27.6.19

Lý thuyết Tiến hóa của Hayek bác bỏ Quan điểm Chính trị của chính ông như thế nào


LÝ THUYẾT TIẾN HÓA CỦA HAYEK BÁC BỎ QUAN ĐIỂM CHÍNH TRỊ CỦA CHÍNH ÔNG NHƯ THẾ NÀO

Ông đang tranh luận với Stalin đấy, chứ không phải với Na Uy đâu.

Bài phỏng vấn Sam Bowles của David Sloan Wilson
Với vai trò là một người theo thuyết tiến hóa phê phán lĩnh vực kinh tế học, tôi từng cảm thấy mình giống như một người ngoài ngành mãi cho đến khi tôi bắt gặp công trình của Friedrich Hayek. Chính nhà kinh tế người Áo này đã phê phán lý thuyết cân bằng chung của Walras và đề xuất một lý thuyết thay thế triệt để: các hệ thống kinh tế là một hình thức trí tuệ phân tán vốn được tiến hóa thông qua quá trình chọn lọc nhóm văn hóa. Chúng vận hành mà không cần bất kì ai thiết kế.
Đó là lĩnh vực chuyên môn của tôi. Tôi đã phải ngưỡng mộ Hayek như một người tiên phong, đặc biệt vì quá trình chọn lọc nhóm là một niềm tin đi ngược với số đông và vì nghiên cứu về quá trình tiến hóa về mặt văn hóa của con người mới manh nha khi ông bắt đầu viết sách. Tuy nhiên, cả hai chủ đề này đều đã phát triển vượt bậc từ đó và không ủng hộ quan điểm của chính ông về việc các hệ thống kinh tế hoạt động tốt nhất khi không có bất cứ sự điều tiết nào. Thay vào đó, lý thuyết chọn lọc nhóm văn hóa đề xuất một con đường trung gian giữa tự do kinh tế và kế hoạch hóa tập trung có nhiều triển vọng.
Alan Kirman (1939-)
Rajiv Sethi
Gần đây hơn, ba nhà kinh tế xuất sắc — đó là Samuel Bowles, Alan Kirman, và Rajiv Sethi đã đưa ra đánh giá của riêng họ trong một bài báo nhìn lại [các công trình nghiên cứu của Hayek] có tiêu đề Friedrich Hayek and the Market Algorithm [Friedrich Hayek và Thuật toán Thị Trường] được công bố trên tờ Journal of Economic Perspectives [Tạp chí các Quan điểm Kinh tế học]. (Và bài viết của họ trên trang Vox The Market Algorithm and the Scope of Government: Reflections on Hayek [Thuật toán Thị trường và Phạm vi của Chính phủ: Những Suy ngẫm về Hayek]) Nhiều người đọc công trình của họ với các công trình thuộc ngành khoa học tiến hóa của tôi bên cạnh các thành tựu nghiên cứu kinh tế của họ. Gần đây, Sam đã xuất bản cuốn The Moral Economy: Why good incentives are no substitute for good citizens [Nền kinh tế Luân lý: Tại sao những khuyến khích tốt không thể thay thế cho những công dân tốt], và dựa vào đó ông ấy đã viết một bài cho trang Evonomics. Với vai trò là một thành viên của dự án CORE (Nguồn tài liệu giảng dạy mở cho Kinh tế học – Curriculum Open-Access Resources for Economics), ông cũng là đồng tác giả của bài giảng trực tuyến miễn phí mới về nhập môn kinh tế học trên trang www.core-econ.org.
Tôi coi Sam là một trong những người hướng dẫn của mình và tự hào đã hợp tác với Alan biên tập một ấn phẩm của MIT Press (Nhà xuất bản Viện Công nghệ Massachusetts) có tiêu đề Complexity and Evolution: Toward a New Synthesis for Economics [Phức hợp và Tiến hóa: Hướng tới một Hợp đề Mới cho Kinh tế học], bắt nguồn từ một cuộc hội nghị mà chúng tôi đã hỗ trợ tổ chức dưới sự bảo trợ của Diễn đàn Ernst Strungmann của Đức, và Rajiv đã tham dự chương trình này. Tôi đã phỏng vấn Alan về khái niệm tự do kinh tế vào năm 2014, trong đó có thảo luận về Hayek. Công trình mà cả hai là đồng tác giả, cùng với một bài xã luận (op ed) gần đây của Sam, đã đem đến một cơ hội vàng để tôi có cuộc trao đổi với ông.
David Sloan Wilson (1949-)
Sam Bowles (1939-)
DSW: Chào Sam! Tôi mong chờ cuộc trao đổi này mãi. Theo anh, đóng góp tích cực nhất của Hayek cho lĩnh vực kinh tế học là gì?
SB: Đợi đã! David, trước khi chúng ta bắt đầu: làm thế nào mà tôi có thể trở thành người hướng dẫn của anh được chứ? Tôi đã học từ anh rằng quá trình chọn lọc nhóm nên được giải thoát ra khỏi tình huống khó khăn, khi anh còn là một tiếng nói đơn độc chống lại tư tưởng chính thống về sinh học vào thời điểm đó.
Nhưng để trả lời câu hỏi của anh, tôi sẽ tập trung vào cách trình bày của Hayek về thị trường như một cơ chế xử lý thông tin đóng một vai trò thiết yếu trong bất kì nền kinh tế nào bởi thông tin là khan hiếm và có tính địa phương, sự phê phán của ông đối với tư duy cân bằng cạnh tranh hoàn hảo trong kinh tế học, và quan điểm động về nền kinh tế của ông.
DSW: Tại sao lại là chuyện Hayek chú trọng đến tầm quan trọng của thông tin đối với kinh tế học?
Joseph Schumpeter (1883-1950)
SB: Bài nghiên cứu vào năm 1945 của Hayek — “Sử dụng tri thức trong xã hội” — nằm trong tốp 10 của tôi về những đóng góp hàng đầu cho kinh tế học. Bài viết xuất hiện vào giai đoạn cuối của cuộc tranh luận giữa “kế hoạch hóa với thị trường” từ sau cuộc Đại Khủng hoảng [năm 1929 – 1933] và sự thành công rõ ràng của kế hoạch hóa 5 năm đầu tiên của Liên Xô. Đến cuối thập niên 30 [của thế kỉ 20], phe phản đối kế hoạch hóa đã giảm xuống ít nhất 5 lần; ngay cả người phản đối chủ nghĩa xã hội mạnh mẽ Joseph Schumpeter đã thừa nhận: “Liệu Chủ nghĩa xã hội có thể vận hành không? Tất nhiên là có thể. Không có gì sai đối với lý thuyết chủ nghĩa xã hội thuần túy”. Chỉ trong thời gian ngắn: Hayek đã tìm thấy giải pháp cho tình hình này, đưa ra một lập luận chặt chẽ: các nhà kế hoạch hóa tập trung không bao giờ có đủ hiểu biết để kế hoạch hóa tốt một nền kinh tế.
DSW: Nhưng vấn đề các nhà kế hoạch hóa tập trung không có đủ thông tin ắt hẳn đã phổ biến tại thời điểm đó.
SB: Kỳ lạ là vấn đề đó đã không hề phổ biến. Những người ủng hộ và (còn kỳ lạ hơn là) các nhà phê phán hệ thống kế hoạch hóa tập trung đều lấy mô hình tân cổ điển quen thuộc (hoặc 'mô hình Walrasian') làm cơ sở — với giả định về thông tin đầy đủ. Không ngạc nhiên khi mọi thứ đều đã không diễn ra tốt đẹp cho phe phản đối kế hoạch hóa. Tuy nhiên, một số người nghiên cứu sâu hơn về kinh tế học kế hoạch hóa tập trung thực sự đã nhìn nhận vấn đề khác biệt. Đây là một ví dụ:
Friedrich Hayek (1899-1992)
Leon Trotsky (1879-1940)
Nếu tồn tại một trí tuệ vạn năng, thì dĩ nhiên trí tuệ như vậy trước hết có thể phác thảo một bản kế hoạch kinh tế không thiếu sót và toàn diện, từ số mẫu trồng lúa mì cho đến chiếc nút áo cuối cùng cho áo vest. Bộ máy chính quyền thường tưởng tượng ra rằng chỉ loại trí tuệ như vậy mới phục tùng chính quyền; đó là lý do tại sao nó dễ dàng thoát khỏi sự kiểm soát của thị trường …
Cách nhìn nhận này là của Hayek — có thể dễ dàng tìm thấy trong bài nghiên cứu xuất bản năm 1945 của ông — nhưng tác giả lại là nhà cách mạng người Nga Leon Trotsky viết vào năm 1932 theo những gì đã được đúc kết từ Kế hoạch 5 năm Đầu tiên.
DSW: Hayek kết nối lý thuyết của mình với chính sách kinh tế như thế nào, mà anh gọi là “Đường đến Tự do Kinh tế” trong bài viết của mình?
SB: Ồ, đúng như thế đó David, ông ấy không làm vậy. Bất chấp việc ông khẳng định cả hai thứ đó đều là một phần của một tổng thể hữu cơ, Hayek vẫn không kết nối kinh tế học của ông với quan điểm chính trị của ông. Trên thực tế, kinh tế học của Hayek đem đến lý do chính đáng để anh nghi ngờ quan điểm chính trị của ông ấy. Tôi hy vọng chúng ta có thể quay lại trao đổi về chủ đề này.
DSW: Chắc chắn rồi. Nhưng trước hết, anh hãy nói về lập luận của Hayek chống lại hệ thống kế hoạch hóa tập trung, sau đó là về sự đóng góp chính của ông ấy cho kinh tế học được không?
SB: Không có vấn đề gì. Cuộc tranh luận giữa kế hoạch hóa với thị trường là sự xúi giục, nhưng những công trình của ông trước và sau bài nghiên cứu công bố năm 1945 đã mở ra một cách nhìn mới về các nền kinh tế thị trường và khiến cho ‘kinh tế học thông tin’ trở thành một chủ đề [nghiên cứu] chính trong nghiên cứu kinh tế đương đại.
DSW: Ý tưởng chính của Hayek về thị trường và thông tin là gì?
SB: Nó vừa đơn giản và vừa sâu sắc. Giá cả chính là thông điệp. Dĩ nhiên mấu chốt nằm ở các chi tiết, nhưng lý tưởng nhất là người ta nói cho anh biết sẽ tốn bao nhiêu để sản xuất một sản phẩm tốt và sản phẩm đó có giá trị đến mức nào đối với những người khác. Đây là những thông tin thực tế mà nhà kế hoạch hóa không dễ biết được. Vì vậy, nếu có một đợt hạn hán ở miền Trung-Tây, và giá lúa mì tăng vọt, thông điệp ở đây là: “hãy nghĩ đến chuyện đặt khoai tây hay mì ống trên bàn ăn tối nay”. Và như ví dụ cho thấy, giá cả không chỉ là thông điệp, mà còn là động lực. Giá lúa mì cao hơn không chỉ gợi ý một thực đơn khác, mà còn làm cho thực đơn thay thế trở thành lựa chọn có chi phí thấp hơn.
DSW: Và Hayek đã sử dụng lý do này để chứng minh rằng thị trường không nên bị chính phủ kiểm soát vì thị trường có thể tự đạt được các kết quả tối ưu?
SB: Không chính xác. Hayek ủng hộ thị trường không phải dựa trên nền tảng của sự tối ưu, mà là dựa trên sự mặc định. Hệ thống thay thế - tức hệ thống kế hoạch hóa tập trung - không thể vận hành, và hơn thế nữa bất kì sự can thiệp đáng kể nào của chính phủ vào nền kinh tế - điều ông lo sợ - đều nhất định trở thành mối đe dọa đối với các giá trị tự do. Hãy nhớ rằng, khi viết cuốn Đường về Nô lệ, ông không hề nghĩ đến nền dân chủ xã hội Bắc Âu, ông đã viết nó dưới nỗi ám ảnh của Hitler và Stalin.
DSW: Điều này luôn khiến tôi tò mò rằng Hayek đã phát triển một lý thuyết thay thế triệt để cho lý thuyết cân bằng chung, nhưng cả hai lý thuyết này đều được sử dụng để biện minh cho các chính sách tự do kinh tế tương tự, và cả Hayek lẫn Friedman đều là nhân vật trung tâm trong Hội Mont Pelinin. Điều này làm cho tôi nghĩ rằng thôi thúc biện minh cho các chính sách tự do kinh tế là có trước, và sau đó mới hướng đến lý thuyết hóa trong cả hai trường hợp. Liệu đây có phải là một sự không công bằng để nói điều này không?
Kenneth Arrow (1921-2017)
Milton Friedman (1912-2006)
SB: Vâng, điều này sẽ không công bằng cả với Hayek lẫn những người tiên phong trong lý thuyết cân bằng chung. Kenneth Arrow — một trong số những người đầu tiên chứng minh cái mà đôi khi được gọi là “định lý bàn tay vô hình” của lý thuyết cân bằng chung — đã nhanh chóng chỉ ra những hạn chế của nó khi mô tả bất kì nền kinh tế trên thực tế nào, và 30 năm sau đó ông đã viết bài báo mà ông đặt tựa là “một trường hợp thận trọng cho chủ nghĩa xã hội”.
Như tôi vừa nói, sự phản đối của Hayek đối với hầu hết các hình thức điều tiết của chính phủ không dựa trên những tuyên bố rằng thị trường là “tối ưu” về mọi mặt. Ông là một nhà phê phán dữ dội khái niệm cân bằng cạnh tranh hoàn hảo vốn là nền tảng của ‘định lý bàn tay vô hình’. Các ý tưởng kinh tế chính của ông — bao gồm tầm quan trọng của thông tin khan hiếm và mang tính địa phương, khái niệm thay thế cho sự cân bằng, sự khẳng định rằng kinh tế học phải nghiên cứu sự thay đổi [nghĩa là phải có tính động (dynamic)], chứ không tĩnh tại — tất cả những ý tưởng đã có từ lâu trước khi ông sử dụng một số công cụ này để tấn công vào hệ thống kế hoạch hóa tập trung.
DSW: Nhưng những ý tưởng của ông ấy, dù sao, cũng đã trở thành trọng tâm đối với nguyên nhân của tự do kinh tế?
SB: Đúng vậy, David, mặc dù ông không thích thuật ngữ này, nhưng [điều này có được] chỉ bằng cách đọc rất chắt lọc về các công trình của ông. Trong bài nghiên cứu mà anh đã đề cập đến, Alan, Rajiv và tôi cùng đưa ra quan điểm cho rằng kinh tế học của Hayek cung cấp những lý do chính đáng để nghi ngờ tính ưu việt của thị trường tự do.
DSW: Vâng, trong các sách viết về ưu và nhược của quan điểm của Hayek, đó là một ý tưởng mới. Cụ thể là gì?
SB: Tôi sẽ dẫn ra hai ví dụ. Thứ nhất, giá cả thực sự là thông điệp, và chính vì vậy mà chúng ta có thể có bong bóng giá nhà ở khi người ta suy luận chính xác rằng khi giá nhà tăng lên, thì giá nhà có thể sẽ tiếp tục tăng, và do đó họ nghĩ đây có thể là thời điểm tốt để mua nhà. Điều này trái ngược với phản ứng “hãy đặt khoai tây thay vì bánh mì lên bàn” khi giá lúa mì tăng.
Thứ hai, thị trường - như Hayek nói - xử lý thông tin và trên cơ sở đó, xác định, chẳng hạn, cách tốt nhất để tổ chức sản xuất. Nhưng chuyện áp dụng logic này cho thấy rằng việc hệ thống kế hoạch hóa nền kinh tế có sự phân cấp có thể không phải là một điều xấu ít nhất là khi kết hợp nó với thị trường. Giới hạn của doanh nghiệp — nó sẽ lớn cỡ nào — được xác định bởi câu trả lời cho câu hỏi rằng liệu bộ phận này nên tự sản xuất hay mua ngoài? Nhưng đây cũng là ranh giới giữa tổ chức mọi thứ theo thị trường hay theo cấu trúc phân cấp của mệnh lệnh đã khiến các doanh nghiệp tư bản được gọi (trớ trêu thay) là ‘nền kinh tế kế hoạch hóa thu nhỏ’. ‘Bản án của thị trường’ trong trường hợp này là cả thị trường và hệ thống phân cấp đều có chỗ đứng trong nền kinh tế!
Elinor Ostrom (1933-2012)
DSW: Đó là ý tuyệt vời, nhưng có thể rất thú vị khi bàn thêm chi tiết ý này! Gần đây tôi đã đào sâu vào các tài liệu về doanh nghiệp, và [tôi phát hiện] cách quản lý “mệnh lệnh và kiểm soát” (command and control) không có hiệu quả ở cấp độ doanh nghiệp nữa. Một doanh nghiệp duy nhất yêu cầu sự bảo hộ tương tự chống lại các hành vi tư lợi gây hại mà Ostrom đã minh họa cho các nguồn tài nguyên tập thể (common-pool resource group) với các nguyên tắc thiết kế cốt lõi của bà. Ngoài ra, với một doanh nghiệp đơn độc trong chuyện thích ứng với sự thay đổi, nó cần có các quy trình đa dạng và có chọn lọc được sắp xếp cẩn thận hơn là hoạt động theo một bản kế hoạch tập trung. Tuy nhiên, một luận điểm quan trọng mà anh đưa ra rất hay là: một doanh nghiệp vẫn là một “nền kinh tế kế hoạch hóa thu nhỏ” ngay cả khi không được tổ chức theo cách quản lý mệnh lệnh và kiểm soát.
Tiếp theo, những ví dụ này về Hayek chống lại chính ông không phải là điều mà hầu hết các nhà kinh tế hiểu về chúng như là những thông điệp chính của ông dành cho lĩnh vực của họ, đúng không?
SB: Tôi đoán, bất kì nhà kinh tế nổi tiếng nào cũng đều không có câu trả lời nếu được hỏi những đóng góp của Hayek cho lý thuyết kinh tế là gì. Nhưng tôi nghĩ anh có thể nhìn thấy sự liên hệ giữa quan điểm của Hayek với mối quan tâm các nhà kinh tế đương thời về các vấn đề thông tin trong thị trường lao động và thị trường tín dụng cũng như trong các thị trường giao dịch khác có tồn tại vấn đề thông tin không đối xứng.
DSW: Hãy chuyển sang Hayek với tư cách là nhà tư tưởng tiến hóa, ông xem các hệ thống kinh tế như là sản phẩm của sự chọn lọc nhóm văn hóa. Làm thế nào mà ý tưởng mới này chống lại nền tảng chuyên ngành kinh tế vào thời điểm đó?
SB: Ngôn từ tuy mới, nhưng khái niệm nền tảng thực sự không mới. Ý tưởng về trật tự tự phát (spontaneous order) chí ít cũng lâu đời như bàn tay vô hình của Adam Smith vậy. Các nhà kinh tế thường mô hình hóa các quá trình lựa chọn mà một số doanh nghiệp áp dụng thành công trong khi các doanh nghiệp khác đã thất bại, theo thông lệ những doanh nghiệp thành công trở thành chuẩn mực. Hayek khác biệt bởi ông cho rằng lập luận tiến hóa đã chứng tỏ tính ưu việt của thị trường tự do.
Talcott Parsons (1902-1979)
Nhưng cách sử dụng này trong thuyết tiến hóa xã hội Darwin ở cấp độ hệ thống không giống với những gì mà Hayek đã chọn. Một nhà tư tưởng bảo thủ vĩ đại khác Talcott Parsons vào năm 1964 đã đưa ra ý tưởng rằng trong số các phương thức tổ chức xã hội, có [hệ thống] “những cái phổ quát tiến hóa” (evolutionary universals), đó là các hệ thống xuất hiện thường xuyên trong nhiều môi trường khác nhau và tồn tại liên tục trong một thời gian dài từ khi bị “tác động” bởi dân số. Đó là những cái phổ quát của xã hội tương tự như các đặc điểm sinh học phức tạp như tầm nhìn, vốn là những ý tưởng hay tiến hóa độc lập ở nhiều loài, và ít bị loại bỏ bởi các quá trình tiến hóa.
Danh mục ‘những cái phổ quát tiến hóa’ của Parsons bao gồm thị trường và tiền tệ nhưng nó cũng bao gồm “quyền lực của cơ quan … có lực lượng cưỡng chế đứng đằng sau” như “tổ chức hành chính có quy mô lớn hiệu quả nhất mà con người đã phát minh ra, và không có cái gì có thể thay thế trực tiếp cho nó”. Với Parsons, nhà nước cũng như thị trường đều trải qua bài khảo hạch của thành tựu tiến hóa.
DSW: Anh có thể tóm tắt những phê phán của anh đối với Hayek không, đó là thứ tôi quan tâm để so sánh với chính mình.
SB: Tôi đoán rằng anh sẽ tập trung vào những thiếu sót về quan niệm tiến hóa văn hóa của ông ấy. Nhưng với tôi, Hayek là một nhà kinh tế vĩ đại nhưng quan điểm chính trị của ông ấy không đi theo — thậm chí còn mâu thuẫn với — những đóng góp của ông cho kinh tế học. Thậm chí còn nhiều hơn thế. Tôi nghĩ rằng những giá trị tự do - mà Hayek theo đuổi ắt hẳn sẽ an toàn hơn trong thế giới ngày nay nếu ông gắn bó với kinh tế học.
DSW: Một luận điểm đáng chú ý khác cho rằng Hayek chính là mối nguy hiểm cho các giá trị tự do! Điều này là thế nào?
SB: Liên minh giữa chủ nghĩa tự do chính trị với chủ nghĩa tự do kinh tế của Hayek — nhà nước không can thiệp vào thị trường — đã chứng tỏ đây là một cuộc hôn phối không hạnh phúc. Chuyện một số phe phái - những phe đã thất bại trong làn sóng hồi sinh của phe cánh hữu ở một phân tư cuối của thế kỉ XX – đã bị thu hút bởi chủ nghĩa bài ngoại (xenophobic nationalism) và việc không có sự khoan dung là điều không ngạc nhiên. Vào đầu thế kỉ XXI, liên minh này không phải là ‘chính phủ phình to’ (big government), vốn là mối đe dọa đối với các giá trị tự do. Hãy tự hỏi lại bản thân rằng: hiện nay các ý tưởng tự do chính về sự khoan dung, thượng tôn pháp luật/pháp quyền (rule of law) và bảo vệ người yếu thế chống lại kẻ mạnh ngày càng vững chắc hơn sẽ hiện diện ở đâu: ở các quốc gia Bắc Âu (nơi mà các chính phủ bao gồm phân nửa nền kinh tế) hay ở Hoa Kì - nơi tầm nhìn chính trị của Hayek được chấp nhận rộng rãi?
Hayek nhấn mạnh chính xác rằng không thể trả lời câu hỏi làm thế nào để tổ chức xã hội một cách tốt nhất bằng các thuật ngữ trừu tượng mà thay vào đó phải có sự so sánh về mặt lịch sử và thực nghiệm. Tôi tự hỏi liệu bây giờ Hayek có thể — trên cơ sở thực nghiệm — xem xét lại quan điểm của chính ông về việc chính phủ có một vai trò lớn hơn trong nền kinh tế có phải là một mối đe dọa cho các giá trị tự do không?
DSW: Như anh biết, tôi là một người rất hâm mộ bà Elinor Ostrom và vinh dự được làm việc cùng với bà ấy để khái quát hóa cách tiếp cận nguyên tắc thiết kế cốt lõi và quản trị đa trung tâm từ quan điểm tiến hóa. Tôi nghĩ rằng chính bà là người đã chỉ ra phương thức đi tới một con đường trung gian nằm giữa tự do kinh tế và kế hoạch hóa tập trung, hơn những gì Hayek đã làm. Ý kiến ​​ca anh ra sao và các ý tưởng của Hayek và Ostrom liên quan với nhau như thế nào?
Ronald Coase (1910-2013)
SB: Trái ngược với việc dẫn dắt xã hội (social engineering), Ostrom, giống như Hayek, cũng nhấn mạnh năng lực có thể được gọi là giải quyết vấn đề từ dưới lên của con người. Bà đã chứng minh rằng các cộng đồng nhỏ thường giải quyết các vấn đề về suy thoái môi trường giống như về bi kịch của nguồn lực chung thông qua việc kết hợp các tiêu chuẩn xã hội và quy tắc địa phương. Tôi xem công trình của Ronald Coase thuộc truyền thống “từ dưới lên”: ông cho thấy thương lượng thường có thể xem xét vấn đề môi trường hay các “ngoại tác” khác ngay cả khi các thị trường thất bại và các chính phủ không đủ thông tin hay động lực để thực hiện công việc. Nhưng Ostrom và Coase lại khác với Hayek. Cả hai người đều chú ý kĩ đến các trường hợp thực nghiệm — trong trường hợp của Ostrom, kết quả của nghiên cứu thực địa khó nhọc — và đối với họ, chìa khóa để giải quyết các vấn đề xã hội — với Ostrom là cộng đồng và với Coase là thương lượng — không phải là một thị trường không được kiểm soát.
DSW: Khi giữ lại những đóng góp tích cực của Hayek và bổ sung vào các thành tựu trong kinh tế học và khoa học tiến hóa, chúng ta sẽ chọn con đường nào, nếu không phải là con đường dẫn đến tự do kinh tế?

SB: Chìa khóa cho câu trả lời của tôi là một sự thật rằng Hayek đã nhấn mạnh: thông tin là khan hiếm, và những gì mà một người biết nhưng người khác lại không biết. Một kết quả của tình huống này — gọi làthông tin không đối xứng— là không thể soạn thảo một hợp đồng có thể thực thi nhằm bao quát tất cả các khía cạnh của quá trình mua bán vốn quan trọng đối với người bị ảnh hưởng. Có lẽ đáng ngạc nhiên rằng những gì có vẻ như một chi tiết — như một hợp đồng không hoàn chỉnh — sẽ khiến cho mô hình kinh tế chuẩn bị đảo lộn hoàn toàn. Những sự phát triển lý thuyết kinh tế vi mô trong ba thập kỉ qua — tôi sẽ không kể câu chuyện gian khổ này ở đây (nó có trong cuốn Microeconomics: Behavior, Institutions and Evolution [Kinh tế học Vi mô: Hành vi, Thể chế và Tiến hóa] của tôi) — đã cho thấy có ba hệ chuẩn làm đảo lộn các kết quả. Một là, ngay cả các thị trường cạnh tranh cũng không đạt được trạng thái lượng cung bằng lượng cầu tại điểm cân bằng; do đó, chẳng hạn như tình trạng thất nghiệp, và những người không có của cải sẽ bị loại khỏi thị trường tín dụng đều là những dự đoán, không phải là những chuyện dị thường được giải thích bởi những cọ xát ngoài dự tính hoặc bởi các ‘chênh lệch’ khác từ mô hình chuẩn. Hai là, các thất bại thị trường diễn ra rất thường xuyên — chúng diễn ra trong thị trường tín dụng và thị trường lao động, chẳng hạn, chứ không chỉ diễn ra các [hiệu ứng] lan tỏa về môi trường (environmental spillover) — không có sự ngoại lệ. Và ba là, những người sử dụng lao động, người cho vay và “người ủy quyền” khác trong các mối quan hệ người ủy quyền – người đại diện sử dụng quyền lực đối với người lao động và người vay.
Điều trớ trêu – David - là cuộc cách mạng thông tin trong kinh tế học mà Hayek khởi xướng đã phát triển tốt hơn nửa đầu thế kỉ trước, cuối cùng chỉ ra vai trò lớn hơn của người dân cả trong việc sửa chữa các thất bại thị trường lẫn trong việc giải quyết vấn đề quyền lực mà người sử dụng lao động sử dụng một cách vô trách nhiệm đối với người lao động.
Nhưng một hệ chuẩn mới giống như những cái từng được đề cập trước không đơn giản là chuyện một nền dân chủ xã hội Bắc Âu được tân trang lại, hay thậm chí là kế hoạch hóa tập trung ít hơn. Hệ chuẩn này đề xuất một vai trò tích cực cho xã hội dân sự dân chủ, và không đơn giản chỉ là sự điều tiết của chính phủ.
DSW: Có một số học giả chia sẻ cao kiến ca anh về Hayek với tư cách là nhà kinh tế học, chẳng hạn tại trung tâm Mercatus của GMU, và trên toàn thế giới. Nhưng liệu có công bằng không khi nói rằng Hayek không phải là một phần chuẩn mực được chấp nhận chung mà các nhà kinh tế coi là cần thiết cho lĩnh vực của họ. Tại sao lại như thế?
Léon Walras (1834-1910)
SB: Đúng vậy, kết quả là kinh tế học đã trở nên nghèo nàn. Có hai lý do liên quan đến tư duy. Thứ nhất, tầm nhìn của Hayek về nền kinh tế như một hệ thống phát triển phức tạp không dễ để đúc kết dưới dạng mô hình toán học như mô hình Walras thống trị kinh tế học vào cuối thế kỉ 20. Điều này giới hạn sự chấp nhận về nền kinh tế giữa các nhà kinh tế vì chúng ta — chính xác theo ý kiến ​​ca tôi — đề cao các mô hình chính xác sử dụng toán học ở bất cứ nơi đâu. Thứ hai, sau cuộc Đại Khủng hoảng [1929 - 1933], sự phản đối kịch liệt của Hayek đối với các chính sách ổn định hóa của những nhà kinh tế theo trường phái Keynesian và các hình thức điều tiết khác của chính phủ có lợi cho nền kinh tế đã khiến nhiều nhà kinh tế — rất ít người trong số họ bỏ công ra đọc Hayek — từ chối những nhận thức sâu sắc khác, có tính nền tảng hơn của ông. Danh tiếng của ông cũng bị hoen ố bởi những luận điểm cực đoan nhân danh tự do kinh tế của những kẻ núp bóng ông. Về chuyện này, ông đã phải chịu một số phận tương tự như Marx: những nhận thức sâu sắc về kinh tế của ông đã bị bỏ qua một phần bởi vì những kẻ nổi tiếng hay tung hô ông đã ủng hộ các hệ thống mà hầu hết các học giả đã phản đối chính xác.
Ngày 9 tháng 12 năm 2017


SAM BOWLES, DAVID S. WILSON

Samuel Bowles, đang làm việc ở Học viện Santa Fe [Hoa Kì], gần đây ông đã xuất bản cuốn Kinh tế học Luân lý: Tại sao các khuyến khích tốt không thể thay thế cho các công dân tốt và là một trong những tác giả của The Economy, giáo trình nhập môn kinh tế học trực tuyến miễn phí của Dự án CORE.
David Sloan Wilson là Giáo sư Sinh học và Nhân chủng học tại Đại học Binghamton, ông được trao danh hiệu Giáo Sư Ưu Tú của trường The State University of New York (SUNY), và danh hiệu Arne Naess Chair vì những đóng góp to lớn cho Chương Trình Công Lý Toàn Cầu và Môi Trường tại Đại học Oslo. Tác phẩm mới nhất của ông có tựa đề Có chăng lòng vị tha? (Does Altruism Exist?).
Twitter: @David_S_Wilson
Nguyễn Việt Anh Nguyễn Thị Trà Giang dịch
Print Friendly and PDF