8.6.22

Những nhà nghiên cứu chọn các tạp chí để gửi bài như thế nào?

NHỮNG NHÀ NGHIÊN CỨU CHỌN CÁC TẠP CHÍ ĐỂ GỬI BÀI NHƯ THẾ NÀO?

Tác giả: Bastien Castagneyrol[*]

Thư viện José Vasconcelos ở Mexico. AldoRafa/pixabay

Các nhà nghiên cứu đi tìm, ta tìm thấy họ. Các nhà nghiên cứu tìm thấy… ta cũng tìm thấy họ. Chỉ cần nhìn qua lợi nhuận hàng năm của xuất bản khoa học. Bởi vì tất cả những gì các nhà khoa học tìm thấy đều được ghi trong các bài báo khoa học mà họ viết và gửi cho các tạp chí chuyên môn để đánh giá, công bố, phổ biến và lưu trữ. Thế nhưng, tất cả các tạp chí khoa học không có giá trị như nhau xét về phương diện đánh giá, phổ biến, khả năng truy cập bài báo, về mặt phục vụ tác giả cũng không hơn gì. Những nhà nghiên cứu chọn các tạp chí để gửi bài như thế nào?

Họ đặt ra khá nhiều câu hỏi! Đáng chú ý là: Bài báo của tôi được gửi đến ai? Danh tiếng tạp chí mà tôi nhắm đến là gì? Bài báo của tôi sẽ được đánh giá như thế nào? Những ai có thể đọc bài báo? Và với giá nào đối với tôi và bạn đọc?

Gương mặt kép của các bài báo khoa học

Các bài báo vừa là điểm bắt đầu vừa là điểm kết thúc của nghiên cứu. Bắt đầu, bởi vì mọi công trình khoa học đều dựa trên những tri thức đã được tạo ra trước đây bởi các nhà khoa học khác. Chính là từ việc đọc các bài báo khoa học mà các nhà nghiên cứu thiết lập các giả thuyết và phương pháp nghiên cứu cần thực hiện để thử nghiệm và thảo luận về chúng. Một khi công trình đã được thực hiện và đã đạt được kết quả, thì nên công bố ra. Những kết quả vẫn ở trong quyển sổ của phòng thí nghiệm không phục vụ cho ai cả. Đó là điểm cuối của nghiên cứu: những kết quả nghiên cứu mà nhà nghiên cứu đã đạt được chủ yếu được công bố và lưu trữ qua các bài báo khoa học.

Đó là cách nhìn lý tưởng thế nào là một bài báo khoa học: một viên đá thêm vào tòa nhà tri thức. Nhưng đối với nhà nghiên cứu, một bài báo hàm chứa những chức năng khác: một sự đền đáp cấp trên hay cơ quan đã tài trợ công trình của nhà nghiên cứu, một thành tựu cần được làm nổi bật khi đi tìm việc hay để đạt được những hợp đồng nghiên cứu mới. Điểm này là đặc biệt quan trọng đối với các nghiên cứu sinh tiến sĩ và các nhà nghiên cứu hậu tiến sĩ khi họ muốn nộp hồ sơ xin làm giảng sư đại học hay nghiên cứu viên.

Khả năng hiển thị, tiếp cận… và chi phí

Không phải tất cả các tạp chí đều có giá trị như nhau về tính chặt chẽ và khả năng tiếp cận được. Có một số có uy tín hơn và có một ảnh hưởng truyền thông và học thuật quan trọng. So với các bài báo được công bố trên những tạp chí ít danh tiếng hơn, những bài báo đăng trong những tạp chí có uy tín này thường được đọc và trích dẫn nhiều hơn, đáp lại, điều này gia tăng uy tín của tạp chí và các tác giả của những bài báo này. Những tạp chí được rộng rãi công chúng biết đến là NatureScience.

Trong mỗi chuyên ngành khoa học, có nhiều tạp chí rất đa dạng. Ví dụ, tôi nghiên cứu về những tương tác giữa cây và côn trùng và điều này dẫn đến việc tôi đọc các tạp chí tổng hợp về sinh thái hay những tạp chí chuyên môn hơn về côn trùng học. Để công bố, trước tiên tôi kiểm chứng sự phù hợp giữa chủ đề của bài báo của tôi và những chủ đề bao gồm trong tạp chí, được xác định rõ trên trang web của tạp chí.

Hãy tức thì loại bỏ mọi hiểu lầm: công chúng của các tạp chí không phải là một thước đo phản ánh chất lượng khoa học của các bài báo mà tạp chí công bố, và có một số tạp chí cực kỳ chuyên sâu, mặc dù có một công chúng hạn chế, công bố những bài báo xuất sắc trong chuyên ngành của họ. Nhưng vì người ta viết để được đọc, quy mô của công chúng là một trong những tiêu chí để lựa chọn một tạp chí. Đối với hai tạp chí công bố các bài báo trong cùng một lĩnh vực, sẽ là bình thường khi tự hỏi tạp chí nào sẽ trình làng tốt nhất bài báo của tôi cho các thành viên của cộng đồng khoa học của tôi?”. Nhưng tiêu chí này có thể được cân đối bởi vấn đề chi phí và đạo đức.

Xuất bản một tạp chí khoa học có một chí phí gắn với cơ sở hạ tầng của lưu trữ và phổ biến các bài báo, cũng như gắn với lương của những người điều phối công việc biên tập, kể cả trong thời đại kỹ thuật số. Ai trả tiền? Theo truyền thống, các cơ quan nghiên cứu đặt mua các tạp chí, giúp cho các nghiên cứu viên của họ đọc được những bài báo công bố trong các lĩnh vực chuyên môn của họ. Các nhà nghiên cứu (hay đúng hơn là các cơ quan nghiên cứu) đọc và trả tiền. Nhưng để thu thập thông tin, một nhà khoa học phải tiếp cận được một khối đa dạng các tạp chí khiến cho chi phí đặt mua báo trở nên quá cao, không mua được.

Đọc thêm: Khi các nhà nghiên cứu được giải phóng khỏi các tạp chí khoa học có chi phí cao thái quá - Quand les chercheurs se libèrent des revues scientifiques au coût exorbitant

Hơn nữa, vì nghiên cứu khoa học là cho rộng rãi công chúng, các công dân mong muốn một cách chính đáng được tiếp cận tự do với các kết quả nghiên cứu mà họ có tài trợ một phần. Điều này đã dẫn đến sự phát triển một mô hình công bố là truy cập tự do (open access), có thể tham khảo miễn phí các bài báo được các tạp chí công bố. Việc truy cập tự do này thường có điều kiện là các tác giả phải trả chi phí công bố (thông qua cơ quan nghiên cứu của họ). Mô hình “tác giả trả tiền” dần dần thắng thế so với mô hình “độc giả trả tiền”. Như vậy, kể từ năm 2020, các nhà nghiên cứu hưởng trợ cấp của Liên minh châu Âu có nghĩa vụ phải công bố các bài báo cho truy cập tự do. Thế nhưng điều này thường có một chi phí, thường là khoảng 1500 euro cho mỗi bài báo, nhưng có khi lên đến 4500 euro.

Việc cung cấp miễn phí các kết quả nghiên cứu là đáng khen ngợi nhưng việc tiền tệ hóa nó là có vấn đề. Các tạp chí có thể bị cám dỗ để chấp nhận nhiều bài báo hơn, kể cả những bài có chất lượng khoa học không tốt lắm, và các nhà nghiên cứu chấp nhận trả tiền để “thổi phồng” lý lịch của họ. Những nghi ngờ này không nhất thiết là chính đáng nhưng chúng đè nặng lên sự tin cậy đối với những kết quả được công bố trên các tạp chí được tài trợ bởi các tác giả của các bài báo.

Một số tạp chí (PLOS, BMC, Frontiers in…, Scientific reports, Science Advances), được xuất bản bởi các nhà xuất bản thương mại lớn hay các công ty không vì mục đích lợi nhuận, đã chọn cho truy cập toàn bộ các bài báo mà họ xuất bản. Lúc đó thu nhập của họ chỉ tùy thuộc duy nhất vào chi phí công bố mà các cơ quan nghiên cứu chi trả.

Cùng lúc, một số tạp chí khác đã thiết lập một hệ thống hỗn hợp: các bài báo vẫn được truy cập theo đơn đặt mua, nhưng các tác giả có thể chọn trả tiền để bài báo của họ có thể được tham khảo tự do không cần đặt mua. Khi đó, các tác giả được hưởng lợi từ uy tín của tạp chí, đồng thời tuân thủ các quy tắc do châu Âu áp đặt. Nhưng các cơ quan vừa trả phí đặt mua báo vừa trả phí cho truy cập tự do bài báo. Ta có thể nhíu mày bất bình về điều này.

Sau vấn đề hiển thị bài báo lại đặt ra vấn đề chi phí và sự tin cậy mà cộng đồng dành cho bài báo, nhưng còn là vấn đề ngầm bảo chứng cho một mô hình kinh tế trong đó người sản xuất ra hàng hóa (nhà nghiên cứu và cơ quan sử dụng họ) cũng là người chi trả để bảo đảm việc truy cập (phí đặt mua báo hay phí công bố bài báo).

Đọc thêm: Podcast: ba câu hỏi về “truy cập tự do” các nội dung kỹ thuật số. - Podcast: Trois questions sur le “libre accès” aux contenus numériques

Những sáng kiến phản truyền thống nhưng có đạo đức

Để điều chỉnh những lệch hướng của hệ thống hiện tại, đã xuất hiện nhiều sáng kiến khác nhau. Internet cung cấp những công cụ miễn phí để công bố trên các trang web, điều này tạo điều kiện cho những công bố trên quy mô lớn với chi phí vô cùng thấp. Hơn nữa, ngày càng phổ biến là những bài báo thô chưa được đánh giá (gọi là preprintsbản thảo) được các nhà nghiên cứu trực tiếp tải vào các kho lưu trữ mở arXiv.org hay bioRxiv.org, điều này làm cho các kết quả nghiên cứu được nhanh chóng đưa vào sử dụng miễn phí. Nhưng khác với những bài báo được công bố trên các tạp chí truyền thống, các bản thảo chưa phải là hệ thống bình duyệt (peer review) bao gồm việc đánh giá độc lập một bài báo bởi hai (hay nhiều hơn nữa!) chuyên gia về chủ đề trước khi được công bố.

Nhiều dự án khác nhau về đánh giá các bản thảo này đã ra đời, ví dụ như Peer Community in liên kết các “cộng đồng bình duyệt” để đánh giá và khuyến nghị các bản thảo trong lĩnh vực chuyên môn khoa học của họ. Các báo cáo, khuyến nghị, đăng nhập kỹ thuật số những phiên bản kế tiếp nhau của các bản thảo, cũng như những trao đổi thư từ với các tác giả đều được hiển thị miễn phí cho độc giả. Hệ thống này có phần tương tự các tạp chí khoa học trực tuyến mở (épirevues - overlay journal) dựa trên việc sử dụng lại các bài báo truy cập tự do có sẵn.

Những sáng kiến có đạo đức này chỉ đánh giá chất lượng khoa học các bài báo chứ không bàn về tiềm năng hiển thị của chúng; chúng đi ngược lại truyền thống nhưng không hưởng lợi từ danh tiếng có thể có của một vài tạp chí. Điều đó có thể kìm hãm việc phổ biến chúng trong cộng đồng khoa học.

Đọc thêm: “Truy cập mở” đối với các tạp chí khoa học: cần có nhiều mô hình - “Open access” pour les revues scientifiques: il faut plusieurs modèles

Nghiên cứu, đó là khoa học, nhưng không chỉ là (khoa học)

Chúng ta hãy tóm tắt: sự lựa chọn tạp chí là điều kiện ràng buộc vừa sự hiển thị vừa việc sử dụng bài báo trong tương lai, cũng như sự nghiệp của các tác giả. Nhà nghiên cứu khi nộp một bài báo mang một trách nhiệm dưới ba khía cạnh: một trách nhiệm khoa học liên quan đến nội dung của bài báo, một trách nhiệm về con người và xã hội đối với các đồng tác giả (họ có thể đang trong tình trạng nghề nghiệp bấp bênh), và một trách nhiệm xã hội liên quan đến việc sử dụng các công quỹ được cấp cho nghiên cứu.

Trước khi viết và nộp bài báo cho một tạp chí, nhà nghiên cứu đặt ra cho mình một loạt các câu hỏi xuất phát từ nội dung của nghiên cứu nhưng cũng là từ những người nghiên cứu nó.

Về nội dung:

·         Bài báo của tôi nói về điều gì?

·         Ai quan tâm đến nó?

·         Trên tạp chí nào thì nó có cơ may nhiều nhất được đọc và sử dụng bởi các thành viên của cộng đồng khoa học của tôi?

Bastien Castagneyrol

Về hành động:

·         Ai có thể truy cập bài báo của tôi?

·         Chi phí cho công bố/phát hành là bao nhiêu?

·         Ai chi trả?

·         Thời hạn là bao lâu trước khi bài báo của tôi có thể được đọc và trích dẫn?

·         Mức độ uy tín của tạp chí ra sao?

·         Những đồng tác giả của tôi là ai?

Sự lựa chọn không phải là vô hại, cũng không hiển nhiên. Trả lời các câu hỏi này là ít nhiều quan trọng tùy theo ngành, tùy theo các nhà nghiên cứu và tùy theo sự thăng tiến nghề nghiệp của họ. Mỗi sự lựa chọn đều có thể biện minh được, miễn là nó được suy nghĩ cẩn thận và tự giác. Nhưng cũng không cấm tìm cách thúc đẩy sự tiến triển của những suy nghĩ và hành động tiến tới một hệ thống công bố có đạo đức hơn.

Người dịch: Thái Thị Ngọc Dư

Nguồn:Comment les chercheurs choisissent les journaux auxquels ils soumettent leurs articles”, The Conversation, 19.02.2020.




Chú thích:

[*] Nhà Nghiên cứu về sinh thái, INRAE (Institut national de recherche pour l’agriculture, l’alimentation et l’environnement – Viện nghiên cứu quốc gia về nông nghiệp, thực phẩm và môi trường - Pháp)

Print Friendly and PDF