28.3.18

Kinh tế học đã trở thành một tôn giáo như thế nào

 KINH TẾ HỌC ĐÃ TRỞ THÀNH MỘT TÔN GIÁO NHƯ THẾ NÀO

Bộ quy tắc đạo đức của nó hứa hẹn sự cứu rỗi, các thầy tu cao cấp của nó duy trì sự chính thống của họ. Nhưng có lẽ có quá nhiều học thuyết của nó một cách vô ích đã thành đức tin.
Mặc dù nước Anh có một giáo hội lâu đời, nhưng có rất ít người trong chúng ta ngày nay quan tâm đến điều đó. Chúng ta tôn thờ một tôn giáo có thế lực hơn, mà dựa vào đó chúng ta đã định hướng cuộc sống của mình: đó là kinh tế học. Hãy suy nghĩ về điều đó. Kinh tế học mang lại một học thuyết toàn diện với một bộ quy tắc đạo đức hứa hẹn sự cứu rỗi cho các môn đồ trong thế giới này; một ý thức hệ quá hấp dẫn đến mức đức tin đã xây dựng lại toàn bộ xã hội để đáp ứng các yêu cầu của nó. Nó có người ngộ đạo, người thần bí và thuật sĩ, những người dùng ma thuật để gọi tiền hiện ra từ không khí, sử dụng các thần chú, chẳng hạn như "phái sinh" hoặc "phương tiện đầu tư cấu trúc". Và, giống như các tôn giáo xưa mà nó đã chiếm chỗ, nó có các nhà tiên tri, nhà cải cách, nhà đạo đức học và trên hết, các thầy tu cao cấp ủng hộ tính chính thống khi đối diện với dị giáo.
Theo thời gian, các nhà kinh tế học nối tiếp nhau trượt vào vai trò mà chúng ta đã loại bỏ khỏi các giáo sĩ: chỉ dẫn cho chúng ta về cách thức để đạt được một miền đất hứa phong phú về vật chất và mãn nguyện vô tận. Trong một thời gian dài, có vẻ như họ đã thực hiện được lời hứa đó, thành công theo cách mà ít có tôn giáo nào khác chưa bao giờ làm được, thu nhập của chúng ta đã tăng lên hàng ngàn lần và mang lại một sự bùng nổ dồi dào với những phát minh, liệu pháp và thú vui mới.
Đây là thiên đường của chúng ta, và chúng ta đã khen thưởng giáo hội kinh tế một cách phong phú, với địa vị, của cải và quyền lực để định hình xã hội theo tầm nhìn của họ. Vào cuối thế kỷ 20, giữa sự bùng nổ kinh tế, khi nền kinh tế phương Tây trở nên giàu có hơn những gì mà nhân loại đã từng biết đến, thì kinh tế học có vẻ như đã chinh phục được thế giới. Với việc gần như mọi quốc gia trên hành tinh đều bám lấy một giáo trình giống nhau về thị trường tự do, và với việc các đàn con chiên là sinh viên đại học đổ xô đi học môn học này, kinh tế học có vẻ như đã đạt được mục tiêu mà mọi học thuyết tôn giáo khác trong lịch sử đã thất bại: cải đạo toàn bộ hành tinh sang tôn giáo của nó.
Irving Fisher (1867-1947)
Tuy nhiên, nếu lịch sử giảng dạy mọi thứ, đó là bất cứ khi nào các nhà kinh tế học cảm thấy chắc chắn rằng đã tìm được chén thánh của hòa bình và thịnh vượng vô tận, thì sự kết thúc chế độ hiện nay đang đến gần. Vào đêm trước của sự kiện Phố Wall sụp đổ vào năm 1929nhà kinh tế học người Mỹ, Irving Fisher, đã khuyên mọi người ra ngoài và mua cổ phần; vào những năm 1960, các nhà kinh tế học keynesian đã nói rằng sẽ không bao giờ có một cuộc suy thoái nữa bởi vì họ đã hoàn thiện được các công cụ quản trị mức cầu.
Vụ sụp đổ năm 2008 cũng không khác mấy. Năm năm trước, vào ngày 4 tháng 1 năm 2003, người nhận giải Nobel, Robert Lucas, đã đọc một bài diễn văn khải hoàng với tư cách là chủ tịch Hiệp hội Kinh tế học nước Mỹ. Khi nhắc nhở các đồng nghiệp rằng kinh tế học vĩ mô đã được sinh ra trong tình trạng đình trệ chính là để ngăn chặn sự lặp lại của một thảm hoạ khác như vậy, ông tuyên bố rằng ông và các đồng nghiệp đã đạt đến hồi kết của lịch sử bộ môn: "Kinh tế học vĩ mô theo nghĩa ban đầu này đã thành công," theo lời cho biết của ông tại buổi họp kín. "Vấn đề trọng tâm của kinh tế học về tình trạng suy thoái đã được giải quyết."
Không lâu sau đó, chúng ta đã được thuyết phục rằng giáo hội kinh tế cuối cùng đã phá vỡ lời nguyền xưa, khi nó trở lại ám ảnh tất cả chúng ta: niềm tự hào luôn đi trước một sự thất bại. Kể từ vụ sụp đổ năm 2008, hầu hết chúng ta đều thấy mức sống của mình suy giảm. Trong khi đó, hàng giáo phẩm có vẻ như rút vào tu viện, cãi nhau về việc ai đã làm sai. Không có gì ngạc nhiên khi đức tin của chúng ta vào các "chuyên gia" đã tiêu tan.
Sự ngạo mạn, đặc biệt chưa bao giờ là một điều tốt, có thể là điều cực kì nguy hiểm trong kinh tế học, bởi vì các học giả không chỉ quan sát các quy luật của tự nhiên; họ còn giúp tạo lập ra chúng. Ví dụ chẳng hạn,nếu chính phủ, được giáo hội chỉ dẫn, thay đổi cấu trúc-các biện pháp khuyến khích [incentive-structure] của xã hội để phù hợp với giả định cho rằng con người hành xử một cách ích kỷ, thì lạ chưa, con người sẽ bắt đầu ứng xử đúng như vậy. Họ được khen thưởng khi làm như thế và bị phạt nếu làm khác. Nếu bạn được dạy để tin rằng tham lam là điều tốt, thì có nhiều khả năng bạn sẽ sống sao cho phù hợp với điều đó.
Sự ngạo mạn trong kinh tế học không xuất phát từ một khiếm khuyết về đạo đức trong số các nhà kinh tế học, mà từ một niềm xác tín sai: niềm tin cho rằng kinh tế học của họ là một khoa học. Nó không là và cũng không thể là một khoa học, và nó luôn vận hành giống như một giáo hội nhiều hơn. Bạn chỉ cần nhìn vào lịch sử của nó để nhận ra điều đó.
Robert Lucas (1937-)
Hiệp hội kinh tế học nước Mỹ, nơi mà Robert Lucas đã đọc bài diễn văn của ông, đã được sáng lập vào năm 1885, ngay khi kinh tế học bắt đầu tự cho mình là một bộ môn riêng biệt. Trong buổi họp đầu tiên, các nhà sáng lập hiệp hội đã đề xuất một cương lĩnh tuyên bố rằng: "Cuộc xung đột giữa lao động và tư bản đã dẫn đến rất nhiều vấn đề xã hội mà việc tìm ra giải pháp sẽ là điều bất khả nếu không có những nỗ lực thống nhất giữa nhà thờ, nhà nước và khoa học". Đó sẽ là một con đường dài từ điểm khởi đầu này đến việc truyền bá thị trường trong những thập niên gần đây.
Henry Carter Adams (1851–1921)
Tuy nhiên ngay cả vào thời điểm đó, một chủ nghĩa tích cực xã hội như vậy đã gây tranh cãi. Một trong những người sáng lập AEA, Henry Carter Adams, sau này đã có một bài diễn văn tại Đại học Cornell, trong đó ông bảo vệ quyền tự do ngôn luận cho những người cấp tiến và cáo buộc các nhà công nghiệp về việc kích động chủ nghĩa bài ngoại để đánh lạc hướng người lao động khỏi sự ngược đãi của họ. Ông không biết là Henry Sage, vua gỗ của New York và nhà hảo tâm của Cornell, cũng có mặt trong cử tọa. Ngay sau kết thúc bài giảng, Sage đã xông vào văn phòng của chủ tịch trường đại học và nhất quyết đòi hỏi: "Người đàn ông này phải ra đi; ông ấy đang huỷ hoại những nền tảng của xã hội chúng ta." Khi nhiệm kỳ của Adams bị trở ngại sau đó, ông đồng ý tiết chế quan điểm của mình. Theo đó, dự thảo cương lĩnh cuối cùng của AEA đã xóa bỏ tham chiếu đến kinh tế học tự do kinh doanhnhư là "không an toàn về mặt chính trị và không lành mạnh về mặt đạo đức".
“Kinh tế học đã luôn vận hành giống như một giáo hội nhiều hơn”... Nhà thờ Trinity Church nhìn từ Phố Wall. Ảnh: Alamy Stock Photo
Từ đó đã hình thành nên một mô thức tiếp tục tồn tại cho đến ngày nay. Các lợi ích quyền thế về mặt chính trị – vốn đã bao gồm, trong lịch sử, không chỉ các nhà công nghiệp giàu có, mà còn các cử tri đoàn – đã góp phần định hình kinh tế học, sau này được cộng đồng học thuật của nó củng cố.
Dame Mary Douglas (1921-2007)
Khi một nguyên lý được thiết lập như là chính thống, thì sự tuân thủ của nó được tôn trọng giống như cách thức mà một học thuyết tôn giáo duy trì tính thống nhất của nó: bằng cách trấn áp hoặc đơn giản né tránh các dị giáo. Trong cuốn Purity and Danger [Thanh khiết và Nguy hiểm], nhà nhân chủng học Mary Douglas quan sát cách thức vận hành của các điều cấm kỵ từng giúp con người áp đặt trật tự lên một thế giới hỗn loạn, có vẻ như mất trật tự. Các cơ sở của kinh tế học thông thường đã không vận hành một các khác biệt nhiều. Robert Lucas đã từng lưu ý một cách đồng tình rằng vào cuối thế kỷ 20, kinh tế học đã tự thân thanh lọc học thuyết Keynes một cách khá hiệu quả đến mức "cử tọa bắt đầu rỉ tai nhau và cười khúc khích với nhau" khi có một ai đó trình bày một ý tưởng keynesian tại một buổi hội thảo. Những phản ứng như vậy đã giúp nhắc nhở các nhà thực hành về những điều cấm kỵ trong kinh tế học: một cú thúc nhẹ vào một học giả trẻ tuổi rằng những khẩu hiệu lỗi thời như vậy có thể không tốt trước một ủy ban thâm niên. Mối quan tâm đối với trật tự và gắn kết này có thể ít phụ thuộc vào phương pháp hơn là vào các nhà thực hành. Các nghiên cứu về các đặc điểm nhân cách phổ biến trong nhiều ngành học khác nhau đã khám phá ra rằng kinh tế học, giống như ngành kỹ thuật, có khuynh hướng thu hút những người có sở thích cực kỳ mạnh về trật tự, và không thích sự mơ hồ.
Lionel Robbins( 1898-1984)
Điều mỉa mai là, trong quyết tâm làm mình trở thành một khoa học có thể dẫn đến những kết luận chặt chẽ, kinh tế học đã phải đôi lúc bỏ qua phương pháp khoa học. Đối với các nhà kinh tế học tân tòng, kinh tế học dựa trên một tập hợp các tiên đề về thế giới, một thế giới không phải như nó vốn thế, nhưng như các nhà kinh tế học lâu năm muốn nó phải như thế. Cũng giống như bất kỳ lễ nghi tôn giáo nào đều có việc tuyên xưng đức tin, việc gia nhập giáo hội kinh tế học cũng đòi hỏi một số niềm xác tín cốt lõi về bản chất con người. Hầu hết các nhà kinh tế học đều tin rằng, trong số những điều khác, chúng ta là những con người tư lợi, duy lý, về cơ bản là cá nhân chủ nghĩa, và thích có nhiều tiền hơn là ít tiền. Các đức tin này được coi là một sự thật hiển nhiên. Quay trở lại những năm 1930, nhà kinh tế học vĩ đại Lionel Robbins mô tả nghề nghiệp của mình theo một cách đã từng đứng vững như một quy tắc then chốt cho hàng triệu nhà kinh tế học. Những nền tảng cơ bản của ngành học xuất phát từ "sự suy diễn từ các giả định đơn giản phản ánh những thực tế sơ đẳng của kinh nghiệm tổng quát" và như vậy là "chúng cũng mang tính phổ quát giống như các quy luật của toán học hoặc cơ học, và ít có khả năng "bị đình chỉ".
Thomas Aquinas (1225-1274)
Việc suy diễn các quy luật từ các cơ sở được cho là vĩnh cửu và không nghi ngờ là một phương pháp được chuộng do lâu đời. Trong hàng ngàn năm qua, các thầy tu ở các tu viện thời trung cổ đã xây dựng một chế độ học bổng rộng lớn chỉ để làm điều đó, sử dụng một phương pháp được Thomas Aquinas hoàn thiện và được biết đến như là triết học kinh viện. Tuy nhiên, đây không phải là phương pháp được các nhà khoa học sử dụng, những người có khuynh hướng đòi hỏi các giả định phải được kiểm định thực nghiệm trước khi có thể xây dựng một lý thuyết từ các giả định đó.
Nhưng, các nhà kinh tế học sẽ khẳng định, đó chính là những gì họ đã làm – điều làm cho họ khác biệt với các thầy tu là vẫn phải kiểm định các giả thuyết của họ với bằng chứng. Được,đúng,nhưng tuyên ngôn này thực sự còn có nhiều vấn đề hơn những gì mà nhiều nhà kinh tế học chính thống có thể nhận ra. Các nhà vật lí học giải quyết các cuộc tranh luận của họ bằng cách xem dữ liệu, mà theo đó họ hầu như đồng ý. Tuy nhiên, dữ liệu được các nhà kinh tế học sử dụng vẫn gây nhiều tranh cãi. Ví dụ, khi Robert Lucas khẳng định rằng giả thuyết của Eugene Fama về thị trường-hiệu quả – bảo lưu rằng kể từ khi một thị trường tự do đối chiếu tất cả các thông tin sẵn có cho các nhà kinh doanh, thì giá cả mà thị trường tạo ra sẽ không bao giờ là sai – là đúng mặc cho “làn sóng chỉ trích”, thì ông đã làm vậy với một niềm tin vững chắc và bằng chứng hậu thuẫn, cũng giống như khi Robert Shiller, nhà kinh tế học đồng nghiệp của ông, đã tập hợp các bằng chứng để bác bỏ giả thuyết này. Khi ngân hàng trung ương Thụy Điển phải quyết định ai sẽ là người được trao giải Nobel năm 2013 về kinh tế học, thì đã có sự rạn nứt giữa tuyên bố của Shiller cho rằng thị trường thường tạo ra những giá cả sai và khẳng định của Fama cho rằng thị trường luôn tạo ra những giá cả đúng. Vì vậy, họ chọn cách phân hóa sự khác biệt và trao huy chương cho cả hai người – với một chút sự thông thái của Solomon sẽ gây ra những tràng cười vang rền nếu đây là một giải thưởng khoa học. Trong lý thuyết kinh tế, rất thường xuyên, bạn tin vào những gì bạn muốn tin – và như với bất kỳ hành động đức tin nào, việc bạn chọn sấp hay ngửa có nhiều khả năng sẽ phản ánh khuynh hướng sẵn có thiên về cảm xúc như là một thẩm định khoa học.
Wassily Leontief (1906-1999)
Không có điều gì bí ẩn tại sao các dữ liệu được các nhà kinh tế học và các nhà khoa học xã hội khác sử dụng hiếm khi đưa ra được câu trả lời không thể chối cãi: đó là dữ liệu của con người. Không giống như con người, các hạt hạ nguyên tử không nằm trong các cuộc khảo sát ý kiến ​​hoặc thay đổi tư duy của chúng về sự vật. Nhận thức được sự khác biệt đó, trong chính bài diễn văn của mình với tư cách là chủ tịch Hiệp hội Kinh tế nước Mỹ gần một nửa thế kỷ trước, một người được trao giải Nobel khác, Wassily Leontief, đã có một giọng điệu khiêm tốn. Ông nhắc nhở cử tọa rằng dữ liệu được các nhà kinh tế học sử dụng khác biệt rất nhiều so với dữ liệu được các nhà vật lý học và sinh vật học sử dụng. Đối với trường hợp thứ hai, ông cảnh báo, "độ lớn nhỏ của hầu hết các thông số hầu như không thay đổi", trong khi những quan sát trong kinh tế học thì liên tục thay đổi. Dữ liệu phải được cập nhật thường xuyên để duy trì tính hữu dụng. Một số dữ liệu chỉ đơn giản là những dữ liệu tồi. Việc thu thập và phân tích dữ liệu đòi hỏi các công chức phải có kỹ năng cao và phải có thời gian để xử lý, thứ mà các nước kém phát triển về mặt kinh tế có thể không có nhiều. Vì vậy, ví dụ, chỉ tính riêng năm 2010, chính phủ của Ghana – có lẽ là một trong những nước có khả năng thu thập dữ liệu tốt nhất ở châu Phi – đã tính lại tổng sản lượng kinh tế của họ theo hướng tăng 60%Thử nghiệm các giả thuyết trước và sau kiểu điều chỉnh đó sẽ dẫn đến những kết quả hoàn toàn khác nhau. 
“Dữ liệu được các nhà kinh tế học sử dụng hiếm khi đưa ra được những câu trả lời không thể chối cãi”... các nhà giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán New York vào tháng 10 năm 2008. Ảnh: Spencer Platt / Getty Images
Leontief muốn các nhà kinh tế học dành nhiều thời gian hơn để tìm hiểu dữ liệu của họ, và ít thời gian hơn trong việc mô hình hóa toán học. Tuy nhiên, như ông buồn rầu thừa nhận, xu hướng đã đi theo hướng ngược lại. Ngày nay, việc có một nhà kinh tế học thả bộ vào một ngôi làng để tìm hiểu sâu sắc hơn về những gì dữ liệu muốn tiết lộ là một điều hiếm. Khi một mô hình kinh tế đã sẵn sàng để được kiểm định, thì sự tính toán siêu tốc được thực hiện phần lớn qua các máy tính được cắm vào các cơ sở dữ liệu rộng lớn. Đó không phải là một phương pháp thỏa mãn hoàn toàn một người hoài nghi. Bởi vì, như khi có thể tìm được một trích dẫn trong Kinh thánh giải thích được hầu hết mọi hành vi, thì bạn cũng có thể tìm được các dữ liệu của con người hậu thuẫn cho hầu hết mọi tuyên bố mà bạn muốn đưa ra về cách thế giới vận hành.
Đó là lý do vì sao các ý tưởng về kinh tế học có thể hợp thời và lỗi thời. Tiến bộ của khoa học nói chung là tuyến tính. Bởi vì các công trình nghiên cứu mới chứng thực hoặc thay thế các lý thuyết hiện tại, một thế hệ sẽ dựa vào một thế hệ kế tiếp. Tuy nhiên, kinh tế học chuyển dịch theo chu kỳ. Một học thuyết nhất định có thể sẽ nổi lên, suy tàn và sau đó phát sinh trở lại. Đó là vì các nhà kinh tế học không chứng thực được các lý thuyết của họ theo cùng cách như các nhà vật lý học đã làm, bằng cách chỉ nhìn vào bằng chứng. Thay vào đó, giống như điều xảy ra nhiều với các nhà thuyết giáo tập hợp lại thành một giáo đoàn, một trường phái nổi lên bằng cách thu phục một số tín đồ – trong đó có các chính trị gia và số đông công chúng.
Milton Friedman (1912-2006) 
Ví dụ, Milton Friedman là một trong những nhà kinh tế học có ảnh hưởng lớn nhất vào cuối thế kỷ 20. Nhưng ông đã luẩn quẩn trong nhiều thập niên, trước khi được nhiều người nghe theo. Ông có thể vẫn là một nhân vật bên lề, nếu không  các chính trị gia, như Margaret Thatcher và Ronald Reagan, thích thú với niềm tin của ông về những phẩm hạnh của thị trường tự do. Họ thuyết phục được công chúng theo ý tưởng này, đã được bầu, sau đó đã xây dựng lại xã hội theo những thiết kế đó. Một nhà kinh tế học có được người đi theo thì sẽ có bục giảng kinh. Ngược lại, mặc dù các nhà khoa học có thể hấp dẫn​​ công luận để thúc đẩy sự nghiệp của họ hoặc thu hút các quỹ nghiên cứu, ngoại trừ các nguỵ khoa học, họ không thể giành được sự hậu thuẫn cho các lý thuyết của họ theo cách này.
Tuy nhiên, nếu bạn nghĩ việc mô tả kinh tế học như là một tôn giáo sẽ hạ bệ nó, thì bạn đã sai. Chúng ta cần kinh tế học. Nó có thể là – từng là – một lực lượng vì những điều to lớn. Nhưng chỉ khi nào chúng ta giữ vững mục đích của kinh tế học trong đầu, và luôn nhớ những gì nó có thể và không thể làm.
Người Ailen được biết là đã mô tả, về mặt lí thuyếtvùng đất theo đạo Công giáo của họ như là một lớp vernis Thiên chúa giáo được phủ lên trên một nền ngoại giáo xưa cổ. Người ta cũng có thể nói tương tự như thế về sự gắn bó của chính chúng ta đối với thuyết chính thống tân tự do ngày nay, vốn nhấn mạnh đến quyền tự do cá nhân, hạn chế sự can thiệp của chính phủ và thị trường tự do. Mặc cho vẻ tuân thủ bề ngoài với một học thuyết vững chắc, chúng ta đã không biến đổi hoàn toàn thành các động vật kinh tế mà học thuyết đã xác định chúng ta như vậy. Giống như người Thiên Chúa giáo đi nhà thờ nhưng không phải lúc nào cũng làm theo lời răn, chúng ta hành xử theo như những gì một lý thuyết kinh tế dự đoán, chỉ khi nào nó phù hợp với chúng ta. Trái ngược với những giáo lý của các nhà kinh tế học chính thống, các nghiên cứu đương đại gợi ý rằng, thay vì luôn tìm kiếm việc tối đa hoá lợi ích cá nhân, con người vẫn có lòng vị tha và không ích kỷ một cách hợp lý. Cũng không rõ là việc tích lũy bất tận của cải có luôn làm cho chúng ta hạnh phúc hơn hay không. Và khi phải đưa ra một quyết định, đặc biệt là những quyết định liên quan đến các vấn đề nguyên tắc, chúng ta có vẻ không quan tâm đến kiểu phép tính duy lý "tối đa hóa lợi ích" mà các mô hình kinh tế học chính thống cho là một điều hiển nhiên. Thực tế là, trong phần lớn cuộc sống hàng ngàychúng ta không ứng xử như dự báo của mô hình.
Các nhà kinh tế học làm điều tốt nhất khi lấy những câu chuyện mà chúng ta kể cho họ, và tư vấn lại cho chúng ta về cách thức chúng ta có thể giúp họ biến chúng trở thành sự thật
Trong nhiều thập niên qua, những người truyền giáo thuyết tân tự do đã đáp lại những phản đối như vậy bằng cách nói rằng đó là phận sự của tất cả chúng ta phải thích ứng với mô hình, được cho là bất biến – chúng ta nhớ lại sự mô tả của Bill Clinton về toàn cầu hóa tự do mới, ví dụ, như là một “lực lượng của tự nhiênTuy nhiên, theo sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và cuộc suy thoái như là một hậu quả tất nhiên, thì đã có một bước ngoặt chống lại toàn cầu hóa ở hầu hết các nước phương Tây. Nói rộng hơn, đã có một cuộc bác bỏ ở diện rộng các “chuyên gia”,đáng chú ý nhất là trong cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016 và cuộc trưng cầu dân ý về Brexit.
Sẽ là điều cám dỗ đối với bất cứ ai thuộc tầng lớp "chuyên gia", và thuộc giáo hội kinh tế học, phải gạt bỏ một hành vi như vậy, giống như một cuộc xung đột giữa đức tin và thực tế, trong đó cuối cùng thực tế chắc chắn sẽ giành chiến thắng. Trong thực tế, đã xảy ra cuộc xung đột giữa hai đức tin đối lập – thực ra là hai tự sự khác nhau về đạo đức. Những người được gọi là chuyên gia quá yêu quý quyền uy khoa học của bản thân đến độ tự che mắt trước thực tế là tự sự của chính họ về tiến bộ khoa học đã được lng kết vào một tự sự về đạo đức. Điều xảy ra là tự sự lại có một kết thúc có hậu cho những ai kể lại nó, bởi vì nó tiếp tục lan truyền câu chuyện về vị thế tương đối thoải mái của các chuyên gia như là phần thưởng của cuộc sống trong một xã hội trọng nhân tài đã ban cho những ai có những kỹ năng và sự linh hoạt. Tự sự đó không có chỗ cho những kẻ thua cuộc của trật tự này, mà sự oán giận đã bị chế giễu như là một sự phản chiếu tính cách thô lỗ và suy đồi của họ – có nghĩa là thói xấu cơ bản của họ. Điều tốt nhất mà câu chuyện về đạo đức này có thể mang lại cho mọi người khác là sự thích ứng tiệm tiến đối với một trật tự mà hệ thống giai cấp của họ đã trở nên hóa vôi. Đối với một cử tọa ao ước một kết thúc có hậu, thì điều này chắc chắn phải là một câu chuyện về nỗi đau.
George Akerlof (1940-)
Robert Shiller (1946-)
Tuy nhiên, sự thất bại của đại tự sự không phải là một lý do khiến các sinh viên ngành kinh tế học phải bỏ qua mọi đại tự sựTự sự sẽ vẫn là một phần không thể tránh của các khoa học nhân văn vì lý do đơn giản là con người không thể tránh chúng. Điều buồn cười là có rất ít nhà kinh tế học hiểu được điều này, trong khi các doanh nghiệp thì hiểu được. Các nhà kinh tế được trao giải Nobel là George Akerlof và Robert Shiller đã viết trong một cuốn sách gần đây của họ, Phishing for Phools [Thả mồi câu cá ngáo], các nhà tiếp thị đã sử dụng chúng mọi lúc mọi nơi, thêu dệt những câu chuyện với hy vọng chúng ta sẽ tự đưa mình vào đó và bị thuyết phục mua những gì mà họ bán. Akerlof và Shiller dám chắc rằng ý tưởng cho rằng thị trường tự do vận hành hoàn hảo, và ý tưởng cho rằng một chính phủ cồng kềnh là nguyên nhân gây ra rất nhiều vấn đề của chúng ta, là một phần của một tự sự đang thực sự làm sai lệch con người trong việc điều chỉnh hành vi của họ để phù hợp với tự sự này. Vì vậy, họ tin vào chuyện kể như là một "biến số mới" đối với kinh tế học, do "những khuôn khổ tinh thần làm nền tảng cho các quyết định của con người" được định hình bởi những câu chuyện mà họ tự kể.
Có thể cho rằng các nhà kinh tế học làm tốt nhất khi họ lấy những câu chuyện mà chúng ta kể cho họ và tư vấn lại cho chúng ta về cách thức chúng ta có thể giúp họ biến chúng trở thành sự thậtThứ thuyết bất khả tri như vậy đòi hỏi một sự khiêm tốn đang thiếu ở thuyết kinh tế chính thống trong những năm gần đây. Tuy nhiên, các nhà kinh tế học không phải từ bỏ truyền thống của họ nếu khắc phục được những thất bại của một tự sự đã bị bác bỏ. Thay vào đó, họ có thể nhìn vào chính lịch sử của họ để tìm ra một phương pháp tránh được sự chắc chắn mang tính phúc âm của thuyết chính thống.
Trong bài diễn văn năm 1971 với tư cách là chủ tịch Hiệp hội Kinh tế nước Mỹ, Wassily Leontief đã có lời khuyên chống lại những hiểm nguy của nạn tự mãn. Ông lưu ý rằng mặc dù kinh tế học bắt đầu tiến lên "đỉnh cao của sự tôn trọng về mặt tri thức... thì có một cảm giác không hề dễ chịu về hiện trạng của ngành chúng ta đã gia tăng ở một số người trong chúng ta, những người đã theo dõi sự phát triển chưa từng thấy trong ba thập niên qua".
Nhận ra được việc lý thuyết thuần túy đã làm cho kinh tế học ngày càng xa rời thực tế hằng ngày, ông nói vấn đề nằm ở "sự không thỏa đáng cảm thấy được của các phương tiện khoa học" trong việc sử dụng các cách tiếp cận toán học để giải quyết các mối quan tâm trần tục. Đã có quá nhiều thời gian dành cho việc xây dựng mô hình, khiến cho những giả định mà các mô hình dựa trên đó đã trở thành một kiểu suy nghĩ được thêm vào sau khi hành động. "Nhưng," ông cảnh báo – một cảnh báo  sự mê hoặc vào sự bùng nổ các tín dụng dưới chuẩn với các mô hình toán học, và cơn lốc làm bộc lộ những vụ vỡ nợ theo sau, ngày nay cho thấy cảnh báo này có tính tiên tri – "ích lợi của toàn bộ mô hình hoá lại tùy thuộc vào giá trị thực nghiệm của các giả thiết trên.”
Leontief cho rằng các khoa kinh tế học ngày càng thuê và đề bạt các nhà kinh tế học trẻ tuổi, những người muốn xây dựng các mô hình thuần túy, ít có liên quan đến thực nghiệm. Nhưng ngay cả khi họ làm những phân tích thực nghiệm, thì Leontief cho biết các nhà kinh tế học ít khi quan tâm đến ý nghĩa hoặc giá trị của các dữ liệu của họ. Vì vậy, ông kêu gọi các nhà kinh tế học cần khảo sát các giả định và dữ liệu của họ qua việc tiến hành các công trình về xã hội, nhân khẩu học và nhân học, và nói rằng kinh tế học cần phải làm việc chặt hơn nữa với các ngành khác.
Lời kêu gọi của Leontief về sự khiêm nhường đã tồn tại những 40 năm qua, như một lời nhắc nhở rằng những tôn giáo tương tự có thể lên tiếng bảo vệ quyền tự do và nhân phẩm của con người khi còn ở thế đối lập, có thể bị ám ảnh bởi tính đúng đắn của họ và nhu cầu thanh lọc người khác về tính vô đạo đức một khi đạt được quyền lực. Khi giáo hội giữ khoảng cách với quyền lực, và có một kỳ vọng khiêm tốn về những gì có thể đạt được, nó có thể khuấy động tâm trí của chúng ta để hình dung ra những khả năng mới và thậm chí những thế giới mới. Một khi các nhà kinh tế học áp dụng kiểu phương pháp khoa học hoài nghi này vào một lĩnh vực của con người, mà ở đó thực tế cuối cùng có thể không bao giờ được nhận thức rõ hoàn toàn, thì chắc chắn họ sẽ tự thân rút ra khỏi những giáo điều trong các tuyên bố của họ.
Vì thế, điều nghịch lý là khi kinh tế học mang tính khoa học đích thực hơn, thì nó sẽ càng ít trở thành một khoa học hơn. Việc thừa nhận những giới hạn này sẽ để nó tự do phục vụ chúng ta một lần nữa.

John Rapley(1963-)
Đây là một trích đoạn được biên tập từ cuốn Twilight of the Money Gods: Economics as a Religion and How it all Went Wrong [Thời chạng vạng của các Vị Thần Tiền : Kinh tế học như là một tôn giáo và Mọi thứ đã sai như thế nàocủa John Rapley, NXB Simon & Schuster, ngày 13 tháng 7.
John Rapley là một học giả, nhà báo và là người đồng sáng lập Viện Nghiên cứu Chính sách Caribbean.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: How  economics  became  a  religionThe Guardian17 July 2017.
Bài có liên quan:

Print Friendly and PDF