2.1.19

Chiến tranh thương mại: cái giá Châu Á phải trả


CHIẾN TRANH THƯƠNG MẠI: CÁI GIÁ CHÂU Á PHẢI TRẢ
Tổng thống Mỹ Donald Trump chụp ảnh chung với lãnh đạo các nước, nhân kỷ niệm 40 năm thành lập tổ chức ASEAN tại Manila, ngày 13 tháng 11 năm 2017. (NguồnAsia Nikkei)
Sau một năm bất động, Donald Trump đã triển khai vào năm 2018, bằng nhiều đợt liên tiếp, các lời đe dọa chiến tranh thương mại mà ông đã tuyên bố trước khi được bầu. Trung Quốc đặc biệt nằm trong tầm nhắm, và đằng sau đó là toàn bộ các chuỗi giá trị châu Á. Tác động của các biện pháp trừng phạt của Mỹ và trả đũa, cho tới bây giờ, ở mức hạn chế: xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc đang chịu đựng tốt, kể cả sang Hoa Kỳ; mức sụt giảm tỷ giá hối đoái sẽ bù đắp cho các biện pháp mới nhất của Mỹ; phần còn lại của châu Á vẫn giữ được triển vọng kinh tế thuận lợi. Nhưng các hiệu ứng ngành đôi khi diễn tiến mạnh bạo và người ta bắt đầu cảm nhận được tác động gián tiếpcác thị trường chứng khoán châu Á rực lên một màu đỏ. Nhất là các kịch bản cho năm 2019 ngày càng trở nên bi quan hơn. Nếu chiến tranh thương mại tiếp tục và mở rộng, thì cái giá phải trả trong năm 2019 sẽ rất cao.
MỘT TÁC ĐỘNG HẠN CHẾ trong NGẮN HẠN
IMF hoặc Ngân hàng Thế giới, những định chế quốc tế dự đoán sự suy thoái đáng kể trong nền kinh tế Trung Quốc vào năm 2019: tăng trưởng GDP ở mức 6,2% so với 6,8% trong 6 tháng đầu năm 2018 (và 6,5% trong quý III). Một sự suy thoái chủ yếu gắn với sự hãm phanh các nguồn đầu tư và tín dụng do chính phủ Trung Quốc quyết định để kiểm soát nợ. Ngân hàng Thế giới dự đoán mức bội thu của tài khoản hiện hành của Trung Quốc sẽ biến mất ngay từ năm 2018, điều này sẽ góp phần làm chậm lại sự tăng trưởng kinh tế.
Các dự báo cho phần còn lại của châu Á vẫn lạc quan cho năm 2019, với một tăng trưởng ổn định ở Đông Nam Á (+ 5,2%) và một sự tiếp tục tăng trưởng ở Ấn Độ (+ 7,4%).
Các số liệu về xuất khẩu của Trung Quốc vẫn tốt ở giai đoạn này, với mức tăng 15,6% trong tháng 10 (so với tháng 10/2017), cao hơn mức dự báo của các chuyên gia phân tích và kết quả của tháng 9. Nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc vẫn tăng ở mức 10% trong tháng 9, và mức thâm hụt song phương vẫn tiếp tục tăng. Nó vượt quá 300 tỷ US$ trong chín tháng đầu năm 2018, với một mức tăng trưởng 10% so với năm 2017. Mức giảm gần đây của đồng nhân dân tệ so với đồng đô la (-9% trong 6 tháng qua) gần như bù đắp hoàn toàn mức tăng thuế quan 10% trên 200 tỷ US$ các sản phẩm Trung Quốc, được áp dụng kể từ ngày 24 tháng 9.
Ở Nam Á, Ấn Độ ít bị ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt thương mại của Mỹ, ngoại trừ một cách gián tiếp bởi các biện pháp trừng phạt Iran, là một trong những nhà cung cấp dầu hỏa chính của Ấn Độ và là nước xuất khẩu sang Ấn Độ với giá rất cạnh tranh.
NHỮNG CÚ SỐC VÀ DẤU HIỆU CĂNG THẲNG NGÀNH
Tác động thấy rõ hơn ở cấp độ ngành. Điều nghịch lý là xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc bị đặc biệt tác động. Năm 2017, thị trường Trung Quốc chiếm 57% xuất khẩu đậu tương của Mỹ. Từ tháng 8 năm 2018, khi các biện pháp trả đũa của Trung Quốc có hiệu lực, xuất khẩu hàng hóa của Mỹ giảm 95%. Điều may mắn đối với Hoa Kỳ là châu Âu đã thế chỗ như là điểm đến hàng đầu của mặt hàng đậu tương Mỹ. Một hiện tượng tương tự cũng diễn ra đối với dầu hoả đá phiến sét: thị trường Trung Quốc chiếm 20% sản lượng thế giới năm 2017: mặt hàng này đã biến mất khỏi các số liệu thống kê của Mỹ từ tháng 8 năm 2018.
Bị ảnh hưởng bởi các lệnh cấm vận từ ngày 23 tháng 3, nhập khẩu thép của Mỹ đang giảm mạnh. Thị phần thép nước ngoài tại thị trường Mỹ đã giảm từ 24 xuống còn 20%. Xuất khẩu thép của các nước châu Á giảm đáng kể (-18% đối với Trung Quốc và Đài Loan, -22% đối với Hàn Quốc và -14% đối với Nhật Bản). Ngược lại, Việt Nam chiếm thị phần với một mức tăng 28% trong xuất khẩu thép vào Hoa Kì.
Một dấu hiệu căng thẳng khác: giá cả. Các mặt hàng kim loại nhập khẩu vào Hoa Kỳ – sắt và thép – đã tăng lên 13% từ tháng 10 năm 2017 đến tháng 10 năm 2018. Ngành sản xuất ô tô, ngành tiêu thụ thép lớn nhất, bị trực tiếp ảnh hưởng: các hãng xe Ford và General Motors đã công bố những báo động về các dự báo lợi nhuận của họ, gắn một phần với sự gia tăng các chi phí này. Việc tăng thuế quan chỉ ảnh hưởng đến một số ít các mặt hàng tiêu dùng, với một ngoại lệ thấy rõ: giá máy giặt đã tăng 16% trong khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 5 năm 2018.
NHỮNG HIỆU ỨNG GIÁN TIẾP TĂNG DẦN
Ngoài tác động cơ học lên các luồng giao dịch trao đổi, các biện pháp trừng phạt thương mại có một loạt các tác động gián tiếp. Chúng ảnh hưởng đến niềm tin của các tác nhân kinh tế và ý chí đầu tư, tiêu thụ hoặc xuất khẩu. Dấu hiệu dễ thấy nhất của sự mất niềm tin này là tình hình của các thị trường chứng khoán. Các thị trường tài chính châu Á đang chịu ảnh hưởng lớn hơn mức trung bình toàn cầu năm 2018. Thị trường chứng khoán Thượng Hải đã đặc biệt bị ảnh hưởng, với một mức giảm 30% kể từ tháng 1 năm ngoái. Nhưng đó không phải là trường hợp duy nhất:
Diễn biến các thị trường chứng khoán của các nước mới nổi, năm 2018
Nguồn: Ngân hàng Thế giới, East Asia Outlook, tháng 10 năm 2018.
Trong khi sự tụt lùi của các thị trường chứng khoán Châu Á không thể được quy kết hoàn toàn cho tác động của các cuộc chiến tranh thương mại, thì chúng rõ ràng đóng một vai trò quan trọng.
SỰ NGHIÊM TRỌNG cỦA CÁC CĂNG THẲNG THƯƠNG MẠI CÓ THỂ PHẢI TRẢ MỘT CÁI GIÁ RẤT ĐẮT VÀO NĂM 2019
Nếu các căng thẳng thương mại phát triển theo thời gian và có xu hướng mở rộng, thì tác động kinh tế sẽ trở nên rất nhạy cảm. Rủi ro chính là sự cụ thể hóa, vào cuối năm, những lời đe dọa mới nhất của Mỹ đối với Trung Quốc: tăng thuế quan từ 10 đến 25% lên 200 tỷ US$ các sản phẩm Trung Quốc, và mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với toàn bộ các hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc.
Trong báo cáo mới nhất về các triển vọng của nền kinh tế toàn cầu, IMF đã cho vận hành các mô hình của mình dựa trên giả định là cuộc xung đột thương mại Trung-Mỹ sẽ trầm trọng thêm như trên. Kết quả của các mô phỏng này nói lên rằng: mức tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ giảm 0,8% vào năm 2020 (tức gần một phần tư tốc độ hiện tại), với một tác động đối với Hoa Kỳ là 0,9 điểm tăng trưởng và 1,7 điểm đối với Trung Quốc. Do cường độ của các chuỗi giá trị thương mại ở châu Á, toàn bộ khu vực sẽ bị ảnh hưởng. Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, Đài Loan sẽ là nền kinh tế bị ảnh hưởng nhiều nhất trong số các nước phát triển của châu Á (với một tác động gần với 2,5 điểm GDP), tiếp theo là Hàn Quốc và Singapore. Về phía ASEAN, Malaysia là nước bị ảnh hưởng nhiều nhất trước Philippines, Thái Lan và Việt Nam. Nhật Bản sẽ mất 0,5 điểm tăng trưởng GDP, tức gần một nửa mức tăng trưởng hiện tại của họ. Những phân tích này có khó khăn trong việc đánh giá một cách đúng đắn tác động của sự mất niềm tin của các tác nhân kinh tế, sự mất niềm tin có thể trở thành ngòi nổ của một cuộc khủng hoảng kinh tế thực sự.
Vì vậy, câu hỏi chính trong những tháng tới là liệu việc đả kích Trung Quốc [China bashing], thoạt nhìn mang tính tay đôi với Hoa Kỳ, có được dung hòa bởi mong muốn duy trì sức khỏe của nền kinh tế toàn cầu hay không. Cuộc họp giữa Tập Cận Bình và Trump được dự kiến tổ chức bên lề hội nghị thượng đỉnh nhóm G20 vào ngày 1 tháng 12 có thể là cơ hội phát đi những tín hiệu xoa dịu. Điều này không chắc. Hiện thời, sự tăng trưởng kinh tế của Mỹ được thổi phồng cực lớn bởi một sự kích thích ngân sách to lớn. Các thị trường tài chính Mỹ vẫn duy trì tốt định hướng cho đến gần đây. Còn đối với Donald Trump, ông tiếp tục suy nghĩ là dễ giành chiến thắng” trong cuộc chiến thương mại.
Giới thiệu tác giả
Hubert Testard

Hubert Testard là một chuyên gia về châu Á và các vấn đề kinh tế quốc tế. Ông từng là cố vấn kinh tế và tài chính trong 20 năm ở các đại sứ quán của Pháp tại Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và tại Singapore cho ASEAN. Ông cũng đã đồng thời tham gia vào việc soạn thảo các chính sách của châu Âu và đặc biệt là chính sách thương mại, cho dù đó là WTO hay các cuộc đàm phán với các nước châu Á. Hubert Testard đang giảng dạy, từ bốn năm nay, tại trường cao đẳng về các vấn đề quốc tế thuộc đại học Sciences Po về phân tích tương lai của châu Á. Ông đã tham gia biên soạn một cuốn sách về cuộc khủng hoảng châu Á (“Asie, les nouvelles règles du jeu [Châu Á, những luật chơi mới]”, nhà xuất bản Philippe Picquier) và đồng tác giả với Brigitte Dyan một cuốn sách có tựa đề “Quand la Chine investit en France [Khi Trung Quốc đầu tư vào nước Pháp]”, nhà xuất bản Agence Française pour les Investissements Internationaux. Ông tốt nghiệp đại học Ena và Sciences Po.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Guerre commerciale: le prix à payer pour l'Asie, Asialyst, 28/11/2018.
Print Friendly and PDF