19.6.19

Việt Nam: bi kịch Con lai Đại Hàn, những đứa trẻ được sinh ra từ các vụ hãm hiếp trong chiến tranh


VIỆT NAM: BI KỊCH CON LAI ĐẠI HÀN, NHỮNG ĐỨA TRẺ ĐƯỢC SINH RA TỪ CÁC VỤ HÃM HIẾP TRONG CHIẾN TRANH
Hàng ngàn phụ nữ Việt Nam đã bị binh lính Hàn Quốc hãm hiếp trong Chiến tranh Việt Nam. (Nguồn: Vietnamvoices)
Con lai Đại Hàn, đó là những đứa trẻ được sinh ra từ các vụ hãm hiếp, tập thể, những phụ nữ và con gái Việt Nam do binh lính Hàn Quốc gây ra trong chiến tranh Việt Nam. Trong diễn đàn này, Jean Lévy, cựu cố vấn ngoại giao của François Mitterand và cựu đại sứ Pháp tại Cuba, kêu gọi Seoul mở một cuộc điều tra và cảm hóa và lưu ý cộng đồng quốc tế về thảm kịch không được biết đến này. Cuộc chiến chống bạo lực tình dục trong các cuộc xung đột vũ trang không thể bỏ qua những đứa trẻ được thụ thai trong các vụ hãm hiếp này. Thế nhưng, họ thường bị gạt ra ngoài lề trong chính xã hội của họ và những trường hợp của họ bị bỏ qua. Chỉ có sự thừa nhận các thảm kịch này bởi những quốc gia chịu trách nhiệm mới giúp đặt ra những nền tảng cho một nền hòa bình bền vững.
Sau “hành trình mang tính tưởng niệm” của Tổng thống nước Cộng hòa [Pháp], kỷ niệm ngày kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, và trong khi các phong trào #metoo và #balancetonporc không ngừng xuất hiện dồn dập trên các mạng xã hội, thì chủ đề [Con lai Đại Hàn], theo một cách nào đó, là nơi giao nhau giữa hai hình thái bi kịch – chiến tranh và bạo lực đối với phụ nữ: các vụ hãm hiếp như là một vũ khí chiến tranh. Một vấn đề bị che giấu một cách phổ biến, bởi vì đó là một điều cấm kỵ một cách phổ biến.
Denis Mukwege (1955-)
Nadia Murad (1993-)
Thế nhưng thường xuyên người ta vén lên một góc màn về những tội ác tàn bạo này, mà ngày hôm qua cũng như ngày hôm nay, làm bầm dập thân xác và nhận chìm cả gia đình vào một cuộc sống khốn khổ, bị loại trừ và bị bỏ rơi. Từ nay, người ta biết được những cuộc tra tấn khủng khiếp mà phụ nữ Syria phải chịu đựng trong các nhà tù của Bashar al-Assad hay các vụ hãm hiếp nam giới ở Libya trong cuộc nội chiến. Người ta chỉ có thể hoan hỉ khi thấy Denis Mukwege và Nadia Murad được trao giải thưởng Nobel Hòa bình năm 2018 vì những nỗ lực của họ nhằm chấm dứt việc sử dụng bạo lực tình dục như một vũ khí chiến tranh, ở hai châu lục khác nhau.
NHỮNG ĐỨA TRẺ ĐƯỢC SINH RA tỪ CÁC VỤ hãm hiẾp trong chiẾn tranh, NHỮNG NẠN NHÂN KÉP
Chúng ta đang nói về những người phụ nữ bị bắt giam, bị tra tấn, bị hãm hiếp không ngừng bởi những kẻ tra tấn họ. Và chúng ta phải tiếp tục nói lên điều đó, không ngừng nghỉ. Than ôi, chúng ta lại ít nói về những đứa trẻ được sinh ra từ các vụ giao phối dã man này. Chúng cũng là những nạn nhân của chiến tranh, và không thể bỏ qua bất kì vết thương nào, hữu hình hay bị ẩn giấu, nếu còn muốn khép lại vết thương này vào một ngày nào đó. Châu Âu không cần phải lên mặt dạy đời, nhưng đừng để người ta nghĩ rằng sự tôn trọng các quyền của con người là một tiêu chuẩn kép, những đứa trẻ đó cũng đáng được đòi lại công lý.
Chính vì các lý do trên mà vấn đề, và số phận bi thảm, của các Con lai Đại Hàn phải là yếu tố khám phá để giải quyết vấn đề này. Con lai Đại Hàn, đó là những đứa trẻ được sinh ra từ các vụ hãm hiếp, tập thể, những phụ nữ và con gái Việt Nam do binh lính Hàn Quốc gây ra trong chiến tranh Việt Nam. Sự thật này ít được biết đến, kể cả những người thuộc thế hệ của tôi, nhưng đã có khoảng 320.000 binh sĩ của Quân đội Seoul đã sát cánh cùng binh lính Mỹ trong cuộc xung đột đẫm máu này.
Giống như nhiều người khác trong hoàn cảnh tương tự, những người lính Hàn Quốc này đã tham gia “bóc lột tình dục” phụ nữ Việt Nam. Từ những “cuộc truy hoan dã man” này đã sản sinh ra hàng ngàn đứa trẻ, bị ruồng bỏ một cách bi thảm, mà ngày nay con số chính xác của chúng không hề được chứng thực: bằng chứng của sự dửng dưng ở chính đất nước của chúng, trên thực tế người ta nói có từ 5.000 đến 30.000 trẻ em được sinh ra có cha là người Hàn Quốc, giờ đây đã trưởng thành. Chúng đã trở thành người lớn, nhưng giống như mẹ của chúng, là nạn nhân của sự tẩy chay, sự loại trừ kinh tế và xã hội, sự gạt ra ngoài lề xã hội.
Đối với những đứa trẻ “máu-lai” này – đó là ý nghĩa, với một nghĩa mở rộng, nhấn mạnh đến sự bêu riếu, của cụm từ Con lai Đại Hàn –, đó là một bản án kép, chung thân suốt đời. Bị những kẻ thua cuộc trong cuộc chiến ruồng bỏ, bị những người chiến thắng coi thường, sự phân biệt đối xử và loại trừ, số phận thường nhật của chúng, càng trở nên bi đát hơn trong bối cảnh xã hội chịu ảnh hưởng mạnh của triết lý Nho giáo, theo đó sự trinh trắng của phụ nữ phải được bảo vệ bằng mọi giá. Ở một đất nước mà quan hệ tình dục ngoài hôn nhân bị cấm và ở một lục địa mà sự pha trộn “chủng tộc” dẫn đến, trên thực tế, sự loại trừ của xã ​​hội, thì những đàn ông và phụ nữ này trôi giạt như những bóng ma trên chính đất nước của mình.
HÀN QUỐC PHẢI LÀM BỔN PHẬN GHI NHỚ CỦA MÌNH
Hàn Quốc càng không xem xét vấn đề Con lai Đại Hàn. Seoul đã luôn từ chối thừa nhận trách nhiệm của mình, chứ chưa nói đến việc nói lời xin lỗi chính thức đến 8.000 phụ nữ Việt Nam còn sống, những chứng nhân của các vụ hãm hiếp mà họ đã phải chịu đựng. Vì vậy, Hàn Quốc phải chủ động đảm nhận hoàn toàn trách nhiệm lịch sử của mình. Seoul sẽ phải nghĩ đến việc tổ chức các cuộc đàm phán với Hà Nội để cùng nhau nỗ lực cải thiện tình hình vật chất, pháp lý và “ghi nhớ” những Con lai Đại Hàn đang sinh sống ở Việt Nam.
Để tiếp tục bước tiến kinh tế nổi bật của mình, vị thế của Hàn Quốc sẽ được nâng cao bằng cách nhanh chóng tiến hành một cuộc điều tra quốc tế về vấn đề thảm thương này, và đề xuất dành toàn bộ hay một phần ngày (19 tháng 6) hàng năm sắp tới của Liên Hiệp Quốc cho việc “xóa bỏ bạo lực tình dục trong thời kỳ xung đột” để kêu gọi sự chú ý của dư luận quốc tế đối với tình cảnh thảm thương này, vốn từ quá lâu không được biết đến.
Jean Lévy
Trên thực tế, một nền hòa bình lâu dài không thể neo vào những điều-không-nói-ra, vào sự thờ ơ hay sự dễ dãi đối với các tội ác chiến tranh trong quá khứ. Những trường hợp Con lai Đại Hàn và sự thừa nhận của Hàn Quốc phải là yếu tố kích hoạt cộng đồng quốc tế về vấn đề nhạy cảm liên quan đến những đứa trẻ được sinh ra từ các vụ hiếp dâm trong chiến tranh.
Giới thiệu tác giả
Cựu sinh viên trường ENA [École nationale d'administration, Trường Quốc gia Hành chính Pháp], nhà ngoại giao, Jean Lévy từng là Phó Cố vấn về các vấn đề ngoại giao cho [tổng thống] François Mitterrand. Cựu Đại sứ Pháp, ông gia nhập khu vực tư nhân từ năm 2005 đến 2013, trước khi được Laurent Fabius gọi lại để đảm nhận chức vụ Đại sứ Thể thao tại Quai d'Orsay [Bộ ngoai giao nước Pháp].
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF