20.7.17

Hoa Kỳ/ Kenya: Công bố nghiên cứu mới về các kết quả thí điểm thu nhập cơ bản tại Kenya



HOA KỲ/ KENYA: CÔNG BỐ NGHIÊN CỨU MỚI VỀ CÁC KẾT QUẢ THÍ ĐIỂM THU NHẬP CƠ BẢN TẠI KENYA
Austin Douillard
Các phụ nữ tại một làng nông thôn ở phía Tây Kenya. (Andrew Renneisen/Thời báo New York)
GivenDirectly, một tổ chức phi chính phủ đóng tại New York, mà hoạt động đã được Thời báo Thu nhập Cơ bản tường thuật trước đây, đã khởi xướng một chương trình thí điểm tại một làng nông thôn ở phía Tây Kenya, vào tháng Mười vừa qua. Tổ chức vừa mới công bố phân tích nội bộ về chương trình thí điểm, trong một nỗ lực đầu tiên để tổng hợp những kết quả của một dự án của GiveDirectly về thu nhập cơ bản. Những kết quả sẽ tạo lập tinh thần chung cho các chương trình tiếp theo và ảnh hưởng đến chính sách thu nhập cơ bản nhằm tạo bước tiến về phía trước.
Chương trình thí điểm
Các giao dịch chuyển tiền được thực hiện thông qua điện thoại di động đến các dân làng. Mỗi người trong 95 thành viên tham gia nhận 2,280 shillings (khoảng 22 USD) mỗi tháng để tiết kiệm hoặc chi tiêu tùy thích. Tất cả những người tham gia được đảm bảo khoản thu nhập này cho 12 năm tiếp theo. Trước khi GiveDirectly bắt đầu những khoản thanh toán, rất nhiều người trong làng đang sống với số tiền ít hơn US$0,75 một ngày; rồi sau đó, không ai phải như thế nữa. Phân tích của GiveDirectly tuyên bố rằng “với 45% dân làng, khoản chi trả thu nhập cơ bản của tháng đầu tiên là món tiền lớn nhất họ từng có.”
Những kết quả
Tổ chức vừa mới công bố những kết quả định tính của nghiên cứu đầu tiên về chương trình thí điểm. Nghiên cứu được tiến hành thông qua những khảo sát bằng điện thoại thông qua các trung tâm chăm sóc khách hàng, cũng như những cuộc đàm thoại nhóm nhỏ tập trung. Khảo sát tìm hiểu về khác biệt lớn nhất mà món tiền tạo ra cho cuộc sống của họ. Dưới đây là một vài câu trả lời:
-          “Tôi chờ đợi là những khoản tiền nhận được sẽ cho phép tôi thanh toán các hóa đơn y tế về tình trạng (bệnh) của mình và mua sắm những thứ khác. Từ khi tôi đi khám sau khi nhận được tiền, tình hình sức khỏe của tôi đã cải thiện và tôi có thể đi làm mà không có nhiều căng thẳng.” Grace, 68 tuổi.
-          “Từ khi tôi đã có thể cải thiện công việc làm ăn, tôi kiếm đủ thu nhập giúp tôi đáp ứng các chi tiêu hằng ngày và cũng mua đầy đủ thức ăn cho các con tôi.” Diana, 33 tuổi.
-          “Sự khác biệt lớn nhất trong cuộc sống thường nhật của tôi là tôi có thể ăn đủ 3 bữa một ngày.” Dorcus, 87 tuổi.
Khảo sát cũng hỏi về cách thức các khoản tiền được tiêu như thế nào.
-          “Tôi tiêu toàn bộ khoản tiền nhận được từ GiveDirectly để mua một lưới đánh cá và một cái phao.” Erick, 40 tuổi.
-          “Tôi tiêu tiền nhận được từ GiveDirectly để mua nước sạch, thức ăn, xà phòng, và sử dụng phần lớn khoản tiền để chi trả học phí trường lớp.” Fredrick, 70 tuổi.
-          “Tôi tiêu phần lớn khoản tiền tôi nhận được từ GiveDirectly nhằm mua một con dê từ khi tôi muốn mua gia súc. Tôi cũng mua thức ăn cho gia đình.” Patrick, 38 tuổi.
-          “Tôi tiêu tiền nhận được từ GiveDirectly để mua thức ăn và giữ phần lớn khoản đó làm tiết kiệm.” Milka, 44 tuổi.
Có phải là những người nhận thu nhập cơ bản dừng làm việc không? Câu hỏi này đã từng là tâm điểm trong các cuộc tranh luận về thu nhập cơ bản mặc dù có nhiều chứng cứ chỉ ra rằng những người nhận không nghỉ việc, và không tiêu tiền cho rượu bia. Đây là vài phản hồi của họ:
-          “Tôi cảm giác rằng tôi cần phải làm việc siêng năng hơn và tham gia vào các hoạt động tạo ra thu nhập khác để kiếm được nhiều tiền hơn.” Samson, 70.
-          “Đúng vậy, nhận những khoản thu nhập đã thay đổi cảm giác của tôi về công việc vì tôi rất muốn hoàn thành khóa học lái xe và ngay lập tức tìm việc làm”. Fredrick Odhiambo Awino, 28 tuổi.
-          “Tôi sẽ không làm việc nữa vì tôi già và ốm đau. Tôi chỉ đợi các khoản tiền thôi.” Jael, 73 tuổi.
-          “Tôi vẫn sẽ tiếp tục công việc làm ăn nhỏ của mình và đốt than vì gia đình cần khoản thu nhập thêm để giúp chúng tôi trang trải tất cả các chi phí mà không phải vay mượn từ người thân từng lần một.” Norah, 30 tuổi.
Dân làng. (Andrew Renneisen/Thời báo New York)
Một câu hỏi khảo sát khác hỏi về tiền (thu nhập cơ bản) sẽ ảnh hưởng đến các quyết định hay thái độ của người nhận đối với việc khởi sự kinh doanh hay các công việc nhiều rủi ro khác, như di cư để tìm việc làm. GiveDirectly nhấn mạnh rằng “Cho đến nay, bảy người nhận đã nói rằng họ đã có những kế hoạch hoặc đã rời làng để tìm vài công việc nào đó. Về khởi sự kinh doanh, vài người nhận dự định sẽ dùng các khoản tiền để mở rộng việc kinh doanh hiện tại và bắt đầu loại hình kinh doanh mới, trong khi đó nhiều người khác nghĩ họ không nhận đủ số tiền để bắt đầu (kinh doanh) bất cứ thứ gì có ý nghĩa.”
-          “Có một thời gian tôi đã bán bắp, mua và bán nhưng rồi bị phá sản nhưng bây giờ tôi biết tôi sẽ làm lại bởi vì trong khoảng thời gian đó chúng tôi đã có một đợt hạn hán và vì thế chúng tôi đã tiêu thụ bắp”. Phỏng vấn nhóm giới tính hn hợp.
-          “Tôi muốn bắt đầu kinh doanh “omena” (một loại cá nhỏ).” Caroline, 28 tuổi.
-          “Tôi muốn bắt đầu kinh doanh bán quần áo đã qua sử dụng.” Millicent, 33 tuổi.
-          “Về phần mình, tôi đam mê khởi sự kinh doanh nhưng thật không dễ để bắt đầu một loại hình kinh doanh nào đó ở đây. Ví dụ, nếu chúng tôi kinh doanh cùng một mặt hàng thì sẽ khó khăn để thu hút khách hàng. Chúng tôi phải cạnh tranh với nhau cho vài khách hàng có sẵn. Chúng tôi không thể làm kinh doanh ở những nơi xa được. Nếu bạn kinh doanh cái gì đó, bạn chỉ có thể làm trong phạm vi ngôi làng, kế bên nhà bạn. Có được vốn cũng khó khăn nhưng chúng tôi sẽ muốn khởi sự kinh doanh.” Phỏng vấn nhóm phụ nữ tập trung.
Một câu hỏi nữa là liệu người dân có gom góp ít tiền của họ hướng về các dự án chung với nhau như đào một cái giếng hay sửa chữa các con đường. Phân tích của GiveDirectly nói, “khi lần đầu tiên chúng tôi giải thích về chương trình, một trong những lãnh đạo cộng đồng đã gợi ý việc này tại buổi họp làng, và nó rõ ràng là mọi người đều nghĩ đến điều này, nhưng chúng tôi vẫn chưa thấy bất kỳ những dự án lớn nào được triển khai như là một kết quả (từ sự gợi ý trên).” Câu hỏi này đặc biệt quan trọng bởi vì không phải tất cả người trong làng đều nhận được trợ cấp thu nhập cơ bản. Trong một bài báo của Thời báo New York viết về chương trình thí điểm này, Annie Lowrey đã ghi nhận rằng điều này đã là một nguồn gây căng thẳng trong làng: “bằng cách cho tiền một số người nhưng không phải cho tất cả, tổ chức đã vô tình làm căng thẳng cấu trúc xã hội của một số các cộng đồng bộ tộc chặt chẽ này.” Mặc dù vậy, những dự án cộng đồng mang lại lợi ích cho mọi người sẽ hóa giải sự căng thẳng. Một trong những nhóm đối tượng được phỏng vấn đã chỉ ra rằng những dự án như thế là khả thi trong tương lai:
-          “Chúng tôi chỉ mới bắt đầu nhận tiền chỉ mới ngày kia thôi và sau khi làm vài thứ với nó trong ngôi nhà ở đây, chúng tôi có thể nghĩ đến việc cùng nhau hành động như một ngôi làng và chúng tôi đồng ý rằng chúng tôi sẽ gom góp ít tiền mặt với nhau để có thể sử dụng chúng làm vài thứ, hiện tại chúng tôi chưa bắt đầu gì cả, nhưng chúng tôi sẽ làm.
GiveDirectly nhận định rằng nói chung những kết quả này là đáng khích lệ. Họ dự định tiếp tục gây quỹ để tăng quy mô số người nhận tiền, và triển khai một nghiên cứu đầy đủ sau đó trong năm nay. Thí điểm này là một phần của một kế hoạch lớn hơn ở Kenya để đề xuất những khoản tiền (thu nhập cơ bản) không điều kiện tương tự đến người người dân trong 200 ngôi làng.
Nhiều thông tin hơn tại:
Annie Lowrey, “Tương lai của không làm việc”, The New York Times, 23 tháng Hai 2017
Joe Huston và Caroline Teti, “Nhận một thu nhập cơ bản giống như cái gì”, GiveDirectly, 23 tháng Hai 2017
Về tác giả Austin Douillard
Austin Douillard đã viết 4 bài báo. Austin hiện tại đang học Chính trị Quốc tế Phê phán tại Đại học Aberystwyth ở xứ Wales.
Nguyễn Vũ Hoàng dịch
Nguồn: “US / KENYA: New study published on results of basic income pilot in Kenya”, http://basicincome.org, on MAR 27, 2017
Print Friendly and PDF