21.6.16

Kinh tế học vi mô



Kinh tế học vi mô
Microeconomics
® Giải Nobel: ARROW, 1972 DEBREU, 1983 LUCAS, 1995 MARKOWITZ, 1990 MERTON, 1997 MILLER, 1990 MIRRLEES, 1996 SCHOLES, 1997 SHARPE, 1990 STIGLER, 1982 VICKREY, 1996.
Kinh tế học vi mô nghiên cứu hành vi của những đơn vị kinh tế cá thể (đặc biệt là hành vi của người tiêu dùng và của người sản xuất) và những tương tác của những tác nhân này. Mục tiêu đầu tiên của bộ môn này là làm rõ những điều kiện cho phép có được sự phân bổ hiệu quả nhất có thể của các sản phẩm và dịch vụ, sẵn có lúc ban đầu hoặc được sản xuất. Phần lớn chương trình nghiên cứu này đã kết thúc vào đầu những năm 1950 với các công trình của Gérard Debreu và Kenneth Arrow về mô hình cân bằng chung giúp hai tác giả trên được giải Nobel kinh tế. Nhưng hai định lí cơ bản của kinh tế học phúc lợi tổng hợp cách tiếp cận của họ chỉ có giá trị dưới những giả thiết vô cùng chính xác và không bao giờ được hoàn toàn kiểm chứng trong thực tiễn. Đặc biệt, thông tin các tác nhân kinh tế có được là không bao giờ hoàn hảo và những quyết định của các tác nhân này hiếm khi được phối hợp, ngược lại với giả thiết cạnh tranh hoàn hảo và hư cấu về người xướng giá được cách tiếp cận truyền thống giả định. Do đó, có hai hướng được thăm dò. Hướng thứ nhất, được phát triển kể từ những năm 1960, nhằm mở rộng phương thức phân tích ra toàn bộ những quan hệ xã hội. Đặc biệt hướng này đã sinh ra trường phái được gọi là trường phái lựa chọn công cộng nhằm tìm hiểu hoạt động của Nhà nước theo mô hình phân bổ tối ưu các nguồn lực khan hiếm. Hướng thứ hai, dần dần hình thành từ những năm 1970, nhằm nghiên cứu những trao đổi hàng hoá với những giả thiết ít nghiêm ngặt hơn những giả thiết của cạnh tranh hoàn hảo. Vận dụng một cách đại trà lí thuyết trò chơi không hợp tác, hướng nghiên cứu này hiện ra như một chương trình nghiên cứu nhất quán, phát triển những khái niệm riêng như khái niệm hợp đồng, nhưng không vì thế mà đoạn tuyệt với cách tiếp cận kinh tế vi mô truyền thống dựa trên tính duy lí cá thể. Do tính chất tương đối thiểu số của trường phái lựa chọn công cộng, chúng tôi tự giới hạn ở việc trình bày cách tiếp cận kinh tế vi mô truyền thống và những phát triển mới bắt nguồn từ việc sử dụng lí thuyết trò chơi.
Mô hình cân bằng chung
Kenneth Arrow (1921-)
Gérard Debreu (1921-2004)
Mô hình này làm rõ những điều kiện nhờ đấy tồn tại giá cả của các sản phẩm được sản xuất và/hay trao đổi sao cho người tiêu dùng và người sản xuất, coi những giá này như những thông tin duy nhất, và tối đa hoá, người thì lợi ích của mình và người thì lợi nhuận của mình, thể hiển những cung và cầu tương thích nhau. Điều này có nghĩa là trên mỗi thị trường mà những sản phẩm và dịch vụ được trao đổi với nhau, tổng cung bằng với tổng cầu, hay là các thị trường đều cân bằng, và điều này biện minh cho tên gọi cân bằng chung được gán cho cách tiếp cận này.
Những giả thiết của Arrow-Debreu. Không đi vào chi tiết những công trình của Arrow và Debreu, ta chỉ đơn giản nói rằng chứng minh của hai tác giả này về sự tồn tại của một cân bằng chung dựa trên việc mô tả cân bằng này như điểm cố định của một ánh xạ được xác định từ những cung và cầu được các tác nhân kinh tế thể hiện. Một cách trực quan, biểu trưng này tương ứng với việc là nếu có một cân bằng chung thì không có tác nhân nào mong muốn thay đổi cung và cầu của mình vì chúng, tuỳ theo trường hợp, tối đa hoá lợi ích hay lợi nhuận của mình. Những định lí toán học đảm bảo sự tồn tại của ít nhất một điểm cố định cho một ánh xạ (định lí Brouwer) hay của một phiếm hàm (định lí Kakutani) đều đòi hỏi là những ánh xạ hay phiếm hàm này là giới nội và liên tục. Những cầu thuần phái sinh từ những chu cấp ban đầu, sở thích và công nghệ, những giả thiết của Arrow-Debreu nhằm đảm bảo rằng những cung và cầu là liên tục và giới nội. Như thế, người tiêu dùng phải có những sở thích lồi, những chu cấp ban đầu đủ để sống sót mà không cần trao đổi và có một tập tiêu dùng không bảo hoà (nghĩa là, bất kể tiêu dùng là gì đi nữa, bao giờ cũng có một tập tiêu dùng được người tiêu dùng ưa thích). Còn công nghệ phải là một công nghệ không có lợi tức tăng dần lẫn chi phí cố định và nghiệm đúng tính chất tự do sử dụng (luôn có thể loại bỏ miễn phí những sản xuất dư thừa). Có thể tham khảo danh sách đầy đủ những giả thiết đảm bảo sự tồn tại của một cân bằng chung trong Debreu (1959, trang 83-84). Đây là những giả thiết đủ (nhưng không phải là những giả thiết cần) để đảm bảo sự tồn tại của ít nhất một cân bằng chung, nhưng chúng không cho phép kết luận tính đơn nhất của cân bằng này, và điều này đặt thành vấn đề những kết luận về so sánh tĩnh. Một khi đã chứng minh sự tồn tại của cân bằng chung, bước thứ hai là đánh giá tính hiệu quả của phân bổ thu được. Do đó vấn đề là xây dựng một quan điểm chuẩn tắc xác định một tiêu chí để đánh giá tính hiệu quả này. Đó là đối tượng của kinh tế học phúc lợi.
Thế tối ưu. Xét hai trạng thái thực hiện được của nền kinh tế, trạng thái thứ hai được xem là được ưa thích ít ra cũng bằng trạng thái thứ nhất nếu mỗi người tiêu dùng ưa thích (trong nghĩa rộng) tiêu dùng của mình trong trạng thái thứ hai hơn. Một phân bổ những nguồn lực được gọi là một tối ưu Pareto nếu ta không thể cải thiện tình thế cuả bất kì người tiêu dùng nào mà không làm xấu đi tình thế của ít nhất một người tiêu dùng khác. Xuất phát từ một tình thế trong đó người tiêu dùng được đặc trưng bằng những chu cấp ban đầu và quyền sở hữu của họ trên các doanh nghiệp, ta đạt đến một tối ưu Pareto khi, cho mỗi cặp sản phẩm, những tỉ suất thay thế cận biên (MRS) và những tỉ suất biến đổi kĩ thuật (MRT) bằng nhau và những tỉ suất kĩ thuật thay thế cận biên (TMRS) cũng thế. Khi tồn tại một cân bằng chung, thì người tiêu dùng tối đa hoá lợi ích của mình bằng cách làm bằng nhau các MRS của họ với tỉ số những giá khiến cho những MRT bằng nhau. Tương tự như thế, nhà sản xuất phân bổ một cách tối ưu đầu vào bằng cách làm bằng nhau những TMRS của họ với tỉ số những giá. Cuối cùng, trong cạnh tranh hoàn hảo, lợi nhuận được tối đa hoá khi những chi phí cận biên bằng với các giá. Sự bằng nhau của những MRS và những MRT được suy ra từ đó vì những MRS bằng với những tỉ số giá và những MRT bằng với những chi phí cận biên. Như thế ta có được định lí thứ nhất của kinh tế học phúc lợi, định lí này nói rằng một cân bằng chung cạnh tranh là một tối ưu Pareto, và như thế tối ưu này thể hiện tính hiệu quả của sự phân bổ các nguồn lực bằng cạnh tranh hoàn hảo. Tuy nhiên, cân bằng đạt được có thể là một cân bằng vô cùng bất bình đẳng, mặc dù nó cải thiện tình thế ban đầu của mỗi tác nhân, và tiêu chí tối ưu paretian không cho phép sắp xếp thứ bậc của hai cân bằng. Do đó, mô hình không có những lí do riêng của nó để khiến ta mong muốn một cân bằng khác hơn cân bằng có được như kết quả của những dữ liệu nguyên thủy (sở thích, chu cấp ban đầu và công nghệ). Tuy nhiên có thể có những lí do bên ngoài (lí do đạo đức, chính trị, môi trường) khiến cho một tối ưu Pareto được ưa thích hơn tối ưu Pareto đạt được ở thế cân bằng chung. Định lí thứ hai của kinh tế học phúc lợi chỉ ra là có thể đạt đến, bằng cách tiến hành những chuyển nhượng cố định làm thay đổi những chu cấp ban đầu, một cân bằng chung vốn là một tối ưu Pareto được chọn một cách tiên nghiệm. Nói cách khác, bao giờ cũng có thể, bằng cách tiến hành những chuyển nhượng thích hợp giữa các tác nhân, tìm ra một hệ thống giá cung cấp đủ thông tin cho các tác nhân để họ lấy những quyết định tối đa hoá mục tiêu của mình mà vẫn đạt đến một tối ưu Pareto được cho trước lúc khởi đầu. Như thế mọi tối ưu Pareto có thể được phi tập trung hoá bằng hệ thống giá cả.
Những giới hạn của mô hình cân bằng chung. Chúng tôi chỉ nhanh chóng đề cập đến ba giới hạn chính. Trước tiên là tính không hiệu quả của thị trường trong việc phân bổ tối ưu các nguồn lực khi có những sản phẩm công cộng, những ngoại ứng, những chi phí giao dịch hay khi có cạnh tranh không hoàn hảo; thế nhưng đó không chỉ là những trường hợp ngoại lệ mà phổ biến hơn qui tắc cạnh tranh hoàn hảo lí tưởng của mô hình. Tiếp đó, hư cấu người xướng giá walrasian và quá trình dò dẫm, một quá trình giả định là các trao đổi chỉ được tiến hành một khi đã đạt đến thế cân bằng, thế mà các tác nhân phản ứng trước mỗi lần xướng giá như thể họ đang ở thế cân bằng. Do đó phải giả định rằng các tác nhân vừa cận thị vì họ không tưởng tượng được là họ không đang ở thế cân bằng, vừa mất trí nhớ vì họ cảm nhận mỗi thông báo mới về giá của người xướng giá như một tình thế cân bằng, và như thế quên đi rằng tình thế trước đó không phải là một tình thế cân bằng. Một hành vi như thế có vẻ mâu thuẫn với tính duy lí được giả định của các tác nhân. Cuối cùng, quá trình dò dẫm không hội tụ về một cân bằng nếu không thêm vào những giả thiết nữa, như giả thiết tính thay thế thô (giả định rằng hiệu ứng thay thế khống chế một cách có hệ thống hiệu ứng thu nhập, do đó kéo theo rằng cầu thuần của một sản phẩm là một hàm tăng của giá của những sản phẩm khác). Tiếc thay, định lí Mantel, Debreu và Sonnenschein cho thấy là những tác nhân tối đa hoá trong một nền kinh tế theo kiểu Arrow-Debreu có thể có những cầu thuần có dạng bất kì, do đó không tất yếu thoả mãn giả thiết thay thế thô. Từ đó, không có gì bảo đảm rằng quá trình dò dẫm hội tụ. Qui luật cung cầu mất đi rất nhiều ích lợi của nó.
Những phát triển mới của kinh tế học vi mô
Gilles Rotillon
Sự dịch chuyển diễn ra trong cách tiếp cận kinh tế vi mô vào đầu những năm 1970 cốt ở việc chuyển từ một logic thị trường tổng gộp lấy sản phẩm làm trung tâm sang một logic trao đổi hàng hoá tay đôi dựa trên khái niệm hợp đồng. Bước chuyển này được thể hiện, trên bình diện lí thuyết, bằng việc khai phá một mô hình qui chiếu khác với mô hình qui chiếu của cân bằng chung, đó là mô hình người uỷ quyền-người đại diện. Trong khuôn khổ này một (nhiều) tác nhân kinh tế, người đại diện, có một hoạt động ảnh hưởng tới quyền lợi của một tác nhân khác, người uỷ quyền. Người uỷ quyền tìm cách để người đại diện ra những quyết định phù hợp nhất với chính những mục tiêu của mình tuy không biết được toàn bộ những tham số sẽ xác định lựa chọn của người đại diện. Do đó ta ở trong một bối cảnh thông tin không đối xứng, trong đó người uỷ quyền, do không thể làm cho người đại diện bộc lộ thông tin riêng của mình, sẽ đề nghị người này một cơ chế hợp đồng trên cơ sở chuyển nhượng tiền tệ. Như thế, ta có thể xác định một hợp đồng như một thoả thuận giữa hai bên xác định những quyết định của mỗi bên tuỳ theo những tín hiệu mà một người thứ ba có thể quan sát được (tín hiệu được gọi là quan sát được) và của những thông điệp trao đổi với nhau. Phương thức phân tích mới này những quan hệ kinh tế, còn xa mới đặt lại vấn đề nguyên lí tính duy lí cá thể, lại mở rộng chưa từng có nguyên lí này, bằng cách dựa trên lí thuyết trò chơi không hợp tác. Việc vận dụng công cụ kĩ thuật này được biện minh bằng bản chất chiến lược của những hành vi cá thể và tầm quan trọng của những dự kiến lẫn nhau của các tác nhân về hành vi của đối tác. Nếu, về mặt lịch sử, những hợp đồng bảo hiểm đã là đối tượng phân tích ưu tiên và vẫn còn được xem như hệ chuẩn của quan hệ người uỷ quyền-người đại diện thì những ứng dụng của mô hình là vô số và đụng đến nhiều lĩnh vực: những quan hệ người sản xuất-người phân phối, những hợp đồng lao động, những quan hệ Nhà nước-doanh nghiệp, ngân hàng-người đi vay, người bán-người mua. Những trường nghiên cứu cũ, như kinh tế học công cộng hay kinh tế học công nghiệp, đã được đào xới lại, đặc biệt là cung cấp một cái nhìn  mới về những nguyên nhân và tác động của cạnh tranh không hoàn hảo. Nhưng phân tích kinh tế vi mô còn được đề nghị những đối tượng khác để tìm hiểu trong đó có thể kể, một cách không đầy đủ, những điều kiện bảo hành, bao tiêu, hợp nhất theo chiều dọc, quảng cáo, chất lượng sản phẩm, vai trò của uy quyền, cấu trúc những thứ bậc, những chọn lựa phân biệt hoá sản phẩm, sự thông đồng, những hình thức tổ chức khác nhau, những rào cản gia nhập thị trường hay những cuộc đấu giá. Nghiên cứu hiện nay hướng đến việc đánh giá hiệu quả của những cơ chế hợp đồng này trong việc phối hợp những lựa chọn của các bên có liên quan. Tính hiệu quả này có thể bị giới hạn bởi ba loại ràng buộc.   

Những giới hạn thứ nhất liên quan đến thông tin và việc phân tích chúng nằm ở trung tâm của lí thuyết mới. Thông tin không đối xứng đặc trưng cho quan hệ người uỷ quyền-người đại diện có thể có hai dạng không loại trừ nhau. Thông tin không đối xứng có thể nhằm vào một tham số ngoại sinh, mà tác nhân biết được nhưng không thể thao túng được, hay nhằm vào một hành động của người đại diện, và người uỷ quyền không quan sát được hành động này. Trường hợp đầu được gọi là thông tin bị che khuất và trường hợp sau được gọi là hành động bị che giấu; những cơ chế phát sinh từ những trường hợp này, theo thứ tự, được gọi là lựa chọn nghịch và rủi ro đạo đức. Một ví dụ của tình thế đầu là trường hợp của một công ti đề nghị một hợp đồng bảo hiểm xe ôtô cho những người lái xe mà công ti không biết khả năng cầm lái cá nhân. Bằng cách ấn định một phí quá cao phụ thuộc vào một khả năng cầm lái trung bình, công ti sẽ làm cho đơn bảo hiểm của mình ít hấp dẫn đối với những tay lái tốt, những khách hàng này không được mấy quyến rũ để mua bảo hiểm được đề nghị, như thế công ti chỉ chọn lọc những tay lái xấu. Hiển nhiên rằng tình thế này là không tối ưu và người uỷ quyền sẽ tìm cách để người lái xe bộc lộ ra đặc điểm (kiểu) thật sự của mình bằng cách đề nghị không chỉ một mà nhiều hợp đồng (một thực đơn hợp đồng) sao cho quyền lợi của mỗi tay lái là bộc lộ kiểu của mình bằng cách chọn hợp đồng, một cách tiên nghiệm, được nhắm vào bản thân. Tuy nhiên việc bộc lộ này, đối với người uỷ quyền, là tốn kém và người này buộc phải cho một số tác nhân những tô thông tin. Cũng có thể nêu một ví dụ về rủi ro đạo đức đối với một công ti bảo hiểm, khi một khách hàng không được động viên để có một hành vi thận trọng (như luôn luôn buộc thắt lưng an toàn) vì đã mua một đơn bảo hiểm đảm bảo hoàn trả toàn bộ những tổn thất gặp phải. Bằng cách đưa vào một điều khoản thưởng-phạt, điều khoản này kéo theo việc hoàn trả một phần trong trường hợp tai nạn, công ti khuyến khích người cầm lái ứng xử thận trọng. Loại ràng cuộc thứ hai, có hại cho tính hiệu quả của các hợp đồng, mang tính giao dịch. Những ràng buộc này là do thường không thể (vì quá tốn kém) đề nghị những hợp đồng đầy đủ, nghĩa là những hợp đồng hợp nhất toàn bộ những điều kiện tương lai có thể. Do đó phải xây dựng những hợp đồng không đầy đủ, hầu hết những hợp đồng này có những điều khoản thương thảo lại hay qui chiếu về một trọng tài bên ngoài. Cho đến nay chưa có một lí thuyết tổng quát về những hợp đồng không đầy đủ vì một lí thuyết như thế kéo theo việc tính đến một tính duy lí hạn chế còn ít được phân tích. Cuối cùng những ràng buộc cuối là những ràng buộc có tính thể chế, ví dụ do chính người uỷ quyền cũng là một người đại diện trong một quan hệ khác hay vì khuôn khổ pháp luật giới hạn những quyết định có thể của người uỷ quyền. Việc tính một cách chặt chẽ những ràng buộc này đòi hỏi phải nghiên cứu rõ ràng động thái của những hợp đồng động viên, và hiện nay đây là một lĩnh vực đang được khái phá mạnh.
Joseph Stiglitz (1943-)

Còn quá sớm để tổng kết những phát triển mới này. Nếu chúng đã đổi mới kinh tế học vi mô, đến độ là một số nhà kinh tế như J. Stiglitz, một trong những kiến trúc sư chính của cách tiếp cận này, có thể xem đó là việc triển khai một hệ chuẩn thật sự đối chọn của mô hình cân bằng chung, thì những phát triển này không lồng vào một lí thuyết thống nhất và chặt chẽ. Ngược lại, chúng hiện ra như một tập hợp những trường hợp đặc biệt, mà tính thống nhất dựa chủ yếu trên phương pháp phân tích được vận dụng. Chính ngay phương pháp này, đặt trọng tâm trên lí thuyết trò chơi, có lẽ dựa quá đáng trên giả thiết tính duy lí cá thể, gán cho các tác nhân những lập luận rất tinh vi dẫn đến những hợp đồng phức tạp mà ta không quan sát được trong thực tế lẫn trong những thử nghiệm trong phòng thí nghiệm tìm cách kiểm định những tiên đoán của lí thuyết. Cũng do thường có những cân bằng bội nên khả năng tiên đoán của những mô hình này thường là rất yếu. Dù sao đi nữa, những nghiên cứu này đã tạo cho kinh tế học vi mô một đà mới, cho phép bộ môn này có một cái nhìn đổi mới về những vấn đề xưa (như những vấn đề của cạnh tranh không hoàn hảo) và đề cập đến những vấn đề mới, đặt kinh tế học vi mô trong một động thái nghiên cứu mà tổng hợp của Arrow-Debreu đã ít nhiều để ngủ quên.



ARROW K. & DEBREU G., Existence of an Equilibrium for a Competitive Economy, Econometrica, 1954, 22, p. 255-290. HAHN F., General Competitive Analysis, San Francisco, Holden Day, 1971. CAHUC P., La nouvelle microéconomie, Paris, La Découverte, Repères, 1993. DEBREU G., Theory of Value, New Haven, Cowles Foundation, 1959. HART O., Firms, Contracts and Financial Structure, Oxford, Oxford University Press, 1995. HENRIET D. & ROCHET J. C., Microéconomie de lassurance, Paris, Économica, 1991. KREPS D. M., A Course in Microeconomic Theory, Harvester-Wheatsheaf, 1990 (bản dịch tiếng Pháp, LeVons de théorie économique, Paris, PUF, 1996). LAFFONT J. J. & TIROLE J., A Theory of Incentives in Procurement and Regulation, Cambridge (Mass.), MIT Press, 1993. MAS-COLLEL A., WHINSTON M. D. & GREEN J., Microeconomic Theory, New York/Oxford, Oxford University Press, 1995. NEUMANN J. VON & MORGENSTER O., Theory of Games and Economic Behaviour, Princeton, Princeton University Press, in lần thứ ba, 1953. ROTILLON G., Introduction à la microéconomie, Paris, La Découverte, Repères, in lần thứ hai, 1996. TIROLE J., The Theory of Industrial Organization, Cambridge (Mass.), MIT Press, 1988, bản dịch tiếng Pháp Théorie de lorganisation industrielle, Paris, Économica, Économie et statistiques avancées, 2.t., 1995.  
Gilles ROTILLON
Giáo sư đại học Nanterre (Paris 10)
Nguyễn Đôn Phước dịch
® Cân bằng chung; Duy lí hạn chế (tính); Duy lí tân cổ điển (tính); Đối tượng và phương pháp của kinh tế học; Kinh tế toán học; Lợi ích; Lợi nhuận; Người tiêu dùng; Người sản xuất; Tối ưu.
Nguồn: Dictionnaire des sciences économiques, sous la direction de Claude Jessua, Christian Labrousse, Daniel Vitry, PUF, Paris, 2001
Print Friendly and PDF