27.1.23

Làm sao triết học của quá khứ có thể giúp chúng ta hình dung ra nền kinh tế tương lai

LÀM SAO TRIẾT HỌC CỦA QUÁ KHỨ CÓ THỂ GIÚP CHÚNG TA HÌNH DUNG RA NỀN KINH TẾ TƯƠNG LAI

Johannes Steizinger, Helen McCabe & Thimo Heisenberg

Việc tra xét lại những nền tảng của trật tự kinh tế của chúng ta là cần thiết hơn bao giờ hết. (Shutterstock)

Nền kinh tế liên tục xuất hiện ở các tựa lớn trên báo chí vì tất cả những lý do sai lầm — những câu chuyện về giá cả tăng cao, thiếu nguồn cungsuy thoái kinh tế sẽ sớm xảy ra — thường xuyên xuất hiện trên trang nhất trong những ngày này.

Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay đang làm trầm trọng thêm vấn đề bất bình đẳng xã hội dai dẳng bấy lâu, nới rộng khoảng cách giàu nghèo — một vấn đề từng được cuộc Đại suy thoái năm 2008cú sốc kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra đẩy nhanh.

Đất nước giàu nhất thế giới, Hoa Kỳ, là một trong những ví dụ nghiêm trọng nhất của xu hướng này. Ngày nay, các vị Tổng Giám đốc người Mỹ kiếm được tiền nhiều hơn 940% so với những người đồng cấp vào năm 1978. Mặt khác, một người lao động điển hình chỉ kiếm được nhiều hơn 12% so với những người lao động ở năm 1978.

Như một báo cáo của Viện Chính sách Kinh tế minh chứng, việc tăng lương cho Tổng Giám đốc (CEO) không phản ánh sự thay đổi về giá trị của các kỹ năng — mà thể hiện một sự chuyển đổi về quyền lực. Trong suốt nhiều thập kỷ qua, nền chính trị Mỹ làm suy yếu khả năng đàm phán của người lao động bằng cách không cổ vũkhóa chặt những nỗ lực tự tổ chức, chẳng hạn như tiến trình nghiệp đoàn hóa [unionization].

Nghiệp đoàn Lao động Amazon biểu tình tại địa điểm diễn ra Hội nghị thượng đỉnh DealBook ở New York vào ngày 30 tháng 11 năm 2022, cáo buộc Andy Jassy, ​​Tổng Giám đốc của hãng Amazon, phá hoại nghiệp đoàn. (Ảnh: AP/Seth Wenig)

Của cải ngày càng tăng của một nhóm thiểu số bằng cái giá phải trả của nhóm đa số, điều này có nghĩa là quyền lực tập trung vào tay một số ít người, chủ yếu là nam giới. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi những nhân vật như Donald Trump, Mark ZuckerbergElon Musk đã tác động quá mức lên các cộng đồng của chúng ta — đôi khi gây ra những hậu quả tàn khốc đe dọa những thể chế dân chủ của chúng ta.

Kinh tế học với khuôn mặt con người

Việc tra xét lại những nền tảng của trật tự kinh tế của chúng ta là cần thiết hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, việc tìm kiếm các mô hình kinh tế thay thế gặp khó khăn bởi các khuôn mẫu tư duy thông thường.

Không ít người tin rằng chúng ta đang đứng trước một lựa chọn khắc nghiệt giữa một bên là nền kinh tế thị trường tư bản chủ nghĩa, còn bên kia là nền kinh tế kế hoạch hóa xã hội chủ nghĩa.

Mặc dù chúng ta đang sống trong một thế giới xác định các mô hình kinh tế một cách tuyệt đối, song không nhất thiết phải như vậy. Chúng tôi cho rằng các quan điểm tâm lý học và xã hội học về nền kinh tế được các triết gia ở thế kỷ 19 như Georg Wilhelm Friedrich Hegel, John Stuart MillGeorg Simmel phát triển có thể giúp chúng ta hình dung lại kinh tế học với khuôn mặt con người.

Những nhà tư tưởng này bị thuyết phục rằng một trật tự kinh tế tốt phải kết hợp các yếu tố của chủ nghĩa tư bản cổ điển (như thị trường tự do về sản phẩm và dịch vụ) với những yếu tố của chủ nghĩa xã hội cổ điển (như quyền sở hữu tập thể đối với phương tiện sản xuất). Đây là điều mà chúng tôi gọi là chủ nghĩa đa nguyên kinh tế [economic pluralism].

Hegel và vấn đề sung túc

Hegel là một ví dụ điển hình của nhà tư tưởng đa nguyên kinh tế. Trong tác phẩm Các Nguyên lý của Triết học Pháp quyền xuất bản năm 1820, ông trình bày một phản tư sâu sắc về nền kinh tế hiện đại. Ông thảo luận về thị trường và các nguyên lý vận hành của nó, tình trạng bất bình đẳng xã hội và thậm chí về cả sự hình thành của các ham muốn thông qua hoạt động quảng cáo và nền văn hóa tiêu dùng.

Georg Wilhelm Friedrich Hegel là một triết gia người Đức và cũng là một trong những tổ sư của triết học phương Tây hiện đại. (Jakob Schlesinger)

Trong số nhiều chủ đề mà ông xem xét, có vấn đề sung túc. Hegel không chỉ lo lắng về sự nghèo đói do nền kinh tế thị trường hiện đại tạo nên, mà còn lo lắng về sự tập trung của hầu hết của cải vào tay một số ít người.

Trong tác phẩm hàng trăm năm này trước khi các tỷ phú hiện đại xuất hiện, Hegel từng lập luận rằng “hai mặt này, cả nghèo đói lẫn sung túc, đều đại diện cho tai họa (Verderben) của Xã hội Dân sự.”

Phân tích của Hegel thậm chí còn tiên đoán xa hơn nữa: ông tin rằng sự sung túc tạo ra trong số những người giàu có thiên hướng tự cảm thấy chính mình như là những nạn nhân và bị xã hội tước đoạt quyền công dân. Kết quả, những người giàu có xem toàn bộ những yêu cầu của xã hội, chẳng hạn như thuế, là những sự xâm phạm không chính đáng vào quyền tự do cá nhân của họ.

Hegel cho rằng cảm giác bị coi là nạn nhân này có thể dẫn tới một mối quan hệ không mong chờ giữa tầng lớp trên đỉnh và tầng lớp dưới đáy của kim tự tháp kinh tế — vượt qua những khác biệt về lối sống và mối ác cảm dành cho nhau, hình thành một liên minh chống xã hội dân sự từ cả hai phía. Hiện tượng liên minh MAGA của Trump là một ví dụ thú vị ở thời hiện đại cho điều này.

Hình dung lại nền kinh tế

Không giống như một số nhà xã hội chủ nghĩa sau này, Hegel không nghĩ rằng các vấn đề về sung túc được khắc phục tốt nhất bằng cách đưa ra một nền kinh tế kế hoạch hóa thực hiện sự bình đẳng về của cải. Thay vào đó, cách tiếp cận của ông là theo hướng đa nguyên.

Ông đưa ra một tình huống trao đổi thị trường tự do kết hợp với các phương thức sản xuất hợp tác, mà — ở một vài khía cạnh — tương tự như những tổ chức hợp tác của người lao động ở thời hiện đại.

Hegel tin rằng nếu hầu hết các hoạt động sản xuất kinh tế trong xã hội được tổ chức theo hình thức hợp tác, thì các chủ thể giàu có hơn sẽ được tham gia vào quá trình ra quyết định kinh tế cùng với những chủ thể khác, thay thế “mối quan hệ nạn nhân hóa” bất lợi giữa người giàu và người nghèo bằng một bản sắc tập thể dựa trên tổ chức kinh tế chung.

Những tổ chức hợp tác của người lao động có thể giúp chúng ta hình dung ra một viễn cảnh tương lai kinh tế đượm tính công lý hơn và lấy con người làm trung tâm. (Shutterstock)

Khi hình dung lại trật tự kinh tế hiện tại của mình, chúng ta có thể lấy một trang ghi chép trong cuốn sổ tay của Hegel bằng cách tập trung vào những tổ chức hợp tác của người lao động: các liên doanh kinh tế do những người lao động đồng sở hữu thường cùng nhau đưa ra các quyết định hữu ích, mặc dù không phải lúc nào cũng thế — theo cách thức dân chủ.

Trong những điều kiện nào thì phương thức sản xuất hợp tác như vậy sẽ thành công? Làm sao nhà nước có thể khuyến khích các hình thức sản xuất này trong nền kinh tế thị trường hiện tại? Và những tổ chức hợp tác của người lao động này có thực sự là một cách để đạt được công lý kinh tế hay không? Đây là những câu hỏi, được truyền cảm hứng từ quá khứ, có thể giúp chúng ta hình dung ra một viễn cảnh tương lai kinh tế mới, đa nguyên, bình đẳng hơn và lấy con người làm trung tâm.

Các từ khóa:

Triết học, Kinh tế học, Nghiệp đoàn, Suy thoái, Các ngành Khoa học Xã hội, Bất bình đẳng giàu nghèo, Đại Suy thoái, Các Lý thuyết Kinh tế, Các tổ chức hợp tác, Khoảng cách giàu nghèo, Hegel, Doanh nghiệp, Khoa học xã hội

THÔNG TIN VỀ CÁC TÁC GIẢ

Johannes Steizinger

Phó Giáo sư Triết học [Associate Professor of Philosophy], Đại học McMaster

Helen McCabe

Giáo sư dự khuyết về Lý luận Chính trị [Assistant Professor in Political Theory], Đại học Nottingham

Thimo Heisenberg

Giáo sư dự khuyết Triết học [Assistant Professor of Philosophy], Đại học Bryn Mawr

Tuyên bố công khai

Bài báo này là một kết quả của dự án “Chủ nghĩa đa nguyên kinh tế: Quá khứ và Hiện tại” [Economic Pluralism: Past and Present] của chúng tôi, được SSHRC (Social Sciences and Humanities Research Council - Hội đồng Nghiên cứu các ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn) tài trợ.

Nguyễn Việt Anh dịch

Nguồn: How the philosophy of the past can help us imagine the economy of the future, The Conversation, Jan 4, 2023.

Print Friendly and PDF