29.7.17

“Các con đường tơ lụa mới” và sự đổi mới: một lộ trình không có dự án?



“CÁC CON ĐƯỜNG TƠ LỤA MỚI” VÀ SỰ ĐỔI MỚI: MỘT LỘ TRÌNH KHÔNG CÓ DỰ ÁN?
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nâng ly chúc mừng tại bữa tiệc chào đón các khách mời tham dự Diễn đàn về con đường tơ lụa mới, tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh ngày 14/5/2017. (Ảnh: AFP PHOTO / POOL / DAMIR SAGOLJ)
Hội nghị thượng đỉnh quốc tế đầu tiên về dự án “Con đường tơ lụa mới” đã diễn ra, từ ngày 14 đến ngày 16 tháng 5, tại Bắc Kinh với các nguyên thủ quốc gia từ 29 nước trong đó có Vladimir Putin [tổng thống] của Nga và Joko Widodo [tổng thống] của Indonesia. Sáng kiến “Một vành đai, Một con đường” (OBOR, One Belt One Road) được Tập Cận Bình đề xướng vào năm 2013 từ Kazakhstan, nhắm đến việc đầu tư 1.000 tỷ US$ tại 65 quốc gia. Đây chủ yếu là vấn đề Trung Quốc hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng – đường cao tốc, đường sắt, cảng biển và cả năng lượng – để cân bằng lại sự phát triển kinh tế trong nước, tăng cường chính sách khu vực của họ và trở thành cường quốc đứng đầu có ảnh hưởng đối với khu vực, trước cả Hoa Kỳ và Nga.
Đổi mới, cột mốc của bài phát biểu khai mạc của Tập Cận Bình
Sự đổi mới trong dự án này có một vị trí đặc biệt: chiếm ưu thế về hình thức, nhưng ít thực chất về nội dung. Trong bài phát biểu khai mạc, Tập Cận Bình đã đề cập đến sự đổi mới dưới mọi góc độ, nói đến việc học việc lẫn nhau, nêu bật vai trò lịch sử của các con đường tơ lụa trong việc trao đổi hàng hoá và bí quyết đang nuôi dưỡng những ý tưởng mới. Sáng kiến OBOR không nhằm mục đích phát minh lại bánh xesong phải giới thiệu những cơ hội của một cuộc cách mạng công nghiệp mới và mang lại một tầm nhìn về sự phát triển mang tính “sáng tạo, phối hợp, công nghệ xanh, cởi mở và toàn diện.
Như vậy, rõ ràng sự đổi mới hiện ra như là một mục tiêu của sáng kiến OBOR và, vào ngày 14 tháng 5 vừa qua, Tập Cận Bình đã cho biết nội dung các dự án: tạo lập một “Kế hoạch hành động hợp tác về vành đai và con đường khoa học công nghệ và đổi mới”, bao gồm một nền tảng trao đổi, một phòng thí nghiệm chung và một công viên khoa học vì sự hợp tác và chuyển giao công nghệ. Nếu nội dung của các sáng kiến này hiện nay chưa được xác định, thì việc thông báo các nội dung nói trên tỏ ra lạc điệu với chính sách “ngoại giao về giao thông” hiện nay được Trung Quốc ưu tiên. Làm thế nào để liên kết các cơ sở hạ tầng lớn và các công nghệ mũi nhọn này?
Một mô hình nắm bắt công nghệ kiểu Trung Quốc
Sự ưu đãi dành cho các cơ sở hạ tầng vẫn phù hợp với mô hình phát triển mà Trung Quốc đã thực hiện trong quá khứ. Có lý do để nghĩ rằng Trung Quốc muốn xuất khẩu, qua sáng kiến OBOR, mô hình [phát triển] này vốn được triển khai qua bốn giai đoạn sau đây: 1) phát triển cơ sở hạ tầng; 2) tiếp thu kiến thức và công nghệ thông qua các dự án liên doanh; 3) nâng cấp thông qua việc nghiên cứu và phát triển để tạo ra giá trị gia tăng; 4) các sáng kiến đổi mới về R&D [nghiên cứu và phát triển] gần với biên giới công nghệ. Sự đổi mới trong mô hình [phát triển] này sẽ diễn ra trong giai đoạn thứ hai.
Có hai vấn đề được đặt ra. Được dẫn dắt bởi “Kế hoạch hành động hợp tác về vành đai và con đường khoa học công nghệ và đổi mới”, các chính sách theo nhóm ex nihilo [từ hư không] không tất yếu cho phép leo theo chuỗi giá trị nếu công nghệ chưa đạt đủ mức trưởng thành. Trong lĩnh vực này, 64 quốc gia của sáng kiến OBOR đã cho thấy những mức độ phát triển khác nhau (từ Bangladesh đến Kazakhstan qua Sri Lanka), tuy nhiên đó là một ghi nhận có thể quy cho các lợi thế so sánh của từng nền kinh tế.
Jean-François Huchet
Chắc chắn, Trung Quốc là cường quốc hàng đầu về bằng sáng chế, nếu xét về mặt số lượng chứ không phải về mặt chất lượng của sự đổi mới. Nhưng liệu Trung Quốc có tầm vóc cần thiết để hình thành một động cơ đổi mới ở tầm châu Á hay không? Dự phóng “đổi mới” của sáng kiến OBOR cho đến nay vẫn còn rời rạc và rất khó thấy là chính sách ngoại giao đường sắt và đường bộ có cho phép thành lập một tập đoàn “Asia Inc.” được dẫn dắt bởi Trung Quốc hay không. Tuy nhiên, chúng ta có thể đặt câu hỏi về hiệu ứng cơ hội cho Bắc Kinh đối với toàn bộ dự án và hình dung ra nhiều giả thuyết. Giả thuyết đầu tiên đối với người Trung Quốc sẽ là sử dụng các phòng thí nghiệm OBOR để sử dụng lực lượng lao động có tay nghề cao của họ bằng cách hỗ trợ các nước hưởng lợi trong việc nắm bắt công nghệ, theo cách các kỹ sư phương Tây và Nhật Bản (xem các quality infrastructures” [cơ sở hạ tầng về chất lượng] của Nhật Bản) đã đào tạo các công nhân Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực viễn thông vào những năm 1990 (xem các nghiên cứu của Jean-François Huchet về vấn đề này). Giả thuyết thứ hai, sáng kiến OBOR sẽ cho phép Trung Quốc nhận diện, trong giai đoạn phát triển, những công nghệ hoặc công ty khởi nghiệp sẽ được hưởng lợi từ các khoản đầu tư của họ. Như vậy, lộ trình “Đổi mới”, cho đến bây giờ còn ít thực chất, có vẻ sẽ cho phép triển khai một chiến lược địa kinh tế đổi mới thống trị bởi Trung Quốc, và sẽ để lại rất ít chỗ cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Đổi mới, một chiến lược địa chính trị giống như một chiến lược địa chính trị khác
OBOR nên phát triển những gì? Bài phát biểu của Tập Cận Bình đã đưa ra một danh sách các chủ đề (kinh tế kỹ thuật số, trí tuệ nhân tạo, công nghệ nano, điện toán lượng tử), các ngành công nghiệp (đặc biệt các ngành công nghệ xanh) và các phương thức, tất cả sẽ phát triển trên cơ sở tiệm tiến, dựa trên các tổ hợp kiến thức và các hệ sinh thái khởi nghiệp. Cho đến nay, hai dự án đổi mới thành công nhất, đã phác họa một chiến lược địa chính trị về đổi mới để cạnh tranh với Ấn Độ, với việc phóng lên vũ trụ các vệ tinh viễn thông. Trên thị trường hàng không vũ trụ bị thống trị bởi các công nghệ của phương Tây và tình trạng độc quyền, Ấn Độ và Trung Quốc đang cố gắng phá vở các chuỗi giá trị để làm giảm chi phí các vụ phóng vệ tinh vũ trụ và dân chủ hóa việc sử dụng chúng. Vì thế, đối với Ấn Độ và Trung Quốc, đó là một vấn đề mang tính chiến lược để xuất khẩu bí quyết của họ nhằm đạt được tính chính danh quốc tế.
Sách trắng ngày 28 tháng 12 năm 2016, phần dành cho các hoạt động hàng không vũ trụ của Trung Quốc đã đề cập trực tiếp đến dự án OBOR như là một cách để triển khai các dịch vụ truyền thông cơ bản cho những nước dọc theo con đường tơ lụa trên đất liền và dưới biển từ nay đến năm 2018, thông qua một mạng lưới 35 vệ tinh vũ trụ được đưa vào hoạt động từ nay đến năm 2020. Các công nghệ về truyền thông không gian mới này đang cạnh tranh với một chính sách ngoại giao có ảnh hưởng được Ấn Độ khởi xướng vào năm 2014 tại hội nghị thượng đỉnh của SAARC (Hiệp hội Nam Á vì sự Hợp tác Khu vực). Hội nghị thượng đỉnh quy tụ 6 quốc gia (Afghanistan, Bangladesh, Bhutan, Maldives, Nepal và Sri Lanka) nhằm kết nối mạng, nhưng đồng thời còn nhằm phát triển công nghệ y học từ xa tại các vùng nông thôn. Trong khi đó, Trung Quốc đã giúp Pakistan và Sri Lanka phóng các vệ tinh vũ trụ và đang đàm phán với các nước Maldives, Bangladesh, Afghanistan và Nepal về các hoạt động [phóng vệ tinh vũ trụ] trong tương lai.
Chiến lược địa chính trị về đổi mới này, qua sáng kiến OBOR, được xác thực bởi vị trí nổi bật dành cho các công nghệ xanh và cho việc thích nghi với sự biến đổi khí hậu trong bài phát biểu của Tập Cận Bình. Như vậy, vị chủ tịch Trung Quốc hy vọng phát triển một liên minh quốc tế về phát triển công nghệ xanh và hỗ trợ các nước trong sáng kiến OBOR thích nghi với sự biến đổi khí hậu. Trước một chính quyền mới có tư tưởng hoài nghi sự biến đổi khí hậu ở Washington, Trung Quốc, một lần nữa, đã nắm lấy cơ hội mở ra cho họ.
Giới thiệu tác giả
Alisée Pornet
Cựu Giám đốc khu vực châu Á của Open Diplomacy, Alisée Pornet đã từng làm việc cho tờ “le Monde” từ Thượng Hải, nơi mà bà phụ trách mục các chuyển đổi xã hội của Trung Quốc. Là cựu sinh viên của trường École Normale Supérieure tại Lyon, tốt nghiệp ngành địa lý, bà đã gia nhập nhóm nghiên cứu COP21 để theo dõi hồ sơ của Ấn Độ. Ngày nay, bà chuyên trách về nghiên cứu “Belt and Road Initiative [Sáng kiến vành đai và con đường]” (“Nouvelles Routes de la Soie” [Các con đường tơ lụa mới]) cũng như về sự tiến triển của các vấn đề đổi mới và kỹ thuật số tại châu Á, đặc biệt là tại Trung Quốc.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF