12.6.22

50 năm sau ‘Em bé Napalm’, các huyền thoại bóp méo thực tế đằng sau một bức ảnh kinh hoàng về Chiến tranh Việt Nam và phóng đại tác động của nó

50 NĂM SAU ‘EM BÉ NAPALM’, CÁC HUYỀN THOẠI BÓP MÉO THỰC TẾ ĐẰNG SAU MỘT BỨC ẢNH KINH HOÀNG VỀ CHIẾN TRANH VIỆT NAM VÀ PHÓNG ĐẠI TÁC ĐỘNG CỦA NÓ

Tác giả: W. Joseph Campbell

Những đứa trẻ hoảng sợ, trong đó có Kim Phúc, 9 tuổi, ở giữa hình, gần Trảng Bàng, Việt Nam, sau khi một chiếc máy bay của Nam Việt Nam vào ngày 8 tháng 6 năm 1972, do nhầm lẫn đã thả bom napalm đang rực lửa xuống quân đội của chính họ và dân thường. Ảnh AP/Nick Út, Tài liệu

Bức ảnh “Em bé Napalm” về những đứa trẻ Việt Nam bị hoảng loạn đang chạy trốn khỏi một cuộc tấn công sai lầm từ trên không vào ngôi làng, đã được chụp cách đây 50 năm cũng vào tháng này, đã được gọi đúng là “một bức ảnh không ngừng nghỉ.”

Bức ảnh này là một trong những hiện vật hình ảnh đặc biệt thu hút sự chú ý và thậm chí gây tranh cãi nhiều năm sau khi nó được tạo ra.

Ví dụ, vào tháng 5 năm 2022, Nick Út, nhiếp ảnh gia đã chụp được bức ảnh và nhân vật trung tâm của bức ảnh, Phan Thị Kim Phúc, đã thu hút sự chú ý của dư luận tại Vatican khi họ trao tặng một bản sao cỡ áp phích của bức ảnh đạt giải cho Đức Giáo hoàng Phanxicô, người đã nhấn mạnh tính phi đạo đức của chiến tranh.

Năm 2016, Facebook gây ra tranh cãi khi xóa bức ảnh “Em bé Napalm” khỏi một bình luận được đăng trên mạng vì bức ảnh cho thấy Kim Phúc, khi đó 9 tuổi, hoàn toàn khỏa thân. Cô bé đã xé quần áo đang cháy của mình khi cô bé và những đứa trẻ sợ hãi khác chạy khỏi làng, ở Trảng Bàng, vào ngày 8 tháng 6 năm 1972. Facebook đã rút lại quyết định trong bối cảnh quốc tế náo động về chính sách tự do ngôn luận của mạng xã hội.

Những mẩu chuyện như vậy cho thấy “Em bé Napalm” còn giá trị hơn những bằng chứng hùng hồn về tác động không phân biệt của chiến tranh đối với dân thường. Bức ảnh đạt giải Pulitzer này, chính thức được gọi là “Sự khủng khiếp của chiến tranh”, cũng đã làm nảy sinh những huyền thoại dai dẳng do phương tiện truyền thông điều khiển.

Phan Thị Kim Phúc, bên trái, được nhiếp ảnh gia Nick Út của hãng thông tấn AP đến thăm vào năm 1973. Sau khi chụp bức ảnh cô chạy trốn trong cơn đau đớn vào năm 1972, ông Út đã chở cô đến bệnh viện. Ảnh AP

Được nhiều người tin tưởng - thường bị phóng đại

Huyền thoại truyền thông là gì?

Đó là những câu chuyện nổi tiếng hoặc trên các phương tiện thông tin được nhiều người tin tưởng và thường được kể lại nhưng bị tan rã như ngụy thư hoặc phóng đại quá mức, khi được xem xét kỹ.

Những tác động xuyên tạc của bốn huyền thoại trên các phương tiện truyền thông gắn liền với bức ảnh mà ông Út đã thực hiện khi ông là một nhiếp ảnh gia 21 tuổi cho hãng thông tấn AP (The Associated Press).

Nổi bật trong số các huyền thoại về “Em bé Napalm” mà tôi đã đề cập và giải mã trong cuốn sách “Hiểu lầm: Lật tẩy những huyền thoại to lớn nhất trong ngành báo chí Hoa Kỳ” là việc các máy bay chiến đấu do Hoa Kỳ điều khiển hoặc dẫn đường đã thả bom napalm, một chất sền sệt, gây cháy, ở Trảng Bàng.

Không phải như vậy.

Vụ tấn công bom napalm được thực hiện bởi máy bay Skyraider của Không quân Nam Việt Nam đang cố gắng tiêu diệt các lực lượng cộng sản đào hầm gần ngôi làng - như các báo cáo tin tức vào thời điểm đó đã nói rõ.

George McGovern (1922-2012)

Tiêu đề trên tường thuật của tờ New York Times từ Trảng Bàng cho biết: “Nam Việt Nam thả bom napalm vào quân đội của chính mình.” Trang nhất của tờ báo Chicago Tribune ngày 9 tháng 6 năm 1972, cho biết “bom napalm [đã] được thả bởi một Skyraider của không quân Việt Nam khi rơi xuống nhầm mục tiêu.” Christopher Wain, một nhà báo kỳ cựu người Anh, đã viết trong một bản tin gởi cho United Press International: “Đây là những máy bay Nam Việt Nam thả bom napalm xuống nông dân và quân đội Nam Việt Nam”.

Huyền thoại về trách nhiệm của người Mỹ tại Trảng Bàng bắt đầu được lưu truyền trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 1972, khi ứng cử viên Đảng Dân chủ George McGovern đề cập đến bức ảnh trong một bài phát biểu trên truyền hình. Ông tuyên bố, quả bom napalm thiêu cháy Kim Phúc, đã được “ném xuống nhân danh nước Mỹ”.

Tuyên bố ẩn dụ của McGovern đã tiên liệu những khẳng định tương tự, bao gồm tuyên bố của Susan Sontag trong cuốn sách “Về nhiếp ảnh” năm 1973 của bà rằng Kim Phúc đã bị “rải bom napalm của Mỹ”.

Tựa đề của tờ New York Times số ra ngày 9/6/1972 đã tường thuật rõ ràng đây là một cuộc tấn công của Nam Việt Nam rải bom napalm vào quân đội và dân thường. Ảnh: Tài liệu lưu trữ của báo New York Times

Thúc đẩy kết thúc chiến tranh?

Hai huyền thoại truyền thông liên quan khác dựa trên giả định rằng “Em bé Napalm” có sức mạnh đến mức nó đã tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ đối với khán giả. Những huyền thoại này cho rằng bức ảnh đã thúc đẩy chiến tranh kết thúc và nó khiến dư luận Hoa Kỳ phản đối cuộc xung đột.

Cũng đều là không chính xác.

Mặc dù hầu hết các lực lượng chiến đấu của Hoa Kỳ đã rời khỏi Việt Nam vào thời điểm ông Út chụp bức ảnh, cuộc chiến vẫn tiếp diễn trong gần ba năm nữa. Cuộc chiến kết thúc vào tháng 4 năm 1975, khi các lực lượng cộng sản tràn vào miền Nam Việt Nam và chiếm giữ thủ đô của miền Nam.

Quan điểm của người Mỹ về cuộc chiến đã trở nên tiêu cực từ rất lâu trước tháng 6 năm 1972, khi được đo lường bằng một câu hỏi khảo sát của Tổ chức Gallup đưa ra theo định kỳ. Câu hỏi - về cơ bản là đại diện cho quan điểm của người Mỹ về Việt Nam - là liệu việc gửi quân đội Mỹ đến Việt Nam có là sai lầm hay không. Khi câu hỏi này được hỏi lần đầu tiên vào mùa hè năm 1965, chỉ 24% số người được hỏi trả lời là có, việc gửi quân đến Việt Nam là một sai lầm.

Nhưng đến giữa tháng 5 năm 1971 - hơn một năm trước khi chụp ảnh “Em bé Napalm” - 61% số người được hỏi cho biết có, việc gửi quân đến Việt Nam là chính sách sai lầm.

Nói tóm lại, công luận đã phản đối chiến tranh từ rất lâu trước khi “Em bé Napalm” đi vào lòng dân.

Ở khắp nơi? Không chính xác

Một huyền thoại khác là “Em bé Napalm” đã xuất hiện trên trang nhất của các tờ báo ở khắp mọi nơi tại Hoa Kỳ.

Nhiều nhật báo lớn của Hoa Kỳ đã đăng bức ảnh. Nhưng nhiều tờ báo đã kiêng, có lẽ vì nó minh họa ảnh khoả thân.

Trong một đánh giá mà tôi đã thực hiện với một trợ lý nghiên cứu 40 tờ báo hàng ngày hàng đầu của Hoa Kỳ - tất cả đều có ghi danh thành viên của Associated Press - 21 tiêu đề đã đặt “Em bé Napalm” trên trang nhất.

Nhưng 14 tờ báo - hơn một phần ba số mẫu nghiên cứu - đã không đăng “Em bé Napalm” trong những ngày ngay sau khi phát hành. Đó là các tờ báo ở Dallas, Denver, Detroit, Houston và Newark.

W. Joseph Campbell

Chỉ có ba trong số 40 tờ báo được nghiên cứu - đó là các tờ Boston Globe, New York Post và New York Times - đã đăng các bài xã luận đề cập cụ thể đến bức ảnh. Bài xã luận trên tờ New York Post, lúc đó là một tờ báo có tư tưởng tự do, đã tiên tri khi viết:

“Bức ảnh của những đứa trẻ sẽ không bao giờ rời khỏi bất cứ ai nhìn thấy nó.”

Về tác giả

W. Joseph Campbell là Giáo sư Nghiên cứu Truyền thông, Trường Truyền thông Đại học Hoa Kỳ.

Người dịch: Lê Thị Hạnh

Nguồn: 50 years after “Napalm Girl”, myths distort the reality behind a horrific phôt of the Vietnam war and exaggerate its impact”, The Conversation, ngày 02.06.2022

----

Bài có liên quan:

Print Friendly and PDF