26.2.16

Những công thức tốt để phát triển

Những công thức tốt để phát triển 

Christian CHAVAGNEUX
Phát triển các nước phương Nam? Không có điều gì dễ hơn, IMF và Ngân hàng Thế giới khẳng định: các chính sách tự do, quản trị tốt và thế là xong. Bằng chứng: đây là cách thức mà nước Anh, ngày hôm qua, và Hoa Kỳ, ngày nay, đã trở thành bá chủ của thế giới. Hoàn toàn sai, Ha-Joon Chang, một nhà kinh tế tại Đại học Cambridge, đáp lại.
Từ lâu, các nước công nghiệp hóa lớn đã không chỉ coi thường chủ nghĩa tự do, mà đã tỏ thái độ từ một cấp độ phát triển các thể chế của họ mà ngày nay được coi là thảm hại. Thử lấy ví dụ của nước Anh. Cho đến giữa thế kỷ XIX, các ngành công nghiệp đã được xây dựng từ các chính sách thuế quan đặc biệt cao, như nhà sử học Paul Bairoch đã chỉ ra, và là người mà Chang lấy cảm hứng nhiều nhất. Và việc bãi bỏ Luật ngũ cốc (Corn Law) nổi tiếng vào năm 1846 (mở đường cho việc nhập khẩu nông sản) là bước đầu tiên cho một sự mở cửa dần dần nền kinh tế... một điều bị bắt đầu đặt lại vấn đề từ những năm 1880.
Paul Bairoch (1930-)

Cũng tương tự đối với Hoa Kỳ, nước chỉ thực sự bắt đầu mở cửa nền kinh tế sau chiến tranh thế giới lần thứ hai. Trước đây, nền kinh tế Mỹ là một nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong giai đoạn 1800-1920, trong khi vẫn là một nền kinh tế bảo hộ nhất. Và sự can thiệp của nhà nước không dừng lại ở đó: tài trợ cho công tác nghiên cứu nông nghiệp, phát triển các cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, v.v.. Người ta còn xa lạ với các khái niệm Nhà nước tối thiểu và mở cửa thương mại bắt buộc mà IMF và Tổ chức Thương mại Thế giới đã yêu cầu!
Ngoài ra, một khi đã thiết lập được ưu thế, nước Anh tìm cách ngăn cản sự phát triển của các nước thuộc địa của họ (đặc biệt là Hoa Kỳ) bằng cách làm cho những nước này quanh quẫn trong việc xuất khẩu các sản phẩm sơ cấp. Đối với những nước độc lập hơn, nước Anh đã sử dụng quyền lực chính trị của mình để buộc họ ký kết các hiệp định thương mại tự do, áp đặt các mức thuế quan thấp đối với các sản phẩm của nước Anh (điều mà ngày nay Hoa Kỳ đòi hỏi qua sự trung gian của các định chế quốc tế...). Đối với các nước đối thủ cạnh tranh, nước Anh tìm cách ngăn chặn sự ra đi của các kỹ sư và các máy móc thiết bị của họ sang các nước khác (để đáp trả lại phát triển hoạt động gián điệp công nghiệp, mua chuộc các nhân viên kỹ thuật bỏ việc...). Từ đó mà phát sinh ý tưởng chủ đạo của Chang: các nước giàu nhất luôn tìm cách rút cầu thang dưới chân những nước có thể leo lên con đường giống họ để bắt kịp họ.
Ha-Joon Chang (1963-)
Điều này đúng với các chính sách thương mại: các nước phương Nam bị ngăn cản thực hành chủ nghĩa bảo hộ và sự can thiệp của một Nhà nước mạnh, điều đã giúp các nước lớn hiện nay phát triển. Điều này cũng đúng ở cấp độ thể chế. Lướt qua trạng thái của các thể chế chính của các nước giàu có tại thời điểm phát triển của họ, Chang chỉ ra một nền dân chủ không có thật hoặc mang tính cục bộ, vị trí thẩm phán được mua bán bởi những người giàu nhất, quyền sở hữu trí tuệ chỉ mới trỗi dậy, sự hình thành các tập đoàn nhiều vô kể, hầu như không có các ngân hàng, các ngân hàng trung ương tối thiểu và chịu ảnh hưởng nặng nề của thế lực chính trị, nguồn thu về thuế thấp, v.v.. Toàn những điều trái với các chuẩn mực của quản trị giỏi! Theo nguyên tắc "làm theo những gì tôi nói và không làm theo những gì tôi làm", người ta muốn các nước phương Nam tái tạo lại – và gần như tức thì – những thể chế mà các nước giàu ngày nay đã mất hàng thế kỷ để xây dựng và nay hiện lên như là kết quả hơn là nguyên nhân của sự phát triển đó. Vì sao? Tác giả cho biết: Lại một cách khác nữa để rút cầu thang dưới chân các nước phương Nam.
Ha-Joon Chang vẫn tỏ ra khiêm tốn. Ông chưa bao giờ quên nhấn mạnh đến những điểm yếu của dữ liệu này hay, của một so sánh khác, và đến tầm quan trọng của các lịch sử quốc gia. Nhưng quan điểm lịch sử về các điều kiện mà các thể chế quốc tế đã áp đặt cho các nước phương Nam, theo những chính sách hoàn toàn ngược lại với những gì mà các nước giàu ngày nay đã thiết lập ưu thế của họ, là một luận cứ then chốt trong cuộc tranh luận.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Les bonnes recettes du développement, Alternatives Economiques n° 206, septembre 2002.
Print Friendly and PDF