17.11.16

Học thuyết trọng tiền



Học thuyết trọng tiền

Monetarism
Học thuyết trọng tiền được định nghĩa như là toàn bộ những trào lưu tư tưởng lí thuyết dành một vai trò chính cho tiền tệ trong việc xác định những dao động kinh tế. Học thuyết trọng tiền vừa là một lí thuyết vừa là một chính sách. 

Học thuyết trọng tiền như là một lí thuyết kinh tế

Kinh nghiệm lịch sử của học thuyết trọng tiền. Châu Âu đã có cuộc trải nghiệm đầu tiên về học thuyết trọng tiền vào thế kỉ XVI, dưới sự thúc đẩy của những học thuyết trọng thương coi việc tích luỹ kim loại quí là nguồn gốc của sự thịnh vượng của các dân tộc. Tiếc là do không có nhiều quặng vàng và bạc nên châu Âu buộc phải tìm những giải pháp khác để làm giàu. Người Anh, nhờ một hệ thống những hợp đồng, buộc mọi nhà nhập khẩu phải mua bằng vàng những sản phẩm Anh trước khi rời đảo quốc này. Người Pháp, dưới thời Colbert, sản xuất với giá thấp những sản phẩm thủ công được Nhà nước bảo trợ để có thế cạnh tranh hơn ở nước ngoài. Được trả bằng vàng, những sản phẩm này tham gia vào việc làm tăng kim loại quí trong nước. Người Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đi chinh phục Nam Mĩ để mang về kim loại quí và như thế làm giàu đáng kể cho hai nước này. Nhưng vàng mang về Tây Ban Nha đã gây nên một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Tăng trưởng kinh tế bị chậm lại và lạm phát phát triển. Tây Ban Nha dựa trên của cải của mình đã đúc thêm nhiều đồng tiền vàng, và như thế góp phần làm mất giá chất lượng tiền tệ qui chiếu này và củng cố gia tăng của giá cả.
Alfred Marshall (1842-1924)
Arthur C. Pigou (1877-1959)
Sự hình thành của học thuyết trọng tiền. Quan hệ đầu tiên giữa những sản phẩm thực tế và hệ thống tiền tệ đã được làm rõ tiếp sau những biến cố nêu trên, mở đường cho nhiều cuộc tranh luận lí thuyết trong những thế kỉ sau. Thật vậy, gia tăng của giá cả đã châm ngòi cho một cuộc tranh luận nổi tiếng giữa Malestroit (cố vấn của Toà án tài chính) và Jean Bodin (luật gia, nhà kinh tế và triết học Pháp, 1568). Theo Malestroit, gia tăng của giá cả chỉ là biểu kiến do đồng tiền bị xói mòn. Người ta không trả đủ tiền vàng nữa. Ngược lại, đối với Jean Bodin, gia tăng của giá cả là một thực tế và do gia tăng của kho vàng gây ra. Luận điểm này báo trước lí thuyết định lượng về tiền tệ. Sau đó, những nguyên nhân của lạm phát của thế  kỉ XVI được David Hume (1752), Adam Smith (1776) nghiên cứu và được Ricardo (1817) hình thức hoá. Ricardo xác lập những nguyên lí đầu tiên của phương trình Cambridge được Marshall, Pigou lấy lại và được I. Fisher (1930, in lại 1965), Latané (1954 và 1960) kiến giải lại. Những nguyên lí này ngày nay được biết dưới tên lí thuyết định lượng về tiền tệ. Có thể tóm lược nhanh là cầu tiền tệ M phụ thuộc thuận chiều với mức giá chung p và với khối lượng giao dịch T (do đó với mức thu nhập quốc gia) và ngược chiều với vận tốc lưu thông của tiền tệ theo quan hệ: M = (pT)/ v hay còn là M = kV.  
Anna Schwartz (1915-2012)
Nội dung lí thuyết của học thuyết trọng tiền. Học thuyết trọng tiền là sự tiếp nối đương đại của lí thuyết trọng tiền về tiền tệ, một lí thuyết xác lập một quan hệ (kinh tế vĩ mô) trực tiếp giữa mức cung tiền tệ, mức cầu sản phẩm và dịch vụ cũng như mức giá cả. Ta suy ra từ quan hệ này là những biến thiên của cung tiền tệ chỉ ảnh hưởng đến diễn tiến của mức giá chung, và do đó đến giá trị danh nghĩa của những đại lượng quan trọng nhất của nền kinh tế. Đóng góp chủ yếu của học thuyết trọng tiền cho lí thuyết định lượng về tiền tệ là việc đào sâu những quan hệ ngắn hạn. Những bến thiên của cung tiền tệ gây nên với những thời gian điều chỉnh khá ngắn một thay đổi của hoạt động kinh tế đi trước chừng vài tháng một thay đổi của giá cả. Trong thế kỉ XX, sự đổi mới của phân tích trọng tiền là do Milton Friedman tiến hành. Trong Một lịch sử tiền tệ của Hoa Kì, Milton Friedman và Anna Schwartz (1963) cho thấy là quan hệ (trọng tiền) giữa lượng tiền tệ và giá cả là có cơ sở thực nghiệm. Như vậy tỉ suất tiến triển của cung tiền tệ đạt đến đỉnh điểm ít nhất là một năm trước đỉnh điểm của mỗi chu kì kinh tế và xuống đến mức tối thiểu lâu hơn trước điểm đáy của mỗi chu kì. Tuy nhiên có những dao động đáng kể trong những khoảng lệch pha giữa những biến thiên tiền tệ và những điểm chuyển hướng của các chu kì kinh tế. Từ đó họ kết luận là những ý tưởng keynesian không vững chắc trước những sự kiện lịch sử.
Học thuyết trọng tiền và học thuyết Keynes. Cuộc khủng hoảng năm 1929 đánh dấu một chặng dừng trong tiến trình của những tư tưởng trọng tiền. Thật vậy, cuộc khủng hoảng này được thể hiện bằng một sụt giảm của giá cả. Từ đây chính là giảm phát, chứ không còn là lạm phát nữa, đã trở thành có vấn đề. Thế mà, trong trường hợp này, những giải pháp trọng tiền truyền thống chủ trương chống lạm phát bằng cách gIới hạn việc tạo sinh tiền tệ hoàn toàn trở nên lỗi thời. Thật thế, lí thuyết định lượng về tiền tệ không dự trù bất kì phản ứng đặc biệt nào của cầu tiền tệ tiếp theo sau một thay đổi của lãi suất. Cầu tiền tệ là một đường thẳng đứng trong mặt phẳng thu nhập quốc gia-lãi suất. Chính sách tài khoá là không có hiệu quả. 
Quan điểm của Keynes đối với lí thuyết định lượng về tiền tệ là như thế nào? Một mặt Keynes (1936) giữ lại nguyên lí của lí thuyết này vì đã đưa nguyên lí này vào trong cầu tiền tệ vì lí do giao dịch và lí do dự phòng. Kí hiệu bằng L1 phần cầu tiền tệ này, ông công thức hoá một quan hệ kiểu L1 = l1Y với l1 là một hệ số giống hệt k được định nghĩa trên đây. Mặt khác, ông phê phán lí thuyết định lượng thông qua cầu tiền tệ vì động cơ đầu tư. Thật vậy, phần này của cầu tiền tệ, được kí hiệu là L2, phụ thuộc ngược chiều với lãi suất theo một quan hệ  L2 = l2r + l0 với một hệ số l2 < 0l0 tượng trưng cho mức độ ưa chuộng thanh khoản. Các cá thể tiến hành những lựa chọn trước hết giữa những tài sản thực tế và tài sản tài chính, tiếp đấy lựa chọn giữa tiền tệ và chứng khoán.
Cầu tiền tệ L1 + L2 từ nay vừa phụ thuộc vào mức thu nhập quốc gia vừa phụ thuộc vào lãi suất và tăng trong mặt phẳng thu nhập quốc gia-lãi suất. Đối với mục đích của Keynes, khác biệt này so với lí thuyết định lượng về tiền tệ là lớn vô cùng. Nó cho phép ông biện minh rằng ứng với một gia tăng của cầu sản phẩm và dịch vụ là một gia tăng của mức thu nhập quốc gia. Thế mà khi có sự chênh lệch giảm phát, thì ích lợi của chính sách tài khoá là làm tăng mức thu nhập quốc gia hướng đến mức đảm bảo toàn dụng lao động trong nền kinh tế. Dịch chuyển này là có lợi vì nó cho phép làm giảm thất nghiệp. Như vậy Keynes, trong Lí thuyết tổng quát xuất bản năm 1936, giải thích là thay vì triển khai một chính sách trọng tiền thì ngược lại phải tiến hành một chính sách mở rộng hoạt động. Phải vực nền kinh tế dậy bằng những thâm hụt công cộng. Điều này quả là một cuộc cách mạng thật sự so với những học thuyết thời bấy giờ. Cuộc cách mạng keynesian sẽ kéo dài đến cuối những năm 1960.
Henry Simons (1899-1946)
Lloyd W. Mints (1888 - 1989)
Theo truyền thống, những phân tích của trường phái Chicago kể từ những năm 1930 có điểm chung là không tương hợp với phân tích keynesian. Thật thế, theo tinh thần của những thành viên của trường phái tư tưởng này (và là những người báo trước học thuyết trọng tiền), H. Simons, L. Mints, P. Douglas, những hành vi kinh tế hoàn toàn được lí thuyết tân cổ điển và tiên đề tính duy lí cá thể giải thích tốt. Thị trường cạnh tranh là hình thức tổ chức kinh tế tốt nhất vì giá cả tự động chuyển tải thông tin cần thiết cho việc hình thành những lựa chọn duy lí. Do đó Nhà nước còn có thể có vai trò khi không làm thay đổi những nguồn lực kinh tế. Những quan điểm này đương nhiên là đối lập với Lí thuyết tổng quát của Keynes. 
Don Patinkin (1922-1995)
Paul H. Douglas (1892-1976)
Chính trong vòng ảnh hưởng này mà Milton Friedman, giải khoa học kinh tế để tưởng nhớ Alfred Nobel năm 1976, kể từ những năm 1950, lên một chiến dịch chống học thuyết keynesian nhằm phục hồi những tư tưởng trọng tiền. Sinh năm 1912 tại Brooklyn, New York, Milton Friedman chứng kiến thắng lợi của những chính sách keynesian trong cuộc đại khủng hoảng. Ông nhanh chóng chống lại bằng cách lập nên một trường phái tư tưởng ở Chicago, ngày nay được biết dưới tên trường phái trọng tiền. Lí thuyết của Friedman về cầu tiền tệ chỉ là sự tiếp nối những mô hình keynesian về lựa chọn danh mục đầu tư (Patinkin [1969]). Đối với Friedman, lí thuyết định lượng là một lí thuyết cầu tiền tệ chứ không phải là một lí thuyết giá cả hay lí thuyết thu nhập danh nghĩa. Tiền tệ là một thành phần của của cải, cũng giống như, nói chung, những chứng khoán khác như cổ phiếu, trái phiếu, tài sản hữu hình hay vốn con người. Như vậy, so với các nhà keynesian, duy chỉ có danh mục các tài sản là được mở rộng. Nhưng đối với Friedman, từ nay các tác nhân tiến hành đồng thời những lựa chọn duy lí giữa tất cả những hình thức tài sản khác nhau, chứ không chỉ những lựa chọn liên tiếp như với Keynes. Như thế, cầu tiền tệ của các tác nhân tuỳ thuộc vào giá, rủi ro và lợi tức của mỗi loại tài sản. Để cho cầu này tương thích với lí thuyết định lượng về tiền tệ, Friedman giả định rằng cầu là thuần nhất cấp một khiến cho các tác nhân không phải là nạn nhân của ảo giác tiền tệ. Tuy nhiên, vận tốc lưu thông của tiền tệ không còn là không đổi nữa, vì cầu tiền tệ là một hàm của những lợi tức của những tài sản khác nhau, của lãi suất và của những sở thích của các tác nhân. Nhưng hàm này được giả định là ổn định khiến cho nó vẫn còn phù hợp với lí thuyết định lượng về tiền tệ. Cuối cùng, cầu tiền tệ này không thẳng đứng cũng không nằm ngang trong mặt phẳng thu nhập quốc gia-lãi suất. Không có những khác biệt lớn về cách nhìn cầu tiền tệ giữa học thuyết Keynes và học thuyết trọng tiền, nhưng đơn giản là đối với các nhà keynesian cầu tiền tệ là không ổn định và vô cùng nhạy cảm với lợi tức của các chứng khoán, trong lúc đối với các nhà trọng tiền cầu này là ổn định và tất cả tài sản đều được tính đến và được coi là thay thế cho nhau được.  
Thuật ngữ học thuyết trọng tiền là do K. Brunner (1968) đề xuất và được ông định nghĩa trong những nét lớn như sau: “thứ nhất, những xung lực tiền tệ có tính quyết định trong những biến thiên của sản xuất, việc làm và giá cả. Thứ hai, diễn tiến của cung tiền tệ là chỉ số chắc chắn nhất để đo xung lực tiền tệ. Thứ ba, các giới chức tiền tệ có thể kiểm soát diễn tiến của cung tiền tệ trong suốt những chu kì kinh tế. 
Như vậy, Milton Friedman dần dần thành công trong việc áp đặt quan điểm của mình và thuyết phục chính phủ Mĩ rằng một chính sách thắt chặt tiền tệ là có cơ sở.
Học thuyết trọng tiền như là một chính sách kinh tế
Milton Friedman (1912-2006)
Karl Brunner (1916-1989)
Những công trình thực nghiệm được Milton Friedman và Anna Schwartz tiến hành năm 1963 nhấn mạnh những khó khăn trong việc tiến hành một chính sách tiền tệ mềm dẻo. Chính vì thế, đối với các nhà trọng tiền, trong mọi trường hợp phải không bao giờ để chính sách tiền tệ gánh chịu những ngẫu nhiên tình thế, dù cho đó là những ngẫu nhiên có tính kinh tế hay chính trị. Về mặt chính sách, Nhà nước can thiệp chỉ để tạo thuận lợi cho sự ổn định của các tác nhân kinh tế (Muth [1961], Lucas [1972]). Thiết lập sự ổn định này phải thông qua sự ổn định của giá cả và do đó thông qua việc kiểm soát chặt chẽ và nghiêm ngặt cung tiền tệ. Qui tắc đơn giản nhất là cung tiền tệ tăng theo một tỉ suất cố định nhằm theo các chu kì kinh tế nhưng nhất là không có những biến thiên tăng trưởng không kiểm soát được. Qui tắc này cho phép tính đến sự tăng trưởng của sản xuất, cũng như sự sụt giảm của vận tốc lưu thông của tiền tệ. Tỉ suất tăng trưởng của cung tiền tệ cần được chọn là, một cách xấp xỉ, tỉ suất tăng trưởng của giá cả trong dài hạn.
Sụt giảm của vận tốc lưu thông của tiền tệ được giải thích là do tiền tệ là một hàng hoá cao cấp, và cầu của những dịch vụ tiền tệ tăng theo một tỉ suất cao hơn tỉ suất gia tăng của thu nhập. Xu thế sụt giảm của vận tốc lưu thông của tiền tệ không loại trừ là vận tốc này tăng trong những thời kì bành trướng của chu kì kinh tế. Do đó những cách trình bày của trào lưu trọng tiền mới nhấn mạnh đến cầu tiền tệ và, bằng cách cải tiến việc phân tích những nhân tố do những nhà trọng tiền truyền thống đề nghị trước đây, làm nổi bật tác động của cung tiền tệ trên những chuyển động của giá cả mà không vì thế giữ lại giả thiết là có một tỉ lệ chặt chẽ giữa những biến thiên của chúng. 
Một chính sách kinh tế như thế có những tác động đáng kể đến thị trường lao động. Các nhà trọng tiền phê phán phương pháp đình đốn lạm phát, một phương pháp đưa tỉ suất lạm phát của thời kì trước như là một biến giải thích vào quan hệ Phillips (1958) (quan hệ giảm dần giữa tỉ suất biến thiên của lương và tỉ suất thất nghiệp của thời kì). Biến này cho phép tính đến hiệu ứng của việc chỉ số hoá lương trên giá cả. Nhưng đối với các nhà trọng tiền, những hành vi trên thị trường lao động là do diễn biến của lương dự kiến xác định nhiều hơn là do diễn biến của lương danh nghĩa như được lí thuyết keynesian giả định. Từ đó họ suy ra một đường Phillips được tăng cường bằng những dự kiến và như thế giải thích sự mất ổn định quan sát được của đường này do tính không ổn định của những dự kiến. Như thế Friedman cho thấy rằng khi những dự kiến có tính thích nghi thì lạm phát quan sát được trùng với lạm phát được dự kiến, khiến cho đường Phillips trong dài hạn trở thành thẳng đứng vì các tác nhân kinh tế không còn phạm sai lầm nữa. Tỉ suất thất nghiệp trở thành độc lập với tỉ suất lạm phát. Ông gọi tỉ suất lạm phát này là tỉ suất thất nghiệp tự nhiên.
Trong những điều kiện này, những xung lực tiền tệ lan truyền như thế nào? Giả sử rằng tình hình trên thị trường lao động tương thích với một tỉ suất thất nghiệp tự nhiên. Các tác nhân kinh tế dự kiến một lạm phát bằng không. Nếu các giới chức tiền tệ tăng cung tiền thì tiền mặt thực tế của các tác nhân kinh tế tăng đến một mức không được mong muốn do không được dự kiến. Kết quả là một gia tăng của tổng cầu mà các doanh nghiệp phải đáp ứng bằng một gia tăng của sản xuất và do đó gia tăng của việc làm. Trong ngắn hạn, các doanh nghiệp phải tuyển dụng nhiều hơn, và để làm việc này phải thu hút người lao động bằng cách chào mời những lương tốt hơn. Nhưng do sự điều chỉnh này đòi hỏi một thời gian nhất định nên các doanh nghiệp trong ngắn hạn tăng giá để chận đứng gia tăng phụ trội của sản phẩm và dịch vụ mà họ không đáp ứng nổi. Do những dự kiến có một sức ì nhất định (bởi tính thích nghi của chúng) nên các tác nhân kinh tế lí giải gia tăng của lương danh nghĩa như là một gia tăng của lương thực tế, và điều này khuyến khích họ lao động. Thất nghiệp được giảm bớt bấy nhiêu, phù hợp với quan hệ Phillips. Nhưng trong dài hạn, các tác nhân kinh tế hiểu ra rằng gia tăng của giá cả làm giảm lương thực tế của họ, cho nên họ giảm cung lao động, và thất nghiệp trở về lại mức ban đầu. Như thế nền kinh tế thay đổi đường Phillips, và do đó đường này dịch chuyển lên phía trên. Trong dài hạn, đường Phillips là thẳng đứng.
Robert Lucas (1937-)
Thomas Sargent (1943-)
Thông điệp của các nhà trọng tiền là: nếu cung tiền tệ tăng theo một tỉ suất không đổi, thì việc đánh đổi lạm phát-thất nghiệp biến mất và tỉ suất thất nghiệp hiện có trong nền kinh tế là tỉ suất thất nghiệp tự nhiên. Nếu chính phủ muốn giảm tỉ suất thất nghiệp thì chính phủ phải ngăn cản những dự kiến của các tác nhân kinh tế, ví dụ bằng cách tăng tốc việc tạo sinh tiền tệ (tăng tỉ suất gia tăng). Nhận xét này biện minh cho điều là các luận điểm của Friedman thường được gọi là những luận điểm tăng tốc. Các nhà cổ điển mới, Barro (1974), Lucas (1972), Muth, Sargent và Wallace (1975) phê phán ý tưởng cho rằng các tác nhân có thể có một hành vi tối ưu trong những lựa chọn kinh tế nhưng lại không có cách ứng xử này đối với các dự kiến. Như thế họ nêu giả thiết những dự kiến duy lí, nghĩa là những dự kiến dựa trên những thông tin xác đáng. Điều này không có nghĩa là các tác nhân không sai lầm nhưng chỉ đơn giản là kì vọng toán phạm sai lầm là bằng không trong trung bình. Tuy nhiên, phê phán của họ không đặt lại vấn đề thông điệp trọng tiền theo đó những xung lực (hay chính sách) tiền tệ là có tính trung lập (không có tác động đến hoạt động thực tế). 
Nội dung thực tiễn của học thuyết trọng tiền. Trong phân tích trọng tiền, khái niệm tiền tệ là cực kì thiết yếu. Thế mà để biết được mối quan hệ giữa lượng tiền tệ và giá cả thì phải định nghĩa và đo lượng tiền tệ. Phân tích kinh tế định nghĩa tiền tệ như mọi sản phẩm kinh tế vừa là một phương tiện trao đổi, vừa là một đơn vị tính toán đồng thời là một phương tiện dự trữ giá trị. Trên quan điểm thực tiễn, có nhiều khái niệm cho phép đo tiền tệ được gọi là M1, M2, M3, những khái niệm này qui chiếu về những định nghĩa ngày càng mở rộng lượng tiền tệ. Như thế M1 chỉ đơn giản gồm có đồng tiền của ngân hàng trung ương, M2 là đồng tiền của ngân hàng trung ương cộng với tiền tệ do các ngân hàng tạo sinh thông qua những kí gởi, M3 gồm có M2 cộng với những đầu tư dài hạn. Tính liên tục ngày càng bao trùm của những đại lượng tiền tệ tổng gộp dẫn đến việc tính đến một cách gián tiếp những tín dụng ngắn, trung hay dài hạn như là những hình thái tiền tệ. Tuỳ theo là ta chọn đại lượng tiền tệ tổng gộp này hay đại lượng tiền tệ tổng gộp khác thì ta có những lãi suất tương ứng khác nhau. 
Các nhà keynesian đã thử đo một cách thực nghiệm và chi tiết sự lan truyền của những xung lực tiền tệ trên các thị trường tài chính, ảnh hưởng của những xung lực này trên cấu trúc của những lãi suất cũng như trên đầu tư. Nhưng dường như tác động của tiền tệ trên việc xác định những biến cân bằng kinh tế vĩ mô là tương đối yếu. Điều này một phần được giải thích là do những nhà keynesian đã tìm những tác động này trên những lãi suất dài hạn, những lãi suất này theo bản chất ít phản ứng với những dao động ngắn hạn của cung tiền tệ. Hơn nữa, đầu tư phản ứng rất ít với chi phí của vốn, nghĩa là với lãi suất. Hai nhận xét này khiến các nhà keynesian tự nhiên loại bỏ khả năng dùng chính sách tiền tệ như một công cụ điều tiết tình thế.  
Các nhà trọng tiền phê phán cách tiếp cận trên vì lợi tức của vốn hữu hình là không so sánh được với lãi suất dài hạn. Thật thế, lợi tức của cổ phiếu chỉ phản ảnh hành vi của một thiểu số doanh nghiệp (những doanh nghiệp được niêm yết trên thị trường chứng khoán). Hơn nữa, không có một khái niệm chính xác cho phép đo chi phí của vốn liên quan đến những sản phẩm lâu bền. Như vậy vấn đề trên chỉ là kiểm định duy nhất sự tồn tại của một quan hệ giữa cung tiền tệ trực tiếp với hoạt động kinh tế tính bằng giá trị (Lavinge & Pollin [1997]).
Học thuyết trọng tiền cố gắng đo bằng thống kê mối quan hệ giữa lượng tiền được tạo ra và mức giá chung. Ý tưởng chung là lượng tiền và lạm phát biến thiên cùng chiều với nhau. Trực giác của lập luận này xuất phát từ việc tiền tệ được xem như một hàng hoá. Thể theo nguyên lí tân cổ điển đặt cơ sở của giá trị trên lợi ích cận biên, ta có thể suy ra rằng một sản phẩm kinh tế hiếm hoi là đắt, và ngược lại, do đó một sản phẩm kinh tế dồi dào là rẻ. Do tiền tệ được xử lí như mọi sản phẩm kinh tế khác nên một đồng tiền dồi dào là rẻ. Điều này có nghĩa là những sản phẩm và dịch vụ mà đồng tiền dồi dào này cho phép mua được là đắt tính theo giá của đồng tiền này. Ta gặp lại đây ý tưởng lớn của học thuyết trọng tiền theo đó chính là lượng tiền được đo ấn định lạm phát và do đó ấn định mức giá chung.
Kinh nghiệm bi thảm của nền cộng hoà Weimar về mặt kinh tế không thể tách rời với lạm phát phi mã mà nền cộng hoà này đã tạo ra ngay sau cuộc đại chiến 1914. Nước Đức bị phá sản và chính phủ, thay vì siết chặt chính sách tiền tệ, không ngừng in thêm tiền. Đồng mark mất giá mỗi ngày và nhanh chóng không đáng giá gì nữa. Bằng cách xem tiền tệ như bất kì sản phẩm nào khác, các nhà trọng tiền giải thích kinh nghiệm lịch sử này bằng một hiệu ứng dư thừa và sự mất tin tưởng. Để mua một mẫu bánh mì phải tốn đến nhiều trệu mark. Sản phẩm và dịch vụ là khan hiếm trong lúc kì lạ thay đồng tiền lại dồi dào đến độ không còn đáng giá gì nữa và mất giá mỗi ngày. Đối với các nhà trọng tiền, đây là một bằng chứng cho thấy rằng tiền tệ cũng là một hàng hoá như mọi hàng hoá khác và sự khan hiếm của nó là cơ sở của giá trị của tiền tệ.
Nội dung chính trị của học thuyết trọng tiền. Đâu là những định chế cho phép triển khai một chính sách kinh tế trọng tiền? Tiêu biểu nhất, đó là các ngân hàng trung ương. Thật vậy, chính các ngân hàng trung ương quản lí lượng tiền tệ và cung cấp cơ sở tiền tệ của nền kinh tế và do đó quan tâm hàng đầu đến lượng tiền tệ này.
Học thuyết trọng tiền cho là lượng tiền tệ ảnh hưởng đến mức giá cả, và chính sách trọng tiền chủ trương là các giới chức tiền tệ, đặc biệt là ngân hàng trung ương, phải ấn định lượng tiền tệ nhằm đảm bảo một số mục tiêu, ví dụ về lạm phát. Việc các ngân hàng trung ương có những mục tiêu về lạm phát khiến họ xem mức giá chung như là một biến vô cùng quan trọng. Do đó, các ngân hàng này theo dõi lượng tiền tệ họ tạo ra lẫn mức giá chung, và thường xuyên đặt câu hỏi về mối quan hệ giữa hai đại lượng này. Ngày nay học thuyết trọng tiền ảnh hưởng khá mạnh cách mà các ngân hàng trung ương (Hoa Kì hay châu Âu) ấn định chính sách vì mỗi ngân hàng đều có một mục tiêu về lạm phát. Để đạt được mục tiêu này, các ngân hàng này cũng có một mục tiêu tạo sinh tiền tệ, mục tiêu này cho phép đạt được mục tiêu kia. Trên điểm này, học thuyết trọng tiền là quan trọng đối với các nước công nghiệp, cho dù lí thuyết này bị phê phán khá mạnh mẽ. Thật thế, có nhiều khả năng là vấn đề một ít tạo sinh tiền tệ có dẫn đến chút ít hay quá nhiều lạm phát sẽ còn được tranh luận trong nhiều năm nữa.
Sau việc châu Âu chọn một đồng tiền duy nhất, các ngân hàng trung ương quốc gia đã chấp nhận từ bỏ một phần chủ quyền của mình và hợp thành một hệ thống châu Âu những ngân hàng trung ương, hệ thống này thực hiện chức năng ngân hàng trung ương của những ngân hàng trung ương và các ngân hàng trung ương quốc gia chỉ còn những chức năng thứ yếu. Như thế, về bản chất những ngân hàng trung ương này là trọng tiền. Còn bản chất của các chính phủ là keynesian vì, do nhiều lí do, họ bao giờ cũng muốn chi tiêu. Các chính phủ thường hay dùng ngân hàng trung ương làm công cụ tài trợ cho chi tiêu của mình cho nên sự đối lập hiện có giữa các ngân hàng trung ương và các chính phủ kết tinh lại trong những cuộc tranh luận giữa học thuyết trọng tiền và học thuyết Keynes.
Cuối cùng có thể coi là học thuyết trọng tiền tương ứng với một chính sách có cảm hứng tự do và học thuyết Keynes tương ứng với một chính sách có cảm hứng xã hội. Cách phân biệt này xuất phát từ những định hướng chính trị chính của hai tên tuổi gắn với hai học thuyết này vì Milton Friedman là một nhà tự do và Keynes đã đặt cơ sở cho những chính sách can thiệp của Nhà nước. Dù sao đi nữa, có thể phát biểu như sau lằn ranh nằm ở trung tâm những cuộc tranh luận chính trị: một bên là học thuyết Keynes và chính sách mở rộng với công cụ hành động là chính sách tài khoá và do đó đặt dưới quyền lực của Nhà nước, một bên là học thuyết trọng tiền và chính sách nghiêm chặt với công cụ hành động là chính sách tiền tệ chặt chẽ và do đó đặt dưới quyền lực của ngân hàng trung ương độc lập.
BARRO R., Are Government Bonds Net Weath?, Journal Political Economy, Nov-Dec. 1974, vol. 82, p. 1095-. BODIN J., Responses à monsieur de Malestroit (1752), Paris, Armand Colin. 1932. BRUNNER K., The Role of Money and Monetary Policy, Review of Federal Bank of Saint-Louis, July 1968. FISHER I., The Theory of Interest, New York, Kelley, 1èr éd., 1930 (2è éd. 1965). FRIEDMAN M. & SCHWARTZ A., A Monetary History of the United States, 1867-1960, Princeton University Press, 1963. HUME D., Essais De lintérêt de largent, 1752.  KEYNES, J. M., La théorie générale  de lemploi, de lintérêt et de la monnaie (2è trimiestre 1936), Paris, Petite bibliothèque Payot, 1975 LATANE H. A., Cash, Balances and the Interest Rate: a Pragmatic Approach, Review of Economics and Statistics, Nov. 1954, vol. 36, p. 456-460; Income Velocity and Interest Rate: a Pragmatic Approach, Review of Economics and Statistics, Nov. 1960, vol. 42, p. 445-449. LAVIGNE A & POLLIN J.-P., Les théories de la monnaie, Paris, La Découverte Repères, 1997. LUCAS R., Expectation and the Neutrality of Money, Journal of Economic Theory, 1972, vol. 4, p. 103-124. MUTH J., Rational Expectations and the Theory of Price Movements, Econometrica, July 1961, vol. 23, p. 315-335. PATINKIN D., The Chicago Tradition, the Quantity Theory and Friedman, Journal of Money, Credit and Banking, 1969, vol. 1, p. 46-70. PHILLIPS A. W., The Relation between Unemployment and the Rate of Change of Money Wage Rates in the United Kingdom, 1861-1957”, Economica, 1958, vol.25, p. 238-299. RICARDO D., Des principes de léconomie politique et de limpôt (1817), Paris/Montréal, Flammrion Champs économiques, 1981. SARGENT T. & WALLACE N., Rational Expectations, the Optimal Monetary Instrument and the Optimal Money Supply Rule, Journal of Political Economy, April 1975, vol. 83, p. 241-254. SMITH A., Recherches sur lorigine et les causes de la richesse des nations (1776), Paris, Dalloz Les grands économistes, 1950. 
Daniel GAUMONT
Phó giáo sư đại học Panthéon-Assas (Paris 2)
Nguyễn Đôn Phước dịch
® Chính sách tiền tệ; Đại lượng tiền tệ; Đường Phillips; Học thuyết Keynes; Học thuyết trọng thương; Khủng hoảng kinh tế; Lạm phát; Lãi suất; Ngân hàng trung ương.
Nguồn: Dictionnaire des sciences économiques, sous la direction de Claude Jessua, Christian Labrousse, Daniel Vitry, PUF, Paris, 2001
Print Friendly and PDF