THỜI ĐẠI KHAI SÁNG
– CÁCH MẠNG PHÁP 1789 (2)
Phần 2: Nguyên nhân xã hội,
văn hóa, tư tưởng
Biên soạn: Tôn Thất Thông – Hiệu đính: Hoàng Lan Anh
Trong phần một, chúng ta đã khảo
sát ba nguyên nhân chính trị, kinh tế và tài chính, vốn dĩ là những ngòi nổ làm
cách mạng bùng phát. Giờ đây, chúng ta khảo sát những nguyên nhân sâu xa hơn.
Trước hết là sự xung đột quyền lợi giữa các giai cấp, vốn đã âm ỉ từ một thời
gian rất dài, và trong bối cảnh trào lưu khai sáng đang lên đến đỉnh điểm, sự
xung đột đó đã trở thành ý thức chính trị sống động và làm sống dậy niềm khao
khát về một sự chuyển hóa sâu rộng mang tính biến đổi hệ hình. Sau đây là ba
nguyên nhân sâu xa mang tính quyết định để làm phát sinh cuộc cách mạng 1789.
Tình trạng phân hóa xã hội
Sử gia Eberhard Schmitt, giáo sư
đại học Bochum, nhận xét rằng, không có nhà sử học nào muốn khảo sát nguyên
nhân sâu xa dẫn đến cách mạng Pháp, mà không thừa nhận ít nhiều rằng, tình trạng
xã hội đóng vai trò vô cùng quan trọng so với những nguyên nhân khác, có lẽ
quan trọng hơn cả lý do kinh tế[1], hơn cả tình trạng áp bức chính
trị, cũng quan trọng hơn cả ý thức phản kháng của lớp trung lưu trí thức trong
phong trào khai sáng đang phát triển rực rỡ.
Trên góc nhìn đó, điều quan trọng
hàng đầu kích thích trào lưu cách mạng là sự phân bố tài sản và đặc quyền quá
chênh lệch giữa hai giai cấp tăng lữ, quý tộc được ưu đãi và tầng lớp thứ ba
thua thiệt trong xã hội. Sự chênh lệch về mức độ giàu có của tăng lữ, quý tộc
so với hơn 98% người dân thuộc tầng lớp thứ ba, là một bức tranh tương phản khó
lòng được chấp nhận.
Vào tháng giêng năm 1789, trong lúc cuộc khủng hoảng chính trị đang đạt đến đỉnh điểm, một tờ truyền đơn nảy lửa của mục sư Emmanuel Joseph Sieyès mang tựa đề “Tầng lớp thứ ba là gì?” (Qu’est-ce que le Tiers-État?) làm sống dậy một cuộc tranh luận sôi động trong công luận vốn dĩ đã bị phân hóa sâu sắc. Tờ truyền đơn không che dấu thực tại cuộc khủng hoảng đương thời về xã hội, kinh tế và chính trị, trong đó tầng lớp thứ ba là nạn nhân phải gánh chịu mọi thua thiệt, trong lúc tầng lớp này, với số lượng áp đảo đến 98% tổng dân số, phải là hiện thân của quốc gia. Vị mục sư Sieyès kết luận với phán quyết sắc bén không khoan nhượng: “Giai cấp quý tộc, vì bản chất ăn bám xã hội, không thể được xem là một thành phần của dân tộc”[2].
![]() |
Tờ truyền đơn “Tầng lớp thứ ba là gì?” Tác giả: Mục sư Emmanuel Joseph Sieyès |
Trong thời gian đó, nguồn gốc quý
tộc, chứ không phải là năng lực hay công trạng, là yếu tố quyết định cơ hội
thăng tiến, và chiếm giữ các vị trí xã hội và chức vụ trong guồng máy nhà nước.
Người Việt Nam có thể dễ dàng hiểu tình trạng của giai cấp quý tộc ở Pháp lúc ấy
khi so sánh với xã hội Việt Nam: Hiện nay, những chức vụ cao nhất trong guồng
máy nhà nước, như nội các, bộ trưởng, chủ tịch tỉnh, huyện, xã, các chức vụ
quan trọng trong cơ quan hành chính đều là đảng viên, và nhiều lúc điều khiển cả
những nhân viên có năng lực cao hơn mình. Đảng viên đương nhiên hưởng những đặc
quyền của chế độ, cũng giống như giai cấp quý tộc và tăng lữ thời trung cổ ở
Pháp.
![]() |
Ba giai cấp của xã hội Pháp trong thế kỷ 18. Nguồn: Truyền hình ZDF – Kênh Terra X, chương trình W2G Geschichte. |
Xã hội Pháp từ thời trung cổ đã
chia làm ba giai cấp rõ rệt:
Thứ nhất, giai cấp tăng lữ
(le clergé) bao gồm mọi quan chức của Giáo hội, cao nhất là Tổng giám mục
địa phận, xuống bên dưới cùng là những linh mục giảng đạo trong các nhà thờ, chức
càng cao thì sở hữu ruộng đất càng nhiều, tài sản cá nhân và quyền lực càng lớn.
Thứ hai, giai cấp quý tộc
(la noblesse) bao gồm những người thuộc dòng dõi vua chúa kể cả các triều
đại trước, thêm những người có công với triều đình và được phong tước. Cá biệt
có những người xuất sắc vươn lên đạt tước vị quý tộc bằng những công trạng lớn.
Ở đây cần lưu ý rằng, quý tộc có hai loại: loại được thừa kế, tức là con cháu
đương nhiên sẽ được mang tước vị quý tộc, và loại không có tính thừa kế, tức là
tước vị quý tộc chỉ có giá trị cho cá nhân đó.
Thứ ba, là giai cấp cuối
cùng bao gồm tất cả những người còn lại không thuộc hai giai cấp ở trên. Tầng lớp
thứ ba này (le tiers état) bao gồm nông dân, lao động, những người nghèo
khó không có tài sản, đồng thời bao gồm cả thương gia, công kỹ nghệ gia, tiểu
thủ công nghiệp và những người có uy tín cao trong xã hội như luật sư, bác sĩ,
học giả, triết gia, giáo sư đại học v.v…
Theo thống kê lúc ấy, tầng lớp thứ
ba gồm 25 triệu người, tức 98% tổng dân số của Pháp. Trong lúc đó, toàn bộ giai
cấp tăng lữ và quý tộc gộp lại chỉ có 500.000 người, tức 2% tổng dân số, nhưng
lại chiếm hữu gần 55% diện tích đất canh tác của quốc gia[3]. Giới
quý tộc không có nghĩa vụ đóng thuế, họ nắm giữ tất cả vị trí trọng yếu trong
chính quyền, và hưởng nhiều ưu đãi khác của triều đình.
Đại đa số quý tộc sống trên lãnh
địa riêng tại địa phương. Họ biện minh việc chiếm hữu đất đai bằng lời ngụy biện
cho rằng, họ còn phải trang trải phí tổn của cảnh sát, tòa án, trường học, nhà
thương và các cơ quan công quyền địa phương. Trên thực tế, những cơ quan đó đều
trực thuộc chính quyền trung ương. Nói cách khác, giới quý tộc, tức là tinh hoa
của chế độ chuyên chế, trở thành tầng lớp ăn bám xã hội, hút hết tất cả phúc lợi
xã hội mà không đóng một đồng thuế nào, con cái cũng không cần phải thi hành nghĩa
vụ quân sự.
Đa số quý tộc là những đại điền
chủ, chiếm hữu nhiều đất canh tác đến độ, phần lớn đất đai của họ đều bỏ hoang
vì không có đủ nông nô để canh tác. Giới quý tộc đã làm giàu nhờ hệ thống “địền
chủ – nông nô” được thiết lập từ thời trung cổ, được vương triều bảo vệ bằng
luật pháp. Nhà nông học Anh Arthur Young diễn tả nước Pháp lúc ấy như sau: “Đồng
ruộng mênh mông là hình ảnh của phương cách làm giàu vô liêm sĩ, trong lúc nhà
cửa người dân là hình ảnh tượng trưng của sự nghèo khổ. Nhưng đúng ra, quốc gia
này rất có tiềm năng cải thiện, nếu người ta biết cách và có thiện chí cải thiện[4]”.
Để đối phó với những đòi hỏi cải
cách ngày càng gay gắt, giới quý tộc tìm đủ cách để duy trì lợi thế và quyền lực
của mình. Năm 1781, họ còn thuyết phục được vua Louis XVI kiểm tra lại toàn bộ
nhân viên nhà nước. Ai không chứng minh được ít nhất bốn thế hệ về trước đã thuộc
dòng dõi quý tộc, sẽ bị rút lại danh xưng quý tộc và tất nhiên là bị sa thải khỏi
những vị trí cao trong chính quyền cũng như sĩ quan trong quân đội và hải quân.
Người dân thường, kể cả trung lưu trí thức như bác sĩ, luật sư, khoa học gia, nếu
không thuộc dòng dõi quý tộc, họ chỉ được tham gia vào guồng máy nhà nước ở những
vị trí thừa hành.
Đến đây, chúng ta tạm bỏ qua giai
cấp tăng lữ để khảo sát sơ lược tình trạng sinh sống của tầng lớp thứ ba trong
buổi bình minh của cuộc cách mạng 1789.
Trước hết là giai cấp nông dân. Mặc
dù có những đạo luật cải cách nông nghiệp trong thập niên 1770, và sau 20 năm,
chế độ nông nô được bãi bỏ, nhờ thế, trên lý thuyết, 95% nông dân đã được giải
phóng. Nhưng trong thực tế, khi việc chiếm hữu đất đai chưa được tái phân phối
bởi pháp luật, thì số phận của đại đa số nông dân vẫn còn bị phụ thuộc vào dịch
vụ canh tác làm thuê cho chủ đất, và như thế vẫn bị ràng buộc vào các nghĩa vụ
được quy định bởi luật lệ đã có từ trước.
Nghĩa vụ đó bao gồm tiền thuê đất
canh tác, quyền sử dụng đất, phân bón, trả tiền thuê máy móc, kho bãi, tất cả cộng
lại hơn 50% thu hoạch vụ mùa, phần còn lại thường chỉ đủ để cả gia đình sống
qua ngày. Các gia đình nông nô thường xuyên rơi vào nạn đói khi mưa gió thất
thường làm thiệt hại mùa màng. Trong tình trạng đó, làm sao không nảy sinh oán
ghét và thù địch giữa quý tộc và nông dân?
Nhà nông học Anh Arthur Young gọi
tình cảnh nông nô ở Pháp lúc ấy là “lời nguyền rủa và sự ung thối của quốc gia”
. Cụm từ đó không những để nói đến tính chất tàn bạo của giới đại điền chủ, mà
còn thể hiện tình trạng thực tế là, nông dân không còn hứng thú để nâng cao
năng suất lao động. Cho nên, chúng ta không ngạc nhiên khi hàng loạt đất đai của
quý tộc bỏ hoang không người canh tác, trong lúc hàng ngàn cư dân thành thị thiếu
bánh mì để ăn hàng ngày.
Tình trạng đó càng trở nên tồi tệ
hơn trong hai thập niên 1770 và 1780. Trong hai thập niên đó, với sản lượng
nông phẩm tăng lên, tiền công thuê mướn nông dân cũng tăng 12%. Tuy thế, với
tình trạng tài chánh triều đình đã phá sản, vật giá cũng tăng 65%. Tình trạng
đó làm cho nông dân, thợ thuyền đã nghèo lại càng nghèo khó hơn, tạo nên một
giai cấp vô sản ngày càng đông đảo, một đạo quân khổng lồ của những người ăn
xin ở thành thị. Triết gia đạo đức học Sébastien Chamfort (1741 – 1794), nhà
khai sáng tiếng tăm của Pháp, ước đoán rằng, Pháp lúc ấy có khoảng 7 triệu người
phải sống trên sự bố thí từ vương triều, tăng lữ và từ 12 triệu người khác
trong cộng đồng[5], những người vốn dĩ có lòng tương thân tương ái,
nhưng cũng không dư dã gì lắm.
Gánh nặng đè lên vai nông dân
không chỉ đến từ tính chất tàn bạo của chế độ “điền chủ – nông nô”, hoặc
từ khí hậu mưa gió thất thường làm suy giảm mùa màng. Gánh nặng khác còn phi lý
và tàn bạo không kém: đó là hệ thống thuế thu nhập của thợ thuyền, cư dân thành
thị và nhất là đối với nông dân, một cổ hai tròng chịu gánh nặng của hai hình
thức thuế khác nhau.
Loại thuế thứ nhất: Người
nông dân, khi canh tác trên ruộng đất của mình hay làm khoán trên ruộng đất của
điền chủ, đều phải chịu một suất thuế thu nhập, căn cứ vào diện tích canh tác
và phỏng đoán của người thu thuế (Taxateur) về mùa màng có thể thu hoạch
được. Số thuế này cố định, độc lập với số lượng thu hoạch trong năm nhiều hay
ít, được mùa hay mất mùa. Cho nên, khi gặp hạn hán mất mùa, người nông dân dù
không đủ ăn, vẫn phải đóng thuế nông dân, cho nên nhiều lúc phải bán nhà bán cửa,
bán vợ đợ con, hoặc lên thành thị gia nhập vào đoàn quân thất nghiệp, đi ăn
xin.
Loại thuế thứ hai: Đó là
thuế áp lên nông dân, thợ thuyền và tất cả những người khác trong tầng lớp thứ
ba (tiers état). Nó được quy định hết sức tùy tiện. Người thu thuế nhìn
vào nếp sống thường nhật để xác định ai là người giàu có, thu nhập cao phải
đóng nhiều thuế. Một báo cáo của sở thuế Paris năm 1709 viết rằng: “Người giàu
có nhất trong vùng cũng phải đợi đến tối mới dám mổ heo nướng thịt để tránh sự
nhòm ngó, vì nếu anh ta làm chuyện đó một cách công khai, thì người thu thuế sẽ
đến để tăng thuế”. Hoặc một báo cáo khác vùng Berry năm 1778: “Người nông dân
không dám khoe năng lực thật sự, tức là thu nhập cao, cũng không dám dùng tài sản
của mình để hưởng thụ cuộc sống. Họ phải hạn chế việc sử dụng nội thất đắt tiền,
y phục đẹp đẽ, thực phẩm cao cấp. Nói tóm lại họ phải che dấu tất cả những gì
có thể làm cho người thu thuế chú ý”[6].
Trong tầng lớp thứ ba (tiers
état), ngoài nông dân thợ thuyền, chúng ta cần đề cập đến những thành phần
khác rất quan trọng, những thành phần mà chúng ta có thể gộp chung trong một cụm
từ quen thuộc, là giai cấp tư sản. Họ chiếm một chỗ đứng khá nổi bật
trong tầng lớp thứ ba.
Họ bao gồm những người có năng lực
kinh doanh, thương gia thành đạt, công kỹ nghệ gia, tức là lớp người sở hữu tài
sản lớn so với mọi người, và biết dùng tư bản để thúc đẩy hoạt động kinh doanh
phục vụ thị trường; thêm vào đó là những người có uy tín trong xã hội mà mọi
người dân dễ dàng tiếp cận, như bác sĩ, luật sư, ký giả, văn thi sĩ, nhà giáo;
ngoài ra, tất nhiên rất quan trọng là học giả, nhà nghiên cứu, triết gia, nhà
tư tưởng, tức là lớp người có năng lực, tư duy, tri thức và viễn kiến để định
hướng đi của lịch sử, phù hợp với sự tiến hóa tất yếu của thời đại.
Thế mà trong xã hội Pháp thế kỷ
18, giai cấp tư sản không có quyền hành gì trong hệ thống nhà nước. Họ không được
phép trở thành sĩ quan quân đội, không có quyền nắm giữ những chức vụ chủ chốt
trong mọi cơ quan. Nói cách khác, trong hệ thống nhà nước, họ phải vâng lời thuần
phục cấp trên, vốn dĩ là những quý tộc được chế độ ưu đãi, cho dù đó là những
quý tộc với năng lực kém cỏi và kiến thức nghèo nàn.
Trong tất cả mọi lĩnh vực hoạt động
trong một xã hội tiến bộ, giai cấp tư sản là lớp người phù hợp nhất để có thể
phác họa một chương trình hành động cho công cuộc canh tân xã hội. Dù thế,
trong thế kỷ 18 ở Pháp, giai cấp tư sản là lớp người bất mãn nhất, chua cay nhất
đối với những ưu đãi về xã hội, luật pháp và chính trị của hai tầng lớp tăng lữ
và quý tộc[7]. Vì thế, những sáng kiến cách mạng tiến bộ nhất đều do
giai cấp tư sản đề xướng. Có thể nói một cách khá chắc chắn rằng, giai cấp tư sản
là động lực thúc đẩy cách mạng tiến đến thành công, và cuộc cách mạng Pháp năm
1789 là một cuộc cách mạng tư sản vĩ đại trong lịch sử loài người.
Chúng ta hãy nghe sử gia Antoine
Barnave nói về giai cấp tư sản thế kỷ 18 ở Pháp: “Hoạt động thương mại và sản
xuất công nghiệp tạo nên sự tái phân bố tài sản trong xã hội và từ đó là sự sắp
xếp lại quyền lực chính trị. Nếu như việc chiếm hữu ruộng đất trước đây đã tạo
nên quyền lực chính trị cho giới quý tộc, thì giờ đây, việc chiếm hữu tư liệu sản
xuất đã nâng quyền lực của giới công nghiệp lên một tầng cao mới. Họ trở nên tự
do hơn, số lượng ngày càng đông hơn trong xã hội, và bắt đầu sử dụng quyền lực
kinh tế để ảnh hưởng lên tiến trình phát triển lịch sử”[8].
Thế mà, vai trò của giới tư sản
thành thị vẫn không được xem trọng trong các cơ quan công quyền. Nhà sử học có
xu hướng xã hội Jean Jaurès sống vào cuối thế kỷ 19 có một nhận xét khá chính
xác[9]: “Nếu như xã hội Pháp trong thế kỷ 18 không còn những lạm dụng
của các tàn dư chế độ phong kiến và giới quý tộc, có lẽ nước Pháp đã không cần
một cuộc nổi loạn nào để giải quyết tình trạng bệnh hoạn của xã hội. Nếu những
ưu đãi của giới quý tộc và hệ thống phong kiến dần dần được xóa bỏ, đi kèm với
việc giải phóng tầng lớp nông dân, thì có lẽ đã đưa đến sự chuyển hóa xã hội một
cách hoà bình”. Tiếc thay, lịch sử vẫn luôn là một loạt các bài học được phát
hiện quá trễ.
Nhà sử học, giáo sư George Taylor
của đại học New Jersey nhận xét về sức ỳ của chế độ cũ Pháp (Ancien régime)
đã đưa đến cuộc cách mạng như sau: “Nếu trong thế kỷ 18, Pháp đã tiến hành một
cuộc cách mạng nông nghiệp tương tự như ở Anh, thì chúng ta cũng có thể nói đến
một nền tư bản nông nghiệp và khám phá bản sắc kinh doanh tiềm ẩn, vốn dĩ luôn
xem tiền lời là lợi nhuận, và họ thường tăng lợi nhuận bằng cách đầu tư vào việc
tăng năng suất lao động. Tiếc thay, chúng ta không tìm thấy những điều đó trong
chế độ cũ ở Pháp”[10].
Vì tư duy kinh tế nông nghiệp
không thay đổi, cho nên đời sống nông dân vẫn mãi mãi là cuộc đời nông nô. Điều
này âm ỉ lâu ngày tất yếu sẽ đẩy nông dân vào tâm lý đối kháng, và dần dần biến
nông dân thành một bộ phận của cách mạng, khi có một lực lượng bên ngoài châm
ngòi. Lực lượng đó chính là giai cấp tư sản trung lưu. Tất cả đều thuộc tầng lớp
thứ ba trong cấu trúc xã hội Pháp lúc ấy.
Ảnh hưởng của trào lưu khai
sáng
Bất kể nguyên do quan trọng dẫn đến
cách mạng Pháp là kinh tế hay xã hội, không ai có thể phủ nhận rằng, sự phát
triển mạnh mẽ – về lượng cũng như về chất – của tầng lớp trí thức tư sản Pháp
trong thế kỷ 18 đã có ảnh hưởng rất lớn đến sự tiến hóa của phong trào cách mạng.
Các triết gia Pháp đã xuất bản nhiều tác phẩm bàn luận những khái niệm mới mẻ về
công bằng xã hội, về quyền công dân và lý thuyết nhà nước. Họ đưa ra một học
thuyết mới, nhân danh tinh thần lý tính, để phê phán chế độ quân chủ chuyên chế
đương thời và trình bày một mô hình xã hội mới, mà nguyên lý của nó hoàn toàn
trái ngược với thói quen và truyền thống cổ điển.
Xu hướng chung của các tác phẩm
triết học lúc đó đều nhắm đến việc hạ bệ học thuyết nhà nước chuyên chế. Chẳng
hạn, nhà quý tộc Montesquieu đã từng tuyên bố rằng, chế độ chuyên chế là địa ngục
trần gian. Vì thế ông đã trăn trở, thao thức, đã bỏ ra hơn 20 năm miệt mài làm
việc để tìm một giải pháp thay thế cho chế độ chuyên chế. Từ đó, tác phẩm Về
tinh thần luật pháp ra đời, trong đó Montesquieu không tiếc lời phê
phán gay gắt chế độ chuyên chế và đưa ra phương cách giải quyết, là làm thế nào
để ngăn ngừa một thể chế như vậy. Tác phẩm đó chính là thời khắc sinh thành của
nguyên lý “tam quyền phân lập”, một cột trụ vững chắc của hầu hết các quốc
gia dân chủ ngày nay.
Dù ít người nêu đích danh Louis
XVI, nhưng người đọc đều cảm nhận được tính bất hợp pháp của chế độ đương thời
và nó cần được chấm dứt. Chính xu hướng đó đã kích thích ước muốn và nhiệt tình
làm cách mạng của giới trí thức tư sản, và khi có điều kiện, nhiệt tình đó sẽ
lan tỏa ra các thành phần nông dân, tiểu thương và lao động trong xã hội để tạo
thành sức mạnh thúc đẩy cách mạng.
Như trên đã nói, kể từ thời trung
cổ, căn cứ vào nguồn gốc gia tộc lúc vừa sinh ra đời, xã hội Pháp được phân
chia thành ba tầng lớp, trong đó hai tầng lớp cao là tăng lữ và quý tộc hưởng
nhiều quyền lợi và khỏi đóng thuế. Tất cả gánh nặng tài chính quốc gia đều đặt
lên vai của tầng lớp thứ ba, tức những người còn lại. Giữa sự giàu có của hai tầng
lớp được ưu đãi và sự nghèo khó của tầng lớp thứ ba là một vực thẳm không bao
giờ được lấp đầy.
Trước thế kỷ 17, không ai đặt câu
hỏi tại sao trật tự đó vẫn tiếp tục tồn tại. Giới tăng lữ tất nhiên không đặt
ra, vì trật tự đó do vua định đoạt, mà quyền cai trị của vua thì đã được Thượng
Đế ban cho tính chính danh. Giới quý tộc thì hưởng quá nhiều quyền lợi trong trật
tự đó, cho nên không muốn thay đổi. Thế còn giới học giả tinh hoa thì sao? Đa số
đều được đào tạo trong các tu viện, cho nên toàn bộ tư tưởng và hành động đều
chịu ảnh hưởng của giới tăng lữ. Trong thế giới đó, mọi người kể cả giới học giả
tinh hoa được hướng dẫn là phải định hướng tư tưởng theo giáo lý thần học và
thuần phục trật tự có sẵn, mọi hành động đều được định trước từ một thế lực bên
trên, hoặc từ nhà chuyên chế, hoặc từ quan chức Giáo hội.
Nhưng kể từ giữa thế kỷ 17, nhất
là khi bước qua thế kỷ 18, một luồng gió mới thổi đến lan tràn khắp nơi ở châu
Âu làm thay đổi tận gốc tư tưởng của giới tinh hoa, nhất là những học giả được
đào tạo trong đại học không có liên hệ nào với tu viện của Giáo hội. Dưới ánh
sáng của trào lưu khai sáng, người ta bắt đầu đề cao lý tính, ưa chuộng giáo dục,
khuyến khích tính độc lập trong suy nghĩ và hành động mà không cần một thế lực
nào dẫn dắt. Khuôn thước tư duy cổ điển và trật tự xã hội cũ bắt đầu trên bước
đường lung lay.
Người ta bắt đầu đặt nhiều câu hỏi
mới mẻ. Tại sao giới quý tộc và tăng lữ nhận được nhiều ưu đãi, trong lúc những
người còn lại thì không? Tại sao chỉ có thể chế quân chủ chuyên quyền duy nhất
trên khắp lục địa mà không có một thể chế khác tốt đẹp hơn? Tình trạng này có
thể thay đổi được không? Có thể xây dựng một thế giới bình đẳng tự do hơn
không?
Trước đây trong thời trung cổ, ít
người đặt ra những câu hỏi “ngớ ngẩn” như thế, hoặc nếu có đặt ra cũng không ai
tìm được đáp án. Dưới luồng gió mới của trào lưu khai sáng, người ta đặt ra mọi
câu hỏi, tranh luận với nhau về mọi đề tài, về lô-gic, về chính trị, về chân
lý, về quyền tự nhiên, về công bằng, v.v…
Người Pháp trong thế kỷ 18 hăng say thảo luận mọi vấn đề, ở khắp mọi nơi, trong quán cà phê, trong khuôn viên đại học, trên đường phố, trong gia đình, và nhất là trong các câu lạc bộ tư nhân quy tụ nhiều học giả tinh hoa của xã hội, được gọi là những Salons de Paris. Những câu lạc bộ này thường được bảo trợ bởi những quý tộc giàu sang và có tư tưởng tiến bộ; rất nhiều câu lạc bộ đó là do các mệnh phụ phu nhân chủ trì. Họ cũng là những người có chức quyền để bảo kê ngăn chặn sự nhòm ngó của các cơ quan kiểm duyệt. Thêm một yếu tố: Salons học thuật cũng là mốt thời thượng của xã hội thượng lưu Pháp trong thế kỷ 18.
![]() |
Salon Marie Therese 1755. Tranh sơn dầu 1854. |
Chúng ta chưa kể đến một luồng
sinh khí mới được thổi đến từ đảo quốc Anh, nhất là kể từ năm 1688, khi cuộc
Cách mạng Huy hoàng (Glorious Revolution) thành công rực rỡ, vĩnh viễn
chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế, để chuyển qua chế độ quân chủ đại nghị một
cách ôn hòa, qua đó tiếng nói của người dân, thông qua các đại biểu trong quốc
hội, ngày càng có nhiều ảnh hưởng trong nền chính trị quốc gia.
Ở Anh, từ đầu thế kỷ 17 đã manh
nha những tư tưởng mới lạ có tính đột phá trong triết học, có bản chất cách mạng
trong chính trị, có tính chính xác và kiểm chứng được của khoa học tự nhiên.
Trong lúc cọ xát với bạo lực chính trị thường xuyên, những tư tưởng cách mạng
không ngừng được triển khai và phổ biến rộng, cho dù họ phải đối diện với đàn
áp, bắt bớ, tù đày.
Ở Anh quốc đã sản sinh những biểu
tượng của tư tưởng đấu tranh cho tự do và bình đẳng, cũng như những mô hình nhà
nước mới mẻ khác hẳn mô hình quân chủ chuyên chế ở Pháp. John Locke, David Hume
chỉ là một vài khuôn mặt tiêu biểu. Học giả Pháp như Montesquieu, Voltaire đã
dành nhiều thì giờ sinh sống ở Anh để khảo sát đời sống và các luồng triết học ở
đó. Họ hết sức ấn tượng và đã mang về Pháp những nét quyến rũ của triết học
khai sáng ở Anh quốc. Tư tưởng của họ thường được nhắc đến trong các câu lạc bộ
học thuật ở Paris khi thảo luận về triết học và chính trị.
Dưới mắt Voltaire và Montesquieu,
đảo quốc Anh không phải là một “ốc đảo đen tối và bất ổn của những đồ tể giết
vua”. Người Anh cũng không phải là dân tộc thiếu khoan dung, tham lam, cai trị
người dân bằng công cụ lạnh lùng, mà nhà nước Anh là một thực thể khai sáng,
khoan dung và tự do, cư dân của họ gồm nhiều học giả, nhà tư tưởng đáng ngưỡng
mộ. Đối với thế giới, đó là một nhà nước kiểu mẫu để phục vụ cho phẩm hạnh và
nhân cách của công dân[11].
Những câu hỏi “ngớ ngẩn” ở trên dần
dần được sáng tỏ nhờ không khí thảo luận sôi động trong mọi tầng lớp. Những
phát biểu mang tính cách mạng của học giả hàng đầu đã lôi cuốn thanh niên, sinh
viên, trí thức tư sản có xu hướng xây dựng cho bản thân mình một lề lối tư duy
độc lập, một phong cách sống dấn thân phục vụ cho tự do và bình đẳng xã hội. Thế
kỷ 18 của Pháp đã trở thành thiên đường của triết học, văn chương, nghệ thuật,
và Paris trở thành trung tâm văn hóa của cả lục địa châu Âu.
Người ta có thể tìm thấy lời giải
cho mọi câu hỏi mới mẻ được đặt ra và chúng cũng dễ dàng được tiếp cận qua sách
báo, kịch nghệ, văn chương châm biếm. Đặc biệt từ lúc dự án Bách khoa Toàn thư
phát hành tập I năm 1751, trào lưu khai sáng bước vào giai đoạn rực rỡ chưa từng
có, và qua bộ Bách khoa Toàn thư đồ sộ được hoàn tất năm 1780, người đọc có thể
tìm thấy lời giải cho mọi câu hỏi của thời đại. Viễn kiến của những người thành
lập dự án là “tập hợp mọi kiến thức trên thế gian, để biến chúng thành tài sản
chung mà mọi người đều có thể tiếp cận được”. Đó là một sáng kiến cách mạng
chưa bao giờ có.
Trong khoảng thời gian 20 năm từ
1751 đến 1772, Bách khoa Toàn thư đã thu thập mọi sáng kiến và thành tựu triết
học, tư tưởng, khoa học để đối phó với một kẻ thù chung, đó là chủ nghĩa chuyên
chế. Vũ khí của họ là thuyết vô thần, thuyết duy cảm, lý tính, tiến bộ, chủ
nghĩa tự do trong kinh tế và chính trị v.v… Tất cả chỉ để làm sống dậy một trạng
thái tự nhiên, trong đó, mọi người đều có những quyền tự nhiên như nhau, sở hữu
tài sản giống nhau[12]. Việc thiết lập một chế độ chính trị mới mẻ
hơn chế độ chuyên chế hiện hữu là bước đi tất yếu tiếp theo.
Các học giả tiến bộ nghi ngờ trật
tự xã hội do Thượng Đế định đoạt, một trật tự quyền lực được thừa nhận và tồn tại
trong xã hội châu Âu từ hơn một ngàn năm trước. Trong trào lưu phản kháng đó,
ngòi nổ dường như đã được chuẩn bị sẵn và chờ điều kiện thuận lợi sẽ bén lửa và
phá tung trật tự có sẵn, để thiết lập một trật tự mới, trong đó, mỗi người khi
được sinh ra đã có sẵn quyền tự do tự nhiên và quyền bình đẳng với mọi người
khác. Thông điệp của các triết gia khai sáng thật rõ ràng: Đừng tin vào các thế
lực chuyên chế, cũng đừng tin vào những gì mà các thế lực bên ngoài nói với bạn,
mà hãy sử dụng và tin tưởng vào lý tính của chính bạn.
Người ta đặt ra những câu hỏi mà
trước đó ít người đặt ra, tại sao giới quý tộc và tăng lữ từ lúc sinh ra đã có
những đặc quyền hơn người khác? Tại sao chúng ta không thể thay đổi trật tự cũ ấy
để làm cho cuộc sống con người trong xã hội tốt đẹp hơn? Đó là những câu hỏi
liên quan đến toàn bộ hệ thống chính trị đương thời, đến chế độ quân chủ chuyên
chế và gắn liền với nó là cấu trúc thượng tầng phi lý và sự phân hóa giai cấp rất
hiển nhiên giữa quý tộc, tăng lữ và thành phần dân chúng còn lại.
Mọi tư tưởng, mọi cuộc thảo luận
đều quay quanh những khái niệm mới mẻ: tự do, bình đẳng, dân chủ, pháp quyền
v.v… Cũng cần lưu ý rằng, trong thời gian trước, những tư tưởng mới và tiến bộ
chỉ được triển khai trong tầng lớp học giả, tức là một bộ phận rất nhỏ trong xã
hội. Tuy nhiên, những sáng kiến của trào lưu khai sáng thì dần dần thâm nhập
vào mọi tầng lớp quần chúng, từ đó ý thức tự tin được xây dựng, đòi hỏi của
công dân về tự do bình đẳng ngày càng được nâng cao. Cách mạng chỉ có thể thành
công, khi giữa hai lớp người này có một mối liên kết chặt chẽ, chí ít là quan
tâm của họ phải giống nhau trong thời điểm mà cách mạng có thể bùng phát.
Ảnh hưởng của cách mạng Mỹ
1776
Một biến cố vô cùng quan trọng
không thể không nhắc đến ở đây, biến cố còn nóng hổi vừa xảy ra bên kia bờ Đại
Tây Dương đã tạo nên một xung lực mạnh mẽ lên hệ tư tưởng của giới tinh hoa
Pháp: 13 bang miền Đông Bắc Mỹ đã tách rời mẫu quốc Anh từ năm 1776. Họ tuyên bố
độc lập và thiết lập một nhà nước liên bang tự do, dân chủ, không có vua, không
ai là quý tộc, cũng không có quan chức Giáo hội có thể ảnh hưởng lên chính trị
quốc gia. “Mọi người sinh ra đều bình đẳng, Đấng sáng tạo đã ban cho họ những
quyền bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền hưởng tự do và quyền mưu
cầu hạnh phúc[13]”.
Và tại quốc gia trẻ trung đó, bỗng
nhiên thành hình một xã hội hiện đại đáng mơ ước, trong đó lý tính, tự do, bình
đẳng là những yếu tố được công nhận một cách hiển nhiên. Và để bảo vệ quyền
công dân, hiến pháp của họ cũng ghi rõ nguyên tắc phân quyền và cách hoạt động
hỗ tương nhưng độc lập của lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nhà quý tộc
Montesquieu, một người con của thành phố Bordeaux ở Pháp, đã triển khai nguyên
tắc phân quyền đó để trở thành lý thuyết chính trị, ông đã viết thành sách và
xuất bản năm 1751 tại Pháp, tức 25 năm trước khi cách mạng ở Mỹ bùng nổ. Người
Pháp tự hỏi, tại sao điều đó đã trở thành hiện thực ở Mỹ, mà lại chưa thể xuất
hiện ở Pháp, nơi sinh thành của thuyết phân quyền cũng như những lý thuyết nhà
nước hiện đại?
Thành tố cách mạng trong hệ tư tưởng
của triết gia Pháp trong thế kỷ 18 là sự từ chối tư duy truyền thống, họ chỉ đặt
nền tảng suy luận trên chính mình thông qua lý tính, quan sát, suy luận lịch sử
và tinh thần khoa học. Theo họ, nhà nước không còn là một thực thể gắn liền với
các nhà cầm quyền chuyên chế mà mọi người phải cúi đầu thuần phục. Ngược lại,
chức năng chính của nhà nước là bảo đảm quyền tự nhiên cho từng công dân[14].
Ý tưởng này đã được John Locke
triển khai từ thế kỷ 17, nhưng nó thực sự thăng hoa hơn bao giờ hết tại Pháp
trong hậu bán thế kỷ 18. Học thuyết về nhân quyền thời hiện đại chính là sản phẩm
của triết gia Pháp trong thế kỷ 18. Hơn nữa, nhiều lý thuyết khác nhau đã hội tụ
về khái niệm “học thuyết cách mạng”, điều mà chúng ta có thể thấy trong
tư tưởng của John Locke, Montesquieu, Voltaire, Jean Jacques Rousseau, Denis
Diderot và các học giả khai sáng của nhóm Bách khoa Toàn thư.
Nhưng cho đến hậu bán thế kỷ 18,
tất cả những vấn đề lý thuyết ấy vẫn còn trong tình trạng viễn kiến, như những
giấc mơ chưa thể thành hiện thực. Ngay cả những chiến binh hăng hái nhất của
trào lưu khai sáng cũng không nghĩ rằng, cuộc đời họ sẽ được chứng kiến nó xuất
hiện trên lục địa châu Âu. Thế mà viễn kiến ấy đã thành hiện thực ở một phương
trời xa xăm, ở bên kia bờ Đại Tây Dương. Và chính cuộc cách mạng Mỹ đã nhanh
chóng thay đổi tiến trình phát triển cách mạng ở châu Âu, nhất là khi các học
giả ở hai phương trời xa xăm đó vẫn thường xuyên liên lạc để trao đổi, tương
tác lẫn nhau.
Hiếm khi triết gia và nhà ngoại
giao có thể đồng ý với nhau về một chuyện gì, nhưng trong trào lưu khai sáng, họ
đều thấy rằng, những tác phẩm của Voltaire, Jean-Jacques Rousseau, Denis
Diderot, Guillaume Raynal và hàng trăm học giả tiếng tăm khác đã ươm mầm tinh
thần và ý chí cách mạng của người Pháp để chuẩn bị cho việc giải phóng thuộc địa
cũng như giải phóng tư tưởng con người. Và nhiều nhà lãnh đạo Mỹ, như George
Washington, Benjamin Franklin, Thomas Jefferson là những cổ động viên của trào
lưu khai sáng Pháp[15]. Ngoài ra trong vòng những đại biểu hàng đầu
của trào lưu khai sáng ở Pháp, cũng như ở Mỹ, vẫn thường xuyên có những cuộc
trao đổi học thuật để hoàn thiện những vấn đề lý thuyết.
Trước tiền bán thế kỷ 18, sự
tương tác giữa hai bên phần lớn đi theo một chiều, ấy là phần lớn sáng kiến từ
châu Âu ảnh hưởng sang Bắc Mỹ. Cũng không ai có mảy may hy vọng rằng, những triết
lý chính trị, lý thuyết nhà nước hiện đại sẽ được thực hiện trước tiên ở Bắc Mỹ.
Thế mà ngạc nhiên thay, điều đó đã xảy ra năm 1776. Và cũng chính điều đó đã
thôi thúc mạnh mẽ những học giả tiên phong của Pháp tìm cách nhanh chóng thực
hiện lý tưởng chính trị của mình để thay đổi hệ thống nhà nước.
Chúng ta thử xem xét thành quả
nào của cách mạng Mỹ đã tác động trực tiếp hoặc gián tiếp lên tiến trình vận động
chính trị ở Pháp, và khuôn mẫu nào của cách mạng đã trở thành mục tiêu đấu
tranh của trào lưu cách mạng ở Pháp. Trong khuôn khổ này, chúng ta chỉ có thể
xem xét vài thành quả tiêu biểu.
Thứ nhất, về phương diện
luật pháp quốc gia, sự kiện năm 1776 ở Bắc Mỹ quả đúng là một cuộc cách mạng
vĩ đại. Lần đầu tiên kể từ thời cổ đại, một quốc gia rộng lớn được thành lập với
một nguyên thủ quốc gia mà không cần thủ tục đăng quang của Giáo Hoàng. Trừ cuộc
thử nghiệm ngắn ngủi tại Anh, ngoài ra thì sự kiện tương tự chỉ có ở các cộng
hòa thành phố hoặc các lãnh địa nhỏ bé như Thụy Sĩ. Các lý thuyết chính trị
đương thời đều cho rằng, chế độ cộng hòa không thể tồn tại lâu dài trong một quốc
gia rộng lớn. Thế mà Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ đã thực hiện điều đó một cách diệu
kỳ, bằng sức lực của chính mình mà không cần nương nhờ một sức mạnh siêu nhiên
nào từ bên ngoài.
Sử gia Leopold von Ranke (1795 –
1886) kết luận gãy gọn: “Đó rõ ràng là một cuộc cách mạng vĩ đại, điều mà từ
trước đến nay chưa từng xảy ra trên thế giới. Quả thật, sự kiện này là một sự đảo
lộn triệt để, mang tính nguyên lý[16]”. Người Bắc Mỹ khẳng định một
thái độ chính trị rõ ràng không thỏa hiệp: Họ từ chối chế độ quân chủ chuyên chế,
từ chối vai trò của nhà vua, từ chối cả vai trò của Thượng Đế trong chính trị
và phủ nhận điều gọi là “ân sủng của Thượng Đế”.
Thứ hai, vào tháng 6/1776,
trước khi 13 bang tuyên bố độc lập, quốc hội bang Virginia đã thông qua Đạo
luật về quyền căn bản (Bill of Rights), mà những điều khoản trong đó
đã trở thành cốt lõi của hiến pháp Hoa Kỳ sau này. Đạo luật đó bảo
đảm cho mọi công dân những quyền tự do căn bản: tự do báo chí, tự do tư tưởng,
tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do hội họp, tự do tố tụng, quyền được bảo vệ
chống bắt bớ tùy tiện, chống tra tấn và những hình phạt dã man. Đạo luật cũng
giới hạn ảnh hưởng chính trị của những người giàu có, đồng thời mở ra con đường
cho những công dân nghèo nhất có cơ hội tích lũy tài sản và nâng cao ảnh
hưởng chính trị. Và thật là một tư tưởng cách mạng, khi đạo luật đó đã bãi bỏ
quyền thừa kế đối với mọi ưu đãi chính trị. Điều này càng có ý nghĩa cao về mặt
đạo đức, khi chúng ta biết rằng, đa số các lãnh đạo cuộc cách mạng đều thuộc giới
tinh hoa của Vương triều Anh, là đại điền chủ, thương gia, luật sư, bác sĩ v.v.…,
tức là lớp người vốn đã có nhiều lợi thế tự nhiên trong xã hội.
![]() |
Lễ ký kết hiến pháp Hiệp Chủng Quốc Họa sĩ Howard Chandler Christy |
Thứ ba, sau khi Tuyên ngôn
Độc lập Hiệp Chủng Quốc đã quy định vào tháng 7 năm 1776 rằng, mỗi người sinh
ra đều có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc. Chính phủ được
thành lập, trước tiên là để bảo vệ những quyền tự nhiên đó. Tuyên ngôn còn tiếp
tục với một nguyên tắc chưa bao giờ được thực hiện ở bất kỳ nơi đâu: “Để bảo đảm
những quyền nói trên, chính phủ được thành lập giữa các thành viên trong xã hội
trên nguyên tắc đồng thuận. Cho nên, bất cứ khi nào, bất kỳ hình thức chính phủ
nào có ý định cản trở những mục đích này, thì người dân có quyền thay đổi hoặc
bãi bỏ nó, và thành lập chính phủ mới dựa trên những nguyên tắc như vậy, và có
những quyền hạn và thẩm quyền mà họ cho là phù hợp nhất để duy trì an toàn và hạnh
phúc của người dân[17]”.
Hơn thế nữa, Tuyên ngôn Độc lập
còn khuyến khích người dân đứng lên lật đổ chính phủ trong những trường hợp đặc
thù: “Khi nhà nước sử dụng một loạt các hành vi lạm dụng và can thiệp bạo lực
liên tục hướng đến một mục tiêu, thể hiện một ý định để đưa chế độ đến sự thống
trị tuyệt đối, thì người dân có quyền, thậm chí là có nghĩa vụ, đứng lên để lật
đổ chính quyền đó và đảm bảo an ninh mới cho tương lai của chính họ”. Người soạn
thảo Tuyên ngôn Độc lập, Thomas Jefferson gọi văn kiện đó là “minh chứng của
tinh thần Mỹ”, và khi tinh thần đó đã trở thành một khái niệm,
người ta đã trao cho bản Tuyên ngôn Độc lập một giá trị phổ quát, như một văn
kiện mang ý nghĩa lịch sử thế giới.
Thứ tư, các định chế chính
trị được xây dựng rất chặt chẽ dựa trên nguyên tắc “tam quyền phân lập”
theo tinh thần của John Locke và Montesquieu. Một mặt, hiến pháp liên bang trao
quyền lực tối cao của quốc gia vào tay nhân dân, mà đại biểu được họ bầu chọn
vào Hạ viện Quốc hội. Mặt khác, với nguyên tắc “kiểm tra và cân đối” (Checks
and Balances), Tổng thống, người đứng đầu hệ thống hành pháp, được trao nhiều
quyền hành để cân bằng quyền lực với cơ quan lập pháp, hòng hạn chế sự lạm dụng
quyền lực từ một trong hai định chế đó, tức lập pháp và hành pháp. Bên cạnh đó,
mỗi bang cử hai đại biểu vào Thượng viện Quốc hội để kiểm soát và thông qua
tính chính danh của những đạo luật được đề xuất bởi Hạ viện. Dù cấu trúc chính
trị này vẫn còn vài chỗ khiếm khuyết, nhưng chưa bao giờ có một quốc gia nào
trên thế giới áp dụng triệt để nguyên tắc tam quyền phân lập như hiến pháp Hoa
Kỳ quy định từ 1787. Cấu trúc đó đã hoạt động hơn 300 năm, nó tỏ ra rất hiệu quả
trong việc bảo vệ chế độ dân chủ tự do, và đã trở thành mẫu mực cho hàng chục
quốc gia dân chủ khác trên thế giới.
Thứ năm, về mặt xã hội,
cách mạng Mỹ đã kẻ một vạch ngang đoạn tuyệt với trật tự cổ hủ từ ngàn xưa. Hơn
thế nữa, nó đã tăng tốc cuộc chuyển hóa vĩ đại của loài người với mức độ đáng
kinh ngạc, họ từ chối hệ thống quân chủ chuyên chế dựa trên nền tảng giai cấp đối
kháng, họ phá vỡ trật tự xã hội dựa trên sự ban phát ưu đãi cho những tầng lớp
cao, đặt nền móng cho công cuộc xây dựng một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của chính
trị tự do dân chủ và kinh tế tư bản chủ nghĩa.
Trong ý nghĩa đó, cách mạng Mỹ là
một bộ phận trong quá trình chuyển hóa vĩ đại trên một vùng đất rộng lớn ở hai
bên bờ Đại Tây Dương. Trước đây, loài người quen sống trong trật tự xã hội vốn
ghi đậm dấu ấn đẳng cấp, trong đó, trật tự xã hội được xây dựng chủ yếu do những
ưu đãi được thừa kế, và trong đó, địa vị tôn giáo hoặc nguồn gốc gia tộc quy định
số phận của từng cá nhân. Người Bắc Mỹ đã quét sạch xã hội truyền thống đó kể từ
giữa thế kỷ 18, nhưng họ vẫn chưa đạt đến một trình độ dân chủ tự do đáng mơ ước[18].
Cuộc cách mạng 1776 là bước chân bảy dặm trên đường tiến vào hiện đại. Họ đã kiến
tạo điều kiện khung cho sự chuyển hóa đến trật tự xã hội mới, đến xu hướng dân
chủ tự do và bình đẳng giữa mọi người.
Nói tóm lại, suốt hơn một nửa thế
kỷ, học giả Pháp hô hào, đòi hỏi một sự đổi mới, để rồi giờ đây, giấc mơ của họ
lại trở thành hiện thực ở bên kia bờ Đại Tây Dương. Những gì trước nay chỉ là
chữ nghĩa trên giấy trắng mực đen, thì giờ đây ở nơi xa tắp ấy đã trở thành máu
và thịt, ngôn từ đã biến thành hành động thực tế, và thời đại vàng son đáng mơ
ước đã thực sự bắt đầu. Khi đọc tin tức từ Bắc Mỹ trên báo chí hàng ngày, người
ta run lên vì ganh tị, người ta phấn chấn khi nghĩ đến thành công của người Bắc
Mỹ, người ta hào hứng đến cháy bỏng vì đam mê, kích động, ước mơ, hy vọng[*]…
Dù những cảm xúc sôi động đó
không giúp gì cho người Pháp chống lại chế độ đương thời, cũng không giúp gì
cho họ tìm thấy con đường đi đến thành công, nhưng nó đã tạo nên một tâm lý
hưng phấn, thôi thúc họ biến giấc mơ của mình thành hiện thực. Và trên hết, Hiệp
Chủng Quốc đã cung cấp cho người Pháp một bài học cách mạng mà họ đang thiếu,
đó là một khuôn mẫu, một biểu tượng để hướng tới.
***
Chúng ta có thể kết luận rằng,
nguyên nhân dẫn đến cách mạng Pháp năm 1789 là sự tổng hợp của nhiều yếu tố. Ấy
là chế độ chính trị thối rữa, là nền kinh tế tài chính đang trên đà phá sản, là
sự phân hóa, bất bình đẳng và đối kháng giai cấp trong xã hội. Thêm vào đó,
trào lưu khai sáng đã mở đường cho những tư tưởng mới về tự do, quyền tự nhiên
và thể chế chính trị hiện đại có cơ hội phát triển, tạo nên ý thức chính trị sống
động trong mọi tầng lớp dân chúng, để khi có điều kiện thì nó nhanh chóng biến
thành hành động cách mạng.
Cuộc cách mạng Pháp bùng nổ đúng
vào lúc nền kinh tế tài chánh của Pháp đi vào ngõ cụt, lại thêm thiên tai hạn
hán làm cho đời sống mọi người, nhất là nông dân thợ thuyền, hết sức bi đát.
Tuy nhiên, dù đã làm tròn vai trò ngòi nổ cho cách mạng, thì yếu tố kinh tế tài
chính, cũng chỉ là yếu tố nhất thời, là nguyên nhân trực tiếp làm cách mạng
bùng phát. Nhưng nguyên nhân sâu xa chắc hẳn nằm chỗ khác. Đó là sự đối kháng
giai cấp kéo dài nhiều thế kỷ, mà trong bối cảnh lịch sử đặc thù của thế kỷ 18,
nó đã trở thành xung đột xã hội không thể cứu vãn được. Trong bối cảnh chính trị
cuối thế kỷ 18, sự xung đột ấy được trang bị thêm những tư tưởng mới lạ với hệ
thống lý thuyết chính trị hiện đại của trào lưu khai sáng. Cho nên, cách mạng
là một tất yếu lịch sử của Pháp.
Tôn Thất Thông & Hoàng Lan
Anh – Cập nhật tháng 4/2025
Xem Video bài này ở đây:
Video phần 1 ở đây:
Còn
tiếp phần 3: Di sản của cách mạng Pháp
Tài liệu tham khảo
1.
Barudio, Günter: Das Zeitalter des
Absolutismus und der Aufklärung 1648-1779. ISBN 3-596-60025-1. (Thời đại quân
chủ chuyên chế và khai sáng). Fischer Weltgeschichte Band 25.
2.
Brinton, Crane (1), Christopher, John B. và
Wolff, Robert Lee: A history of civilization – 1715 to the present.
ISBN 0-13-389593-9. (Lịch sử văn minh – 1715 đến hôm nay).
3.
Brinton, Crane (2): The Anatomy of
Revolution (Mổ xẻ các cuộc cách mạng). Vintage Books 1965.
4.
Châtelet, François chủ biên và nhiều tác giả: Geschichte
der Philosophie Band IV – Die Aufklärung (Lịch sử triết học tập IV – Khai
sáng). ISBN 3-548-03063-7. (Eva Brückner-Pfaffenberger và Donald Watts
Tuckwiller dịch từ gốc tiếng Pháp: Les Lumières).
5.
Durant, Will và Ariel (3): Das
Zeitalter Voltaires (Thời đại Voltaire). Kulturgeschichte der Menschheit – Band
14. ISBN 3-548-36114-5. (Elinor Lipper dịch từ tiếng Anh: The Story of
Civilization, Vol. IX).
6.
Durant, Will và Ariel (4): Am
Vorabend der Französischer Revolution (Đêm trước của cách mạng Pháp).
Kulturgeschichte der Menschheit – Band 16. ISBN 3-548-36116-1. (Leopold Völker
dịch từ tiếng Anh: The Story of Civilization, Vol. X).
7.
Gaxotte, Pierre: Die Französische
Revolution (Cuộc cách mạng Pháp). Bản dịch của Otto Watzke từ nguyên tác tiếng
Pháp: L’histoire de la révolution Française. ISBN 3-8082-0035-9.
8.
Guizot, François: The History of
Civilization in Europe (Lịch sử Văn minh châu Âu – William Hazlitt dịch từ tiếng
Pháp: Histoire Générale de la Civilisation en Europe). Penguin Books 1997.
9.
Hartig, Paul: Die Französische
Revolution im Urteil der Zeitgenossen und der Nachwelt (Cách mạng Pháp dưới
phán xét của người đương thời và hậu thế). ISBN 3-12-425400-7
10.Hazard, Paul (2): European
Thought in the Eighteenth Century (Tư tưởng Châu Âu thế kỷ 18). Pelican Book
1965 (J. Lewis May dịch từ tiếng Pháp: La Pensée européenne au XVIIIè siècle:
de Montesquieu à Lessing).
11.Hinrichs, Ernst chủ biên
và nhiều tác giả: Kleine Geschichte Frankreich (Tóm tắt lịch sử Pháp).
ISBN 978-3-89331-663-2.
12.Hobsbawm, Eric
J. (2): The Age of Revolution. ISBN 978-0-349-10484-3. (Thời đại cách
mạng)
13.Hogen, Hildegard và Ban
biên tập DIE ZEIT: Welt- und Kulturgeschichte Band 10 – Zeitalter der
Revolution (Lịch sử văn hóa và thế giới, Bộ 10 – Thời đại Cách mạng). ISBN
3-411-17600-8.
14.Lösche, Peter: Länderbericht
USA (Tường trình về quốc gia Hoa Kỳ). ISBN 978-3-89331-851-3 – Trung tâm Giáo dục
Chính trị Liên bang.
15.Pleticha, Heinrich (1) chủ
biên và nhiều tác giả: Aufklärung und Revolution – Europa in 17. und
18. Jahrhundert (Khai sáng và Cách mạng – Châu Âu trong thế kỷ 17 và 18). ISBN
3-577-15008-4 (Bertelsmanns Weltgeschichte – Band 8).
16.Schmitt, Eberhard chủ
biên và nhiều tác giả: Die Französiche Revolution – Anlässe und
lanfristige Ursachen (Cách mạng Pháp – Biến cố khởi đầu và những nguyên nhân
sâu xa). ISBN 3-534-05014-2.
Ghi chú:
[*] Xem P. Gaxotte trang 68-69.
[1] Xem E. Schmitt trang 5.
[2] Xem H. Hogen trang 237.
[3] Xem Durant (4) trang 517.
[4] Xem Durant (4) trang 514.
[5] Xem Durant (4) trang 518.
[6] Xem P. Gaxotte trang 43.
[7] Xem E. Schmitt & Henry
Sée, trang 11.
[8] Xem E. Schmitt & Henry
Sée, trang 10, trích từ Antoine Barnave: Introduction à la Révolution
Française, xuất bản năm 1791.
[9] Xem Durant (4), trang 516.
Jean Jaurais (1859-1914) là một sử gia, nhà xã hội học, chính trị gia xu hướng
xã hội, giáo sư triết tại đại học Toulouse.
[10] Xem E. Schmitt & G.
Taylor trang 297.
[11] Xem P. Gaxotte trang 59.
[12] Xem P. Gaxotte trang 64.
[13] Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ
năm 1776 (Declaration of Independence).
[14] Xem E. Schmitt trang 12.
[15] Xem Durant (4) trang 445.
[16] Xem P. Lösche trang 40.
[17] Declaration of Independence
1776 (Preamble)
[18] Xem P. Lösche trang 43.
Nguồn: THỜI
ĐẠI KHAI SÁNG – CÁCH MẠNG PHÁP 1789 (2), Diễn Đàn Khai Phóng, 7/2025.