3.12.16

Lời thất hứa về lãi suất âm



LỜI THẤT HỨA VỀ LÃI SUẤT ÂM

Robert Skidelsky
Robert Skidelsky, giáo sư danh dự kinh tế chinh trị tại đại học Warwick và là hội viên của viện sử học và kinh tế Anh quốc, thành viên của Thượng nghị viên Anh. Tác giả tiểu sử gồm 3 tập về John Maynard Keynes, ông bắt đầu sự nghiệp chính trị ở đảng Lao động, trở thành người phát ngôn về các vấn đề ngân sách cho đảng Bảo thủ tại Thượng nghị viên và cuối cùng bị khai trừ khỏi đảng Bảo thủ vì không đồng ý với sự can thiệp của NATO ở Kosovo năm 1999.
LONDON – Trong tư cách là người viết tiểu sử và hâm mộ John Maynard Keynes, tôi thường được hỏi: “Keynes sẽ nghĩ gì về lãi suất âm?”
J. M. Keynes (1883-1946)

Đây là một câu hỏi hay, làm liên tưởng đến một đoạn trong quyển Lý thuyết Tổng Quát của Keynes, trong đấy ông nói rằng nếu một chính phủ không thể nghĩ ra cách gì hợp lý hơn để giải quyết vấn đề thất nghiệp (ví dụ như việc xây nhà), thì việc chôn những cái chai chứa đầy tiền giấy và tiếp theo đào chúng lên lại hơn là không làm gì hết. Ông ta có lẽ cũng nói tương tự như vậy với lãi suất âm: một giải pháp tuyệt vọng mà chính phủ có thể nghĩ ra khi họ không hình dung được cách nào khác.
Lãi suất âm đơn giản là nỗ lực gần nhất không đem lại kết quả, kể từ khủng hoảng tài chính 2008 để phục hồi các nền kinh tế bằng giải pháp tiền tệ. Khi việc cắt giảm lãi suất tới mức thấp trong lịch sử đã thất bại trong việc phục hồi tăng trưởng, ngân hàng trung ương đã chọn điều gọi là QE (nới lỏng định lượng): tăng thanh khoản cho các nền kinh tế bằng việc mua các trái phiếu dài hạn của chính phủ và các trái phiếu khác. Điều này tạo ra một số hiệu ứng tốt, nhưng hầu hết những người bán các tài sản trên không chịu dùng tiền thu được để tiêu dùng hay đầu tư.
Mario Draghi (1947-)
Tiếp đó là chính sách lãi suất âm. Tất cả các ngân hàng trung ương các nước Đan Mạch, Thụy Điển, Nhật, và khu vực đồng tiền chung Châu Âu đã chấp nhận chúng trong khi quỹ dự trữ liên bang Mỹ và ngân hàng Anh quốc đang trong giai đoạn bị cám dỗ để làm điều này.
Người ta thiết kế cụm từ “Lãi suất âm” để làm bối rối nhiều người, trừ các chuyên gia. Thay vì trả lãi cho khoản dự trữ “dư” của các ngân hàng thương mại, ngân hàng trung ương đánh thuế trên những khoản ký gửi này. Ý tưởng của việc này là ép các ngân hàng thương mại giảm số dư không chi tiêu và tăng các khoản cho vay và đầu tư. Trường hợp của ECB, có một lý do kỹ thuật: tăng cung trái phiếu cho chương trình QE hiện tại chất lượng cao của chủ tịch Mario Draghi.
Chính sách được cho là vận hành khi lãi suất thị trường đi theo tỷ lệ lợi nhuận mong đợi, ý tưởng này được kinh tế gia Thụy Điển Knut Wicksell đưa ra. Vấn đề là ngược lại với hiện nay, trước đó người ta tin rằng lãi suất danh nghĩa không thể thấp hơn zero, ngày nay thì lợi tức mong đợi trên một khoản đầu tư có thể dễ dàng hạ xuống zero hoặc thấp hơn khi cầu bị suy giảm.
Knut Wicksell (1851-1926)
Lãi suất âm là nỗ lực gần nhất để vượt qua sự không tương thích giữa động lực của người cho vay và người đi vay. Làm tăng chi phí khi ngân hàng thương mại gửi tiền ở ngân hàng trung ương sẽ khiến giảm chi phí cho những người đi vay các khoản vay thương mại. Sự tính toán ở đây là ngân hàng thương mại, thay vì trả phí giữ tiền cho ngân hàng trung ương, sẽ đưa tiền vào trong lưu thông bằng cách cho vay, mua chứng khoán của chính phủ hoặc các loại chứng khoán khác.
Nhưng Ngân hàng Thế Giới đã chỉ ra rằng lãi suất âm có thể có những hiệu ứng không mong đợi. Lợi nhuận của ngân hàng thương mại có thể bị giảm sút vì biên độ lãi suất cho vay-ký gửi thu hẹp. Hoặc điều này cũng có thể khiến các ngân hàng thương mại chấp nhận những rủi ro cao hơn, dẫn tới bong bóng tài sản. Lãi suất tiền gửi thấp hơn có thể dẫn đến nhiều khu vực lớn trong nền kinh tế sẽ dựa trên tiền mặt, trong khi đó thì quỹ hưu trí và các công ty bảo hiểm có thể phải vật lộn để đảm bảo những cam kết dài hạn với khách hàng với một lãi suất danh nghĩa cố định.
Nhưng, ngoài những vấn đề trên, luận cứ thật sự chống lại lãi suất âm là sự dại dột của việc chỉ dựa trên chính sách tiền tệ để cứu những nền kinh tế ra khỏi suy thoái. Keynes đã tóm lược lại rằng: “Nếu chúng ta bị cuốn hút để xác nhận rằng tiền tệ là thứ đồ uống nhằm kích thích hệ thống hoạt động, chúng ta phải lưu ý rằng có một vài độ trượt giữa chiếc cốc và đồ uống” Danh sách “độ trượt” của Keynes đáng để được nhắc lại:
“Trong khi người ta mong đợi việc tăng lượng tiền có thể giảm lãi suất, điều này sẽ không xảy ra nếu sở thích thanh khoản của đại chúng tăng nhiều hơn khối lượng tăng của tiền, và trong khi người ta mong đợi việc giảm lãi suất có thể tăng khối lượng đầu tư, điều này sẽ không xảy ra nếu lợi nhuận mong đợi giảm nhanh hơn lãi suất; và trong khi người ta mong đợi sự tăng lên trong khối lượng đầu tư có thể làm tăng số việc làm, điều này sẽ không xảy ra nếu xu hướng tiêu thụ giảm dần.”
Robert Skidelsky (1939-)
Hoàn toàn đúng như thế. Ngày nay, các nhà kinh tế đang bận rộn để thiết kế các kì công ảo thuật tiền tệ khi các chính sách gần nhất bị thất bại: đánh thuế trên việc giữ tiền mặt, thậm chí hủy bỏ hoàn toàn tiền mặt, hoặc ở một cực đoan khác, bơm tiền mới in xối xả (“helicopter drops”) tới công chúng.
Tuy nhiên, sự thật là cách duy nhất để dảm bảo rằng “tiền mới phát hành” được đưa vào lưu thông là chúng ta cần thông qua việc chính phủ tiêu dùng chúng. Chính phủ sẽ mượn tiền trực tiếp từ ngân hàng trung ương và sử dụng để xây nhà, bảo dưỡng hệ thống giao thông, đầu tư cho công nghệ tiết kiệm năng lượng, và v.v..
Buồn thay, bất cứ việc tài trợ tiền nào cho những thâm hụt công cộng như trên đều là điều cấm kỵ. Điều này đi ngược với quy định của liên minh châu Âu (EU) và bị chống lại bởi những người xem sự khó khăn chi tiêu của chính phủ trong giai đoạn hậu khủng hoảng như một cơ hội để thu hẹp vai trò của nhà nước.
Larry Summers (1954-)
Nhưng nếu đúng như Larry Summers và những người khác lập luận rằng chúng ta đang tiến vào giai đoạn “trì trệ thế kỉ” và thất nghiệp tăng cao, thì vai trò trong hoạt động đầu tư quy mô lớn của chính phủ là không thể tránh khỏi. Những sự kiện sau khủng hoảng tài chính 2008 cho thấy rằng chính sách tiền tệ tự thân không thể khiến cho hoạt động kinh tế đạt được mức tiềm năng của nó. Nhà nước cần phải can thiệp.
Việc chi tiêu vốn của chính phủ trung ương hay của ngân hàng đầu tư độc lập (điều mà tôi ưa chuộng) có mặt hay không trong bảng tổng kết tài sản là một điều thứ yếu. Lãi suất âm đơn thuần chỉ làm ta sao nhãng việc phân tích vào chiều sâu điều gì đã sai lầm và điều gì còn tiếp tục sai lầm.
Đoàn Thành Đô dịch
Nguồn: “The False Promise of Negative Interest Rate”, Project Syndicate, May 24 2016
Print Friendly and PDF