14.3.18

Đồng Bitcoin, ảo ảnh của một đồng tiền tự do

ĐỒNG BITCOIN, ẢO ẢNH CỦA MỘT ĐỒNG TIỀN TỰ DO

Sandra Moatti

Đồng Bitcoin, đồng tiền ảo được tạo ra cách đây năm năm, muốn thoát khỏi các tổ chức trung gian và các tổ chức phát hành. Ngày nay, nó được coi như là một tài sản đầu cơ hơn là một phương tiện thanh toán.
Trong những năm gần đây, một UFO (Unidentified Flying Object, vật thể bay không xác định) tiền tệ nuôi dưỡng các tin đồnLà đứa con bất trị của công nghệ máy tính và hệ tư tưởng tự do triệt để, đồng Bitcoin được một nhân vật bí ẩn dưới tên là Satoshi Nakamoto cho ra đời vào cuối năm 2008. Mục tiêu của nó: tạo ra một hệ thống thanh toán mang tính phi tập trung hoàn toàn, về mặt lý thuyết có khả năng hoạt động mà không có sự can thiệp của các ngân hàng và của Nhà nước. Một cuộc cách mạng tiền tệ, như một số người muốn tin, hay một mồi nhử nhằm làm giàu cho một số ít các chuyên viên tin học và che giấu các hoạt động gian lận? Giải mã một đồng tiền ảo gây tranh cãi.

Một đồng tiền đồng đẳng

Đồng Bitcoin, trước hết là một giao thức máy tính được thiết kế để thực hiện các khoản thanh toán trực tuyến mà không cần thông qua một bên thứ ba đáng tin cậy. Trong hệ thống tiền tệ cổ điển, ngân hàng là người giữ sổ sách tất cả các giao dịch. Trong hệ thống đồng Bitcoin, người sử dụng tự mình thực hiện các giao dịch được diễn ra công khai trên một mạng đồng đẳng. Một công nghệ mật mã phức tạp đảm bảo tính an toàn của hệ thống, cũng như tính vô danh của các bên tham gia giao dịch.
Được lưu hành mà không qua trung gian, đồng tiền mã hóa cũng không cần đến người phát hành: việc tạo ra các đơn vị thanh toán, đồng Bitcoin, được giao thức xác định trước. Nó tưởng thưởng những người tham gia tập trung sức mạnh tính toán của các máy tính cho quá trình xác nhận các giao dịch. Người ta gọi họ là những "công nhân mỏ", một sự ám chỉ đến vàng, mà hệ thống đã lấy nguồn cảm hứng. Bởi vì lượng tiền đồng Bitcoin có giới hạn: việc phát hành tiền tệ phải giảm một nửa mỗi bốn năm một lần, để đạt được mức trần 21 triệu đồng Bitcoin vào khoảng những năm 2040. Chỉ có hơn 14 triệu đồng Bitcoin đã được phát hành. Theo thời gian, việc "khai thác" đồng Bitcoin ngày càng trở nên tốn kém, phụ thuộc vào sức mạnh tính toán và năng lượng.
Những người đam mê công nghệ và những nhà tự do triệt để
Một cách khác để có được đồng Bitcoin là lên một trong các nền tảng Internet, nơi mà nó được trao đổi với nhiều đồng tiền khác theo một "tỷ giá" dao động – đáng kể – tùy theo mức cung và cầu. Như vậy, đồng Bitcoin ngay tức khắc đã thách thức các đồng tiền chính thức.
Đủ để thuyết phục đồng thời những ai ủng hộ các phần mềm tự do và các nhà kinh tế theo chủ nghĩa tự do triệt để, kẻ thù của mọi sự can thiệp của Nhà nước vào nền kinh tế. Là đồng tiền phi tập trung, xuất phát từ một giao thức công khai và hoạt động với một phần mềm mã nguồn mở, đồng Bitcoin, theo lời của một trong những người khởi xướng, doanh nhân Pierre Noizat, là hiện thân của một đồng tiền "tự do" mà không ai có thể kiểm soát. Không giống như các đồng tiền xu và tiền giấy, vốn là độc quyền công cộng, và cũng không giống như các bút tệ được tạo ra bởi các ngân hàng, hoặc các đồng tiền ảo khác được kiểm soát bởi các công ty tư nhân.
Với đồng Bitcoin, các nhà kinh tế theo chủ nghĩa tự do triệt để đã tìm thấy Chén thánh (Saint-Graal): một hình thức vàng kỹ thuật số được sản xuất với số lượng có hạn, không thể bị các Nhà nước lúc nào cũng thiên về việc "in tiền" làm gia tăng số lượng.
Nhưng giới hạn tuyệt đối của cung tiền có hai hậu quả tiêu cực: một sự biến động cực kỳ – khi cung không thay đổi, thì mọi biến động của cầu sẽ tác động đến giá cả – và một xu hướng giảm phát mang tính cấu trúc: nếu cầu của đồng tiền này tăng với sự nổi tiếng của nó, thì giá cả sản phẩm và dịch vụ được thanh toán bằng đồng Bitcoin phải giảm xuống. Vì thế, điều tốt hơn hết là tích trữ nó hơn là tiêu xài nó.
Không sao, những người hâm mộ đồng Bitcoin nêu bật nhiều lợi thế của đồng Bitcoin: tính phổ quát, nó có tiềm năng để được sử dụng mọi nơi; vì không qua trung gian, nó cho phép giảm chi phí giao dịch trong thương mại trực tuyến; một hình thức tiền mặt kỹ thuật số, có thể dùng nó để thanh toán mà không bộc lộ các chi tiết ngân hàng lẫn nhân thân. Nằm ngoài sự kiềm chế của nhà nước, nó thoát khỏi sự kiểm soát về vốn và... thuế.
Đừng nhầm lẫn!
Xin lưu ý, đồng tiền kĩ thuật số Bitcoin không liên quan gì đến các đồng tiền bổ túc thuộc các mạng lưới của nền kinh tế xã hội và liên đới (xem bài Những đồng tiên thay thế để làm biến đổi xã hội). Jean Michel Servet, Denis Dupre và Jean-François Ponsot đã chỉ ra một số điểm khác biệt chính:
- Những người tạo ra đồng Bitcoin chiếm hữu quyền đúc tiền(*) theo danh nghĩa riêng. Đây là một điểm khác biệt chủ yếu với các đồng tiền bổ túc và liên đới của địa phương được thế chấp bằng một lượng tiền gửi tương đương với lượng tiền được lưu hành và dựa vào một sự quản lý dân chủ của các hiệp hội phát hành đồng tiền đó;
- Chi phí sinh thái để tạo ra đồng Bitcoin đang ngày càng cao khi sức mạnh tính toán (và do đó năng lượng được sử dụng) cần thiết để "khai thác" nó ngày càng tăng;
- Việc tạo ra đồng Bitcoin chậm lại dần theo cách tạo ra một tình trạng khan hiếm tăng dần – điều này tạo ra một lợi thế đáng kể cho những người khởi xướng và dẫn đến một sự khan hiếm không thích hợp với nhu cầu trao đổi;
- Những biến động giá của đồng Bitcoin làm cho nó trở thành một tài sản đầu cơ cao, một sự khác biệt chủ yếu khác với các đồng tiền bổ túc của địa phương, những đồng tiền không thể là đối tượng đầu cơ.
Giải thích thuật ngữ
(*)Seigneuriage (quyền đúc tiền của vua chúa): sức mua gắn với vai trò phát hành tiền tệ.
 Tiền tệ hay tài sản
Trong thực tế, việc sử dụng đồng Bitcoin đòi hỏi phải có một trái tim khoẻ mạnh, do có rất nhiều rủi ro. Trước tiên là rủi ro bị chiếm đoạt tài sản. Các nền tảng trao đổi đã nhiều lần trở thành đối tượng của các cuộc tấn công mạng, qua đó có nhiều tài khoản bị rút hết tiền. Mặt trái của đồng xu là tình trạng vô chính phủ: trôi nổi trong một môi trường pháp lý của vùng đất không người sống (no man’s land), hệ thống đồng Bitcoin để cho người sử dụng bị lường gạt mà không có ai cứu giúp. Chưa kể đến tính biến động mạnh của đồng tiền này (xem biểu đồ).
Thật vậy, đồng Bitcoin xem ra có vẻ là một tài sản đầu cơ cao hơn là một phương tiện thanh toán. Đây là một đầu tư mang lại lợi nhuận cao bất thường, ít nhất đối với những người tham gia đầu tiên, trong số đó chắc có chính nhân vật bí ẩn Nakamoto: đồng tiền ảo, không có giá trị gì vào năm 2009, đã được giao dịch với tỷ lệ 1 đồng Bitcoin ăn 250 đồng euro vào tháng 3 năm 2015, và giá của nó đã bay cao lên đến mức 800 euro vào tháng 11 năm 2013! Một điều làm cho nhiều người mơ mộng và thu hút sự quan tâm của một số quỹ đầu cơ...
Ngược lại, việc sử dụng đồng Bitcoin như là một phương tiện thanh toán vẫn còn hạn chế. Sự khuyết danh cho phép hệ thống làm bình phong cho nhiều hoạt động gian lận khác nhau. Như trang web Silk Road, một siêu thị thực sự buôn bán ma túy trực tuyến, đã bị đóng cửa vào tháng 10 năm 2013. Vì thế, các cơ quan chức năng giám sát ngày càng chặt chẽ hơn đồng tiền kĩ thuật số này. Ngay cả khi có những trang web (hợp pháp) chấp nhận thanh toán bằng đồng Bitcoin (chủ yếu là trang web chơi game trực tuyến, bán thiết bị máy tính và dịch vụ Internet, chẳng hạn như dịch vụ lưu trữ các blog WordPress), thì việc các cá nhân sử dụng đồng Bitcoin như là một phương tiện thanh toán cũng chưa giúp nó cất cánh được.

Các doanh nhân mới

Gonzague Grandval
Tuy nhiên, có một làn sóng mới các doanh nhân tin tưởng vào tương lai của đồng Bitcoin, như là một sự hỗ trợ cho một đối chọn thay thế các giải pháp thanh toán điện tử hiện nay hơn là hoàn toàn như một đồng tiền. "Lĩnh vực giao dịch điện tử là pháo đài cuối cùng, nơi mà 100% các giao dịch diễn ra qua các mạng lưới tư nhân như Visa, MasterCard hoặc qua các mạng lưới ngân hàng và liên ngân hàng, nhưng chưa bao giờ qua các mạng tự do, " theo lời của Gonzague Grandval, người điều hành công ty Paymium, người đề xuất một giải pháp thanh toán dựa trên giao thức đồng Bitcoin. Mục tiêu: thuyết phục các thương gia sử dụng dịch vụ của ông, được giới thiệu là ít tốn kém hơn (tiền hoa hồng ít hơn 1%, so với mức 2% đến 3% cho các khoản thanh toán bằng thẻ tín dụng hoặc thông qua PayPal), đơn giản hơn, cởi mở hơn và... an toàn hơn. Cụ thể, các khoản thanh toán sẽ diễn ra qua mạng đồng Bitcoin, nhưng đồng euro có thể vẫn là đơn vị thanh toán và là phương tiện thanh toán "rõ ràng", và là một đối tác được ngân hàng bảo lãnh.
Vì vậy, bỏ qua một bên thứ ba đáng tin cậy và một đồng tiền dựa vào Nhà nước không phải là điều dễ dàng... Năm năm sau khi ra đời, đồng Bitcoin đang tìm kiếm tương lai của nó trong khuôn khổ pháp luật. Không phải với tham vọng cạnh tranh với đồng đô-la Mỹ, mà là chia bớt một phần nhỏ của chiếc bánh mạng thanh toán. Một mục tiêu kém hoành tráng hơn.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: "Bitcoin, le mirage d'unemonnaie libre", trong La monnaie et ses mystères, Alternatives Economiques HORS-SÉRIES no105, page 36-55.



Print Friendly and PDF