4.7.17

Trung Quốc: Nhà nước ưu đãi các công ty khởi nghiệp nhưng không hẳn là ưu tiên cho đổi mới, sáng tạo



TRUNG QUỐC: NHÀ NƯỚC ƯU ĐÃI CÁC CÔNG TY KHỞI NGHIỆP NHƯNG KHÔNG HẲN LÀ ƯU TIÊN CHO ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO
Ma Yun, còn được biết đến là Jack Ma, chủ tịch kiêm tổng giám đốc tập đoàn khổng lồ của Trung Quốc về kỹ thuật số Alibaba tại Hội nghị Máy tính năm 2016, thành phố Yunqi Cloud Town, Hàng Châu (tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc) vào ngày 13/10/2016. (Ảnh: Xu kangping / Imaginechina / via AFP)
Nhà nước Trung Quốc đã công bố, vào tháng 8 năm 2016, sự ra mắt của một quỹ đầu tư trị giá 200 tỷ nhân dân tệ (30 tỷ US$) để kích thích công cuộc đổi mới và hiện đại hóa các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt bằng cách tạo điều kiện dễ dàng cho sự ra đời của các công ty khởi nghiệp. Các công ti khởi nghiệp và chính sách công về đổi mới liên quan với nhau như thế nào ở Trung Quốc?
Tinh thần khởi nghiệp và việc tài trợ cho nó đóng một vai trò then chốt trong những động thái về sản xuất và đổi mới trong các nền kinh tế hiện đại. Tự bản thân số tiền mà Trung Quốc đầu tư [vào quỹ nói trên] đã vượt xa tất cả các quỹ khác trên thế giới cộng lại. Được tài trợ bởi những định chế ngân hàng nhà nước lớn nhất nước như Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và được quản lý bởi các tổ chức có sự tham gia của tư nhân ở cấp độ quốc gia và địa phương, quỹ này đáp ứng quyết tâm của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong việc chuyển đổi sang một nền kinh tế dựa vào việc tiêu dùng đại trà trong nội địa hơn là dựa vào việc xuất khẩu hàng hóa.
Đóng tại cái nôi lịch sử của nền kinh tế công nghiệp Trung Quốc, tại Thâm Quyến, quỹ đầu tư này góp phần vào tham vọng của Đảng nhằm hiện đại hóa các doanh nghiệp nhà nước bị thua lỗ trong khi nền kinh tế của Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại. Ở một đất nước có 150.000 doanh nghiệp nhà nước như vậy, thách thức là một điều thực sự to lớn. Khoản nợ của các doanh nghiệp khổng lồ nói trên, những doanh nghiệp chịu trách nhiệm cho sự tăng trưởng hai con số mà Trung Quốc đã trải nghiệm, đã trở thành một gánh nặng trong cuộc đua đổi mới trên toàn cầu. Cũng giống như khi Nhà nước, lúc bấy giờ do Đặng Tiểu Bình lãnh đạo, từng khởi động sự bùng nổ kinh tế của những năm 1980, chính phủ của Tập Cận Bình phải đáp ứng sự cần thiết chuyển đổi đất nước.
Sự ra đời của quỹ đầu tư là động cơ của hai chiến lược về kinh tế và địa chính trị rộng lớn hơn: một chiến lược nhằm tạo cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài trong hoạt động đầu tư mạo hiểm – những nhà tư bản mạo hiểm hay VC [Venture Capitalist] – đầu tư vào Trung Quốc, và một chiến lược khác nhằm kích thích các chính sách công về đổi mới trên quy mô lớn. Những doanh nghiệp kinh tế khổng lồ mới mà [Chủ tịch] Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường tìm cách tạo ra cũng đồng thời là những đứa con của các kế hoạch “Internet +” và “Một vành đai, Một con đường”, tên chính thức của “Con đường tơ lụa mới”. Bắc Kinh không có thói quen che giấu tham vọng bành trướng của họ. Trong khi “Internet +” nhắm đến việc kết nối tất cả người dân Trung Quốc vào mạng, thì “Một vành đai, Một con đường” nhắm đến việc làm cho Trung Quốc trở thành một đối tác không thể thiếu đối với các nước láng giềng Trung Á của họ.
Tuy nhiên, khi tập trung vào việc sáng lập các công ty khởi nghiệp và các doanh nghiệp kỹ thuật số, sáng kiến công này nhắc nhở rằng chính phủ đóng một vai trò then chốt trong việc hình thành ngành công nghiệp đầu tư mạo hiểm và hệ sinh thái kinh doanh của đất nước. Trung Quốc là thị trường đầu tư mạo hiểm lớn thứ hai trên thế giới sau Hoa Kỳ về khối lượng đầu tư đã triển khai. Khoảng một phần ba các đầu tư mạo hiểm này đổ vào các công ty khởi nghiệp và người ta có thể hình dung rằng đây là một xu hướng sẽ còn gia tăng nữa khi xét đến các tham vọng của chính phủ ở cấp độ quốc gia và quốc tế, cũng như tham vọng của các doanh nhân.
Kế hoạch của Bắc Kinh cho sự trỗi dậy của các công ty khởi nghiệp
Chương trình Torch là chương trình đã thực sự thúc đẩy sự vươn lên của các công ty khởi nghiệp trong ngành công nghệ cao ở Trung Quốc. Được xây dựng xung quanh các cực cạnh tranh, tập hợp các cụm vườn ươm và các định chế tài chính, nó đã tiến triển kể từ khi được Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập vào năm 1988 và đã thích ứng với sự tăng trưởng nhanh của đất nước. Chẳng hạn, Zhongguancun ở Bắc Kinh thường được nêu lên như là trung tâm công nghệ phong phú nhất và là trung tâm công nghệ hàng đầu trong số 54 cực cạnh tranh khác. Do vị trí nằm gần các trường đại học uy tín như Đại học Bắc Kinh và Đại học Thanh Hoa, những doanh nhân đầu tiên được hưởng lợi là các sinh viên hoặc các nhà nghiên cứu tìm đến để thương mại hóa các công trình nghiên cứu của họ ở đại học và tiếp cận nguồn lao động có trình độ cao nhất đất nước. Từ sự xuất hiện của các công ty “spin-off” (công ty con phái sinh với nguồn vốn độc lập với công ty mẹ) hoặc các công ty “spin-out” (công ty con phái sinh để công ty mẹ bán đi) vào thời kỳ giữa những năm 1980, đã sản sinh ra những công ty như Lenovo, nhà sản xuất máy tính lớn thứ ba trên thế giới.
Như vậy, sự trỗi dậy của các công ty khởi nghiệp ở Trung Quốc không thể tách khỏi các trường đại học và các trung tâm nghiên cứu của đất nước. Cũng giống như các trường đại học Stanford hoặc Berkeley đối với Silicon Valley, các trường đại học ở Bắc Kinh là những điểm hội tụ của công cuộc đổi mới. Các trường này tập trung nhân tài của đất nước, là điểm giao lưu giữa các nhà nghiên cứu và các sinh viên nước ngoài với các sinh viên Trung Quốc và tập hợp, ở cách trường đại học một vài bước, những cơ sở quý giá nhất của nền kinh tế kỹ thuật số được các doanh nhân đầu tiên trên Internet xây dựng, như Jack Ma. Thế hệ này sinh ra trong những năm 1960, là thế hệ đứng đầu của Alibaba hoặc Tencent, đã hình thành các quỹ đầu tư và hỗ trợ cho các thế hệ doanh nhân hiện tại và tương lai.
Các nhà đầu tư của thung lũng Silicon tại Trung Quốc
Vào giữa những năm 1990, quy mô của đất nước và của thị trường trong nước cho thấy nhu cầu cần mở ra khả năng cho các nhà đầu tư bên ngoài hoạt động tại Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo Bắc Kinh đã nhận ra rằng chương trình Torch không thể là nguồn vốn có sẵn duy nhất.
Neil Shen (1967-)
Nhưng các quỹ đầu tư mạo hiểm lúc đó chưa được công nhận là những tổ chức hợp pháp. Những doanh nghiệp đầu tiên theo kiểu này là các doanh nghiệp bán công. Ngoài ra, nhà nước Trung Quốc đã sáng lập hai loại quỹ về đầu tư mạo hiểm: một quỹ được các chính quyền ở địa phương tài trợ và một quỹ được các trường đại học công tài trợ. Cùng lúc đó, các quỹ đầu tư nước ngoài như quỹ IDG Capital Partners đã có mặt tại Trung Quốc bất chấp những vấn đề phức tạp về tài chính và pháp lý cố hữu. Rất nhanh, các nhà đầu tư mạo hiểm đạt được tính chính danh và được coi là những động cơ cần thiết để thương mại hóa các công nghệ mới. Những năm 2000 đánh dấu sự lên ngôi của đầu tư mạo hiểm nước ngoài tại Trung Quốc. Năm 2005, một trong những nhà đầu tư mạo hiểm quan trọng nhất của Silicon Valley, Sequoia Capital, được thành lập tại Trung Quốc dưới sự điều hành của Neil Shen. Ngày nay, nó được coi là nhà đầu tư Trung Quốc có ảnh hưởng nhất trong cả nước. Năm 2009, sàn giao dịch chứng khoán ChiNext, tương đương với NASDAQ (sàn giao dịch chứng khoán Hoa Kỳ), được thành lập để cung cấp thanh khoản nhiều hơn cho các công ty khởi nghiệp và các nhà đầu tư của họ.
Nếu Silicon Valley bước vào Trung Quốc, thì đó cũng là một mô hình tốt để người Trung Quốc học hỏi. Thế hệ các doanh nhân đầu tiên trở thành nhà đầu tư và các quỹ lương hưu Trung Quốc có nhiều lý do để đầu tư. Ví dụ đối với Artsy, một trang mạng kinh doanh trực tuyến về nghệ thuật, họ không thể thâm nhập thị trường Hong Kong mà không cần đến các nhà đầu tư Trung Quốc. Alibaba đã đầu tư hơn 500 triệu US$ vào Jet.com, đối thủ cạnh tranh của Amazon, gần đây đã bị Wal-Mart mua lại với giá 3 tỷ US$.
Như vậy có rất nhiều các liên kết giữa hai hệ sinh thái kinh doanh của hai nền kinh tế mạnh nhất trên thế giới. Các trung tâm nghiên cứu và các nhà đầu tư đóng vai trò vừa là cầu nối và vừa là chất xúc tác cho các doanh nhân của hai nước.
Động cơ của công cuộc đổi mới khó mà khởi động
Steve Blank (1953-)
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều sự khác biệt và hệ sinh thái Trung Quốc chưa thể so sánh với Silicon Valley, nếu như đó là một mô hình cần hướng theo. Theo doanh nhân người Mỹ Steve Blank, văn hóa Trung Quốc và các thông lệ quản lý có thể là những rào cản quan trọng đối với sự phát triển của hệ sinh thái địa phương. Trong một Nhà nước được xây dựng trên nền tảng các triều đại vua chúa trong nhiều thế kỷ, và nơi mà sự thăng tiến xã hội được đánh giá bởi mức độ nắm bắt các tác phẩm văn học cổ điển, thì áp lực xã hội đến sự thành công là điều rất mạnh và sự bất tuân phục chính quyền là điều đáng trách. Ngược lại, Hoa Kỳ là một đất nước được xây dựng xung quanh khái niệm về biên giới, bởi những doanh nhân được huyền thoại hóa thành những người chinh phục bất đồng chính kiến.
Sự thiếu vắng luồng chảy tự do các ý tưởng và thông tin vẫn là một rào cản lớn được Nhà nước Trung Quốc dựng lên mà các doanh nhân phải thích nghi để tồn tại. Rào cản đối với công cuộc đổi mới này, kìm hãm sự chấp nhận rủi ro được xây dựng từ sự kiểm soát của nhà nước cũng như từ sự thiếu vắng các luật bảo vệ sở hữu trí tuệ và khuyến khích cạnh tranh. Thế mà, chính từ một hệ thống lập pháp giải phóng sự sáng tạo để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà Trung Quốc mới có thể chuyển đổi từ một nền kinh tế sản xuất hàng hóa sang một nền kinh tế cung ứng dịch vụ.
Đầu tư mạo hiểm ở Trung Quốc góp phần vào sự thịnh vượng kinh tế, như tại nhiều nước đã phát triển hoặc đang phát triển. Nó tập hợp các thành tố giống với mô hình của Mỹ và các mô hình khác, mang tính độc đáo riêng, được định hình bởi lịch sử của nó. 
Trong bối cảnh văn hóa và thể chế này, Trung Quốc triển khai các nguồn lực không gì sánh kịp trong một nỗ lực rộng lớn hơn để làm cho đất nước trở thành cường quốc của thế kỷ XXI. Các doanh nghiệp mới nổi sẽ góp phần định hình một mô hình mà Bắc Kinh muốn dựng lên trước Washington. Tầm nhìn bao quát này không thể được cụ thể hóa nếu không có một sự tăng trưởng bền vững cả về mặt xã hội, kinh tế và môi trường. Các hoạt động đầu tư công trực tiếp đã hình thành những bong bóng trong quá khứ và làm cho người nộp thuế bị thiệt thòi. Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư trực tiếp của bộ máy nhà nước tại các tỉnh thành là một mảnh đất màu mỡ cho nạn tham nhũng. Hai điểm nói trên nhắc nhở rằng hệ sinh thái kinh doanh Trung Quốc có lẽ chưa phải là động cơ tăng trưởng kinh tế qua công cuộc sáng tạo mà Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường đang tìm cách khởi động bằng mọi giá.
Hadrien Markabi

Giới thiệu tác giả

Là nhà marketing có trụ sở tại New York, từng sống và làm việc tại Pháp và Trung Quốc, Hadrian quan tâm đến nền kinh tế kỹ thuật số và các hệ sinh thái kinh doanh trong khu vực Đông Nam Á.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF