Tự do là cội nguồn của tiến bộ
Laura Wallace trò chuyện cùng Amartya Sen
Amartya Sen là một nhân vật quý hiếm: là người Ấn Độ, ông lấy cảm hứng tư tưởng của một nhà kinh tế Scotland thế kỉ XVIII, từ một nhà toán học Pháp và từ một nhà thơ Bengale nổi tiếng và kết hợp thành công triết học, đạo đức và kinh tế học để đề cập một vài vấn đề gai góc nhất của sự phát triển. Con người đầy đam mê và năng động này, thoải mái trích dẫn triết Đông lẫn triết Tây, là người Ấn Độ đầu tiên (và cũng là người Á châu đầu tiên) nhận giải Nobel kinh tế. Tuy nhiên, những nhà lãnh đạo nào hi vọng mời ông tư vấn có khả năng sẽ bị thất vọng. Suốt cuộc đời, ông đều tránh cố vấn các chính phủ, thích nêu quan điểm của mình để công chúng bàn luận. Sen nói với F & D (Finance and Development, chuyên san của IMF – ND): “Tôi thích bàn luận hơn là ban phát những lời khuyên ưu tiên, nhưng tôi cũng nghĩ rằng tranh luận công cộng là động cơ tốt nhất cho sự thay đổi xã hội”.
Khi được trao giải Nobel năm 1998, ông được Viện hàn lâm hoàng gia Thụy Điển vinh danh là đã phục hồi “chiều kích đạo đức” cho cuộc bàn luận những vấn đề kinh tế cốt tử bằng cách kết hợp những công cụ của kinh tế học và triết học. Giải thừa nhận những đóng góp của Sen trong các lĩnh vực lí thuyết lựa chọn xã hội, kinh tế học phúc lợi và đo lường kinh tế. Ông được cho là đã khởi động đổi mới việc đánh giá và ước lượng những bất bình đẳng – qua đó cho phép có những so sánh tốt hơn về phúc lợi xã hội – và làm thay đổi những cách thức các chính phủ phòng ngừa và chống các nạn đói.
Amartya Sen sinh tháng mười một năm 1933 tại Bengale, lúc bấy giờ còn là Ấn Độ thuộc Anh. Gia đình ông cư trú tại Dakkha, nay là thủ đô của Bangladesh. Thời trẻ ông học ở Sankiniketan (không xa Calcuta), và ông chịu ảnh hưởng lớn của người sáng lập trường là Rabindranath Tagore, nhà thơ được giải Nobel văn chương năm 1913. Chính trong những ngày đầu đời này mà Sen phát triển mối quan tâm đến đam mê đối với với nỗi khốn cùng của người nghèo và những người thua cuộc trong xã hội. Ông không thể nào quên cảnh ông đã chứng kiến trong một cuộc bạo loạn những năm 1940 giữa người Hindu và người Hồi giáo, khi một người công nhân Hồi giáo đi tìm việc làm hằng ngày trong khu Sen ở có đa số người Hồi giáo của Dhaka bị đâm trọng thương. Sen kể lại rằng khi nhìn thấy bố ông chở nạn nhân đẫm máu đi bệnh viện ông đã ý thức được rằng “những nguy cơ của việc xác định quá hạn hẹp các căn cước, và của những sự chia rẽ mà những chính sách mang tính cộng đồng có thể hàm chứa”. Sự cố này cũng khiến ông lưu ý đến việc là “sự thiếu vắng tự do kinh tế, dưới dạng sự nghèo khó kì cùng, có thể khiến một con người thành một con mồi dễ bị tổn thương do sự vi phạm những quyền tự do khác”. Năm 1953, ông sang Anh để tiếp tục học ở Trinity College, Cambridge. Từ đó đến nay, ông chưa bao giờ rời khỏi môi trường đại học. Ông đã giảng dạy cả chục trường đại học lừng danh trên thế giới, kể cả Cambridge, Oxford, Harvard và London School of Economics.
Người từng nghĩ đến việc trở thành một học giả về Phạn ngữ trước khi chọn kinh tế học thu hút những lời ca ngợi lẫn phê phán bằng những công trình uyên thâm của mình. Ông dễ dàng chuyển từ những nghiên cứu cực kì có tính kĩ thuật đặt cơ sở trên toán cao cấp (ông từng là Chủ tịch Hội kinh trắc học) sang những nghiên cứu về luân lí và đạo đức (ông là giáo sư triết học và kinh tế học ở Harvard). Có người cho rằng ông phân tán quá và như vậy làm giảm ảnh hưởng tiềm tàng của mình. Tuy nhiên Sen không bị thuyết phục – mỗi lĩnh vực cung cấp những tia sáng soi rọi riêng – và tiếp tục bỏ ngoài tai những lời khuyên như thế về sự nghiệp của ông.
Từ một tư thế kỉ nay, thần tượng của ông là Adam Smith, một nhà Khai sáng thật sự. Có người thấy những điểm tương đồng giữa hai tác giả này. Richard Cooper, một trong những đồng nghiệp của ông ở Harvard, viết trong một bài điểm sách trên tạp chí Foreign Affairs (tháng giêng/tháng hai năm 2000): “Ngày nay, hầu hết các nhà kinh tế né tránh triết học đạo đức – tức là việc tính đến công bằng xã hội – vì họ cho rằng bộ môn này quá “mềm” (tinh tế - ND) để có thể được xử lí bằng một phân tích chặt chẽ”. Còn Sen phục hồi truyền thống xa xưa và phong phú hơn nhằm đánh giá những nhận định về hiệu quả kinh tế – vốn thống trị phần lớn những phân tích kinh tế hiện đại – dưới lăng kính của những hệ quả xã hội của chúng. Những đánh giá như thế đòi hỏi phải có một khuôn khổ đạo đức”.
Lí thuyết lựa chọn xã hội
Trong số những công trình của ông, Sen cho rằng công trình thỏa đáng nhất là đóng góp của ông cho lĩnh vực của lí thuyết lựa chọn xã hội, mà như ông nói với F & D, “đụng đến ngay những nền tảng của nền dân chủ” (xem khung 1). Lí thuyết này bắt nguồn từ những công trình của nhà toán học và lí thuyết gia Pháp của cuộc cách mạng, hầu tước Condorcet. Nhưng chỉ vào đầu những năm 1950, Kenneth Arrow ở đại học Standford (cùng chia sẻ với John Hicks giải Nobel kinh tế năm 1972) mới phát biểu nó dưới dạng hiện đại.
Khung 1Thế nào là lí thuyết lựa chọn xã hội ? Như tuyên bố trao giải Nobel năm 1998 cho Amartya Sen giải thích, khi có sự đồng thuận thì những lựa chọn của xã hội không bị tranh cãi. Khi có những ý kiến khác nhau thì vấn đề là tìm ra những cách thức để hòa giải các ý kiến này nhằm ra những quyết định liên quan đến mọi người. Lí thuyết lựa chọn xã hội quan tâm đến mối liên hệ giữa những giá trị cá nhân và lựa chọn tập thể. Một cách cơ bản, vấn đề là có thể xác định các sở thích của xã hội từ những sở thích của các thành viên hay không, và nếu có thì bằng cách nào. Câu trả lời là mấu chốt cho tính khả thi của việc xếp hạng, hay nói cách khác là đánh giá, những trạng thái xã hội khác nhau và từ đó xây dựng những thước đo xác đáng của phúc lợi xã hội hay trợ giúp việc ra quyết định công cộng. Sen vận dụng lí thuyết lựa chọn xã hội để trả lời những câu hỏi như sau: trong những trường hợp nào thì quy tắc đa số dẫn đến việc ra những quyết định rõ ràng và nhất quán? Làm thế nào đánh giá phúc lợi của toàn xã hội trước những quyền lợi phân tán của các thành viên? Làm thế nào đo mức độ nghèo khó của xã hội trước tính đa dạng của những khó khăn và đau khổ của các cá nhân hợp thành xã hội? Và làm thế nào tôn trọng các quyền và tự do của các cá nhân mà vẫn thừa nhận một cách thích hợp những sở thích của họ? | Đối với Sen, sức quyến rũ của lí thuyết chọn lựa xã hội không chỉ là vẻ đẹp phân tích của nó nhưng còn nằm trong khuôn khổ nó cung cấp cho ông để đề cập những vấn đề chính trị cụ thể – đặc biệt là cách tốt nhất để đo sự tiến bộ. Theo truyền thống, cộng đồng các nhà kinh tế dựa trên thống kê thu nhập quốc gia (như GNP và GDP), những đại lượng đo tổng thu nhập hay tổng sản lượng của quốc gia. Thế mà Sen cho rằng hai con số này là không đủ vì hai lí do: một mặt, chúng không tính đến sự phân phối thu nhập và, mặt khác, phúc lợi và tự do của một cá nhân do nhiều nhân tố phi thu nhập khác – khuyết tật, khuynh hướng nhiễm và bị phơi bày trước bệnh tật, thiếu trường học – xác định. Ông cũng cực lực phê phán việc đếm đầu người như thước đo của sự nghèo khó. Nên chăng đếm số người nằm dưới ngưỡng nghèo hay nên vận dụng một phương pháp tinh vi hơn họ cách ngưỡng này bao xa và mức độ bất bình đẳng là bao nhiêu, kể cả giữa những người nghèo với nhau. |
Năm 1976, Sen đề xuất một thước đo mới cho sự “bần cùng tương đối” của các cá nhân, một khái niệm được giới đại học sử dụng rộng rãi (nếu không phải là giới làm chính sách) và được quan tâm trở lại. Năm 1989, Mabub ul Haq, người bạn tốt của ông yêu cầu ông giúp phát triển một thước đo của phúc lợi xã hội cho báo cáo Human Development Report mới được lên lên kế hoạch của Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP). Sen nói rằng Haq muốn có một con số duy nhất, như đối lập với một vectơ hay một tập những con số, đi xa hơn GDP và có tính đến những nhân tố khác nhau ảnh hưởng đến những khả năng cung cấp cho con người và cho phúc lợi của họ. Nhớ đến cuộc trao đổi giữa hai người, Sen nói với một nụ cười “Tôi nói với ông ta rằng con số này sẽ rất tầm thường và ông ta đáp lại “Vâng, tôi muốn một thước đo cũng tầm thường như GDP nhưng tốt hơn”. Cuối cùng Sen góp phần vào việc thiết lập chỉ số phát triển con người, dựa trên những đặc điểm quan sát được của các điều kiện sinh sống. Với thời gian, chỉ số này trở thành thước đo được chấp nhận rộng rãi nhất để tiến hành các so sánh quốc tế về phúc lợi. Ông nói “nếu bạn thấy chỉ số phát triển con người đặt vấn đề cho GDP nhưng bạn không dừng lại ở đây thì chỉ số đã hoàn thành nhiệm vụ của nó”.
Sen cũng là người tiên phong trong việc nghiên cứu các nạn đói, một chủ đề mà ông quan tâm từ khi còn trẻ khi là chứng nhân của nạn đói năm 1943 ở Bengale. Các công trình của ông dựa trên nguyên lí là dân chúng chết đói vì không có tiền để mua thực phẩm – một quan sát có vẻ là đương nhiên ngoại trừ là hầu hết các nhà bình luận và ra quyết định tin chắc rằng vấn đề này là do sự sụt giảm của sản xuất lương thực. Trong quyển sách Poverty and Famines xuất bản 1981, xem xét nận đói ở Ấn Độ, Bangladesh và các nước Phi châu cận Sahara, ông chứng minh là đã có nhiều nạn đói xảy ra trong khi cung lương thực không sụt giảm, như nạn đói năm 1974 ở Bangladesh khi sản xuất lương thực đang ở đỉnh điểm. Ông cũng đã chứng minh rằng các nạn nhân chính không chỉ là những người ở cuối bậc thang kinh tế mà còn có cả những ai, vì lí do này hay lí do khác, mà nguồn tài chính đột ngột bị giảm. Hệ quả là từ đó các chính phủ tập trung sự can thiệp chống đói vào việc bù đắp cho thu nhập bị mất của người nghèo hơn là đơn giản phân phát lương thực. Một trong những nhận định nổi tiếng khác của ông là chưa bao giờ xảy ran nạn đói nào trong một nền dân chủ. Ví dụ, từ 1958 đến 1960 Trung Cộng trải qua một nạn đói khủng khiếp giết chết 30 triệu người trong lúc Ấn Độ từ sau khi độc lập, một nước nghèo hơn, không còn biết trận đói nào nữa. Sen lập luận rằng, trong một nền dân chủ, thông tin được phát tán nhanh hơn, sự phê phán của công luận dễ dàng hơn nên buộc chính quyền phải phản ứng nhanh chóng trước những tình thế cực đoan.
Nghiên cứu chuyên sâu và kéo dài của ông về bất bình đẳng, đặc biệt là giữa hai giới, dẫn đến lí thuyết “phụ nữ mất tích” của ông: cả triệu phụ nữ ở Bắc Phi, Tây Á, Trung Quốc và Ấn Độ mỗi năm chết sớm do là nạn nhân của sự bất bình đẳng trong việc tiếp cận chăm sóc y tế, sự sao lãng của gia đình và bỏ rơi của xã hội. “Trong lúc tại nhiều nước, sự tử vong quá cao của phụ nữ đã bị kìm hãm hay chặn đứng thì một nhân tố mới xuất hiện góp phần mạnh mẽ vào hiện tượng “phụ nữ mất tích”: đó là việc phá thai có chọn lọc các thai nhi nữ”.
Thấu hiểu dân chủ
Ngày nay lí thuyết lựa chọn xã hội có bất kì ứng dụng thực tiễn nào không? Hoàn toàn có, Sen trả lời. “Tôi không chia sẻ quan điểm của đồng nghiệp [ở Harvard] Samuel Huntington theo đó dân chủ chỉ giới hạn ở việc bầu cử”. Lấy trường hợp của cuộc bầu cử mới đây ở Ấn Độ khi nước này làm cả thế giới – và chính mình – ngạc nhiên bãi nhiệm liên minh cầm quyền do đảng quốc gia thân Hindu (BJP, tức Bharatiya Janata Party) lãnh đạo để bầu cho liên minh do đảng đối lập cũ là đảng Quốc đại lãnh đạo. Ông nói với F & D: “Việc liên minh do đảng BJP lãnh đạo nuôi dưỡng những ngăn cách kinh tế và xã hội (đặc biệt là khai thác các chia rẽ tôn giáo) là một yếu tố then chốt của cuộc tranh luận công cộng. Tuy nhiên đã không ai thấy sức mạnh của sự đối lập chống chính sách chia rẽ này sẽ được thể hiện thế nào qua bầu cử”.
Thứ hai, lí thuyết lựa chọn xã hội giúp chúng ta đo đạc tiến bộ xã hội. Từ nhiều năm nay ở Ấn Độ đã nổ ra cuộc tranh luận sôi động để biết xem là trong thập kỉ qua nghèo khó có bị đẩy lùi hay không, và nếu có thì trong chừng mực nào. Theo Sen, rõ ràng là nghèo khó đã giảm nhưng điều chưa rõ là trong chừng mực nào sự sụt giảm này chỉ liên quan đến những ai đã ở cận ngưỡng nghèo. Ông tiếp tục tin rằng cần thiết phải có một thước đo phúc lợi tổng quát có tính đến diễn tiến của sự bất bình đẳng thu nhập. Thật ra, điều này là đặc biệt quan trọng cho Ấn Độ do nước này giữ một vai trò ngày càng lớn trong một thế giới toàn cầu hóa – vì Sen ủng hộ toàn cầu hóa (xem khung 2). Ông nhấn mạnh là các nhà hoạch định chính sách của Ấn Độ phải có khả năng chứng minh rằng những hệ quả tốt đẹp của toàn cầu hóa được phân phối rộng rãi hơn. Và để làm được điều này Ấn Độ cần phải tiến hành những cải cách sâu rộng hơn nữa trong lĩnh vực giáo dục và y tế.
Với số tiền lãnh giải Nobel, Sen thành lập hai công ti ủy thác (trust), một ở Ấn Độ và một ở Bangladesh, nhằm hỗ trợ sự phát triển giáo dục và chăm sóc y tế căn bản và sự bình đẳng giới. Mới đây Pratichi India Trust đã tìm hiểu vì sao các trường học bị quản lí quá kém và tỉ lệ vắng mặt của học sinh và giáo viên quá cao. Kết quả cho thấy là phụ huynh ít can thiệp vào việc quản lí nhà trường, nhất là khi họ xuất thân từ các tầng lớp thấp. Do đó báo cáo đã khuyến nghị thành lập một ban phụ huynh/giáo viên có quyền thật sự trong mỗi trường, khuyến nghị này được ông tức thì công bố công khai, và dự định làm tiếp như thế cho mọi báo khác của công ti. Thật vậy, ông tham gia tích cực vào hoạt động của hai công ti và thường xuyên về Ấn Độ và Bangladesh để hướng dẫn hoạt động.
Càng có nhiều sự tham gia, càng tốt
Quá nhiều tranh luận công khai có thể cuối cùng khiến các cuộc cải cách kinh tế bị bắt làm con tin không? Sự phát triển há chẳng đòi hỏi những đánh đổi khó khăn kéo theo là những nhóm nhỏ nhưng tích cực lấn át đa số thầm lặng? Ông không chia sẻ ý kiến này. Trước hết, ông đòi hỏi phải có sự tham gia của những ai vì mù chữ, sức khỏe kém, thiếu tín dụng hay bị bất động nên bị loại khỏi thị trường. Tiếp đó, ông đòi hỏi một cuộc tranh luận công cộng rộng hơn về những vấn đề đòi hỏi sự tham gia như giáo dục, y tế, và ngay cả chi tiêu quốc phòng. Ông thốt lên: “Tôi không thấy sự tham gia bắt điều gì làm con tin cả!”.
Sen sẵn sàng chấp nhận rằng một số đánh đổi là tế nhị nhưng phủ nhận hình ảnh về máu, mồ hôi và nước mắt gắn kết với sự phát triển. Ông nói: “Đó chưa bao giờ là cách nhìn của tôi. Sự phát triển là một quá trình có tính tham gia rất lớn và vui vẻ và càng vui vẻ hơn nữa khi mọi người được phép tham gia”. Trong vô số những nét mà ông ngưỡng mộ ở Adam Smith ông ghi nhận là tác giả này rất quan tâm đến những vấn đề phân phối và không hiểu vì sao phát triển phải là “một quá trình kinh tởm và đẫm máu thay vì diễn ra trong niềm hạnh phúc và vui sướng”.
Khung 2Khi Amartya Sen nhấn mạnh Sen bị phê phán, đặc biệt ở Ấn Độ, là đã bị những người chống toàn cầu hóa và chống cải cách lợi dụng khi không lên tiếng mạnh mẽ về một số vấn đề nổi bật ngày nay. Dưới đây là những điểm ông mạnh mẽ làm rõ: Toàn cầu hóa: “Người ta thường bóp méo những gì tôi nói. Tôi không chống toàn cầu hóa, ngược lại là khác! Tôi tin rằng toàn cầu hóa là một hiện tượng tích cực đến độ sẽ là cực kì thê thảm nếu chỉ có vài nhóm người được hưởng những ích lợi của nó và các nhóm khác thì không. Chúng ta cần cải thiện việc phân phối này những ích lợi giữa và trong các nước, giữa các giai cấp, giữa các vùng đô thị và nông thôn. Và bằng cách nhân bội các cơ hội ta mới đạt được điều này”. Cải cách: “Tôi chưa bao giờ chống đối các cuộc cải cách. Năm 1995, cùng với Jean Drèze, chúng tôi viết một quyển sách chủ trương những cải cách triệt để hơn để đáp ứng những nhu cầu cực lớn của Ấn Độ. Một lần nữa, năm 2002, chúng tôi kêu gọi những đổi thay đi xa hơn nữa, mà không giới hạn chúng vào việc phát triển nền kinh tế thị trường; chúng tôi còn chủ trương phát triển nhanh chóng lĩnh vực giáo dục và y tế, tăng tốc việc triển khai cải cách điền địa, phổ biến đại trà tín dụng nhỏ và những cải cách khác về mặt xã hội”. Tư hữu hóa: “Theo hiểu biết của tôi, tôi chưa bao giờ viết gì về tư hữu hóa cả. Bản thân nó không phải là một nguyên lí – như công bằng, tự do hay dân chủ –, nhưng đó đơn giản chỉ là một công cụ. Chúng ta phải xác định khi nào tư hữu hóa là có ích và khi nào là không”. Thị trường: “Các thị trường cho người dân tự do trao đổi sản phẩm. Không có lí do đặc biệt nào để cấm các giao dịch thương mại nói chung cũng giống như không có lí do gì để cấm các cuộc trò chuyện. Cái tự do này là một trong những biện minh cho thị trường. Nhưng có lẽ điều quan trọng hơn là sự thịnh vượng của thế giới trực tiếp gắn kết một phần lớn với những kết quả của các cuộc trao đổi và những tương tác kinh tế (như việc chuyển giao công nghệ). Tuy nhiên thị trường chỉ là một thể chế trong số những thể chế khác. Nó phải đi cùng với dân chủ, tự do báo chí và những cơ hội xã hội để cho dân chúng có quyền đọc và viết, sống một cuộc đời tương đối lành mạnh và tiếp cận được tín dụng. Nếu bạn mù chữ và thường đau ốm thì bạn không thể tham gia vào nền kinh tế và nếu không tiếp cận được tín dụng thì bạn không bao giờ trở thành một doanh nhân lớn mà tiềm năng bạn cho phép trở thành. Hơn nữa, kinh tế thị trường gắn kết với đạo đức kinh doanh. Như Adam Smith bàn luận, chính lợi ích cá nhân là động lực thúc đẩy tham gia thị trường, nhưng nếu không có sự tin tưởng thì thị trường không hoạt động đúng đắn được. Đối với Sen, điều mấu chốt là phải để nhân dân tự lấy các quyết định của mình sao cho họ có thể lựa chọn kiểu sống mà họ ưa thích. Trong quyển sách của ông Development as Freedom[*] xuất bản năm 1999, ông viết rằng phát triển phải được xem như “một quá trình mở rộng những tự do thực tế mà nhân dân có quyền thụ hưởng”. Bởi thế “sự phát triển đòi hỏi việc tháo bỏ những nguồn gốc chính của sự mất tự do: nghèo khó cũng như độc tài, việc thiếu những cơ hội kinh tế cũng như những điều kiện xã hội bấp bênh, việc xem nhẹ những dịch vụ công cũng như sự không khoan dung hay sự trấn áp có hệ thống của Nhà nước”. |
Một lịch hoạt động dày kín
Còn bây giờ? Ở tuổi bảy mươi, Sen không có ý định hoạt động chậm lại, nhất là sau khi được giải Nobel, Air India và Tổng cục đường sắt Ấn Độ chấp nhận chuyên chở ông đến cuối đời. Vào đầu năm 2004, ông quay trở lại giảng dạy ở Harvard, rời khỏi chức giáo sư ở Trinity College, Cambridge. Tuy nhiên người tự nhận là nhà du mục không ngừng tiêu dao khắp thế giới để tham gia hội thảo, nói chuyện với các tổ chức phi chính phủ, giữ liên lạc với quê hương và dành thời gian cho vợ – Emma Rothschild, giám đốc Trung tâm lịch sử và kinh tế học ở King’s College, Cambridge sẽ sang giảng dạy lịch sử ở Harvard trong vài năm tới – và bốn người con (từ hai cuộc hôn nhân).
Là một tác giả viết nhiều (khoảng 25 quyển sách và hơn 250 bài báo), ông đang chuẩn bị bốn tác phẩm mới. Một trong số này, quyển The Argumentative Indian, sẽ ra mắt đầu năm 2005, khai phá một truyền thống tranh luận lâu đời ở Ấn Độ và cách mà truyền thống này thẩm thấu mọi vấn đề từ dân chủ đến chủ nghĩa thế tục. Quyển thứ hai là một tuyển tập những tiểu luận về tự do và công bằng mà một số đã được xuất bản và một số khác đang được viết, như tiểu luận sẽ giải thích vào chi tiết lí thuyết công bằng của ông. Một tác phẩm thứ ba bàn về dân chủ và xem xét cách hoạt động của tranh luận công cộng, vì sao tranh luận này lại hữu hiệu đến vậy và gắn kết như thế nào với những vấn đề như nhân quyền.
Trước mắt, Sen viết một quyển sách tập trung vào khái niệm căn cước. Trong tác phẩm này, ông quay về với chủ đề ưa thích của ông là sự khoan dung – điều bị đánh mất mà ông từng là chứng nhân lúc nhỏ, khi Ấn Độ thời tiền độc lập chìm trong bạo lực tôn giáo. Ông giải thích là ta nhìn bản thân như là thành viên của nhiều nhóm khác nhau và do đó có nhiều căn cước. “Một người có thể là công dân Hoa Kì, gốc Mã Lai, tộc Hoa, theo đạo Thiên Chúa, ăn chay, chơi tennis, làm bếp khéo, yêu người khác tính nhưng ủng hộ người đồng tính, thích nhạc cổ điển, ghét opera, tin vào sự tồn tại của người ngoài hành tinh mà ta cần “khẩn trương” liên lạc – tốt nhất bằng tiếng Anh!”. Ông nói là đối với một cá nhân, mỗi một căn cước này có thể vô cùng quan trọng, nhưng có nguy cơ sẽ có vấn đề khi những người khác khai thác các căn cước này nhằm phân loại con người, hoặc để khuyến khích hoặc để thúc đẩy cá nhân gia nhập một nhóm quá khích và hiếu chiến đối với những nhóm khác. Ông lập luận rằng cảm tính về căn cước có vẻ vô thưởng vô phạt, nhưng đôi lúc có thể dẫn đến những hậu quả khốc liệt.
Sen khuyên rằng điều chúng ta cần là một sự “suy xét sáng suốt” để làm cho thế giới thành một nơi sống tốt đẹp hơn. Điều đặc biệt quan trọng là nhấn mạnh đến vai trò của lựa chọn trong việc quyết định tầm quan trọng tương đối mà chúng ta muốn gán – hay “có lí do để gán” – cho nhiều căn cước cạnh tranh nhau của chúng ta. Một người Hutu được một nhóm người muốn truy hại người Tutsis cố gắng tuyển mộ có thể nhận thức rằng mình cũng là một người Rwanda, một người châu Phi, một con người. Sen nhấn mạnh rằng người này có thể kháng cự lại “sự đê tiện mà người ta muốn áp đặt cho mình”.
Laura Wallace
Tổng biên tập Finance and Development
Nguyễn Đôn Phước dịch
Nguồn: “Freedom as Progress”, Finance and Development, September 2004.
[*] Bản dịch tiếng Việt: Phát triển là quyền tự do, NXB Thống Kê, Hà Nội, 2002 (ND).↩