21.7.17

Những hứa hẹn của không gian blog kinh tế



NHỮNG HỨA HẸN CỦA KHÔNG GIAN BLOG KINH TẾ
Blog cho phép các nhà nghiên cứu bước ra khỏi tháp ngà của họ, giao tiếp với một công chúng rộng lớn hơn và biến các công trình của họ thành một đề tài tranh luận. Tuy nhiên, những ý kiến trao đổi trái chiều vẫn còn quá hiếm trong không gian blog kinh tế Pháp ngữ.
Blog đang chiếm một vị trí ngày càng quan trọng trong các cuộc tranh luận về kinh tế. Ngay cả khi blog hoạt động năng động, thì không gian blog kinh tế Pháp ngữ vẫn còn tương đối khiêm tốn so với sự thành công của không gian blog kinh tế Anh ngữ. Về mặt lịch sử, các bài phân tích kinh tế từng được giới thiệu trong các công trình nghiên cứu, các sách báo hoặc tạp chí chuyên ngành, hoặc qua các cột bình luận trên các báo và tạp chí có một công chúng rộng lớn hơn, thậm chí qua các chương trình phát thanh hay truyền hình. Với sự ra đời của các phương tiện truyền thông xã hội, chúng ta đã ứng dụng nhiều hình thức khác để thảo luận và giải thích về kinh tế học. Các trang wiki tập thể và hợp tác đã được tạo lập vì mục đích sư phạm đại chúng; các diễn đàn đã được mở ra cho các cuộc tranh luận, nơi mà mọi người đều có thể nói lên tiếng nói và đưa ra ý kiến của mình; và đặc biệt là các blog đã được khởi xướng dưới sự thúc đẩy của những người viết blog, những người đã tìm ra một cách biểu hiện bổ sung cho hoạt động hàng ngày của họ. Thuật ngữ blog[1], ra đời từ sự thu hẹp của thuật ngữ “weblog”, khá mơ hồ để bao phủ các hình thức và thực hành rất khác nhau.
Một thập kỷ phong phú
Bernard Salanié (1962-)
Steven Levitt (1967-)
Những người Pháp đầu tiên viết blog kinh tế đã xuất hiện vào đầu năm 2005. Bernard Salanié, lúc đó là giáo sư tại Đại học Columbia (New York), đã đăng bài viết đầu tiên trên blog của ông “L’économie sans tabou [Kinh tế học không cấm kỵ]”[2], sự tiếp diễn từ một cuốn sách được xuất bản vào năm trước cũng với tựa đề này. Cùng lúc đó, Alexandre Delaigue và Stéphane Ménia – cả hai đều là cựu sinh viên của trường Ecole Normale Superieure de Cachan và theo thứ tự là giáo viên trường quân sự và giáo viên trường phổ thông – đã cho ra đời blog “Econoclaste”[3], với khuynh hướng phổ biến khoa học gần giống với khuynh hướng của Stephen J. Dubner và Steven D. Levitt, những tác giả của cuốn sách bán chạy nhất Freakonomics [Kinh tế học hài hước].
Richard Posner (1939-)
Tyler Cowen (1962-)
Tại Pháp, phong trào này là tiếng vang vọng, đáp lại phong trào [viết blog] được phát triển tại Hoa Kỳ, nơi mà các nhà kinh tế học hàng đầu như Bradford DeLong[4], Tyler Cowen[5] hoặc Gary Becker và Richard Posner[6] bắt đầu viết blog. Gary Becker, người nhận giải Nobel Kinh tế, cho rằng giới viết blog có thiên hướng giữ vai trò chia sẻ kiến thức, một vai trò mà Friedrich Hayek đã quy cho thị trường: Viết blog là một hiện tượng xã hội, chính trị và kinh tế chính yếu và mới, theo lời viết của ông cùng với Richard Posner[7]. Đây là một minh họa sống động của luận điểm của Friedrich Hayek, theo đó kiến thức được phân phối rộng rãi trong nhân dân và thách thức của xã hội là tạo ra các cơ chế để chia sẻ những kiến thức này. Cơ chế mạnh mẽ từng là chủ đề của các công trình nghiên cứu của Hayek, cũng như của các nhà kinh tế nói chung, là hệ thống giá cả (thị trường). Cơ chế gần đây nhất là không gian blog.
Friedrich Hayek (1899-1992)
Gary Becker (1930-2014)
Hiện tượng này đã dược khuếch đại từ những năm 2007-2008, có lẽ được cuộc khủng hoảng tài chính tạo điều kiện thuận lợi, đã đưa kinh tế học trở lại vị trí trung tâm trong các cuộc tranh luận. Tại Pháp, thời kỳ này được đánh dấu bởi sự xuất hiện của nhiều blog, chủ yếu là của các giảng viên-nhà nghiên cứu. Không liệt kê được hết toàn bộ, nhưng chúng ta có thể kể đến ví dụ Olivier Bouba-Olga[8] (Đại học Poitiers), Anne Lavigne[9] (Đại học Orléans), Antoine Belgodère[10] (Đại học Corsica), Etienne Wasmer[11] (Đại học Sciences-Po), Arthur Charpentier[12] (Đại học Rennes 1) hoặc Cyril Hédoin[13](Đại học Reims). Chúng ta cũng phải nói đến blog của Paul Jorion[14], được đào tạo như một nhà nhân chủng học, người ngay từ năm 2007 đã thu hút sự chú ý vì đã cảnh báo diễn tiến của thị trường bất động sản Mỹ và một cuộc khủng hoảng sắp xảy ra.
Gilles Raveaud
Christian Chavagneux
Cùng thời kỳ đó, tại Pháp, đây cũng là điểm khởi đầu của các blog nằm trong các phương tiện truyền thông truyền thống và được các nhà báo hoặc giảng viên-nhà nghiên cứu quản lý. Một lần nữa, Hoa Kỳ đã mở đường với Paul Krugman, người sẽ nhận giải thưởng Nobel Kinh tế trong tương lai, với các bài xã luận hai tuần một lần trên tờ New York Times từ năm 1999 sau đó đã biến thành blog (“The Conscience of a Liberal [Lương tâm của một người theo phái tự do]”). Tại Pháp, nguyệt san Alternatives Economiques tiếp nhận các blog[15] của Jean Gadrey, Gilles Raveaud và Christian Chavagneux. Trong sự tiếp diễn này, chúng ta cũng có thể kể đến blog của Philippe Askenazy vào năm 2007, được tờ L'Observateur[16]  tiếp nhận, blog của Frédéric Lordon với tờ LeMonde Diplomatique[17] hay, gần đây hơn, blog của Thomas Piketty với tờ Le Monde[18], bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. Tất cả các blog này đều rất đa dạng, cả về quan điểm ý thức hệ cũng như về phong cách hoặc các chủ đề được đề cập. Nhưng các blog này có điểm chung là một sự tự do rất lớn lao về hình thức, âm điệu, lựa chọn chủ đề... Một sự tự do mà các người viết blog đã đòi hỏi, quan tâm đến việc tiếp cận một khoa học kinh tế “mở cửa ra thế giới. ”
Philippe Askenazy (1971-)
Cần phải nhớ rằng vào đầu những năm 2000, sinh viên phải tìm “cánh cửa mở ra thế giới” này trong các phụ trang “kinh tế” của các nhật báo hoặc trong các tạp chí chuyên ngành. Không nghi ngờ gì nữa, các trang blog đã lấp một khoảng trống. Ngoài ra, các trang blog cũng đã thúc đẩy các cuộc tranh luận, cho phép các nhà nghiên cứu “phi chính thống” truyền đạt ý tưởng của họ. Nội dung của các trang blog rất đa dạng: chúng ta có thể tìm thấy ở đó từ những lời bình về các vấn đề thời sự đến các yếu tố của lịch sử tư tưởng kinh tế, hoặc các giải thích về những vấn đề phức tạp. Cuối cùng, như đã nói, cuộc khủng hoảng năm 2008 đã gợi lên một sự nở rộ các bài viết có chất lượng, chủ yếu là trong giới viết blog Mỹ: các trang blog đã cho phép, hầu như hàng ngày, trao đổi những ý kiến sôi nổi về những khía cạnh gai góc, những cuộc trao đổi đã góp phần vào công cuộc đổi mới tư duy kinh tế – và là điều mà các phương tiện truyền thông truyền thống đơn giản không thể tiếp nhận.
Tác giả và độc giả
Tại sao chúng ta viết blog? Các viện nghiên cứu kinh tế (ví dụ như Cepii hoặc OFCE) đã sử dụng blog để bổ sung hoặc thay thế, các bản tin trên giấy để phổ biến các công trình của họ. Các ngân hàng, các công ty bảo hiểm đã sử dụng blog làm các công cụ truyền thông. Báo chí đã sử dụng blog để đưa tin sát với thời sự hơn và khắc phục những hạn chế liên quan đến kích thước và tốc độ phát hành báo giấy – mà còn cho phép các tác giả được tự do hơn về giọng điệu và lựa chọn chủ đề. Cuối cùng, những người viết blog công tác trong đại học là một phần đáng kể trong không gian blog kinh tế. Động cơ của họ thường là muốn thoát khỏi “tháp ngà” của giới hàn lâm: đa số các tạp chí kinh tế đã trở nên rất chuyên ngành, thường mang tính rất lý thuyết, và chỉ được các đồng nghiệp tại đại học và, một cách ngẫu nhiên, các nhà kinh tế chuyên nghiệp đọc mà thôi. Do đó, các bài viết trên blog giúp họ tiếp cận được một công chúng rộng lớn hơn.
Blog cũng mang đến cho họ cơ hội tìm lại một ngôn ngữ mang tính văn học hơn, đủ xa với các thuật ngữ khó hiểu và các yêu cầu về tính kỹ thuật và hình thức của các tạp chí hàn lâm, gần hơn với diễn ngôn của các hội thảo, nơi mà một giai thoại nhỏ cũng có thể giúp soi sáng cho công chúng (vì vậy gần với kinh tế học “đời thực”).
Hơn nữa, thời gian trong việc công bố các bài viết trên các tạp chí hàn lâm được tính bằng năm, trong khi blog có thể cho phép phản ứng nhanh hơn rất nhiều. Hầu hết các tạp chí đều phải trả tiền, tốn kém và khép kín, trong khi blog về bản chất thì mang tính mở. Người ra, chúng ta cũng không ngạc nhiên khi thấy có một số tạp chí (dẫn đầu là các tạp chí Nature hay American Scientist) hoặc một số cổng thông tin của các tạp chí (như Jstor) tiếp nhận những blog có đề xuất bổ sung, có tính “công chúng [độc giả] rộng lớn” hơn, cho các bài viết được các tạp chí đó công bố.
Nếu chúng ta dễ nhận diện đa số những người viết blog kinh tế (có cả bảng xếp hạng những người viết “blog kinh tế” hay nhất), thì ngược lại việc phác hoạ chân dung của độc giả là điều phức tạp hơn. Các ý kiến bình luận mà độc giả để lại trên blog cho thấy chính bản thân đông đảo các nhà bình luận này cũng là người viết blog, là “nhà kinh tế chuyên nghiệp” hoặc là sinh viên về kinh tế học. Nếu người viết blog kinh tế hiếm khi tiếp cận được một “công chúng [độc giả] rộng lớn”, thì họ cũng tiếp cận được một lượng công chúng [độc giả] rộng lớn hơn rất nhiều so với công chúng [độc giả] truyền thống (đối với các nhà viết blog thuộc một định chế đó là những ai đặt mua thường kỳ các bản tin, và đối với các nhà hàn lâm viết blog đó là sinh viên đang theo các khóa học và những ai đăng ký tham dự các buổi hội thảo). Cánh cửa mở này thường là một chất xúc tác kích thích suy nghĩ của các tác giả: các học giả đại học Mỹ đã lưu ý rằng các cuộc thảo luận thú vị không còn diễn ra tại các faculty lounge (tương đương với cafétéria của đại học) mà diễn ra trực tuyến trên mạng, và tất cả mọi người đều có thể tham gia. Một cách khác để hiểu thêm độc giả là có thể phân tích các tài khoản Twitter của các tác giả: chúng ta không ít lần thấy các nhà báo hay các đại biểu quốc hội nằm trong số những tín đồ thường xuyên theo dõi (followers) blog của một người viết hàn lâm, điều đó ít nhất cũng là một dấu hiệu cho thấy mức độ gây ảnh hưởng của tác giả [của blog].
Không gian blog kinh tế Pháp ngữ: một thử nghiệm phân loại
Do sự đa dạng của những chủ đề được trình bày và do tính cách của các người viết blog, việc phân biệt, trong không gian blog kinh tế Pháp, các nhóm đồng nhất (về một quan điểm nào đó) còn lâu mới là một điều dễ dàng. Vì vậy, phân tích định lượng mà chúng tôi tiến hành dưới đây giới thiệu một sự phân loại, trong số rất nhiều cách khác, mà theo chúng tôi, có thể giúp hiểu rõ hơn cấu trúc tổ chức của không gian blog. Tuy nhiên mỗi độc giả có thể có một cách diễn giải khác nhau về các nhóm (clusters) được nhận diện qua cách tiếp cận này.
Để thực hiện công việc [phân loại] này, đầu tiên chúng tôi đã lựa chọn bằng tay khoảng hai mươi blog hoạt động năng động của Pháp vào năm 2014 (xem hình bên dưới). Sau đó, chúng tôi đã phát triển một chương trình để trích xuất toàn bộ các liên kết đăng xuất (các siêu liên kết) hiện diện trong nội dung các bài viết của các blog khác nhau, với giả thuyết cho rằng những blog có các đặc điểm chung đều có xu hướng (1) có các mối liên kết với nhau, (2) thường trích dẫn cùng các bài viết hoặc các báo cáo hàn lâm khác.
Các trang blog và tác giả:
Tên blog
Tác giả
Blog Illusio
[Martin Anota]
BlogagEco
Fabien Candau, Elisa Dienesch
BSI-Economics
[Blog collectif]
Captain Economics
[Thomas Renault]
CEPII
[Blog collectif]
Christian Chavagneux
[sur Alternatives-Economiques]
Classe Eco
[Alexandre Delaigue]
Econoclaste
[Alexandre Delaigue, Stéphane Ménia]
Economiam
[Benjamin Ting]
Freakonometrics
[Arthur Charpentier]
Frogonomics
[Blog collectif]
Gilles Raveaud
[sur Alternatives-Economiques]
Jean Gadrey
[sur Alternatives-Economiques]
La pompe à phynance
[Fréderic Lordon]
Les-Crises
[Olivier Berruyer]
Mafeco
[Jean-Edouard Colliard, Emmeline Travers]
Notes d'un économiste
[Mathieu P.]
OFCE Science Po
[Blog collectif]
Olivier Bouba-Olga
[Blog éponyme]
Philippe Waechter
[Blog éponyme]
Rationalité Limitée
[Cyril Hédoin]
RussEurope
[Jacques Sapir]
http://www.captaineconomics.fr/-histoire-et-analyse-de-la-blogosphere-economique-francophone
Jean Gadrey (1943-)
Sau đó chúng tôi đã sử dụng một phương pháp luận lấy cảm hứng từ các công trình về lý thuyết đồ thị trong việc tượng trưng mỗi blog dưới dạng một nút, và mỗi quan hệ, trực tiếp hoặc gián tiếp, dưới dạng một cạnh (liên kết). Như thế, chúng ta có thể tập hợp lại các blog thành nhóm [clusters], tùy thuộc vào sự giống nhau của các siêu liên kết đăng nhập và đăng xuất. Theo cách vận hành của các nam châm, hai blog có các liên kết chung sẽ thu hút lại với nhau và hai blog không chia sẻ bất kỳ liên kết nào sẽ đẩy nhau xa ra. Trong hình trên, chúng ta có thể thấy xuất hiện ba nhóm [clusters], tùy thuộc vào các chủ đề được trình bày và trào lưu tư tưởng kinh tế. Nhóm thứ nhất bao gồm các blog của Jacques Sapir, Frederic Lordon, Olivier Berruyer (Les-Crises) và Paul Jorion; là những blog chia sẻ một cái nhìn rất phê phán đối với trào lưu tư tưởng tân tự do và đối với các định chế hiện tại (trào lưu tư tưởng “không chính thống”). Nhóm thứ hai là nhóm của những người viết blog trên Alternatives Economiques (Christian Chavagneux, Gilles Raveaud, Jean Gadrey), mà chúng ta có thể thêm vào blog tập thể của OFCE, gần với trào lưu tư tưởng “keynesian”. Cuối cùng, nhóm thứ ba, hỗn tạp hơn, bao gồm chủ yếu là các giảng viên-nhà nghiên cứu về kinh tế học, những người mặc dù có thể có những ý kiến khác nhau, thường xếp chủ đề “chính trị” ở hàng thứ yếu để tập trung vào một cách tiếp cận mang tính truyền thống hơn và một phân tích dựa theo các bài viết được công bố trên các tạp chí hàn lâm (Econoclaste, Classe Eco, Freakonometrics, Captain Economics...).
Một lần nữa, mục đích của phân tích này không phải là để đóng băng một phân loại cũng không phải là để thực hiện việc xếp hạng các blog theo mức độ quan trọng hoặc trọng tâm của nó, mà để minh họa, theo cách định lượng, cách thức không gian blog kinh tế ở Pháp có vẻ đang được cấu trúc hiện nay. Có khả năng có nhiều cách diễn giải khác.
Ngoài ra còn một điều thú vị cần lưu ý, khi phân tích chi tiết những liên kết trực tiếp giữa các blog với nhau, là các “cuộc tranh luận” trong không gian blog kinh tế Pháp ngữ thực sự rất hiếm. Khi một người viết blog chọn trích dẫn bài viết của một người viết blog khác, thì đó thường không phải để phê bình bài viết được trích dẫn, mà nhiều hơn để tỏ dấu hiệu công nhận và tán dương đối với bài viết của người viết blog kia. Thiện chí này giữa những người viết blog còn rõ hơn trong nội bộ các nhóm được nhận diện ở trên. Thiện chí này ít thấy hơn rất nhiều tại Hoa Kỳ, nơi mà cuộc tranh luận giữa các blog có thể là rất ác liệt... nhưng cũng mang tính rất xây dựng.
Không gian blog kinh tế Anh ngữ, một sân chơi mới để tranh luận về kinh tế
Trong khi chúng ta chỉ đếm được khoảng ba mươi blog kinh tế hoạt động năng động ở Pháp, thì lại có đến hàng trăm blog trong giới viết blog Anh ngữ. Sự khác biệt này không chỉ được giải thích bởi hiệu ứng “quy mô thị trường”, mà đặc biệt còn bởi cách thức tổ chức và tính chuyên nghiệp của giới viết blog Anh ngữ, và còn bởi sự hiện diện đáng kể, trong các blog đó, của các học giả thuộc các trường đại học nổi tiếng trên thế giới.
Paul Krugman (1953-)
Noah Smith
Đối với rất nhiều học giả đó, blog không còn là một hoạt động phụ và thứ yếu. Một ví dụ điển hình là blog của Noah Smith, người sáng lập blog noahpinionblog[19], người đã bỏ, vào đầu năm 2016, công việc giảng dạy về tài chính tại Đại học Stony Brook để trở thành người viết blog làm việc toàn thời gian tại Bloomberg. Không đến nỗi phải thay đổi nghề nghiệp, nhiều học giả dành một phần thời gian đáng kể của họ để đăng bài trên các blog cá nhân hoặc blog được các phương tiện truyền thông lớn của Mỹ (New York Times, Wall Street Journal, Bloomberg) tiếp nhận. Trong số những người viết blog hàn lâm (những người làm việc tại đại học) có thể kể đến Paul Krugman[20] (Đại học City University of New York), Tyler Cowen và Alex Tabarrok[21] (Đại học George Mason), Mark Thoma[22] (Đại học Oregon) Brad DeLong[23] (Đại học California, Berkeley), John Cochrane[24] (Đại học Chicago), Gregory Mankiw[25] và Miles Kimball[26] (Đại học Harvard), Roger Farmer[27] (Đại học UCLA), Daron Acemoglu và James Robinson[28] (Đại học MIT), các học giả người Canada Frances Woolley và Nick Rowe[29] (Đại học Carleton) và Stephen Gordon[30] (Đại học Laval ở Quebec) hoặc học giả người Anh Tony Yates[31] (Đại học Birmingham). Chúng ta cũng có thể gặp các học giả định chế hơn như Ben Bernanke[32], nổi tiếng với việc lãnh đạo Fed (Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ), hoặc Robert Reich[33], cựu bộ trưởng trong chính quyền của Bill Clinton (cả hai đều vẫn duy trì các mối quan hệ với thế giới hàn lâm khi từng là học giả tại các đại học là Stanford và Berkeley).
Sự phong phú về những người đối thoại có chất lượng này đã dịch chuyển sân chơi tranh luận kinh tế sang không gian blog. Miles Kimball, giáo sư tại Đại học Michigan, trong một bài báo được đăng trên Quartz[34], đi đến việc viết ra rằng những câu trả lời thú vị nhất đối với các vấn đề về chính sách tiền tệ hiện nay đều được xử lý trên các trang blog, chứ không phải trên các tạp chí chuyên ngành, và rằng nếu những người viết blog được lắng nghe nhiều hơn, thì chúng ta có thể tránh được các cuộc khủng hoảng...
Bradford DeLong (1960-)
Stephen D. Williamson
Để lấy một ví dụ, một cuộc thảo luận đã diễn ra trên không gian blog Anh ngữ về những hiệu ứng của chính sách nới lỏng định lượng được thực hiện bởi Cục Dự trữ Liên bang. Vào tháng 11 năm 2013, Stephen Williamson (Phó Chủ tịch của Fed bang St. Louis), trên blog của mình[35], đã bảo vệ ý tưởng cho rằng trong một tình huống bẫy thanh khoản, việc nới lỏng tiền tệ có thể dẫn đến tình trạng giảm phát trong dài hạn. Ngày hôm sau, Nick Rowe (Đại học Carleton) mô tả bài viết của Williamson là sai lầm khủng khiếp. Ngày hôm sau nữa, Paul Krugman (người nhận giải thưởng Nobel Kinh tế) và Brad DeLong (Đại học Berkeley) cũng tấn công bài viết của Williamson. Vào ngày 1 tháng 12, David Andolfato đến bảo vệ lập luận của đồng nghiệp tại Fed St. Louis của mình. Rất nhanh, cuộc tranh luận nóng lên: Noah Smith, Tyler Cowen và nhiều người viết blog-học giả khác đăng tải những lời bình luận và những lời chỉ trích, theo quan điểm của phe này hay phe kia. Đa phần những độc giả không có một nền tảng vững chắc về kinh tế học vĩ mô sẽ không thể hiểu được các bài viết này, nhưng hiện tượng này minh họa một cách hoàn hảo cách thức mà các blog có thể đóng góp cho cuộc tranh luận kinh tế. Bài viết trên blog của Williamson dựa theo một bài viết hàn lâm được ông công bố: chúng ta thấy được cách thức các blog có thể được sử dụng trong một quá trình đánh giá mở của đồng nghiệp[“open peer-review], cho phép tất cả học giả các trường đại học có thể bình luận hoặc chỉ trích các kết quả nghiên cứu được công bố trong một bài viết hàn lâm.
Phổ biến khoa học kinh tế, làm cho các nhà kinh tế bước ra khỏi tháp ngà của họ, tham gia vào các cuộc tranh luận công cộng, cải thiện các phân tích thông qua một hệ thống đánh giá mở của đồng nghiệp: đó là những triển vọng mà việc mở rộng phạm của không gian blog kinh tế cho phép hình dung được. Nhưng trong khi việc phổ biến khoa học kinh tế đã có nhiều tiến bộ, thì tại Pháp vẫn còn nhiều việc phải làm để đạt được ba mục tiêu còn lại. Như thường thấy trong một mạng kết nối, cần đạt đến một khối lượng tới hạn những người tham gia để khởi động các cuộc tranh luận, mở rộng và cấu trúc mạng kết nối. Vì vậy, các nhà kinh tế học, các nhà báo, các chuyên gia hay chỉ đơn thuần là người đam mê kinh tế, hãy cùng tham gia với chúng tôi!
Arthur Charpentier, giáo sư tại Đại học Rennes 1 và Đại học Quebec tại Montreal. Ông là người sáng lập blog Freakonometrics (@freakonometrics) cùng với Thomas Renault, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Paris 1 Panthéon-Sorbonne. Ông là người sáng lập blog www.captaineconomics.fr (@captaineco_fr)
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Les promesses de la blogosphère économique, Alternatives Economiques, 01/10/2016.




[1] Thuật ngữ “bloc-notes [trang blog]” đã được những người Quebec đề xuất để giữ lại ý tưởng về việc lưu ký vào một registre [sổ đăng ký] (bản dịch của từ thuật ngữ “log [đăng nhập]”), hoặc vào một “carnet [cuốn sổ]”.

[2] bsalanie.blogs.com

[3] econoclaste.org.free.fr

[4] delong.typepad.com

[5] marginalrevolution.com

[6] www.becker-posner-blog.com

[7] Trong cuốn Uncommon Sense. Economic Insights, from Marriage to Terrorism [Ý thức bất thường. Hiểu biết kinh tế, từ hôn nhân đến chủ nghĩa khủng bố] của Gary S. Becker và Richard A. Posner, University of Chicago Press, 2009.

[8] blogs.univ-poitiers.fr/o-bouba-olga/

[9] legizmoblog.blogspot.fr

[10] www.optimum-blog.net

[11] ew-econ.typepad.fr

[12] freakonometrics.hypotheses.org

[13] https://rationalitelimitee.wordpress.com

[14] www.pauljorion.com/blog/

[15] www.alternatives-economiques.fr/blogs

[16] philippeaskenazy.blogs.nouvelobs.com

[17] blog.mondediplo.net/-La-pompe-a-phynance-

[18] piketty.blog.lemonde.fr

[19] noahpinionblog.blogspot.com

[20] krugman.blogs.nytimes.com

[21] marginalrevolution.com

[22] economistsview.typepad.com

[23] delong.typepad.com

[24] johnhcochrane.blogspot.com

[25] gregmankiw.blogspot.fr

[26] blog.supplysideliberal.com

[27] rogerfarmer.com/rogerfarmerblog

[28] whynationsfail.com

[29] worthwhile.typepad.com

[30] worthwhile.typepad.com

[31] longandvariable.wordpress.com

[32] www.brookings.edu/blog/ben-bernanke

[33] robertreich.org

[34] Lý thuyết kinh tế này phát sinh từ giới viết blog và có thể cứu vản các thị trường khỏi sự sụp đổ”, qz.com/73965/economics-could-the-next-big-idea-come-from-the-blogosphere

[35] newmonetarism.blogspot.fr

Print Friendly and PDF