6.6.20

Coronavirus: Khi những người phụ nữ Trung Quốc tiến lên tuyến đầu chống bệnh dịch và kiểm duyệt

CHÂN DUNG PHỤ NỮ

CORONAVIRUS: KHI NHỮNG NGƯỜI PHỤ NỮ TRUNG QUỐC TIẾN LÊN TUYẾN ĐẦU CHỐNG BỆNH DỊCH VÀ KIỂM DUYỆT

Một nữ y tá của bệnh viện Kim Ngân Đàn ở Vũ Hán tháo khấu trang ra sau một ngày làm việc, ngày 16/2/2020 (Nguồn: Chinatopix via AP)
Họ là nhà văn, bác sĩ cấp cứu, y tá, phóng viên hay ca sĩ. Những nữ anh hùng Trung Quốc thời nay chống chọi với những cối xay gió. Tuy nhiên, họ không ngần ngại lao vào cơn lốc do đại dịch Covid-19 gây ra. Mặc cho nguy cơ bị trả thù, họ quên cả thân mình, tên tuổi và danh tiếng, những phụ nữ này có mặt trên mọi tuyến đầu trong suốt cuộc khủng hoảng về y tế và xã hội này.
THÂN TA, TA QUÊN ĐI
Ngay từ lúc có thông báo phong tỏa Vũ Hán vào ngày 23 tháng 1 vừa qua, thành phố sống trong tình trạng thiếu thốn toàn diện. Thiếu khẩu trang, y phục bảo hộ y tế, giường bệnh, nhân viên chăm sóc. Nhiều tỉnh đã sớm đáp ứng yêu cầu của lãnh đạo địa phương về chi viện nhân viên. Nhiều bác sĩ và y tá đã ngay tức khắc giã từ gia đình và đi xuyên qua Trung Quốc mà không hề có ý niệm gì về thời gian công tác là bao lâu. Theo China Daily, có khoảng 42.000 “thiên thần áo trắng” (bạch y thiên sứ, 白衣天使) đã đến hỗ trợ trong suốt 76 ngày phong tỏa.
Cuộc huy động lịch sử này đã được ngợi khen nhân danh tình đoàn kết dân tộc. Vào đầu tháng hai, trên internet xuất hiện một băng hình video ghi lại cảnh xuống tóc của các y tá trẻ ở tỉnh Cam Túc. Những hình này được cho là để tăng cường quyết tâm và lòng can đảm của những chiến sĩ thời nay đã làm dấy lên sự phẫn nộ. Một vài phụ nữ trẻ khóc nức nở, một trong số họ chỉ dám nhìn thoáng qua mái tóc của cô vừa mới cắt do người thợ làm tóc đưa lên. Băng hình kết thúc với tấm hình của nhóm trong đó tất cả đưa nắm tay lên, tươi cười và hãnh diện với kiểu tóc mới của mình.
Trên màn hình là hình ảnh các nữ y tá tỉnh Cam Túc chuẩn bị lên đường đến Vũ Hán, vào đầu tháng hai (Nguồn: Weibo/Gansu Daily)
Trên các mạng xã hội, có nhiều bình luận so sánh với những người tù Trung Quốc phải chịu cảnh cạo trọc đầu, mãi cho đến năm 2004 mới chấm dứt. “Tại sao những cô gái trẻ này phải chịu hành động tối hậu này - tước bỏ biểu trưng của nữ tính - khi mà tóc ngắn cũng đủ để tuân thủ những điều kiện vệ sinh của chuyến công tác?”, cư dân mạng đã hỏi như vậy. “Hành động tình nguyện không đủ để bày tỏ niềm hăng hái của họ sao?
THIẾU BĂNG VỆ SINH
Đây chỉ mới là giai đoạn đầu. Trên các phương tiện truyền thông chính thống, người ta đưa lên tấm hình một nữ y tá trong bộ đồ bảo hộ trắng phồng lên ở vùng bụng. Mang thai tháng thứ chín mà cô vẫn chọn tiếp tục làm việc. Cô đã cùng hai nữ y tá khác được tán dương như những người hùng: một người làm việc lại ngay sau khi sinh, một người khác sau khi… bị sẩy thai. Những câu chuyện này được thường xuyên truyền tải trên báo chí đã làm nổi bật tinh thần hy sinh vốn có của phụ nữ, mà không quan tâm đến gánh nặng đang đè lên vai họ. Nhiều người xem đó là vai trò và bổn phận của họ.
Vào đầu tháng hai, một phụ nữ tên là Stacey đưa lên mạng internet một chiến dịch kêu gọi cung cấp đồ bảo hộ vệ sinh cho nữ nhân viên các bệnh viện. 1.300 y tá của bệnh viện Kim Ngân Đàm ở Vũ Hán chú ý đến sáng kiến của cô và đã đặt nhiều kiện hàng. Sau đó, người phụ nữ trẻ này đề nghị hỗ trợ bệnh viện trung ương thành phố. “Sau nhiều lần nhắc nhở, một người đàn ông trong ban lãnh đạo trả lời tôi: Chúng tôi không có nhu cầu”. Cô đã giải thích như vậy trên trang mạng của mình vào ngày 15 tháng 2.
“NÓI ĐẾN NHỮNG ĐIỀU ẤY LÀ KHÔNG LỊCH SỰ”
Ngày 17, cô viết thêm: “Tôi đã nhận được nhiều cuộc gọi của nhiều người từ bệnh viện. Họ yêu cầu tôi xóa những tin nhắn của tôi, vì không lịch sự lắm khi nói đến những điều ấy.” Có phải một giám đốc nam giới có vai trò từ chối tặng phẩm là băng vệ sinh mà ông cho là không cần thiết đối với các nữ đồng nghiệp của ông? Cùng ngày, khán giả đài truyền hình quốc gia JT rất đỗi ngạc nhiên phát hiện cuộc phỏng vấn một nữ y tá ở Vũ Hán khi cô này nhắc đến ngày làm việc dài và rất mất sức. “Hơn nữa, lúc này tôi đang có kinh”, người phụ nữ trẻ nói thêm. Nhưng câu này đã bị cắt khi lên phim. Có phải cái xã hội giáo điều cứng nhắc và gia trưởng không sẵn sàng để nghe từ “kinh nguyệt”? Có phải nó cần hạ thấp những cố gắng về thể chất và tinh thần mà người phụ nữ thể hiện để giảm nhẹ những trở ngại do tử cung của họ gây ra hàng tháng?
Phải nói rằng trong ý niệm tập thể Trung Hoa, thân thể phụ nữ, dơ bẩn và gây phiền toái, không thích hợp với chủ nghĩa anh hùng được cho là thuộc về nam giới như đã được tuyên truyền, đáng chú ý là trong cuộc chiến chống Covid-19. Tính cá nhân chỉ là một khái niệm quá trừu tượng trong một xã hội mà mỗi người phải tuân thủ những quy tắc ứng xử của tập thể. Một nhận xét hài hước: lần đầu tiên chu kỳ kinh nguyệt không còn là điều bí ẩn, trở thành một chủ đề bàn luận của công chúng rộng rãi trong cuộc khủng hoảng y tế này.
HÀN hỒNG, MỘT NGÔI SAO CA NHẠC GIÚP ĐỠ VŨ HÁN
Cô không có dáng mảnh mai hay khuôn mặt trái xoan theo tiêu chuẩn thẩm mỹ Trung Hoa, nhưng cô sở hữu một làn giọng mạnh mẽ. Điều này đủ cho Hàn Hồng (韩红) trở thành một ngôi sao ca nhạc. Hàn Hồng gốc Tây Tạng và là đảng viên Đảng Cộng sản, - hai đặc điểm xuất hiện trong tất cả các bản tiểu sử của cô - ca sĩ 48 tuổi này đã đạt giải trong cuộc thi do đài truyền hình nhà nước CCTV tổ chức vào năm 1995. Cô hoạt động trong làng giải trí và sử dụng thu nhập dồi dào của mình để đầu tư vào các hoạt động từ thiện. Năm 2008, cô đã giúp nạn nhân động đất ở Tứ Xuyên những số tiền lớn. Bốn năm sau, “Quỹ từ thiện Hàn Hồng” được đăng ký ở Bắc Kinh. Theo báo cáo hoạt động năm 2018, Quỹ đã tiếp nhận quà tặng hơn 22 triệu nhân dân tệ (gần 3 triệu euro), một món tiền đáng kể đối với một năm bình thường không có thảm họa ở Trung Quốc.
Hàn Hồng, ca sĩ và sáng lập viên một quỹ từ thiện (Nguồn: Han Hong Love Charity Foundation)
Quỹ hoạt động như một doanh nghiệp và có nhân viên. Hàng tháng, quỹ thông tin trên mạng danh tính của những nhà tài trợ và số tiền nhận được, trong đó có các doanh nghiệp và những nhân vật nổi tiếng. Hàn Hồng xem sự minh bạch là một giá trị cốt lõi và khẳng định có thể “cung cấp tất cả các hóa đơn mua hàng, kể cả một gói mì ăn liền”.
Ngày 25 tháng 1, Hàn Hồng đến Vũ Hán với nhiều xe tải chở đầy sản phẩm bảo hộ và nhu yếu phẩm. Tiếp theo lời kêu gọi cứu trợ, vào ngày 4 tháng 2, quỹ của cô thông báo đã tiếp nhận hơn 300 triệu nhân dân tệ (khoảng 40 triệu euro). Con số đủ làm cho Hội Chữ Thập Đỏ Trung Quốc xanh mặt, vốn là một tổ chức công thường bị phê phán vì sức ì hành chính và thiếu minh bạch. Đơn vị hành chính của tỉnh Hồ Bắc với thủ phủ là Vũ Hán bị phê phán gay gắt trên mạng xã hội về toàn bộ những sai lầm trong việc phân phối khẩu trang và thực phẩm.
Những thất bại đắng cay của Hội Chữ Thập Đỏ Trung Quốc
Được thành lập năm 1904, lâu trước khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời, Hội Chữ Thập Đỏ Trung Quốc là một tổ chức công có chân rết trên toàn quốc và rất quan liêu. Trong quá trình hoạt động, hội thường bị chê trách là quản lý tồi và cuộc khủng hoảng y tế hiện thời lại một lần nữa nêu rõ điều đó. Hơn 300 tấn rau quả do tỉnh Sơn Đông tặng cho Vũ Hán đã không được phân phối đến các khu vực của thành phố như đã định. Hội Chữ Thập Đỏ Vũ Hán đã bán đi số rau quả này. Nhiều bệnh viện cũng đã tố cáo những lầm lẫn to lớn trong phân phối khẩu trang. Đối với những nhà tài trợ thì thủ tục rất phức tạp, một vài người còn bị Hội Chữ Thập Đỏ từ chối tài trợ vì phí bưu điện bị thiếu. Ngày 4 tháng 2, lãnh đạo trung ương của Hội đã cách chức bốn quan chức cao nhất của văn phòng Hội tại tỉnh Hồ Bắc.
CẦN KÍN ĐÁO
Zheng Gongcheng (1964-)
Ngược lại, giá trị của quỹ Hàn Hồng lại được tô hồng thêm. Chủ tịch của Liên đoàn các hiệp hội nhân đạo Trung Quốc, ông Zheng Gongcheng còn dám so sánh như sau: “Tồn tại một hố ngăn cách giữa sự vận hành của các cơ cấu tổ chức này và hoạt động thực tế của họ. Trước sự nghi ngờ ngày càng tăng của công chúng, quản lý thiếu minh bạch, bộ máy hành chính nặng nề và cuối cùng là thiếu khả năng phản ứng trong trường hợp khẩn cấp, nhiều tổ chức không đủ khả năng đáp ứng các đòi hỏi của công chúng… Khi đất nước chúng ta sống trong một thảm họa y tế như hiện nay, chúng ta đã hiểu ra rằng cần có nhiều cơ cấu tổ chức như quỹ Hàn Hồng, quỹ đã phối hợp toàn bộ các hoạt động một cách hiệu quả.
Cô ca sĩ có được hưởng chút vinh quang nào không? Không hn thế. Ở Trung Quốc, phơi bày trên truyền thông có thể trở thành nguy hiểm, nhất là khi nó che mờ đi các tổ chức chính thống. Từ khi Hội Chữ Thập Đỏ Trung Quốc liên tục bị tai tiếng, Hàn Hồng nhanh chóng hiểu ra rằng đã đến lúc phải rút lui để khỏi sa lầy vào vũng bùn. Cô đột ngột biến mất khỏi các ống kính và sau đó vài ngày đăng tải hình ảnh cô nằm liệt giường, ngụ ý rằng cô bị bệnh. Cô có nhận được lệnh của Đảng không? Ta sẽ không bao giờ biết được. Nhưng đó là cách cô có thể duy trì quỹ của mình và tiếp tục quyên góp. Vào tháng tư, quỹ của cô thông báo đã quyên góp tổng cộng 500 triệu nhân dân tệ (70 triệu euro).
Ngãi PHÂn (AI FEN), NGƯỜI “PHÁT TÁN tiếng CÒI bÁo Động”
“Hãy chú ý, tôi đã chuẩn bị cho quý vị một quả bom”, nữ phóng viên Cung Thanh Kỳ (龚菁琦) của báo Renwu (人物“Nhân vật”) đã viết như vậy vào ngày 9 tháng 3 trên trang mạng Weibo của mình. Cô thông báo sẽ đăng tải vào ngày mai cuộc phỏng vấn người phụ trách khoa cấp cứu của bệnh viện trung ương Vũ Hán. Trong bài báo này, bác sĩ Ngãi Phân (艾芬), giám đốc khoa cấp cứu từ năm 2010, kể lại câu chuyện của mình, câu chuyện của một trong những bác sĩ đầu tiên đã đối đầu với virus corona chủng mới. Tất cả đã bắt đầu vào ngày 16 tháng 12 năm 2019, khi một người đàn ông 65 tuổi bước qua ngưỡng cửa của bệnh viện. Bệnh nhân bị sốt cao và phim chụp X-quang cho thấy một vùng xám ở phổi. Các thuốc kháng vi khuẩn không đem lại kết quả nào cả, và ngày 22 tháng 12 bệnh nhân được chuyển đến khoa truyền nhiễm bệnh viện Kim Ngân Đàm. Sau nhiều tìm kiếm, bác sĩ Ngãi Phân phát hiện bệnh nhân là một người giao hàng tại chợ Hồ Nam (Hua Nan) nổi tiếng với mặt hàng trái cây và thịt động vật hoang dã.
Hình bác sĩ Ngãi Phân đăng trên tạp chí Renwu, ngày 10/3/2020.
Năm ngày sau, bà tiếp nhận một bệnh nhân chừng 40 tuổi bị sốt và khó thở. Sáng ngày 30 tháng 12, bà phát hiện kết quả phân tích như sau: “bị nhiễm virus corona chưa biết, tương tự như virus SARS”. Sau khi gạch dưới bằng mực đỏ kết quả này, bà chụp hình và chia sẻ trên mạng Wechat cho nhóm bác sĩ trong khoa của bà. Một trong những bác sĩ đó là Lý Văn Lượng, một bác sĩ nhãn khoa trẻ tuổi đã góp phần vào việc tiết lộ thông tin cho công chúng, trước khi qua đời vì Covid-19 một tháng sau đó.
BỊ LÃNH ĐẠO TRIỆU TẬP
Trong khoảng thời gian đó, thêm bốn người làm việc ở chợ Hồ Nam phải nhập viện. Vào ngày 1 tháng 1, tổng cộng có bảy bệnh nhân đã mắc phải bệnh viêm phổi bí ẩn có nguồn gốc nhiễm trùng. Bác sĩ Ngãi Phân quyết định đi gặp cấp phụ trách để báo động về giả thuyết có sự lây lan hàng loạt, thâm chí là lây từ người sang người và gợi ý tăng cường bảo vệ các đồng nghiệp. Ban giám đốc bệnh viện triệu tập bà đến trao đổi vào ngày hôm sau.
Theo lời của bác sĩ Ngãi Phân, do phóng viên báo Renwu thuật lại, bà đã bị khiển trách là đã “loan truyền một tin đồn” và phạm phải “một sai lầm chuyên môn chưa từng có và vô cùng nghiêm trọng”. Bà là người đã mang đến tất cả “mọi tai họa”. Nhưng người phụ nữ năm mươi tuổi này lãnh trách nhiệm về những hành động của mình: “Tôi không phải là người tung tin báo động, mà là người đã phát tán tiếng còi báo động.
Ta không biết chính xác những khiển trách từ cuộc nói chuyện này, nhưng bác sĩ Ngãi Phân kể lại những xáo trộn trong cuộc sống của bà: những đêm mất ngủ, sự câm lặng của bà, bệnh nhân ào tới bệnh viện, những đồng nghiệp bị nhiễm do bất cẩn và những đám tang của họ. Bà nhắc đến nỗi hối hận của mình đã im lặng trong hai tuần mấu chốt ấy, thời gian mà Vũ Hán còn hoàn toàn vô tư không lo lắng: “Nếu tôi biết điều gì sẽ xảy ra, lẽ ra tôi phải nói cho mọi người, bất kể những lời khiển trách.
BỊ KIỂM DUYỆT NGAY TRONG NGÀY
Bài báo nhiều trang này chỉ tồn tại chưa đầy mười hai tiếng đồng hồ trên Internet. Nó bị kiểm duyệt ngay ngày hôm đó, vào lúc chủ tịch Tập Cận Bình đến Vũ Hán lần đầu tiên từ khi có dịch. Cư dân mạng Trung Quốc bèn phát động một phong trào né tránh kiểm duyệt với sắc màu của cách mạng kỹ thuật số. Bài báo được dịch và đăng tải bằng tất cả các ngoại ngữ, và cũng bằng lối viết khiến bộ máy an ninh của chính phủ khó dò tìm hơn rất nhiều: chữ tượng hình, chữ braille, biểu tượng cảm xúc, chữ Giáp Cốt (chữ Hán cổ viết trên xương), chữ morse và cả mã phản hồi nhanh QR! Thêm vào đó là một khẩu hiệu yêu sách: “Để cho thế hệ tương lai có thể tự do diễn đạt bằng tiếng Hoa.”
Bản dịch bài báo trên Renwu bằng chữ Giáp Cốt (Jiaguwen, 甲骨文). Chữ viết được sử dụng từ thế kỷ XV đến thế kỷ X trước Công nguyên.
Chúng ta không biết nguyên nhân nào đã khiến bác sĩ Ngãi Phân kể câu chuyện của mình cho phóng viên báo Renwu, vì sau đó cả hai người lẫn bài báo đều nhanh chóng “biến mất”. Tài khoản Weibo của nữ phóng viên bị đóng băng từ ngày 9 tháng 3, và bác sĩ Ngãi Phân không có tin tức cho đến ngày 14 tháng tư, ngày bà xuất hiện trên một băng video ở trước bệnh viện, mặc áo choàng trắng. Với một giọng vui vẻ, bà đã khẳng định: “Tôi ổn và tiếp tục làm việc, các bạn đừng lo lắng”.
PHƯƠNG PHƯƠNG: “TÔi viết ĐỂ CHỐNG LẠI SỰ QUÊN LÃNG”
Người ta không ngớt nghe nói về bà. Phương Phương (方方) là tác giả của nhật ký được viết trong thời gian phong tỏa Vũ Hán. Ngày nay bà là mục tiêu tấn công ưu tiên của những người Trung Quốc theo chủ nghĩa dân tộc từ khi có thông báo sẽ xuất bản “Nhật ký Vũ Hán” của bà bằng tiếng Anh và tiếng Đức.
Những dòng nhật ký của Phương Phương bắt đầu từ ngày 23 tháng 1/2020. Nhà văn nữ 65 tuổi, đã được nhiều giải thưởng ở Trung Quốc, đã quyết định ghi lại tất cả những gì bà nghe được từ những người chung quanh và thấy được qua khung cửa sổ. Theo dòng thời gian, ngòi bút của bà trở thành sự phê phán công khai và sắc bén tệ quan liêu, và bày tỏ lòng trắc ẩn đối với những gia đình có người thân tử vong vì Covid-19. Ngày 17 tháng 2, dịch giả người Mỹ Michael Berry đề nghị với bà dịch ra tiếng Anh. Sau một lần từ chối, cuối cùng bà đã đồng ý.
Nhà văn Phương Phương (方方) (Nguồn: nhật ký Phương Phương)
“Đã có nhiều đề nghị từ các nhà xuất bản Trung Quốc vào tháng ba, nhưng tất cả họ đều từ bỏ ý định xuất bản tập nhật ký của tôi sau khi nhận được nhiều lời đe dọa của phe cực tả Trung Quốc”, bà đã khẳng định như vậy vào ngày 13 tháng 4 trong một cuộc phỏng vấn trên Scholar (một tài khoản công cộng trên Wechat). Bà đã tố cáo một hơi hướng Cách mạng văn hóa trên Internet Trung Quốc”. “Người ta cáo buộc tôi là phản bội và tạo ra các tin đồn, trách tôi đã trao vũ khí cho ngoại bang và có ý định gài bẫy đất nước chúng ta. Cách tôi ghi chép những điều tôi biết về bệnh dịch ở Vũ Hán là khá ôn hòa. Nếu đất nước này không dung thứ ngay cả nhật ký của tôi như một phương thức ngôn luận bình thường thì lúc đó mọi người phải thấy sợ hãi.
“MẢNH ĐẤT màu mỡ CỦA PHE CỰC TẢ TRUNG QUỐC”
Sinh ra ở Nam Kinh, học tập ở Vũ Hán, Phương Phương sống tại thành phố trên 11 triệu dân này từ 60 năm nay. Bà đã làm công nhân, phóng viên rồi nhà văn. Năm 2007, bà được bầu làm chủ tịch của Hội nhà văn tỉnh Hồ Bắc, một chức vụ được nhà nước trả lương. Năm 2016, tiểu thuyết cuối cùng của bà, Sự chôn cất nhẹ nhàng (Ruan mai, 软埋)[1] được xuất bản ở Trung Quốc[2]. Truyện kể về một phụ nữ đã mất hết gia đình trong cải cách ruộng đất những năm 1950. Trong một cuộc phỏng vấn trên New York Times năm 2017, Phương Phương đã phê phán “mảnh đất màu mỡ của phe cực tả Trung Quốc”. Theo bà, một vài người công khai mong muốn có “một cuộc Cách mạng văn hóa mới trên không gian mạng” (络新文革). Lúc đó bà đã tố cáo chủ nghĩa chuyên chế hậu Mao Trạch Đông đang cổ vũ cho một chế độ kiểm duyệt tuyệt đối nhân danh chủ nghĩa dân túy.
ĐE DỌA NHỮNG NGƯỜI ỦNG HỘ NHÀ VĂN
Sự bùng phát những cảm xúc điên cuồng quanh những dòng nhật ký do một tác giả nổi tiếng viết dưới dạng văn học là chưa từng xảy ra ở Trung Quốc. Theo Phương Phương cho biết thì dân chúng trong nước chia làm hai phe. Đối nghịch với đa số thầm lặng đọc đi đọc lại nhật ký của bà như một niềm an ủi sau thảm kịch là một nhóm nhỏ dân cư bị kích động bởi lòng yêu nước quá khích, họ cảm thấy bị phản bội bởi những gì Phương Phương viết ra. Điều này khiến ta nhớ lại vụ án Dreyfus. Những người bảo vệ bà bị đe dọa, như bà Liang Yanping, giáo sư văn chương tại Đại học Hồ Bắc, đã bị chính đại học của bà điều tra, sau khi bà viết một bài báo ủng hộ Phương Phương.
Vào cuối tháng tư, tác giả Phương Phương công bố liên tục nhiều bài báo để làm giảm bớt áp lực. Trong loạt bài mới này với tiêu đề “Về vấn đề”, bà giải thích: “Nếu tôi không viết gì nữa, thì một sự bẩn thỉu sẽ trở thành một vết nhơ không gột rửa được. Tôi không muốn vết nhơ này hằn sâu vào người tôi. Cho những người muốn nghe, và những người không muốn nghe, tôi cầm bút và cố gắng cung cấp cho quý vị những lời giải thích.
Sưu tập nhật ký của Phương, bản dịch tiếng Anh
Trong lúc chờ đợi bản dịch tiếng Pháp (dự định xuất bản vào tháng 9, nhà xuất bản Stock), ta có thể đọc bài báo xuất sắc của nhà Trung Hoa học Brigitte Duzan, và bản dịch rất hay bức thư Phương Phương trả lời một bức thư ẩn danh do nam sinh gửi đến.
YÊU CẦU VÀ KHÁC BIỆT
Những người phụ nữ này, như hàng ngàn phụ nữ khác, tranh đấu chống lại một giám đốc bệnh viện, như những y tá; chống lại một cơ cấu tổ chức công, như Hàn Hồng; chống lại một hệ thống kiểm soát của nhà nước, như Ngãi Phân; và chống lại một ý thức hệ chính trị, như Phương Phương. Lội ngược dòng, những người phụ nữ này dám lên tiếng với những phương tiện đơn sơ có được trong một nước vắng bóng văn hóa thảo luận, tranh luận: bằng cách từ chối đồng lõa với một xã hội quen phục tùng; bằng lòng dũng cảm chỉ ra sự yếu kém và sự sợ hãi trong một nước mà dân chúng phải sống dưới mệnh lệnh hy sinh cho tổ quốc; bằng xu hướng rời xa sự tầm thường và  tỏ rõ những yêu cầu và sự khác biệt; và cuối cùng bằng niềm vui tự thấy mình không phản bội niềm tin của chính mình.
Tamara Lui
Tamara Lui, với sư cộng tác của Patrick Cozette
Về tác giả
Gốc Hồng Kông, cựu phóng viên của hai tờ báo lớn của Hồng Kông, Tamara chuyển qua làm việc trong lãnh vực tư liệu. Chuyên nghiên cứu về người Trung Quốc nhập cư vào Pháp, hiện nay tác giả đang thực hiện các dự án về kinh tế xã hội và kinh tế tương trợ.
Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư




Chú thích:

[1] It was the story of the mother of one of her friends that inspired Fang Fang; she feared being buried directly in the ground, a “soft burial” because the body is flexible without the protection of a coffin. In the region, it was believed that the dead buried in this way, and there were many of them, could not be reincarnated.
https://mychinesebooks.com/soft-burial-novelist-fang-fang-land-reform-china/ (ND).

[2] “Sự chốn cất nhẹ nhàng” của Phương Phương được xuất bản bằng tiếng Pháp năm 2019, nhà xuất bản l’Asiathèque, do Brigitte Duzan et Zhang Xiaoqiu dịch.

Print Friendly and PDF