6.1.19

Chủ nghĩa bảo hộ đối với những người tự do

CHỦ NGHĨA BẢO HỘ ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI TỰ DO
Khả năng của các công ty nhằm phân bổ việc làm trên toàn cầu làm thay đổi bản chất cuộc thảo luận về “lợi ích từ thương mại”. Trong thực tế, không còn những “lợi ích” được đảm bảo, ngay cả trong dài hạn, đối với những nước xuất khẩu công nghệ và việc làm.
LONDON – Sự ghê tởm của các nhà tự do đối với các chính sách dối trá và thô lỗ của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã biến thành một biện hộ cứng nhắc của sự toàn cầu hóa định hướng thị trường. Đối với người tự do, tự do thương mại hàng hóa và dịch vụ và tự do dịch chuyển tư bản và lao động gắn liền với chính sách tự do. Chủ nghĩa bảo hộ “Nước Mỹ trên hết” của Trump không thể tách rời khỏi chính sách bệnh hoạn của ông.
Nhưng đây là một quan niệm sai lầm nguy hiểm. Trong thực tế, không có điều gì có nhiều khả năng phá hủy chính sách tự do hơn sự thù địch cứng nhắc đối với bảo hộ thương mại. Sự bộc phát của phong trào “dân chủ không khoan nhượng” ở phương Tây, suy cho cùng, là kết quả trực tiếp của những tổn thất mà người lao động phương Tây phải gánh chịu (một cách tuyệt đối và tương đối) như là một hậu quả của việc không ngừng theo đuổi toàn cầu hóa.
Ý kiến ​​của người tự do về những vấn đề này dựa trên hai niềm tin phổ biến: tự do thương mại tốt cho tất cả các đối tác (để những nước nào đón nhận nó sẽ gặt hái những thành tựu tốt hơn những nước nào siết chặt nhập khẩu và hạn chế tiếp xúc với phần còn lại của thế giới), và rằng tự do thương mại hàng hóa và xuất khẩu tư bản là một phần của hiến pháp tự do. Những người tự do thường lờ đi những bằng chứng trí tuệ và lịch sử đáng ngờ đối với niềm tin thứ nhất và những thiệt hại đối với tính chính danh chính trị của chính phủ từ sự cam kết của họ đối với niềm tin thứ hai.
Adam Smith (1723-1790)
Các nước luôn giao dịch với nhau, bởi vì nguồn tài nguyên thiên nhiên không được phân bố đồng đều trên toàn thế giới. Adam Smith đặt ra câu hỏi, “Liệu điều đó có là một quy luật hợp lý không khi cấm nhập khẩu tất cả các loại rượu vang nước ngoài, đơn thuần chỉ để khuyến khích việc sản xuất rượu vang claret [vang đỏ] và rượu vang burgundy [vang đỏ tía] ở Scotland?” Trong lịch sử, lợi thế tuyệt đối - một quốc gia nhập khẩu những gì họ không thể tự sản xuất được, hoặc chỉ có thể sản xuất với chi phí quá cao - luôn là động lực chính của giao dịch thương mại.
Nhưng lập luận khoa học về tự do thương mại dựa nhiều vào học thuyết mang tính tinh tế, phản trực giác hơn của David Ricardo về lợi thế so sánh. Những nước nào không có mỏ than thì rõ ràng không thể sản xuất được than. Nhưng việc giả định một số sản phẩm bất lợi về mặt tự nhiên (như rượu vang ở Scotland) là điều khả thi, Ricardo đã chứng minh rằng tổng phúc lợi sẽ tăng lên nếu những nước bị bất lợi một cách tuyệt đối chuyên sản xuất ra những hàng hóa mà họ bị bất lợi ít nhất.
Lý thuyết lợi thế so sánh đã mở rộng phạm vi tiềm năng của thương mại có lợi. Nhưng nó cũng làm tăng khả năng sản xuất kém hiệu quả trong nước sẽ bị hủy hoại bởi hàng nhập khẩu. Sự mất mát này đối với nền sản xuất của một nước bị gạt sang một bên bởi giả định cho rằng tự do thương mại sẽ phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả hơn và sẽ làm tăng năng suất, và như thế sẽ thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế, “trong dài hạn.”
Nhưng đây không phải là toàn bộ câu chuyện. Ricardo cũng tin rằng đất đai, tư bản và lao động – những thứ mà các nhà kinh tế học gọi là “các nhân tố sản xuất” – mang tính nội tại đối với một quốc gia và không thể dịch chuyển cho toàn thế giới như hàng hóa thực tế. Ricardo đã viết, “Kinh nghiệm… cho thấy
“tình trạng mất an toàn, tưởng tượng hay thực tế, của tư bản, khi chủ sở hữu không còn trực tiếp kiểm soát được, cùng với tình trạng tự nhiên thiếu phấn khởi khi bất kì ai phải rời bỏ quê hương và họ hàng thân thuộc, để, cùng với tất cả những thói quen đã hình thành từ lâu, tự đặt mình dưới sự cai trị của một chính phủ xa lạ và những luật lệ mới, sẽ kìm hãm tư bản di cư. Những cảm xúc này, mà tôi nên lấy làm tiếc khi thấy chúng bị suy yếu, khiến hầu hết những người tư hữu phải bằng lòng với một mức lợi nhuận thấp ở đất nước mình, thay vì tìm cách làm cho của cải của mình sinh lời nhiều hơn ở nước ngoài.”
Rào cản thận trọng đối với xuất khẩu tư bản này giảm đi khi các điều kiện an toàn nổi lên ở nhiều nơi trên thế giới. Trong thời đại chúng ta, tình trạng di cư tư bản đã dẫn đến tình trạng di cư việc làm, khi việc chuyển giao công nghệ đã làm cho việc bố trí lại sản xuất trong nước ra nước ngoài trở nên khả thi – và như thế làm gia tăng khả năng mất việc làm.
Thomas Palley (1956-)
Nhà kinh tế học Thomas Palley thấy việc tái bố trí sản xuất ở nước ngoài như tính năng khác biệt của giai đoạn toàn cầu hóa hiện tại. Ông gọi đó là barge economics(“kinh tế học sà lan”). Các nhà máy được di dời giữa các nước để tận dụng lợi thế của chi phí thấp hơn. Một hạ tầng pháp lý và chính sách đã được xây dựng để hỗ trợ cho việc sản xuất ở nước ngoài, để rồi sau đó sản xuất này được nhập khẩu vào nước xuất khẩu tư bản. Palley nhìn thấy chính xác việc sản xuất ở nước ngoài như là một chính sách có tính toán của các tập đoàn đa quốc gia để làm suy yếu lao động trong nước và thúc đẩy lợi nhuận.
Khả năng của các công ty nhằm phân bổ việc làm trên toàn cầu làm thay đổi bản chất cuộc thảo luận về “lợi ích từ thương mại”. Trong thực tế, không còn những “lợi ích” được đảm bảo, ngay cả trong dài hạn, cho những nước xuất khẩu công nghệ và việc làm.
Paul Samuelson (1915-2009)
Vào cuối đời mình, Paul Samuelson, nhà kinh tế học lão thành của các nhà kinh tế học Mỹ và là đồng tác giả của định lý thương mại nổi tiếng Stolper-Samuelson, thừa nhận rằng nếu những quốc gia như Trung Quốc kết hợp công nghệ phương Tây với chi phí lao động thấp hơn, thì việc giao dịch thương mại với họ sẽ làm sụt giảm tiền lương ở phương Tây. Đúng vậy, các công dân phương Tây sẽ có hàng hóa rẻ hơn, nhưng khả năng mua hàng tạp hóa rẻ hơn 20% tại Wal-Mart không nhất thiết bù đắp các khoản giảm về tiền lương. Không có “hủ vàng” được đảm bảo ở cuối đường hầm của tự do thương mại. Samuelson thậm chí còn tự hỏi liệu “một chút không hiệu quả” có đáng để trả giá cho việc bảo hộ những thứ “đáng để trả giá” không.
Năm 2016, báo The Economist đã thừa nhận rằng “chi phí và lợi ích ngắn hạn” từ toàn cầu hóa mang tính “cân bằng hơn so với giả định trong các sách giáo khoa.” Từ năm 1991 đến năm 2013, thị phần trong xuất khẩu toàn cầu hàng chế biến của Trung Quốc đã tăng từ 2,3% lên 18,8%. Một số hạng mục sản xuất hàng chế biến của Mỹ đã bị xóa sổ. Các tác giả đã khẳng định rằng Hoa Kỳ “không sớm thì muộn” sẽ thu lợi. Nhưng lợi ích có thể mất hàng “thập kỷ” để được thực hiện, và sẽ không được chia sẻ như nhau.
Ngay cả các nhà kinh tế học thừa nhận rằng những tổn thất đi kèm với toàn cầu hóa cũng loại bỏ chủ nghĩa bảo hộ như là một câu trả lời. Nhưng giải pháp thay thế của họ là gì? Các biện pháp được ưu tiên là làm chậm sự toàn cầu hóa bằng một cách nào đó, tạo ra thời gian để nguồn lao động học tập lại kỹ năng hoặc chuyển sang các hoạt động hiệu quả hơn. Nhưng đây là chỉ là biện pháp an ủi chút ít những ai bị mắc kẹt trong những vùng thuộc vành đai rỉ sét hoặc trong những việc làm có năng suất thấp, được trả lương thấp.
Những người tự do chắc chắn sẽ thực hiện quyền của mình để công kích các chính sách của Trump. Nhưng họ nên kiềm chế phê phán chủ nghĩa bảo hộ của Trump cho đến khi có một cái gì đó tốt hơn để đề nghị.
Robert Skidelsky (1939-)
Robert Skidelsky
Robert Skidelsky, giáo sư danh dự về hưu về kinh tế chính trị tại Đại học Warwick và viện sĩ Viện Hàn lâm Anh quốc về lịch sử và kinh tế, là thành viên của Viện Quý tộc Anh [hay Thượng Nghị viện Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland – ND]. Ông là tác giả của cuốn tiểu sử dài 3 tập về John Maynard Keynes. Ông bắt đầu sự nghiệp chính trị với Công Đảng, trở thành phát ngôn viên của Đảng Bảo thủ về những vấn đề liên quan đến ngân khố tại Viện Quý tộc, và cuối cùng đã bị ép rời khỏi Đảng Bảo thủ vì đã phản đối sự can thiệp của NATO tại Kosovo vào năm 1999.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Protectionism for Liberals, Project Syndicate, 14-08-2018.
Print Friendly and PDF