20.6.20

Khi thống đốc các ngân hàng trung ương săn đuổi những Thiên nga xanh

KHI THỐNG ĐỐC CÁC NGÂN HÀNG TRUNG ƯƠNG SĂN ĐUỔI NHỮNG THIÊN NGA XANH
Vào Tháng 1, Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) đã công bố một bản báo cáo về “Thiên nga xanh”. Đằng sau tiêu đề gây tò mò đó đối với một tài liệu xuất phát, không phải từ một tổ chức của các nhà cầm điểu học, mà từ một định chế quốc tế chuyên về các vấn đề bình ổn tài chính, ẩn giấu một tham chiếu đến thuật ngữ “Thiên nga đen” được Nassim Nicholas Taleb đại chúng hóa trong tác phẩm có cùng tiêu đề.
Từ Thiên nga đen đến Thiên nga xanh
Nassim Nicholas Taleb (1960-)

Điều mà Taleb mô tả về Thiên nga đen (viết hoa để phân biệt với loài chim chân màng) là một sự kiện có ba đặc điểm sau: Đó có vẻ như là một ý kiến lệch lạc vì không có điều gì trong quá khứ chỉ ra, một cách thuyết phục, rằng nó có khả năng xảy ra; tác động của nó là đáng kể; sau đó, chúng ta xây lên một tập hợp những lập luận giải thích sự xuất hiện của nó, cái mà Taleb gọi là tính dự báo có tính hồi cố chứ không phải nhìn về tương lai. Thêm vào đặc tính trên, theo Taleb, là việc chúng ta có xu hướng hành xử như thể những con Thiên nga đen không tồn tại. Đây là trường hợp đặc biệt trong lĩnh vực tài chính, trong đó việc đo lường rủi ro loại trừ khả năng về Thiên nga đen.
Thiên nga xanh chỉ một Thiên nga đen về khí hậu, có nghĩa là những rủi ro tài chính có hệ thống phát nguồn từ khí hậu, mà dữ liệu trong quá khứ không cho chúng ta biết bất cứ điều gì về những sự kiện tài chính cực đoan sắp tới. Tương lai sẽ không là sự tiếp diễn của quá khứ.
Do đó, đây là một cuộc cách mạng thực sự trong quan niệm của chúng ta về rủi ro đang đến, một đứt gãy khoa học luận”, để dùng lại thuật ngữ được sử dụng trong bản báo cáo của ngân hàng BIS. Đối với những nhà kinh tế bị ru ngủ bởi các khái niệm “cân bằng”, “tự điều tiết của các thị trường tài chính”, “hiệu quả”, “tĩnh tại”[*], thì sự thay đổi này thật chóng mặt.
Một cuộc cách mạng tư tưởng
Nếu tính chất gây lo lắng của các viễn cảnh được nêu trong báo cáo đó là điều không thể phủ nhận, thì nó cũng mở ra một con đường hy vọng. Bởi vì nó không ngại phá vỡ những điều cấm kị, cho đến nay, đã thành khối u trong thế giới im ắng của các thống đốc ngân hàng trung ương và cản trở việc thích nghi các chính sách được tiến hành.
Như vậy, bản báo cáo này bảo vệ sự cần thiết phải nghiên cứu các mô hình không cân bằng và khôi phục lại các nghiên cứu tình huống. Nó khẳng định mạnh mẽ sự cấp thiết phải tiến hành những biến đổi sâu sắc trong việc quản trị các hệ thống kinh tế xã hội và tài chính. Nó cũng ủng hộ sự phối hợp chưa từng có trong hành động giữa các ngân hàng trung ương, các chính phủ, khu vực tư nhân và xã hội dân sự, và như thế có vẻ như chôn vùi thực sự sự độc lập bất khả xâm phạm của các ngân hàng trung ương.
Nó cũng chỉ ra những hiệu ứng phân phối của biến đổi khí hậu, diễn ra đồng thời giữa các Nhà nước và trong nội bộ các Nhà nước, với những hậu quả gián tiếp về chính trị xã hội. Chúng ta phải thừa nhận nhu cầu chuyển nhượng bù đắp cho những nước dễ bị tổn thương nhất và bị thiệt thòi nhiều nhất, từ đó củng cố khả năng chấp nhận cuộc chiến chống lại sự biến đổi khí hậu.
Laurence Scialom
Cuối cùng, con Thiên nga xanh này có ý nghĩa lớn hơn nhiều việc tô xanh con Thiên nga đen. Nó minh chứng một sự tăng tốc về nhận thức của các ngân hàng trung ương về nguy cơ biến đổi khí hậu và sự tất yếu phải cách mạng hóa cách suy nghĩ và hành động của họ, thông qua một cách tiếp cận toàn cầu và liên ngành đối với các rủi ro tài chính có tính khí hậu. Tham vọng mới này hoàn toàn chệch hướng với quán tính trong các chính sách của chính phủ, nhưng nên có một hiệu ứng lôi kéo tốt lên các Nhà nước, hy vọng là như vậy.
Giáo sư Kinh tế tại Đại học Paris Nanterre
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Quand les banquiers centraux chassent les Cygnes Verts, Alternatives Economiques, ngày 06/02/2020.




Chú thích:

[*] Nếu một cấu trúc không tiến hóa theo thời gian, thì người ta gọi nó đứng yên/tĩnh tại (dừng).

Print Friendly and PDF