3.10.24

Nhà kinh tế hàng đầu Trung Quốc biến mất sau khi chỉ trích Tập Cận Bình trong cuộc trò chuyện riêng tư

NHÀ KINH TẾ HÀNG ĐẦU TRUNG QUỐC BIẾN MẤT SAU KHI CHỈ TRÍCH TẬP CẬN BÌNH TRONG CUỘC TRÒ CHUYỆN RIÊNG TƯ – NGUỒN TIN CHO HAY

Theo nguồn tin, Chu Hengpeng (Chu Hằng Bằng), chuyên gia từng công tác tại một viện nghiên cứu chính sách (think tank) có ảnh hưởng của chính phủ, đã không xuất hiện trước công chúng kể từ khi đưa ra những nhận xét mang tính chỉ trích trên nền tảng WeChat.

Chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình. Chu Hằng Bằng, nhà kinh tế hàng đầu của Trung Quốc tại một think tank chính phủ được cho là đã biến mất sau khi bị kỷ luật vì chỉ trích chủ tịch trong nhóm trò chuyện riêng tư. Ảnh: Noel Celis/AFP/Getty Images

Nguồn tin cho hay, nhà kinh tế hàng đầu Trung Quốc làm việc tại think tank chính phủ đã mất tích sau khi bị kỷ luật do phê bình Tập Cận Bình trong một nhóm trò chuyện riêng tư.

Ông Chu Hằng Bằng

Chu Hằng Bằng, 55 tuổi, được tin là đã chê bai nền kinh tế Trung Quốc, và có khả năng còn đề cập trực tiếp đến nhà lãnh đạo Trung Quốc, trong một nhóm WeChat riêng tư. Tờ Wall Street Journal trích dẫn nguồn tin ẩn danh cho hay sau đó ông Chu đã bị bắt giữ vào tháng 4 và bị điều tra.

Ông Chu đã làm việc cho Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc (Chinese Academy of Social SciencesCass) trong hơn 20 năm, chức vụ gần đây nhất là phó giám đốc Viện Kinh tế và giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Công. Ông được cho là đã không xuất hiện trước công chúng kể từ lần phát biểu tại sự kiện do hãng truyền thông Trung Quốc Caixin tổ chức hồi tháng 4, một sự kiện mà trước đây ông thường tham gia. Những nỗ lực của Wall Street Journal để liên lạc với ông tại nhà riêng đã không thành công. Cass chưa phản hồi các câu hỏi của tờ Guardian.

Đầu tháng này, truyền thông Hồng Kông đưa tin về việc cải tổ hàng ngũ lãnh đạo cao cấp của viện nghiên cứu, trong đó giám đốc và thư ký cũng bị cách chức cùng thời điểm ông Chu bị đình chỉ chức vụ. Theo Sing Tao Daily, hai viên chức khác đã được điều chuyển công tác, nhưng ông Chu thì không, và tên ông không còn xuất hiện trên trang web của Cass. Các trang web liên quan đến công việc của ông tại Đại học Thanh Hoa cũng đã bị gỡ xuống, mặc dù Guardian không thể xác nhận thời điểm (gỡ bỏ) cụ thể.

Cass là think tank hàng đầu tại Trung Quốc, báo cáo trực tiếp lên thường vụ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Quốc vụ viện, từ lâu đã là cơ quan cố vấn chính sách có sức ảnh hưởng, đôi khi đưa ra những phân tích khá thẳng thắn. Tuy nhiên, dưới sự cai trị ngày càng độc đoán của Tập Cận Bình, việc chỉ trích ĐCSTQ phong cách lãnh đạo cá nhân của ông Tập ngày càng bị bác bỏ, đi cùng với các biện pháp trừng phạt.

Các học giả đang làm việc tại Trung Quốc trước đây đã nói với Guardian về nỗi sợ hãi ngày càng tăng trong giới của họ khi báo cáo hoặc thảo luận về những đánh giá tiêu cực về tình hình kinh tế, xã hội hoặc chính trị của Trung Quốc vì sợ bị trả thù. Việc thảo luận về Tập Cận Bình với tư cách là một cá nhân, đặc biệt là trên các không gian trực tuyến bị kiểm duyệt và giám sát, phần lớn bị tránh né hoặc chỉ được thực hiện thông qua các phát biểu mơ hồ hoặc có mã hóa.

Các thông báo trên trang web của Cass cho thấy nhân viên đã tham gia một số buổi tập huấn chính trị trong những tháng gần đây, tập trung nhiều vào lòng trung thành với đảng và tuân thủ Tư tưởng Tập Cận Bình – cách gọi hệ tư tưởng chính trị được thần thánh hóa của nhà lãnh đạo ĐCSTQ.

“Cuộc họp nhấn mạnh chúng ta phải luôn ghi nhớ rằng Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc là một tổ chức chính trị có nhiệm vụ tập trung vào nghiên cứu khoa học, đặt việc thực thi nghiêm ngặt kỷ luật chính trị của đảng lên hàng đầu, nỗ lực thực thi kỷ luật nghiêm minh và tuân thủ các quy tắc”, trích báo cáo về một cuộc họp vào tháng 7, do chủ tịch Cass Gao Xiang (Cao Tường) chủ trì. Cao Tường, một người trung thành với Tập Cận Bình, được bổ nhiệm vào vai trò này năm 2022 và đã giám sát một chiến dịch nhằm cải thiện lòng trung thành với đảng tại tổ chức này.

Chi tiết cụ thể về những gì ông Chu viết trong nhóm WeChat riêng tư không được tiết lộ, mặc dù Sing Tao Daily mô tả đó là "thảo luận không thích hợp về các chính sách trung ương". Tờ Wall Street Journal cũng đưa tin ông bị cáo buộc đã ám chỉ đến "cái chết tất yếu của Tập".

Nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn và có những lo ngại rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng hàng năm 5% của chính mình, một tham vọng khá khiêm tốn theo các tiêu chuẩn lịch sử. Vào thứ Ba, ngân hàng trung ương của nước này đã công bố những nỗ lực kích thích lớn nhất trong nhiều năm qua nhằm thúc đẩy tăng trưởng, nhưng các chuyên gia bày tỏ lo ngại rằng các biện pháp này, bao gồm cả việc cắt giảm lãi suất, sẽ không đủ.

Cuộc khủng hoảng trên thị trường bất động sản Trung Quốc đang ngày càng phình to kể từ khi chính quyền áp dụng các biện pháp mạnh tay đối với tình trạng vay mượn quá mức của các nhà phát triển khiến nhiều người vỡ nợ. Các nhà phát triển và chủ sở hữu bất động sản tiếp tục phải đối mặt với các khoản thanh toán thế chấp cao, làm giảm năng lực đầu tư và phát triển của họ.

Các cơ quan quản lý đã tránh cắt giảm mạnh chi phí đi vay vì lo ngại các gói kích thích này sẽ làm bùng nổ doanh số và giá trị, tạo ra bong bóng bất động sản mới.

Với sự đóng góp thông tin từ Phillip Inman

Tác giả

Helen Davidson

Helen Davidson tại Đài Bắc

Huỳnh Thị Thanh Trúc dịch

Nguồn: Top Chinese economist disappears after criticising Xi Jinping in private chat – report, The Guardian, Sep 25, 2024.

Print Friendly and PDF