11.7.17

Trào lưu chính thống và phi chính thống trong kinh tế học phát triển



TRÀO LƯU CHÍNH THỐNG VÀ PHI CHÍNH THỐNG TRONG KINH TẾ HỌC PHÁT TRIỂN

Marc Raffinot
Với sự ngự trị của trào lưu phi chính thống vào những năm 1960 và 1970, rồi của trào lưu chính thống tân tự do vào những năm 1980, kinh tế học phát triển có xu hướng làm mờ đi các ranh giới. Ví dụ, có rất nhiều thành quả kinh tế học “phi chính thống” từ nay sẽ là những sản phẩm trong khung lý thuyết của kinh tế học dòng chính [mainstream].
Kinh tế học phát triển là đối tượng của một sự quan tâm đặc biệt đối với những ai mong muốn đào sâu cuộc tranh luận lặp đi lặp lại giữa kinh tế học chính thống và phi chính thống. Thật vậy, việc thành lập nhánh kinh tế học này vào những năm 1950 bắt nguồn từ một phản ứng chống lại kinh tế học dòng chính (kinh tế học chuẩn, tân cổ điển). Hơn nữa, việc phân tích kinh tế học phát triển cung cấp một cuộc kiểm định tuyệt vời về tính xác đáng của những hành vi được giả định bởi kinh tế học chuẩn, ở cấp độ vi mô lẫn vĩ mô. Việc các hành vi đôi khi diễn ra một cách đáng ngạc nhiên, đặc biệt là tại những nước có thu nhập thấp (LIC, Low Income Countries), và ngày càng đi chệch xa khỏi các hành vi được coi là “duy lý” (theo nghĩa hẹp của thuật ngữ) hoặc đơn giản là “bình thường”, tại châu Âu hay Hoa Kỳ, đã ngay lập tức đặt thành vấn đề.
Bên cạnh đó, kinh tế học phát triển tất yếu quan tâm đến những lĩnh vực ở đấy nó cạnh tranh với các ngành khoa học xã hội khác. Thật vậy, đối tượng của chuyên ngành này là sự thay đổi của các nền kinh tế, và rộng hơn là sự thay đổi của các xã hội. Hầu hết các khoa học xã hội khác cũng quan tâm đến sự thay đổi này, tạo ra một sự “cọ sát” liên tục. Điều đáng tiếc, có lẽ do sự phân chia thành một số bộ môn, nên điều xảy ra thường xuyên nhất là những lời kêu gọi nghiên cứu đa ngành, gần như không bao giờ được triển khai một cách nghiêm túc (trong trường hợp tốt nhất, có một số khái niệm hoặc phân tích của các bộ môn khác được ghép với ít nhiều thành công từ bộ môn này sang bộ môn khác).
Kinh tế học phát triển đã trải qua, liên quan đến các mối quan hệ giữa trường phái chính thống và phi chính thống, ba thời kỳ được định ranh khá rõ, mà chúng tôi sẽ trình bày để chỉ ra bằng cách nào hai cực phân tích này tự bản thân đã biến đổi. Do hai thời kỳ đầu là chủ đề của rất nhiều công trình nghiên cứu, chúng tôi sẽ tập trung chủ yếu vào thời kỳ thứ ba, lựa chọn một số ví dụ để minh họa cho phương pháp này.
Kinh tế học phi chính thống chiến thắng, nhưng cụ thể là trường phái nào?
Robert Solow (1924-)
Trong những năm 1950, để hình thành kinh tế học phát triển, những người tiên phong của chuyên ngành đã phải xây dựng sự khác biệt của bộ môn mới với kinh tế học tăng trưởng, một kinh tế học giải thích sự gia tăng thu nhập theo một cách tiếp cận được mô hình hóa và đơn chiều kích. Kinh tế học tăng trưởng cũng đã trải qua vào cùng thời kỳ đó một sự thay đổi đáng kể, với việc công bố mô hình đầu tiên về tăng trưởng tân cổ điển [Solow, 1956]. Cho đến lúc đó, mô hình thống trị là mô hình của Harrod-Domar, hình thức hóa ý tưởng cho rằng một sự tăng trưởng đều đặn của hệ thống tư bản chủ nghĩa là điều bất khả trong dài hạn dài, trừ việc đứng trên một con đường không ổn định (“trong đường tơ kẽ tóc”). Ngược lại, mô hình của Solow chỉ ra rằng các nước đang phát triển sẽ bắt kịp các nước công nghiệp phát triển, ít nhất nếu các thông số cấu trúc nền kinh tế của họ hội tụ theo hướng các thông số của những nước phát triển. Trong mọi trường hợp, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển có nhiều khả năng cao hơn tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của các nước công nghiệp phát triển.
Raúl Prebisch (1901-1986)
Hans Singer (1910-2006)
Chính vì vậy mà những người tiên phong của kinh tế học phát triển, để đặt nền móng cho chuyên ngành của họ, đã phải đặt lại vấn đề về một số khía cạnh của cách tiếp cận chuẩn: lý thuyết Ricardo về ngoại thương đối với Raúl Prebisch [1950] và Hans Singer [1950], tính phổ quát của cách tiếp cận tân cổ điển đối với Arthur Lewis [1954]. Nhưng họ đã làm điều đó mà không thay đổi triệt để sự tham chiếu lý thuyết. Arthur Lewis, ví dụ, quan niệm một nền kinh tế có hai khu vực cùng tồn tại, một “cổ điển” và một “tân cổ điển”: trong khu vực thứ nhất, thu nhập được chia đều cho những người tham gia, trong khi trong khu vực thứ hai, thu nhập được phân phối theo năng suất cận biên. Prebisch và Singer đối lập các dữ liệu thống kê về tỉ số mậu dịch so với các dự báo lạc quan của mô hình Ricardo: các nước đang phát triển không hưởng lợi từ việc chuyên môn hóa trong ngành sản xuất nguyên liệu thô, bởi vì giá cả của những sản phẩm này giảm so với giá cả của những sản phẩm chế biến.
Arthur Lewis (1915-1991)
Piero Sraffa (1898-1983)
Trong những năm 1960 và 1970, trường phái phi chính thống mềmnày ngày càng bị ảnh hưởng bởi các cách tiếp cận tân mác-xít. Các nhà kinh tế học của “thế giới thứ ba” đã chiếm vị trí trung tâm của sự chú ý. Samir Amin [1970] bảo vệ ý tưởng cho rằng các nước công nghiệp phát triển đã ngăn cản sự phát triển của các nước đang phát triển, dẫn đến việc ủng hộ việc ngừng kết nối. Tuy nhiên, cách tiếp cận lý thuyết tiêu biểu nhất vào thời kỳ đó có lẽ là cách tiếp cận của Arghiri Emmanuel, mà luận án về échange inégal [trao đổi thương mại bất bình đẳng]” [1969] là chủ đề của vô số tranh cãi. Đối với tác giả này, chính việc tăng tiền lương tại các nước công nghiệp phát triển đã đẩy giá cả các sản phẩm chế biến tăng cao, trong khi giá cả các sản phẩm được các nước đang phát triển bán thì bị trì trệ do sự cứng nhắc của tiền lương thực tế. Rất nhiều người mác-xít không thích ý tưởng cho rằng việc các nước công nghiệp cướp bóc của cải của thế giới thứ ba (tất cả các giai cấp xã hội đều bị lẫn lộn) thế chỗ cho việc các nhà tư bản bóc lột người lao động ăn lương. Phân tích này, ban đầu được phát triển dựa trên cơ sở những sơ đồ tái sản xuất của Marx, sau đó được Arghiri Emmanuel trình bày lại bằng cách sử dụng mô hình của Piero Sraffa[1]. Điều này cho thấy một cách tình cờ rằng kinh tế học phi chính thống vào thời đó không dựa vào một tập hợp “đối chọn” ổn định về lý thuyết.
Kinh tế học chính thống phản công
Hollis Chenery (1918-1994)
Jacques Polak (1914-2010)
Từ những năm 1980, sự trỗi dậy mạnh mẽ của chủ nghĩa tân tự do đã thắng thế tại các định chế quốc tế, đặc biệt là các định chế Bretton Woods – tức là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới. Các trung tâm nghiên cứu của các định chế này, cho đến bấy giờ vẫn theo trường phái keynesian (đặc biệt với Hollis Chenery tại Ngân hàng Thế giới, và ở một chừng mực nào đó với Jacques Polak tại IMF), đang ngày càng chuyển sang trường phái chính thống tân cổ điển “cơ bản”, một phiên bản mô tả những con người duy lý kết nối với nhau duy nhất qua thị trường, có tất cả các thông tin cần thiết được tóm tắt bằng giá cả và qua sự tương tác dẫn đến một trạng thái cân bằng chung cũng là một tối ưu Pareto.
Chúng ta đều biết phần còn lại: mọi sự can thiệp của chính quyền và mọi rào cản đối với sự điều chỉnh giá cả bởi cung và cầu, trên thị trường hàng hóa và dịch vụ cũng như trên thị trường lao động hoặc tài chính, đều được coi là có hiệu ứng bất lợi. Ví dụ, mọi hình thức của chủ nghĩa bảo hộ đều bị cấm, bởi vì lý thuyết chuẩn của thương mại quốc tế (ở trạng thái tĩnh) cho thấy thương mại tự do tốt hơn so với chủ nghĩa bảo hộ (nhưng không nhất thiết đối với mọi người).
Những gì ít được nhấn mạnh là những người ủng hộ việc điều chỉnh cấu trúc cho rằng các chính sách này sẽ thành công không chỉ trong việc làm giảm thâm hụt ngân sách nhà nước và cán cân ngoại thương, mà còn thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế và cải thiện việc phân phối thu nhập. Ví dụ, việc giảm lương các công chức đồng thời nâng giá nông sản cho nông dân sẽ dẫn đến việc phân phối thu nhập được cải thiện.
Với sự trở lại của kinh tế học chính thống, thì các cách tiếp cận bằng khái niệm tính duy lý kinh tế vi mô sẽ được phát triển. Đối với vấn đề di cư, mô hình mang tính biểu tượng của kinh tế học dòng chính là mô hình của John Harris và Michael Todaro [1970]: người di cư không còn là những con người thụ động và ít được thông tin, mà là những con người có quyền lựa chọn di trú một cách duy lý, ngay cả khi hoàn cảnh của họ có thể còn tồi tệ hơn ít nhiều trong thời gian dài. Ngược lại, người nông dân được xem là những người sa lầy trong các thông lệ truyền thống và vô cảm với các biện pháp động viên bằng tiền tệ. Sự phi lý giả định này sẽ dẫn đến việc Nhà nước sẽ quy định các mức giá mua càng thấp càng tốt (ngay cả tại những nước được hưởng lợi từ doanh thu dầu hỏa, chẳng hạn như Algeria), một chính sách “tối ưu” để Nhà nước thu tiền tô khi mà cung không giảm nhanh trong khi giá cả được ấn định thì giảm. Phân tích kinh trắc học đã cho phép chỉ ra rằng, nói chung, người nông dân phản ứng theo tín hiệu của giá cả... nhưng một cách yếu ớt, đặt ra một vấn đề mới, chính xác hơn. Cùng một kiểu vấn đề đó khi chúng ta thấy rằng người nông dân tại những nước có thu nhập thấp đã không sử dụng phân bón nhiều, kể cả khi được chứng minh rằng việc sử dụng phân bón sẽ mang lại năng suất cao hơn[2].
Sự trở lại với nguyên lý thực tế
Sự thất bại của các chiến lược được triển khai từ những chương trình điều chỉnh cấu trúc để làm hồi sinh sự tăng trưởng kinh tế và khả năng chịu đựng nợ, cũng như tác động tiêu cực trên các dịch vụ xã hội đã dẫn đến việc các định chế của Bretton Woods phải chuyển sang cuộc chiến chống nghèo đói. Điều này sẽ đặc biệt dẫn đến hệ quả là một sự gia tăng các cuộc điều tra và phân tích về mặt kinh trắc học có sử dụng các dữ liệu nói trên[3]. Đây không còn là vấn đề liệu con người có duy lý hay không, mà là vấn đề phân tích và giải thích chính xác các dữ liệu quan sát được. Điều này đặc biệt quan trọng khi các dữ liệu kinh tế vĩ mô về các nước đang phát triển luôn có chất lượng đáng ngờ, và quá ít: ví dụ, kể từ ngày giành được độc lập, các nước châu Phi chỉ có nhiều nhất khoảng năm mươi dữ liệu hàng năm.
Kết luận
Việc phân tích các công trình nghiên cứu về kinh tế học phát triển cho thấy việc phân biệt các công trình nghiên cứu về kinh tế học chính thống và phi chính thống không phải (hoặc không còn) là điều dễ. Ranh giới chưa bao giờ được xác định rõ ràng, đặc biệt khi muốn nối khớp các cách tiếp cận phân tích với các quan điểm chính trị. Như đã biết, Walras từng là người ủng hộ thuế bất động sản, một quan điểm không thể xem là đặc biệt bảo thủ trong thời của ông.
Paul Krugman (1953-)
Léon Walras (1834-1910)
Diễn tiến của kinh tế học phát triển cho thấy rằng phương pháp luận [qui về] cá nhân đã tiến triển rõ rệt trong mọi lĩnh vực. Nhưng sẽ là điều sai lầm nếu thấy trong đó chiến thắng của kinh tế học tân cổ điển[4]. Phân tích định lượng (các mô hình cũng như phân tích kinh trắc học) và việc ngày càng sẵn có nhiều dữ liệu về các hộ gia đình buộc chúng ta phải cân nhắc lại các giả định đơn giản và xem xét các khía cạnh mới (hoặc, như mong muốn của Krugman, trình bày lại các bước phát triển cũ, kể cả những bước mà, vào thời đó, được coi là những bước phát triển phi chính thống). Kết quả là sẽ có một sự phân tích phức tạp hơn và đầy dẫy những cách tiếp cận thường mang tính cục bộ.
Việc có nhiều cách tiếp cận về kinh tế tự bản thân không phải là một vấn đề. Vật lí học vẫn tiến hóa mặc cho việc có hai hệ thống lý thuyết thuyết hạt và thuyết sóng cùng tồn tại, và không thành công trong việc thống nhất hai hệ thống này. Tuy nhiên, trong kinh tế học, tình hình có khác. Cả lý thuyết cân bằng chung tân cổ điển lẫn lý thuyết mác-xít hay lý thuyết tân Ricardo đều không đại diện cho những tập hợp đủ chặt chẽ để giải thích một phần đáng kể các hiện tượng quan sát được.
Sự đa dạng của các cách tiếp cận này, ngày nay, làm nên sự phong phú của kinh tế học phát triển. Nó cho phép tạo ra sự đổi mới cho toàn bộ nền kinh tế và hình thức hóa nhiều kết quả để phân tích và giải thích chi tiết hơn các hiện tượng quan sát được.
Marc Raffinot, phó giáo sư Đại học Paris-Dauphine
Thư mục
Acemoglu D., Johnson S. et Robinson J., 2001, The Colonial Origins of Comparative Development: An Empirical Investigation”, American Economic Review, vol. 91, n° 5.
Akerlof G., 1982, “Labor Contracts as Partial Gift Exchange”, The Quarterly Journal of Economics, vol. 97, n° 4.
Akerlof G. et Kranton R., 2000, Economics and Identity”, The Quarterly Journal of Economics, vol. 115, n° 3.
Amin S., 1970, L’accumulation à l’échelle mondiale, Anthropos.
Basu K., 1997, Analytical Development Economics, The MIT Press.
Dixit A., 2006, “Evaluating Recipes for Development Success”, World Bank Policy Research Working Paper n° 3859.
Emmanuel A., 1969, L’échange inégal, François Maspero.
Harris J. et Todaro M., 1970, Migration, Unemployment, and Development: A Two Sector Analysis”, American Economic Review, vol. 60, n° 1.
Krugman P., 1988, Financing vs. Forgiving a Debt Overhang”, NBER Working Paper n° 2486.
Lewis A., 1954, Economic Development with Unlimited Supplies of Labour”, The Manchester School, vol. 22, n° 2.
Macrae J., 1982, Underdevelopment and the Economics of Corruption: A Game Theory Approach”, World Development, vol. 10, n° 8.
North D., Wallis J. et Weingast B., 2009, Violence and Social Orders, Cambridge University Press. Trad. française:Violence et ordres sociaux, NRF, Gallimard, 2010.
Prebisch R., 1950, The Economic Development of Latin America and its Principal Problems, United Nations.
Rosenstein-Rodan P. N., 1943, Problems of Industrialisation of Eastern and South-Eastern Europe”, The Economic Journal, vol. 53, nos 210-211.
Sachs J., 1989, Efficient Debt Reduction”, Policy Research Working Paper n° WPS194, Banque mondiale.
Singer H., 1950, “The Distribution of Gains between Investing and Borrowing Countries”, American Economic Review, vol. 40, n° 2.
Solow R., 1956, A Contribution to the Theory of Economic Growth”, The Quarterly Journal of Economics, vol. 70, n° 1.
Stiglitz J. et Weiss A., 1981, Credit Rationing in Markets with Imperfect Information”, American Economic Review, vol. 71, n° 3.
Taylor L. (dir.), 1990, Socially Relevant Policy Analysis, The MIT Press.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Orthodoxie et hétérodoxie en économie du développement, Alternatives Economiques, 01/10/2016.




[1] Mô hình này được trình bày trong Debunking Economics. The Naked Emperor Dethroned? (bản dịch tiếng Pháp L’imposture économique [Sự bịp bợm kinh tế]), Steve Keen, NXB Les éditions de l’atelier, 2014.

[2] Ví dụ, “Returns to Fertilizer Use: Does it Pay Enough? Some New Evidence from Sub-Saharan Africa [Thu nhập từ việc sử dụng phân bón: Liệu có chi đủ không? Một số bằng chứng mới từ tiểu vùng Sahara của châu Phi]”, Estelle Koussoubé và Céline Nauges, Tài liệu nghiên cứu số 2015/07, Dial, tháng 4/2015.

[3] Cũng phải kể đến các cuộc điều tra nhắm đến việc đánh giá khu vực phi chính thức, được biết dưới tên gọi là “các cuộc điều tra 123”, quy tụ một số lượng ấn tượng các dữ liệu đồng nhất.

[4] Gaël Giraud, kinh tế gia trưởng của Cơ quan Phát triển của Pháp (người tự cho mình không theo trường phái phi chính thống và chuyên về lý thuyết trò chơi), nói về kinh tế học tân cổ điển là “nó được xây dựng trên một mô hình mà hầu như đã không thay đổi kể từ năm 1870, và đó là một mô hình sai lầm, không phù hợp, không có cơ sở về mặt khoa học”, ông còn nói thêm rằng “đây là một mô hình cân bằng mà trong đó không hề có những vụ sụp đổ lớn nào, cũng chẳng có tiền tệ cũng như nợ tư nhân, và lại bỏ qua vấn đề năng lượng “ (Le Monde, ngày 7/7/2015).

Print Friendly and PDF