LÀM THẾ NÀO HIỂU ĐƯỢC CUỘC XUNG ĐỘT ISRAEL-PALESTINE TỪ KHI BẮT ĐẦU CHO ĐẾN NGÀY 7 THÁNG 10 NĂM 2023?
![]() |
Marie Durrieu là nghiên cứu sinh tiến sĩ hợp đồng liên kết với Viện Nghiên cứu Chiến lược của Học viện Quân sự (IRSEM) và công tác tại Trung tâm Michel de l’Hospital (CMH). Bà giảng dạy Quan hệ Quốc tế và Khoa học Chính trị tại Sciences Po Paris. Nghiên cứu của bà tập trung vào vai trò và việc sử dụng sự sỉ nhục trong quan hệ quốc tế. Bà là một chuyên gia về cuộc xung đột Israel-Palestine và đã đi thực địa nhiều lần. Bà là tác giả của cuốn sách: “Du conflit israélo-palestinien au nucléaire iranien: l’humiliation, la variable oubliée des négociations” do l’Harmattan xuất bản.
Xung đột Israel-Palestine thường bị hiểu lầm và diễn giải sai. Khi chiến tranh đang hoành hành ở Gaza, điều cần thiết là phải phân tích tình hình bằng cách tính đến thực tại lịch sử và thực tại trên thực địa.
Bài viết này trình bày nền tảng của cuộc xung đột này, từ nguồn gốc cho đến thảm kịch ngày 7 tháng 10 năm 2023. Những ngày tháng và những con số chính của cuộc xung đột này là gì? Thực chất của cuộc xung đột là gì? Tại sao ngày 7 tháng 10 năm 2023 lại khiến chúng ta ngạc nhiên? Thật ra, xung đột Israel-Palestine trước hết là xung đột lãnh thổ giữa hai dân tộc.
Với một văn bản được biên soạn công phu, năm bức ảnh, hai bản đồ và một bảng chú giải thuật ngữ, Marie Durrieu cung cấp kiến thức có tính sư phạm về địa chính trị.
-----------------------------------------------------
Kể từ ngày 7 tháng 10 năm 2023, các diễn ngôn chính trị và truyền thông đã nói về “cuộc chiến tranh Israel-Hamas”. Tuy nhiên đây chủ yếu là một giai đoạn của “cuộc xung đột Israel-Palestine”. Chúng ta không thể hiểu được những gì đang xảy ra ở Gaza nếu không đặt các sự kiện này trong bối cảnh cuộc xung đột lâu dài đã khiến người Palestine chống lại người Israel kể từ năm 1948... Điều gì đã dẫn đến tình trạng hiên nay? Thực chất của cuộc xung đột này là gì? Tại sao ngày 7 tháng 10 năm 2023 lại khiến chúng ta ngạc nhiên? Bài viết này nhằm mục đích đặt thảm kịch hiện tại vào bối cảnh.
Phần 1. Xung đột Israel-Palestine: những ngày tháng và số liệu quan trọng
25 ngày then chốt
1917: Arthur Balfour, Bộ trưởng Ngoại giao Anh, đã viết một bức thư ngỏ gửi tới Hầu tước Lionel Walter Rothschild, một nhân vật lãnh đạo trong phong trào sionít, tuyên bố ủng hộ việc thành lập một “quê hương quốc gia cho dân tộc Do Thái” tại Palestine, nơi cho đến lúc bấy giờ thuộc Đế chế Ottoman.
1920: Khi Đế chế Ottoman sụp đổ, Hội Quốc Liên (Société Des Nations/SDN) đã trao cho Vương quốc Anh quyền ủy trị Palestine. Người Anh quản lý lãnh thổ này.
1917-1948: Sau Tuyên bố Balfour, nhiều người Do Thái đã thực hiện “alya” (di cư đến “miền đất hứa”). Số lượng người Do Thái di cư tăng từ khoảng 70.000 người vào năm 1917 lên khoảng 650.000 người vào đầu năm 1948. Phong trào này được thúc đẩy bởi cuộc diệt chủng chống lại người Do Thái ở Châu Âu (5 đến 6 triệu nạn nhân, chiếm 50% dân số Do Thái ở Châu Âu).
1946: Vương quốc Anh bị choáng ngợp bởi những căng thẳng nổi lên giữa người Ả Rập và người Do Thái ở lãnh thổ Palestine ủy trị. Họ từ bỏ hồ sơ và chuyển nó đến Liên Hợp Quốc.
29 tháng 11 1947: Kế hoạch phân chia Palestine được thông qua (Nghị quyết 181), bất chấp sự phản đối của tất cả các Nhà nước Ả Rập. Kế hoạch này quy định việc chia Palestine thành ba khu vực: khu vực Ả Rập (45%), khu vực Do Thái (55%) và Jérusalem đặt dưới sự quản lý của Liên Hợp Quốc.
14 tháng 5 1948: David Ben-Gurion tuyên bố Nhà nước Israel độc lập.
1948-1949: Cuộc chiến tranh Ả Rập-Israel đầu tiên đối lập Israel với Liban, Syrie, Ai Cập, Jordanie và người Palestine. Chống lại mọi phe phái, Nhà nước Do Thái đã giành lại được 78% lãnh thổ. 22% còn lại đã bị Jordanie (Cisjordanie/Bờ Tây) và Ai Cập (Dải Gaza) sáp nhập. Đối với người Palestine, đó là “Nakba” - Ngày thảm họa - với hơn 800.000 người chạy trốn khỏi Palestine.
28 tháng 5 1964: Tổ chức Giải phóng Palestine (OLP) được thành lập để đại diện cho dân tộc Palestine và tổ chức kháng chiến chống lại Israel và giành lại đất đai của họ. Yasser Arafat trở thành người lãnh đạo của tổ chức.
5 tháng 6 1967: Israel mở cuộc tấn công chống lại Ai Cập. Cuộc chiến kéo dài sáu ngày. Israel, chiến đấu chống lại Ai Cập, Syrie, Jordanie, Irak và Liban, giành chiến thắng áp đảo. Người Israel chinh phục tất cả: Cisjordanie, Dải Gaza, Cao nguyên Golan, Bán đảo Sinai và Đông Jerusalem. Những người láng giềng Ả Rập cuối cùng đã giành lại được lãnh thổ của họ, nhưng người Palestine không bao giờ giành lại được quyền kiểm soát đất đai của mình. Hội Đồng Bảo An Liên Hợp Quốc thông qua Nghị quyết 242, lên án việc giành lãnh thổ thông qua chiến tranh.
6 tháng 10 1973: Ai Cập và Syria đã phát động một cuộc tấn công bất ngờ và chưa từng có vào Israel vào ngày lễ Yom Kippur của người Do Thái. Cuối cùng, Israel đã đẩy lùi cuộc tấn công. Sau Chiến tranh Yom Kippur, Ai Cập và Israel đã ký một thỏa thuận bình thường hóa quan hệ tại Camp David, và Israel đã rút khỏi Sinai (1978). Ai Cập đã bị đình chỉ tư cách thành viên Liên Đoàn Ả Rập. Hội Đồng Bảo An Liên Hợp Quốc đã thông qua Nghị quyết 338, kêu gọi thực hiện Nghị quyết 242 và quyết định rằng một quá trình đàm phán nên bắt đầu.
1987: Cuộc nổi loạn/intifada lần thứ nhất bắt đầu – “Cuộc chiến với những viên đá”. Dân tộc Palestine nổi dậy chống lại sự chiếm đóng của Israel. Các cuộc bạo loạn dữ dội, bị quân đội Israel đàn áp dã man, kéo dài cho đến năm 1993. Hamas ra đời vào đầu cuộc intifada đầu tiên; ban đầu là một phong trào thanh niên lấy cảm hứng từ hội Huynh Đệ Hồi Giáo/Frères Musulmans, họ tin rằng OLP không thật sự chiến đấu chống Israel và cần phải tổ chức cuộc kháng chiến vũ trang.
15 tháng 11 1988: Yasser Arafat, người cho tới lúc bấy giờ đã bác bỏ kế hoạch phân chia của Liên Hợp Quốc và ủng hộ kháng chiến vũ trang, tuyên bố thành lập một Nhà nước Palestine dựa trên nguyên tắc của các nghị quyết 181, 242 và 338; qua đó ngầm công nhận Israel.
1991: Nỗ lực đàm phán đầu tiên tại Madrid giữa Israel và các nước Ả Rập dưới sự bảo trợ của Hoa Kỳ và Liên Xô. Người Palestine được sáp nhập trong một phái đoàn Jordanie-Palestine.
13 tháng 9 1993: Hiệp định Oslo được ký kết với cái bắt tay lịch sử giữa Yasser Arafat và Yitzhak Rabin. Tiến trình Oslo diễn ra trong bí mật, song song với các cuộc đàm phán không mang lại kết quả ở Madrid. Hiệp định là tuyên bố về các nguyên tắc khai sinh ra Chính Quyền Palestine và dự kiến một thời kỳ chuyển tiếp năm năm nhằm dẫn đến việc thành lập một Nhà Nước Palestine. Thời kỳ chuyển tiếp này chưa bao giờ bị vượt quá và cuối cùng các thỏa thuận không bao giờ được thực hiện.
4 thang 11 1995: Trong bài phát biểu hòa bình của mình, Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin bị một người Do Thái cực đoan phản đối Hiệp định Oslo ám sát.
Tháng 7 2000: Các cuộc đàm phán được tiếp tục tại Camp David, dưới sự bảo trợ của Hoa Kỳ. Các vấn đề về lãnh thổ, quy chế của Jerusalem và vấn đề người tị nạn Palestine làm tê liệt tiến trình, cuối cùng tiến trình đã thất bại. Yasser Arafat bị cáo buộc đã làm cho các cuộc đàm phán thất bại.
28 tháng 9 2000: Sau thất bại của cuộc đàm phán ở Camp David, Ariel Sharon, lãnh đạo phe đối lập dân tộc chủ nghĩa cánh hữu ở Israel, đã có chuyến thăm gây tranh cãi đến Quãng Trường các Đền Thờ Hồi Giáo/Núi Đền ở Jérusalem (xem Bảng chú giải thuật ngữ ở cuối bài). Cuộc intifada thứ hai, thậm chí còn gây chết chóc nhiều hơn lần đầu tiên, nổ ra.
2002: Ariel Sharon được bầu làm Thủ tướng Israel, quyết định xây dựng một “bức tường an ninh” (xem Bảng Chú giải thuật ngữ ở cuối bài) giữa Israel và Lãnh thổ Palestine.
2003: Sáng kiến Genève dự kiến một kế hoạch hòa bình rất chi tiết, được Bộ trưởng Israel Yossi Beilin và Bộ trưởng Palestine Yasser Abd Rabbo ký kết. Thỏa thuận này được Chính Quyền Palestine công nhận nhưng bị Ariel Sharon và Hamas bác bỏ. Kế hoạch hòa bình không bao giờ được thực hiện.
2005: Mahmoud Abbas kế nhiệm Yasser Arafat mất năm 2004, ở vị trí lãnh đạo OLP. Israel rút khỏi Dải Gaza sau 38 năm chiếm đóng, theo kế hoạch rút quân đơn phương của Ariel Sharon.
2006: Các cuộc bầu cử lập pháp được tổ chức tại Palestine và Hamas giành chiến thắng. Các cuộc bầu cử được giám sát bởi các nhà quan sát quốc tế, những người xác nhận diễn tiến dân chủ của chúng. Tuy nhiên, khi Hamas giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, cộng đồng quốc tế đã chọn không công nhận kết quả và thay vào đó gây sức ép buộc Chính Quyền Palestine không trao quyền lực cho Hamas, đảng giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu.
2007: Hamas nắm quyền kiểm soát Dải Gaza, trong khi Chính Quyền Palestine vẫn giữ quyền kiểm soát Cisjordanie. Kể từ đó, Palestine đã bị chia rẽ về mặt chính trị và không có cuộc bầu cử nào nữa được tổ chức.
2009: Benjamin Netanyahu được bầu làm Thủ tướng Israel, ông khuyến khích mạnh mẽ việc xây dựng các khu định cư ở Cisjordanie và củng cố các chính sách an ninh.
2020: Donald Trump, trước sự chứng kiến của Netanyahu, trình bày “kế hoạch hòa bình của Mỹ cho cuộc xung đột Israel-Palestine”, được điều đình mà không có sự tham gia của người Palestine. Người Palestine từ chối kế hoạch này có lợi cho Israel. Tuy nhiên, Hiệp định Abraham đã được ký kết, bình thường hóa quan hệ của Israel với Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Bahrain, và sau đó là với Sudan và Maroc.
7 tháng 10 2023: Từ Dải Gaza, Hamas thực hiện một loạt các cuộc tấn công và hành động tàn bạo nhằm vào binh lính và thường dân Israel. 1.200 người Israel thiệt mạng và 240 con tin bị đưa đến Dải Gaza. Để trả đũa, một chiến dịch quân sự của Israel nhằm tiêu diệt Hamas đã được phát động chống lại ở Dải Gaza. Đến đầu tháng 2 năm 2024, Bộ Y tế Gaza đã thống kê được hơn 27.000 người Palestine tử vong.
*************************************
10 con số then chốt
(Nguồn: https://www.un.org/unispal/en/facts-and-figures/)
5,6 triệu người tị nạn Palestine đã buộc phải rời khỏi lãnh thổ mà họ từng sinh sống.
61% lãnh thổ Cisjordanie là khu vực cấm người Palestine.
3.572 người Palestine và 198 người Israel đã thiệt mạng trong giai đoạn 2011-2021.
593 trạm kiểm soát/checkpoints của Israel ở Cisjordanie nhằm kiểm soát sự di chuyển của người Palestine.
Hơn 630.000 người định cư (xem Bảng chú giải thuật ngữ ở cuối bài) đang sinh sống tại Cisjordanie trong 150 khu di dân được chính thức thiết lập và 128 thuộc địa được xây dựng mà không có sự cho phép của Israel.
85% nguồn nước của Palestine bị Israel kiểm soát.
2 triệu người Palestine không được đảm bảo an ninh lương thực.
Phần 2. Thực chất và đặc điểm của cuộc xung đột Israel-Palestine
Xung đột lãnh thổ giữa hai dân tộc
Việc nhắc lại các sự kiện lịch sử và các số liệu là điều cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải hiểu thực chất của cuộc xung đột. Có nhiều sự lẫn lộn về bản chất của cuộc đối đầu giữa Israel và Palestine. Liệu đó có phải là cuộc chiến tranh tôn giáo giữa người Do Thái và người Hồi giáo không? Một cuộc chiến tranh giữa các nhóm khủng bố và một Nhà nước? Trên thực tế, xung đột Israel-Palestine trước hết là xung đột lãnh thổ giữa hai dân tộc.
Các thách thức chính là quyền kiểm soát lãnh thổ và chủ quyền. Một dân tộc, người Palestine, đã sống trên vùng đất này, do người Ottoman và sau đó là người Anh quản lý. Một dân tộc khác, người Do Thái, bị đàn áp ở nơi khác, đã bắt đầu di cư đến cùng vùng đất này mà họ có mối liên hệ tôn giáo và lịch sử. Kể từ đó, bài toán trở nên rõ ràng: hai dân tộc muốn sống trên cùng một vùng đất và đều tuyên bố quyền kiểm soát đối với vùng đất đó.
Tất cả các giai đoạn chính của cuộc xung đột đều gắn liền sâu sắc với các vấn đề lãnh thổ. Năm 1948 đánh dấu sự khởi đầu của cuộc xung đột: Ben-Gourion tuyên bố thành lập Nhà nước Israel, và điều này đánh dấu sự khởi đầu của “Nakba/Ngày thảm họa”, việc trục xuất 800.000 người Palestine. Do đó, xung đột Israel-Palestine phát sinh từ việc thành lập một Nhà nước mới tuyên bố chủ quyền đối với một vùng đất và trục xuất những người sinh sống trên vùng đất đó. Cuộc chiến năm 1967, một thời điểm then chốt, không gì khác hơn là vấn đề xâm chiếm lãnh thổ. Israel đã kiểm soát toàn bộ lãnh thổ bằng vũ lực và thậm chí chiếm đóng một phần của lãnh thổ Ai Cập, Syrie và Liban. Ngược lại, việc Israel rút quân khỏi Dải Gaza vào năm 2005 cũng là một bước ngoặt lớn.
Tương tự như vậy, tất cả các cuộc đàm phán chủ yếu là về các cân nhắc về lãnh thổ. Năm 1978, trong Hiệp định Camp David, Ai Cập đã đồng ý công nhận sự tồn tại của Nhà nước Israel để đổi lấy việc giành lại quyền kiểm soát Bán đảo Sinai. Năm 1995, tiếp sau Hiệp định Oslo, một sự phân chia lãnh thổ Cisjordanie đã được điều đình: Khu vực A được đặt dưới sự kiểm soát của người Palestine, Khu vực B dưới sự kiểm soát dân sự của Palestine nhưng với sự kiểm soát quân sự của Israel và Khu vực C dưới sự kiểm soát của Israel. Năm 2000, việc phân bổ quyền kiểm soát Jérusalem là một trong những vấn đề làm tê liệt các cuộc đàm phán tại Camp David.
Cuộc chiến đấu cho từng mét vuông
Trong chiến tranh giành lãnh thổ này, cuộc chiến diễn ra cho từng mét vuông. Theo nghĩa này, Israel sử dụng nhiều công cụ. Thành lập khu định cư là một trong những vũ khí chính. Có những đất đai do Liên Hợp Quốc phân bổ cho người Palestine đã bị trưng dụng và đôi khi nhà cửa của người Palestine bị phá hủy để xây dựng các khu di dân (xem Bảng chú giải thuật ngữ ở cuối bài) nơi những người Israel khai thác thuộc địa và chiếm đóng lãnh thổ.
![]() |
Ảnh chụp một khu di dân của Israel được xây dựng ở ngoại ô Bethléem, ở Cisjordanie, Tháng 9 năm 2023. Nguồn: Marie Durrieu (Durrieu/Diploweb.com) |
Việc xây dựng “bức tường an ninh” (xem Bảng chú giải thuật ngữ ở cuối bài) cũng là một công cụ của chính sách kiểm soát lãnh thổ. Về mặt chính thức, bức tường được xây dựng trên “đường xanh” (ranh giới được thiết lập theo kế hoạch phân chia của Liên Hợp Quốc năm 1947) và đáng lẽ được dùng làm rào chắn an ninh. Tuy nhiên, bức tường được trắng trợn xây dựng xa hơn về phía đông so với ranh giới do Liên Hợp Quốc dự kiến, cho phép người Israel giành được, trên thực tế, đất đai. Hơn nữa, trong khi ranh giới xanh chỉ dài 315 km, bức tường dài hơn 700 km vì nó uốn lượn và rẽ ngoặt cho phép nó gặm nhấm từng khúc lãnh thổ của người Palestine.
![]() |
Bức ảnh về bức tường phân cách giữa Jérusalem và Bethléem với một tháp kiểm soát. Tháng 9 năm 2023. Nguồn: Marie Durrieu (Durrieu/Diploweb.com) |
Thêm vào đó còn có việc xây dựng những con đường cấm người Palestine, việc phá dỡ nhà cửa và lệnh cấm người Palestine xây dựng, cô lập một số doanh nghiệp Palestine để buộc họ phải rời đi, sự hiện diện khắp nơi của quân đội Israel và các trạm kiểm soát khắp nơi ở Cisjordanie... Tóm lại, người Israel đang giành chiến thắng trong cuộc chiến lãnh thổ.
Mặt khác, người Palestine không chấp nhận sự thất bại và cố gắng trong tuyệt vọng để giữ lại một phần đất đai. Một số người Palestine bị trục xuất chọn gia nhập các trại tị nạn ở Cisjordanie (858.000 người tị nạn) hoặc ở Gaza (1,4 triệu người tị nạn) thay vì rời đi đến các nước láng giềng; vì họ tin rằng ở lại là một cách để kháng cự. Trong một cuộc trao đổi với một cô gái trẻ trong trại tị nạn ở Cisjordanie, cô ấy nói với tôi: “Họ [người Israel] khiến chúng tôi không còn có thể sống được nữa , vì họ muốn chúng tôi rời đi, nhưng bằng cách ở lại đây, tôi đang kháng cự! Tôi sẽ kháng cự cho đến chết...”. Thực tế vẫn là các vùng lãnh thổ của người Palestine đang thu hẹp rõ rệt trong khi các khu định cư của Israel ngày càng tăng bội ...
![]() |
Bản đồ đơn giản cho thấy sự tiến hóa của cuộc xung đột lãnh thổ. Lãnh thổ Palestine bị thu hẹp, và song song lãnh thổ do Israel kiểm soát ngày càng nới rộng. Nguồn: https://www.flickr.com/photos/43405897@N04/4055313294 |
Bản đồ mô tả thực tại trên thực địa ở Cisjordanie
Bản đồ mô tả thực tế trên thực địa ở Cisjordanie. Bức tường được trắng trợn xây dựng ở phía đông Đường ranh giới xanh do Liên Hợp Quốc thiết lập và đi vòng vèo để giành thêm đất. Lãnh thổ này gần như hoàn toàn do người Israel kiểm soát và chỉ một số vùng đất nhỏ còn nằm dưới sự kiểm soát một phần của người Palestine. Các khu định cư của Israel đang dần được thành lập trên các vùng lãnh thổ của người Palestine.
Nguồn: Bản đồ do tổ chức B'Tselem lập và được Le Monde diplomatique điều chỉnh. https://www.monde-diplomatique.fr/cartes/occupationcisjordanie2006
Sự nhầm lẫn về thực chất của cuộc xung đột
Như vậy, xung đột Israel-Palestine trước hết là xung đột lãnh thổ. Chúng ta không được hiểu sai bản chất của cuộc xung đột, nếu không thì các phân tích của chúng ta chắc chắn sẽ bị sai sót.
Xung đột Israel-Palestine không phải là xung đột tôn giáo. Chắc chắn, tôn giáo là bối cảnh vì vùng đất tranh chấp là “thánh địa”, cái nôi của ba tôn giáo độc thần. Sự gắn bó với vùng đất này được củng cố bởi sự hiện diện của các địa điểm linh thiêng. Ví dụ, Đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa (địa điểm linh thiêng thứ ba của Hồi giáo) và Bức Tường Than Khóc (nơi linh thiêng nhất đối với người Do Thái) ở trung tâm Thành phố cổ Jérusalem phần nào giải thích cho sự từ chối tuyệt đối của người Israel và người Palestine trong việc nhượng bộ về quy chế của Jérusalem. Tuy nhiên, đây không phải là xung đột giữa Do Thái Giáo và Hồi giáo. Đây là cuộc xung đột giữa hai dân tộc, người Do Thái và người Ả Rập Palestine (mà một phần theo đạo Thiên chúa) để giành quyền kiểm soát một vùng đất.
Esplanade des Mosquées (Quãng trường các đền thờ Hồi Giáo)/Mont du Temple (Núi Đền) ở Jérusalem (Xem Bảng chú giải thuật ngữ ở cuối bài)
Địa điểm linh thiêng thứ ba của đạo Hồi, nơi có Thánh đền Hồi giáo Al-Aqsa và Đền Mái Vòm Đá/Dôme du Rocher. Theo truyền thống Hồi giáo, đây là nơi Mahomet lên thiên đàng. Theo truyền thống Do Thái, đây là nơi có Đền thờ Salomon, sau đó là Đền thờ Hérode, nơi chỉ còn lại Bức Tường Than Khóc. Tháng 9 năm 2023.
Ảnh: Marie Durrieu. Durrieu/Diploweb.com
Bức Tường Than Khóc ở trung tâm Thành phố cổ Jerusalem
Bức Tường Than Khóc ở trung tâm Thành phố cổ Jérusalem. Địa điểm linh thiêng nhất đối với Do Thái Giáo và được cho là tàn tích duy nhất còn lại của Đền thờ Hérode. Nằm dưới Quãng trường các đền thờ Hồi Giáo/Núi Đền (Xem Bản chú giải thuật ngữ ở cuối bài). Tháng 1 năm 2020.
Ảnh: Marie Durrieu. Durrieu/Diploweb.com
Tuy nhiên, như Alain Dieckhoff đã viết[1], yếu tố tôn giáo đôi khi bị cả hai bên lợi dụng. Ví dụ, Hamas dựa vào Hồi giáo để tự chính đáng hóa nhằm chống lại Chính Quyền Palestine thế tục. Ngược lại, trong chính phủ mới của Netanyahu, một số bộ trưởng xuất thân từ các đảng phái Do Thái chính thống cực đoan như Le Foyer Juif hoặc Le Judaisme unifié de la Torah. Yếu tố tôn giáo cũng thường được Nhà nước Do Thái sử dụng để biện minh cho việc khai thác thuộc địa bằng các khu di dân. Tuy nhiên, nếu một số tác nhân chọn “chơi lá bài tôn giáo” (Alain Dieckhoff), điều này không nhất thiết có nghĩa là chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc xung đột tôn giáo.
Ngoài ra, mô tả cuộc xung đột như một cuộc chiến tranh bất đối xứng giữa các nhóm khủng bố và một Nhà nước là một cách diễn giải cực kỳ hạn chế. Không thể phủ nhận rằng đây là một cuộc xung đột bất đối xứng vì các lực lượng đối đầu nhau hoàn toàn không cân đối theo hướng có lợi cho Israel. Tuy nhiên, nói về một cuộc xung đột giữa các nhóm khủng bố và một Nhà nước thực chất là một cách để xóa bỏ tính chính đáng của một trong hai bên, người Palestine, trong khi lại chính đáng hóa bên đối lập là Israel. Một số tác nhân tham gia ở cả hai bên, bao gồm cả Hamas, phải được xếp như là những kẻ khủng bố. Tuy nhiên, để nắm bắt được bản chất của cuộc xung đột, cần phải hiểu rằng, trước hết, đó là hai dân tộc chiến đấu cho cùng một vùng đất bằng những phương tiện khác nhau.
Khía cạnh lãnh thổ: Rào cản chính trong việc giải quyết xung đột
Thật vậy, chính khía cạnh lãnh thổ của cuộc xung đột khiến việc giải quyết xung đột trở nên phức tạp. Làm sao hai kẻ thù có thể có quê hương trên cùng một nơi? Đây là một trò chơi tổng bằng không: lợi ích của bên này sẽ bằng tổn thất của bên kia. Những thế hệ nối tiếp nhau, nhưng không ai, ở cả hai bên, từ bỏ những gì họ coi là đất đai của mình. Một cô gái trẻ người Palestine sinh ra trong trại tị nạn nói với tôi về Hébron, thành phố mà gia đình cô đã phải rời bỏ do một khu định cư của Israel cách đây đã hai thế hệ, như là “quê hương”.
Giải pháp duy nhất được hình dung và có thể hình dung được cho cuộc xung đột lãnh thổ này vẫn là “giải pháp hai Nhà nước”. Nói cách khác, vùng đất này phải được chia một cách công bằng cho một Nhà nước Palestine và một Nhà nước Israel, mỗi bên sẽ có chủ quyền đối với phần đất của mình và có thể sống trong an ninh và hoàn toàn tự do.
Tuy nhiên, các khu định cư chắc chắn đặt ra thách thức đối với việc thực hiện giải pháp hai Nhà nước. Việc mở rộng các khu di dân ở Cisjordanie đã chia cắt lãnh thổ Palestine, nay trông giống như một quần đảo (xem bản đồ ở trên). Để đạt được tính liên tục về lãnh thổ cần thiết cho một Nhà nước Palestine có thể đứng vững được, các khu di dân của Israel sẽ phải bị thanh toán. Đây là giải pháp mà hơn 600.000 người định cư và chính quyền Netanyahu đang, ngược lại, khuyến khích hoạt động định cư, không sẵn sàng chấp nhận.
Cuối cùng, một trong những khía cạnh đặc trưng và làm phức tạp thêm việc giải quyết xung đột này là sự chồng chéo trên thực địa. Diện tích cực kỳ hạn chế và mọi thứ đều đan xen vào nhau. Người Israel và người Palestine là những người hàng xóm không thể tách rời. Bất chấp sự thù hận, những bức tường, những rào cản văn hóa và ngôn ngữ - họ sống cạnh nhau và sự phân chia là võ đoán. Thành phố cổ Jerusalem thể hiện sự tùy tiện này làm phức tạp thêm tình hình: từ phố này sang phố khác, người ta đi từ khu chợ Ả Rập đến khu phố Do Thái. Có thể vào Quãng trường các đền thờ Hồi Giáo thông qua Bức tường than khóc Do Thái.
Một trạm kiểm soát với cửa quay của Israel tại thành phố Hebron, nơi kiểm soát và chặn người Palestine đi từ phố này sang phố khác.
Nguồn: Marie Durrieu. Durrieu/Diploweb.com
Hebron cũng thể hiện sự chồng chéo này. Tại đó, các khu định cư đã được thành lập một cách tùy tiện trên một số phố nhất định của thành phố. Cần phải đi qua các trạm quay vòng và các trạm kiểm soát từ phố này sang phố khác. Trong khi đó, Lăng mộ Tổ phụ (Tombeau des Patriarches) đã bị chia cắt thành hai phần, với một đền thờ Hồi giáo ở một bên và một nhà thờ Do Thái ở bên kia. Tuy nhiên, sự chồng chéo này không thể bị bỏ qua. Cuộc xung đột này không thể được xử lý như một cuộc xung đột mà khi đã giải quyết xong, mọi người sẽ trở về nhà mình: ở Israel và Palestine, hai dân tộc sẽ phải chung sống với nhau.
Phần 3. Nỗi kinh hoàng ngày 7 tháng 10 năm 2023 đã phá vỡ tính vô hình của vấn đề Palestine
Chiến lược làm cho vấn đề Palestine trở nên vô hình
Ngày 7 tháng 10 năm 2023 đã khiến cả thế giới ngạc nhiên. Chúng ta thực sự bị sốc một cách chính đáng trước sự tàn bạo và man rợ của các cuộc tấn công nhằm vào dân thường. Nhưng dư luận thế giới cũng ngạc nhiên trước sự phục hoạt mãnh liệt của một cuộc xung đột vốn đã phần lớn bị lãng quên...
Trên thực tế, đây phần lớn là kết quả của một chiến lược chính trị để vô hình hóa được Netanyahu dàn dựng một cách tinh vi. Thật vậy, trong nhiều năm, Thủ tướng Israel đã thực hiện một chiến lược chính trị nhằm giảm thiểu và để khiến mọi người quên đi vấn đề Palestine. Đối với công chúng Israel và trong mắt cộng đồng quốc tế, chính phủ Israel đã nuôi dưỡng quan điểm rằng không còn xung đột thực sự giữa Israel và Palestine nữa, hoặc xung đột đã dừng lại, và vấn đề Palestine đã được kiểm soát hoặc bị ngưng trệ.
Để nuôi dưỡng diễn ngôn này, Netanyahu đã huy động một số công cụ. Ví dụ, để ngăn cản bất kỳ ai cân nhắc các cuộc đàm phán mới, Netanyahu đã nuôi dưỡng ý tưởng rằng không có người đối thoại chính trị chính đáng nào về phía Palestine. Kể từ năm 2006, không có cuộc bầu cử nào diễn ra và Palestine bị chia rẽ về mặt chính trị giữa Chính Quyền Palestine và Hamas, bị một số đồng minh của Israel coi là một tổ chức khủng bố. Đây là tình huống mà Netanyahu đã lợi dụng và duy trì để dần dần khiến mọi người quên đi nhu cầu đàm phán.... Hơn nữa, mối đe dọa từ Iran cũng là một công cụ được Thủ tướng Israel sử dụng. Trong những năm gần đây, ông đã khuấy động rộng rãi mối đe dọa từ Iran để chứng minh rằng vấn đề đáng được quan tâm là Iran, chớ không phải vấn đề người Palestine. Chiến lược này đã chứng minh được hiệu quả cao đối với cả người dân Israel và cộng đồng quốc tế.
Một chiến lược hiệu quả
Dân chúng Israel không còn quan tâm đến vấn đề Palestine nữa. Trên thực địa, sự thay đổi này rất đáng kể. Trước ngày 7 tháng 10 năm 2023, người Israel có hai mối quan tâm chính: Iran và cải cách tư pháp của Netanyahu. Làm cho họ nói về người Palestine đã trở nên khó khăn. Họ không có gì để nói về vấn đề này, như thể vấn đề đã được giải quyết, hoặc thậm chí không tồn tại.... Dân chúng, đặc biệt là những người trẻ tuổi cởi mở ở các thành phố lớn, ở trong một kiểu phủ nhận rất đáng ngạc nhiên khi xem xét những gì đang xảy ra ở phía bên kia bức tường. Sự phủ nhận này được tượng trưng bằng buổi nhảy nhót/rave party được tổ chức gần Gaza, đã bị Hamas tấn công một cách khủng khiếp. Việc tổ chức một rave party cách Gaza 6 km, nơi mà cựu Thủ tướng Dominique de Villepin[2] mô tả như là “địa ngục trần gian”, cho thấy mức độ phủ nhận sâu sắc trong đó dân chúng Israel đã đắm chìm vào....
Hơn nữa, chiến lược vô hình hóa cũng rất hiệu quả đối với cộng đồng quốc tế. Trong khi giải quyết xung đột Israel-Palestine là ước mơ của một số tổng thống lớn, thì kể từ những năm 2000, không ai có tham vọng tổ chức các cuộc đàm phán. Chính nghĩa Palestine không còn nằm trong chương trình nghị sự ngoại giao nữa. Các nhà lãnh đạo và các tổ chức quốc tế có những ưu tiên khác: chủ nghĩa khủng bố thánh chiến, khí hậu, COVID-19, cuộc chiến tranh của Nga ở Ukraine, di dân, an ninh mạng... Dư luận toàn cầu cũng vậy; vấn đề Trung Đông không còn là mối quan tâm thực sự nữa.
Hiệp định Abraham, được ký kết vào năm 2020, đã kết tinh sự vô hình hóa này của vấn đề Palestine. Trong khi về mặt lịch sử, vấn đề Palestine đã thống nhất thế giới Ả Rập và các nước Ả Rập đã ủng hộ vô điều kiện dân tộc Palestine, thì vào năm 2020, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Bahrain, Sudan và Maroc đã chọn bình thường hóa quan hệ với Nhà nước Israel mà không yêu cầu bất kỳ nhượng bộ nào cho người Palestine.
Thế giới đã nhắm mắt trước một thực tế chưa bao giờ ngừng tồn tại. Sự phủ nhận này là một nguồn đau khổ thêm cho người dân Palestine, những người sống trong tuyệt vọng hàng ngày. Năm 2020, Sahar Qawasmi, một đại biểu quốc hội của Hébron, đã hỏi tôi: “Tại sao chúng tôi lại là ngoại lệ đối với nhân quyền?” Đối với dân tộc Palestine, việc im lặng trước nỗi đau khổ của họ và việc quên đi hoàn cảnh của họ là một sự bất công không thể hiểu nổi, cho phép Israel theo đuổi song song chính sách đi dân của mình mà hoàn toàn không sợ bị trừng phạt. Theo nghĩa này, Hiệp định Abraham đã được Chính Quyền Palestine coi là một sự phản bội khủng khiếp.
Ngày 7 tháng 10 năm 2023: Một sự đứt đoạn
Trong bối cảnh của sự vô hình hóa này, các cuộc tấn công của Hamas đã gây bất ngờ và làm cả thế giới sửng sốt. Tuy nhiên, trên thực địa, sự leo thang là có thể dự đoán được. Không còn ai nói về “hòa bình” hay “giải pháp hai Nhà nước” nữa. Thanh niên Palestine không còn hy vọng vào chính trị, đàm phán hay một triển vọng tốt đẹp hơn. Những người trẻ tuổi ngày càng nói về “sự kháng chiến bằng mọi cách”. Các nhà lãnh đạo Chính Quyền Palestine, những người tiếp tục ủng hộ tiếng nói hòa bình, đã cảnh báo rằng họ lo sợ rằng họ không còn có thể kiềm chế được sự nổi giận của người dân. Một số người trong số họ nói với tôi rằng nếu tình hình không thay đổi và cộng đồng quốc tế không chấm dứt sự chiếm đóng của Israel, thì sự leo thang bạo lực là điều không thể tránh khỏi. Thật nghịch lý, ngoại trừ người Palestine, không ai, cả người Israel lẫn cộng đồng quốc tế, dường như không sợ về một cuộc nổi dậy và bạo lực như vậy.
Trên thực tế, thảm kịch ngày 7 tháng 10 năm 2023 đã phá vỡ sự vô hình hóa mà vấn đề Palestine đã bị đẩy vào. Vấn đề này không phải là mới; chúng ta chỉ đơn giản nhận thức lại về nó.
Xung đột Israel-Palestine một lần nữa đã trở thành mối quan ngại của dư luận toàn cầu. Các sự kiện ở Gaza được đưa lên trang đầu trên các phương tiện truyền thông kể từ cuộc tấn công của Hamas, gần như đẩy cuộc chiến ở Ukraine vào hậu trường. Mạng xã hội tràn ngập các bài đăng, có lợi cho bên này hoặc bên kia, về tình hình ở Trung Đông. Đây là một chủ đề đang quay trở lại trọng tâm của các cuộc tranh luận với nhiều cảm xúc lớn: đây là những vấn đề chia rẽ mạnh mẽ dư luận của chúng ta.
Chính nghĩa của Palestine một lần nữa đã trở thành chủ đề huy động. Nhiều cuộc biểu tình ủng hộ Palestine đã được tổ chức ở khắp thế giới. Một số nhân vật có ảnh hưởng trên truyền thông đã bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với người Palestine; một số người, như nữ diễn viên Susan Sarandon - người đã bị công ty tư vấn tài năng (UTA) của bà sa thải - đã phải trả giá đắt cho điều đó. Mạng xã hội đang được sử dụng tích cực như một nền tảng để ủng hộ chính nghĩa của Palestine. Trong thế giới Ả Rập, vấn đề Palestine lại trở thành chủ đề đáng quan tâm và để xác định bản sắc. Ngay cả ở các quốc gia vùng Vịnh, nơi các chính phủ ngày càng xích lại gần hơn với Nhà nước Do Thái, người dân hiện đang bày tỏ rõ ràng sự ủng hộ của họ đối với người Palestine.
Ngoài ra, tình hình ở Trung Đông một lần nữa trở thành chủ đề đáng quan tâm đối với các tổ chức và tác nhân chính trị. Xung đột Israel-Palestine một lần nữa lại nằm trong chương trình nghị sự ngoại giao. Điều này được chứng minh bằng các chuyến công du của các nhà lãnh đạo trên thực địa; chẳng hạn như chuyến thăm của Emmanuel Macron tới Israel và Cisjordanie. Liên hợp quốc đã nắm lại vấn đề này. Một số phiên họp của Hội Đồng Bảo An đã dành riêng cho tình hình ở Gaza, mặc dù việc thông qua các nghị quyết trở nên phức tạp do việc sử dụng quyền phủ quyết, đặc biệt là của Hoa Kỳ. Antonio Guterres, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, đã nhiều lần bày tỏ sự ủng hộ của mình đối với giải pháp hai Nhà nước và sự cần thiết của một cuộc ngừng bắn.
Tóm lại, dù chúng ta có muốn hay không thì xung đột Israel-Palestine vẫn là vấn đề trung tâm, và việc gạt bỏ nó không phải là lựa chọn khả thi trong dài hạn. Không thể không biết đến tình hình nhân đạo thảm khốc này. Hơn nữa, đây là cuộc xung đột chia rẽ ở nhiều cấp độ.
Đây là cuộc xung đột chia rẽ các xã hội chúng ta. Kể từ ngày 7 tháng 10 năm 2023, đã có sự rạn nứt đáng kể trong các xã hội Châu Âu của chúng ta giữa những người bảo vệ quyền tự vệ của Israel và những người ủng hộ quyền của người dân Palestine. Đã có sự trỗi dậy trở lại của các hành vi bài người Do Thái và hành vi phân biệt chủng tộc. Các đảng phái chính trị đã định vị bản thân và sử dụng các sự kiện để phục vụ cho lợi ích riêng của họ. Ví dụ, ở Pháp, tính chất Hồi giáo của Hamas đã phục vụ cho luận điệu chống nhập cư của phe cực hữu; trong khi sự nghiệp chính nghĩa của người Palestine được các đảng cánh tả bảo vệ.
Đây cũng là vấn đề chia rẽ thế giới giữa các quốc gia ở Phương Nam, chủ yếu ủng hộ Palestine, và các quốc gia ở Phương Bắc, chủ yếu ủng hộ Israel. Trong khi sự rạn nứt giữa một bên là các nền dân chủ Phương Tây, và bên kia là các quốc gia Phương Nam, các quốc gia mới nổi và các chế độ độc tài, vốn đã được đào sâu, thì xung đột Israel-Palestine đã làm trầm trọng thêm sự chia rẽ này. Sự ủng hộ vô điều kiện của Hoa Kỳ và sự hỗ trợ của Châu Âu đối với Israel góp phần thúc đẩy ý tưởng rằng “Phương Tây áp bức các dân tộc Phương Nam và rằng họ chỉ tôn trọng luật pháp quốc tế theo lợi ích của mình”. Diễn ngôn này phục vụ cho các quốc gia như Nga, Iran hoặc Trung Quốc, những quốc gia muốn phá vỡ trật tự thế giới hiện hành và tìm kiếm sự ủng hộ từ các quốc gia cảm thấy bị Phương Tây áp bức.
Do đó, xung đột Israel-Palestine và hậu quả của nó không thể bị bỏ qua. Sự bất cân xứng giữa các bên trong cuộc xung đột sâu sắc đến mức một giải pháp chỉ có thể đến từ bên ngoài. Cộng đồng quốc tế phải cam kết tìm ra một giải pháp đảm bảo quyền của cả hai bên. Giải pháp hai nhà Nước vẫn là giải pháp duy nhất có thể chấp nhận được. Để triển khai và làm cho nó có hiệu quả, thực tế trên thực địa phải được tính đến.
https://www.diploweb.com/Video-Proche-Orient-la-paix-a-t-elle-encore-un-avenir-E-Danon.html
BẢNG CHÚ GIẢI THUẬT NGỮ VỀ CUỘC XUNG ĐỘT ISRAEL-PALESTINE
Phần bổ sung cho bài viết được xuất bản trên Diploweb.com vào ngày 18 tháng 2 năm 2024, “Hiểu về cuộc xung đột Israel-Palestine: Từ nguồn gốc đến ngày 7 tháng 10 năm 2023”.
Marie Durrieu là một nghiên cứu sinh tiến sĩ hợp đồng liên kết với Viện Nghiên cứu Chiến lược của Học viện Quân sự Pháp (IRSEM) và cộng tác với Trung tâm Michel de l'Hospital (CMH). Bà giảng dạy Quan hệ Quốc tế và Khoa học Chính trị tại Sciences Po Paris. Nghiên cứu của Bà tập trung vào vai trò và việc sử dụng sự sỉ nhục trong quan hệ quốc tế. Bà chuyên về xung đột Israel-Palestine và đã đi thực tế nhiều lần. Bà là tác giả của cuốn sách “Du conflit israélo-palestinien au nucléaire iranien: l’humiliation, la variable oubliée des négociations” (NXB Harmattan).
Cuộc xung đột giữa Israel và Palestine tiếp diễn trong ngôn ngữ. Việc sử dụng các thuật ngữ không bao giờ mang tính trung lập, và có một cuộc chiến ngôn từ thực sự. Trên thực địa, việc lựa chọn từ ngữ là một vấn đề đau đầu nhưng lại là mấu chốt vì nó định vị chúng ta ở bên này hay bên kia. Ở cột bên trái là từ vựng tiếng Palestine. Ở cột bên phải là từ vựng tiếng Israel.
Video. Vidéo et synthèse rédigée. Proche-Orient: la paix a-t-elle encore un avenir? Ambassadeur E. Danon
Bản tổng hợp bài diễn thuyết của E. Danon do Marie-Caroline Reynier thực hiện, được xác thực bởi E. Danon (Eric Danon là nhà ngoại giao từng làm đại sứ Pháp tại Israel (8/2019 – 7/2023)
Tình hình tính đến ngày 25 tháng 4 năm 2024 trong cuộc chiến giữa Israel và Hamas như thế nào?
Ông Éric Danon[*] giải thích rằng cuộc chiến này sẽ tiếp tục. Trên thực tế, cả hai bên đều muốn tiếp tục vì họ chưa đạt được mục tiêu riêng của mình.
Thật vậy, Israel theo đuổi ba mục tiêu chính thức: tiêu diệt Hamas càng nhiều càng tốt, giải cứu các con tin và biến Gaza thành khu vực không còn là một sự đe dọa nữa. Những mục tiêu này chỉ đạt được một nửa. Ngoài ra, còn có ba mục tiêu không chính thức. Đầu tiên, Israel muốn xây dựng lại khả năng răn đe để không có nhóm nào muốn làm điều tương tự như Hamas. Thứ hai, Israel muốn vượt qua chấn thương sâu sắc của ngày 7 tháng 10 năm 2023. Cuối cùng, xét đến mối quan hệ căng thẳng với Tổng thống Biden, Netanyahu tìm cách kéo dài cuộc chiến ít nhất cho đến ngày 5 tháng 11 năm 2024, ngày diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, vì ông không muốn trao tặng cho tổng thống hiện tại món quà hòa bình.
Về phần mình, Hamas có ba mục tiêu chính thức: tiến vào Israel và giết càng nhiều người càng tốt, bắt càng nhiều con tin càng tốt để đổi lấy tù nhân, và giành ưu thế trong cuộc “kháng chiến của Palestine” bằng cách chứng minh rằng họ là bên đáng tin cậy nhất để lãnh đạo cuộc chiến này. Cuối cùng, họ cũng có mục tiêu không chính thức là có mặt tại bàn đàm phán sau này.
Trung tâm Panthéon của Paris 1 Đại học Sorbonne, ngày 25 tháng 4 năm 2024.
Ảnh: Pierre Verluise cho Diploweb.com
Trong bầu không khí hiện tại, ông Éric Danon cảm nhận được sự đau khổ của hai dân tộc. Về phía Israel, nỗi đau khổ này có liên quan đến hành động của những kẻ khủng bố Hamas. Về vấn đề này, ông nhấn mạnh một nghịch lý: người Israel cho rằng chính phủ hiện tại phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công do Hamas thực hiện, nhưng đồng thời, họ không muốn bỏ rơi chính phủ này.
Về phần mình, người Palestine đang trải qua thảm họa của những gì đang xảy ra ở Gaza nhưng cũng ý thức rằng các quốc gia Ả Rập, đặc biệt là những quốc gia ở Địa Trung Hải, không quan tâm đến việc chấm dứt cuộc xung đột. Do đó, thanh niên Palestine nhận ra rằng, kể từ năm 1949, họ luôn bị các nhà lãnh đạo của họ hoặc các quốc gia Ả Rập này ngăn cản không cho thành lập một Nhà nước.
Tại sao các quốc gia Ả Rập, đặc biệt là những quốc gia ở Địa Trung Hải, không làm gì để thúc đẩy sự xuất hiện của một Nhà nước Palestine?
Đầu tiên, ông Danon lưu ý rằng chính nghĩa của người Palestine tạo nên đòn bẩy chính trị mạnh mẽ trong chính sách đối nội của các quốc gia Ả Rập. Thật vậy, nó giúp lôi kéo người dân ủng hộ các chính phủ đang nắm quyền.
Thứ hai, trong khi người dân các nước Ả Rập rất hòa thuận với nhau, thì chính phủ của họ lại không ưa nhau, như được nêu bật trong sự cạnh tranh giữa Maroc và Algérie hoặc giữa Tunisie và Ai Cập. Trên thực tế, việc bác bỏ Israel giúp đưa các nước này lại gần nhau hơn khi họ hội họp, chẳng hạn như tại các hội nghị thượng đỉnh của Liên Đoàn Ả Rập. Để cho liên minh này kéo dài, họ có lợi trong việc để cuộc xung đột kéo dài.
Thứ ba, nếu xung đột Israel-Palestine kết thúc, Israel có thể trở nên hùng mạnh hơn nữa. Israel đã là một thế lực quyết định ở Trung Đông, với GDP (525 tỷ đô la) lớn hơn GDP cộng lại của tất cả các quốc gia xung quanh. Xung đột này, và đặc biệt là sự tổn hại hình ảnh do các lời kêu gọi tẩy chay gây ra, vẫn là một trở ngại ngăn cản Israel trở thành một siêu cường.
Thứ tư, ông Danon trích dẫn một lý do tâm lý, liên quan đến khái niệm dhimmitude (“dhimmi” là người có địa vị thấp kém trong thế giới Hồi giáo). Thật là đau đớn đối với các nước Ả Rập khi những người không theo đạo Hồi lại có thể vượt trội hơn họ về mặt quản lý, kinh tế và an ninh.
Cuối cùng, quy chế của Jérusalem vẫn là một trong những trở ngại chính đối với việc thành lập Nhà nước Palestine. Thực tế là việc Palestine chiếm giữ lại thánh địa này (Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa) có thể không làm cho Ả Rập Saudi hoặc Iran vừa lòng.
Trung tâm Panthéon của Đại học Paris 1 Sorbonne, ngày 25 tháng 4 năm 2024.
Nguồn ảnh: Pierre Verluise cho Diploweb.com
Tình hình hiện tại của tương quan quyền lực liên quan đến hòa bình ở Trung Đông như thế nào? Có thể đưa ra chẩn đoán gì?
Trong số các lực lượng chống đối hòa bình, ông Danon nhấn mạnh đến sự thiếu nhiệt tình của các quốc gia Ả Rập ở Địa Trung Hải. Ông cũng chỉ ra rằng có những cá nhân phản đối sâu sắc ý tưởng hòa bình ở cả phía Palestine lẫn Israel.
Chẳng hạn, về phía Palestine, cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7 tháng 10 năm 2023, ban đầu được khẳng định như là sự từ chối (sự tồn tại của) Israel, theo nghĩa là từ chối sự phân chia Lãnh thổ ủy trị Palestine trước đây (1923-1948). Theo nghĩa này, khó khăn ban đầu, được củng cố bởi sự thất bại của nhiều cuộc đàm phán, nằm ở việc không chấp nhận sự phân chia này.
Về phía Israel, Chủ nghĩa phục quốc Do Thái tin vào sự xuất hiện của Đấng Chúa Cứu Thế (sionisme messianique), ngày càng trở nên quan trọng vì lý do dân số và chính trị, bác bỏ sự tồn tại của một Nhà nước Palestine. Do đó, vụ thảm sát tại Lăng Mộ Tổ phụ do một người định cư Do Thái cuồng tín thực hiện năm 1994 và vụ ám sát Thủ tướng Israel Yitzhak Rabin do một giáo sĩ Do Thái cực hữu năm 1995 nhằm mục đích giết chết tiến trình Oslo (1993). Tỷ lệ những người Israel này từ chối từ bỏ lý tưởng hòa bình của họ đã tăng lên, từ 25% vào năm 1993 lên hơn 40% vào năm 2024. Cuối cùng, tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng ở Cisjordanie, những người định cư ở đó không còn chỉ vì lý do tôn giáo (như người Do Thái tin vào Đấng Chúa Cứu Thế) mà còn vì lý do kinh tế. Kết quả là, gần 700.000 người sống ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng này, làm cho bất kỳ sự thay đổi nào của tình hình trở nên phức tạp hơn.
Tuy nhiên, phần lớn người Palestine và người Israel trong xã hội dân sự đều muốn có hòa bình. Nhưng những kẻ cực đoan ở cả hai bên đều thành công trong việc ngăn chặn các tiến trình hòa bình.
Do đó, xét đến những không chắc chắn đáng kể, Ông Danon đưa ra ba chẩn đoán để tiến về phía trước.
Đầu tiên, ông bác bỏ việc sử dụng thuật ngữ “giải pháp” (cụm từ “giải pháp hai Nhà nước” rất phổ biến trong các cuộc tranh luận công khai) để ám chỉ cuộc xung đột Israel-Palestine, thay vào đó ông thích cụm từ “sự dịch chuyển của các thế lực (techtonique des puissances)”. Theo ông, không nên xem xét các động thái chính trị như là hướng tới “một giải pháp” mà như là một sự tiến hóa.
Thứ hai, ông lập luận rằng hòa bình cũng là vấn đề về những người có khả năng biến nó thành hiện thực. Thế mà, giải quyết xung đột này đòi hỏi những người có tầm, điều này không có trong quý đầu tiên của năm 2024.
Thứ ba, xét đến sự mất cân bằng quyền lực giữa Israel và Palestine, không thể nào để họ đàm phán trực tiếp. Do đó, cần phải có sự trung gian hòa giải. Tuy nhiên, điều này không thể được xây dựng chỉ xung quanh Hoa Kỳ, một trung gian truyền thống, vì sự gần gũi của Mỹ với người Israel có xu hướng làm cho mất tư cách này. Do đó, ông Danon ủng hộ sự trung gian hòa giải kép do Ả Rập Xê Út và Hoa Kỳ dẫn dắt.
Trung tâm Panthéon của Đại học Paris 1 Sorbonne, ngày 25 tháng 4 năm 2024.
Nguồn ảnh: Pierre Verluise cho Diploweb.com
Tại sao Ả Rập Xê Út lại có thể đóng vai trò trung gian trong cuộc xung đột Israel-Palestine?
Ông Danon tin rằng quốc gia Ả Rập duy nhất thực sự quan tâm đến việc chấm dứt cuộc xung đột là Ả Rập Xê Út. Thật vậy, Thái tử Mohammed ben Salmane (MBS) muốn bình thường hóa quan hệ của đất nước mình với Israel vì ông cần sự ổn định ở Trung Đông.
Về phương diện bình thường hóa chính trị, Ả Rập Xê Út đã quan sát việc thực hiện Hiệp định Abraham (2020) giữa Israel và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và giữa Israel và Bahrein, trước khi tìm kiếm khả năng gia nhập hiệp định này. Các hiệp định này thực sự đã thành công. Do đó, trong năm năm, thương mại song phương giữa UAE và Israel đã vượt qua thương mại giữa Pháp và Israel. Như vậy, phần chính trị đã hoạt động tốt và các thỏa thuận này không bị UAE hay Bahrein thách thức kể từ ngày 7 tháng 10 năm 2023.
Hơn nữa, MBS muốn mở rộng quá trình bình thường hóa chính trị cổ điển này bằng “sự bình thường hóa tôn giáo” giữa La Mecque và Jérusalem. Thật vậy, MBS, người đang kiểm soát các địa điểm linh thiêng ở Médine và La Mecque, muốn trở thành nhà lãnh đạo tinh thần toàn diện của thế giới Sunni. Theo hướng này, cuối cùng ông có thể muốn giành lại quyền quản lý Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa, hiện đang nằm dưới sự quản lý của Waqf, tức là một tài sản công được giao phó lâu dài cho Jordanie.
MBS cũng muốn là người giải quyết vấn đề Israel-Palestine để trở thành một nhân vật lịch sử. Để làm được điều này, về mặt phương pháp, ông dựa vào những gì đã xảy ra ở các nước vùng Vịnh. Thật vậy, họ đã cử sinh viên từ UAE, Bahrein, v.v. đến các trường đại học tốt nhất thế giới để học cách xây dựng và quản lý đất nước của họ. MBS muốn sao chép mô hình này để cuối cùng đảm bảo sự phát triển của một Nhà nước Palestine. Và họ dường như sẵn sàng đầu tư các nguồn lực cần thiết để thực hiện điều này.
Cuối cùng, các cuộc đàm phán giữa Ả Rập Xê Út và Israel chưa bao giờ ngừng lại, đặc biệt là khi Hoa Kỳ còn đang rất tích cực. Thật vậy, Hoa Kỳ có xu hướng đánh giá cao các liên minh giữa các khối. Trong tình hình hiện tại, Phương Tây đang đối mặt với Nga, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Iran. Tuy nhiên, nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia vùng Vịnh Ả Rập, không muốn bị đưa đẩy vào logic này.
Về phần mình, MBS ban đầu đặt ra hai điều kiện để bình thường hóa chính trị với Israel: danh sách các thiết bị quân sự để tự bảo vệ chống lại Iran và để ổn định cuộc xung đột Israel-Palestine. Do không đạt được các điều kiện này, Ả Rập Xê Út tuyên bố sẽ hạ thấp mức độ xung đột với kẻ thù tiềm tàng của mình là Iran. Vậy nên, vào ngày 10 tháng 3 năm 2023, phá vỡ cách tiếp cận khối-với -khối của Hoa Kỳ, Ả Rập Xê Út và Iran tuyên bố họ đã ký một thỏa thuận để nối lại quan hệ ngoại giao. Cuối cùng, Hoa Kỳ đã nhượng bộ về hai điều kiện do MBS đặt ra, còn bổ sung thêm sự cung cấp một nhà máy điện hạt nhân dân sự.
Tác động của Iran đối với xung đột Israel-Palestine là gì?
Do có các lực lượng đồng minh của mình (Hezbollah ở Liban, Hamas ở Dải Gaza và Houthis ở Yémen), Iran là một yếu tố chủ chốt trong cuộc xung đột Israel-Palestine. Iran đã xác định Israel là kẻ thù tuyệt đối mà họ muốn tiêu diệt. Theo nghĩa này, Iran là một “mối đe dọa cho sự tồn tại” của Israel, mặc dù nguy cơ thực hiện mối đe dọa này là rất thấp. Tuy nhiên, Iran đang tìm cách phát triển một trục Chiite trong khu vực và tập trung vào việc triệt hạ Israel.
Hơn nữa, Iran đã ghi khắc năng lượng hạt nhân trong diễn ngôn quốc gia/dân tộc của mình. Iran đang xây dựng các cơ sở có khả năng làm giàu uranium ở cấp độ quân sự, do đó tiến gần hơn đến việc trở thành một quốc gia ngưỡng (sở hữu vũ khí hạt nhân). Thỏa thuận hạt nhân Vienna về Iran (Joint Comprehensive Plan of Action, JCPoA, JCPoA), được ký kết vào năm 2015 sau 16 năm đàm phán, dự kiến giới hạn tiến trình làm giàu uranium của Iran. Tuy nhiên, vào năm 2018, Donald Trump, bị Benjamin Netanyahu thúc đẩy, đã hủy bỏ thỏa thuận này, điều mà ông Danon coi là sai lầm chiến lược lớn nhất mà Hoa Kỳ đã mắc phải kể từ cuộc xâm lược Iraq năm 2003. Do đó, vì các nước Phương Tây không có Kế hoạch B, nên có khả năng Nga sẽ phụ trách vấn đề này, với sự hỗ trợ của Trung Quốc. Trong viễn cảnh này, Iran sẽ trở thành một quốc gia ngưỡng, điều này sẽ củng cố tư thế của Iran. Nhất là sự thất bại này của Phương Tây sẽ gây ra hậu quả cho Israel bị đặt dưới sự đe dọa của một quốc gia ngưỡng.
Tuy nhiên, ông Danon tin rằng tình hình này sẽ không dẫn đến chiến tranh giữa Iran và Israel. Thật vậy, Iran bị suy yếu từ bên trong vì người dân không thích chính quyền của các giáo sĩ và đất nước này phải chịu ảnh hưởng nặng nề của các lệnh trừng phạt kinh tế. Tuy nhiên, đây không phải là thời điểm thích hợp để tấn công Iran, vì điều này có thể khởi dậy sự bộc phát mạnh mẽ của chủ nghĩa dân tộc Iran. Hơn nữa, Israel không thể một mình duy trì cuộc chiến lâu dài chống lại Iran. Tham khảo Clausewitz, có vẻ phức tạp khi 9 triệu người (Israel) tranh đua với 88 triệu người (Iran). Do đó, để ngăn ngừa một cách tốt nhất một cuộc tấn công trả đũa tiềm tàng từ Iran, Israel đang tìm cách xây dựng trước một liên minh đủ sức răn đe. Gần đây, tiền thân của một liên minh đã được thành lập giữa Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, Pháp, Jordanie và Ả Rập Xê Út.
Xét về mối quan hệ giữa Hamas, lực lượng đã muốn giành ưu thế trong cuộc kháng chiến của Palestine và Iran, một trận chiến địa chính trị đang nổi lên giữa người Chiite do Iran lãnh đạo và thế giới Sunni do Ả Rập Xê Út lãnh đạo với sự hỗ trợ của Phương Tây.
Cụ thể cần phải hành động như thế nào?
Ngoài việc thay đổi những nhà lãnh đạo phụ trách ở cả hai bên, ông Danon đề xuất một sự trung gian hòa được cân bằng hóa có tính đến thực tế của dân tộc Palestine. Quá trình này đòi hỏi thời gian, vì việc hình dung một Nhà nước Palestine trong ngắn hạn là quá sớm. Thật vậy, cần phải xây dựng nền quản trị vững chắc để Israel có thể chấp nhận một Nhà nước Palestine.
Mặc dù xung đột Israel-Palestine mang tính chất địa chính trị, nó cũng có một thành tố quyết định khác: chiều kích tôn giáo. Thật vậy, những người Do Thái tin vào sự xuất hiện của một Đấng Chúa Cứu Thế từ chối từ bỏ các vùng lãnh thổ vì lý do tôn giáo. Khó khăn mang tính cơ cấu trong việc quản lý Núi Đền vẫn tồn tại. Cuối cùng, các chính trị gia và nhà ngoại giao tìm kiếm sự thỏa hiệp đang vấp phải chủ nghĩa cực đoan tôn giáo. Cuộc tấn công ngày 7 tháng 10 năm 2023 là một biểu tượng của điều này. Do đó, sự trỗi dậy này của tính chất tôn giáo đang làm thay đổi ranh giới của cuộc xung đột Israel-Palestine. Thật vậy, người Palestine đã trở thành biểu tượng của sự từ chối lịch sử và các giá trị của Phương Tây.
Cuối cùng, ngoài hành động chính trị, ông Danon khuyến khích những người chọn phe của mình hãy luôn giữ trong mình lòng trắc ẩn và sự đồng cảm với những gì đang xảy ra ở phía bên kia.
Người dịch: Phạm Như Hồ
Nguồn: “Comment comprendre le conflit israelo-palestinien de ses origines au 7 octobre 2023”, La revue géopolitique, 18.2.2024.
Chú
thích: [1]
Alain Dieckhoff, “The mobilization of religion in the Israeli-Arab conflict”. In A history of Jewish-Muslim relations: from the origins to the present day. Princeton University. P.403-409. [2]
NDLR: Dominique de Villepin, homme politique français, a été Ministre des Affaires étrangères (7 mai 2002 – 30 mars 2004); Ministre de l’Intérieur (31 mars 2004 – 31 mai 2005); Premier ministre (31 mai 2005 – 17 mai 2007).