24.1.23

Cú hích không tạo nên sự đồng thuận trong cộng đồng khoa học

CÚ HÍCH KHÔNG TẠO NÊN SỰ ĐỒNG THUẬN TRONG CỘNG ĐỒNG KHOA HỌC

Daniel Priolo

giảng viên về tâm lý học xã hội tại Đại học Paul-Valéry Montpellier 3

Emma Tieffenbach

tiến sĩ về đạo đức học và chuyên gia về đạo đức học hiến tặng

Tóm tắt

  • Cú hích là những gợi ý nhằm gây ảnh hưởng và điều chỉnh hành vi của con người, chẳng hạn như sự lựa chọn mặc định với điện thoại.
  • Cú hích không tạo nên sự đồng thuận trong cộng đồng khoa học: ngoài việc có nhiều định nghĩa khác nhau, hiệu quả của cú hích còn bị pha loãng.
  • Vấn đề đạo đức nổi lên hàng đầu khi đặt vấn đề về giới hạn giữa sự lựa chọn tự chủ, mặc dù bị gây ảnh hưởng, và sự lựa chọn bị ép buộc.
  • Về mặt chính trị, cú hích bị phê phán vì bị nghi ngờ, trong số nhiều thứ khác, làm trì hoãn việc triển khai các biện pháp của nhà nước.
  • Nếu cú hích có thể hữu ích, thì bao giờ cũng nên giữ một khoảng cách để đánh giá khách quan mà không quên rằng còn có nhiều đòn bẩy khác để điều chỉnh hành vi của một nhóm dân cư.

Có thể bạn chưa bao giờ ý thức nhưng có nhiều khả năng bạn đã bị ảnh hưởng bởi một “cú hích”. Theo hai nhà lý thuyết Richard Thaler và Cass Sunstein, những người ở đầu nguồn của cách gọi này, cú hích là những gợi ý nhắm đến việc gây ảnh hưởng và điều chỉnh hành vi của con người, theo cách có thể đoán trước được. Và điều này diễn ra mà không cấm kỵ bất kỳ lựa chọn nào khác, không kèm theo khuyến khích tài chính thực sự nào, và cũng không cung cấp thông tin bổ sung nào. Để sử dụng lại cách dịch sang tiếng Pháp, nudge [cú hích, trong tiếng Anh] là một “coup de pouce [cú hích]”.

Cú hích là gì?

Cass Sunstein (1954-)
Richard Thaler (1945-)

Một ví dụ nổi tiếng về cú hích: một con ruồi nhỏ được in nổi vào bồn cầu đi tiểu tại sân bay Amsterdam có thể làm giảm đáng kể công việc của nhân viên vệ sinh, vì nam giới sẽ “nhắm mục tiêu tốt hơn” nhờ sự bổ sung đơn giản này. Với ví dụ này, chúng ta thấy cho dù con người là mục tiêu của các cú hích, thấm nhuần những thiên lệch về nhận thức theo hệ ý của Kahneman về kinh tế học hành vi và nhạy cảm với các ảnh hưởng của xã hội đối lập với các hệ ý khác như tính duy lý sinh thái được Gerd Gigerenzer đặc biệt phát triển. Thật vậy, vẫn theo hai nhà lý thuyết nói trên, cú hích nhắm vào “con người phàm tục” chứ không phải vào con người kinh tế [homo economicus] của lý thuyết kinh tế cổ điển.

Tuy nhiên, thuật ngữ cú hích có tính tổng loại và thật khó để biết chúng ta đang thực sự nói về điều gì khi sử dụng nó. Hơn nữa, vẫn còn những vùng xám ngay trong mô tả đặc điểm của cú hích, và không phải tất cả các tác giả đều luôn đồng ý về cùng một định nghĩa. Daniel Priolo cho biết: “Tùy theo ý định của người thực hiện cú hích hoặc sự phù hợp với một quyết định đúng đắn, chúng ta có thể tìm thấy nhiều thuật ngữ khác nữa, như dark nudge [cú hích đen tối] hoặc sludge [bùn bẩn]. Tất cả những quan niệm này đã được phát minh ra một cách hậu nghiệm [a posteriori ] từ sự chứng minh các hiệu ứng gây ảnh hưởng trong tâm lý học xã hội và từ những thiên lệch về nhận thức của chúng ta trong kinh tế học hành vi.”

Vẫn còn những vùng xám ngay trong mô tả đặc điểm của cú hích, và không phải tất cả các tác giả đều luôn đồng ý về cùng một định nghĩa.

Một số tác giả thậm chí còn tranh cãi về ý tưởng trung tâm, theo đó cú hích không nên cấm đoán. Bà Emma Tieffenbach, tiến sĩ về đạo đức học và chuyên gia về đạo đức học quà tặng, chuyên nghiên cứu về cú hích từ thiện tại Đại học Geneva, đã gợi ý rằng, trong một số trường hợp, một sự cấm đoán có thể được hiểu như là một cú hích. Bà nói: “Việc cấm hút thuốc ở một số địa điểm, ví dụ như ở sân bay, có thể được coi như là một cú hích. Nếu một cá nhân thực sự muốn hút thuốc, anh ta có thể đi bộ khoảng trăm mét và bước ra ngoài sảnh sân bay để hút thuốc. Anh ta không bị tước đoạt khả năng hút thuốc, mà chỉ đòi hỏi ở anh thêm một nỗ lực nữa.”

Trong số một vài ví dụ kinh điển về cú hích, chúng ta có thể kể ra sự lựa chọn mặc định (ví dụ như các tham số cài đặt điện thoại), sự can thiệp bắt buộc để hoàn tất quy trình (khi máy rút tiền tự động của ngân hàng yêu cầu bạn rút thẻ từ ra khỏi máy để lấy tiền), hoặc việc trưng bày sản phẩm ở ngang tầm mắt (khi sản phẩm thức ăn “bổ dưỡng nhất” được trưng bày sao cho khách hàng có thể nhìn thấy nó ngay khi bước vào quán cà phê). Những người ủng hộ cú hích khẳng định rằng tất cả các kỹ thuật này nhằm tạo điều kiện dễ dàng hơn cho cuộc sống và hướng dẫn con người đưa ra những lựa chọn tốt nhất, khi giả định các kỹ thuật này là hiệu quả.

Những phê phán nhắm đến cú hích

Những cơ chế và cách sử dụng các cú hích không mang tính đồng nhất. Daniel Priolo gợi ý: “Nói rằng cú hích có hiệu quả hoặc không có hiệu quả cũng giống như nói dược phẩm có tác dụng.” Thật vậy, việc so sánh cú hích với y học là thích đáng, bởi vì tính hiệu quả của một dược phẩm luôn phụ thuộc vào quy mô tác động của sự can thiệp, vào các tiêu chí đánh giá cụ thể, vào một cân bằng lợi ích-rủi ro, và vào bối cảnh. Điều đó cũng tương tự đối với cú hích.

Hiện tại, chưa có sự đồng thuận về tính hiệu quả của các cú hích. Một phân tích tổng hợp gần đây, đăng trên tạp chí Proceeding National Academy of Science[1], đã gợi ý tính hiệu quả tổng thể của cú hích… trước khi bị các tác giả khác phê phán, khi họ khẳng định rằng tính hiệu quả này không còn phù hợp khi tính đến sự thiên lệch về mặt xuất bản nhằm điều chỉnh kết quả[2].

Cú hích đã khơi dậy lắm sự hâm mộ cũng như sự phê phán trong lĩnh vực khoa học. Do các mục tiêu quy phạm, cú hích cũng là đề tài được thảo luận rộng rãi trong lĩnh vực đạo đức học và khoa học chính trị: đâu là giới hạn chấp nhận được khi sử dụng cú hích? Làm thế nào để phân biệt giữa một cú hích đạo đức và một cú hích phi đạo đức? Thử tưởng tượng một cú hích được triển khai để khiến bạn chọn một đĩa salad trái cây thay vì một bánh sôcôla ở quán cà phê. Thế nhưng, hôm nay bạn thực sự muốn ăn bánh. Người ta có thể nghĩ rằng trong trường hợp này, đó là vấn đề, bà Emma Tieffenbach phủ nhận điều đó. Bà nói: “Cú hích không đặt ra vấn đề đạo đức nếu nó khiến chúng ta hành động phù hợp với sở thích hạng hai của mình.”

Sở thích hạng hai là tất cả những điều mà chúng ta muốn làm (“cái tôi dự kiến theo Thaler và Sunstein), nhưng chưa làm được, vì sở thích hạng nhất khiến chúng ta hành động theo cách ngược lại (“cái tôi hành động”). Về mặt lý thuyết, điều này đúng, cho dù trên thực tế rất khó để đánh giá tính phù hợp của lý thuyết và thực tế. Bà Emma Tieffenbach cảnh báo: “Tất cả những gì chúng ta nhìn thấy trong thực tế là có những người có vẻ bị ảnh hưởng bởi cú hích, nhưng rất khó để biết liệu hành động của họ có phù hợp với sở thích hạng hai của họ hay không, hay chính khả năng phán đoán tốt của họ thúc đẩy hành động ấy”.

Ngược lại, cú hích đặt ra vấn đề nếu gây ảnh hưởng đến cá nhân mà không tôn trọng quyền tự chủ của họ. “Cú hích không khai thác các năng lực cân nhắc vấn đề của chúng ta, mà chỉ khai thác các thiên lệch về nhận thức hoặc về cảm xúc của chúng ta, hoặc thậm chí khai thác sự ác cảm quá mức của chúng ta đối với một số cảm xúc, chẳng hạn như sự hổ thẹn hoặc tội lỗi. Và điều đó có thể là vấn đề về mặt đạo đức,” bà Emma Tieffenbach khẳng định. Điều này dẫn đến các cuộc tranh luận giữa các nhà đạo đức học: một số người cho rằng việc vi phạm quyền tự chủ là đủ để cấm sử dụng cú hích, một số người khác thì cho rằng hệ quả có lợi của cú hích từ một quan điểm tổng thể sẽ biện minh cho việc sử dụng cú hích.

“Cú hích đã khơi dậy lắm sự hâm mộ cũng như sự phê phán trong lĩnh vực khoa học.”

Cũng có một số trường hợp, cú hích khai thác sự ác cảm quá mức của con người đối với một số cảm xúc như sự hổ thẹn, bối rối hoặc tội lỗi. Ví dụ: cú hích từ thiện thường khai thác nhiều nhất mong muốn né tránh cảm giác tội lỗi đi cùng với tuỳ chọn khăng khăng giữ tiền cho riêng mình. “Trong trường hợp này, cú hích tác động lên cá nhân bằng cách liên kết một số tuỳ chọn, chẳng hạn như hút thuốc trong khu vực ‘hút thuốc’ của một sân bay, thường là trong một phòng kính, dưới cái nhìn có thể là trịch thượng của đông người qua lại, với một trải nghiệm hổ thẹn có khả năng làm chùn tay những tay ghiền thuốc nhất. Vấn đề là chi phí tâm thần liên kết với tuỳ chọn hút thuốc có thể không có khác biệt, về mặt cường độ và sự khó chịu, so với tiền phạt. Trong trường hợp này, người ta có thể tự hỏi liệu có thực sự bảo toàn được quyền tự do hút thuốc hay không, bà Emma Tieffenbach nhắc lại.

Cú hích và chính trị

Từ một quan điểm chính trị hơn, cú hích là đối tượng của ba phê phán chính. Cú hích bị nghi ngờ ủng hộ duy trì hiện trạng [statu quo]; làm trì hoãn việc triển khai các biện pháp thực sự hiệu quả ở cấp độ hệ thống, và cho phép đổ lỗi đến cùng lên cá nhân. Một bài nghiên cứu cơ sở lý thuyết gần đây được đăng trên tạp chí Behavioral and Brain Sciences đã liệt kê các phê phán nói trên và đưa ra nhiều ví dụ cụ thể[3].

Để minh họa cho vấn đề duy trì hiện trạng, thử tưởng tượng một chủ nhà ở khu ổ chuột tại một nước đang phát triển. Người ta có thể viện lý do về tình trạng chăm sóc y tế kém vì người dân không tuân thủ các quy tắc vệ sinh, hoặc vì chế độ ăn uống không cân bằng. Thế nên có thể sử dụng chính sách cú hích để làm tăng việc sử dụng xà phòng hoặc để chọn lựa những thực phẩm tốt hơn. Tuy nhiên, lý do thực sự dẫn đến tình trạng sức khỏe kém của người dân dường như là do điều kiện sống nói chung của những người này, và giải pháp cho các vấn đề nói trên chính là một chính sách xã hội thực sự về nhà ở.

Về hai vấn đề còn lại, chúng ta có thể lấy ví dụ về cú hích xanh, chẳng hạn như việc triển khai đồng hồ thông minh Linky tại tất cả các hộ gia đình trong cả nước. Ngay cả khi mục tiêu của cú hích xanh ở đây là giúp người dân nhận thức được mức tiêu dùng của họ, nhưng một số người cho rằng cú hích xanh đặt một phần lớn trách nhiệm về các vấn đề năng lượng lên các hộ gia đình, mà không đặt lại vấn đề về chính sách năng lượng tổng thể. Tuy nhiên, chính phủ dường như nhận thức được các vấn đề[4] này, và đã đặc biệt phê phán cú hích vì đã không giúp làm thay đổi, về mặt căn bản, hành vi và hệ thống.

Audrey Chabal

Tuy nhiên, điều đó không ngăn được chính phủ thường xuyên sử dụng các cú hích. “Chính phủ thường nhờ đến Cơ quan Liên Bộ về Chuyển đổi Công cộng (DITP) và Vụ khoa học hành vi của cơ quan này, để thực hiện các hình ảnh thị giác về truyền thông và các điểm quảng cáo. Điều này xảy ra đặc biệt trong thời kỳ đại dịch Covid-19”, theo lời của nhà báo nữ Audrey Chabal, người đã công bố cuộc điều tra mang tên “Hãy cười lên, bạn đã bị hích”, chứng thực việc sử dụng các cú hích trong thời kỳ đại dịch. “Nhưng không phải chỉ có cơ quan DITP mới sử dụng các cú hích. Ví dụ, công ty tư vấn BVA, được chính phủ thuê mướn, đã đệ trình cho chính phủ ý tưởng sử dụng thuật ngữ nghề nghiệp hạng 1, hạng 2 và hạng 3, để thuyết phục ý tưởng cho rằng có một số người có thể không cần ở văn phòng để làm việc, trong khi có một số người khác sẽ vẫn phải ở lại văn phòng để làm việc từ xa.”

Tóm lại, cú hích là những công cụ rất đa dạng với tính hiệu quả bị pha loãng, và với những hệ quả đôi khi có vấn đề. Nếu quả thực là có nhiều khả năng tồn tại một trường những khả thể trong đó các cú hích là hữu ích thì cũng nên giữ một khoảng cách để đánh giá khách quan và không quên rằng còn có nhiều đòn bẩy khác để điều chỉnh hành vi của một nhóm dân cư.

Julien Hernandez

Daniel Priolo

Daniel Priolo

Daniel Priolo hiện là giảng viên HDR về tâm lý học xã hội tại Đại học Paul Valéry Montpellier 3. Ông là thành viên của phòng thí nghiệm EPSYLON (Động thái của năng lực con người và hành vi chăm sóc y tế). Nghiên cứu của ông tập trung vào các chủ đề thay đổi hành vi (sự hội nhập, bất hòa về nhận thức, chuẩn mực xã hội, cú hích) và nhận thức xã hội (phân biệt đối xử, rập khuôn, sự lạc quan so sánh). Ông cố gắng chứng minh rằng mối đe dọa của Cái tôi là một tác nhân điều tiết hơn là một nguyên nhân của các hiện tượng này. Các công trình nghiên cứu của ông đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực: chăm sóc y tế (Priolo & Liégeois, 2008), thúc đẩy hành vi của công dân sinh thái (Priolo, Milhabet, Codou, Fointiat, Lebarbenchon & Gabarrot, 2016), hành động tập thể (Girerd, Ray, Priolo, Codou & Bonnot, 2020), hay thậm chí là thế giới lao động (Auzoult, Priolo, Blanchet, & Guilbert, 2021).

Emma Tieffenbach

Emma Tieffenbach

Emma Tieffenbach là giảng viên dự khuyết tại các trường Đại học Fribourg, Geneva, Lausanne và Neuchâtel. Triết học kinh tế và triết học chính trị là những lĩnh vực nghiên cứu của bà. Sau khi hoàn thành luận văn về “Những giải thích từ bàn tay vô hình”, được bảo vệ tại Đại học Geneva vào năm 2011, bà đã nhận được học bổng FNS Marie Heim-Vögtlin cho một dự án nghiên cứu về các giá trị kinh tế. Trong dự án đó, bà đã công bố về lý thuyết lựa chọn duy lý, phả hệ học hư cấu, bàn tay vô hình, tiền bạc, trao đổi, động cơ từ thiện, hiến tạng, sự khát khao và những giới hạn đạo đức của thị trường. Kể từ tháng 11 năm 2022, bà là cộng tác viên khoa học tại Đại học Lugano, trong dự án của FNS về “Bản chất luận và tâm thần luận trong kinh tế học Áo” dưới sự hướng dẫn của TS Kevin Mulligan.

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: Les nudges ne font pas consensus dans la communauté scientifique, Polytechnique Insights, ngày 25/10/2022.

Print Friendly and PDF