17.2.16

Một xã hội dữ liệu không phải là một xã hội thống kê



Một xã hội dữ liệu không phải là một xã hội thống kê

Liệu các máy vi tính, các thuật toán và các cơ sở dữ liệu có thể giúp chúng ta nghĩ khác về xã hội của chúng ta không?
Lev Manovich (@manovich) là một nhà nghiên cứu người Nga di cư sang Hoa Kỳ. Kể từ cuối những năm 1990, và dựa trên nhiều cuốn sách, trong đó có cuốn kinh điển Le Langage des nouveaux médias (Ngôn ngữ của các phương tiện truyền thông mới), ông tự khẳng định như là một trong những nhà tư tưởng quan trọng nhất của kỹ thuật số. Được Claire Richard phỏng vấn trên chương trình phát thanh Place de la toile, ông trả lời câu hỏi trên một cách thuyết phục.
Lev Manovich (1960-)
Manovich giải thích, kể từ thế kỷ 19 đến gần đây, xã hội của chúng ta được đại diện qua các số liệu thống kê. Nhưng số liệu thống kê chỉ quan tâm đến số trung bình. Trong khi đó vào những năm 1830, Adolphe Quételet đo lường chiều cao các binh lính của quân đội Pháp, điều mà ông ta quan tâm, đó là con người trung bình. Và xã hội hiện đại của chúng ta, đồng thuận với các công cụ mô tả là những số liệu thống kê, đã được xây dựng xung quanh hệ chuẩn này... Tất cả điều này diễn ra từ thời của Foucault, như chúng ta đã biết.
Nhưng từ những năm 1960 và cùng với những tiến bộ của điện toán, cơ sở dữ liệu đã xuất hiện. Và ngày nay, internet mở ra cơ hội để lắp đầy các cơ sở dữ liệu ấy bằng vô số các dữ liệu, ngày càng tinh vi hơn. Khi muốn nghiên cứu một dân số, thì không còn là một vài ngàn con số để có thể thao tác, mà là hàng triệu, thậm chí hàng tỷ con số. Và, theo, Manovich, điều đó đã làm thay đổi mọi thứ. Trước đây, khi chưa có điện toán hoặc có ở dạng thô sơ, người ta chỉ có thể phân loại dân số theo một vài hạng mục: nam /nữ, bình thường/bất thường, khỏe mạnh/ốm đau, người Pháp/người nước ngoài, v.v.. Ngày nay, nếu quan tâm đến dân số của một thành phố lớn, bạn có thể tiếp cận với vô số các biến. Vì vậy, bạn có thể tạo ra những hạng mục tuân theo vô số các tiêu chí, và cả các tiêu chí mới. Vì sao điều này quan trọng? Đối với Manovich, có được khả năng tập hợp và phân chia theo một số lượng gần như vô hạn các tiêu chí sẽ làm yếu đi các biểu trưng đại diện cổ điển của các quần thể dân số. Còn giá trị gì nữa những hạng mục cũ về giai cấp, giới tính hay dân tộc, khi mà người ta có thể có được một biểu trưng đại diện chính xác hơn nhiều, chi tiết hơn nhiều các quần thể sinh sống trong một thành phố? Bởi vì từ nay, điều mà chúng ta có thể dựa vào để làm việc đó là các dữ liệu khác: sở thích, sự dịch chuyển, các tập quán văn hóa, tính thời gian, và chúng ta có thể kiểm tra chéo mọi thứ đó theo mọi hướng.
Adolphe Quételet (1796-1874)
Hãy thử tưởng tượng một lúc rằng Lev Manovich có lý. Hãy thử tưởng tượng rằng các công cụ mới sẽ làm xuất hiện những biểu trưng mới, hãy thử tưởng tượng rằng những biểu trưng mới này sẽ làm xuất hiện những nhóm quần thể mới không được hình thành theo những tiêu chí cũ (giới tính, giai cấp, dân tộc ...) mà theo những tiêu chí khác ... Liệu chúng ta có thể hy vọng rằng biểu trưng của chúng ta về xã hội đã thay đổi không? Khi nhận ra rằng các nhóm quần thể mới vượt ngoài các tiêu chí cũ, liệu chúng ta có thể hy vọng rằng chúng loại bỏ các tính khác biệt cũ không?
"Và về thứ bậc giữa các tiêu chí, bạn có thể nói với tôi rằng có những tiêu chí mang tính quyết định hơn các tiêu chí khác không: là nam hay nữ, là điều mang tính quyết định hơn so với việc chọn màu xanh thay vì màu đỏ!" Về điều này, Manovich trả lời: "nhưng thứ bậc là một khái niệm của Thế giới cổ". Trước hết, cơ sở dữ liệu phá vỡ thứ bậc khi đặt tất cả các con số ngang hàng với nhau. Nhưng trên hết, mạng loại bỏ thứ bậc. Khi tạo điều kiện đi từ nội dung này sang nội dung khác, từ một mẩu quảng cáo đến Proust, từ Proust đến một cuốn tiểu thuyết bình dân, từ một cuốn tiểu thuyết bình dân đến Barack Obama, mạng, bằng cách nào đó, đã chuẩn bị cho chúng ta tiếp nhận những biểu trưng mới ấy của xã hội chúng ta, khi mà các thứ bậc cũ không còn hiệu lực. Mọi thứ đều hội tụ vào sự thăng hoa của một xã hội không còn là xã hội của các số liệu thống kê, mà là một xã hội của các dữ liệu, vẫn còn nhiều điều để làm rõ nét.
Xavier de la Porte (1973-)
Vâng, tôi hoàn toàn ý thức được các vấn đề mà điều đó đặt ra. Và hiển nhiên từ quan điểm chính trị. Bởi vì khi nào mà các tiêu chí cũ ấy vẫn còn hiệu lực trong thực tế (việc có một cái tên Ả Rập, việc là người phụ nữ, là người tàn tật, thì điều đó vẫn còn muốn nói lên một điều gì đó), thì các tiêu chí cũ ấy vẫn còn là các đòn bẩy đấu tranh. Nhưng dù sao, nếu các máy vi tính, các cơ sở dữ liệu và các thuật toán có thể cuối cùng thuyết phục được chúng ta rằng các tính khác biệt không tồn tại ở nơi mà chúng ta nghĩ, nếu chúng có thể làm xuất hiện những mức độ gần xa không thích hợp và những tương đồng sâu sắc và cần thiết, thì điều đó sẽ giúp chúng ta tiến bộ một chút.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Print Friendly and PDF