1.12.19

Mở rộng xã hội học ra thế giới và tới tính phổ quát


Bảy mươi năm sau đại hội thành lập Hiệp Hội Xã Hội Học Quốc Tế (ISA) tại Oslo, cần phải đi xa hơn nữa trong sự mở rộng xã hội học, đặc biệt đến các nước không phải là phương Tây.
MỞ RỘNG XÃ HỘI HỌC RA THẾ GIỚI 

VÀ TỚI TÍNH PHỔ QUÁT

Stéphane DUFOIX, giáo sư xã hội học, Đại học Paris-Nanterre và
Sari HANAFI, giáo sư xã hội học, Đại học Mỹ ở Beyrouth và chủ tịch Hiệp Hội Xã Hội Học Quốc Tế.
Stéphane Dufoix (1970-)
Sari Hanafi
Năm 1995, bản báo cáo của Ủy Ban Gulbenkian do Immanuel Wallerstein, mới mất vào ngày 31 tháng 8 vừa rồi, làm chủ tịch (đọc trang 24-25), đã kêu gọi “mở các khoa học xã hội” bằng cách xem xét lại các điều kiện về tính liên ngành và sự phân biệt cổ điển giữa khoa học xã hội và khoa học tự nhiên. Tuy nhiên, lời kêu gọi chấp nhận sự giới hạn địa lí - ở phương Tây – của sự thừa kế xã hội học và vượt qua sự đối lập quá đơn giản giữa cái phổ quát và cái đặc thù, vẫn còn gần như hoàn toàn mang tính thần chú. Từ đó, đã có nhiều chủ tịch Hiệp Hội Xã Hội Học Quốc Tế như Michel Wierviorka hay Michael Burawoy, biện hộ cho một tư tưởng xã hôi học mang tính tổng quát hơn và cho một sự hẫu thuận các nền xã hội học quốc gia. Bảy mươi năm sau khi Đại hội thành lập Hiệp Hội Xã Hội Học Quốc Tế được tiến hành ở Oslo (tháng 9 năm 1949), có vẻ là chúng ta có thể và nên đi xa hơn nữa trong việc mở rộng xã hội học, đặc biệt là theo ba hướng đặc thù:
- Trước hết là còn cần phải mở rộng đôi mắt của một số đông nhà xã hội học ở các nước Tây phương – và không chỉ họ mà thôi – về tính toàn cầu của một trào lưu tư tưởng hay một ngành, ngay vào đầu thế kỷ XX, đã không còn giới hạn ở Mỹ, Vương quốc Anh, Pháp hay Đức. Có nguồn gốc trong sự chiếm hữu những công trình nghiên cứu của Comte hay Spencer, đã có những giáo trình, những tạp chí, những tác giả tự nhận là thuộc ngành xã hội học ở Colombia, Venezuela, Argentina, Nga, Nhật hay Trung Quốc. Ngay cả ngày nay, kiến thức mà chúng ta có về lịch sử này – và về những lịch sử này - còn rất nhiều thiếu sót, cũng như cách mà chúng ta có để thuật lại, với tư cách là giáo sư, về quá khứ và hiện tại của ngành này ở Châu Mỹ La Tinh, Á Châu, Trung và Đông Âu, trong thế giới Ả Rập, ở Phi Châu cận Sahara và Châu Đại Dương.
Immanuel Wallerstein (1930-2019)
Việc giảng dạy môn học thường đã giới hạn lịch sử xã hội học vào lịch sử các lý thuyết xã hội học. Các mối quan hệ lịch sử giữa sự phát triển các khoa học xã hội và sự bành trướng của chủ nghĩa thực dân Châu Âu và Bắc Mỹ đã áp đặt một sự phân công lao động về mặt nhận thức luận trong đó sự lao động lý thuyết là đặc quyền của Trung Tâm, tức là Châu Âu, danh sách của những tác giả “kinh điển” mà các sinh viên xã hội học đều phải đọc hay biết đến đều gần như không thay đổi ở tất cả các nước và chỉ bao gồm những người Phương Tây. Sự mở rộng quy chuẩn phải bao gồm những người đàn ông và phụ nữ tới từ những nước không phải là Tây Phương, đã từng có những công trình lý thuyết, nhận thức luận và thực nghiệm quan trọng (chẳng hạn như Alberto Guerreiro Ramos, Ari Sitas, Orlando Fals Borda, Irawati Karve, Akinsola Akiwowo, Fatima Mernissi, Fei Xiaotong, Anouar Abdel-Malek, Ali el-Kenz hay Tsurumi Kazuko chỉ để kể ra một vài người). Nó cũng phải bao gồm những người nam và nữ, ở các nước Phương Tây đã phải chịu đựng luật về sự quy chuẩn hóa mang tính giới và chủng tộc (Harriet Martineau, W.E.B. DuBois, Marianne Weber hay Jane Addams). Mục đích của sự mở rộng này không phải là thay thế một quy chuẩn bởi một phản quy chuẩn, cũng như không phải là mở rộng một cách vô tận những tác giả mà các sinh viên cần phải biết; trước hết nó nhắm tới việc cung cấp một hình ảnh lịch sử đúng đắn về những sự ra đời của xã hội học, nhưng cũng để đưa sự năng động của các mối quan hệ quyền lực (về mặt địa lý, chủng tộc hay giới tính) vào lại ngay trung tâm của việc lĩnh hội sự hình thành và tiến hóa của các bộ môn.
- Sau cùng, truy vấn lịch sử xã hội học và sự cấu tạo của quy chuẩn là để mở rộng ý nghĩa của tính phổ quát. Việc tìm kiếm những quy luật tổng quát của sự tiến hóa xã hội, ý muốn mô phóng xã hội học theo các khoa học tự nhiên, cũng như xu hướng lấy Châu Âu làm trung tâm của những lý thuyết kinh điển thường đã dẫn đến sự lẫn lộn giữa hai hình thái của chủ nghĩa tổng quát: sự tìm kiếm thực chứng những khái niệm thật sự xuyên lịch sử và xuyên không gian và định đề về một khoa học về xã hội sẽ bị tách khỏi những tâm thế văn hóa và xã hội của những người sản xuất ra kiến thức. Nếu ta chấp nhận định đề này, kiến thức xã hội học không thể nào được giải thích và hiểu được về mặt xã hội học! Cho dù rằng, việc từ bỏ hình thái tổng quát hóa nằm ở trên không này để nhường chỗ cho ý tưởng theo đó việc sản xuất kiến thức bao giờ cũng được định vị trong không gian và thời gian không dẫn đến sự tuyên bố một chủ nghĩa tương đối triệt để, mà đến sự biến đổi của tính phổ quát. Tính phổ quát không phải là bao giờ cũng đã có: nó là sản phẩm lịch sử của những cuộc đấu tranh để xác định xã hội học là gì. Do đó nó rất có thể được tư duy và khái niệm hóa – chắc có lẽ là dưới từ ngữ tính phổ quát (universalité) hơn là tính phổ biến (universel) – trong sự căng thẳng giữa cái chung và cái riêng, cái toàn thể và cái cục bộ. Tính phổ quát luôn luôn phải được xây dựng, trong tranh luận, trong đấu tranh, trong đối thoại, cho ngày hôm nay và ngày mai.
Phạm Như Hồ dịch
Nguồn:Ouvrir la sociologie au monde et à l’universalité”, Libération, 5.9.2019
Print Friendly and PDF