mỹ Phương dịch
Print Friendly and PDF