30.3.15

Ferdinando Galiani chống lại chủ nghĩa giáo điều kinh tế

Ferdinando Galiani chống lại chủ nghĩa giáo điều kinh tế

Là một học giả phát triển sớm, Galiani quan tâm rất sớm đến quy chế tiền tệ. Ông công kích các luận điểm ủng hộ chủ trương tự do kinh doanh. Và lên án "giáo phái" của những nhà kinh tế học tin vào sự tồn tại các quy luật phổ quát của nhân loại.
Đối với Ferdinando Galiani, sẽ là điều rất nguy hiểm khi đưa ra những kết luận chính trị từ những trừu tượng hóa mang tính phổ quát.
Ferdinando Galiani là một thiên tài bao biện. Quan tâm đến thần học, trong một số những ngành khác, là tác giả bài viết ca tụng Đức Giáo Hoàng Benedict XIV, nhưng ông chỉ là thầy tu trên danh nghĩa. Trong suốt sự nghiệp, ông giữ nhiều chức vụ quản lý hành chính quan trọng, trong đó có Bí thư Đại sứ quán Vương quốc Naples ở Paris, từ năm 1759 đến 1769. Là nhà La tinh học hoàn hảo, ông là tác giả của hai nghiên cứu về Horace, trong đó ông tự so sánh với Horace vì bản thân cũng sáng tác được thơ. Ông viết một cuốn sách về phương ngữ của Naples. Đam mê sử học, địa lý học và khảo cổ học, ông tham gia vào các cuộc khai quật Herculaneum. Thỉnh thoảng là nhà địa chất học, ông đã cố giải thích sự phun trào của núi lửa Vésuve, và suy đoán về nguồn gốc của điện và sấm sét.
Là người khéo nói chuyện, khéo kể chuyện, trào phúng và không trọng truyền thống, nên sự cao hứng, văn hóa và óc hài hước sắc bén của Galiani, như cá gặp nước, được đánh giá cao trong giới thượng lưu ở Paris của những năm 1760. Trong số những người thân thiết với ông có Diderot, nam tước d'Holbach, Grimm - người bảo hộ của gia đình Mozart - và quý bà Madame d'Epinay, người mà những thư từ của ông gửi cho quý bà được xuất bản thành năm tập. Diderot, người mà ông ấy đã hướng dẫn bước đầu về kinh tế học và chính trị học, đã viết về Galiani như sau: "Tôi yêu quý vị cha dòng này đến phát điên". Diderot là tác giả của hai bài viết bảo vệ ý tưởng của Galiani chống lại những người gièm pha ông ấy.

Giá trị và tiền tệ

Là một học giả phát triển sớm, Galiani tiến hành dịch bài tiểu luận của Locke về tiền tệ vào năm 15 tuổi. Hai năm sau đó, ông viết một bài nghị luận về quy chế tiền tệ vào thời điểm xảy ra cuộc chiến thành Troie. Vào năm 19 tuổi, ông viết một trong những tác phẩm nổi bật, mặc dù bị lãng quên trong một thời gian dài, về lịch sử các tư tưởng kinh tế học, Della Moneta. Bản dịch toàn văn đầu tiên của cuốn sách này sang tiếng Pháp được xuất bản năm 2005. Hiện vẫn chưa có bản dịch đầy đủ sang tiếng Anh.
Trong tác phẩm trên, Ferdinando Galiani tập trung vào một chương trình nghiên cứu luôn hiện diện trong nghị trình phân tích kinh tế: sự tích hợp lý thuyết tiền tệ và lý thuyết giá trị. Ông cho rằng giá trị là một mối quan hệ chủ quan giữa số lượng của một tài sản và số lượng của một tài sản khác, một mối quan hệ phụ thuộc vào tính lợi ích và tính khan hiếm. Lợi ích không phải là một đặc tính khách quan của một sản phẩm, mà xuất phát từ khả năng thỏa mãn các nhu cầu của người tiêu dùng, sự khan hiếm tỷ lệ thuận giữa số lượng của một sản phẩm với mức sử dụng thực của nó. Điều này giải thích nghịch lý mà theo đó những sản phẩm có lợi ích rất cao có thể có giá trị thấp và những sản phẩm có lợi ích thấp lại có giá trị cao. Vậy nên Galiani báo trước cuộc cách mạng cận biên và, hơn một trăm hai mươi năm trước William S. Jevons và Carl Menger, phát triển, mà không sử dụng các thuật ngữ ấy, những ý niệm về lợi ích cận biên và độ co dãn của cầu. Cũng giống như các nhà kinh tế học cổ điển, ông phân biệt giá trị nội tại, giá cả bình thường và thường xuyên, với giá trị ngoại lai, điều chỉnh theo dài hạn xung quanh giá trị nội tại.
Đối với Galiani, tiền tệ, nền tảng của "trật tự đạo lý tốt đẹp của vũ trụ", là một hàng hóa được trang bị, giống như bất kỳ hàng hóa nào khác, một giá trị nội tại. Loại hàng hóa-tiền tệ này, để được mọi người chấp nhận, phải được đặc trưng bởi khả năng dễ biết được giá trị của nó, bởi khả năng khó gian lận chống lại nó và bởi độ bền của nó. Những kim loại quý, vàng và bạc, đều đáp ứng được các yêu cầu này. Chúng được sử dụng như tiền tệ bởi vì chúng có một giá trị; khả năng sử dụng chúng như tiền tệ không mang lại giá trị cho chúng. Galiani cũng phân biệt tiền tệ lý tưởng được sử dụng để đánh giá và tiền tệ thật được sử dụng để mua bán. Quân vương không thể cung cấp cho những đồng kim loại đúc giá trị mà ông muốn; giá trị ấy phải phù hợp với giá trị nội tại. Việc lưu hành tiền tệ, theo Galiani, là kết quả chứ không phải là nguyên nhân của sự giàu có. Theo đó, việc thiếu hụt tiền tệ trong lưu thông có thể làm chậm sự phát triển của ngành công nghiệp và gây ra nạn nghèo đói. Ngoài ra, Galiani cũng lên án việc tích lũy tiền tệ trong tay các thương nhân, những "bạo chúa thương mại", những người không tạo ra của cải, ngược với những người trồng trọt hoặc sản xuất hàng hóa, là những người ít hữu ích nhất cho Nhà nước.

Cuộc chiến chống lại những người trọng nông

Đám cưới của nhà vua tương lai Louis XVI với Marie Antoinette, ngày 16 tháng 5 năm 1770, được đánh dấu bởi nhiều sự kiện, mà đỉnh cao là ngày 30 tháng 5, với một màn pháo hoa ngoạn mục trên quảng trường Louis XV. Sự kiện này dẫn đến một bi kịch. Đám đông khổng lồ trên quảng trường nay có tên là Concorde bắt đầu hoảng loạn khi người ta cố tìm đường thoát qua các ngã đường hình phễu và vấp phải làn sóng người đi ngược lại. Người ta đếm được hàng trăm người chết và bị thương sau thảm họa. Ngày 23 tháng 6, Galiani, khi được triệu về Naples, đã viết thư cho quý bà Madame d’Espinay: "Thảm họa ở Paris [...] làm tôi rùng mình. [...] Thưa bà, tôi buộc tội các nhà kinh tế về thảm họa ấy. Họ đã cố rao giảng về sự thịnh vượng và quyền tự do, họ đã cố công kích cảnh sát, trật tự, những quy định". Còn lâu để có được trạng thái cân bằng, quyền tự do đi lại mà không đặt vấn đề trật tự và quy định đã gây ra thảm họa ngày 30 tháng 5. Đối với Galiani, điều đó cũng tương tự trong kinh tế, khi mà quyền tự do kinh doanh không tự nó tạo ra trạng thái cân bằng và hài hòa.
Các nhà kinh tế học mà Galiani nói đến, là những người trọng nông, môn đồ của François Quesnay, những người đầu tiên tự nhận mình trong tên gọi trên. Ở đỉnh cao ảnh hưởng của những người trọng nông trong những năm 1760, họ tin vào sự tồn tại của các quy luật tự nhiên và phổ quát về kinh tế và chủ trương tự do kinh doanh, đặc biệt trong lãnh vực lưu thông và xuất khẩu ngũ cốc. Sau khi quyền tự do xuất khẩu lúa mì được ban hành vào năm 1764, đã xảy ra một loạt các vụ thất mùa, tăng giá và cuối cùng là nạn đói, dẫn đến sự quay trở lại với những quy định chế tài năm 1770, trước khi Turgot khôi phục lại quyền tự do kinh doanh năm 1774. Galiani, người hiểu biết và ngưỡng mộ Turgot, dự đoán rằng quyết định của ông ấy sẽ có những tác động thảm khốc. Cuộc "chiến tranh bột mì" và các cuộc bạo loạn vào mùa xuân năm 1775, dẫn đến sự thất sủng của Turgot, đã chứng minh những lời dự đoán của ông là đúng.
Galiani tự mô tả với quý bà Madame d'Epinay, ngày 14 tháng 7 năm 1770, là "người đầu tiên và là người từ tâm và tài trí duy nhất dám lột mặt nạ những nhà kinh tế học." Ngoài ra ông còn gán cho họ là một "giáo phái nhỏ huyền bí, với những khiếm khuyết của các giáo phái, những biệt ngữ khó hiểu, những hệ thống, sở thích ủng hộ sự đàn áp, hận thù chống lại người ngoài cuộc, miệng nói bừa, và đầu óc gian ác, hẹp hòi" (thư viết ngày 27 tháng 4 năm 1770 cho Trưởng cảnh sát Sartine). Cuốn Đối thoại về thương mại lúa mì của ông, được xuất bản năm 1770, công kích các luận điểm trọng nông bằng cách đối lập một cách nhìn thực nghiệm và thực dụng về các chính sách kinh tế thích nghi cần phải được thích nghi với bối cảnh lịch sử và thể chế mà chúng được áp dụng. Thế giới thực thay đổi và đa dạng hơn rất nhiều so với những gì mà Quesnay và các môn đồ của ông giả định. Thật là một điều nguy hiểm khi đưa ra những kết luận chính trị dựa trên những trừu tượng hóa phổ quát. Một chính sách kinh tế có giá trị ở Anh, chẳng hạn như để tự do xuất khẩu ngũ cốc, có thể hoàn toàn không phù hợp ở Pháp, như những vấn đề mà chính sách này gây ra ở Pháp đã chứng minh. Thời gian và bất trắc đặc trưng cho những vụ việc của con người có thể làm vô hiệu các quy luật đẹp nhất. Nên dè chừng với những thay đổi chính sách đột ngột. Galiani công kích ý tưởng theo đó người ta có thể suy ra một cách lý thuyết các quy luật phổ quát về con người, và ý tưởng khẳng định rằng nền kinh tế có xu hướng tự phát tiến đến cân bằng: "Không có gì sai hơn khi cho rằng tự nhiên nói chung có xu hướng tiến đến sự cân bằng". Ông lên án sự pha trộn giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.
Sách của Galiani là mục tiêu của những cuộc chỉ trích từ những người trọng nông, đặc biệt là Le Mercier de La Rivière trong cuốn sách Lợi ích chung của Nhà nước. Galiani đã đáp trả Le Mercier de La Rivière bằng một bài viết châm biếm, có tựa là Lợi ích chung của Nhà nước, hay quyền tự do ẩu đả. Bài viết này thất lạc từ ​​lâu đã được tìm thấy và xuất bản năm 1979, trong đó Galiani cáo buộc những người trọng nông "luôn quay lại với những ý tưởng mơ hồ và chung chung không có giá trị mà không bao giờ xem xét chặt chẽ việc ứng dụng các lý thuyết, cũng như không xem xét đến các quy tắc ngoại lệ hoặc các tình huống đặc biệt".
Cuộc tranh luận giữa, một mặt, Galiani và những người bạn của ông như Diderot, Holbach và Grimm và, mặt khác, những người theo thuyết trọng nông, là một trong những luận chiến đầu tiên trong cuộc tranh luận trong kinh tế học chính trị còn tiếp diễn cho đến ngày nay, giữa những người tin vào sự tồn tại của các quy luật kinh tế tự nhiên và những người cho rằng chỉ có thể cập nhật những xu hướng gắn với bối cảnh lịch sử và thể chế của các nền kinh tế[1]. Một điều nghịch lí là Galiani có thể được coi như là người báo trước lý thuyết tân cổ điển qua cuốn sách đầu tiên của ông đồng thời là người báo trước thuyết thể chế qua cuốn sách thứ hai của ông.

Ferdinando Galiani qua vài năm tháng

1728: sinh ra ở Chieti, vương quốc Naples, ngày 02 tháng 12.
1735: ông được gửi đến Naples, nơi ông thụ hưởng một sự giáo dục cấp cao dưới sự giám sát của người chú của ông Celestino Galiani, tổng giám mục của Tarente và tổng linh mục tuyên úy của vương quốc.
1737-1741: vào tu viện des Célestins de San Pietro Maiella ở Rome.
1741: trở về Naples, nơi năm sau ông vào học tại viện Accademia degli Emuli.
1745: được phong những chức dòng nhỏ và danh hiệu linh mục.
1747: luận văn chưa được xuất bản, Sullo stato della moneta ai tempi della guerra troiana per quanto ritraesi dal poema di Omero.
1751: tác phẩm Della Moneta.
1754: tác phẩm Della perfetta conservazione del grano.
1755: khai quật Herculaneum, người mà ông viết báo cáo.
1758: tác phẩm Delle lodi di papa Benedetto XIV, để tưởng nhớ Đức Giáo Hoàng qua đời trong năm đó.
1759: được bổ nhiệm làm bí thư Đại sứ quán Vương quốc Naples ở Paris.
1766: Tiến sĩ luật dân sự và giáo luật.
1769: chuyển về Naples.
1770: tác phẩm Dialogues sur le commerce des bleds (Đối thoại về thương mại lúa mì). Được bổ nhiệm làm bí thư Tòa án Thương mại.
1772: “Croquis d’un dialogue sur les femmes (Ký họa một cuộc đối thoại về phụ nữ)."
1777: được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng quản trị di sản của nhà vua.
1779: tác phẩm Del dialetto napoletano.
1782: tác phẩm Dei doveri dei principl neutrali. Được bổ nhiệm làm Giám định viên của Hội đồng tối cao về Tài chính.
1785: bị đột quỵ.
1787: qua đời ở Naples, ngày 30 tháng 10.

Để tìm hiểu thêm

Những tác phẩm của Ferdinando Galiani
De la monnaie, Economica, 2005.
Dialogues sur le commerce des bleds, Fayard, 1984.
La bagarre. Galiani’s “Lost” Parody, Steven Lawrence Kaplan, Martinus Nijhoff, 1979.
Correspondance de Ferdinando Galiani et Louise d’Epinay, Daniel Maggetti, Desjonquères, 5 vol., 1992-1997.
Ferdinando Galiani. Œuvres choisies, Michele Mari, Instituto poligrafico a Zecca dello Stato, 2007.
Nuovi saggi inediti di economia, Achille Agnati, A. Milani, 1974.
Opere di Ferdinando Galiani, Furi Diaz et Luciano Guerci, Ricciardi, 1975.
Những tác phẩm viết về Ferdinando Galiani
Troc, bons d’achat et monnaie: la conception de Ferdinando Galiani, Carlo Benetti, Revue économique, vol. 45, no 5, 1994, pages 1177-1187.
Pre-classical Economists, Mark Blaug (dir.), vol. 2, Edward Elgar, 1991.
Diderot et Galiani: étude d’une amitié philosophique, Rosena Davison, Voltaire Foundation at the Taylor Institution, Oxford, 1985.
A Woman, a Man, and two Kingdoms. The Story of Madame d’Epinay and the Abbé Galiani, Francis Steegmuller, Knopf, 1991.
Introduction à la vie et l’oeuvre de Ferdinando Galiani, André Tiran, trong De la monnaie, Ferdinando Galiani, Economica, 2005.
Gilles Dostaler
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: “Ferdinando Galiani contre le dogmatisme économique” của G. Dostaler trong Alternatives économiques Poche no.057, tháng 10 năm 2012.



[1] Xem về chủ đề này “Les lois naturelles en économie: émergence d’un débat” ("Các định luật tự nhiên trong kinh tế: sự xuất hiện của một cuộc tranh luận") Gilles Dostaler, trong L’homme et la société số 170-171, tháng 9 năm 2008, tháng 3 năm 2009, trang 71-92.

Print Friendly and PDF