18.6.22

Chiến tranh giành độc lập của người Ukraine và các biên giới của thế giới

CHIẾN TRANH GIÀNH ĐỘC LẬP CỦA NGƯỜI UKRAINE VÀ CÁC BIÊN GIỚI CỦA THẾ GIỚI

Kể từ ngày 24 tháng 2, châu Âu lâm vào chiến tranh, một cuộc chiến tranh cục bộ-toàn cầu kiểu mới, bị kẹt trong biên giới của các đế chế đang khủng hoảng và những cấu trúc địa-sinh thái hay thay đổi.

Etienne Balibar[*]

Tôi muốn cố gắng giữ các bộ của trí tưởng tượng, thực tại và sự tượng trưng lại với nhau. Thật không dễ dàng trong thời gian ngắn như vậy. Thật ra, tự nó điều này đã không phải là dễ dàng. Bởi vì ta phải xem xét mọi thứ từ nhiều quan điểm sẽ không bao giờ khớp nhau với một ý tưởng duy nhất.

Hãy bắt đầu với các đặc điểm của cuộc chiến Ukraine, sự bùng phát bạo lực cực đoan. Chúng ta thường nghe nói rằng cuộc chiến hiện tại đang làm cho một thứ gì đó trở lại, một thứ gì đó mà chúng ta nghĩ là đã xua đuổi được, một sự tàn bạo đã biến mất khỏi chân trời châu Âu kể từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc. Điều này đúng ở một khía cạnh nào đó, quan trọng nhất là hiện tượng di dời dân cư hàng loạt, không thể tách rời với thực tế của những tội ác quy mô lớn chống lại loài người được thực hiện ngày này qua ngày khác. Điều này không đúng theo quan điểm về bản chất của bạo lực được gây ra, mà ta đã thấy sự tương đương hay tệ hơn nữa, trong các cuộc chiến tranh ở Nam Tư những năm 1990, mà lương tâm tập thể của chúng ta đã sắp vào một cái lồng thú vật tưởng tượng, rồi vội quên. Và mặt khác, đó là một cách để cô lập châu Âu và người châu Âu khỏi lịch sử thế giới, nơi mà họ đã liên tục can thiệp, kể cả mang chiến tranh đến đó hoặc tiến hành chiến tranh qua sự ủy quyền. Không cần phải quay ngược trở lại thế kỷ trước, những cuộc tấn công và thảm sát bạo lực như vậy đã không ngừng xảy ra, đôi khi ngay trước cửa nhà chúng ta.

Tuy nhiên, sự ngờ vực chính đáng về chủ nghĩa lấy châu Âu làm tâm điểm không thể che giấu sự thật rằng lần này là về chính chúng ta, những người châu Âu theo nghĩa lịch sử của thuật ngữ này, tất nhiên bao gồm cả người Ukraine, mà còn cả người Nga. Chúng ta đang tham gia cuộc chiến tranh tổng quát trong lục địa “vĩ đại” của chúng ta, lần đầu tiên kể từ khi chủ nghĩa Quốc xã kết thúc. Chúng ta bị ở trong tình huống này vì một hành động xâm lược hoàn toàn trái với luật pháp quốc tế, dẫn đến chiến tranh toàn diện và mang theo nguy cơ về sự leo thang hạt nhân. Nó sẽ thay đổi vĩnh viễn cuộc sống và nhận thức về thế giới của tất cả người dân Châu Âu. Do đó, trách nhiệm của chúng ta là toàn diện, cả về việc lựa chọn các loại hình phân tích và hậu quả rút ra từ chúng.

Chúng ta đang tham gia cuộc chiến tranh tổng quát trong lục địa “vĩ đại” của chúng ta, lần đầu tiên kể từ khi chủ nghĩa Quốc xã kết thúc. Chúng ta bị ở trong tình huống này vì một hành động xâm lược hoàn toàn trái với luật pháp quốc tế, dẫn đến chiến tranh toàn diện và mang theo nguy cơ leo thang hạt nhân.

ETIENNE BALIBAR

Etienne Balibar (1942-)

Cuộc chiến mà Tổng thống Putin, hành động như một kẻ chuyên quyền và một kẻ phiêu lưu, đã phát động chống lại đất nước Ukraine viện dẫn một kịch bản xâm lược sắp xảy ra và viện cớ rằng Ukraine thuộc về “thế giới Nga” mà Nhà nước của ông vừa là người chỉ đạo vừa là chủ sở hữu, ngày nay là một cuộc chiến tranh hủy diệt hoàn toàn: phá hủy các thành phố và cảnh quan, tài nguyên, di tích, và tất nhiên tiêu diệt đàn ông, phụ nữ và trẻ em phải hứng chịu các cuộc dội bom và các hành vi bạo lực của bọn binh lính hung tợn và vô kỷ luật. Cuộc kháng chiến mà nó khơi dậy, sự dấn thân anh dũng của người dân và những người lãnh đạo của họ, đang kiềm chế được kẻ xâm lược, thậm chí đẩy lùi chúng, nhưng trên hết họ đang sản sinh ra một dân tộc bao gồm những công dân chỉ tồn tại tiềm năng cho tới bây giờ, trong truyền thống lịch sử cỗ nhưng mâu thuẫn, và trong những kinh nghiệm gần đây hơn về một quá trình dân chủ hóa hỗn loạn.

Nếu chúng ta nghĩ về cách mà Tổng thống Nga đã nện luận điểm của ông về sự không tồn tại của dân tộc Ukraine và sự không vững của chính người dân Ukraine, chúng ta sẽ nói rằng cuộc chiến này, đối với người Ukraine, là cuộc chiến giành độc lập của họ. Bằng cách giành được nó - và họ phải giành được nó - họ sẽ ra khỏi cuộc chiến như là một Quốc gia được cấu thành vĩnh viễn. Một người Pháp thuộc thế hệ của tôi không thể không nghĩ về những gì đã xảy ra với người Algeria, tất cả những khác biệt đều được tính đến một cách hợp lý. Và bởi vì nền tảng đạo đức của nó là sự vượt qua những đối kháng mà người chủ cũ tin rằng ông có thể dựa vào, nền độc lập này mang theo nó sự biến đổi một quốc gia bộ tộc hoặc văn hóa đơn giản thành một quốc gia công dân, phù hợp với các nguyên tắc trên đó Liên minh châu Âu được xây dựng và biện minh cho cả hai bên sự mong muốn tiến hành sự gia nhập càng nhanh càng tốt, điều từng được tuyên bố là không thể.

© AP/Felipe Dana

Nhưng tại thời điểm này, chúng ta phải thay đổi cách nhìn và xem xét mối quan hệ của Ukraine với châu Âu, như nó đang được chiến tranh cấu hình lại, từ một quan điểm toàn bộ hơn, thế giới, bằng cách tự nâng mình lên dần từ quy mô cục bộ lên quy mô của toàn hành tinh. Đối với tôi dường như một sợi dây dẫn tốt để gỡ rối sự phức tạp của các mâu thuẫn và các tương quan lực lượng được tạo thành bởi sự chồng chất của các cấp độ và các loại biên giới chồng lên nhau trong chiến tranh, hoặc có sự tham gia của việc chồng chất này. Biên giới kết tinh các mặt đối lập và đối kháng, chúng cấu trúc thế giới. Nếu chúng ta không muốn phóng đại thực tế ngôn ngữ rằng tên của Ukraine ban đầu có nghĩa là “vùng biên giới hoặc “biên giới”, thực tế là khu vực mang tên này trong nhiều thế kỷ đã thường xuyên tạo thành một vùng đối đầu, phân chia ít nhiều bạo lực và gặp gỡ giữa các nền văn hóa, và ngày nay nó một lần nữa thấy mình đang trở thành cái cược của một cuộc đối đầu giữa các nhóm lớn hơn nó nhiều. Nhưng điều khiến tôi ngạc nhiên, khi tôi cố gắng xác định cấu hình của chúng và bản chất của các ranh giới của chúng, là tất cả các không gian này không chỉ xung đột với nhau mà còn là bất đối xứng một cách sâu sắc.

Chúng ta sẽ nói rằng cuộc chiến này, đối với người Ukraine, là cuộc chiến giành độc lập.

ETIENNE BALIBAR

Điều này đúng ở cấp độ đầu tiên, cấp độ của các biên giới “quốc gia”, như chúng đã không ngừng bị đặt lại thành vấn đề bởi những cuộc xâm chiếm, thôn tính, chia cắt và sáp nhập, mà còn bởi những vụ tiêu diệt và đày đi, thường xảy ra từ những ngày đầu của thời hiện đại cho đến sự khôi phục lại các quốc gia châu Âu sau các cuộc thế chiến và sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản. Những gì đã diễn ra ở Donbass kể từ năm 2014 và thậm chí trước đó là sự kết tinh của lịch sử xã hội, của những đối kháng giữa các Nhà nước, của những liên kết văn hóa và thế hệ, bị cuộc chiến thay đổi một cách thảm thương, nhưng tương lai thì vẫn chưa chắc chắn. Tùy thuộc vào việc mặt trận sẽ sụp đổ theo hướng này hay hướng kia, và liệu đất nước vẫn còn có thể ít nhiều sinh sống được hoặc có thể được xây dựng lại, đường biên giới sẽ có một đường nét và một chức năng hoàn toàn khác. Nhưng trong mọi trường hợp, nó sẽ không thể so sánh được, chẳng hạn như với tình hình của Pháp và Đức, vì một mặt chúng ta có một quốc gia đang hình thành, mặt khác là một đế chế độc tài đang lâm vào cuộc khủng hoảng ít nhiều trầm trọng. Sự bất đối xứng này mở rộng đến các “tập hợp” địa chính trị mà các bên tham chiến là một phần, hoặc do chính những bên tham chiến tạo thành, và, như vậy, Ukraine cũng kết tinh sự đối kháng, nghĩa là ở cấp độ thứ hai của các đường biên giới.

Zbigniew Brzezinski (1928-2017)

Nhưng ở đây chúng ta thấy rằng mọi thứ trở nên phức tạp một cách nghiêm trọng, cả trên quan điểm của cái được gọi là chiến tranh và trên quan điểm của cái được gọi là biên giới. Liên minh châu Âu thực sự đang tham chiến với Nga, chúng ta đừng bịt mắt: chiến tranh đạo đức và ngoại giao, chiến tranh kinh tế và tài chính, chiến tranh quân sự vẫn còn giới hạn trong việc cung cấp vũ khí và tình báo, và có thể mở rộng ra ngoài biên giới Ukraine nếu Nga tìm cách phản công trên các lãnh thổ khác. Nhưng Liên Minh châu Âu không tham chiến một mình, và càng ngày càng ít độc lập hơn, vì cấu trúc cộng đồng nơi các sáng kiến được đề xuất, và là nơi mà các quốc gia cảm thấy bị đe dọa bởi chủ nghĩa đế quốc Nga muốn tham gia, là liên minh quân sự do Mỹ thống trị. Chiến tranh càng kéo dài, các phương tiện cam kết càng gia tăng, Hoa Kỳ càng tạo ấn tượng muốn thúc đẩy chương trình đẩy lùi (rollback) từng được Zbigniew Brzezinski và những người khác lý thuyết hóa, bằng cách vẽ lại đường phân giới giữa thế giới “Đại Tây Dương” mà họ đảm bảo quyền bá chủ và thế giới “Âu-Á” hình thành nên phần còn lại của Liên Xô. Một cách nghịch lý, điều này gặp phải, như thể trong một tấm gương, diễn ngôn của chế độ Nga, với một cảm hứng rất Schmittian hoặc Huntingtonian, về sự đối đầu của hai thế giới, phương Đông và phương Tây với những giá trị xung khắc. Tuy nhiên ở đây một lần nữa ta có thể quan sát thấy một sự bất đối xứng rất sâu. Người ta nói Hoa Kỳ đang “quay trở lại” châu Âu: tất nhiên Mỹ không đe dọa nền độc lập hay các giá trị chính tr của châu Âu, nhưng họ sẽ thúc đẩy tiến trình quân sự hóa, sự phụ thuộc kinh tế và công nghệ của châu Âu. Ngược lại, về phía Âu-Á, quan hệ giữa Nga và “hậu phương lớn” ở Viễn Đông của nước này có vẻ rất bất ổn, bất kể lợi ích mà chế độ Trung Quốc có thể thấy trong việc hỗ trợ kẻ thù của kẻ thù. Bởi vì mục tiêu lịch sử của Trung Quốc không phải là cắm rễ ở châu Âu (ngoại trừ chính xác là việc lắp đặt các trạm cuối của “con đường tơ lụa ở đó), mà trên hết là xây dựng ở “phương Nam”, ở châu Phi và châu Mỹ Latinh, một quyền lực bá chủ, đối thủ của Hoa Kỳ. Nói cách khác, mặc dù tự cấu thành thành một Không gian lớn (Grossraum) (theo nghĩa của Carl Schmitt) hoặc có lẽ vì lý do này, Trung Quốc không tìm cách phân chia thế giới. Đây là lý do tại sao, nếu hiện tại chúng ta nhất thời có một bên là một khối ngày càng chặt chẽ bao gồm châu Âu và Hoa Kỳ trong khuôn khổ NATO, mặt khác phía bên kia thì chúng ta không có một khối Trung-Nga sẽ lao vào cuộc chiến đấu như là một khối, ngay cả ở cấp độ của các hình thức “hỗn hợp” của nó, đó là chiến tranh kinh tế và ý thức hệ.

Liên minh châu Âu thực sự lâm chiến với Nga, chúng ta đừng bịt mắt: chiến tranh đạo đức và ngoại giao, chiến tranh kinh tế và tài chính, chiến tranh quân sự vẫn còn giới hạn trong việc cung cấp vũ khí và tình báo, và có thể mở rộng ra ngoài biên giới Ukraine nếu Nga tìm cách phản công trên các lãnh thổ khác.

ETIENNE BALIBAR

Tuy nhiên, cấp độ này không phải là cấp độ cuối cùng, và nó thậm chí không mang tính quyết định “sau cùng. Khi gợi lên sự phân chia Bắc-Nam, chúng ta đã chuyển sang cấp độ hành tinh. Luận điểm mà tôi bảo vệ về vấn đề này mang tính kép, cho dù rất sơ lược. Thứ nhất, ở cấp độ toàn cầu, các không gian chính trị ngày càng ít bị tách biệt hoặc tách rời khỏi nhau. Đây là lý do tại sao chiến tranh Nga-Ukraine không thể được coi là một cuộc chiến tranh cục bộ. Trong thời đại toàn cầu hóa phát triển, tất cả các lãnh thổ, các dân số, các công nghệ đều phụ thuộc lẫn nhau, và những sự phụ thuộc lẫn nhau này chuyển thành những dòng chảy xuyên biên giới, bao gồm cả biên giới giữa bạn và thù. Khí đốt và dầu của Nga tiếp tục chảy sang Tây Âu và thậm chí đến Ukraine, để đổi lấy đô la và euro, mặc dù có khá nhiều dự định để cố gắng cắt bỏ chúng. Chúng ta vẫn chưa ở vào tình huống đó. Và lúa mì của Nga hoặc Ukraine sẽ không còn đến Ai Cập, Tunisia hoặc Maroc có thể gây ra ở các nước này, không chỉ cơn khủng hoảng hoặc nạn đói, mà còn cả các cuộc nổi dậy và di cư. Những quốc gia này không “tham chiến”, nhưng họ đang “ở trong chiến tranh”.

Ngược lại, các biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào Nga lại ảnh hưởng gián tiếp đến một số lượng rất lớn các quốc gia trên thế giới. Ngoài thực tế là họ không có cùng kinh nghiệm lịch sử đối đầu với chủ nghĩa đế quốc Mỹ, châu Âu, Nga hoặc Liên Xô cũ, thì không cần phải nhìn xa hơn về nguyên nhân của sự dè dặt của các dư luận của một số lượng lớn các quốc gia thuộc khối “Namđể dấn thân vào một cuộc chiến được coi là của phương Tây. Nhưng nhất là tôi muốn nhấn mạnh một điểm sau: khi chúng ta lý luận trên quy mô hành tinh, chúng ta không được tách biệt các câu hỏi kinh tế và địa chính trị khỏi vấn đề được một kiểu biên giới khác đặt ra, các biên giới khí hậu trong quá trình mất ổn định và chuyển dịch do sự nóng lên toàn cầu và hậu quả mà nó gây ra. Có ích gì khi nói về nguồn cấp khí đốt và sự đảo ngược nguồn cung của nó ở châu Âu, chuyển từ Nordstream I và II đến các trạm cuối để hóa lỏng và tái khí hóa lại ở Địa Trung Hải và Đại Tây Dương, nếu không có mối tương quan nào được thiết lập với các chính sách môi trường đang khiến chúng ta thua trên trận chiến vì sự nóng lên 2 độ vào cuối thế kỷ? Một trong những ranh giới khí hậu lớn nhất trên thế giới, chia cắt các khu vực từng bị chiếm đóng bởi lãnh nguyên tundra, rừng taiga và vùng băng vĩnh cửu của những thảo nguyên ôn đới với các vùng sa mạc, xuyên qua Nga từ Đông sang Tây chứ không phải ở biên giới của nước này. Biên giới này đang di chuyển một cách nguy hiểm. Nếu, trong một vài tuần nữa, Siberia sẽ bắt đầu bùng cháy trở lại, vấn đề không thể tránh được là loại viện trợ quốc tế nào nên được cung cấp cho Nga để đối phó với nó, và nhất là loại hình đàm phán nào nên được thực hiện với nước Nga ấy để phục hồi lại sự chuyển đổi năng lượng toàn cầu. Lúc đó, lợi ích nào nên được ưu tiên hơn, quyền tự do của người Ukraine, vốn không thể thương lượng, lợi ích sinh thái của người châu Âu, hay lợi ích của những con người trên trái đất đang ngày càng bị đe dọa ngay tức thời?

© Ken Cedeno/UPI

Raymond Aron (1905-1983)

Ngày nay, một lần nữa, mặc dù dưới một hình thức bất ngờ, nhưng loại hình các biên giới, các quốc gia, chiến tranh và chính trị lại được chứng minh là gắn bó chặt chẽ với nhau. Quốc gia đang đấu tranh cho độc lập và hiến pháp dân chủ của mình bị đặt trước tình thế tiến thoái lưỡng nan chiến lược mà Raymond Aron trong phần kết của cuốn sách kinh điển Paix et Guerre entre les Nations (Hòa bình và Chiến tranh giữa các quốc gia) đã mô tả là sự lựa chọn sáp nhập vào liên bang hay vào đế chế. Nhưng sự lựa chọn này li bị tác động nhiều chiều từ một số nhân tố kết nối với nhau một cách cấu trúc bởi sự đối đầu của các đế quốc trên quy mô toàn cầu và sự bất cân xứng về lợi ích và phương tiện của họ.

Nếu, trong một vài tuần nữa, Siberia sẽ bắt đầu bùng cháy trở lại, vấn đề không thể tránh được là loại viện trợ quốc tế nào nên được cung cấp cho Nga để đối phó với nó, và nhất là loại hình đàm phán nào nên được thực hiện với nước Nga ấy để phục hồi lại sự chuyển đổi năng lượng toàn cầu. Lúc đó, lợi ích nào nên được ưu tiên hơn, quyền tự do của người Ukraine, vốn không thể thương lượng, lợi ích sinh thái của người châu Âu, hay lợi ích của những con người trên trái đất đang ngày càng bị đe dọa ngay tức thời?

ETIENNE BALIBAR

Và tất cả những tương quan lực lượng này được tương đối hóa và được bao hàm trong một cấu trúc khác đang vận động, một cấu trúc địa sinh thái, được các bất bình đẳng trong phát triển, các lãnh thổ khai thác hoặc tiêu thụ năng lượng carbon, và các khu vực với sự sụp đổ của các cân bằng môi trường gia tăng một cách manh mẽ, cùng tạo ra. Chiến tranh càng kéo dài thì càng khó phân tích nó chỉ ở cấp độ đầu tiên, dù kịch tính đến đâu, bỏ qua sức ép từ các cấp độ trên, nói cách khác, đó là một cuộc chiến cục bộ - toàn cầu thuộc một loại hình mới. Tôi tin tưởng vào khả năng của các công dân Ukraine, được hỗ trợ bởi sự cam kết và nguồn cung cấp của các đồng minh phương Tây, được khuyến khích về mặt đạo đức bởi sự chào đón của chúng ta đối với vợ và con của họ, để kiềm chế sự xâm lược và đánh lui xe tăng Nga. Nhưng, có lẽ do sự bi quan về mặt phương pháp luận, tôi cũng tin rằng chiến tranh, nếu nó không đi đến cực đoan và không khởi động một quá trình hủy diệt lẫn nhau, sẽ tồn tại lâu dài và sẽ có sức tàn phá khủng khiếp và tàn bạo. Nhưng với thời gian và sự tàn bạo rồi sẽ có những mối thù hận không thể nguôi ngoai, không chỉ đối với các chính phủ và chế độ, mà còn giữa các dân tộc, trong nhiều thế hệ. Chủ nghĩa hòa bình, tôi đã nói[1] hơn hai tháng trước, “không phải là một lựa chọn”. Tôi không phủ nhận lời nói này. Nhưng hòa bình, về phần nó, là điều cần thiết cho hành tinh, một nền hòa bình “vĩnh viễn”, như Kant gọi nó, nghĩa là, một nền hòa bình không chứa đựng trong chính hình thức của nó những tiền đề của sự trở lại của chiến tranh. Về mặt lý thuyết, đó là mục tiêu của các thể chế luật pháp quốc tế như Liên hợp quốc và các công ước giải trừ quân bị, vốn đã mất hết tính chính đáng và sự đáng tin kể từ khi chiến tranh lạnh kết thúc, dưới sự tấn công của nhiều cường quốc, nước Nga của Vladimir Putin là nước mới nhất. Khi nào và bằng cách nào chúng ta sẽ xem xét lại vấn đề, bằng cách củng cố hoặc vượt qua biên giới nào, hình thành liên minh nào và với ai? Tôi cũng không biết[2].

Phạm Như Hồ dịch

Nguồn:La guerre d’indépendance des Ukrainiens et les frontières du monde, Le Grand Continent, 20.5.2022.

----

Bài có liên quan:




Chú thích:

[1] Trong một cuộc phỏng vấn cho Mediapart ngày 7 tháng 3 năm 2022.

[2] Văn bản này là bản gỡ băng ghi âm chưa chỉnh sửa của bài phát biểu giới thiệu của Etienne Balibar tại hội nghị chuyên đề do Le Grand Continent tổ chức tại Sorbonne vào ngày 17 tháng 5: “Sau cuộc xâm lược Ukraine, châu Âu trong thời giữa hai thời đại.”

[*] Etienne Balibar (1942-…) là một nhà triết học Pháp. Ông thuộc nhóm của Louis Althusser (1918-1990), nhà triết học đã áp dụng lý thuyết và phương pháp cấu trúc luận vào viêc phân tích các tác phẩm của Karl Marx, đặc biệt là cuốn Đọc Tư Bản Luận (Lire le Capital 1965). Đây là một cố gắng sâu sắc và lớn nhất để nhận xét lại sự nghiệp của Karl Marx.

Hiện nay, Etienne Balibar là Giáo sư Danh Dự tại Đại Học Paris-Nanterre, giáo sư kết nạp ở khoa Nhân Học trường Đại Hoc California ở Irvine (Mỹ), visiting professor ở Viện nghiên cứu Văn học và Xã hội so sánh Đại Học Columbia (Mỹ). giáo sư tại Trung Tâm Nghiên Cứu về nền Triết Học Hiện Đại của Châu Âu ở Đại Học Kingston (London) (ND).

Print Friendly and PDF