1.2.16

Sự đánh cuộc nhập nhằng về hợp tác khí hậu



Sự đánh cuộc nhập nhằng về hợp tác khí hậu

Benjamin Geminel
Đón chào các nguyên thủ quốc gia ở sân bay Bourget, ngày 28.11.2015.
Việc nhất trí thông qua một thỏa thuận trong khuôn khổ của Liên Hợp Quốc là điều hiếm khi xảy ra đủ cho thấy hội nghị Paris đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lịch sử các quan hệ quốc tế. Kể từ Hội nghị Thượng đỉnh về Trái đất năm 1992 tại Rio, dấu hiệu thực sự xác thực đầu tiên này về một nhận thức phổ quát tạo nên một sự khích lệ đối với cộng đồng khoa học cũng như đối với các phong trào xã hội, những người đã chỉ đường cho những người ra quyết định.
Liệu sự thành công về mặt ngoại giao này có vì thế là một thành công xứng tầm của thách thức khí hậu không? Liệu 196 đoàn đại biểu tham dự hội nghị về biến đổi khí hậu có thực sự sử dụng quyền lực "thay đổi thế giới" của họ, như Tổng thống Pháp François Hollande đã mời gọi, một cách nghiêm túc nhất trên thế giới, trong diễn văn kết thúc hội nghị của ông không?
Không còn nghi ngờ gì nữa, thỏa thuận Paris[1] đánh dấu một bước ngoặt, sự khởi đầu của hồi kết của một kỷ nguyên công nghiệp dựa trên việc khai thác năng lượng hóa thạch và những trao đổi bất bình đẳng về sinh thái giữa các dân tộc. Những cam kết của tất cả các Nhà nước đang đi cùng một hướng, cho dù là nhỏ nhoi và không đầy đủ. Nhưng đó là những mục đích mang tính dài hạn. Và những lợi ích khổng lồ sẽ không bỏ lỡ cơ hội để lan tỏa vào bất kỳ lỗ hổng nào của một văn bản, phát đi một tín hiệu mạnh mẽ, nhưng không mang lại một bảo đảm nào ngoài ý chí của các bên.
Thỏa thuận này sẽ mở cửa cho việc các Nhà nước tiến hành phê chuẩn kể từ ngày 22 tháng 4 năm 2016 và sẽ có hiệu lực khi được 55 trong số các Nhà nước phê chuẩn, tượng trưng cho hơn 55% lượng khí thải khí nhà kính. Những nháy mắt đối với nhiều tác lực được huy động trong dịp này, với những tham chiếu về "trái đất nuôi dưỡng", về một "chuyển đổi đúng đắn" hay việc "tạo ra những việc làm đàng hoàng" không đủ để che giấu hai trở ngại: một mặt, nguy cơ đặt cuộc thái quá vào những tuyên bố ý định và, mặt khác, sự thiếu vắng xem xét nguồn gốc kinh tế của vấn đề.
Do đó, xuất hiện tham vọng không chỉ là "kìm hãm sự gia tăng nhiệt độ trung bình của hành tinh ở mức dưới 2°C so với mức thời tiền công nghiệp", mà còn là, lần đầu tiên, theo đuổi nỗ lực đã tiến hành để "hạn chế sự tăng nhiệt độ ở mức 1,5°C". Tuy nhiên, văn kiện tránh thiết lập các mục tiêu cụ thể cho những năm tới — những mục tiêu then chốt nhất —, hay thậm chí xác định thời hạn cho "trần cao nhất trên thế giới cho khí thải hiệu ứng nhà kính", một mức trần phải đạt được trong những "thời hạn tốt nhất". Văn kiện cũng công nhận rằng sự đóng góp được 188 quốc gia công bố cho đến nay là "không tương thích" với tham vọng trên. Do đó các mức đóng góp này cần được thường xuyên xem xét lại, mỗi năm năm một lần và luôn theo mức tăng lên, kỳ họp đầu tiên dự kiến diễn ra vào năm 2018.

Một hội nghị thượng đỉnh nước đôi

Khi nhấn mạnh đến những "trách nhiệm chung, nhưng có khác biệt", thỏa thuận nhượng bộ là các quốc gia có trách nhiệm và những năng lực rất khác nhau, tạo điều kiện cho "các nước đang phát triển" có nhiều thời gian hơn và linh hoạt hơn trong việc đáp ứng nguyện vọng chung. Thỏa thuận đặc biệt dự báo những phương tiện để giúp các nước này hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch và thích nghi với những tác động đã thực sự diễn ra của các rối loạn khí hậu. Mục tiêu 100 tỷ đô-la mỗi năm (chưa đạt được) từ nay sẽ được xem xét như là một mức "sàn", nhưng không chi tiết hóa nỗ lực của mỗi Nhà nước, và cũng không bảo đảm việc phân phối quỹ còn khiêm tốn so với các khoản trợ cấp công hiện nay đối với dầu hoặc than. Tất nhiên, các bên thừa nhận "vai trò đáng kể của các quỹ công" và "tầm quan trọng của các phương pháp tiếp cận không dựa vào thị trường". Nhưng các bên lại bỏ qua mọi cơ chế cung cấp tài chánh công lâu đời như việc đánh thuế đối với các ngành vận tải hàng hải và hàng không, hay đối với các giao dịch tài chính, thuế suất Tobin nổi tiếng một lần nữa đã được hoãn lại[2].
Laurent Fabius (1946-)
Đỉnh điểm của sự nhập nhằng bao trùm khái niệm về tính "ràng buộc pháp lý" của văn kiện này theo lời của bộ trưởng ngoại giao của nước chủ nhà, Laurent Fabius. Tuy văn kiện ràng buộc các bên nhưng nó không dự báo bất kỳ cơ chế trừng phạt nào — như có thể thấy trong các hiệp ước thương mại —, hoặc bất kỳ thủ tục nào. Văn kiện có đề cập đến vài nghĩa vụ một cách chung chung và không đưa ra bất kỳ cam kết nào khác ngoài cam kết toàn cầu. Hoa Kỳ đã đấu tranh cho đến phút cuối cùng để áp đặt một điều kiện "cần" (should) khi văn kiện gợi lại điều kiện "phải" (shall), một nghĩa vụ được coi là quá chính xác, đặc biệt nghĩa vụ thuộc phận sự của các nước phát triển để "mở đường khi đảm nhận các mục tiêu cắt giảm khí thải."
Những người lạc quan nhất hy vọng rằng thỏa thuận Paris tượng trưng mầm mống của một kế hoạch hóa toàn cầu về sinh thái. Chúng ta còn nhớ là Nghị định thư Montreal về việc bảo vệ tầng ozone còn lâu mới giải quyết được vấn đề vào năm 1987. Chúng ta đã phải đợi hai mươi hai năm để đạt được một sự phê chuẩn mang tính phổ quát và không ít hơn bốn nghị định thư bổ sung (London năm 1990, Copenhagen năm 1992, Montreal năm 1997 và Bắc Kinh năm 1999) để đạt được việc loại bỏ các chất làm suy giảm tầng ôzôn. Tuy nhiên, các lợi ích bị đe dọa thấp hơn rất nhiều, chỉ có bốn công ty chịu trách nhiệm trong việc sản xuất các chất nói trên, được sử dụng chủ yếu trong ngành làm lạnh.
Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch
Nguồn: Le pari ambigu de la coopération climatique, Le Monde Diplomatique, 15 décembre 2015.




[1] Có thể tải về phiên bản tiếng Pháp trên trang web của Công ước khung về Biến đổi khí hậu: http://unfccc.int/resource/docs/201... (PDF).

[2] Xem Serge Halimi, "Après Tobin (Sau Tobin)", trên Le Monde Diplomatique, tháng Hai năm 2012.

Print Friendly and PDF