20.1.19

"Kinh tế học liên đới không phải là một nghịch dụ"


“KINH TẾ HỌC LIÊN ĐỚI KHÔNG PHẢI LÀ MỘT NGHỊCH DỤ”
Bài phỏng vấn GAËL GIRAUD do PASCAL RICHE thực hiện
Tiền galais, một đồng tiền địa phương được chỉ số hóa theo giờ, cho phép việc thanh toán mua hàng với một mạng lưới các thương nhân và nhà cung cấp dịch vụ của vùng Ploërmel (Morbihan)
Đối với nhà kinh tế học không tuân phục Gaël Giraud, thật sai lầm khi giới thiệu lợi ích ích kỷ như là động cơ tự nhiên của nền kinh tế. một cách khác khả thi hơn, nếu chúng ta ủng hộ các nguồn lực chung.
Xe đạp tự phục vụ (ở đây là xe đạp Vélib ở Paris), một mô hình mà trong đó sự chia sẻ thay thế cho sự sở hữu. (A. Gelebart/20 MINUTES/SIPA)
Kinh tế là một thế giới cạnh tranh, trong đó người ta cố gắng tối đa hóa lợi nhuận bằng cách gây áp lực lên người khác (người làm công hưởng lương, nhà cung cấp…). Một số người mơ tưởng đến một kinh tế học nhân từ, nhưng đó gần như là một nghịch dụ.


Người ta xem đó là một nghịch dụ – thật là sai lầm – đặc biệt bởi vì sự diễn giải lệch lạc một đoạn văn nổi tiếng từ cuốn “Của cải của các dân tộc” của Adam Smith: “Ta không mong có được buổi ăn tối của mình từ sự nhân từ của người bán thịt, của người bán rượu bia hoặc của người thợ làm bánh mà từ mối quan tâm của họ đối với lợi ích riêng của bản thân. Chúng ta không trông chờ vào tính thương người của họ, mà vào tính ích kỷ của họ.” Chủ đề nổi tiếng của “bàn tay vô hình”: khi đi tìm lợi ích cá nhân, con người sẽ vô tình phục vụ lợi ích của mọi người.
Đoạn văn trên là đối tượng của một phản nghĩa nghiêm trọng. Trong chương có đoạn văn trên, Smith nhận định rằng một xã hội chỉ duy nhất dựa trên thị trường sẽ không hoạt động hiệu quả. Và cần phải có các dịch vụ xã hội, các dịch vụ công cộng. Mặt khác, là một nhà luân lý học người Scotland, ông đã viết một cuốn sách khác, “The Theory of Moral Sentiments [Lý thuyết về những tình cảm đạo đức]”, trong đó ông triển khai một nhân học về sự đồng cảm. Theo đó, thế giới không phải được cấu thành bởi những con người kinh tế [Homines economici] ích kỷ và mù quáng, mà bởi những con người lao động bị sự đồng cảm và ghen tuông chi phối. Cầu viện đến các quan hệ thị trường là không đáng kể. Theo Smith, thị trường bị “lồng kết” (để sử dụng lại thuật ngữ của Karl Polanyi) trong các kết cấu xã hội được thẩm tra bởi đam mê và đức hạnh.
Immanuel Kant (1724 - 1824)

Một dòng tư tưởng khác, truyền thống công lợi, theo đó bất kỳ hành động nào cũng nhằm mục đích tối đa hóa sự phúc lợi, cũng đã bị hiểu sai. Tuy nhiên, trong cuốn Utilitarianism [Chủ nghĩa công lợi], John Stuart Mill lấy “quy tắc vàng của Phúc âm” – “những gì bạn muốn người khác làm cho mình, thì hãy làm cho họ” – làm hòn đá thử vàng của kinh tế học. Quy tắc đã được Paul Ricoeur và nhà thần học Christoph Theobald diễn giải lại một cách tài tình như là thứ làm cơ sở cho mệnh lệnh nhất quyết của Kant: “Hãy hành động trong mọi chuyện sao cho châm ngôn hành động của mình có thể được nâng thành quy luật phổ quát.” Đây là sự phủ định việc theo đuổi một cách mù quáng lợi ích riêng tư của mình.
Sau đó, có thực tế…
Trong thực tế, con người rất hiếm khi làm theo con người kinh tế [Homo economicus] ích kỷ. Chúng ta hành động thường xuyên nhất với lòng vị tha, và điều này đã được chứng minh bằng nhiều thí nghiệm thực nghiệm.
John Roemer (1945-)
Một loạt các công trình của John Roemer, thuộc Đại học Yale, đã làm nổi bật tầm quan trọng của điều được gọi là “cân bằng Kant”. Theo phân tích tân cổ điển, con người kinh tế [Homo economicus] sẽ đi chệch khỏi hướng bất kỳ chiến lược nào mà mình đã được thiết lập, nếu sự chệch hướng đơn phương này có lợi cho bản thân. Ngược lại, Roemer chỉ ra rằng cá nhân sẽ tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu họ chệch hướng chiến lược của mình và rằng mọi người sẽ làm giống như họ. Ví dụ: trong một chuyến tàu sắt với bầu không khí im lặng, nếu một hành khách muốn gọi điện thoại, thì người ấy sẽ cố gắng đi ra bậc thềm giữa hai toa xe; họ biết rằng nếu mọi người đều nói to tiếng, thì không ai sẽ nghe được điều gì nữa. Một ví dụ khác: bạn đi xem một buổi diễn kịch nhưng không thấy rõ các diễn viên; bạn có thể đứng lên (và mặc kệ người khác!) nhưng nếu mọi người cũng làm như vậy, thì chúng ta sẽ quay trở lại tình trạng khó chịu ban đầu; vì thế nên ngồi yên tại chỗ. Tránh gây ô nhiễm, phân loại rác thải, giảm thiểu dấu chân sinh thái, tất cả những điều nói trên có cùng một suy luận... bởi vì nếu mọi người đều gây ô nhiễm, thì mọi người đều thua thiệt. Roemer gọi đó là “cân bằng Kant”, để tôn vinh mệnh lệnh nhất quyết mà tôi đã đề cập. Đó không phải là lòng vị tha hiện sinh: đó là lợi ích mà mọi người đều hiểu rõ để làm như vậy.
Nói một cách cụ thể, làm thế nào để khuyến khích những hành vi “theo kiểu Kant” này?
Bằng cách ưu tiên cho các “nguồn lực chung”, ví dụ. Nhà nữ chính trị học Elinor Ostrom, người nhận giải thưởng Nobel Kinh tế năm 2009, đã chỉ ra rằng các cộng đồng địa phương có thể quản lý thành công những nguồn lực chung như vậy: một ao cá, một ngân hàng hạt giống, một dòng sông, một hệ thống tưới tiêu... Và ngày nay người ta có thể bổ sung thêm: các phần mềm miễn phí, một “fablab” (phòng thí nghiệm chung), hoặc mạng lưới DNDI (Drugs for Neglected Deseases Initiative [Sáng kiến cho các bệnh bị coi thường]) phân phát những loại thuốc chữa bệnh mà ngành dược phẩm không chú ý đến... Còn phân tích tân cổ điển không thể hiểu được bằng cách nào các nguồn lực chung đó phát triển tốt được. Bởi vì nếu theo đuổi lợi ích một cách mù quáng, bạn không hề có hứng thú tham gia thực sự vào một “nguồn lực chung”: Bạn sẽ luôn đóng vai trò “người ăn không”. Thử lấy ví dụ của một ao hồ, bạn thích câu được càng nhiều cá càng tốt và quơ quét hết, mà không hề lo lắng về tình trạng khan hiếm cá. Đó là điều mà giới tinh hoa của rất nhiều nước đã làm đối với hầu hết các nguồn lực khan hiếm. Các công trình của Roemer đề xuất một giải pháp thay thế – không hề có điều gì đó khó tin cả – cho nhân học phi lí của kinh tế học tân cổ điển. Còn “bàn tay vô hình” nổi tiếng đã không giúp giải quyết bất kỳ vấn đề đương đại lớn nào: nạn xói mòn kịch tính của hệ đa dạng sinh học, khí hậu nóng lên toàn cầu, tình trạng khan hiếm của một số khoáng sản...
Hệ thống kinh tế, như hiện tại, có vẻ như không có nhiều chỗ lắm cho cân bằng Kant. Mối quan hệ giữa các tác nhân đang trở nên ngày càng hà khắc hơn, cạnh tranh hơn. Tình trạng bất bình đẳng đang gia tăng...
... và chỉ có một thiểu số nhỏ tư lợi hưởng lợi từ diễn tiến này. Trong thực tế, có một dự án chính trị đằng sau đó. Trong bốn mươi năm qua, một chương trình tư nhân hoá xã hội chúng ta đang được triển khai. Đây là điều được gọi là làn sóng “tân tự do”, vả lại điều đó là sai: làn sóng tân tự do này không liên quan gì đến truyền thống tự do của thời kỳ Khai sáng. Đúng hơn là nên gọi đó là làn sóng “hậu tự do”, bởi vì nó toan tính chinh phục ngay cả luật pháp (công cụ phòng thủ chống lại chế độ chuyên chế) để đặt nó dưới sự chi phối của một lôgic kinh tế phi lí. Theo hoang tưởng quản lý này, đang thuộc địa hóa đầu óc chúng ta, thì mọi thứ nên được tư nhân hóa và có khả năng sinh lợi. Tất cả các dịch vụ giữa con người với nhau nên được đánh thuế (sẽ thổi phồng GDP một cách đáng kể!). Việc làm không nên được coi là một hoạt động được xã hội hóa, mà là một thứ hàng hóa tư nhân, được giao dịch trên thị trường, với một mức cung và một mức cầu. Ngay cả con người cũng không miễn trừ khỏi sự “tư nhân hóa” này: mỗi người là “chủ sở hữu” của bản thân mình... Ví dụ, chúng ta nói đến “vốn con người”, “thương hiệu cá nhân”. Và chúng ta nghe các nhà kinh tế học giải thích rằng đó là điều bình thường, rằng cuộc sống của một người có một mức giá trong một thị trường, tùy thuộc vào sự đầu cơ tài chính vào những tài sản phát sinh từ các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ! Cuối cùng, các nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng bị “tư nhân hóa”, trong khi, như cuộc khủng hoảng sinh thái cho thấy, bằng cách tư nhân hóa các nguồn tài nguyên thiên nhiên, chúng ta đang phá hủy hành tinh một cách máy móc.
Liệu những động lực thúc đẩy sự thỏa mãn lợi ích cá nhân có 'tự nhiên’ hơn không, so với những động lực thúc đẩy tinh thần hợp tác, lòng vị tha?
Tôi thấy điều ngược lại mỗi ngày. Liệu các mối quan hệ trìu mến sơ đẳng giữa người mẹ và đứa con của mình có thuộc phạm vi khai thác để trục lợi không? Con người luôn đi tìm sự hợp tác một cách tự phát. Điều không may là chúng ta đã xây dựng những định chế (quyền tư hữu như là một quyền tuyệt đối, các thị trường tài chính phi điều tiết, khoản nợ cá nhân đối với mọi người... ), liên kết con người chống lại với nhau. “Điều tự nhiên” là các công dân Hy Lạp không hề thù hằn gì người Đức, và ngược lại; nhưng các mối quan hệ của họ ngày nay thường mang tính thù địch, vì sự hoạt động không hiệu quả của khu vực đồng euro, một cỗ máy tạo ra sự oán giận.
Liệu kiến tạo này – chủ nghĩa tư bản của ngày nay – có thể được cải cách để khuyến khích hành vi vị tha không? Hay là nên đả phá nó?
Điều hiển nhiên là có cách để tạo lập những định chế làm cho sự đoàn kết trở nên khả thi. Đó là tất cả những gì được phát minh xung quanh các nguồn lực chung. Thử lấy hệ thống xe đạp thuê tự do Vélib’ [ghép từ hai chữ vélo và liberté, trong tiếng Pháp có nghĩa xe đạp và tự do – ND]: khi hệ thống được giới thiệu ở Paris vào năm 2007, có 30% số xe đạp đã bị người sử dụng phá hỏng. Ngày nay tỷ lệ này thấp hơn nhiều: người Paris đã học được cách tôn trọng tài sản mà họ không phải là chủ sở hữu. Người ta đã tạo ra một nghi thức theo đó mọi người sẽ tự kiềm chế không làm giảm giá trị của sản phẩm này.
Và nếu một chiếc xe đạp bị hư, thì người ta lật ngược yên xe để báo hiệu cho người khác!
Chính xác. Không ai bắt buộc chúng ta làm điều đó: trong thực tế mọi người đang thực hiện mệnh lệnh Kant (ngay cả khi chưa bao giờ đọc cuốn Métaphysique des mœurs [Siêu hình học về luân thường]). Một quá trình giáo dục đã diễn ra, và thái độ thích hợp nhất để vận hành đúng đắn các nguồn lực chung là điều bắt buộc.
Thomas Hobbes (1588-1679)

Con người không phải là một con sói đối với con người: chúng ta cần phải thoát khỏi hoang tưởng tự hủy diệt theo kiểu của Hobbes [Thomas Hobbes là nhà triết học người Anh, với ý tưởng cho rằng con người cạnh tranh và đấu tranh vì lợi ích của bản thân, theo cách tự nhiên – ND] này. Nhưng để các nguồn lực chung phát triển, giáo dục đóng vai trò chính. Ví dụ, chúng ta nhận thấy sinh viên ngành kinh tế có hành vi hào phóng – giống như mọi người khác – trong năm học thứ nhất, và trở nên rất ích kỷ trong năm học thứ tư hoặc thứ năm. Khi mải miết học rằng các “tác nhân kinh tế” là những người độc ác, họ trở thành những con người như vậy.
Liệu sự thay đổi hành vi này có được nhận thấy ở các sinh viên khác không, những sinh viên của ngành mỹ thuật, chẳng hạn?
Không, hoàm toàn không có hiện tượng này trong ngành mỹ thuật! (Cười).
Ngoài giáo dục, cần phải thành lập những định chế dự trù có sự tự do ngôn luận, cho phép thảo luận những quy tắc chung. Huyễn tưởng của kinh tế học tân cổ điển là tìm cách thay thế không gian công cộng của cuộc thảo luận bằng một tương quan lực lượng đơn thuần của thị trường, với giá cả là phương tiện thông tin duy nhất. Thế nhưng giá cả không lên tiếng. Và lý tưởng của nền dân chủ là một không gian công cộng, nơi mà người ta tranh luận về các lập luận.
Liệu việc đánh thuế có thể khuyến khích một xã hội vị tha hơn không? Tôi nghĩ đến việc phân phối lại, nhưng cũng nghĩ đến việc đánh thuế đối với các sản phẩm gây ô nhiễm, v.v..
Tất nhiên rồi! Nhưng than ôi, chúng ta làm điều ngược lại: chúng ta giảm thuế trên thu nhập của tư bản, giảm thuế trên của cải, chúng ta trợ cấp cho các năng lượng các-bon hữu cơ hóa thạch, chúng ta không đánh thuế máy móc cũng như các tài nguyên thiên nhiên...
Các công trình của bà về quản lý các nguồn lực chung ở địa phương đã giúp Elinor Ostrom nhận được giải thưởng Nobel Kinh tế năm 2009.
Thay vào đó, chúng ta đánh thuế lao động, chúng ta duy trì một thuế suất quá thấp cho việc đánh thuế carbon, và chúng ta đi tìm một ngân sách cân bằng bất khả cho mọi thứ cùng một lúc. Nhân tiện, điều này làm cho Nhà nước bị tước bỏ các phương tiện ngân sách để xây dựng một mô hình xã hội khác với mô hình trong đó mọi thứ đều bị tư nhân hoá. Và chúng ta có nguy cơ bị những người hưởng lợi từ việc tư nhân hoá rộng rãi nắm lấy quyền lực công cộng, trong khi họ chỉ là một thành phần rất nhỏ. Thử xem cách thức mà Hy Lạp đã được tư nhân hóa một cách dã man: họ đã bán đi một phần thành phố cảng Piraeus, một hòn đảo, tất cả các sân bay... Và điều này được tiến hành nhân danh việc phải giới hạn nợ công mà các ngân hàng của chúng ta đã góp phần thổi phồng lên và mọi người đều biết, kể từ năm 2010, là khoản nợ này không bao giờ hoàn trả được.
Làm thế nào để khôi phục những biên độ thao tác của ngân sách của các nước?
Đặc biệt là điều này sẽ được thực hiện bằng cuộc chiến chống thất thoát thuế (có một phần hợp pháp), điều mà các công ty đa quốc gia rất ham thích. Và bằng việc điều tiết các thị trường tài chính, để cho các thị trường đó trở lại với vai trò mà chúng đã từng giữ trước những năm 1980 và đáng lí ra phải tiếp tục đảm nhận vai trò ấy: một công cụ khiêm tốn và phụ trợ trong việc cung cấp tài chính cho các doanh nghiệp. Các thị trường tài chính phi điều tiết hoạt động không hiệu quả một cách sâu sắc, ngay cả phân tích tân cổ điển cũng phải thừa nhận, và cùng với bất động sản tạo thành nguồn gia tăng chính của tình trạng bất bình đẳng. Cần phải cấm việc giao dịch (chứng khoán) tần suất cao, không có ý nghĩa gì cả, thiết lập sắc thuế Tobin để hạn chế nạn đầu cơ, điều tiết các tài sản phái sinh, tách các ngân hàng thương mại khỏi các ngân hàng tín dụng và tiền gửi để buộc các ngân hàng thương mại phải chịu những rủi ro mà họ phải gánh thay vì phải xã hội hóa các tổn thất sau mỗi vụ sụp đổ... Cuối cùng, cần phải khuyến khích [sử dụng] các đồng tiền bổ sung. Các loại tiền tệ này là các “nguồn lực chung”, những thứ có thể giúp làm sống lại mạng lưới kinh tế địa phương, như đã thấy ở Hy Lạp hoặc Sardaigne. Để phát triển [các loại tiền tệ bổ sung] trong dài hạn, các đơn vị hành chính địa phương cần chi trả một phần lương của công chức bằng đồng tiền địa phương, và cho phép người nộp thuế có thể trả một phần thuế của họ bằng loại tiền đó.
Gaël Giraud (1970-)

Gaël Giraud, kinh tế gia trưởng của Cơ quan Phát triển Pháp, tiến sĩ toán học và giám đốc nghiên cứu tại CNRS, cũng là linh mục dòng Tên. Đặc biệt ông đã viết cuốn “Illusion financière [Ảo giác tài chính]” (Éditions de l'Atelier, 2013).
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF