24.6.22

Internet, công nghệ quyền lực trong một thế giới bị xâu xé bởi chiến tranh (mạng)

INTERNET, CÔNG NGHỆ QUYỀN LỰC TRONG MỘT THẾ GIỚI BỊ XÂU XÉ BỞI CHIẾN TRANH (MẠNG)

Ksenia Ermoshina và Francesca Musiani

Cuộc xung đột Nga-Ukraine đặt lại từ đầu một số vấn đề quan trọng về việc kiểm soát và giám sát Internet. Giữa việc bảo mật dữ liệu, “nhu cầu kết nối” và việc tìm kiếm các công cụ kỹ thuật số thay thế, những phản kháng tương tự về kỹ thuật số đang xuất hiện ở Ukraine và Nga để tự bảo vệ trước một kho vũ khí lập pháp và kỹ thuật áp đảo.

Trong nhiều năm qua, chúng tôi đã nghiên cứu các kiến trúc và cơ sở hạ tầng của Internet như một công cụ quản trị, tức là cách thức sử dụng công nghệ, những công nghệ tạo điều kiện cho sự tương tác trực tuyến và sự kết nối với mạng toàn cầu, hoặc thậm chí hợp tác, bởi các tác nhân thuộc khu vực nhà nước và khu vực tư nhân, vì nhiều mục đích chính trị khác nhau.

Trong vài năm qua, đặc biệt trong khuôn khổ của dự án ResisTIC, Nga là một trường hợp nghiên cứu đặc biệt mang tính kích thích, bởi tính đặc thù của chế độ này và bởi nó giúp nhận diện và phân tích một số xu hướng rộng lớn hơn, liên quan đến vấn đề chủ quyền kỹ thuật số, giám sát hoặc quản trị Internet.

Bài viết này sẽ giúp làm rõ kho vũ khí lập pháp và kỹ thuật được Nga triển khai, trong suốt thập kỷ qua, để củng cố chủ quyền và độc lập về kỹ thuật số của nước này, đồng thời liên kết các thách thức này với bối cảnh hiện tại của cuộc chiến ở Ukraine.

Kho vũ khí lập pháp và kỹ thuật lúc nào cũng uy lực

Trong thập kỷ đầu của thế kỷ XXI, được đặc trưng bởi các cấp độ tự do tương đối cao trong đổi mới kỹ thuật số, người sử dụng hầu như không thể nhìn thấy những ràng buộc kỹ thuật của việc xây dựng mạng Internet Nga (RuNet). Tuy nhiên, kể từ đầu những năm 2010, những quy định ngày càng nghiêm ngặt của chính phủ đã làm cho các ràng buộc đó trở nên càng rõ rệt hơn. Đặc biệt, Roskomnadzor (RKN), cơ quan kiểm soát truyền thông của chính phủ liên bang, đã cho thấy thẩm quyền và phạm vi [kiểm soát] của họ được nhanh chóng mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác, như kiểm soát các nội dung đăng nhập trực tuyến, quyền chặn các trang web, và đưa vào “danh sách đen” các trang web bị chặn, với một quyền lực kiểm duyệt ngày càng tăng cao. Quyền kiểm soát của RKN dựa trên một mạng lưới rộng lớn các mối quan hệ và hợp tác với nhiều tác nhân, những người đảm bảo sự vận hành của Internet và đề xuất các giải pháp kết nối cho người dùng mạng (các nhà cung cấp dịch vụ truy cập, các điểm trung chuyển Internet hay IXP [Internet Exchange Point], các máy chủ, chủ sở hữu các công ty kỹ thuật số…).

Kịch bản này đã dẫn đến một cách gọi đặc biệt và cụ thể của Nga về nhãn “chủ quyền kỹ thuật số”, vốn đã tồn tại trong suốt thập kỷ qua: quả vậy, giới chức trách Nga đang tích cực theo đuổi một chiến lược về chủ quyền kỹ thuật số, tập trung vào việc tự chủ hóa và “chủ quyền hóa” RuNet thông qua việc áp dụng các luật mới, để chống lại ảnh hưởng và các tác nhân nước ngoài, cũng như các thiết bị và ứng dụng của họ.

Có hai văn bản đặc biệt minh họa cho xu hướng này: luật được gọi là “chủ quyền Internet” (được gọi một cách chính thức là 90 FZ), được thông qua vào năm 2019, và cái gọi là luật “chống lại Apple” (được gọi một cách chính thức là 425 FZ), được thông qua vào năm 2020. Luật thứ nhất giao cho chính phủ quyền đảm bảo hoạt động ổn định của các cơ sở hạ tầng quan trọng, bằng cách kiểm soát các điểm trung chuyển Internet, tất cả các hệ thống mạng tự chủ và hệ thống các tên miền quốc gia ru. và рф. Luật cũng quy định việc triển khai quyền kiểm soát của nhà nước đối với lưu lượng Internet lưu thông bên ngoài biên giới nước Nga, thông qua một cơ sở hạ tầng (giải pháp theo kiểu Deep Packet Inspection [DPI, Phân tích sâu gói dữ liệu]), đảm bảo quá trình định tuyến các gói dữ liệu trong trường hợp không thể kết nối với các máy chủ nước ngoài. Luật thứ hai yêu cầu các nhà sản xuất phần cứng nước ngoài phải cài đặt trước phần mềm “sản xuất tại Nga” trên các thiết bị điện tử được bán tại Nga, kể từ ngày 1 tháng 4 năm 2021, và đã vấp phải sự phản ứng bất lợi từ các thương hiệu lớn về thiết bị kỹ thuật số, trong đó có Microsoft và Intel, cũng như Apple.

Ukraine, cuộc xâm lược làm xáo trộn thế giới (kỹ thuật số)

Vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, các lực lượng vũ trang của Liên bang Nga đã xâm lược Ukraine, và chiến tranh đã hoành hành trên lãnh thổ Ukraine kể từ đó. Trong bối cảnh lo lắng sâu sắc đến sự an toàn của những người thân và đồng nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các sự kiện, và nói rộng hơn, cho tương lai của người dân Ukraine, Nga, châu Âu và của thế giới, các “bộ óc học thuật” của chúng ta vẫn đang miệt mài làm việc. Khi chiến tranh vẫn đang tiến triển, chúng ta đang thấy nổ ra rất nhiều chiến trường xoay quanh vấn đề thông tin sai lệch trực tuyến, an ninh mạng và cơ sở hạ tầng truyền thông, vốn là một phần mấu chốt của cuộc xung đột và đã gắn liền, từ rất lâu, với các “mối quan tâm về kỹ thuật số”.

Edward Snowden (1983-)

Ví dụ, từ lâu đã có các cuộc tranh luận, trên các đấu trường quản trị Internet, về quyền riêng tư liên quan đến sự phụ thuộc ngày càng tăng của chúng ta vào công nghệ kỹ thuật số, vốn đã bị đặc biệt chính trị hóa tiếp sau những tiết lộ của Snowden. Một điểm nhấn đặc biệt khác là về các công nghệ mã hóa. Các công nghệ này cho phép mã hóa thông tin, bằng cách chuyển đổi dạng trình bày gốc thành các dạng trình bày thay thế khác, mà các máy tính hiện đại cũng bất lực trong việc bẻ khóa, đảm bảo tính an toàn của thông tin liên lạc. Các công nghệ này cũng là tâm điểm của một cuộc tranh cãi công khai, trong đó những người ủng hộ quyền riêng tư đụng độ với những người cho rằng mã hóa là mối đe dọa đối với an ninh chung, do nó tạo điều kiện cho chủ nghĩa khủng bố và các hình thái lật đổ khác tồn tại.

Cuộc chiến ở Ukraine còn gây sức ép nhiều hơn trong việc trả lời cho câu hỏi, đã tồn tại từ lâu, được đặt ra bởi các công nghệ mã hóa “trong xã hội” càng trở nên cấp thiết: trong thời chiến, vai trò của công nghệ mã hóa và bảo vệ quyền riêng tư là gì? Cuộc xung đột vũ trang có đặt lại vấn đề các mô hình đang đe dọa hiện nay như thế nào? Những rủi ro mới đối với xã hội dân sự là gì? Và liệu công nghệ mã hóa có thực sự cứu được tính mạng con người hay không?

Cuộc xâm lược của Nga đang diễn ra ở Ukraine cũng là một “cuộc chiến tranh mạng”. Nó có tác động rất lớn đến không gian mạng của Nga và của Ukraine ở nhiều cấp độ, từ những điều chỉnh to lớn về luật pháp Internet và các biện pháp trừng phạt quốc tế đến các cơ sở hạ tầng vật chất bị hư hại nặng nề bởi các chiến dịch quân sự; từ các cuộc tấn công mạng quy mô ồ ạt nhắm vào các cơ quan chính phủ cho đến các chiến dịch thông tin sai lệch do Nhà nước tiến hành, để nắm quyền kiểm soát các mạng truyền thông xã hội của Nga.

Tiếp sau luật được ban hành vào năm 2019, nhằm phát triển sâu rộng “chủ quyền Internet” ở Nga, giờ đây cơ quan giám sát RKN đang nắm trong tay một bộ kích hoạt có thể làm chậm đáng kể và chặn một phần Twitter, YouTube và Facebook (cái gọi là hệ thống “TSPU”: Tehnicheskiye Sredstva Protivostoyaniya Ugrozam, hay “phương tiện kỹ thuật để chống lại các mối đe dọa”). Các hệ thống mới của DPI [Deep Packet Inspection, Phân tích sâu các gói dữ liệu], đã được cài đặt trên phần lớn các mạng của Nga, được sử dụng để làm chậm và/hoặc chặn Facebook, Instagram và Twitter cũng như các phương tiện truyền thông độc lập, nhằm nắm quyền kiểm soát tường thuật về cuộc xung đột đang diễn ra, mà Nhà nước Nga vẫn từ chối gọi là một cuộc chiến tranh. Với hệ thống này, người dân Nga chính thức bị cắt khỏi các nguồn và dịch vụ thông tin lớn của nước ngoài.

Các lệnh trừng phạt quốc tế cũng đã tác động mạnh đến không gian mạng của Nga. Một hiệu quả không mong đợi của các lệnh trừng phạt này, vốn khá có lợi cho xã hội dân sự Nga, liên quan đến các công cụ kỹ thuật về kiểm duyệt và giám sát. Đặc biệt, với sự ra đi của các nhà sản xuất lớn như Cisco, Mikrotik, Huawei hay Nokia khỏi thị trường Nga, các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP, Internet Service Providers) của Nga không có khả năng tuân thủ các luật hiện hành về lưu trữ hoặc kiểm tra lưu lượng truy cập của người dùng mạng. Do đó, dự án chủ quyền RuNet bị đặt thành vấn đề, vì các lệnh trừng phạt đã cho thấy sự phụ thuộc sâu sắc của cái gọi là hệ thống kiểm soát thông tin “Nga” vào các nhà sản xuất quốc tế.

Nhưng hậu quả lớn thứ hai của các lệnh trừng phạt kỹ thuật số chống lại Nga hiện cũng là một chủ đề tranh luận trong nội bộ cộng đồng những người bảo vệ các quyền và tự do kỹ thuật số (từ các tổ chức phi chính phủ địa phương của Nga như Roscomsvoboda hay OZI, đến các tổ chức phi chính phủ quốc tế nổi tiếng như AccessNow). Thật vậy, việc một số công ty kỹ thuật số (như các nhà khai thác lớn Cogent hay Lumen) quyết định không cung cấp dịch vụ cho người Nga nữa có tác động khá tiêu cực, bởi vì điều đó càng khiến cho người dân Nga khó tiếp cận hơn với những thông tin ít nhiều mang tính khách quan.

Nhiều hành động phản kháng kỹ thuật số

Trong thời chiến, nhu cầu kết nối là vấn đề ưu tiên hơn cả an ninh. Các nghiên cứu thực địa hiện tại của chúng tôi cho thấy, trong bối cảnh không ổn định của cơ sở hạ tầng vật chất Internet, người dùng Internet đã viện đến các phương thức kết nối cũ hơn (và có vẻ mạnh hơn), trong đó có SMS [Short Message Services, Dịch vụ nhắn tin ngắn] và các cuộc gọi thoại không mã hóa.

Ở Nga, hoạt động hiệu quả của các dịch vụ thông tin liên lạc bị đe dọa không phải bởi bom đạn mà bởi các biện pháp lập pháp mới được áp dụng trong khuôn khổ “kiểm duyệt thời chiến”: chặn Facebook và Instagram; đe dọa chặn các dịch vụ của Google và YouTube. Ngoài ra, bất kỳ hoạt động tuyên truyền phản chiến nào cũng bị mạnh tay đàn áp, và các nhà hoạt động phong trào bị theo dõi và truy tố. Do đó, việc sử dụng các kỹ thuật mã hóa ngày càng tăng, cũng như việc sử dụng các giải pháp né tránh và ẩn danh theo kiểu mạng riêng ảo (VPN, Virtual Private Network) và Tor [The Onion Router, giao thức phân tuyến kiểu củ hành].

Các thói quen tự vệ kỹ thuật số mới này đang lan rộng ra ngoài phạm vi của các nhóm hoạt động phong trào. Như chúng tôi đã chứng minh trong các công trình trước đây của mình, đó là rủi ro mang tính quan hệ; toàn bộ các gia đình đều bắt đầu sử dụng các dịch vụ nhắn tin có mã hóa như Telegram hoặc mạng VPN để giữ liên lạc với nhau, khi có một thành viên trong gia đình tham gia các hoạt động phản chiến.

Bất chấp sự mập mờ về danh tiếng và các thủ tục mã hóa đáng ngờ, nền tảng nhắn tin Telegram đã trở thành công cụ giao tiếp chính của người Nga và người Ukraine. Đôi khi được gọi là mạng “không thể chặn”, Telegram không chỉ được sử dụng để phổ biến các thông tin ít nhiều mang tính độc lập và các tư liệu video và ảnh trực tiếp về cuộc chiến, mà còn là công cụ chính để người Ukraine phối hợp với nhau trong các tình huống khẩn cấp, và để một số người Nga tổ chức các hành động phản chiến và phối hợp hoạt động hỗ trợ cho các nhà hoạt động phong trào bị bắt giữ.

Tuy nhiên, Telegram cũng đóng vai trò như một công cụ tố cáo và “cảnh giác mạng”: đã có nhiều kênh ẩn danh công bố hình ảnh và dữ liệu cá nhân của những kẻ bị cáo buộc là “phản bội quốc gia” (các nhà hoạt động phong trào phản chiến Nga). Ngược lại, đã có nhiều kênh khác được tạo ra để tố cáo những “kẻ phát-xít Nga” (những người chia sẻ các quan điểm ủng hộ chiến tranh).

Động năng của chiến tranh cũng cho thấy những rủi ro mới, tác động đến việc người dùng mạng lựa chọn các công cụ thông tin liên lạc. Các công dân Ukraine và các nhà hoạt động phong trào phản chiến Nga, mặc dù có nhiều khác biệt hiển nhiên, nhưng đều chia sẻ cùng một mô hình mối đe dọa (tức là nhận diện kẻ thù hoặc những người không thân thiện tiềm ẩn, và các chiến lược giảm thiểu đe dọa có thể xảy ra), rất cụ thể trong tình hình chiến tranh: việc Internet bị cắt cục bộ hoặc toàn bộ. Ở Ukraine, sự kết nối mạng này bị gián đoạn chủ yếu bởi các thiệt hại vật chất do các chiến dịch quân sự gây ra đối với cáp quang hoặc đối với các cột ăng-ten chuyển tiếp. Ở Nga, các vụ ngắt kết nối mạng này được phối hợp và dàn dựng từ trên xuống dưới, đặc biệt thông qua hệ thống TSPU.

Bối cảnh mới này đã khiến người Nga và người Ukraine phải tìm kiếm các công cụ thay thế, có thể tin được, ngay cả khi “Internet bình thường” không hoạt động. Triển vọng bị mất tín hiệu hoàn toàn hoặc một phần có nghĩa là người dùng mạng đang chuyển sang sử dụng các giao thức và công cụ cũ hơn, chẳng hạn như dịch vụ SMS [nhắn tin ngắn] và các cuộc gọi điện thoại thông thường, cũng như email. Người Ukraine gọi điện và nhắn tin cho những người thân đang bị phong tỏa trong các hầm trú bom nhiều ngày mà không có Internet, trong khi các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) của Ukraine làm việc, một cách dũng cảm, để sửa chữa và bảo trì các cơ sở hạ tầng và đưa Internet đến tận các boongke. Các phương tiện truyền thông đối lập ở Nga đang quay trở lại với các phương sách gửi thư khá “cũ kỹ” để chia sẻ thông tin về cuộc chiến, do các trang web của họ đã chính thức bị chặn. Đối với phần lớn những người sống trong bối cảnh thời chiến, việc kết nối mạng thường trở thành vấn đề ưu tiên lớn hơn so với vấn đề an ninh (tốt hơn là có thông tin liên lạc không được bảo vệ, còn hơn là không có thông tin liên lạc nào cả).

Tuy nhiên, những người dùng mạng có hiểu biết nhiều về kỹ thuật đã khởi động một cuộc di cư kỹ thuật số, có lời khuyên nên sử dụng nhiều hệ thống nhắn tin khác nhau, có mã hóa phi tập trung hoặc liên kết – chẳng hạn như Briar, Matrix hoặc Delta Chat. Thật vậy, kiến trúc kỹ thuật của các dịch vụ Internet từ nay đang là tâm điểm các cuộc tranh luận liên quan đến công nghệ kỹ thuật số, đặc biệt với sự chỉ trích đối với GAFAM và mô hình kinh doanh của họ dựa trên việc trích xuất dữ liệu của người dùng mạng. Nhất là đối với người Nga, việc phụ thuộc vào các giải pháp tập trung là điều không mong muốn, vì chúng hóa ra dễ bị chặn hơn và có ít biện pháp bảo vệ hơn về mặt siêu dữ liệu.

Khi đi tìm một quyền tự chủ thông tin cao hơn, một giải pháp kết nối mạng tốt hơn và một quyền kiểm soát nhiều hơn đối với dữ liệu, một số người dùng Internet đang tìm những giải pháp thay thế cho các nền tảng tập trung và chọn các giải pháp phi tập trung, tự lưu trữ hoặc được tập thể các máy chủ độc lập lưu giữ, vốn coi trọng tính minh bạch của thuật toán và biện pháp bảo vệ dữ liệu của những người dùng mạng của họ. Các thiết bị liên kết hoặc phi tập trung cung cấp một giải pháp khả thi cho vấn đề hiệu ứng silo (tức là sự bất khả trong tương tác giữa nhiều công cụ nhắn tin khác nhau, hoặc chuyển từ ứng dụng này sang ứng dụng khác) bằng cách cho phép trao đổi thông tin giữa rất nhiều phiên bản hoặc máy chủ khác nhau, mà không buộc người dùng mạng phải hội tụ trên một máy chủ duy nhất.

Các hệ thống ứng dụng nhắn tin như Briar, Matrix hoặc Delta Chat cung cấp khả năng sử dụng các giải pháp liên kết hoặc phi tập trung, bằng cách tích hợp các tính năng mã hóa và bảo mật mới nhất, do đó đảm bảo không chỉ bảo vệ nội dung các tin nhắn, mà còn đảm bảo quyền tự do lựa chọn các máy chủ, khả năng chống chọi đối với các biện pháp ngăn chặn có thể có, bảo vệ tốt nhất tính ẩn danh và các siêu dữ liệu. Trong bối cảnh kiểm soát tập trung, giống như biện pháp mà Nhà nước Nga đang áp dụng, các hệ thống ứng dụng nhắn tin nói trên là một phương tiện quan trọng để “kháng cự bằng cơ sở hạ tầng”.

Do đó, đã có hai giải pháp cung cấp dịch vụ trao đổi thông tin “khẩn cấp” được tổ chức phi chính phủ Canada eQualit.ie và những người đam mê công nghệ ở địa phương triển khai: một ở Ukraine (được gọi là dComms, cung cấp các máy chủ an toàn tại tám thành phố, bao gồm Kyiv, Lviv, Kharkiv và Odessa), và một ở Nga (được gọi là Chatv3, cung cấp các máy chủ ở tám thành phố, bao gồm Moscow, St. Petersburg, Yekaterinburg và Samara). Những máy chủ cung cấp các dịch vụ nhắn tin có cài đặt trước, như Matrix và Delta Chat, và cung cấp các ứng dụng né tránh kiểm duyệt (chẳng hạn như trình duyệt CENO) được cấu hình sao cho có thể giữ được liên lạc với những người dùng mạng trong cùng một thành phố ngay cả khi Internet bị cắt.

Các đối xứng xuyên biên giới, một cách nhìn về tự do

Quan sát đời sống kỹ thuật số của người Nga và người Ukraine cho thấy có sự đối xứng mà, dưới ánh sáng của chiến tranh, có vẻ đáng ngạc nhiên. Các cuộc phỏng vấn trước đây mà chúng tôi đã thực hiện với các nhà báo và các nhà hoạt động phong trào đối lập Nga, cũng như với những người đào tạo về an ninh kỹ thuật số của Ukraine, đã tiết lộ cho thấy một cách nhìn về thế giới rất giống nhau, các nhóm người này thường sử dụng những công nghệ giống nhau để tự bảo vệ trước những đối thủ rất giống nhau.

Họ cũng chia sẻ các phương pháp, chẳng hạn như việc phát triển “mô hình mối đe dọa”: các công cụ, chẳng hạn như mô hình hóa mối đe dọa và đánh giá rủi ro đã được triển khai cụ thể khi phát triển hoặc lựa chọn các hệ thống nhắn tin có mã hóa, để nhận diện những người mà người dùng mạng cần tự bảo vệ, hoặc để phân tích khả năng xảy ra một mối đe dọa. Cuối cùng, các nhóm người này cũng chia sẻ một tầm nhìn: đó là cách nhìn về một thế giới, nơi mà sự độc lập của các nước được tôn trọng, nơi mà quyền tự do trao đổi thông tin được đảm bảo, và nơi mà quyền riêng tư được bảo vệ. Điều này có vẻ đáng ngạc nhiên, nhưng việc trao đổi kinh nghiệm vẫn tiếp tục diễn ra giữa các chuyên gia về an ninh kỹ thuật số của Ukraine và của Nga, bởi vì hai cộng đồng này chia sẻ cùng một mục tiêu chung: cứu người, chấm dứt chiến tranh, và chống lại chế độ độc tài của Nga vốn ở đầu nguồn của cuộc chiến tranh này.

Mặc dù – và cần nhớ rõ điều đó – cuộc xung đột Nga-Ukraine đã kéo dài từ tám năm qua, nhưng giai đoạn đang mở ra và thậm chí chắc chắn còn mãnh liệt hơn kể từ đây, đang đặt ra những thách thức mới đối với xã hội và đối với các nhà công nghệ đang đấu tranh và làm việc để bảo vệ các quyền và tự do về kỹ thuật số của chúng ta. Mối quan hệ giữa con người với các công cụ kỹ thuật số hơn bao giờ hết không chỉ là vấn đề về quyền tự do, mà còn là vấn đề liên quan đến việc bảo toàn mạng sống của con người.

Chú thích của ban biên tập: Ksenia Ermoshina và Francesca Musiani là hai tác giả nữ đã xuất bản, gần đây, cuốn Concealing for Freedom: The Making of Encryption, Secure Messaging and Digital Liberties [Tự do giấu mặt: mã hóa, nhắn tin an toàn và các quyền tự do kỹ thuật số], NXB Mattering Press.

Ksenia Ermoshina

Nhà kinh tế xã hội học, nhà nghiên cứu tại CNRS

Francesca Musiani

Nhà kinh tế xã hội học, Phó giám đốc Trung tâm Internet và Xã hội thuộc CNRS [Centre National de la Recherche Scientifique]

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Internet, technologie de puissance dans un monde déchiré par la (cyber-)guerre, AOC, ngày 18/05/2022

----

Bài có liên quan:

Print Friendly and PDF