10.3.15

Triết học về các khoa học



Triết học về các khoa học

Triết học về các khoa học khác với triết học về nhận thức. Bộ môn sau quan tâm đến những điều kiện và giới hạn của nhận thức con người nói chung; còn bộ môn đầu chỉ đặc biệt bàn về nhận thức khoa học. Do đó triết học về các khoa học chỉ có thể ra đời khi các các khoa học, kể từ thế kỉ XVIII, đã hình thành những ngành tự trị, khác với triết học. Như thế những nhà tư tưởng như David Hume, Emmanuel Kant, và William Whewell đã có những suy tưởng về tri thức khoa học trong thời đại của họ. Nhưng chỉ đến cuối thế kỉ XIX thì triết học về các khoa học mới trở thành một bộ môn riêng về mặt định chế, với việc thành lập những chức vị giáo sư đầu tiên về “triết học qui nạp” hay về “lí thuyết các khoa học qui nạp”. Trong trường hợp này, tính từ để định danh phản ảnh một quan niệm được xem là hiển nhiên thời bấy giờ: một cách khái quát, các khoa học tự nhiên tiến hành bằng qui nạp, nghĩa là phát biểu những qui luật tổng quát sau những quan sát lặp đi lặp lại các hiện tượng giống nhau, hơn là bằng suy luận, như cách làm của các khoa học hình thức (logic học và toán học). Tính hiển nhiên này sẽ bị Pierre Duhem, Ernst Mach và, ở một mức nhẹ hơn, Henri Poincaré, ba gương mặt lớn đầu tiên của triết học về các khoa học ở đầu thế kỉ XX, phản bác.
Ernst Mach (1836-1916)
Henri Poincaré (1854-1912)
Pierre Duhem (1861-1916)








Sự nghiệp của ba nhà tư tưởng này diễn ra vào lúc mà tính thống nhất của các khoa học có vấn đề. Điều này có thể giải thích việc các phân tích của họ về khoa học đi cùng với những nỗ lực xây dựng lại các cơ sở. Ví dụ, E. Mach, dựa trên sinh lí học, thử xây dựng lại những đối tượng của vật lí học trên một cơ sở thuần túy giác quan. Như thế ông nghĩ rằng vật lí học có thể thoát ra khỏi mọi thực thể siêu hình. H. Poincaré cũng bị một chương trình duy nghiệm như thế quyến rũ, nhưng ông để lại dấu ấn trong triết học về khoa học nhiều hơn bằng quy ước luận của ông. Thật vậy người ta nhớ đến luận điểm của ông theo đó khuôn khổ hình học của các lí thuyết vật lí là một quy ước được chọn vì những lí do tiện lợi. Từ sự nghiệp của P. Duhem cũng vậy, người ta ghi nhận những phân tích triết lí của ông hơn là nỗ lực đặt cơ sở toàn bộ vật lí học và hóa học trên nhiệt động học. Thật vậy, P. Duhem được biết đến nhất nhờ cách nhìn công cụ luận của ông về khoa học và quan niệm chủ toàn về lí thuyết khoa học. Thành ngữ đầu thể hiện ý cho rằng các lí thuyết khoa học không phải là những giải thích hiện thực mà chỉ là những cách thuật lại các quan sát. Còn thuật ngữ sau thể hiện ý cho rằng một giả thiết không bao giờ bị thử thách tách biệt nhưng là chính cả một mạng những lí thuyết, một cách ngầm ẩn, được kiểm định. Hệ quả là khi có xung đột giữa một lí thuyết và quan sát thì bao giờ cũng có thể cứu vãn lí thuyết này bằng cách thay đổi một giả thiết khác với giả thiết được xem là bị phủ nhận.

Chủ nghĩa thực chứng logic và thuyết kiểm sai

P. Duhem, và sau ông là nhiều nhà triết học Pháp về các khoa học, đặt cơ sở những phân tích triết lí của mình trên những cuộc điều tra lịch sử tỉ mỉ (xem khung “Một phong cách Pháp thực hành triết học về các khoa học”). Nhưng, ngoài Pháp ra, triết học về các khoa học ở đầu thế kỉ XX gần như từ bỏ mọi viễn cảnh lịch sử để quay sang việc mô hình hóa hình thức các lí thuyết khoa học. Trung tâm của triết học mới về các khoa học này đóng tại Wien, quy tụ một nhóm các nhà triết học (Rudolf Carnap, Otto Neurath, Moritz Schlick, v.v.) được biết dưới tên “Câu lạc bộ Wien” (xem bài “Câu lạc bộ Wien và tinh thần khoa học mới”). Lấy cảm hứng từ E. Mach và dựa trên logic hình thức, các triết gia này tìm cách xác lập một ngôn ngữ khoa học thuần khiết không gợn bất kì siêu hình học nào, trong đó mọi mệnh đề, trừ phi là đúng hay sai tùy theo hình thức logic của nó, phải có thể được kiểm tra trên bình diện quan sát. Được đặt tên là “chủ nghĩa thực chứng logic” hay “chủ nghĩa kinh nghiệm logic”, cách tiếp cận này do đó có tính mô tả lẫn hướng dẫn.
Việc quốc xã lên cầm quyền thúc đẩy các thành viên của câu lạc bộ Wien ra nước ngoài tị nạn, chủ yếu là ở Hoa Kì, và tạo điều kiện thuận lợi cho việc du nhập triết thuyết của họ vào thế giới nói tiếng Anh. Nhưng vào đầu những năm 1950, trên bình diện thuần túy triết học, những nguyên lí của câu lạc bộ vấp phải nhiều phê phán có sức tàn phá. Ví dụ, mặc dù đã cố gắng, các nhà ủng hộ chủ nghĩa thực chứng logic không thành công trong việc gán một ý nghĩa thường nghiệm chắc chắn cho tất cả các khái niệm khoa học, đặc biệt cho các khái niệm đánh đồng hiện tượng với sự giải thích hiện tượng (dispositionnels) (thật ra, tuy ta có thể quan sát một cục đường hòa tan thì ta không quan sát được tính tan rã). Do đó, dường như không thể xác lập một ranh giới rõ rệt giữa một phát biểu khoa học và một phát biểu siêu hình. Tương tự như thế, những quy luật tổng quát làm cơ sở cho mọi lí thuyết khoa học tỏ ra là không thể kiểm chứng được; duy chỉ những trường hợp của các quy luật này là có thể kiểm tra được (người ta không thể kiểm tra rằng “tất cả các con quạ đều màu đen” mà chỉ có thể kiểm tra là “tất cả các con quạ từng được trông thấy đều màu đen”). Bởi vậy đành phải thừa nhận rằng những phát biểu khoa học về thực chất là có tính giả thiết.
Karl Popper (1902-1944)
Cuộc khủng hoảng này của chủ nghĩa thực chứng logic đưa đến việc từ bỏ ý tưởng cho rằng nhận thức khoa học thuộc về điều chắc chắn. Vả lại, triết gia Karl Popper, vừa gần với vừa tỏ ra phê phán câu lạc Wien đã biến điểm yếu này thành một phẩm chất. Thay vì tìm cách đặt cơ sở hay xác định nhận thức khoa học bằng điều chắc chắn, ông đã lấy, ngay từ những năm 1930, sự không chắc chắn làm đặc điểm đầu tiên của khoa học. Như vậy ông cho rằng một phát biểu là có tính khoa học nếu phát biểu ấy có thể bị bác bỏ (hay bị kiểm sai). Ngược lại, mọi lí thuyết dựa trên những phát biểu không có khả năng bị bác bỏ được xem là ngụy khoa học. Do đó quan hệ đối với siêu hình học bị đảo lộn. Trong khi những người bảo vệ chủ nghĩa thực chứng logic tự trao nhiệm vụ loại bỏ siêu hình học thì K. Popper bảo vệ ý cho rằng không thể tách rời những cách nhìn siêu hình khỏi tư duy khoa học: vai trò của chúng là giúp phát biểu, độc lập với mọi quá trình qui nạp, những giả thiết nhằm chịu sự thử thách của những kiểm định thực nghiệm (những giả thiết bị bác bỏ phải bị loại trừ). Kể từ những năm 1950, quan niệm này bắt đầu phát huy ảnh hưởng có tính quyết định đến triết học về các khoa học. Tuy nhiên quan niệm đó cũng đặt ra nhiều vấn đề. Ví dụ, nếu duy chỉ tính kiểm sai của một lí thuyết mới là quan trọng thì sẽ không có thể dành cho lập luận quy nạp vị trí nào nữa. Thế mà hiển nhiên là một giả thiết dựa trên một số lớn quan sát không có cùng cương vị với một giả thiết không dựa, hay dựa trên rất ít quan sát. Khẳng định rằng “tất cả các con quạ đều màu đen” sau khi đã nhìn thấy hàng trăm con quạ đen và không có con nào màu khác khác với việc khẳng định điều ấy mà không quan sát một con quạ nào cả.
Rudolph Carnap (1891-1970)
Những khiếm khuyết của cách tiếp cận của Popper nhường chỗ trống cho những người bảo vệ chủ nghĩa thực chứng logic để phát biểu lại những nguyên lí của họ trong một khuôn khổ mềm mỏng hơn. Chính như thế mà khái niệm xác suất xuất hiện mạnh mẽ trong việc phân tích các khoa học, đặc biệt nhờ Rudolp Carnap. Như thế, chống lại K. Popper, R. Carnap đặt lập luận quy nạp ở trung tâm của triết học về các khoa học. Ông thừa nhận là tất nhiên quy nạp không có khả năng đưa chúng ta đến những kết luận chắc chắn, nhưng nó gợi ý những kết luận khả dĩ. Nhưng đây cũng thế, cách tiếp cận này cũng có những giới hạn, vì nhiều phát biểu khoa học, theo một quan điểm thuần túy logic, có một xác suất bằng không là sai. Do đó, chủ nghĩa thường nghiệm logic này, cho dù diễn đạt tinh vi hơn và được biến đổi, không thành công trong việc đưa cấu trúc các lí thuyết khoa học vào trong khuôn khái niệm. Khó khăn này góp phần tạo nên phản ứng duy lịch sử trong những năm 1960-1970 được hiện thân bằng những tác giả như Thomas Kuhn, Paul Feyerabend và Imre Lakatos. 

Phản ứng duy lịch sử

Thomas Kuhn (1922-1996)
Ở những mức độ khác nhau, các tác giả này bác bỏ khía cạnh quy phạm của triết học về các khoa học mà, theo họ, đưa đến một hình ảnh sai lầm về khoa học. Vì muốn nói nhiều quá khoa học phải là như thế nào, các triết gia về các khoa học đã thất bại trong việc mô tả cái khoa học mà các nhà khoa học thực hành. Do đó, theo họ, không phải là logic nữa nhưng là lịch sử các khoa học mới phải là bộ môn phụ trợ của triết học về các khoa học. Ví dụ, trực tiếp nói ngược lại K. Popper, T. Kuhn chỉ ra rằng các nhà khoa học bỏ nhiều thời gian để xác thực các lí thuyết của họ hơn là để bác bỏ chúng. Chính xác hơn, T. Kuhn phát hiện hai giai đoạn khác nhau trong sự tiến hóa của các khoa học. Trong một giai đoạn dài của “khoa học chuẩn định”, các nhà khoa học bận rộn hoàn thiện các lí thuyết thống trị mà không tìm cách đặt chúng thành vấn đề, cho dù chúng có xung đột với các quan sát. Đó là một giai đoạn mà các nhà khoa học ngầm chọn và theo một cách tương đối cứng nhắc một khuôn khổ tư duy được T. Kuhn gọi là “paradigma”. Rồi khi những xung đột giữa một lí thuyết và kinh nghiệm tích lũy dần lên thì một nhóm nhỏ các nhà khoa học, đôi lúc một người độc nhất, có thể thử làm những mâu thuẫn này biến mất bằng việc chọn một paradigma mới. Nếu nhóm (hay người) này thành công và thuyết phục được cộng đồng khoa học với paradigma mới thì sẽ diễn ra một cuộc cách mạng khoa học. Cuộc cách mạng này không bắt nguồn từ việc bác bỏ paradigma cũ nhưng từ việc thiết lập một paradigma mới, thỏa đáng hơn.
Paul Feyerabend (1922-1974)
Tất nhiên, các phân tích lịch sử này có những hệ quả trên quan niệm mà người ta có thể có về bản chất của nhận thức khoa học. Như vậy, T. Kuhn đã thử chỉ ra rằng những khái niệm cơ bản của một bộ môn khoa học thay đổi nghĩa khi ta chuyển từ paradigma này sang paradigma sau, đến độ không nhất thiết quy chiếu về cùng một kiểu đối tượng (ví dụ, thuật ngữ “nguyên tử” có thể biểu trưng cho hai sự vật khác nhau trong hai paradigma nối tiếp nhau). Dựa trên những công trình của triết gia Norwood Hanson, ông cũng đánh giá rằng mọi quan sát chỉ có ý nghĩa trong một khuôn khổ lí thuyết nhất định. Điều này gây khó khăn cho ý tưởng thông thường được thừa nhận lúc bấy giờ theo đó một lí thuyết bị phế truất bằng cách nào đó đã được bao hàm trong lí thuyết thay thế nó, như ví dụ về động thái học của Newton thường được kiến giải là một trường hợp đặc biệt của động thái học Einstein. Từ đó, Kuhn viết rằng hai paradigma nối tiếp nhau là “vô ước”. Thuật ngữ này là nhập nhằng. Ông không muốn nói rằng các paradigma là không thể so sánh được với nhau, nhưng T. Kuhn không bao giờ chỉ rõ bằng cách nào so sánh chúng cả. Bởi thế ông để lơ lửng sự nhập nhằng ấy. Trái lại, chính tận dụng tính nhập nhằng này mà P. Feyerabend kiến giải sự vô ước như một khó khăn để so sánh hai paradigma trên bình diện thực nghiệm. Như vậy, ông cho là các cuộc cách mạng khoa học có thể giải thích một phần bằng những tiến hóa thẩm mĩ, ý thức hệ hay tôn giáo. Một cách kiến giải rất gần với một cách nhìn duy thực về các khoa học. Vả lại, P. Feyerabend thử chứng minh, từ nhiều ví dụ lịch sử, việc không thể trưng ra một phương pháp thật sự khoa học. Điều này khiến ông khẳng định rằng, trên bình diện phương pháp luận, “kiểu gì cũng được”.
Imre Lakatos (1924-1994)
Cảnh giác với khuynh hướng tương đối luận này, I. Lakatos đề xuất một thuyết “kiểm sai tinh vi” được cho là kết hợp những ý tưởng tốt của K. Popper và của T. Kuhn. Từ tác giả đầu, ông chấp nhận ý tưởng rằng động cơ của nghiên cứu khoa học là việc thử thách các quan niệm khoa học. Từ tác giả sau, ông chấp nhận ý tưởng rằng các nhà khoa học tự đặt mình trong một khuôn khổ tư duy – được ông gọi là “chương trình nghiên cứu” – và không tìm cách phản bác nó toàn bộ, nhưng trái lại tìm cách xác thực hạt nhân rắn của khuôn khổ này. Chỉ có những giả thiết phụ trợ mới được thử thách. Nhưng, ngược với T. Kuhn, cho rằng tình hình bình thường trong khoa học là khi hai hay nhiều chương trình nghiên cứu cạnh tranh nhau. Và đối lập với K. Popper, ông cho rằng một chương trình nghiên cứu không thắng thế khi các chương trình khác bị bác bỏ cho dù điều đó củng cố chương trình này, nhưng nó thắng thế khi chương trình ấy cho phép ngày càng có nhiều ước đoán thành công trong lúc các chương trình nghiên cứu khác chỉ có thể giải thích các sự kiện mới bằng những giải thích ad hoc (chương trình này được gọi là tiến bộ và các chương trình khác bị đánh giá là thoái hóa). Vấn đề là, như chính I. Lakatos công nhận, không gì cho biết là một chương trình nghiên cứu thoái hóa tại một thời kì nhất định, sau này không thể trở thành một chương trình nghiên cứu tiến bộ tiếp sau những sắp xếp lại. Thế mà nếu không thể đảm bảo sự hơn hẳn mang tính phát hiện trong tương lai của một chương trình nghiên cứu này hay của một chương trình nghiên cứu khác thì khó nhận ra một tính duy lí hiện lên trong động thái của các khoa học như điều mong muốn của I. Lakatos.


Lịch sử hay logic?

Cách tiếp cận duy lịch sử, được đón nhận tốt bởi một bộ phận các nhà xã hội học về các khoa học, không gặp sự nhất trí của các nhà triết học thường truy tìm tính duy lí của ý đồ khoa học. Theo một số nhà triết học, việc cách tiếp cận hình thức vấp phải những giới hạn trong những năm 1950-1960 là do chỉ sử dụng những công cụ hình thức quá đơn giản (chủ yếu là logic vị ngữ cấp một). Vì thế từ thời kì đó đến ngày nay, nhiều nhà triết học (Nancy Cartwright, Carles Ulises Moulines, Patrick Suppes, Bas Van Fraasen, v.v.) thử tính đến những gì chính yếu trong các lí thuyết khoa học bằng những công cụ hình thức phức tạp hơn (lí thuyết tập hợp, lí thuyết mô hình, logic mốt, v.v.). Chắc chắn là các thử nghiệm này ít ngây thơ và ít mang tính quy phạm hơn cách tiếp cận được những người bảo vệ chủ nghĩa thực chứng logic chọn. Tuy nhiên do vô cùng phức tạp về mặt hình thức nên chắc chắn là triết học mới này về các khoa học sẽ khó khăn hơn những triết học đi trước nó để giao tiếp với lịch sử các khoa học. Thế mà có lẽ sự đối thoại giữa hai bộ môn này là cần thiết để hiểu điều gì làm nên nét đặc thù của khoa học. Như I. Lakatos, khi tán rộng E. Kant, đã viết: “Việc kiến tạo lại một cách duy lí [các khoa học] là trống rỗng; nhưng lịch sử các khoa học mà không có sự kiến tạo lại duy lí là mù lòa”. Đó là dấu hiệu cho thấy là còn lâu mới có câu trả lời cho câu hỏi “Khoa học là gì?”.
Thomas Lepeltier
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: Histoire et philosophie des sciences, Éditions Sciences Humaines, 2013

Thực hành triết học về các khoa học theo kiểu Pháp
Ở Pháp, triết học về các khoa học được kết hợp với lịch sử các khoa học. Pierre Duhem là người có tài trong cả hai lĩnh vực trên. Henri Poincaré, nhà toán học xuất chúng, bác bỏ tính xác đáng của logic trong triết học các khoa học, với lí do là những thủ tục hình thức không thể tính đến chiều kích sáng tạo của các khoa học. Nhà logic học và triết gia Jean Cavaillès có quan điểm chống chủ nghĩa thực chứng logic. Ngược lại, việc hai nhà logic trẻ và xuất sắc (Louis Couturat, Jean Nicod), thiên về sự phân tích hình thức các khoa học, chết sớm đã không thuận lợi cho sự nẩy nở của một trường phái tư duy thật sự theo hướng này. Cuối cùng, ảnh hưởng của triết gia Gaston Bachelard, nhà sáng lập một khoa học luận lịch sử*, đảm bảo cho tính lâu dài của sự hôn phối giữa lịch sử và khoa học các khoa học.
Nhưng, phải thận trọng. Suy tưởng triết học của G. Bachelard nằm trong một cách nhìn lịch sử không có nghĩa rằng lịch sử khoa học là một chất liệu bất động được ông dùng để kiểm định các phân tích của mình. Chính sự tiến hóa của bản thân các khái niệm khoa học đã định hình triết học của ông về các khoa học. Tin tưởng rằng triết gia phải “theo học nhà bác học”, G. Bachelard cho rằng triết học về các khoa học là một “bộ phận nội tại” của các khoa học. Triết học này phải theo các khoa học trong những bước quanh co lắt léo thực nghiệm và bám sát những sáng tạo khái niệm. Do đó sự cần thiết, ví dụ trước những tiến hóa của vật lí hiện đại, xét lại những đối lập cổ điển trong triết học giữa chủ thể và khách thể, trừu tượng và cụ thể, tinh thần và vật chất, v.v.. Và do đó cũng cần thiết bác bỏ ý tưởng về một phương pháp khoa học độc nhất vì chính xác là khoa học phát triển bằng cách thay đổi phương pháp. Bởi thế, đối với G. Bachelard, triết học không còn phân tích khoa học nữa mà chính “khoa học tạo nên triết học”.
Cách tiếp cận này tạo thành trường phái ở Pháp. Đặc biệt, một trong những đại diện nổi bật của nó là Georges Canguilhem. Nhưng các triết gia thiên về logic thường trách ông thiếu chặt chẽ khi thao tác với các khái niệm. Họ được đáp trả rằng hoạt động khoa học phức tạp đến độ là không thể quy giản về phân tích logic.
T. L.
--------------------------
*Thể theo D. Lecourt, L’épistémologie historique de Gaston Bachelard, 1969, réed. Vrin, 2002.

Print Friendly and PDF